Nạn giả danh, mạo danh quân đội để lừa đảo và xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ, kích động thực hiện “diễn biến hòa bình” đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nguy hiểm đối với đời sống xã hội. Những âm mưu đen tối đó cần được xử lý nghiêm minh ở cả góc độ pháp lý và đạo lý...
Đánh vào niềm tin, gây hậu quả khôn lường
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, ông đã chứng kiến, trong chiến tranh, giữa chiến trường chống Mỹ, kẻ thù cũng từng tung tin vị tư lệnh A, B đầu hàng, sợ giặc hay đủ thói hư tật xấu để gây hoang mang trong bộ đội, không chắc tay súng. Nhưng lúc đó có kỷ luật chiến trường, toàn quân một ý chí, âm mưu của địch luôn bị thất bại. Nay giữa thời bình, nhưng giữa ma trận xa lộ thông tin và mặt trái của cơ chế thị trường, thông tin xấu tác động vô cùng nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi thông tin ấy có thể ban đầu tán phát từ nội bộ, rồi được kẻ xấu đơm đặt, tô vẽ tung lên internet. Các thế lực thù địch có được những thông tin ấy như đám kền kền lao vào xâu xé, biến thành những quả nổ kích động, gây hậu quả khôn lường. Những luận điệu xuyên tạc vai trò của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, vu khống, bịa đặt thông tin về tình hình biển đảo, quân đội làm kinh tế... là không thể chấp nhận khi mà chính trong thời điểm chúng tung ra những bài viết, clip với nội dung xuyên tạc thì phát biểu chủ trì tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên cuối năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đánh giá Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng năm 2017 có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Đảng bộ Quân đội, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nổi bật là đã tích cực, chủ động kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách lớn, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quân sự, quốc phòng, đồng thời triển khai xử lý hiệu quả các tình huống; tổ chức thành công các cuộc diễn tập; phối hợp phục vụ và bảo đảm an toàn Hội nghị APEC năm 2017; kiên quyết chấn chỉnh tổ chức biên chế quân đội; triển khai Đề án "Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội đến năm 2020"...
Ảnh minh họa. |
Biết bao cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng nơi biên thùy hay những chiến sĩ không quân, bộ binh, pháo binh... đang miệt mài trên bãi tập hẳn cũng sẽ thấy bị xúc phạm trước những thông tin xuyên tạc về lãnh đạo, chỉ huy, khi mà họ đã và đang nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cho nên, thủ đoạn mạo danh, giả danh để xuyên tạc, chống phá đã và đang không chỉ gieo rắc những mâu thuẫn, nghi kỵ trong nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước, xâm hại uy tín, danh dự cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả các tổ chức. Nó còn có thể làm suy giảm niềm tin, danh dự, sức mạnh chiến đấu của cả lực lượng, cả tổ chức, thậm chí gây ra sự bất an trong cộng đồng.
Xử lý mạnh tay hơn nữa về pháp luật
Để đẩy lùi những hiện tượng trên, cần phải kịp thời phân tích, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, thấy rõ được hậu quả, tính chất nguy hiểm của mỗi hành vi mạo danh, giả danh và có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết.
Về mặt pháp luật, hiện nay chúng ta đã có nhiều quy định cụ thể đối với loại tội phạm giả danh, mạo danh. Theo luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội), Điều 265, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc cho thấy, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, gây mất uy tín của cơ quan Nhà nước, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. Người phạm tội có hành vi giả mạo cấp bậc hoặc chức vụ, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu…). Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Tội phạm này không cần dấu hiệu hậu quả. Điều luật này quy định hai hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ quy định hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng".
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị truy cứu theo Điều 121, Bộ Luật hình sự về tội làm nhục người khác, hình phạt tối đa đến 3 năm tù; hoặc Điều 226, Bộ luật Hình sự “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo hình phạt tối đa đến 7 năm tù. Với những hành vi giả mạo liên quan đến các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì còn có thể bị xử lý theo các điều khoản khác, với khung hình phạt nặng hơn.
Song trên thực tế, thời gian qua, nhiều đối tượng giả danh, mạo danh liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia chưa được xử lý nghiêm minh, dẫn đến có dấu hiệu nhờn luật; nhất là với những đối tượng sử dụng internet để “ném đá giấu tay”.
Dư luận cho rằng, để đẩy lùi hiện tượng trên, phải có những quy định chặt chẽ hơn, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đề ra các chế tài nghiêm khắc hơn, khung hình phạt cao hơn. Việc xét xử các đối tượng vi phạm cần được thực hiện tại các phiên tòa công khai, lưu động để mang tính giáo dục, răn đe rộng rãi trong xã hội. Cần phải có chế tài chặt chẽ buộc đối tượng vi phạm phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại đối với không chỉ người bị xuyên tạc, vu khống trong các đơn thư tố cáo mạo danh mà phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại đối với cả cá nhân, tổ chức bị mạo danh.
Lên án nghiêm khắc những hành vi trái đạo lý
Thông tin xuyên tạc, bịa đặt có thể gây ra những tác động ghê gớm đối với đời sống mỗi cá nhân và xã hội. Trò chuyện với phóng viên, có vị tướng nghỉ hưu từng là lãnh đạo một quân khu kể lại câu chuyện có đồng chí chính ủy bị suy sụp, nhũn não và qua đời vì những thông tin tiêu cực tác động ghê gớm đến bản thân.
Chị Mạc Thu Hương, Bí thư chi bộ khu phố nơi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh hoạt cũng cho biết, thông tin kẻ xấu mạo danh ông tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng không chỉ khiến bản thân ông bức xúc mà rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu phố và cả bạn bè, đồng đội của chị ở trong nước và nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm. Bởi đã từ lâu, những vị tướng sinh hoạt tại chi bộ luôn là tấm gương mẫu mực, là cây cao bóng cả và chi bộ là điển hình làm tốt sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Mọi người cũng luôn tin tưởng, trân trọng tài năng, đức độ của các vị tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng thời gian qua. Vì thế, chị Hương cho rằng, với những kẻ mạo danh, giả danh đê hèn, “gắp lửa bỏ tay người” như vậy, cộng đồng phải kiên quyết đấu tranh, lên án.
Một danh nhân đã viết: "Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng, song khi cộng đồng lên tiếng đấu tranh với sự dối trá đó thì chắc chắn sẽ không ai tin kẻ dối trá đó nữa".
Không khó để nhận ra rằng, trong những đơn thư, bài viết mà những kẻ mạo danh núp bóng tố cáo nhằm chia rẽ nội bộ, ít nhiều có những thông tin có thể bị lộ, lọt từ chính một số cá nhân, tổ chức. Có thể do vô tình hay cố ý, những người để thông tin bị tán phát ban đầu chỉ do mục đích cá nhân, nhưng đã không lường trước tác hại nghiêm trọng của nó khi gặp những đối tượng phản động từ bên ngoài lắp thêm “liều phóng”. Để rồi, từ những nội dung không nhằm xây dựng mà nhằm chia rẽ, đấu đá nội bộ, vấn đề được “chuyển hóa” thành những câu chuyện chống phá thể chế, ý thức hệ, chống phá Đảng, Nhà nước.
Ở một đơn vị đoàn thể Trung ương gần đây xảy ra chuyện người đứng đơn tố cáo lãnh đạo xưng là cựu chiến binh, nhưng qua xác minh không có ai tên như vậy và nội dung lá đơn chỉ nhằm hạ bệ lãnh đạo vì hiểu biết rất rõ mọi việc nội bộ. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi lá đơn mạo danh trên do một người có chức có quyền, thậm chí trong nội bộ đơn vị đứng ra viết sau đó ký tên giả. Nếu để những con người này đạt được mục đích đấu đá nội bộ và lên cao thì không thể chấp nhận. Nếu nội bộ có biểu hiện tiêu cực thì phải thẳng thắn đấu tranh phê bình, góp ý cho đồng chí mình. Chỉ có những kẻ đê hèn, động cơ đen tối mới “ném đá giấu tay” làm đơn mạo danh như vậy.
Mỗi cấp ủy Đảng và toàn xã hội không chỉ lên án mà rất cần cảnh giác, đấu tranh và xử lý nghiêm minh với hiện tượng này. Nó cũng là một biểu hiện của hiện tượng “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra, song hiện tượng xấu này lại có thể là bạn song hành, tiếp tay cho các thế lực đang mưu toan “diễn biến hòa bình”.
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH
Những kẻ mạo danh cần bị cả cộng đồng và xã hội lên án, vạch trần bản chất xấu xa, đê tiện của chúng. Pháp luật cần mạnh tay hơn nữa với loại đối tượng phá hoại này. Nếu chúng cứ để chúng nhởn nhơ tiếp tục mạo danh, tung tin xàm, nói bậy trên mạng thì hậu quả mà chúng gây ra đối với xã hội sẽ là rất lớn. Những kẻ này cần phải bị cách ly khỏi cộng đồng, chúng ta không thể châp nhận những kẻ phá hoại đất nước như vậy sống trong cùng xã hội vói chúng ta được
Trả lờiXóaMạo danh cán bộ cấp cao, cán bộ dảng viên nghỉ hưu, giờ lại là giả danh cán bộ tướng lĩnh quân đội để tung tin bịa đặt bôi xấu hình ảnh quân đội, khiến nhân dân hiểu sai về chính sách của Đảng và Nhà nước, rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của sự mạo danh của các thế lực ngày càng leo thang và khiến cho hậu quả của những tin đồn này nghiêm trọng dần theo từng cấp độ. Chúng ta không thể chủ quan và thờ ơ trước sự mạo danh này bởi hậu quả của chúng mang lại là rất to lớn. Chúng ta cần phải có sự phản bác ngay lập tức với từng luận điệu đến từ sự mạo danh này để trả lại sự chính xác nhất về thông tin cho nhân dân cả nước
Trả lờiXóa