Không có tổ chức nào ngoài công đoàn xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động

30/04/2021 05:00

LTS: Sau khi vệt bài "Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam" được đăng tải, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của công nhân, người lao động (NLĐ), lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn khẳng định vai trò quan trọng, hiệu quả của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của công nhân, NLĐ.

Các ý kiến cho rằng, hiện nay không có tổ chức nào tại doanh nghiệp có đủ tính chính danh, sự tín nhiệm và năng lực để thay thế công đoàn trong việc chăm lo bảo vệ lợi ích của công nhân, NLĐ. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến:  

Chị Võ Thúy Hòe, Công nhân Công ty Cổ phần TaeKwang Vina (Biên Hòa, Đồng Nai):

Công đoàn luôn đấu tranh giúp đời sống của công nhân ngày càng tốt hơn  

Tôi đã làm việc tại Công ty Cổ phần TaeKwang Vina đã hơn 23 năm và luôn tin tưởng vào tổ chức công đoàn trong việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của công nhân, giúp đời sống của chúng tôi ngày càng tốt hơn.  

Công ty Cổ phần TaeKwang Vina là công ty sản xuất 100% hàng xuất khẩu, đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 37.000 lao động, với thu nhập bình quân 9,3 triệu đồng/người/tháng. Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty thành lập năm 1996, đã luôn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. 100% công nhân, NLĐ của công ty đều tham gia tổ chức công đoàn.

CĐCS đã chủ động xây dựng, đấu tranh và thương lượng, đàm phán thành công bản Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, tổng lợi ích mang lại cho NLĐ công ty mỗi năm hơn 850 tỷ đồng, một số nội dung như: Tăng thêm số ngày nghỉ có lương và nghỉ việc riêng cho NLĐ; tăng thêm số tiền lương tiền công cho NLĐ làm việc theo ca, tăng ca; tăng tiền thưởng hằng tháng, thưởng dịp lễ 30/4, 2/9, Tết cho NLĐ; các loại trợ cấp: Chuyên cần, đi lại, nhà ở, sinh hoạt...; xây dựng trường mầm non...

Không có tổ chức nào ngoài công đoàn xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động
 Ảnh minh họa: TTXVN

Công đoàn đã chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách trong công ty đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đúng các thỏa thuận đã ký kết. Toàn bộ NLĐ trong công ty được ký hợp đồng lao động và đóng các loại bảo hiểm đúng quy định pháp luật. CĐCS đã luôn gần gũi NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó có các phương án tốt nhất chăm lo đời sống NLĐ. 
—————

Chị Nguyễn Thị Hồng Xuyến, Công ty Samsung Electro-Mechanics Việt Nam:

Doanh nghiệp và công đoàn đã chung tay chăm lo đời sống công nhân

Đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, nhưng khi được nhận vào làm việc ở Công ty Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) tại Thái Nguyên, nơi có tổ chức công đoàn luôn nỗ lực xây dựng các chế độ phúc lợi tốt, tôi cảm thấy yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với công ty. Tôi thấy rằng, không có tổ chức nào ngoài công đoàn có thể đại diện, bảo vệ quyền lợi của công nhân, NLĐ. 

Công đoàn cơ sở Công ty SEMV luôn phối hợp với công đoàn các cấp trong tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa, như: Tặng quà cho NLĐ nhân dịp các ngày lễ, tết, Tháng công nhân; tặng vé xe cho công nhân về quê ăn Tết, tặng quà cho công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm công đoàn và nhà tình nghĩa; hỗ trợ vay vốn, tư vấn, khám sức khỏe cho NLĐ... Công đoàn đã đề nghị để từ đó Công ty SEMV có nhiều chính sách tốt cho công nhân, ví dụ như với đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Ngay khi nữ công nhân có xác nhận mang thai sẽ được tiến hành đăng ký thuộc diện bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, được bảo hộ và tạo điều kiện làm việc trong dây chuyền riêng dành cho bà bầu và bữa ăn đặc biệt; được phép nghỉ ngơi hoặc xuống khám và tư vấn tại phòng y tế trong công ty khi có nhu cầu... Cùng với đó, công ty tổ chức ký túc xá cho công nhân, trong đó có khu tập thể dục-thể thao; tổ chức xe buýt đưa đón công nhân; thường xuyên có hoạt động đối thoại để đoàn viên, NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó công ty kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc và mong muốn chính đáng của NLĐ.

—————

Ông Trần Quang Dũng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:

Chưa ghi nhận nhu cầu thành lập tổ chức đại diện công nhân ngoài công đoàn 

Tôi rất đồng tình với các quan điểm trong vệt bài "Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam". Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ. Công đoàn luôn chủ động thông tin chủ trương, chính sách để NLĐ nắm vững, luôn động viên tinh thần NLĐ thi đua về đích trên các công trình, dự án trọng điểm. Trong thời gian qua, tổ chức công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt đối thoại với NLĐ, xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó kịp thời đề xuất với lãnh đạo tập đoàn các biện pháp giải quyết thỏa đáng, nhất là khi tập đoàn thực hiện rất mạnh việc sắp xếp lại tổ chức, biên chế.

Do vậy, trong thời gian qua tại PVN không có đơn thư khiếu kiện kéo dài, không có tình trạng đình công. Tập đoàn đã gây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, đoàn kết. Mặc dù, tập đoàn đã phổ biến về Bộ luật Lao động 2019 nhưng tại PVN chưa ghi nhận được bất cứ nhu cầu, nguyện vọng nào của công nhân đề xuất thành lập, hay tham gia tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân, NLĐ khác ngoài công đoàn; bởi chắc chắn rằng tại doanh nghiệp không có tổ chức nào sát sao, bảo vệ quyền lợi của công nhân, NLĐ tốt hơn công đoàn.   
—————

Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Phát triển văn hóa doanh nghiệp và truyền thông nội bộ, Công ty Cổ phần công nghệ Sapo:

Công đoàn luôn đề xuất chính sách vì lợi ích người lao động

Công ty Cổ phần công nghệ Sapo rất coi trọng tổ chức công đoàn, coi đây là nơi gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo công ty và NLĐ. Công đoàn công ty luôn đưa ra những đề xuất về chính sách, chế độ mới để cán bộ, công nhân viên của Sapo ngày càng hài lòng hơn với môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp tại đây.

Là một công ty công nghệ có đội ngũ nhân sự rất trẻ, do vậy, chúng tôi xác định phải liên tục đổi mới trong tư duy và cách làm để nâng cao tinh thần, sự gắn kết của toàn thể NLĐ, từ đó, thúc đẩy quá trình làm việc, tạo ra hiệu suất cao, đem lại sự phát triển ngày một lớn mạnh cho Sapo. Hằng năm, Công đoàn Sapo tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động nội bộ như: Tổng kết công ty, du lịch, sinh nhật, hội thao, thi The Voice... Đặc biệt, công đoàn còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện như: Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thallassemia, quỹ từ thiện vì đồng bào miền Trung, tham gia Quỹ "Cặp lá yêu thương"... thu hút đông đảo NLĐ tham gia. Với những hiệu quả trong hoạt động công đoàn, Sapo được tập thể NLĐ đánh giá cao về môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp. Các sự kiện do Công đoàn công ty tổ chức luôn thu hút sự hào hứng tham gia của 100% NLĐ.

—————-

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG:

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của tổ chức công đoàn

Đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, mạng lưới công đoàn được tổ chức đến tổ sản xuất. Để bảo đảm tính độc lập của tổ chức công đoàn, người làm công tác này không tham gia quản lý hay công việc chuyên môn. Chúng tôi đặt ra chương trình với mục tiêu không để NLĐ nào bị vi phạm chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật. Nếu ai phát hiện sai phạm, báo cho công ty, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay. Khi quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng, lãnh đạo công ty nghiêm túc nhận lỗi và khắc phục để bảo đảm đầy đủ mọi quyền lợi của NLĐ. Trong việc này, vai trò của cán bộ công đoàn được phát huy tối đa. Đây cũng là những người gần gũi nhất với công nhân, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, ghi nhận ý kiến của NLĐ.

Công ty chúng tôi có 16.000 NLĐ, trong việc bảo đảm chế độ, chính sách không tránh khỏi có lúc sai sót, nhưng quan trọng là phát hiện kịp thời để nhanh chóng khắc phục. Tôi cho rằng, một trong những vai trò chính của tổ chức công đoàn là phản biện đối với chế độ, chính sách của công ty. Từ nội quy, quy chế đến tất cả chế độ, chính sách liên quan, nếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì công đoàn sẽ kịp thời có ý kiến, phản biện để sửa chữa, hoàn thiện, bảo đảm sát thực tế, bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

—————

Bà Lê Hoàng Thủy Vân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội):

Luôn nỗ lực vì đoàn viên, người lao động

Hiện nay, Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) quản lý 490 công đoàn cơ sở với 29.110 đoàn viên, công nhân viên chức lao động, trong đó có 402 đơn vị doanh nghiệp và 24.667 công nhân lao động khu vực các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, công tác công đoàn cũng chịu tác động không nhỏ, tuy nhiên, bằng nhiều cố gắng, hoạt động của Liên đoàn Lao động quận vẫn được triển khai tích cực, chất lượng và hiệu quả. Mọi đề xuất của công đoàn cơ sở luôn được công đoàn quận xem xét hỗ trợ thỏa đáng. Không chỉ tích cực tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, Liên đoàn Lao động quận đã đồng hành cùng NLĐ, doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Rõ ràng, càng khó khăn, NLĐ càng mong được quan tâm chăm lo và vai trò của công đoàn càng phải thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, công nhân, viên chức, NLĐ trên địa bàn quận có đời sống ngày càng được cải thiện và họ luôn tin tưởng, gắn bó với tổ chức công đoàn.

—————

Bà Nguyễn Thị Khánh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú-Tuyên Quang:

Vai trò của công đoàn được phát huy thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh

Khi đọc vệt bài “Mưu đồ đằng sau việc phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đồng tình với những thông tin được đưa ra. May mặc là một ngành thâm dụng lao động và nhiều công nhân nữ. Qua thực tiễn tại nhà máy, có thể khẳng định, công đoàn là cầu nối quan trọng giữa NLĐ với người sử dụng lao động; tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa các chủ thể tham gia lao động. Khi vai trò của tổ chức công đoàn trong công ty được phát huy hiệu quả thì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được đẩy mạnh. NLĐ yên tâm được bảo vệ các quyền lợi, nhờ vậy, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng đội ngũ lao động vững mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. 

—————

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần:

Luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân

Công đoàn Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần (Hapro) là công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hiện có 23 tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc với 1.681 công đoàn viên. Hapro đã chuyển sang mô hình tổng công ty cổ phần không có vốn Nhà nước từ tháng 6-2018, tuy vậy Công đoàn Tổng công ty vẫn được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Đảng ủy Tổng công ty quan tâm, sát sao, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các nhiệm vụ của tổng công ty đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát huy được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.  

Mặc dù, tổng công ty bị ảnh hưởng và chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nhưng về cơ bản các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Hapro, cùng với lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ; trợ cấp 2 đợt dành cho các đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. Khi có xung đột lợi ích giữa lãnh đạo Hapro và NLĐ, công đoàn tổ chức đối thoại ba bên giữa người sử dụng lao động, NLĐ và công đoàn để giải quyết ổn thỏa, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân, NLĐ.  

Chính là âm mưu phá hoại

28/04/2021 05:00

Tháng Tư lịch sử, khi cả dân tộc Việt Nam hân hoan chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông thì những kẻ có tư tưởng thù địch lại giở luận điệu lèo lái dư luận, bóp méo lịch sử nhằm kích động thù hận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; một số người còn kêu gọi: “Việt Nam không nên kỷ niệm 30-4 nếu muốn hòa hợp dân tộc”(!).

Song, tất cả những lời lẽ phản động và rất bông phèng đó chẳng có nghĩa gì trước một chân lý mà mỗi người Việt Nam yêu nước đều nằm lòng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Điều đó không chỉ được minh chứng bằng lịch sử chung tay dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc mà còn là ý chí quyết tâm từ Bắc vào Nam xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hùng cường.

Lịch sử đã chứng minh, sau khi không thực hiện được dã tâm xâm lược, biến cả nước Việt Nam thành thuộc địa, từ giữa thế kỷ 20, thực dân, đế quốc đã chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam-Bắc và thành lập bộ máy tay sai tại miền Nam để dễ bề cai trị. Song trước ý chí quật cường không để đất nước bị chia cắt của toàn dân tộc Việt Nam, âm mưu của chúng bị phá sản. Dấu mốc lớn nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975, đập tan ngụy quân, ngụy quyền tay sai và âm mưu của quân xâm lược, non sông Việt Nam thu về một mối. Từ đó, cả nước Việt Nam ta đã coi ngày 30-4 là Ngày chiến thắng, ngày hội thống nhất non sông. Nhân dân Việt Nam không kể người Kinh hay người dân tộc thiểu số, miền núi hay miền biển, trong Nam hay ngoài Bắc đều phấn khởi, đoàn kết, chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay dựng xây đất nước, Việt Nam đã và đang có sự phát triển về mọi mặt; "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Các nước trên thế giới cũng hướng về đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hữu nghị với sự nể phục và yêu mến. Việt Nam với tinh thần nhân văn cao cả, sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng, ngay cả những quốc gia từng ở “bên kia chiến tuyến” cũng đã quay lại thiết lập mối quan hệ ngoại giao gắn bó, hợp tác với Việt Nam từ nhiều năm qua.

Thực tế đó đã làm lu mờ “luận điệu tháng Tư” của các thế lực thù địch, năm nào cũng phát lại những "cuốn băng phản động" cũ rích, lỗi thời. Luận điệu của chúng sẽ không bao giờ làm lay chuyển được ý chí hòa bình, thống nhất đất nước của người dân đất Việt bởi đồng bào cả nước đều hiểu rõ giá trị của Chiến thắng 30-4-1975, hiểu rõ nỗi đau chiến tranh và sự chia cắt đất nước. Với dân tộc Việt Nam, kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30-4 là dịp ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của toàn dân tộc, thấm hơn giá trị của đất nước thống nhất, hòa bình, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết để nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải là dịp để kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết. Cho nên, luận điệu đòi “Việt Nam không nên kỷ niệm 30-4 nếu muốn hòa hợp dân tộc” nêu trên chính là sự kích động hận thù-âm mưu đen tối của các thế lực thù địch mà mỗi người cần cảnh giác nhận diện để không mắc phải mưu hèn, kế bẩn của những kẻ muốn chia rẽ khối đại đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam.

DUY VĂN

Bài 2: Công đoàn và sứ mệnh đấu tranh cho tiến bộ (tiếp theo và hết)

27/04/2021 05:00

Có ý kiến cho rằng, hiện nay Công đoàn Việt Nam do bị lệ thuộc tài chính vào giới chủ doanh nghiệp nên luôn hạn chế tổ chức đình công và đấu tranh để đòi quyền lợi cho công nhân, lao động. Và theo họ, chỉ có tổ chức đình công thì mới bảo vệ được quyền lợi công nhân. Vậy sự thật vấn đề này là như thế nào?


“Công đoàn đã làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”

Đó là nhận định của ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) khi nói về Công đoàn Việt Nam (CĐVN). Thực tế cho thấy, CĐVN ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động và khẳng định vị thế trong đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp để mang lại quyền lợi cho người lao động, trên cơ sở những tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Điều này đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

 Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, trong 10-20 năm qua, CĐVN đã có nhiều đổi mới quan trọng, tập trung vào việc thực hiện chức năng cơ bản của mình. Đó là: Thứ nhất, công đoàn kết nạp đoàn viên theo phương thức mới, được gọi là phương thức kết nạp “từ dưới lên”. Khoảng 20 năm trước, có thể sẽ có việc liên đoàn lao động tỉnh, huyện đến gặp các doanh nghiệp và hỏi người sử dụng lao động xem có cho phép thành lập công đoàn không. Khi người sử dụng lao động đồng ý, liên đoàn lao động tỉnh, huyện sẽ để người sử dụng lao động tự thành lập và “quản lý” công đoàn. Nhưng hiện nay, theo phương thức kết nạp từ dưới lên, liên đoàn lao động tỉnh, huyện sẽ đến gặp và nói chuyện với người lao động trước tiên, điều này dẫn tới mối liên kết chặt chẽ giữa người lao động, công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên. Theo ông Chang Hee Lee, đây là một sự thay đổi rất quan trọng, bởi theo phương pháp kết nạp đoàn viên "từ trên xuống" (nghĩa là để người sử dụng lao động tự thành lập và "quản lý" công đoàn) thì công đoàn rất dễ bị chi phối bởi người sử dụng lao động. Còn với cách tiếp cận từ dưới lên, công đoàn nhiều khả năng trở thành tổ chức thực sự vì người lao động và do người lao động.

Thứ hai, nếu nhìn vào thỏa ước lao động tập thể khoảng 10-20 năm trước, đó chỉ đơn thuần là việc ký kết các thỏa thuận mà không có thảo luận thực chất giữa người lao động và người sử dụng lao động. “Nhưng giờ đây, chúng ta có thể thấy quá trình thương lượng thực chất giữa hai bên, dù chưa phải ở tất cả nhưng đã ở khá nhiều doanh nghiệp”, ông Chang Hee Lee nói.

Cũng theo ông Chang Hee Lee, trước kia, thỏa ước lao động tập thể chỉ được thỏa thuận ở cấp doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương đã có thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Điều kiện lao động trong cùng một ngành và ở cùng một địa phương tương đối giống nhau, không có lý do gì chúng ta phải đàm phán tại từng doanh nghiệp, mất rất nhiều công sức. Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp là một bước tiến, một điểm đổi mới quan trọng của CĐVN. “Theo tôi, đây là sự phát triển đúng hướng. Nếu CĐVN  thực hiện nhanh hơn và một cách có hệ thống hơn theo hướng này, điều đó sẽ tốt hơn không chỉ cho người lao động Việt Nam, mà còn cho cả xã hội Việt Nam, bởi nó đóng góp cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội”, ông Chang Hee Lee nói.

Bài 2: Công đoàn và sứ mệnh đấu tranh cho tiến bộ (tiếp theo và hết)
 Các tổ chức công đoàn luôn quan tâm đời sống công nhân lao động. Ảnh minh họa: TTXVN.


Công đoàn không bị lệ thuộc vào doanh nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Bộ luật Lao động 2019 đã nội luật hóa các nội dung của công ước này. Công ước số 98 có 16 điều, gồm ba nội dung cơ bản: (i) bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; (ii) bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động;  (iii) những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.   

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 đã quy định nhiều điều khoản chặt chẽ hơn để phòng, chống các hành vi không công bằng trong lao động (như can thiệp, phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn...). Ngoài ra, Bộ luật không cho phép nhân sự quản lý cấp cao tham gia tổ chức công đoàn, vì như vậy, họ thuộc về phía chủ sử dụng lao động, nên nhiều lúc khó có thể lên tiếng vì người lao động.

Có ý kiến cho rằng, tại Việt Nam, công đoàn bị lệ thuộc về tài chính vào chủ doanh nghiệp nên không thể đấu tranh cho công nhân và người lao động, vì “ăn cây nào, rào cây ấy”. Đây là ý kiến phiến diện, cố tình không hiểu bản chất của vấn đề. Theo Điều 26, Luật Công đoàn 2012, hiện nay, tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu là: 1-Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; 2-Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; 3-Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; 4-Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Trong đó, khoản kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng (là nghĩa vụ đã được pháp luật quy định), sẽ nộp về một tài khoản chung của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trở thành tài sản thuộc sở hữu của Tổng Liên đoàn. Đây là nghĩa vụ của từng doanh nghiệp đối với CĐVN nói chung, không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công đoàn cơ sở tại chính doanh nghiệp mình. Sau đó, Tổng Liên đoàn phân bổ lại cho các cấp công đoàn địa phương, ngành. Như vậy, rõ ràng công đoàn cơ sở không bị ràng buộc, bị lệ thuộc về khoản kinh phí do doanh nghiệp đóng. 

Mục tiêu là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Những người cố tình muốn phủ nhận vai trò của CĐVN cho rằng, do công đoàn không tổ chức đình công nên không thể hiện được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động.

Từ nhiều năm qua, Bộ luật Lao động đã quy định về quyền đình công của người lao động và quyền lãnh đạo, tổ chức đình công của tổ chức Công đoàn. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đình công là vũ khí của tổ chức công đoàn, nhưng công đoàn chỉ sử dụng vũ khí này khi cần thiết. Đảng và Nhà nước ta (kể cả người sử dụng lao động và người lao động) mong muốn, theo đuổi mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước bảo đảm hài hòa, không thiên lệch mới thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. "Khi có bất đồng, mâu thuẫn xảy ra giữa các bên, chúng tôi lấy đối thoại, thương lượng làm đầu. Chúng tôi bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua thương lượng, đấu tranh bằng thương lượng. Điều này giữ được quan hệ tốt đẹp giữa các bên", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, thực tế cho thấy hầu hết các cuộc đình công sẽ gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, sâu xa cũng là gây tổn thất cho công nhân và cho xã hội. Do đó, hiện nay công đoàn các cấp chủ yếu sử dụng phương thức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động và khởi kiện làm chính. Tất nhiên, khi không thể thương lượng, đối thoại được, công đoàn có thể lãnh đạo, tổ chức đình công theo quy định. Không đình công, không có nghĩa là không đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động. "Cách bảo vệ thông minh là bảo vệ ít tốn kém, ít mất mát, hướng tới phát triển bền vững. Công đoàn nhiều nước trên thế giới nhiều năm liền không có một cuộc đình công, nhưng họ vẫn bảo vệ được quyền lợi của người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Ở nhiều địa phương, công đoàn các cấp đã thể hiện thái độ rất cứng rắn với chủ doanh nghiệp có dấu hiệu xâm phạm lợi ích của công nhân, người lao động nhưng không bằng đình công. Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, có doanh nghiệp có 3.000 công nhân, 3 năm liên tiếp vừa qua có dấu hiệu cứ gần Tết là công nhân lại ngừng việc hàng loạt. Tìm hiểu kỹ, LĐLĐ tỉnh phát hiện ra đây là một chiêu trò của doanh nghiệp nhằm tạo cớ để thải loại bớt công nhân, nhất là công nhân có thâm niên, để không phải trả lương cao. Cụ thể, doanh nghiệp cố tình chi thưởng tiền Tết rất ít là 200.000 đồng/người, dẫn tới người lao động bức xúc ngừng việc tập thể, từ đó doanh nghiệp có cớ để đuổi việc một số công nhân. Nắm được nguyên nhân sâu xa nói trên, đích thân Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã vào đối thoại với doanh nghiệp và khẳng định nếu doanh nghiệp không đáp ứng tăng tiền thưởng Tết sẽ tổ chức cho công nhân đình công. Vì vậy, doanh nghiệp đã phải chấp thuận nâng tiền thưởng Tết cho công nhân gấp 10 lần, lên 2 triệu đồng/người. “Chúng tôi đấu tranh vì quyền lợi người lao động nhưng luôn có tinh thần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phát triển thì công nhân mới có việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cương quyết với những hành vi xâm phạm lợi ích công nhân, người lao động”, bà Nguyễn Thị Vân Hà nói.  

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cũng nhắc nhiều tới phương pháp thương lượng giữa công đoàn và người sử dụng lao động. Ông cho rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, là một nghị quyết đặc biệt quan trọng đóng vai trò hướng dẫn các bên tham gia vào quan hệ lao động trong việc quyết định tiền lương và các điều kiện lao động khác. Có 3 điểm quan trọng trong nghị quyết này. Thứ nhất, nghị quyết ghi rõ Nhà nước không tham gia vào quá trình xác lập tiền lương ở cấp doanh nghiệp. Thứ hai, nghị quyết ghi nhận vai trò quan trọng của lương tối thiểu, nhưng đồng thời nêu rõ hạn chế của lương tối thiểu là chỉ để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Không thể dùng lương tối thiểu để quyết định tiền lương thực tế của mọi người lao động. Thứ ba, nghị quyết khuyến khích công đoàn và người sử dụng lao động xác lập tiền lương thực tế thông qua thương lượng tập thể. “Nghị quyết 27 đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO”, ông Chang Hee Lee nói.

Để nâng cao năng lực thương lượng, đối thoại cho cán bộ công đoàn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang rất quan tâm đào tạo về kiến thức pháp luật và kỹ năng thương lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thương lượng tập thể, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở. Tổng Liên đoàn đã xây dựng quy trình và hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết 10 bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp với 106 doanh nghiệp tham gia, 53.572 lao động được hưởng lợi. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đối thoại, thương lương tại doanh nghiệp theo quy định mới của Bộ luật Lao động 2019 và là tiền đề cho các TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp và TƯLĐTT ngành thực chất hơn trong thời gian tới.

Với truyền thống vẻ vang 92 năm hình thành và phát triển, CĐVN đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Được Hiến pháp quy định về vị trí, vai trò, sứ mệnh, với số lượng đoàn viên công đoàn hơn 10,5 triệu người và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, có thể nói, CĐVN là tổ chức hội tụ đủ những điều kiện, tư cách để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, viên chức, người lao động. Chắc chắn người lao động Việt Nam sẽ mãi mãi tin yêu, gắn bó và ra sức xây dựng CĐVN lớn mạnh. Mưu đồ lợi dụng danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của người lao động để phủ nhận sạch trơn vai trò của CĐVN nhằm dọn đường cho những tổ chức bất hợp pháp ra đời ở Việt Nam chỉ là mưu đồ hão huyền của một số người và chắc chắn sẽ thất bại.

Một số kết quả nổi bật về chăm lo, bảo vệ quyền lợi công nhân, người lao động của CĐVN giai đoạn 2018-2020:

-2.564 vụ án được tổ chức công đoàn đại diện người lao động khởi kiện tại tòa án, giúp người lao động nhận được số tiền gần 45 tỷ đồng.

- Chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” tiếp tục được triển khai; đã ký mới 974 thỏa thuận, nâng tổng số thỏa thuận đã ký lên 2.401 bản, có hơn 6,9 triệu đoàn viên, người lao động được hưởng lợi ích từ các thỏa thuận với số tiền là hơn 1.925 tỷ đồng.

- Có hơn 14,475 triệu đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 13.578 tỷ đồng.

- Chương trình Mái ấm Công đoàn đã hỗ trợ xây dựng 9.135 căn nhà cho đoàn viên, người lao động với số tiền gần 364 tỷ đồng.

- Có hơn 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động được vay vốn từ nguồn quỹ trợ vốn dành cho công nhân, lao động nghèo của tổ chức công đoàn với số tiền gần 13.700 tỷ đồng.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Bài 1: Âm mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập

26/04/2021 05:00

Thời gian qua, một số cá nhân hoặc đại diện cho những tổ chức bất hợp pháp đã viết bài trên mạng xã hội và thực hiện một số hoạt động nhằm tuyên truyền phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, xuyên tạc rằng công đoàn đã "bắt tay với giới chủ, đã từ bỏ đấu tranh giai cấp, không còn bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, người lao động".

Từ đó, họ kêu gọi thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do tách ra khỏi công đoàn, với lý do là "để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công nhân, người lao động". Đáng chú ý là các nghiệp đoàn độc lập này được xúi bẩy để nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng, đối lập với Nhà nước và mưu đồ thành lập một lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam.

Mưu đồ xấu đằng sau những mỹ từ “tự do”, “độc lập”

Điều 10 Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như thế có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” được đặt lên hàng đầu đối với tổ chức công đoàn.

Bài 1: Âm mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập
 Công nhân Tổng Công ty May Hưng Yên đang làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: laodong.vn

Thế nhưng, trong thời gian qua, một số tổ chức nước ngoài, một số cá nhân có quan điểm chống đối Đảng, Nhà nước ta đã phủ nhận hoàn toàn vai trò và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Công đoàn Việt Nam gần 92 năm qua. Đặc biệt, là sau khi Bộ luật Lao động 2019 được thông qua, không ít tổ chức từ nước ngoài đã tài trợ tiền bạc, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc để thúc đẩy việc thành lập cái gọi là các "công đoàn độc lập", hay "nghiệp đoàn độc lập", "nghiệp đoàn tự do", dưới chiêu bài là để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động. Có tổ chức phản động đã lên kế hoạch các bước để thành lập "nghiệp đoàn độc lập". Mới đây, một trang tin nước ngoài đưa bài viết của “nhà quan sát hiện sống tại Đức” tuyên bố rất sai trái rằng: “Nghiệp đoàn” tự thân nó là phi chính trị, là đồng hành với người lao động”. Nghiệp đoàn phải độc lập với đảng chính trị cầm quyền, phải độc lập với nhà nước thì mới bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.    

“Nhà quan sát” này cố ý quên rằng, Công đoàn Việt Nam vẫn là pháp nhân đang tồn tại độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tư cách là một đoàn thể chính trị và là tổ chức đại diện người lao động. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công đoàn, vì Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo công đoàn, nhưng không làm thay hay can thiệp công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn hoàn thành sứ mệnh. Độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong quan hệ lao động ba bên (Nhà nước, giới sử dụng lao động, đại diện người lao động). Chính phủ cũng không làm thay hay can thiệp công đoàn, mà chỉ phối hợp để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn. Phải chăng “nhà quan sát” có dụng ý đánh tráo khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm hình thành một lực lượng chính trị đối lập nhân danh dân chủ, nhân quyền và vì quyền lợi người lao động để không tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, chống phá cách mạng Việt Nam?

Có thể thấy rằng, mưu đồ muốn thành lập “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” nói trên, đặt chúng ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chống lại cách mạng Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Không một quốc gia nào chấp nhận một tổ chức hoạt động trên lãnh thổ nước mình mà lại không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó!

Không có chuyện công đoàn né đấu tranh

Ý kiến cho rằng, công đoàn hiện nay "không còn đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động" là hết sức xằng bậy.

Việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động được tổ chức công đoàn các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, từ việc đấu tranh trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, đến tham gia và có tiếng nói mạnh mẽ ở Hội đồng tiền lương quốc gia cho tới những sự vụ thương lượng, đối thoại đấu tranh trực tiếp với người sử dụng lao động để đòi quyền lợi cho người lao động tại từng doanh nghiệp.

Chúng tôi đã có mặt tại TP Bắc Ninh ngày 22-4-2021 để chứng kiến lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc. Tham gia lễ ký có nhóm 7 doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc (ban đầu có 13 doanh nghiệp tham gia) đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh, trong đó có các doanh nghiệp thuộc tổ hợp Samsung Việt Nam. Thỏa ước lao động tập thể này được ký kết sau thời gian dài thương lượng với nhiều phiên họp hết sức gay cấn, mang lại lợi ích cho khoảng 80.000 công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp nói trên. Thỏa ước lao động tập thể này có 19 điều, trong đó quy định cụ thể từ lương thử việc, các chế độ phúc lợi với người lao động, các hình thức trợ cấp, hỗ trợ người lao động với mức hơn hẳn so với các quy định cũ. Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Ninh, để ký được Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp này, LĐLĐ tỉnh đã phải kiên trì tiếp xúc, thương lượng, thuyết phục lãnh đạo các doanh nghiệp trong hơn một năm trời. “Đơn giản nhất như, để thuyết phục được 7 doanh nghiệp nói trên hỗ trợ tiền ăn ca chính lên tối thiểu 20.000 đồng/người là không hề dễ dàng, mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền ăn ca chính là 18.000 đồng/người. Bởi chi thêm 2000 đồng/người/bữa ăn cho hàng vạn lao động thì số tiền sẽ bị tăng lên rất lớn”, bà Nguyễn Thị Vân Hà chia sẻ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất khuyến khích LĐLĐ các tỉnh, thành phố ký kết với các doanh nghiệp các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp như trên. Vì điều này sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp như: Tạo mặt sàn cơ bản về lợi ích nhưng xu hướng chung là người lao động được hưởng các chế độ phúc lợi theo quy định của doanh nghiệp tốt nhất trong nhóm. Doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ dịch chuyển lao động, ổn định được sản xuất.

Trong giai đoạn 2018-2020 của nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn đã ký mới được 6.113 bản TƯLĐTT doanh nghiệp, gấp 4,6 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XI, nâng tổng số TƯLĐTT đã ký kết lên 34.989 bản. Nội dung của các bản thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho người lao động như vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới... 

Cùng với đó, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2020, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Tổng Liên đoàn đã có hơn 300 văn bản tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về quyền lợi của người lao động.

Nếu công đoàn không đấu tranh cho người lao động thì làm sao có Bộ luật Lao động 2019 với nhiều điểm rất có lợi cho người lao động, mà để đạt được điều đó đại diện công đoàn đã nhiều lần phát biểu rất mạnh mẽ, thấu tình, đạt lý để góp ý cho dự thảo Bộ luật. Theo đó, trong Bộ luật Lao động 2019, khung giờ làm thêm được giữ nguyên như quy định hiện hành là 300 giờ/năm, để bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động, mặc dù trước đó ý kiến của các doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm lên tối đa tới 400 giờ/năm, thậm chí có hiệp hội đề nghị tăng lên 600 giờ/năm. Đồng thời, cũng trong bộ luật này, người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ nữa trong dịp Quốc khách 2-9 hằng năm. Cuộc đấu tranh của công đoàn nhằm giảm giờ làm chính thức cho người lao động tuy chưa được chính thức hóa thành quy định của bộ luật nhưng với kiến nghị quyết liệt, mạnh mẽ từ phía Tổng Liên đoàn, Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết kỳ họp, yêu cầu “Căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội vào thời điểm thích hợp”.

Nếu công đoàn không đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì liệu lương tối thiểu vùng có được tăng đều đặn các năm, để trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng 51,4%? Trong các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên từ Công đoàn Việt Nam đã rất quyết liệt, kiên trì, đưa ra nhiều lập luận mang tính thuyết phục cao, đôi khi là những tranh luận gay gắt với giới sử dụng lao động, khi mà nhiều thành viên khăng khăng với việc không tăng lương, để rồi sau đó hằng năm lương tối thiểu đều tăng từ 5,3% đến 14%, góp phần cải thiện đời sống công đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp đều tin tưởng công đoàn

Điều hành một tổ hợp sản xuất công nghiệp lớn với 130.000 lao động, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, đánh giá rất cao vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng như giữ một môi trường làm việc ổn định, hài hòa tại doanh nghiệp. “Tổ chức công đoàn đã tham gia phát triển các hoạt động phong trào nhằm nâng cao hiệu quả năng suất lao động đến chăm lo xây dựng phong phú đời sống tinh thần của người lao động trong và ngoài giờ làm việc. Sự ghi nhận và tin tưởng của chính người lao động cũng như ban lãnh đạo công ty đã thể hiện uy tín của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp. Công đoàn đã thực hiện rất tốt vai trò phối hợp và trực tiếp tham gia vào các hoạt động của công ty", ông Choi Joo Ho nói.

Ông cho hay, 100% các ý kiến, kiến nghị của công đoàn công ty đều được lãnh đạo Samsung Việt Nam tiếp nhận và giải quyết triệt để. “Các ý kiến của nhân viên cùng nội dung phản hồi từ bộ phận chuyên trách đều được dịch sang tiếng Hàn và báo cáo hằng ngày giúp ban lãnh đạo công ty có thể hiểu được chính xác tiếng nói và nguyện vọng của nhân viên. Ban lãnh đạo công ty cũng như ban chấp hành công đoàn cũng chủ động tìm hiểu các vấn đề cần giải quyết, nhằm giảm tối đa các ý kiến phát sinh”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Cũng nhờ sự phối hợp, đề xuất của công đoàn mà khi tới các nhà máy trong Tổ hợp Samsung Việt Nam, có thể thấy những phúc lợi rất tốt cho công nhân như: Hệ thống xe buýt chất lượng cao làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm hằng ngày; ký túc xá dành cho nhân viên cung cấp khoảng 30.000 chỗ ở tiện nghi; mỗi nhà máy đều có trạm y tế đạt chuẩn khám bệnh, đồng thời xây dựng mô hình trung tâm khám sức khỏe liên kết với bệnh viện quốc tế thực hiện thăm khám và tư vấn sức khỏe định kỳ cho toàn thể nhân viên; xây dựng nhiều câu lạc bộ tại mỗi nhà máy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao, nghệ thuật cho toàn thể nhân viên. Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm hơn 70%, Samsung Việt Nam luôn chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ... Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Samsung Việt Nam vẫn luôn bảo đảm để không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.

HỒ QUANG PHƯƠNG

(còn nữa)

Khoác áo “Công đoàn độc lập” để mưu đồ chống phá

 06:57 26/04/2021

Với việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Vấn đề thành lập, tham gia hoạt động của tổ chức tại doanh nghiệp

Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Lao động, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ lâu.

Bên cạnh đó, khoản 2 điều này bổ sung quy định cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp. Quy định về gia nhập, tham gia tổ chức này là rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống.

Bộ luật Lao động cũng quy định, cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tuân thủ quy định pháp luật. Điều 25, Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, Nhà nước ta ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân nhưng việc thực hiện quyền này phải tuân thủ các quy định luật pháp.

Hiện quy định về lập hội được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957; Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005; Luật Tổ chức Chính phủ; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định rõ: “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoat động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội  của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

Cũng theo quy định của Nghị định thì các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn; nếu hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn.


Cảnh giác với âm mưu thành lập Công đoàn độc lập để chống phá đất nước.

Âm mưu của việc thành lập “Công đoàn độc lập”

Trên thực tế, một số đối tượng tổ chức khởi xướng và tự xưng “Công đoàn độc lập Việt Nam” lại không đăng ký, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập và cũng không có kế hoạch, xu hướng xin phép thành lập, điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật, hoạt động trái với quy định pháp luật.

Về động cơ, mục đích, những người khởi xướng cho hội nhóm này đã tuyên bố trên các diễn đàn, mạng xã hội, cho thấy động cơ, ý đồ tiêu cực và họ biết những tổ chức, hội nhóm như vậy sẽ bị chính người lao động lên án nên không dám công khai, minh bạch, không tuân thủ các quy định luật pháp mà chọn theo hình thức âm thầm, tự phát.

Mặt khác, trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, lâu nay chúng ta có hệ thống Công đoàn các cấp, mà cơ quan lãnh đạo cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.

Trong đại dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều hoạt động ở các mức độ khác nhau đồng hành, giúp đỡ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh. Từ đó, đời sống và kinh tế của người lao động phần nào vẫn được cải thiện.

Thực tế cho thấy, bản thân các hội, nhóm nghề nghiệp thành lập hợp pháp ở nước ta rất nhiều, những hội, nhóm này ở các mức độ khác nhau đã đóng góp nhất định cho sự phát triển xã hội. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ là động cơ, mục đích và cách thức hoạt động, những người trong các hội, nhóm đó có năng lực để biểu đạt, thực hiện trên tinh thần xây dựng, vì sự tiến bộ và đời sống cán bộ, công nhân viên hay không.

Ngược lại, lấy danh nghĩa thành lập tổ chức, hội nhóm với cái mác “độc lập” để thực hiệm âm mưu, ý đồ chống phá đất nước, gây hại cho nhân dân thì đó là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa trái với đạo lý người Việt, không thể nhân danh các tổ chức xã hội dân sự để chống lại quê hương, đất nước mình.

Với việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian qua, xuất hiện một số tổ chức tự xưng mang mũ “độc lập", “dân chủ”, “nhân quyền”, như: Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ...

Mục đích chung của các tổ chức này là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc, bóp méo chế độ chính trị; tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta. Về thành phần tham gia những hội, nhóm như trên, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, có các hành vi chống phá bị xử lý hình sự, hành chính.

Với “Công đoàn độc lập”, mặc dù đang trong quá trình vận động thành lập một cách bất hợp pháp nhưng tổ chức này cũng giống các tổ chức kể trên, đó là xuyên tạc, chống phá chế độ, tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các thành viên khởi xướng thành lập đã thể hiện rõ quan điểm, ý đồ lập ra nhằm thay thế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thật khôi hài, một tổ chức thành lập bất hợp pháp, do một nhóm người (trong đó có những đối tượng từng bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật) dựng ra mà lại đòi “đồng hành”, “đại diện” cho công chức, viên chức, người lao động, lại muốn thay thế, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức chính trị được thành lập từ năm 1929 với bề dày lịch sử vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, một tổ chức mà vị trí, vai trò được ghi nhận rõ trong Hiến pháp và pháp luật.

Rõ ràng, những người khởi xướng trào lưu thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” theo xu hướng tự do, thoát ly đều nhận thức đây là tổ chức bất hợp pháp, không được phép tồn tại nhưng họ vẫn cố tình kêu gọi, vận động người dân tham gia với dụng ý xấu. Đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Duy Ngọc

Niềm tin vào “khát vọng hùng cường”

20/04/2021 22:10

Khát vọng hùng cường” đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có mức thu nhập cao vào năm 2045 được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là niềm tin của toàn dân ta. Thế nhưng, lại có những người tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu ấy. Thậm chí, họ còn cho rằng, đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ mà Việt Nam mới phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Như thế, “khát vọng hùng cường” vào năm 2045 là phi thực tế?!

Có thể khẳng định nghi ngờ ấy là thiếu cơ sở. “Khát vọng hùng cường” của Việt Nam được xây dựng bằng một nền tảng thực tiễn rất đáng tin cậy.

Cần nhớ lại rằng, sau 30-4-1975, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ vì chiến tranh. Bom đạn đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất bị phá hủy, phá hỏng nghiêm trọng... Giao thương với thế giới bị thu hẹp. Thế nhưng, từ khi Đại hội VI của Đảng đề ra quyết sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình. Hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu mà nước ta gặt hái trở thành một bài học nêu gương cho nhiều quốc gia trên thế giới. Giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010; 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương với độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới...

Ai cũng biết, việc tăng tốc từ điểm xuất phát thấp bao giờ cũng tốn thời gian và sức lực hơn. Vì thế, tất yếu, để tịnh tiến đến các thành tựu, Việt Nam cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Gần đây, tốc độ “chín” của “quả ngọt” ngày càng tăng nhanh. Tính trong thời kỳ chiến lược 2011-2020, quy mô GDP Việt Nam tăng 2,4 lần, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704, xếp thứ 117 trong tổng số 189 nước, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Đặc biệt, mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam đều rất tích cực, nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương với con số 2,91%. Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.

Với cơ sở vững chắc, đà phát triển mạnh mẽ cùng quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và đại đa số quần chúng nhân dân, việc Việt Nam bứt tốc để gặt hái những thành tựu lớn hơn, đưa khát vọng hùng cường trở thành sự thật sẽ hoàn toàn đạt được.

HUY ĐĂNG

Thủ đoạn “bẻ lái” một số vụ án hình sự trước thềm bầu cử

 07:36 19/04/2021

Trong thời gian qua, các đối tượng thù địch, chống đối, cơ hội chính trị đã luôn tìm cách “bẻ lái”, chính trị hóa một số vụ án hình sự nhằm tạo cớ, tìm kiếm sự can thiệp từ bên ngoài vào Việt Nam, phục vụ hoạt động chống phá Nhà nước.

Các đối tượng suy diễn, cắt ghép thông tin nhằm làm sai lệch bản chất vụ án, vu khống các cơ quan chức năng, quy kết để gây ra sự nghi ngờ, hoang mang trong dư luận quần chúng, nhất là thời điểm chuẩn bị diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Điển hình, vào ngày 9/3, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Quốc Khánh, quê quán tại Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình; ngày 29/3, Công an TP Hà Nội thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Trọng Hùng, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cả 2 đối tượng đều bị bắt theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngay sau khi các đối tượng bị bắt, khởi tố, lập tức trên các trang truyền thông như “Việt Tân”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”, RFA, VOA… cùng facebook, blog của một số phần tử chống đối, cơ hội chính trị đã xuyên tạc, vu khống cơ quan chức năng trong hoạt động khởi tố hình sự đối với các vụ án nói trên. Các đối tượng cho rằng, việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam các bị can trên là “chỉ dấu cho thấy đang có đợt trấn áp trước bầu cử” nhằm bóp nghẹt, bịt miệng các “tiếng nói trái chiều”… Từ đó, họ cổ suý, kêu gọi những người “hoạt động vì dân chủ” lên tiếng đả kích, chống phá trên mạng internet.

Các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị muốn nhân cơ hội này để “tung diều trước gió”, vu cáo các cơ quan chức năng bắt Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng là vì lý do các đối tượng này tự ứng cử.

Với các thông tin sai lệch được đưa lên blog, trang mạng xã hội, các đối tượng xuyên tạc vụ án theo chiều hướng tiêu cực, hướng lái dư luận với mục đích, ý đồ xấu. Trên thực tế, việc điều tra vụ án đối với các bị can trên được tiến hành theo trình tự, thủ tục pháp lý. Việc khởi tố, bắt tạm giam bị can là khi cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ xác định hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cần khởi tố để điều tra, làm rõ, xét xử theo quy định.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên cơ sở luật pháp không phụ thuộc vào thời điểm trước, trong hay sau bầu cử. Do đó, không thể vu cáo cho rằng vì chuẩn bị bước vào thềm bầu cử nên chính quyền Việt Nam mới tiến hành bắt bớ để ngăn chặn số người tự ứng cử. Hoàn toàn không có việc do các đối tượng này tự ứng cử nên mới bị bắt, đó là lập luận sai trái với động cơ xấu.

Ngay sau khi các đối tượng này bị bắt, tổ chức khủng bố Việt Tân đăng thông tin trên website, fanpage với chủ đề: “Tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị bắt giam”. Trong bài viết, tổ chức này đưa ra các luận điệu rằng “chỉ vì phổ biến Hiến pháp và tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà ông Lê Trọng Hùng (facebooker Hùng Gàn Lê), SN 1979, đã bị nhà nước Việt cộng bắt giam với cáo buộc “Tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước”.

Thông tin này được tổ chức khủng bố Việt Tân tung ra nhằm “đánh lận con đen”, lừa bịp, dẫn dắt dư luận theo hướng Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt chỉ vì ứng cử đại biểu Quốc hội chứ không phải vì hành vi phạm pháp, chống phá Nhà nước. Tuy nhiên, khi đăng tải thông tin lại bỏ đi bản chất vụ án là các đối tượng đã có quá trình dài vi phạm pháp luật hình sự, bất chấp các hoạt động giáo dục, ngăn ngừa của cơ quan chức năng.

Trong bài viết “Bắt những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội: sự vi phạm Hiến pháp” vào ngày 29/3, trang RFA đăng tải thông tin vu cáo rằng “trước lúc bị bắt, vào ngày 18/3, trên Facebook cá nhân của mình, ông Lê Trọng Hùng đã đăng tải các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội”.

Dẫn lời của một đối tượng chống đối chính trị trong nước, RFA quy kết: “Việc bắt ông Lê Trọng Hùng với một vị bác sĩ đang ứng cử đại biểu Quốc hội, thì tôi thấy họ chà đạp lên chính luật pháp mà họ đặt ra. Bắt vào thời điểm khác còn có thể bào chữa cho việc bắt bớ, đàn áp tự do ngôn luận. Bắt ngay lúc người dân được tự do ra ứng cử thì rõ ràng họ muốn nói việc ứng cử không phải việc của dân”.

Thực tế, việc bắt và khởi tố các đối tượng theo quy định của pháp luật được các cơ quan tố tụng làm rất chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo đúng người, đúng tội, song các phần tử chống đối, cơ hội chính trị lại cố tình định hướng, xuyên tạc để làm sai lệch bản chất của vụ án nhằm hướng dư luận theo hướng tiêu cực. Sự điều chỉnh của pháp luật đối với các hành vi là khách quan, bất kỳ ai, vị trí nào, nếu sai phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, theo các điều khoản tương ứng.

 Do đó, không có cớ gì khi các đối tượng này vi phạm pháp luật hình sự, hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm lại không bị khởi tố. Thời điểm diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là lúc mà các đối tượng chống đối ra sức tuyên truyền chống phá, bản thân các đối tượng cũng nhân cơ hội này để tăng cường “múa bút”, tuyên truyền xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước, nhân dân nên việc bị cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật là lẽ hiển nhiên. Khởi tố vụ án hình sự đối với các bị can có hành vi vi phạm pháp luật hình sự là việc làm cần thiết để đảm bảo giá trị pháp lý căn bản, đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm hại.

Nguyễn Huân

Không thế lực nào có thể ngăn cản khát vọng vươn lên của toàn dân tộc

19/04/2021 05:00

Đại hội XIII của Đảng xác định tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta phát triển trong 5 năm, 10 năm, 25 năm nhân dịp các mốc son lịch sử của dân tộc và Đảng ta. Mục tiêu ấy không chỉ khích lệ, động viên, thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) mà còn chủ động tạo ra thế và lực ngày càng ổn định, vững vàng để đưa đất nước bứt phá, phát triển cùng thời đại.

 Nhưng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại xuyên tạc việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước như vậy là viễn cảnh hão huyền, viển vông.

Một lối suy diễn quy chụp, vô lương

Tìm đủ chiêu trò để bôi nhọ, xuyên tạc nhằm chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là âm mưu, thủ đoạn không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị. Việc Đảng ta tổ chức Đại hội XIII thành công rất tốt đẹp trên mọi phương diện, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, khiến những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị càng thêm cay cú. Họ không chỉ phủ nhận nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng mà còn cố tình đánh lạc hướng dư luận bằng những cái nhìn thiển cận, hẹp hòi và suy diễn ác ý về những điểm mới được xác định trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Họ cho rằng, các quan điểm và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đưa ra trùng lắp, chống chéo, cái nọ cản trở cái kia nên khó có thể thực hiện được. Họ rêu rao việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” chỉ là những chiếc bánh vẽ ghi trong văn kiện Đảng”; còn việc “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mục tiêu tuyên truyền “vẽ voi trên giấy” của tuyên giáo Cộng sản Việt Nam sau Đại hội XIII”, là thái độ mị dân của những người cộng sản “chỉ nói hay mà không làm”... 

Từ cái nhìn sặc mùi phản động đó, họ đã bộc lộ rõ tim đen của những kẻ chống phá quyết liệt đối với Đảng và chế độ ta: “Còn chuyên chế cộng sản lãnh đạo thì người Việt Nam không có quyền tự do, dân chủ, hạnh phúc và cũng không có khát vọng phát triển thịnh vượng, hùng cường”!

Không thế lực nào có thể ngăn cản khát vọng vươn lên của toàn dân tộc
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: TTXVN). 

Cơ sở khoa học để từng bước hiện thực hóa khát vọng chính đáng, nhân văn

Việc Đảng ta đưa ra tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu từng bước đưa nước ta phát triển trong 5 năm, 10 năm, 25 năm nhân dịp các mốc son lịch sử của dân tộc, không chỉ khích lệ, động viên, thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH mà còn chủ động tạo ra thế và lực ngày càng ổn định, vững vàng để đưa đất nước bứt phá, phát triển cùng với xu thế phát triển của thời đại.

Sau nhiều năm giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đặc biệt năm 2020 trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, phần lớn các nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm thì nước ta vẫn giữ được mục tiêu kép là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa giữ mức tăng trưởng dương. Năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521USD, đứng thứ sáu ASEAN.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB) thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam phải ở mức 4.046-12.535USD/người/năm. Khi đó, quy mô GDP năm 2025 của Việt Nam cần đạt từ 410 tỷ USD (mức cận dưới) đến 1.260 tỷ USD (mức cận trên). Nếu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 ở mức 6,7-6,8% (tương đương với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020) thì đến năm 2027 Việt Nam sẽ vào nhóm nước thu nhập trung bình cao.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5000USD. Như vậy, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mục tiêu phấn đấu “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” là có cơ sở. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, mục tiêu phấn đấu “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” cũng có căn cứ hiện thực, vì mục tiêu này dựa trên các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với nguồn lực, khả năng hiện tại và triển vọng phát triển của đất nước.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho Việt Nam dựa trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội; đồng thời phù hợp với những chuẩn mực quốc tế về quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

Tầm nhìn, khát vọng phát triển của Việt Nam không phải dựa trên ý chí chủ quan, không phải là tâm lý “con hát mẹ khen hay” như một số luận điệu rêu rao mà điều này được giới truyền thông quốc tế nhận định là có cơ sở. Báo The Washington Times (phiên bản báo in) của Mỹ ngày 9-4 vừa qua đăng bài viết đánh giá Việt Nam đã thành công trong việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhà nước; đồng thời nhận định Việt Nam có một quá trình phát triển kinh tế đáng kinh ngạc khi vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Mặt khác, Việt Nam đã có được sự ổn định về mặt chính trị, tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức thu nhập của người dân trong những năm tới.

Mới đây, nhiều hãng truyền thông uy tín tại Romania, như: Hãng thông tấn quốc gia Agerpres, Romaniatv.net, Republicatv.ro, Proarges.ro, Digi24.ro,... cũng nhận định, vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, quy mô nền kinh tế đứng thứ 48, nhưng đến nay, xếp hạng của Việt Nam đã tăng 11 bậc, đứng thứ 37 thế giới. Dù con đường phát triển còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng có cơ sở để tin tưởng Việt Nam từ ngưỡng thu nhập trung bình sẽ gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Mỗi con người có khát vọng đã là điều đáng quý. Càng quý trọng hơn khi mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia dân tộc đều có khát vọng cao cả để hy vọng làm được những điều tốt đẹp, góp phần làm thay đổi cuộc sống, xã hội theo chiều hướng tích cực, văn minh, tiến bộ; qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.

Do đó, ngăn cản khát vọng vươn lên của một dân tộc không chỉ là thái độ phản lại những giá trị tiến bộ của nhân loại mà còn là hành vi chà đạp lên ước nguyện chính đáng của gần 100 triệu người Việt đang chung tay góp sức, nỗ lực đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh. Những luận điệu sai trái đó nhất định sẽ bị phủ nhận hoàn toàn bởi niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, như lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường 2045 “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ và tinh thần Đại hội Đảng XIII đề ra, là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được. Cha ông ta đã làm nên những trang sử hào hùng, được viết bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ. Chúng ta có niềm tin mãnh liệt rằng: Tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta và dân tộc ta”.

THIỆN VĂN