Truyền thông kiểu "Chiến tranh lạnh"

QĐND - Bạn Nguyễn Trung Thành ở Thái Học, Thái Thụy, Thái Bình và một số bạn đọc có thư hỏi: Gần đây tôi thấy đài RFA đăng phát những bài viết mang thông tin sai lệch, xuyên tạc thực tế ở Việt Nam. Vậy thực chất đài RFA là gì?                 
Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin cung cấp thông tin như sau: Đài RFA (Radio Free Asia) - Đài Châu Á tự do ban đầu được đặt dưới sự quản lý của CIA nhằm tuyên truyền chính sách của Hoa Kỳ tới các quốc gia được coi là thù địch. Mặc dù được chuyển thành một công ty tư nhân nhưng RFA vẫn hoạt động dựa vào nguồn ngân sách do Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Vì vậy, tiêu chí hoạt động của RFA vẫn là xuyên tạc, bóp méo thông tin, tung hỏa mù nhằm bôi nhọ các quốc gia đi ngược lại chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ.
Những thông tin mà RFA xây dựng vẫn trên luận điệu đầu độc, gây ngộ nhận, kích động bất mãn trong nhân dân đối với Đảng và Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu chính nhằm gây bất ổn chính trị tại Việt Nam, thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" nhằm thay đổi thể chế chính trị hiện tại. Những thông tin, ngôn từ mà RFA đưa ra có vẻ "chính thống", nhưng thực chất chủ yếu nhằm đánh lừa và đầu độc thính giả.
Một nguyên tắc mà các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới thường đặt ra là sự khách quan, trung thực, tôn trọng thông tin đa chiều. Nhưng đối với RFA thì họ không thực hiện theo tiêu chí cơ bản đó. Thay vì đưa tin trung thực về đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam, dưới chiêu bài “dân chủ - nhân quyền - tôn giáo”, RFA thường xuyên lặp đi lặp lại những luận điệu vu cáo, xuyên tạc... nhằm bôi nhọ Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong những bài viết của RFA, không có một bài viết nào công nhận sự ổn định, phát triển hay những thành tích mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được. Những đối tượng mà RFA hướng đến, "tôn vinh" là những đối tượng tự xưng là các nhà “hoạt động cho dân chủ, nhân quyền” nhưng mục đích là chống phá Việt Nam. Thủ đoạn mà đài RFA thường dùng là mớm lời, giật dây cho những kẻ trái quan điểm bày tỏ sự bất mãn, tự tạo dựng những hình ảnh thê lương, bi đát về Việt Nam, sau đó RFA đăng tải lại kèm theo câu nói “mang quan điểm của người viết” hoặc “nội dung bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài RFA”, nên RFA tiếng Việt tự cho phép mình cái quyền được đăng tải các bài viết vu cáo, xuyên tạc và bịa đặt nhưng lại tỏ vẻ khách quan, trung thực.
Đánh giá về thái độ và hoạt động của RFA tiếng Việt đối với Việt Nam, từ năm 2007, Trần Đình Hoàng - một người Việt sinh sống ở Ô-xtrây-li-a đã nhận xét: Với lối làm truyền thông theo kiểu "Chiến tranh lạnh", không ngạc nhiên khi phần lớn các chương trình phát thanh của RFA hoàn toàn tập trung vào mục tiêu gây bất ổn định cho Việt Nam. Những chiêu bài mà RFA đặc biệt quan tâm khai thác tối đa là tự do, dân chủ, tôn giáo. Họ không ngại dựng chuyện, biến từ chuyện không có thật thành những chuyện như thật. Họ không xấu hổ khi sẵn sàng nói sai sự thật.
Mặc dù giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ đối tác song phương nhưng RFA vẫn là công cụ của một số chính khách Hoa Kỳ có quan điểm chống phá Việt Nam. Họ sử dụng RFA để tạo áp lực, gây bất ổn về chính trị ở Việt Nam nhằm mục đích thay đổi thể chế, mục tiêu XHCN mà Việt Nam đang hướng tới. RFA chính là một trong những "vòi bạch tuộc" trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của những thế lực thù địch hướng vào Việt Nam.

QĐND

Phải chăng tự do tôn giáo là không có giới hạn ?

Ngay sau khi ông H.Bi-e-lê-phen - Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của LHQ, kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam, một loạt báo đài như BBC, RFA, VOA,... và một số blog ở trong, ngoài nước vội vã công bố tin bài khai thác một phần từ nội dung cuộc họp báo của ông tại Hà Nội ngày 31-7, để làm ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Nhà nước Việt Nam.
Ðọc tin bài của BBC, RFA, VOA,... và một số blog ở trong, ngoài nước sau khi ông H.Bi-e-lê-phen tổ chức họp báo tại Hà Nội, không khó nhận ra người ta cố tình tảng lờ việc ông cho rằng các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được cải thiện hơn trong các năm gần đây, họ chỉ soi mói vào những điểm gọi là "giới hạn tôn giáo". Trước hết cần nói rõ là ông Báo cáo viên mới chỉ đưa ra một phát biểu, một thông báo báo chí; và đại diện của Việt Nam cũng nêu rõ, việc xử lý của chính quyền trong một số trường hợp là việc làm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh trật tự, kỷ cương phép nước mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều thực hiện để giữ vững sự ổn định xã hội, được nhân dân và hàng triệu tín đồ tôn giáo chân chính hoan nghênh. Ðó là sự thật và do đó, đề cập tới tự do tôn giáo, không thể không nhắc tới giới hạn của tự do tôn giáo, vì đó là hai mặt của một vấn đề.
Theo Ðiều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thì tôn giáo hay tín ngưỡng có thể phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định, các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản, quyền tự do của những người khác. Các quy định tương tự cũng được đề cập trong khoản 2 Ðiều 9 Công ước châu Âu về nhân quyền. Vì thế, đánh giá các "giới hạn tôn giáo" ở một quốc gia cần có cái nhìn tổng quát, khách quan, dựa trên điều kiện cũng như hoàn cảnh lịch sử, đồng thời chú ý tới hiện tượng mà rất nhiều bằng chứng cho thấy, tuy cùng là một sự việc nhưng lại có những đánh giá khác nhau, có khi còn trái ngược nhau.
Một thí dụ là việc đánh giá về tổ chức Scientology. Scientology (tạm dịch là Khoa luận giáo) ra đời, phát triển nhất tại Mỹ. Ở đây, tổ chức này được công nhận là một cộng đồng tôn giáo và được hưởng chế độ miễn đóng thuế cho các nhà thờ. Tuy nhiên ở châu Âu, lại có chỉ vài nước công nhận Scientology là tổ chức hay phong trào tôn giáo. Ở CHLB Ðức, tháng 6-1997, tại Hội nghị thường niên của Bộ trưởng Nội vụ các tiểu bang đã thống nhất đưa ra nghị quyết sử dụng cơ quan bảo vệ hiến pháp (tức cơ quan tình báo đối nội) để theo dõi Scientology. Thông thường, trước khi một tổ chức bị cấm tại CHLB Ðức, cơ quan chuyên trách sẽ phải theo dõi chặt chẽ và thu thập bằng chứng, khi có đầy đủ chứng cứ sẽ tiến hành thủ tục cấm. Thông tin thu thập cho thấy tổ chức này có những hoạt động mang tính chất chính trị chống lại chế độ xã hội.
Năm 2004, Scientology đã phát đơn kiện ra tòa án hành chính Cologne, nơi cơ quan tình báo đối nội Liên bang đặt tổng hành dinh. Ðơn của Scientology bị bác. Năm 2008, qua một phán quyết thủ tục phúc thẩm, Tòa án hành chính tối cao tiểu bang Nordrhein-Westfalen xác nhận bản án của thủ tục sơ thẩm. Ở Pháp cũng vậy, Quốc hội có những biện pháp cứng rắn với tổ chức này và cơ quan tư pháp cũng đã ra tay. Vì hoạt động của Scientology mà ngày 25-10-2009, người đứng đầu tổ chức tại Pháp bị tòa án tuyên phạt hai năm tù treo và 30 nghìn ơ-rô; ngoài ra, hai chi nhánh của Scientology bị phạt 600 nghìn ơ-rô. Cũng tại Mỹ, mọi người hẳn chưa quên sự kiện Osho (1931 - 1990).
Theo tác giả Hoàng Liên Tâm: "Osho dạy một loại thiền mới, một loại thiền động (dynamic meditation) mà ông lấy từ Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn giáo (Hinduism), Phật giáo, Lão giáo (Taoism), Thiên chúa giáo (Christianity) và một vài tư tưởng triết học nổi tiếng đương thời, rồi pha trộn thành của mình", "Ông đã thiết lập được một làng tâm linh tu học rộng lớn cách thị trấn An-te-lốp 12 dặm với một giảng đường rộng 88,000 phút vuông, một sân bay nhỏ, 4.000 hội viên thường trú, một số được trang bị súng phòng thủ".
Tại Mỹ, từng xảy ra một số sự kiện liên quan tôn giáo do Osho đứng đầu như: va chạm với cư dân địa phương, "thành phố từ chối cấp giấy phép xây cất và ra lệnh triệt hạ các cơ sở xây dựng không có giấy phép. Khi các viên chức chính quyền địa phương ngăn cản việc xây cất không phép thì văn phòng chính quyền bị nhóm người lạ mặt ném chất nổ", "Hai phụ tá cao cấp của Osho là Xa-li An, Xu-dan Ha-gan bị truy tố liên quan đến một số tội ác, bao gồm cả tội dự mưu ám sát luật sư công tố C.Tơ-nơ và bác sĩ riêng của Osho. Hai phụ tá này bị kết tội 5 năm tù với tội danh âm mưu ám sát luật sư công tố liên bang C.Tơ-nơ, trong việc ngăn chặn việc đóng cửa nông trại. Một số phụ tá khác của Osho chạy thoát về Thụy Sĩ, ở đó họ còn nắm giữ một số trương mục ngân hàng cho tổ chức "Osho"... Về sau, "Osho bị bắt giữ vì đã liên tiếp vi phạm luật di trú Hoa Kỳ. Ông bị kết tội môi giới làm giả hôn nhân cho những đệ tử mang quốc tịch Ấn kết hôn với những đệ tử mang quốc tịch Mỹ để hợp pháp hóa việc định cư. Osho cũng bị truy tố về tội khai man trên các giấy tờ di trú. Năm 1987, Osho nhận tội, bị phạt 400 nghìn USD và trục xuất khỏi Mỹ". Nên lưu ý, dù hiện nay thiền theo tinh thần của Osho đang được một số người ở Việt Nam sùng bái và lúc cao điểm cái gọi là tôn giáo do Osho đứng đầu có khoảng 200 nghìn hội viên và 600 trung tâm tu học trên thế giới, nhưng Osho vẫn bị trục xuất khỏi Mỹ !
Một vấn đề khác liên quan giới hạn tôn giáo cũng đã tranh cãi gay gắt ở châu Âu. Các tổ chức theo đạo Hồi kịch liệt phản đối việc cấm phụ nữ ở Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha mặc áo choàng che kín toàn thân theo quy định của đạo Hồi khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vi phạm quy định này, ở Pháp có hai phụ nữ đã phải hầu tòa và bị phạt tiền. Những người theo đạo Hồi cho đây là một vi phạm tự do tôn giáo. Nhưng điều cấm đó lại không có ở Ðức và quốc gia khác ở châu Âu. Nhiều khi giới hạn tôn giáo chỉ có trong một hoặc vài khu vực của một quốc gia. Thí dụ, ở Thụy Sĩ, trên cơ sở cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 22-9-2013, tại tiểu bang Te-xin cũng cấm mặc áo choàng che kín toàn thân theo quy định của đạo Hồi khi xuất hiện nơi công cộng. Ở CHLB Ðức, việc trùm khăn che đầu của nữ giới - một hành động được coi là thái độ biểu hiện sự ngoan đạo của phụ nữ theo đạo Hồi, bị cấm đối với nữ giáo viên khi làm việc, nhưng chỉ ở các tiểu bang Ba-va-ri-a, Ba-đen Vu-ten-bớc, Béc-lin, Bre-men, He-xen, No-rên Vét-pha-len. Ðiều cấm đó đôi khi được giới hạn trong phạm vi nhỏ. Ngày 24-9-2003, một phán quyết của Tòa án Hiến pháp CHLB Ðức (Tòa án cấp cao nhất) cũng gây tranh cãi trong cộng đồng đạo Hồi về giới hạn tôn giáo.
Người kiện là một phụ nữ theo đạo Hồi muốn trở thành giáo viên trường công lập và đòi được chấp nhận cho trùm khăn che đầu khi làm việc. Sau khi bị từ chối tuyển dụng, cô đã kiện qua tất cả các Tòa án trong hệ thống pháp luật. Các tòa đã thống nhất quan điểm: Sự giới hạn tôn giáo đó là đúng luật vì công chức phải có thái độ trung lập về tôn giáo khi thi hành nhiệm vụ. Ở Mỹ cũng có các giới hạn tôn giáo. Theo Ðiều bổ sung số 1 của Hiến pháp Mỹ, Quốc hội không được đưa ra văn bản nhằm thực hiện một quốc đạo và phân biệt đối xử (ưu tiên, hay đối xử không công bằng) với một tôn giáo.
Tuy trong Hiến pháp ghi Quốc hội, nhưng sau đó qua một số phán quyết của Tòa án tối cao, quy định này cũng có hiệu lực cho các tiểu bang. Tuy quy định pháp lý như thế, nhưng trong thời gian dài tổ chức Nhân chứng Giê-hô-va đã bị chịu nhiều giới hạn. Tuy tính trung lập về tôn giáo của Nhà nước được quy định và đề cao, nhưng đến nay trên các tiền giấy của Mỹ vẫn ghi rõ "In God we trust" (Chúng tôi tin tưởng ở Chúa). Khi đưa ra lời thề trước sự hiện diện của công chúng, người ta đều đặt tay lên Kinh Thánh (Bibel), song một cuộc tranh cãi đã xảy ra khi một nghị sĩ theo đạo Hồi thề với Kinh Cô-ran. Từ khi Chính phủ Mỹ phát động chương trình chống khủng bố, nhiều tổ chức, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhất là tổ chức của những người theo đạo Hồi, bị vi phạm quyền lợi, dù đã được ghi rõ trong Hiến pháp.
Theo quy định của khoản 1 và 2 của Ðiều 4 Ðạo luật cơ bản của CHLB Ðức (tức Hiến pháp) tự do tôn giáo và tín ngưỡng được bảo đảm. Nhưng theo các quy định của khoản 2 Ðiều 9 Hiến pháp, thì hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm, nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Ðể cụ thể hóa nguyên tắc này, một Bộ luật về hội đoàn được ban hành, thay đổi lần cuối vào ngày 21-12-2007, có hiệu lực từ 1-1-2008. Trong đó quy định cụ thể việc một hội đoàn, trong đó có thể là một tổ chức mang tính chất tôn giáo, bị cấm.
Trên thực tế, một số tổ chức tôn giáo trong thời gian qua đã bị cấm, thí dụ qua quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang, tổ chức "Kalifatsstaat" bị cấm năm 2001, tổ chức "Al-Aqsa e. V." bị cấm năm 2002... Mới đây, năm 2013, một tổ chức Hồi giáo khác theo đuổi mục đích như của "Kalifatsstaat" trước đây cũng bị nghiêm cấm ở Ingolstadt. Các nước châu Âu khác cũng có những quy định pháp lý tương tự như thế. Thí dụ, ở Cộng hòa Áo, theo các quy định của Ðiều 28 Bộ luật về hội đoàn, một tổ chức tôn giáo có thể bị giải tán, nếu tổ chức đó vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự.
Các dẫn chứng trên đây cho thấy, tự do tôn giáo không phải là không có giới hạn. Trong nhiều trường hợp, việc chính quyền một quốc gia nào đó đặt ra giới hạn cho tự do tôn giáo là cần thiết, để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, nhà nước, các cộng đồng tôn giáo khác trong một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của quốc gia đó. Sẽ là không công bằng, thiếu khách quan khi đánh giá chung về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam lại chỉ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến giới hạn tôn giáo, nhất là khi các vấn đề đó là rất cần thiết do hoàn cảnh lịch sử lâu dài để lại, có tính chất tạm thời, hoặc tôn giáo bị lợi dụng để phục vụ mưu đồ chính trị đen tối.

HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ÐỨC)

Những âm mưu đen tối núp bóng “tự do báo chí”

QĐND - Hiện tượng lợi dụng quyền tự do báo chí và nhiều nội dung nhân quyền khác để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân cần được xử lý như thế nào? Là một chuyên gia nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, đồng chí Lê Đình Luyện, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.
Đồng chí Lê Đình Luyện. nh: Việt Hà
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những âm mưu, thủ đoạn chính của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước ta những năm gần đây?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Những năm gần đây, nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch đã thường xuyên lợi dụng vấn đề tự do báo chí để tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hình thức chúng sử dụng chủ yếu trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài, trên internet... đưa những quan điểm sai trái, thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình trong nước để kích động, nhằm tác động làm giảm lòng tin của cán bộ và nhân dân vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các thủ đoạn của họ thường rất đa dạng, nhưng tập trung ở một số vấn đề chính sau:
Một là, họ khai thác, sử dụng các thông tin trên báo chí công khai trong nước phản ánh các vấn đề tiêu cực, tệ quan liêu tham nhũng, các tệ nạn trong xã hội... để đăng tải theo kiểu thông tin một chiều, nhằm gây tác động đến tư tưởng người đọc.
Hai là, tập trung khai thác những thông tin về những việc thiếu sót, hạn chế, chưa làm được của ta trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực... rồi quy kết, “thổi phồng” thành những “sai lầm” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ còn kích động dư luận xã hội lên tiếng, đả kích, quy chụp Đảng, Nhà nước yếu kém, mất dân chủ…
Ba là, họ lôi kéo, kích động các đối tượng chống đối, bất mãn tập hợp lực lượng, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blogger cá nhân, lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong những nội dung họ lợi dụng về vấn đề nhân quyền, nhiều vấn đề liên quan tự do ngôn luận, tự do báo chí được khai thác tối đa. Đặc biệt gần đây, các đối tượng bên ngoài kích động, tập hợp lực lượng hứa hẹn tài trợ, hậu thuẫn cho các đối tượng trong nước lập các tổ chức hoạt động đối lập với hệ thống chính trị, tự phong các chức danh nhằm tạo dựng ngọn cờ trong nước hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.
PV: Trong thực tiễn xử lý hiện tượng lợi dụng tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân, vụ việc xử lý cái gọi là “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” vào năm 2012 có thể coi là một dẫn chứng điển hình để lại nhiều bài học. Nhìn từ vụ việc đó liên hệ tới hiện tượng lợi dụng tự do báo chí hiện nay, theo đồng chí cần có quan điểm xử lý như thế nào?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Trước hết, cần khẳng định việc một vài nhóm người tự thành lập các hội, nhóm liên quan đến báo chí thời gian qua cũng như điều hành các trang mạng, blog như một tờ báo điện tử có nhiều nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước là vi phạm pháp luật Việt Nam. Bởi vì không có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào được công nhận là hợp pháp nếu không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, được các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền quyết định. Các tổ chức này do một nhóm người tự công bố thành lập, tự phong các chức danh cho nhau, không làm các thủ tục xin phép các cơ quan có thẩm quyền và chưa được Nhà nước công nhận nên không có giá trị pháp lý. Hơn thế nữa, trong số họ thậm chí có người đã từng có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật hiện hành đã bị các cơ quan pháp luật xử lý. Một số nhóm hoạt động do có sự kích động, chỉ đạo từ bên ngoài. Cụ thể là họ được các tổ chức, cá nhân bên ngoài tuyên truyền, ủng hộ, tài trợ, hậu thuẫn dưới danh nghĩa đòi quyền tự do độc lập với Đảng, Nhà nước nhằm sử dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền những luận điểm sai trái, bịa đặt vu khống, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... và kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng để lập cái gọi là “xã hội dân sự” thường xuyên cung cấp thông tin cho các thế lực chống đối bên ngoài sử dụng để bôi nhọ, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo dư luận xấu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các diễn đàn quốc tế. Các hành vi, thủ đoạn trên đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, đa số nhân dân đã và đang nhận rõ bộ mặt thật của những con người này, nếu họ cố tình hoạt động vi phạm pháp luật sẽ bị nhân dân tẩy chay và pháp luật xử lý thích đáng.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về thành tựu của Việt Nam trong việc đáp ứng các quyền con người liên quan đến tự do báo chí, tự do thông tin?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người liên quan đến tự do báo chí, tự do thông tin. Hiện nay, Việt Nam có 67 đài phát thanh truyền hình, 997 cơ quan báo chí in, 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử, trên 30 triệu người sử dụng internet, hàng triệu blogger cá nhân với nội dung phong phú và đa dạng, có các kênh truyền hình nước ngoài (CNN, BBC, NHK…), có các kênh dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó chứng minh Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do thông tin. Tất cả các cơ quan thông tin truyền thông của các tổ chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều được quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, báo chí Việt Nam luôn hoạt động theo Luật Báo chí, đã phát huy tốt vai trò tiên phong trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu thông tin sai trái, những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch… Qua đó, đã giúp cho cán bộ, nhân dân, các tầng lớp xã hội nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiểu rõ bản chất của các thế lực thù địch, không bị kích động, xúi giục, lôi kéo, góp phần xây dựng vững chắc sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, việc tự lập các nhóm và tiến hành các hoạt động mang danh nghĩa báo chí là vi phạm pháp luật và gắn với một nhóm người có tham vọng cá nhân, đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc và nguyện vọng của nhân dân. Không những thế, họ còn là công cụ để tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm ảnh hưởng đến nền độc lập, tự do mà biết bao thế hệ cha anh đi trước đã gây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu; tổn hại đến hạnh phúc của toàn thể đồng bào. Đó là điều không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm minh.
PV: Để ngăn chặn và chấm dứt những hiện tượng xấu đó, theo đồng chí cần phải làm tốt những vấn đề gì?
Đồng chí Lê Đình Luyện: Việc xử lý các sai phạm cần phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Trước hết cần vận động, tuyên truyền giáo dục, đối thoại cho họ thấy rõ tính chất vi phạm, sai trái của tổ chức và hành động của những người tham gia tổ chức trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó yêu cầu họ tự giải tán, chấm dứt hoàn toàn các hoạt động trái pháp luật. Luật pháp Việt Nam và con người Việt Nam rất khoan dung, nếu họ thấy được sai trái và tự chấm dứt các hành vi vi phạm thì Đảng, Nhà nước và nhân dân vẫn tha thứ và cho họ có cơ hội trở thành công dân tốt. Nếu họ vẫn cố tình, tiếp tục thực hiện hành động vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích cộng đồng dân tộc thì chúng ta sẽ kiên quyết xử lý theo pháp luật.
Song song với việc xử lý sai phạm, chúng ta cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong và ngoài nước về bản chất của các tổ chức và các trang mạng “đen” đó để nhân dân, kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu rõ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, hiểu rõ chân tướng của các thế lực thù địch và những kẻ tay sai “theo đóm ăn tàn”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
VIỆT HÀ – NGUYỄN MINH (thực hiện)

Về cái gọi là “cuộc cách mạng lý luận”

Luận điệu và mưu đồ không mới
QĐND - Gần đây, một số người đã nhân danh “cấp tiến” đề xuất biện pháp nhằm “thay máu cho hệ tư tưởng”, “phục sinh chủ nghĩa dân tộc” và “sửa lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho hợp thời và sát với thực tế Việt Nam...”.
Trong một số trang mạng gần đây, có người đã dẫn ra sự “hồi sinh” của các nước Đức, Nga sau khi “được giải thoát khỏi sự ràng buộc của Đảng Cộng sản và hệ tư tưởng XHCN”. Họ đã cố tình xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ý đồ của họ là thay thế hệ tư tưởng vô sản bằng hệ tư tưởng tư sản, “đón rước” chủ nghĩa tư bản vào nước ta và làm cho ý thức hệ tư sản đóng vai trò thống trị xã hội Việt Nam mới mà họ có công tạo dựng nên, và đương nhiên, họ sẽ được hưởng lợi từ việc làm ấy.

Vậy là, sự giáo đầu bằng "cuộc cách mạng lý luận" là mưu đồ để họ thực hiện cuộc cách mạng về chính trị: Lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu của mình, chiến đấu, hy sinh suốt nhiều thập kỷ mới giành lại được.
Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng của nhân dân lao động. Nguồn: Internet
Điều hết sức nguy hiểm là các quan điểm sai trái này, bằng nhiều hình thức đã được tán phát, lan truyền rất nhanh trên internet, các sách, báo, đài phát thanh của các thế lực thù địch; phần nào đã và đang gieo rắc sự hoài nghi, bi quan cho một số người, để lại những hậu quả không thể xem thường trong xã hội ta. Bằng cách này, cách khác, họ muốn tạo nên sự “diễn biến bên trong” xã hội ta, trước hết là diễn biến về nhận thức, tư tưởng và từ đó dẫn đến “tự diễn biến” về những mặt khác.
Chúng ta không hề ngạc nhiên trước những quan điểm xét lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì những “điệp khúc” này đã được “tua đi tua lại” nhiều lần kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời cho đến nay. Vì sao họ lại chống chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách quyết liệt như vậy? Hẳn là họ ý thức rất rõ sức sống mãnh liệt cũng như ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với sự tồn tại, phát triển và lợi ích của họ, nhất là khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Hẳn là họ hiểu rằng, chừng nào còn chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì chừng ấy còn có Đảng Cộng sản, còn phong trào công nhân và cuộc đấu tranh của giai cấp. Sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là bất lợi cho họ, họ không thể “chịu đựng nổi” uy tín và vai trò ngày càng tăng của Đảng Cộng sản.
Xem xét ở một khía cạnh khác, chúng ta sẽ rõ hơn vấn đề nêu trên. Sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một số người đã hí hửng cho rằng, “chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cáo chung, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, theo đó cũng mất vai trò, tác dụng, chẳng còn ý nghĩa”. Họ khẳng định: Bắt tay làm ăn, hợp tác với các nước tư bản phát triển, gia nhập khối NATO là thời cơ, điều kiện tốt nhất để giảm “gánh nặng” chi phí quốc phòng, an ninh, nhờ đó mà tập trung vào xây dựng, làm cho đất nước giàu có, phồn vinh. Hơn nữa, sự hùng mạnh của quốc gia nhờ sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước lại có thêm sự bảo đảm chắc chắn từ nền quốc phòng, an ninh. Gần đây, trước sự kiện Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam, những người “cấp tiến” vội cho rằng, Việt Nam phải bắt tay ngay với Mỹ và tham gia khối NATO; theo họ, “đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho độc lập chủ quyền quốc gia và đó là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp và răn đe các nước láng giềng, làm thui chột mưu đồ xâm chiếm của họ”...
Ngón đòn ác hiểm của một số người là phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế-xã hội. Làm điều này, họ muốn gây ra sự hoài nghi về tính đúng đắn, sáng tạo của lý luận khoa học Mác - Lê-nin, về sự lựa chọn đúng, sai con đường đi lên CNXH ở nước ta, đặt lại sự nghi vấn đối với cả Hồ Chí Minh. Theo cách này, họ hy vọng sẽ tạo ra một “khoảng trống” trong lòng xã hội ta, sẽ phân hóa các lực lượng “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với Đảng. Từ đó, tập hợp những phần tử bất mãn với chế độ ta thành một lực lượng độc lập, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì “ép” Đảng ta từ bỏ mục tiêu, con đường CNXH để thực hiện mưu đồ của họ là lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Họ đã cố tình quên đi những mâu thuẫn gay gắt vốn có trong lòng xã hội tư bản đương đại, làm ngơ trước sự bất công, phân biệt đối xử, phân cực giàu-nghèo; tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, gây chiến tranh xâm lược, tệ nạn xã hội, tàn phá môi trường do chủ nghĩa tư bản gây ra…
Sức sống của học thuyết Mác - Lê-nin
Nhận thức và vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác để kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH, đưa sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đi đến thành công đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta không những phải biết bảo vệ quan điểm đúng đắn, phê phán các quan điểm sai trái, phản động, mà còn phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin nói riêng để tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Cương lĩnh năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra, hoàn thành các chỉ tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ chính trị cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lúc này là nhận thức đúng đắn bản chất khoa học, cách mạng; giá trị và ý nghĩa học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó, lý luận về hình thái kinh tế-xã hội là một vấn đề có tính chất nền tảng, nhờ nó mà quan niệm duy vật biện chứng về xã hội không còn là một giả thuyết, mà được chứng minh một cách khoa học và trở thành kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng thế giới.
Trong những học thuyết xã hội ngoài mác-xít mà các lý luận gia tư sản, các phần tử cơ hội, xét lại ra sức tán dương, chúng ta cần chú ý đến luận thuyết về “5 thời kỳ trưởng thành của xã hội” của nhà xã hội học Mỹ U.Rô-xtâu, cố vấn tâm lý của nhiều đời Tổng thống Mỹ, và luận thuyết về sự phát triển xã hội trải qua những làn sóng xác lập những nền văn minh của nhà tương lai học A.Tốp-lơ.
Dựa vào sự phát triển của công nghiệp, U.Rô-xtâu phân định lịch sử xã hội cho đến nay trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn trước công nghiệp (trước tư bản chủ nghĩa) là “xã hội cổ truyền”, được coi là “trung tâm của sự lạc hậu”; 4 giai đoạn tiếp theo là các nấc thang phát triển của công nghiệp, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, tức là từ “trạng thái quá độ” với sự xuất hiện của các nhà kinh doanh công nghiệp qua giai đoạn “cao trào nhảy vọt”, giai đoạn “chín muồi công nghiệp” đến giai đoạn thứ 5 là “xã hội tiêu dùng rộng rãi” với “nhà nước phúc lợi chung”.
U.Rô-xtâu coi giai đoạn thứ 5 này là tổ chức xã hội lý tưởng (có ở Mỹ, Nhật và một số nước Tây Âu); nước Mỹ đang ở đỉnh cao của quá trình tiến hóa ấy, đợi các nước khác diễn lại cái quá khứ của nước Mỹ để cùng hòa vào “xã hội hậu công nghiệp” mà nước Mỹ là đại diện. Dựa vào tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, A.Tốp-lơ cho rằng, nhân loại đã và đang trải qua những làn sóng thay đổi vĩ đại, xác lập những nền văn minh diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, quy mô ngày càng lớn. Làn sóng thứ nhất là cuộc cách mạng nông nghiệp của 10.000 năm trước đây, xác lập nền văn minh nông nghiệp. Làn sóng thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp, bắt đầu diễn ra cách đây 300 năm, xác lập nền văn minh công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là làn sóng thứ ba, sản sinh ra nền văn minh “hậu công nghiệp”...
Theo lô-gích đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn, mà bản thân giai cấp đó cũng dần dần “biến mất” cùng giai cấp tư sản, không còn đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, “cách mạng XHCN” và “chuyên chính vô sản” chỉ là những khái niệm của một thời lầm lỗi thuộc về quá khứ... Do đó, không cần có học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại đã và đang ra sức phụ họa, tán dương những luận điểm trên đây, cho rằng toàn bộ học thuyết Mác - Lê-nin (từ lý luận về hình thái kinh tế-xã hội, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, lý luận về nhà nước và CNXH, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và chuyên chính vô sản...) đã lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thời đại.
Chúng ta không phủ nhận những yếu tố hợp lý trong các học thuyết xã hội ngoài mác-xít, nhất là về vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại, về sự phát triển của lực lượng sản xuất, về đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí... Song, cần thấy rõ những khiếm khuyết và hạn chế cơ bản trong các học thuyết đó, nhất là việc né tránh giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội, với vấn đề giải phóng con người, các vấn đề xã hội khác trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc cũng như toàn nhân loại. 
Chúng ta thừa nhận có một số luận điểm cụ thể mà C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin khái quát về thời đại, hoặc dự báo về tương lai, nay không còn phù hợp. Đó là điều bình thường, đúng với quy luật khách quan của quá trình nhận thức. Không thể vì thế mà phủ nhận giá trị khoa học và ý nghĩa thời đại sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của các ông. Cũng không thể vì sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu mà suy diễn một cách thô thiển “mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác sụp đổ”.
Không phải ngẫu nhiên mà thời báo Lốt An-giơ-lét (Mỹ), phát hành ngay sau sự kiện ngày 19-8-1991 đã nhận định: Tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác vẫn còn ghi dấu ấn không thể xóa bỏ trên lĩnh vực lý luận. Rất nhiều vấn đề chính trị học, xã hội học, kinh tế học của thế giới đương đại đều được phân tích bằng lăng kính của chủ nghĩa Mác, thậm chí còn được phân tích bằng những khái niệm mác-xít. Cựu Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, trong cuốn sách Chớp lấy thời cơ-thách thức mới đối với Hoa Kỳ trong thế giới một siêu cường, cũng phải thừa nhận: Học thuyết Mác vẫn đang được hâm mộ trong các trường đại học ở Mỹ.
Hiểu cho đúng sự thật, tôn trọng sự thật thì phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, điều kiện, lực lượng và phương pháp giải phóng triệt để xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hóa, đói nghèo dưới mọi hình thức.
NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Không ai được nhân danh tự do để thực hiện mưu đồ xấu

Trong lịch sử nhân loại, sự xuất hiện một số quan niệm phiến diện, cực đoan về tự do, nhất là tự do cá nhân, đã khiến một số quốc gia phải trả giá đắt trong khi duy trì ổn định để phát triển.
Vì thế, khi xã hội đã có sự bảo đảm về tự do của con người thì chỉ có thể trả lời câu hỏi "làm thế nào để điều chỉnh phù hợp giữa tính độc lập cá nhân và sự kiểm soát của xã hội?" do học giả J.S.Min (J.S.Mill) đưa ra cách đây hơn một thế kỷ bằng việc mỗi người phải có ý thức tự giác trong thực thi pháp luật. Bài viết của Đông Tuyền gửi tới Báo Nhân Dânlà một cách tiếp cận vấn đề này, xin giới thiệu với bạn đọc.
Tự do, đó là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Từ thuở hồng hoang, khi con người còn bị thiên nhiên kìm hãm, họ khát khao chinh phục để nhận thức thế giới chung quanh mình. Rồi khi xã hội có giai cấp, thì chính con người lại kìm hãm con người, kẻ mạnh áp đặt và tước đoạt những quyền hiển nhiên của kẻ yếu, nước lớn cướp quyền tự chủ và nền độc lập của nước yếu,... khi ấy con người lại đấu tranh đòi tự do cho dân tộc, cho đất nước, đòi quyền sống, quyền làm người cho chính bản thân mình. Giữa thế kỷ 20, nhân loại được chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, các nước thuộc địa đứng lên giành lại nền độc lập, giành lại các quyền cơ bản cho con người.
Thế nhưng, sau khi giành độc lập, không phải ở quốc gia nào quyền cơ bản của con người cũng được bảo đảm. Và khi tình trạng áp bức xuất hiện thì con người lại đấu tranh để có được quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí... Như vậy, theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, con người luôn khao khát được đi đến tận cùng và tột bậc của tự do.
Đấu tranh để có được tự do là điều chính đáng, không những chính đáng mà được xem là lý tưởng của con người, và đã có những con người với lý tưởng đấu tranh cho tự do mà đã trở nên vĩ đại, như Chê (Che), như Gan-đi (Gandhi), Man-đê-la (Mandela), Lu-thơ Kinh (Luther King), như Bác Hồ của chúng ta. Tuy nhiên, cũng như nhiều khái niệm khác, tự do lại có hai mặt và cần được xem xét trong tính biện chứng giữa nó với các mối quan hệ. Tự do, là giải phóng khỏi các ràng buộc, nhưng trong một thế giới mà mọi thứ liên kết và tương tác lẫn nhau thì ràng buộc là điều không thể tránh khỏi. Tự do tương tác như thế nào, biểu hiện hai mặt tích cực, tiêu cực ra sao với sự phát triển xã hội là câu hỏi cần được trả lời, mà câu hỏi quan trọng nhất là "tự do như thế nào để có hạnh phúc?", vì suy cho cùng đích đến của nhân loại luôn luôn là hạnh phúc.
Lâu nay ở Việt Nam, một số người như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung,... nhân danh "đấu tranh cho tự do" xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử và hiện tại, chống phá Nhà nước,... đó có phải là tự do đích thực? Gần đây, sau vụ rơi máy bay thảm khốc ở U-crai-na (Ukraine), khi cuộc điều tra chưa có kết luận cuối cùng thì nhiều tờ báo không biết cố tình hay vô ý lại khai thác tin tức từ các hãng tin phương Tây để vội vàng quy kết thủ phạm của vụ MH17 chính là lực lượng ly khai ở Ukraine và Nga, khi nhận phản hồi của độc giả, có nhà báo trả lời rằng, đó là "tự do báo chí"(!) Kết tội khi chưa điều tra liệu có phải là "tự do thông tin"?
Tự do là khái niệm đậm tính nhân văn, vì vậy, tự do đích thực là sự thể hiện cao nhất của văn minh. Trên cơ sở đó, tự do có thể chia làm hai loại, cũng chính là hai mặt tốt - xấu, đó là: "tự do một cách văn minh" và "tự do hoang dại". Tự do hoang dại là tự đặt ra một thứ tự do riêng rẽ cho mình và phe nhóm của mình, từ đó không chịu bất kỳ ràng buộc nào, mà luôn cho rằng mỗi chủ thể có thể làm bất cứ điều gì, trong đó xuyên tạc, bóp méo sự thật cũng được coi là "tự do". Ngược lại, tự do một cách văn minh được đặt trong quan hệ biện chứng với các chủ thể có liên quan; được xây dựng trên cơ sở sự tôn trọng, xã hội tôn trọng tự do cá nhân, cá nhân tôn trọng cá nhân khác, tôn trọng xã hội, và con người tôn trọng thiên nhiên. Nói cách khác thì "tự do một cách văn minh" nghĩa là lợi ích chính đáng của bạn cần được bảo đảm, bạn có một phần trách nhiệm để bảo đảm lợi ích chính đáng của người khác; bạn có quyền nêu chính kiến của mình, và bạn phải tôn trọng quyền nêu chính kiến của người khác; bạn có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào, và bạn phải tôn trọng quyền theo hay không theo tôn giáo nào của người khác...
Văn minh nhân loại phát triển ở mức cao nhất là khi sự tôn trọng được biểu hiện rõ nét nhất, và đấu tranh cho tự do cũng chính là đấu tranh để có được sự tôn trọng, hành động đó diễn ra xuyên suốt lịch sử nhân loại. Con người luôn đấu tranh để các quyền của mình được tôn trọng, để lợi ích chính đáng của mình được tôn trọng, để đạo lý, sự thật được tôn trọng. Như vậy sẽ là "phản tự do" nếu bạn đòi hỏi người khác tôn trọng tự do của bạn, nhưng bạn lại xâm hại tự do, lợi ích chính đáng của người khác, xâm hại lợi ích cộng đồng, dân tộc, đất nước... Bởi bao giờ cũng vậy, sự tôn trọng luôn diễn ra trong tương tác hai chiều, nếu chỉ có một chiều sẽ là khiên cưỡng; khi một cá nhân, một thế lực đòi hỏi được tôn trọng song lại xâm hại lợi ích của người khác thì tất yếu người bị xâm hại đã bị tước đoạt một phần tự do.
Gần đây, việc một số người nhân danh "đấu tranh cho tự do", hô hào "tự do ngôn luận", "dân chủ, nhân quyền"... nhưng khi hành động họ lại thường sử dụng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, đòi hòi các quyền một cách vô lối, thực chất là việc làm "phản tự do". Như việc một cô sinh viên theo lời dụ dỗ của kẻ xấu đi rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước, được các "nhà đấu tranh tự do" tôn vinh là "anh thư" mấy năm trước chẳng hạn. Nhà nước là một chủ thể trong xã hội, được pháp luật bảo vệ, có các lợi ích chính đáng cần được tôn trọng, việc xúi giục và cổ súy, hay có hành vi chống phá Nhà nước đều không thể coi là một trong các quyền tự do được, càng không thể nhân danh "đấu tranh tự do".
Sự "phản tự do" ấy được phản ánh cụ thể khi một số phần tử, với hành trang "Tuyên bố 258", hết đến Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Hà Nội rồi sang tận Thụy Sĩ để vu cáo chính quyền, kêu gọi Thụy Sĩ gây áp lực buộc cơ quan lập pháp của Việt Nam bỏ Điều 258 khỏi Bộ luật Hình sự! Trên tinh thần tự do, tôn trọng lẫn nhau thì không nước nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, Hiến chương LHQ ghi rõ điều đó, việc công dân nước này, kêu gọi nước khác can thiệp vào nước mình là điều càng không thể chấp nhận. Hơn nữa, Điều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam là một điều luật hết sức văn minh, được xây dựng dựa trên "nguyên tắc vàng" của sự tôn trọng, luật pháp hầu hết các nước trên thế giới đều có những điều luật tương tự, đáng kể là ở Mỹ và Đức - hai nước được coi là có nền lập pháp tiên tiến.
Gần đây, một số người lại lên in-tơ-nét (internet) hô hào đòi "tự do báo chí" song trong việc đưa tin của họ lại rất thiếu trách nhiệm, khẳng định điều chưa thể khẳng định, nói hai - ba trong khi sự thật là một, viết B, C trong khi nội dung là A,... Và đặc biệt là hầu như mọi hoạt động ích nước lợi dân được Nhà nước tiến hành đều bị họ "mổ xẻ" theo hướng tiêu cực, rồi suy diễn, kết luận một cách hồ đồ. Việc các nhà báo và các trang mạng đua nhau đưa tin (dịch từ báo phương Tây) liên quan vụ rơi máy bay MH17, trong đó cố tình quy tội cho một phía khi chưa có kết luận điều tra nào được đưa ra, thì không thể gọi là tôn trọng sự thật, và càng không thể gọi là tự do báo chí.
Tự do nói chung và tự do báo chí nói riêng là những quyền chính đáng của cả dân tộc, không ai được xâm phạm. Dân tộc đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và xương máu để có độc lập, tự do; vì thế chúng ta sẵn sàng đổ mồ hôi, xương máu để giữ gìn độc lập và tự do. Chúng ta lên án bất kỳ người nào, tổ chức nào nhân danh tự do để tước đoạt tự do của người khác, hoặc nhân danh tự do để thực hiện các âm mưu đen tối. Sự sai trái không bao giờ đưa tới kết cục tốt đẹp, mà chỉ đưa tới hậu quả là làm tổn thương, tổn hại, cản trở sự phát triển của con người và đất nước. Những ai đang sử dụng tự do làm chiêu bài phục vụ tham vọng cá nhân hãy học cách tôn trọng người khác để được tôn trọng trở lại. Còn mỗi người dân đều phải có trách nhiệm góp sức mình tiếp tục làm cho "cây tự do" ngày càng đơm hoa, kết trái trên đất nước chúng ta.

ĐÔNG TUYỀN

Một sự hiểu biết mù mờ về nhân quyền

QĐND - Ngày 26-7-2014, trên BBC Tiếng Việt có đăng bài viết với nhan đề “HRW thúc Úc ép VN cải thiện nhân quyền”. Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng: “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) thúc giục Ô-xtrây-li-a (Australia) gây sức ép với Chính phủ Việt Nam trong phiên đối thoại nhân quyền song phương. Để có được sự “thuyết phục”, họ viện dẫn cái gọi là “thông cáo của HRW”. Theo họ, thông cáo ra ngày 24-7 của HRW kêu gọi Ô-xtrây-li-a gây sức ép Hà Nội để thực hiện điều họ gọi là “những bước cải thiện cụ thể bao gồm các hành động như: Khẩn trương phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị và chấm dứt hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo".
Tiếp đó, bài viết này đề cập: “Trong phúc trình HRW gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị, Ô-xtrây-li-a cần thúc ép Chính phủ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong ba lĩnh vực chính được quan tâm nhiều nhất là: Tù nhân chính trị, cản trở quyền tự do tôn giáo và cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy”. Theo bài viết: “HRW mô tả, hiện có khoảng 150 đến 200 nhà hoạt động và bloggers đang phải ngồi tù ở Việt Nam chỉ vì đã thực hành các quyền cơ bản của mình”.
Chỉ xin trích dẫn một số đoạn trong bài viết trên để bạn đọc thấy rằng, những lập luận này vừa rất thiếu căn cứ, vừa không có sự hiểu biết về thực tế đời sống xã hội ở Việt Nam. Trước hết, xin thưa rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị”. Hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đến các văn bản dưới luật ở Việt Nam không có bất kỳ chỗ nào xuất hiện cụm từ “tù nhân chính trị”. Ở Việt Nam, chỉ có những người vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân mới bị các cơ quan chức năng xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật. Tại Khoản 2, Điều 11, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Điều này không phải là chuyện riêng của Việt Nam. Trên thế giới, bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù mạnh về kinh tế hay còn những hạn chế nhất định, dù ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Phi… để quản lý xã hội, nhà nước đều ban hành những bộ luật nhất định. Căn cứ vào hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành, chính quyền ở từng quốc gia trên thế giới quản lý và điều hành đất nước theo đúng các quy định của pháp luật. Hơn nữa, pháp luật là thể hiện ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, phản ánh đầy đủ nét văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì vậy, những hành vi chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn cản sự phát triển tiến bộ của quốc gia, dân tộc thì đều bị trừng trị thích đáng. Nói ra điều này để thấy rằng, Nhà nước Việt Nam cũng như nhà nước của các quốc gia khác trên thế giới, đều thực hiện quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ghi rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”; “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân…; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng phạt tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân…”. Do vậy, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa khi nào và cũng chưa bao giờ xuất hiện khái niệm được gọi là “tù nhân chính trị” thì sao lại có những người phạm tội mà đến nỗi để HRW buộc phải lớn tiếng “kêu gọi” Ô-xtrây-li-a thúc ép Việt Nam? Thật nực cười khi mà lấy những điều không có trên thực tế để bắt ép người khác phải làm, phải thừa nhận. Nếu theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đó chính là tội vu khống. Chúng tôi cho rằng: Nếu tác giả bài viết nêu trên chưa hiểu thực tế Việt Nam, chưa có được những kiến thức về pháp luật Việt Nam thì đây cũng chính là cơ hội để tác giả này học hỏi thêm. Dân tộc Việt Nam có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, vì vậy, xin hãy đến Việt Nam để hiểu thêm về Việt Nam và quan trọng hơn chính là hiểu thực chất về đời sống xã hội của Việt Nam.
Điểm đáng chú ý thứ hai mà bài viết đăng trên BBC Tiếng Việt đề cập là “cản trở quyền tự do tôn giáo”. Cần phải khẳng định ngay rằng: Chưa khi nào và trong bất kỳ thời điểm nào, tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây. Hiện nay, ở Việt Nam đang có sự xuất hiện của nhiều tôn giáo, nhất là các tôn giáo lớn trên thế giới như: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, đạo Hồi… Tất cả những tôn giáo này đều được pháp luật Việt Nam thừa nhận và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để những người có đạo được hành lễ theo đúng ý nguyện. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khẳng định:  
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
 Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Nhắc lại, trích lại nội dung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và  Điều 24 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để cho thấy, quan điểm thứ hai của tác giả trong bài viết đăng trên BBC Tiếng Việt vừa không có căn cứ, vừa nhận định mơ hồ, thiếu thực tế. Hẳn không phải tác giả của bài viết này không biết mà có lẽ họ cố tình không biết về tình hình tôn giáo ở Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Điểm thứ ba trong bài viết này đề cập đến chính là cái gọi là “cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy”. Điều này cần phải khẳng định rằng: Chủ trương thành lập các trung tâm cai nghiện ma túy của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngoài mục đích nào khác là đưa những con người lạc lối trở lại với cộng đồng, với người thân, gia đình và xã hội. Như vậy, việc giáo dục, bồi đắp ý chí, nghị lực cho những người nghiện ma túy trở về với cuộc sống thường ngày không thể gọi là sự “cưỡng bức”. Ai cũng đều hiểu rằng: Một người chẳng may nghiện ma túy, không chỉ làm hại chính cho bản thân mà còn liên lụy đến đời sống bình thường của nhiều người khác, gây bất bình trong xã hội. Một con người như vậy cần được xã hội giúp đỡ, cưu mang để có thể trở thành một người bình thường. Đó chính là sự nhân ái của dân tộc và của xã hội Việt Nam.
Đọc, ngẫm và dẫn chứng từ thực tế xã hội Việt Nam mới thấy, những lời lẽ trong bài viết được đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 26-7 thực sự là những ý kiến thiên lệch, vô căn cứ, thậm chí có dụng ý xấu của một người hoặc một nhóm người. Cũng có thể họ thiếu thông tin, nhưng cũng có thể họ đã cố tình không chịu hiểu về những điều tốt đẹp hiện đang có trong xã hội Việt Nam. 

NGỌC VÂN

Cảnh giác với những trang web giả mạo

QĐND - Biết tôi công tác ở cơ quan báo chí, một bạn học tỏ ra băn khoăn, lo lắng hỏi: “Gần đây, trên mạng thấy xuất hiện nhiều website mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, ngành… không biết thực hư thế nào nhưng xem những thông tin trên ấy mình thấy nghi ngờ lắm”. Tôi giải thích rồi khuyên nhủ, cần hết sức cảnh giác với những trang web này.
Chia tay anh bạn ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu hỏi và thấy rằng, sự băn khoăn của bạn là có cơ sở. Trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch phản động không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào. Họ tấn công chúng ta trên mọi phương diện, ở mọi lĩnh vực nhưng tư tưởng, văn hóa là lĩnh vực họ đặc biệt quan tâm. Nhiều chiêu thức tinh vi, thâm độc, nguy hiểm được họ áp dụng và ít nhiều đã có tác dụng, gây cho chúng ta những khó khăn, phức tạp nhất định. Một trong những chiêu thức ấy là lập các trang web giả mạo website của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín trong xã hội… để thông qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm. Để tạo dựng lòng tin, trên những website này thỉnh thoảng cũng có những bài viết, những thông tin chính xác, nhưng đa phần là xuyên tạc sự thật, kích động chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự nghi ngờ… Nhưng cái khéo ở những bài viết trên các website này là họ không nói trực diện, hướng dư luận theo kiểu “phải trái phân minh” một cách rõ ràng mà thường lập lờ để dư luận tự phán xét. Lối chống phá của họ rất công phu và kiên trì. Có khi cùng một bài viết, hầu hết thông tin là chính xác, họ chỉ cài vào trong đó một vài thông tin thiên lệch dễ khiến người đọc tin là thật và như vậy đã được xem là thành công. Toan tính của họ là “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa tin thì nói nhiều lần ắt phải tin; bài này lái một chút, bài kia lái một chút… nếu người đọc không tỉnh táo dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.
Vẫn biết rằng, sự thật lịch sử và lòng tin của nhân dân không dễ bị tác động, lung lạc nhưng để phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn nêu trên nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các trang web mạo danh, các trang web đăng tải những thông tin chống Đảng và Nhà nước thì chưa đủ. Biện pháp cơ bản, lâu dài là phải thường xuyên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho toàn dân trước những âm mưu, thủ đoạn, chiêu thức tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch phản động. Nhận thức chính trị đúng đắn và thị hiếu lành mạnh, đó là cơ sở để người dân sàng lọc, tiếp nhận, xử lý thông tin trên internet một cách chuẩn xác, không mắc mưu kẻ xấu.

KIM THANH

Một đảng tiến bộ là một đảng dám nhận rõ khuyết điểm của mình

QĐND - Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội liên tục xuất hiện những bài viết của một số người với dã tâm hạ thấp uy tín cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Thật chẳng có điều gì quá mới mẻ và vẫn một giọng điệu hằn học như thường thấy, những bài viết xuất hiện trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây đều có cách nhìn hết sức phiến diện, lập luận dựa trên một số hạn chế, khuyết điểm nảy sinh trong quá trình lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước của Đảng CSVN. Giọng điệu lạc lõng ở chỗ họ cố tình không thấy được quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn xã hội trong khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã được Đảng chỉ ra. Không cần nghiên cứu quá kỹ cũng đủ thấy những hạn chế, khuyết điểm được các bài viết trên mạng xã hội đề cập thời gian qua đều do chính Đảng CSVN chỉ ra, nhận thấy để tìm cách khắc phục, sửa chữa. Xin được nêu lên một vài ví dụ để đủ thấy những cái được gọi là “hạn chế, khuyết điểm” mà các tác giả của một số bài viết trên mạng xã hội đã rất dày công “tìm kiếm” mới có được như: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng CSVN suy thoái về phẩm chất, đạo đức lối sống”; “một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền tham nhũng”. Rồi nữa, “một bộ phận cán bộ quan liêu, xa rời quần chúng…”; “tình trạng bè phái, cục bộ, chủ nghĩa địa phương diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị…” vv và vv.. Nêu lên một vài ví dụ đó cũng đủ để mỗi người hiểu được âm mưu và mục đích của mỗi tác giả qua từng bài viết xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội thời gian gần đây. Mục đích duy nhất và xuyên suốt của họ chính là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với xã hội; chia rẽ sự đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Mưu đồ của họ là nói đi, nói lại, nói nhiều lần; đồng thời lợi dụng một số phần tử cơ hội chính trị trong nước; một số phần tử thoái hóa, biến chất chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, gây dựng số đối tượng này thành lực lượng cộm cán và khi có thời cơ thì hành động theo lối “đục nước béo cò”. Mưu đồ này của những phần tử cơ hội chính trị cho thấy rất rõ thông qua việc lợi dụng lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Chúng hô hào, kích động, xúi giục người dân biểu tình, đập phá nhà xưởng, cơ sở sản xuất và trộm cắp tài sản…
Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết
Nhìn lại lịch sử hơn 84 năm qua, mỗi khi có khuyết điểm, chưa làm tròn bổn phận của mình trước nhân dân, Đảng CSVN, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng đều dũng cảm nhận lỗi về mình và nỗ lực để khắc phục, sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập ra Đảng CSVN đã thẳng thắn nhận lỗi trước Quốc hội và khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(1). Đối với từng cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”(2) .
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng CSVN luôn nhìn nhận, đánh giá chính mình một cách khách quan; đồng thời Đảng cũng dựa chắc vào nhân dân, nhờ nhân dân soi xét, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để sửa chữa, để khắc phục. Trong lịch sử xây dựng và trưởng thành, Đảng CSVN luôn mạnh tay trừng trị, loại ra khỏi hàng ngũ của mình những “con sâu mọt” chuyên đục khoét tiền của, công sức của nhân dân; lợi dụng uy tín của Đảng để vun vén, mưu cầu lợi ích riêng.
Hơn 84 năm qua, nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng CSVN xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Trong từng thời kỳ cách mạng, trước những yêu cầu của tình hình thực tế, Đảng CSVN luôn xác định cho mình những nội dung trọng tâm, cấp bách để tập trung lãnh đạo, tập trung xử lý, tạo ra những bước đột phá quan trọng. Cách đây hơn hai năm, trước những yêu cầu cấp bách của sự nghiệp cách mạng, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với 3 nội dung trọng tâm được xác định đã tạo ra sức sống mới trong đời sống xã hội. Kết quả sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng Đảng vẫn còn những mặt cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cao hơn nữa, nhiều hơn nữa, nhưng dư luận quần chúng nhân dân đều rất đồng tình, ủng hộ. Kết quả đó không chỉ giúp ích cho Đảng làm trong sạch nội bộ; mà còn thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện; tập hợp và lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân tham gia. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nội bộ Đảng, không chỉ là sự mong muốn “gột rửa” của đông đảo đảng viên chân chính, mà cũng chính là mong muốn của các tầng lớp nhân dân. Bởi mục đích của Đảng CSVN không có gì khác là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; đem lại quyền sống, quyền làm chủ cho người dân; lợi ích của Đảng cũng chính là lợi ích của mỗi người dân Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến mau lẹ, khó lường; cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, mà công cụ chủ yếu là thông qua các trang mạng xã hội, đặt ra cho mỗi người, nhất là giới trẻ cần bình tĩnh để nhận rõ đúng, sai; tránh việc ngộ nhận, dễ bị kích động, lợi dụng.
Thế giới hiện nay là thế giới mở, với những thông tin đa chiều, tác động từng giờ, từng ngày đến nhận thức của mỗi con người trong xã hội. Vì vậy, khi phân tích, đánh giá mỗi người cần phải xem xét một cách khách quan, có hệ thống; đồng thời xuất phát từ thực tiễn tình hình đất nước, địa phương để có những nhận định, chính xác, phù hợp. Dù trong bất luận trường hợp nào cũng không được phép nóng vội, đánh giá sự việc hoặc các hiện tượng xã hội chỉ dựa trên một vài vụ việc, một vài chi tiết nhỏ lẻ. Thực tiễn cuộc sống minh chứng, có những việc, có những vấn đề, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương có thể giải quyết được ngay, nhưng cũng có những việc cần phải có đủ thời gian, nhất là những vấn đề mang tính xã hội.
Vì vậy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; để Đảng làm tròn bổn phận thiêng liêng mà dân tộc đã giao phó, không có cách nào khác là mỗi người, mỗi thành viên trong xã hội, mà trước hết, trên hết là từng cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn tự soi mình để tự sửa chữa cho chính mình. Đảng cũng giống như một cơ thể con người nếu muốn khỏe mạnh phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe; phải kịp thời phát hiện ra bệnh để chữa trị. Chỉ có thường xuyên và dũng cảm sửa chữa kịp thời những hạn chế, khuyết điểm thì Đảng mới mạnh, mới làm tròn sứ mệnh của mình trước nhân dân, trước dân tộc. Đó vừa là nguyên lý, vừa là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, cũng chính là những đòi hỏi của thực tiễn khách quan trong tiến trình lịch sử xã hội mà mỗi người cần nhận thức một cách đầy đủ, thấu suốt.
LÊ LONG KHÁNH
 (1) Hồ Chí Minh-Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 2011, tập 5, tr 301.

(2) Hồ Chí Minh-Toàn tập-Sđd, tập 4, tr 28.

Không thể lừa bịp dư luận

QĐND - Trước những sự cố về an ninh trật tự tại một số khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm xử lý và chỉ rõ nguyên nhân của các vụ việc, đồng thời kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng quá khích, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương của Việt Nam đã nỗ lực để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc; giúp đỡ, hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục tối đa thiệt hại… Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội đã sớm ổn định trở lại và được bảo đảm, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường...
Thế nhưng gần đây, thông qua một vài trang mạng ở nước ngoài, một số phần tử vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật và đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình an ninh, trật tự an toàn tại các khu công nghiệp. Thậm chí có người còn hồ đồ cho rằng “Trung Quốc đã phải cứu công dân của mình khỏi bạo loạn ở Việt Nam”... Nhìn nhận về những sự cố vừa diễn ra, họ cố tình lập lờ, đánh đồng sự manh động của một số rất ít người dân bị kích động, lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật với các hoạt động đấu tranh, biểu thị lòng yêu nước đúng đắn, hòa bình của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam… Vậy mục đích của những việc làm ấy là gì? Không có gì khác là nhằm bôi nhọ một đất nước Việt Nam hòa bình và ổn định, cố tình tạo dựng hình ảnh một Việt Nam không an toàn, thiếu trách nhiệm với các nhà đầu tư... nhằm chống phá Việt Nam cả về kinh tế và chính trị
Những việc làm trên chỉ là vô vọng. Hành động cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật để chống phá Việt Nam của một số người thiếu thiện chí sẽ không thể lừa bịp được dư luận. Thực tiễn những gì đang diễn ra ở Việt Nam sẽ minh chứng tất cả. Các nhà đầu tư không phải là những người cả tin đến thế. Từ thực tiễn, các nhà đầu tư đủ thông minh, sáng suốt để có những phân tích, nhận định chính xác về môi trường đầu tư ở Việt Nam, về những chủ trương, chính sách nhất quán, đầy thiện chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

MINH PHƯƠNG

Phòng, chống tha hóa quyền lực Nhà nước

QĐND - Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên thông điệp rất rõ ràng đối với vấn đề tham nhũng và khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, bởi lẽ đó là nguy cơ lớn dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những cán bộ, đảng viên khi đã tham nhũng có nghĩa là chính bản thân họ đã bị tha hóa phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên, xa rời lý tưởng của Đảng...
Chúng ta đã bàn khá nhiều và cũng có rất nhiều biện pháp, đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng kết quả công tác này chưa đạt được như mong muốn, thậm chí có mặt còn biểu hiện trầm trọng hơn, tham nhũng ngày càng trở nên “tinh vi” hơn. Đến nay, “Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật”(1).  Tình hình đã rất cấp bách đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải kiên quyết hơn với tệ nạn tham nhũng, với thứ “giặc nội xâm" này.

Ảnh minh họa/thanhtravietnam.vn.
Tham nhũng bao giờ cũng do con người thực hiện. Những con người ấy là những cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước lợi dụng chức quyền để đục khoét. Đó là “sự tha hóa quyền lực nhà nước” như V.I.Lê-nin nói, là sự lợi dụng cái quyền lực đã bị tha hóa ấy để nhũng nhiễu, lấy tiền bạc, của cải của nhân dân. Những người có chức vụ, quyền hạn càng cao càng có “điều kiện” để tham nhũng và hành vi tham nhũng của họ càng có tác động mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với đất nước và xã hội.
Trong khi yêu cầu phải xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, phải “kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”(2), thì Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”(3).
Thông điệp trên đã chỉ rõ rằng, mối quan hệ giữa cơ chế và con người, giữa cơ chế và cán bộ cần phải được kết hợp chặt chẽ và giải quyết tốt trong quá trình phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế phải gắn với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ.
Nhấn mạnh việc giáo dục tinh thần biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng” là sự trả lời đúng và trúng vấn đề. Đó như là một sự soi rọi vào lương tâm, trách nhiệm, vào tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; là sự đánh thức lương tâm, trách nhiệm và yêu cầu cao về tính tiền phong đó trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Hơn lúc nào hết tinh thần Đảng, phẩm chất “công bộc”, sự liêm chính của mỗi cán bộ, đảng viên phải được đề cao, chi phối tư tưởng, thái độ và hành vi của họ trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong những lĩnh vực, những cương vị, công việc nhạy cảm, có “điều kiện” dễ nảy sinh tham nhũng. Dù chúng ta có cố gắng xây dựng và hoàn thiện những cơ chế phòng, chống tham nhũng như Tổng Bí thư nêu ra, nhưng sự vận hành của các cơ chế đó sẽ không thể đạt hiệu quả, nếu chúng ta không có được những con người, những cán bộ biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ”.
Những ai tìm mọi cách để biện minh cho hành động tham nhũng của mình, đổ lỗi cho tập thể, cho hoàn cảnh khách quan thì họ thực sự là những người không còn biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ” nữa, họ đã “chai lỳ”. Theo V.I.Lê-nin, sự “thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tác hại nguy hiểm nhất”(4), cần phải kiên quyết khắc phục.
Không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nếu chúng ta không có được đội ngũ cán bộ thực sự “sống trong lòng quần chúng”, gương mẫu, được mọi người tín nhiệm tuyệt đối, những “công bộc” thực sự của dân.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua không đạt được kết quả mong muốn, có nguyên nhân quan trọng là đội ngũ cán bộ. Những người “chạy chức, chạy quyền” mà “chui vào” hàng ngũ lãnh đạo thì không thể là người biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ”. Vì vậy, vấn đề có tính mấu chốt là phải thực hiện tốt công tác cán bộ; quy thật rõ ràng trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về những sai lầm, sự tắc trách, vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ, để cho tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và tham nhũng phát triển.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo tinh thần đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự “liêm khiết", “tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ”(5), ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh và lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” tham nhũng. Không thể chỉ thuyết giáo và yêu cầu mọi người hãy chấp hành và tuân theo, còn mình thì “đứng ngoài cuộc”, thậm chí lại để cho vợ con lợi dụng, làm những việc trái pháp luật, làm giàu phi pháp, bất lương, bất chính.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, cần có các "tiêu chí, yêu cầu cụ thể" về sự gương mẫu, về “liêm sỉ, danh dự” của cán bộ, đảng viên trên mọi lĩnh vực. Cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong giám sát của cán bộ, đảng viên theo tiêu chí, định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của đảng viên một cách thực sự, tránh hình thức.
Yêu cầu cơ bản của đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay là cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân, làm cho tinh thần trọng liêm sỉ, danh dự trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội được phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
(1), (2), (3), (5) Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Báo Nhân Dân số ra ngày 6-5-2014, tr.4.
(4) V.I. Lê-nin Toàn tập, Nxb TB M. 1977 Tập 39, tr.53

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG