Thủ đoạn đánh lận bản chất vụ Việt Á để chống phá Đảng, Nhà nước

07:57 28/02/2022

Trong khi vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đang được các cơ quan chức năng tích cực mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại triệt để khai thác, lợi dụng vụ án để xuyên tạc, công kích chống phá Đảng, Nhà nước.

Một số trang mạng xã hội của các tổ chức, hội nhóm ngoài nước, hãng thông tấn như Việt Tân, RFA, VOA… lợi dụng vụ việc này tung ra những luận điệu bôi xấu chế độ, xuyên tạc bản chất vụ việc. Nhiều bài viết vu cáo Việt Nam chống tham nhũng bằng cách hô hào khẩu hiệu, hướng lái dư luận, đổ lỗi việc để xảy ra những vụ án như vậy là do chế độ, lỗi do Đảng, Nhà nước.

RFA viết rằng: “Vụ Việt Á, mọi việc trở nên tồi tệ”, rồi rêu rao, hạ thấp vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn phỏng vấn, phát tán các video, hình ảnh, bài viết với nội dung sai trái, cực đoan của những đối tượng gắn mác “chuyên gia”, “học giả”, những cá nhân tự cho mình là những “nhà phản biện” để ra sức bóp méo, đả phá xung quanh vụ việc trên. Tung ra nhiều bài viết cho rằng “Ban Chỉ đạo vào cuộc chỉ để giải quyết hậu quả”; đưa ra luận điệu quy kết vấn nạn tham nhũng “thủng từ gốc”. Từ vụ việc tại Việt Á, các đối tượng xâu chuỗi những vụ án tham nhũng lớn gần đây rồi quy kết, công cuộc chống tham nhũng “chỉ trên khẩu hiệu”, không đạt kết quả đáng kể nào do “chế độ độc đảng”!

Với những thông tin mà các hội, nhóm, cá nhân trên đưa ra cho thấy sự suy diễn, thổi phồng, nhiều bài viết bịa đặt, xuyên tạc tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Về vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, qua các chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại được nhào nặn, chế biến thành công cụ, phương tiện rất nguy hại nhằm đánh lận hiện tượng để quy kết bản chất. Các đối tượng nhào nặn vụ án rồi suy diễn thành “lỗi hệ thống”, bóp méo chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Từ vụ việc, mục đích các đối tượng tung ra thông tin sai lệch nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

Chúng ta thấy rằng, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt quốc gia đó theo chế độ chính trị nào, dù cho đó là nước nghèo hay giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hay kém phát triển; không phân biệt do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo. Do vậy, không thể lấy vụ án tham nhũng tại Công ty Việt Á cũng như các vụ án tham nhũng, tiêu cực khác để gán ghép, suy diễn là do “độc đảng” như cái cách mà các thế lực thù địch đang tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm, cố tình quy kết tình trạng tham nhũng, tiêu cực là do chế độ.

Thực tế, quan điểm trong phòng, chống tham nhũng của Đảng ta được thể hiện rất rõ trong các văn kiện của Đảng, trong đó Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Để phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đi cùng với đó là sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp gắn với việc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo sức răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Ngày 20/1/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 21 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống, không xử lý. Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện được Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực. Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.

Như vậy, từ khi vụ việc tại Công ty Việt Á được phát giác đến nay, các cơ quan chức năng đã khẩn trương đẩy nhanh tốc độ, mở rộng điều tra vụ án; ban đầu điều tra các đối tượng của một địa phương, sau đó mở rộng sang các đối tượng của địa phương khác. Điều đó thể hiện những nỗ lực, quyết tâm cao, hành động xuyên suốt, nhất quán. Thực tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng những năm qua theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đã chứng minh, pháp luật Việt Nam nghiêm minh “không thiên tư, thiên vị”, các cá nhân, tổ chức sai phạm đều được làm rõ để xử lý nghiêm. Thời gian qua, đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi tham nhũng chính sách, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID -19 để trục lợi đều bị xử lý nghiêm minh, không có việc Đảng, Nhà nước “tránh trách nhiệm” như những gì mà các thế lực thù địch rêu rao, vu cáo.

Qua vụ Việt Á cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vụ án cũng chứng minh chủ trương “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước ta được thực thi trên thực tế chứ không phải “khẩu hiệu suông, mị dân” như luận điệu kẻ xấu. Chúng ta đã thấy rõ những tác hại của vấn nạn tham nhũng gây ra, thấy rõ sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, với tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh chống “đạn bọc đường” và âm mưu của kẻ địch lợi dụng cuộc đấu  tranh đó để chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc phá hoại công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để bị lôi kéo, kích động, biến thành những con rối.

Đại Thắng - Minh Hiếu

Phản bác quan điểm “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế”

28/02/2022 05:00

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Vậy mà gần đây lại xuất hiện quan điểm cho rằng “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế”.

Phản biện hay phản bội?

Từ lúc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, lợi dụng việc góp ý văn kiện, một số người đã “phản biện” quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nên tập trung lãnh đạo chính trị, không nên lãnh đạo kinh tế”; “Đảng chỉ nên tự khuôn mình trong phạm vi “chính trị”, còn kinh tế là địa hạt của giới kinh doanh”...

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chững lại, một số người lại đổ lỗi cho “Đảng Cộng sản Việt Nam không biết lãnh đạo kinh tế”, họ lại tiếp tục “phản biện” trên các mạng xã hội, trả lời báo chí nước ngoài rằng: “Đảng không nên “lấn sân” của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế” và “khuyến nghị”: “Trong lĩnh vực kinh tế, đã có Quốc hội ban hành pháp luật và giám sát tối cao, đã có Chính phủ quản lý điều hành, không cần Đảng lãnh đạo”... Đó là những quan điểm sai lầm, lợi dụng phản biện để phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân.

Thực tiễn đã khẳng định kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, quy định và chế ước lẫn nhau. Trên thế giới hiện nay, không có đảng phái chính trị nào không gắn kết với kinh tế. Lênin đã từng chỉ ra rằng, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại.

Phản bác quan điểm “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế”
 Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Kinh tế quyết định chính trị, chính trị phản ánh kinh tế, nhưng chính trị không thụ động trước kinh tế, mà có vai trò tác động trở lại với kinh tế hoặc tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu là chính trị đúng đắn, sáng suốt; hoặc tiêu cực, kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội, nếu là chính trị sai lầm.  

Các đảng lớn của các nước tư bản phát triển đều đưa ra đường lối chính trị, dẫn dắt sự phát triển xã hội theo lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn. Trong đường lối chính trị đó đều có đường lối phát triển kinh tế.

Thực tiễn tại Việt Nam trong thế kỷ qua cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Cũng có lúc Đảng ta có sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo kinh tế, nhưng trong suốt 92 năm qua, chưa bao giờ Đảng ta xem nhẹ, buông lỏng vấn đề lãnh đạo kinh tế.

Nhờ chú trọng lãnh đạo kinh tế, bảo đảm sự đúng đắn và nhất quán về quan điểm chính trị trong lãnh đạo kinh tế mà Đảng ta đã nhanh chóng sửa chữa được khuyết điểm, giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế quan trọng, nhất là hơn 35 năm qua thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. 

Khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường

Để “chứng minh” rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lãnh đạo kinh tế”, một số người xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta, họ cho rằng “không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”; “KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn”...

Có lẽ những người nói trên đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của cơ chế thị trường và những khuyết tật của KTTT. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung-cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT.

Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản (CNTB), được CNTB nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT tư bản chủ nghĩa. Trải qua thời gian, KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước.

Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nảy sinh ra nhiều khuyết tật của cơ chế thị trường, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước.

Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Thực tế cho thấy, KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước.

Có mô hình KTTT tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động kinh tế.

Có mô hình KTTT xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người tham gia phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội (như ở Đức).

Có mô hình KTTT phúc lợi xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những người cần được trợ giúp là trẻ em, người già, người thất nghiệp... (như ở các nước Bắc Âu). Có mô hình KTTT nhà nước phát triển, nhà nước không chỉ tạo thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược, chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc)...

Phát triển KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hạn chế những khuyết tật của KTTT. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế; thể hiện ở quan hệ phân phối để mọi người đều được hưởng thành quả phát triển đất nước.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là mô hình KTTT định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp, văn bản pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp cũng hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Trong đó có lĩnh vực kinh tế. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không làm thay các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo kinh tế bằng cách tạo ra bảo đảm chính trị cho hoạt động kinh tế, xác định phương hướng chính trị cho hoạt động kinh tế đúng đắn và lành mạnh .

Chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân là định hướng mục tiêu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng chủ trương “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm”. Lãnh đạo kinh tế của Đảng đã trở thành mắt xích chủ yếu, quan trọng, thiết thực và quyết định nhất trong toàn bộ đường lối lãnh đạo, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã vượt qua bao gian nan, thử thách, được cả thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt là trong thời kỳ phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%, tăng trưởng năm 2023 là 7% và Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.

Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Fitch Ratings là một trong những tổ chức có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam với dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm nay và 6,5% vào năm 2023.

Báo chí quốc tế trong thời gian gần đây đã có nhiều bài đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam nhờ chính sách ứng phó linh hoạt với Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh tế đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Chuyên trang tư vấn đầu tư ở châu Á Vietnam Briefing của công ty Dezan Shira nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà Việt Nam tham gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam mở cửa biên giới, tăng tốc phục hồi.

Các FTA không chỉ giúp phát triển kinh tế, mạng lưới sản xuất, mà còn góp phần nâng cao các tiêu chuẩn lao động. Tờ Reuters cũng có bài viết khẳng định: Nhờ các chính sách linh hoạt của Chính phủ Việt Nam, các hoạt động kinh doanh đã được khôi phục, đặc biệt là từ quý IV năm trước, nhờ đó, ngành dệt may Việt Nam đã hạn chế đáng kể sự gián đoạn chuỗi cung ứng, kỳ vọng tăng mạnh xuất khẩu trong năm nay.

Thực tiễn đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam có nên lãnh đạo kinh tế hay không. Thực tiễn cũng đã khẳng định những luận điệu tuyên truyền “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế" là xuyên tạc, kích động. Chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái này.

ĐỖ PHÚ THỌ

Đừng vì ích kỷ mà tiếp tay cho cái xấu

23/02/2022 08:35

Từ ngày tiễn bạn trai lên đường nhập ngũ, Hương luôn tự hào với quyết định của người bạn trai.

Chị học xong cao đẳng về làm cán bộ đoàn ở địa phương, còn anh tốt nghiệp đại học, mới ký hợp đồng làm công tác hành chính tại xã. Khi nghe anh tâm sự muốn viết đơn tình nguyện nhập ngũ, Hương và cả gia đình anh rất ủng hộ. Đôi bạn trẻ hẹn ước với nhau, ngày anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ làm lễ cưới.

Vốn là cô gái thông minh, xinh xắn, Hương cũng được những chàng trai khác để ý. Trong đó có một người bạn cùng học phổ thông. Mấy ngày gần đây, người này liên tục gửi qua tin nhắn Zalo cho Hương những bài viết, hình ảnh trên mạng xã hội sai sự thật về quân ngũ; thậm chí, có cả những clip xuyên tạc, làm méo mó hình ảnh người chiến sĩ quân đội, chia rẽ đoàn kết hậu phương... Với nhận thức của mình, Hương biết dụng ý của người đó không tốt. Điều chị lo lắng hơn là anh bạn này đang bị đầu độc bởi các thông tin xấu, thông tin sai sự thật.

Đừng vì ích kỷ mà tiếp tay cho cái xấu
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Hương đã nhiều lần thẳng thắn phản hồi rằng, anh đừng làm phiền Hương, đừng đọc và đừng tin vào những thông tin bịa đặt đó. Thế nhưng người này cố tình không hiểu ý chị.

Cực chẳng đã, Hương báo cáo với đồng chí Bí thư đoàn xã. Cả hai trực tiếp đến gặp và phân tích cho anh bạn kia hiểu, quân đội là trường học lớn, là nơi thanh niên rèn luyện, trưởng thành hơn. Trong lịch sử dân tộc, nếu không có những thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ, chúng ta sẽ không có hòa bình như ngày hôm nay. Giờ đây, trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, quân đội luôn xung kích trên tuyến đầu, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Vì vậy, chúng ta không nên chia sẻ, luận bàn những thông tin không đúng sự thật đã được kẻ xấu cố tình tạo ra với mục đích xuyên tạc, kích động, lợi dụng để thực hiện mưu đồ bất chính. Hương cũng thẳng thắn nói với anh bạn đó rằng, đừng vì ích kỷ mà vô tình tiếp tay cho cái xấu.

Hương khẳng định rằng, chị luôn tin và tự hào vì bạn trai của mình đã trở thành một chiến sĩ quân đội-anh Bộ đội Cụ Hồ. Chị sẽ chờ đợi để lên xe hoa cùng anh khi anh hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc trở về. Là một cán bộ đoàn, Hương sẽ đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, với những luận điệu xuyên tạc để mọi người không bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.

Nghe đến đây, người bạn đã nói lời xin lỗi và cam kết từ nay sẽ không xem, không tin những thông tin bịa đặt, thông tin xấu độc và không làm phiền Hương nữa!

TRẦN ANH

Mưu đồ phía sau cái gọi là bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”

22/02/2022 21:57

Mới đây, ngày 17-2-2022, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW - Human Rights Watch) đã công bố cái gọi là bản phúc trình với tiêu đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”. Đây là luận điểm vô căn cứ, đổi trắng thay đen về tình hình tại Việt Nam.

Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn chống phá nhân dân, Đảng, Nhà nước ta với mức độ ngày càng quyết liệt. Trong đó, chúng luôn mượn danh vấn đề nhân quyền để xuyên tạc tình hình đất nước, hòng làm mất đi hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển trên trường quốc tế.

Mới đây, ngày 17-2-2022, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW - Human Rights Watch) đã công bố cái gọi là bản phúc trình với tiêu đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”. Đây là luận điểm vô căn cứ, đổi trắng thay đen về tình hình tại Việt Nam.

Mưu đồ phía sau cái gọi là bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”
 Phúc trình được công bố đi kèm với những phát ngôn hồ đồ của Phil Robertson.

Hồ đồ bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”

Cái gọi là bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam” thực chất là tổng hợp các nội dung mà HRW xuyên tạc về tình hình Việt Nam trong thời gian năm 2004 đến năm 2022.

Trong đó, tập trung vào việc vu cáo, xuyên tạc rằng Việt Nam đang hạn chế quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác của các "nhà hoạt động", những người bất đồng chính kiến, người "bảo vệ nhân quyền".

Bản phúc trình dài 66 trang, được công bố cùng với những phát biểu hồ đồ và áp đặt của ông Phil Robertson, Phó giám đốc Ban Á châu của HRW: “Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị, khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với rủi ro thường trực... “Nhà cầm quyền áp dụng các chiến thuật lạm dụng nhân quyền như quản chế các nhà hoạt động tại gia vô thời hạn, câu lưu khi họ rời khỏi nhà, và cấm xuất cảnh trên cơ sở các lý do an ninh quốc gia ngụy tạo.”

Bản phúc trình còn xuyên tạc trắng trợn: “Nhà cầm quyền đã áp dụng nhiều phương pháp để kiềm tỏa người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân.”

Để chứng minh cho những luận điệu vớ vẩn, áp đặt trên, HRW nêu lại các sự kiện quấy rối của các tay sai đắc lực trong quá trình chống phá đất nước ta như:  Phạm Chí Thành, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Tường Thụy.

Đây là những đối tượng thường xuyên làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đối tượng này đã bị bắt và đang phải ngồi tù vì nhiều tội danh liên quan đến việc chống lại lợi ích dân tộc Việt Nam. HRW tuyên bố có hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cùng với người thân của họ được đưa vào bản phúc trình.

Mưu đồ phía sau cái gọi là bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”

HRW thường xuyên bôi đen về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. 

Nhận diện mưu đồ chống phá đằng sau “bản phúc trình”

Thực tế, lâu nay, các thế lực thù địch “khoác áo” nhân quyền để chống phá đất nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau như: Kêu gọi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”; phản đối việc bắt các tay sai mà chúng gọi là “nhà hoạt động”; phản đối, kêu gọi tẩy chay các bản án xét xử các đối tượng mà chúng đã lôi kéo thành công...

Các hình thức chống phá này được “nhai đi nhai lại” với mưu đồ là nói mãi điều sai sẽ thành điều đúng. Tuy nhiên, những năm gần đây, quần chúng nhân dân đã nâng cao cảnh giác, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, các tay sai phản động lần lượt bị cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa nên các “chân rết" của chúng bị chặt đứt dần dần.

Vì vậy, bản phúc trình nói trên thể hiện sự bế tắc của các thế lực thù địch khi mà không còn nhiều người trong nước bị lôi kéo, mua chuộc. Cực chẳng đã, chúng đành phải “chuyển hướng” xuyên tạc, bôi nhọ về quyền tự do đi lại của những kẻ phản bội. Bản phúc trình cũng thể hiện một “hướng” chống phá mới của các thế lực thù địch.

Đó là, khi chưa có những “quân tốt thế mạng” (như Phạm Chí Thành, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Tường Thụy) thì triệt để tìm những chuyện “bên lề” để hạ thấp hình ảnh Việt Nam.

Cách thức này như một chiếc áo được chúng “khoác” lên các tổ chức nhân quyền mà HRW là điển hình. Từ đó, chúng hướng các tổ chức nhân quyền khác làm theo và lập nên cái gọi là “hồ sơ nhân về quyền thông thường” ở Việt Nam và nhiều nước khác.

Công bố cái gọi là bản phúc trình, HRW đã “lòi đuôi cáo” khi Phil Robertson nói: “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hằng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử gây tê liệt người dân như thế.”

Rõ ràng, mục đích chính của chúng là làm méo mó hình ảnh của đất nước ta trên trường quốc tế. Từ đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các đối tác thương mại tẩy chay Việt Nam. Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội; từ đó, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thực chất, HRW không vì nhân quyền ở Việt Nam.

Tất nhiên, với các tổ chức nhân quyền như HRW, ngoài việc tài trợ của các thế lực thù địch thì việc tuyên bố các bản phúc trình như trên cũng không ngoài mục đích kêu gọi tài trợ.

Vì thế mà trên website của tổ chức này luôn hiện từ “donate now” (ủng hộ ngay bây giờ); và, sau mỗi bài viết đều có một biểu mẫu kêu gọi: “Món quà được khấu trừ thuế của bạn có thể giúp ngăn chặn vi phạm nhân quyền và cứu sống khắp nơi trên thế giới. Ủng hộ ngay: 50$, 100$, 250$...”.

Và tất nhiên, số tiền tài trợ, ủng hộ cho tổ chức này sẽ không được sử dụng để bảo vệ nhân quyền mà chỉ nhằm chống phá những đất nước không cùng “phe” với chúng.

Mưu đồ phía sau cái gọi là bản phúc trình “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”
 Thông điệp kêu gọi tài trợ sau mỗi bài viết của HRW.

 

 

Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW - Human Rights Watch) là một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1978, có trụ sở tại thành phố New York, Hoa Kỳ cùng văn phòng ở thủ đô và thành phố lớn nhiều nước như Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Anh, Nga, Pháp, Nhật, Canada...

HRW dưới danh nghĩa “nhân quyền” để thành lập các tổ chức hoạt động chống chủ nghĩa xã hội. Từ đó, tạo cớ để Mỹ, các nước phương Tây tăng cường hoạt động tác động về tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền rồi tiến hành xoá bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô trước đây.

HRW bị nhiều quốc gia phản đối vì không bảo vệ quyền con người theo đúng nghĩa mà ngược lại, thường tìm cách can thiệp vào việc xử lý của các cơ quan chức năng một số nước. 

Đối với Việt Nam, HRW cổ súy, tán dương với những nhân vật hoạt động chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật. Tổ chức này thường xuyên phác thảo ra những bản báo cáo, phúc trình xuyên tạc tình hình nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.

TRẦN LÂM

Cần nhìn nhận khách quan trong đánh giá của cơ quan ngoại giao nước ngoài

08:29 21/02/2022

Ngày 18/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.

Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan, được triển khai thực hiện trong thực tế và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam” - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Liên quan việc Phạm Thị Đoan Trang bị xét xử theo pháp luật Việt Nam, hôm 14/12/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng ra “tuyên bố báo chí”, lên án và kêu gọi trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang. Trong tuyên bố còn cho rằng, hành vi phạm pháp của Trang thể hiện “nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam”.  Trong khi đó, một số tổ chức lấy mác “quốc tế” cũng đưa ra các “giải thưởng nhân quyền” và nhắm vào Phạm Thị Đoan Trang để tô vẽ hình tượng, trao giải.

Ngày 19/1/2022, tại Genève, Thụy Sĩ, giải thưởng nhân quyền có tên Martin Ennals cũng ra thông cáo “xướng tên nhà báo Phạm Thị Đoan Trang - nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam, vừa bị kết án 9 năm tù hồi tháng 12/2021”! Trong thông cáo báo chí, tổ chức này mô tả: “Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ hơn 10 năm nay trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng nhấn mạnh các sáng kiến của cô, bao gồm việc lập ra trang mạng thông tin nhân quyền và luật pháp Luật Khoa tạp chí, Nhà xuất bản Tự Do”.

Thực chất, dù tổ chức trao giải khác nhau nhưng đều có mẫu số chung khi cùng copy từ một khuôn mẫu như những gì mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hay Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ) đưa ra. Trước đó, các tổ chức này đưa ra các thông cáo báo chí vu cáo Việt Nam là một trong những nước giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới. Thông cáo của CPJ cho rằng, Việt Nam vi phạm tự do báo chí nghiêm trọng và nêu yêu sách đòi Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”! Những cái tên được CPJ xướng lên làm “ví dụ điển hình” cho các nhà báo bị giam giữ như Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang, Trương Duy Nhất… Thực ra đây là luận điệu tái lặp của CPJ, RSF… khi có những quy kết không đúng về tình hình nhân quyền của Việt Nam nói chung cũng như tự do báo chí nói riêng. Như thông cáo trên, chỉ cần nhìn vào những cái tên trên đủ để thấy rằng CPJ xuyên tạc, bóp méo vấn đề quyền con người ở Việt Nam như thế nào. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… dù trước đây từng có giai đoạn hoạt động tại một số cơ quan báo chí, song do vi phạm pháp luật, họ đã bị kỷ luật, thay đổi công việc, ở thời điểm bắt giữ thì họ không còn là những nhà báo hay phóngviên như CPJ công bố. Trái lại, đó đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xét xử theo các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Trở lại việc Bộ Ngoại giao Canada và Vương quốc Anh ngày 10/2 đã trao “Giải thưởng Tự do Báo chí Canada - Vương quốc Anh năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang, lý do mà cơ quan này đưa ra là “để ghi nhận những đóng góp của bà cho việc thúc đẩy tự do báo chí tại Việt Nam”. Trong thông cáo báo chí, nêu: “Giải thưởng Tự do Báo chí của Canada - Vương quốc Anh ghi nhận công việc của những người đã bảo vệ các nhà báo hoặc đi đầu trong tự do báo chí ở cấp địa phương, tôn vinh các tổ chức, chiến dịch và cá nhân ít được biết đến trong cuộc đấu tranh với việc không trừng phạt những hành vi chống lại nhà báo. Ra mắt năm 2020, giải thưởng ghi nhận những người thúc đẩy tự do báo chí, bất kể trực tiếp hay gián tiếp. Bà Trang được biết đến với những cuốn sách về dân chủ và những bài viết về xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Là người thúc đẩy sự tiến bộ về quyền con người và tinh thần thượng tôn pháp luật, bà Trang viết về các vấn đề môi trường quan trọng. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã trao Giải Tự do báo chí cho bà Trang năm 2019 để ghi nhận công lao này…”.

Dẫn lại đoạn thông cáo trên thì thấy rằng, lời lẽ cũng giống như những gì mà RSF, CPJ hay HRW - những tổ chức thù địch chống phá Việt Nam đưa ra. Trong đó, chính thông cáo này còn dẫn lại ý của RSF về việc đã trao Giải Tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang năm 2019. “Ăn theo” vấn đề này, những cá nhân thuộc các tổ chức trên cũng đưa ra các lời lẽ, ý kiến nhằm cổ xuý việc trao giải thưởng nhân quyền cho Phạm Thị Đoan Trang, đối lập với việc tung hô “nữ ký giả” là sự chỉ trích, miệt thị Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên trang mạng xã hội của Việt Tân cũng không quên đưa ra “lời chúc mừng nhà báo Phạm Thị Đoan Trang”!

Như vậy, chúng ta thấy dù giải thưởng và thông cáo báo chí được đưa ra với danh nghĩa của cơ quan Nhà nước là Bộ Ngoại giao nhưng nội dung trong nhìn nhận, đánh giá cũng sai lệch, tương tự với sự “tôn vinh giải thưởng” và thông cáo báo chí mà các tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đưa ra. Dễ nhận thấy, sự đánh giá về hành vi của Phạm Thị Đoan Trang với danh nghĩa nhà báo với vấn đề nhân quyền, sự chỉ trích phiên toà hay “nền dân chủ” trong các thông cáo này dường như vẫn là các bản copy của nhau. Đây là điều không nên. Bởi lẽ, những tổ chức như RSF, CPJ hay HRW đã được nhận diện rõ về động cơ, mục đích thù địch, chống phá Việt Nam, thường xuyên lấy các vụ việc phạm pháp ở Việt Nam để chụp mũ dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, làm nguyên cớ để kích động chống phá. Dư luận không lạ gì những thủ đoạn đánh lận, nguỵ biện mà các tổ chức này đưa ra, ngay việc sử dụng các giải thưởng lấy tên nhân quyền cũng chỉ là cái cớ để thu hút và đánh lừa dư luận. Thế nhưng, với cơ quan Nhà nước, ngoại giao hay tổ chức quốc tế chính danh, khi đánh giá về một vấn đề, sự việc ở quốc gia khác mà dựa vào “phiên bản” như của RSF, CPJ hay HRW là điều không nên. Với sự trùng lặp nội dung và đánh giá như vậy, người ta có quyền nghi ngại những cá nhân của chính các tổ chức này can thiệp hay đứng sau các bản báo cáo, đánh giá của cơ quan ngoại giao nhà nước, làm ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của báo cáo. Trong quan hệ quốc tế, đây là điều mà các cơ quan ngoại giao luôn cẩn trọng, bởi những đánh giá của họ với một quốc gia khác cần phải thể hiện được tính khách quan, đúng đắn, thể hiện bằng việc nhìn nhận toàn diện chứ không nên “theo ý” bởi một cá nhân hay tổ chức nào khác, vì động cơ nào khác. Bởi lẽ đó, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng tự do báo chí cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam là Phạm Thị Đoan Trang, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam”. 

Ngày 14/12/2021, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c - Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước. Ngoài ra, bị cáo còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

Viện Kiểm sát xác định, các tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. HĐXX xác định hành vi của Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn quyết liệt thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh. Khi quyết định hình phạt, HĐXX đánh giá bị cáo khai báo không thành khẩn, phạm tội nhiều lần nên quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn trên để giáo dục và phòng ngừa chung.

Minh Đăng

Giữ "phương diện quốc gia"

21/02/2022 05:00

“Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào...”. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch.

Cách nói tu từ, dân dã, có ý nghĩa sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta được nhiều người trong giới chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý... học tập, vận dụng để tự răn mình, góp phần nâng cao công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái..., thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Lợi dụng tiêu cực của cán bộ để xuyên tạc hình ảnh quốc gia

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đã có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid-19 mang lại khí thế, diện mạo mới cho môi trường sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động các đường bay quốc tế, từng bước đón du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm đã tăng tốc ngay từ đầu năm mới. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17-2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 có sự phục hồi tích cực. Dù xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2022 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến  triển tích cực.

Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1-2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong trào thiện nguyện, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào yêu nước. Những thành tích, dấu ấn tích cực ấy đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với dân.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế-xã hội đất nước đầu năm 2022 vẫn có những mảng tối, tiêu cực. Và đây chính là cái cớ để các phần tử cực đoan chính trị, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, khoét sâu, tăng cấp độ, quy mô, tính chất xuyên tạc, chống phá.

Giữ "phương diện quốc gia"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021. Ảnh: TTXVN

Vụ việc tiêu cực từ Công ty Việt Á, vụ việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị... đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, nhằm ý đồ lèo lái dư luận, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên một số trang mạng xã hội như “Việt Tân”, “RFA Tiếng Việt”, “Tiếng dân”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Diễn đàn dân chủ”... và tài khoản của một số đối tượng cực đoan, có tư tưởng thù địch, xuất hiện nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc.

Chúng bám vào những vụ việc tiêu cực đó để chỉ trích Chính phủ và hệ thống chính trị, quy kết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, vị thế dân tộc, kêu gọi các nhà đầu tư và du khách quốc tế tẩy chay Việt Nam. Với chiêu bài lấy hiện tượng quy kết bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ tổng thể, các thế lực thù địch và đối tượng phản động cho rằng, “Việt Nam là đất nước của tham nhũng, tiêu cực”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, một đảng thì không thể có dân chủ, không thể chống được tham nhũng”...

Trước những luận điệu xuyên tạc ấy, công chúng yêu nước dễ dàng nhận ra bản chất, bộ mặt của những đối tượng, tổ chức mang tư tưởng thù địch với đất nước. Mấy tháng trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng đã kích động, rêu rao rằng “công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã thất bại”, “Việt Nam chống dịch kém nhất thế giới”...

Đến khi chúng ta khống chế dịch thành công, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, thì chúng lại chuyển sang bám vào những vụ việc tiêu cực, những mảng tối của “hậu Covid-19” để xuyên tạc, kích động chống phá. Không ít đối tượng nhân danh hoạt động “phản biện”, “góp ý”, “đấu tranh”... ra sức bôi đen hình ảnh đất nước, hạ thấp uy tín quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Mục đích của chúng là hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt kiều bào và bạn bè quốc tế, phá hoại công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.  

Bổn phận công bộc trong giữ gìn "phương diện quốc gia"

Từ điển tiếng Việt giải thích “phương diện quốc gia” từ ý thơ của cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” là: “Vị quan đảm đương công việc một vùng đất nước”. Trong thời đại ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều có một phần “phương diện quốc gia” trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, mọi việc làm, hành vi ứng xử của cán bộ, nhất là trong môi trường có yếu tố nước ngoài, đều có ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh đất nước, vị thế quốc gia, dân tộc. Cán bộ giữ cương vị càng cao, sự ảnh hưởng càng lớn. Cán bộ tốt thì dân được nhờ, đất nước được tiếng thơm. Cán bộ tiêu cực, không biết giữ mình thì đất nước mang tiếng xấu. Sự lợi dụng của các thế lực thù địch, phần tử phản động nhằm mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước cũng từ những hành vi tiêu cực đó mà ra.

Chính vì vậy, để giữ “phương diện quốc gia”, mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự thống nhất cao về mặt nhận thức, có thái độ đấu tranh kiên quyết, bài trừ những thông tin tiêu cực về tình hình đất nước trên không gian mạng, nêu gương và dẫn dắt quần chúng. Cần nhận thức một cách thấu đáo và khách quan, việc đấu tranh phát hiện, xử lý những vụ việc tiêu cực vừa qua là sự thể hiện thái độ kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm của Đảng, Nhà nước ta đối với tham nhũng, tiêu cực.

Việc các cơ quan chức năng điều tra, khám phá thành công những vụ án, vụ việc tiêu cực trong nội bộ, chính là kết quả, thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lấy những vụ việc, biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, quy chụp, lên án cả hệ thống chính trị, bôi nhọ đất nước... là thủ đoạn võ đoán, quy chụp, thể hiện rõ ý đồ thù địch.

Để giữ “phương diện quốc gia”, bên cạnh tập trung các giải pháp đấu tranh phản bác, phủ nhận, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cần đặc biệt coi trọng việc củng cố trận địa từ bên trong. Đó chính là ý thức trách nhiệm, bổn phận của đội ngũ công bộc trước lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...”.

Như vậy, văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ... chính là những nhân tố cốt lõi để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là công bộc của dân, là đại diện cho vị thế quốc gia. Trong có ấm thì ngoài mới êm. Nếu mỗi công bộc của dân có ý thức, bổn phận giữ “phương diện quốc gia” đúng mực thì chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong bộ máy công quyền, các thế lực thù địch khó tìm cớ để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Đó cũng là phương châm lấy xây để chống trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ phải gắn liền với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là phương châm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế, nhất là cán bộ, doanh nhân trong các ngành liên quan đến ngoại giao, du lịch, thương mại... Trong từng môi trường, hoàn cảnh có yếu tố quốc tế, chính họ là cầu nối, là “sứ giả” của văn hóa dân tộc, thể hiện phong cách, thái độ, trình độ văn hóa, văn minh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè. Hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cũng đến từ những ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam thông qua những hình ảnh thân thiện ấy.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng và thông điệp từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 phải được thể hiện, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống xã hội. Chúng ta xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là cách thiết thực để giữ “phương diện quốc gia” trong ý thức, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, để khi “quan trên trông xuống người ta trông vào” không hổ thẹn với lương tâm.

PHAN TÙNG SƠN

“Tưởng” thế là... sai rồi!!!

16/02/2022 06:41

Thấy nhà hàng xóm có tiếng trò chuyện rôm rả, tôi hé cửa nghe và nhận ra tiếng bác Minh chủ nhà đang khoe với khách: “Tối qua tôi vừa xuống thăm, động viên thằng cháu họ chuẩn bị lên nhập ngũ, thấy cu cậu phấn khởi lắm. Thật xứng đáng với truyền thống gia đình có ông nội, rồi bố cu cậu trước đây từng viết đơn tình nguyện đi bộ đội”.

Tiếp lời bác Minh là giọng khàn khàn của một vị khách: “Ôi dào! Hào hứng, phấn khởi gì. Vào đấy lại bị lính cũ nó đánh cho, rồi mang tật về nhà, lúc ấy mới hiểu. Giờ cứ lính mới vào đơn vị là bị “làm luật” hết!”.

Khách nói chưa hết câu, bác Minh đã nghiêm giọng: “Mới đầu năm ông đã nói gở. Quân đội có kỷ luật nghiêm minh, làm gì có chuyện cứ lính mới vào là bị đánh? Tôi dặn cháu rồi, vào đơn vị phải tự giác chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật, quy định, mệnh lệnh, chỉ thị của lãnh đạo, chỉ huy. Với anh em đồng chí, đồng đội, phải chan hòa, thân thiện, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội là trường học lớn cho mọi người học tập, rèn luyện. Ông đừng suy nghĩ méo mó, để các thế lực thù địch làm vẩn đục suy nghĩ như thế!”.

“Tưởng” thế là... sai rồi!!!
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Bị phản bác, vị khách kia vẫn chưa chịu dừng lại, giọng khàn khàn lại tiếp tục cất lên: “Ông thì toàn lý thuyết hão, chẳng chịu đọc mạng gì cả. Tôi nói có sách, mách có chứng nhé! Ông có nhớ mấy vụ rùm beng trên mạng vì tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” không? Có cần tôi tìm lại bài viết trên mạng cho ông đọc không?...”.

Thấy vị khách ngoan cố, muốn tranh luận đến cùng, ông Minh bình tĩnh nhấp ngụm trà rồi hạ giọng, nhẹ nhàng phân tích: "Chuyện các chiến sĩ có va chạm với nhau là có, tôi không phủ nhận. Trong môi trường tập thể đông người, đến từ các vùng, miền khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên xung đột, một vài mâu thuẫn, xung khắc trong sinh hoạt là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, tuyệt đại đa số cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn sâu sát, gần gũi, nắm bắt được và giải quyết, xử lý kịp thời. Vụ việc ông nêu chỉ là trường hợp cá biệt, bị thế lực thù địch chống phá, kích động, thổi bùng lên thôi. Vin vào một sự việc mà quy thành bản chất, phủ nhận những giá trị tốt đẹp trong môi trường quân ngũ là không đúng đâu. Ông xem, những năm qua, nhất là trong thiên tai, dịch giã, bất cứ nơi nào khó khăn, gian khổ thì nơi đó hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lại càng tỏa sáng. Cũng ít tình cảm bạn bè nào thân tình, gắn bó như tình cảm đồng chí, đồng đội. Thử hỏi, nếu không được giáo dục, rèn luyện tốt thì làm gì có được điều đó!

Ông có 3 cậu con trai, có cậu nào giống tính cậu nào không? Ông nghiêm khắc thế nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn cãi nhau, thậm chí đánh nhau còn gì? Nhưng không nên vì vậy mà nói chúng không yêu thương, quý trọng, suốt ngày đánh nhau được".

Nghe ông Minh phân tích, vị khách im lặng một lúc rồi thừa nhận: “Ông nói cũng có lý. Tôi không đi bộ đội, chỉ xem trên mạng nên chưa hiểu hết môi trường quân ngũ thật. Cứ tưởng là...”. Lúc này, ông Minh mới nhẹ nhàng: “Lần này ông... tưởng sai rồi! Từ giờ đừng “cứ tưởng”... rồi đi nói chỗ này, chỗ kia, kẻo đã sai lại... càng sai đấy”.

CHIẾN VĂN