Cán bộ, đảng viên ứng xử lành mạnh, chuẩn mực trên môi trường mạng

26/02/2021 09:20

Cán bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì trên mạng xã hội cũng phải vậy.

Không nên sống ảo, chớ “lạc lối” trên mạng xã hội

Thời nay, rất nhiều người không chỉ sống trong cuộc đời thực, mà còn “sống” trên môi trường mạng xã hội (MXH). Gọi là “sống”, vì không ít người coi MXH như một phần tất yếu của cuộc đời mình, nghĩa là nó thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày. Thậm chí, có nhiều người có thể chịu đựng một chút đói khát trong thời điểm nào đó, nhưng nhất định không chịu rời xa “thế giới phẳng” trong một ngày.

Tôi quen biết một người bạn am hiểu công nghệ thông tin, hằng ngày không bỏ quên thói quen “lang thang” trên MXH. Tôi từng hỏi bạn, “lang thang” trên thế giới mạng vô cùng tận như thế, đã bao giờ cậu “lạc lối” chưa?”, thì bạn bảo rằng, dù chưa bị “lạc lối”, nhưng đầu óc cũng có lúc gần như trở nên mụ mị bởi những thông tin “thượng vàng hạ cám” ở cái “chợ trời xuyên biên giới” này. Bạn cho rằng, một trong những mặt trái của MXH là dễ làm cho những người nghiện nó (trong đó có cả cán bộ, đảng viên) rất dễ sa đà vào những giá trị ảo. Những người này có xu hướng “ăn phây” (facebook), "ngủ phây”, đi đâu cũng “phây” nên tự mình đắm chìm vào thế giới thông tin, hình ảnh trên MXH mà sao nhãng, lãng quên bao điều thực tế xảy ra xung quanh mình. Thậm chí, có người tìm mọi cách để tạo ra những thông tin trái chiều, hình ảnh dị biệt chỉ nhằm mục đích duy nhất là thu hút được càng nhiều like, nhiều view càng tốt. Khi đắm chìm vào những ngôn từ mỹ miều và những hình ảnh đã được đánh bóng trên MXH, không ít người tự ảo tưởng mình đang “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ, mà không hề biết rằng, đó chỉ là cái thứ nổi tiếng hão huyền, viển vông. 

Đáng nói hơn, không ít những thông tin trên MXH được ngụy tạo đúng-sai, thực-hư, thật-giả lẫn lộn khiến người dùng mạng bị “dắt mũi”, rồi người nọ chia sẻ thông tin cho người kia, lan truyền theo cơ chế "tam sao thất bản" khiến cho cái sai, cái giả có khi càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ cần một cái sai trong vòng ít phút, với tốc độ lan tỏa cực nhanh trên MXH, cái sai ban đầu có thể trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái sai khiến nhiều cư dân mạng nếu không tỉnh táo, vững vàng, thận trọng thì dễ rơi vào tâm trạng dao động, chênh chao tư tưởng, nghiêng ngả niềm tin vào những giá trị tích cực, tốt đẹp trong thực tế.

Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên, công chức đã bị xử lý kỷ luật vì có hành vi cổ xúy thông tin lệch lạc, phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ uy tín người khác và đăng tải bài viết có nội dung trái quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó có một cán bộ cấp khoa của Trường Chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã bị cách chức; một chuyên viên Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh và một cán bộ Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đã bị khai trừ Đảng... Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên nào còn coi nhẹ ý thức chấp hành kỷ luật phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH. 


Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn 

Chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật phát ngôn, ứng xử lành mạnh trên môi trường mạng

Trên môi trường mạng, thói quen tiếp nhận, lan truyền, cổ xúy thông tin theo hiệu ứng domino làm cho người ta lạc vào “ma trận thông tin” không lối thoát, từ đó dễ bị lôi kéo, kích động theo tâm lý đám đông lợi bất cập hại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm người ở độ tuổi trung niên trở lên (trong đó có cán bộ, đảng viên) ít có kiến thức về công nghệ thông tin, song lại chịu sự tác động của tin giả, tin xấu nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Trong khi đó, một số cán bộ, đảng viên trẻ am tường về công nghệ số, có kỹ năng dùng MXH thành thạo nhưng lại hạn chế về nhận thức, bản lĩnh chính trị, vì thế cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Đấy là chưa kể một số cán bộ, đảng viên “sống” trên MXH vẫn luôn “mũ ni che tai”, thấy thông tin đúng không bảo vệ, biết thông tin sai không phê phán, đấu tranh.

Sử dụng MXH là xu hướng trong thời đại công nghệ số và đây là một trong những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, cần  nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Điều này là hiển nhiên, bởi cán bộ, đảng viên được Nhà nước, nhân dân ủy quyền làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội, do đó họ phải có bổn phận, nghĩa vụ tiên phong trong việc tạo ra và thực thi những quy ước, chuẩn mực đạo đức, pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh của xã hội.

Cán bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chính trị là chung tay góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” ngày càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy thì trên MXH cũng phải vậy. Để góp phần giảm thiểu sự nhiễu loạn thông tin và làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên cần đề cao và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng MXH và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn.

Trước hết cán bộ, đảng viên cần tuân thủ triệt để Quy định số 47-NQ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”, đó là không được: “Nói trái cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước; viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”. Cùng với chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật phát ngôn và quy định về cung cấp thông tin trên MXH theo Luật An ninh mạng 2018, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Đề án Văn hóa công vụ năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có yêu cầu phải “tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”.

MXH như một trong những tấm gương phản chiếu về chính bản thân người sử dụng nó. Để góp phần giữ gìn hình ảnh, tư cách của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư xử, tương tác trên MXH thể hiện ý thức chuẩn mực như thế. Bên cạnh việc giữ gìn lời ăn tiếng nói lành mạnh của bản thân trên MXH, cán bộ, đảng viên rất nên và rất cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu những giá trị văn hóa trên môi trường mạng. Mặt khác, khi tham gia MXH, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện lập trường, chính kiến chính trị rõ ràng của mình để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần giữ vững và tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam và những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong lòng bạn bè thế giới.

BẢO NHƯ

qdnd.vn

Vẫn chiêu bài vu khống lố bịch!

24/02/2021 05:00

Những ngày trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và quân dân ta đều chung sức, đồng lòng, nỗ lực tham gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

Nhiều đồng chí lãnh đạo họp xuyên đêm để chỉ đạo PCD; Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng trực tại các tổ, chốt trên biên giới trong dịp Tết để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép phòng dịch bệnh xâm nhập vào nội địa; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân viên y tế cùng nhiều lực lượng túc trực, phục vụ tại các khu cách ly, khu phong tỏa và phun khử trùng, điều trị cho người nhiễm Covid-19...

Thế nhưng một số trang mạng nước ngoài, một số cá nhân có tâm địa xấu xa lại rêu rao rằng “việc PCD Covid-19 lần này ở Việt Nam có vẻ chủ quan” hoặc “lần này "toang" rồi”; thậm chí chúng còn “mong có lãnh đạo nhiễm Covid-19 thì vui biết mấy”... Đây vẫn là những chiêu bài rất cũ kỹ của những “anh hùng bàn phím” có tư tưởng bất mãn, phản động nhằm đánh lạc hướng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với công tác PCD ở nước ta.

Vẫn chiêu bài vu khống lố bịch!
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) tham gia hoạt động kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Thùy/qdnd.vn 

Trực tiếp tham gia cùng các lực lượng PCD của quân đội tại tỉnh Gia Lai và Bình Định, tôi thấy rõ quyết tâm cao độ từ chính quyền địa phương đến người dân. Tính từ khi có ca nhiễm đầu tiên ở Gia Lai đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, sự sâu sát của cán bộ các cấp và ủng hộ của nhân dân, dịch Covid-19 trên địa bàn đã cơ bản được khống chế, hàng nghìn trường hợp F1, F2, F3... được truy vết, đưa đi cách ly tập trung hoặc vận động cách ly tại nhà. Hằng ngày, các cơ quan truyền thông, báo chí kịp thời thông tin những ca nhiễm mới để người dân được biết, phòng tránh...

Tại những địa phương khác trên cả nước có người nhiễm Covid-19, dù trong dịp Tết nhưng cán bộ các cấp vẫn duy trì họp PCD thường xuyên và trực tiếp đến những khu vực có người nhiễm, nghi nhiễm để chỉ đạo khoanh vùng, phun dung dịch khử khuẩn. Hàng nghìn y sĩ, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã gác lại việc riêng, chấp nhận khó khăn, rủi ro xung phong vào tâm dịch làm nhiệm vụ... Những việc làm cụ thể đó là minh chứng sinh động, đập tan những luận điệu phản động vu khống rằng “Việt Nam chỉ lo đại hội đảng, không lo PCD”, “không kiểm soát được tình hình dịch bệnh”... nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, xóa nhòa thành quả của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.

Tết cổ truyền vừa qua, người dân nước ta vẫn vui xuân, đón Tết trong trạng thái bình thường mới; vẫn đến chợ hoa, đi siêu thị mua sắm, tham quan vãn cảnh... mà không lo sợ dịch Covid-19 khi thực hiện đầy đủ "5K" (khẩu trang-khử khuẩn-không tụ tập đông người-khai báo y tế-khoảng cách). Thực tế, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế uy tín vẫn đánh giá Việt Nam là một trong những nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất.

Những luận điệu phản động, cố tình xuyên tạc công tác PCD Covid-19 ở nước ta thật là lố bịch!

MINH DUY

Sự thật về cái gọi là “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức

23/02/2021 21:49

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, blog, fanpage và cả đài báo nước ngoài như BBC, RFA, VOA, RFI, liên tục đưa ra các bài viết về cái gọi là “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức – đối tượng đang thụ án 16 năm tù giam tại Trại giam Số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Và đi liền với đó là những thông tin mang tính bịa đặt, vu khống về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Dưới những tiêu đề giật gân như: “Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực tới 34 ngày”, “Thư khẩn về tính mạng của Trần Huỳnh Duy Thức”, cùng các khẩu hiệu như: “#Free Thức”, “Thả tự do cho Thức”, “Trần Huỳnh Duy Thức vô tội”.., các bài viết này còn nhận được sự hà hơi, tiếp sức của một số tổ chức dán nhãn hiệu "quốc tế" và Tổ chức Phi chính phủ (NGO), với hình thức “thư ngỏ”, kêu gọi trả tự do cho các đối tượng phạm tội đang bị giam giữ.

Sự thật về cái gọi là “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức
Hình ảnh thực tế cho thấy Trần Huỳnh Duy Thức (áo lót trắng) vẫn sống khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Ảnh cắt từ clip do cơ quan Công an cung cấp.

“Tuyệt thực” – chiêu trò cũ rích

 “Tuyệt thực” một trong những chiêu trò vốn không còn xa lạ của các đối tượng bị kết án do có hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Dù bản thân có hoạt động kích động, chống đối, xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng đến khi phải đối mặt với bản án, những đối tượng này vẫn không ngừng thực hiện các chiêu trò chống phá. Chiêu trò “tuyệt thực” cũ rích này đã từng được những “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” tự phong như: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Hải điếu cày), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh áp dụng, nhưng đã bị dư luận trong và ngoài nước vạch trần, lên án.

Và tấn trò “tuyệt thực” lại tiếp tục được Trần Huỳnh Duy Thức và các đối tượng chống đối diễn lại từ tháng 5-2016, hòng thu hút sự chú ý của dư luận nhằm tiếp tục vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặt ra các đòi hỏi, yêu sách phi lý. 

Theo thông tin từ cơ quan công an, ngày 14-5-2016, tại trại giam Số 6, khi gặp bố và thân nhân đến thăm nuôi, Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố sẽ “tuyệt thực không thời hạn”, bắt đầu từ ngày 24-5-2016. Và kể từ hôm đó, Trần Huỳnh Duy Thức không nhận khẩu phần ăn do trại cấp phát, nhưng vẫn sử dụng đồ ăn, uống do gia đình cung cấp và mua tại căng tin của trại giam. Cũng với chiêu trò “tuyệt thực”, tháng 6-2018, Thức có đơn thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị lại bản án, đòi miễn hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Năm 2020, mượn cớ chưa được Tòa án nhân dân tối cao trả lời về việc đơn thư, Thức tiếp tục tuyên bố “tuyệt thực” đến khi tòa án trả lời mới dừng.

Điều đáng nói là đòi hỏi của Trần Huỳnh Duy Thức muốn được áp dụng mức án cho người phạm tội căn cứ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 vào bản án xét xử theo Bộ luật Hình sự năm 1999 mà ông ta đang phải thi hành là hoàn toàn phi lý. Bởi về nguyên tắc, Luật Hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố, mà chỉ cho phép vận dụng quy định này trong một số trường hợp cụ thể để thể hiện sự khoan hồng và tính nhân đạo của Nhà nước. Với trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, xét từ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cùng thái độ chống đối, gây rối trong thời gian thụ án thì bản án dành cho ông ta được dư luận đánh giá là hoàn toàn đích đáng. 

Sự thật bị phơi bày

Sau những chiêu trò “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức và được các đối tượng lu loa trên mạng, thì cuối năm 2018, Kênh truyền hình ANTV đã công bố clip chứng minh hoàn toàn không có chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực. Những hình ảnh thực tế cho thấy ông ta vẫn sống khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.

Qua clip, có thể thấy rõ danh mục đồ ăn, thức uống mà ông Thức sử dụng trong toàn bộ khoảng thời gian đó như thịt, cá biển, café, đường…. Có thể kể ra một vài ví dụ như: Ngày 4-9-2018, tại Bản kê khai đồ, quà thân nhân gửi cho phạm nhân qua đường bưu điện, Trần Huỳnh Duy Thức đã nhận được từ vợ là Lê Đính Kim Thoa, sinh năm 1966 số quà có trọng lượng 3,95kg, trong đó có 01 hộp sữa hộp Ensure, 01 túi ruốc bông. Hay như ngày 16-9-2018, chị gái Thức là Trần Thị Thu Liên, sinh năm 1963 tiếp tục gửi 5kg các đồ ăn, uống bổ dưỡng gồm: sâm ngâm mật ong, kẹo bánh, sữa đặc, phô-mai, canh rong biển, cháo sen. Và còn rất nhiều lần khác Thức đã mua đồ ăn ở căng tin của trại giam, với chữ ký nhận đầy đủ của ông ta. Qua clip người xem còn dễ dàng nhận thấy Trần Huỳnh Duy Thức vẫn sinh hoạt, giải trí như mọi ngày, không có biểu hiện suy nhược hay mệt mỏi như thường thấy ở những người nhịn ăn uống.

Trong Trại giam Số 6, Thức không chỉ ăn uống đầy đủ, mà còn được chăm sóc chu đáo, tận tình về sức khỏe. Thiếu tá Đỗ Doãn Tỉnh, bác sĩ của Trại giam Số 6, người trực tiếp kiểm tra sức khỏe cho Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết trong khoảng thời gian thông tin Thức “tuyệt thực” được phán tán trên mạng, qua kiểm tra y tế, các chỉ số sống như hô hấp, huyết áp, tim mạch của Thức đều ổn định, bình thường. Trong nhiều lần khác, các kết quả kiểm tra thể hiện trên phiếu khám sức khỏe mà chính Trần Huỳnh Duy Thức đã xác nhận, đều ghi nhận sức khỏe bình thường, đủ điều kiện thụ án. Điều này thêm một lần nữa khẳng định rằng không thể có chuyện Thức tuyệt thực mà sức khỏe lại tốt như vậy.

Vậy sự thật về cái gọi là “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức là gì? Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: Tuyên bố “tuyệt thực” là chiêu trò thường được các đối tượng thụ hình tại các trại giam do Bộ Công an quản lý áp dụng. Theo nghĩa thông thường, tuyệt thực có nghĩa là nhịn ăn, nhịn uống và theo thời gian thì sức khỏe ngày càng giảm sút. Nhưng trên thực tế, các đối tượng này vẫn béo, khỏe, rất minh mẫn. Trong thời gian tuyên bố “tuyệt thực”, những đối tượng này không nhận các khẩu phẩn ăn theo tiêu chuẩn trại giam cung cấp, mà ăn đồ tiếp tế của gia đình gửi vào và sử dụng tiền lưu ký để mua đồ ăn ở căng tin.

Ngay sau khi phát hiện Trần Huỳnh Duy Thức không nhận khẩu phần ăn, Trại giam Số 6 đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Cán bộ quản giáo của trại đã giáo dục, giải thích, động viên Thức sử dụng khẩu phần ăn do trại cấp, lập biên bản ký xác nhận đầy đủ thông tin mua bán tại căng tin, đồ tiếp tế của gia đình, thực hiện khám sức khỏe cho Thức hằng ngày. Chính Trần Huỳnh Duy Thức đã tự xác nhận điều này. Ngày 24-5-2016, trong biên bản làm việc với cán bộ trại giam, Trần Huỳnh Duy Thức viết, ký xác nhận nội dung: "Tôi tuyệt thực không liên quan đến chế độ chính sách Trại giam Số 6, khẩu phần ăn của tôi được cấp phát đầy đủ từ khi nhập trại, tuy nhiên tôi sẽ duy trì bằng cách uống 03 bịch sữa mỗi ngày”. Trong đợt “tuyệt thực” đó (từ 24-5-2016 đến ngày 31-5-2016), ông ta đã sử dụng 21 hộp sữa loại 180ml, 10 bịch sữa tươi loại 220ml, 21 gói cà phê sữa, 17 gói trà sâm cùng nhiều đồ ăn, thức uống khác. 

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện “tuyệt thực”, đó chỉ là những chiêu trò nhằm vu khống lực lượng công an Việt Nam. Theo lẽ thường, một người mà tuyệt thực tới hơn 30 ngày thì chỉ còn da bọc xương, không thể gượng ngồi dậy được và chắc chắn là trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Còn với Trần Huỳnh Duy Thức, có một điều hài hước là sau những thông tin “tuyệt thực”, “tính mạng nguy hiểm” thì Thức đã tăng lên những 4,5kg.

Qua những hình ảnh, bằng chứng xác thực của Trần Huỳnh Duy Thức tại Trại giam Số 6, rõ ràng một số thông tin trên mạng xã hội liên quan cái gọi là “tuyệt thực đến chết” của Thức hoàn toàn là bịa đặt, gây rối, hòng vu cáo, xuyên tạc chính sách giáo dục và cải tạo phạm nhân của Đảng, Nhà nước ta, kích động các hoạt động chống phá, tạo cớ cho các tổ chức bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, xâm hại an ninh quốc của Việt Nam.

Chiêu trò “tuyệt thực” còn cho thấy sự cố gắng một cách tuyệt vọng của một nhóm người đáng thương, tự xưng là nhà đấu tranh “dân chủ”, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn nhẹ dạ cả tin và vào hùa trước những thông tin không đúng với sự thật.

Clip hình ảnh thực tế của Trần Huỳnh Duy Thức trong Trại giam Số 6:

Clip do cơ quan Công an cung cấp. 

THANH SƠN

Xuyên tạc lịch sử dân tộc - dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch

23/02/2021 01:28

Thời gian gần đây, cùng với tập trung chống phá Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhận thức sai lệch về lịch sử dân tộc, từ đó dao động, nghi ngờ, thiếu lòng tin vào Đảng và chế độ.

Lịch sử dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách và những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, phát triển. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược - đó là những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Những thắng lợi đó đã được lịch sử ghi nhận, khẳng định, nhưng với dã tâm thâm độc, lòng thù hận, các thế lực thù địch, xét lại, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử; khoét sâu, thổi phồng sai lầm, khuyết điểm, nhằm tuyên truyền sai lệch, làm cho một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất là giới trẻ hoài nghi, phai nhạt niềm tin đối với Đảng, chia rẽ  Đảng với Nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những ngày gần đây, một số trang mạng xã hội, như: “Tivi tuần san”, “Tiếng dân”, “KTV”,… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử để xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân tộc, hòng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, qua đó, trực tiếp chống phá công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội XIII của Đảng. Chúng lật lại những thông tin, sự kiện cũ, nhưng lại suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích người nghe, người xem; trong đó, tập trung vào sự kiện Cải cách ruộng đất, Hiệp định Genève (1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc diễn ra từ năm 1953 đến năm 1956, với mục đích: thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, tư sản; chia ruộng đất cho nông dân, thực hiện “Người cày có ruộng”. Đây là việc làm tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh xã hội có hơn 90% là nông dân và là một trong những phương thức chủ yếu để lập lại công bằng xã hội, làm cơ sở để xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn đầu, cuộc Cải cách thu được kết quả tốt, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cải cách ruộng đất đã được thực hiện ở 3.314 xã với hơn 08 triệu dân, tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho nông dân, tạo ra bước phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do nóng vội, nên việc thi hành cải cách ruộng đất có nơi bị mất kiểm soát, thực hiện không đúng chỉ đạo của Trung ương, gây ra những tổn thất cho cách mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận ra sai lầm, khuyết điểm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, công khai nhận khuyết điểm và hành động quyết liệt để sửa chữa, khắc phục và luôn coi đó là bài học kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng sau này. Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành đăng trên Báo Nhân dân, số 897, ra ngày 18/8/1956, Hồ Chủ tịch đã viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”. Thực tế đã chứng minh, nhân dân vẫn giữ trọn niềm tin với Đảng; dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững chắc, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thế nhưng, các thế lực thù địch đã ra sức thổi phồng, xuyên tạc rằng: Cải cách ruộng đất ở miền Bắc là cuộc “thanh trừng”, “tắm máu”; những khuyết điểm đó bắt nguồn từ sự sai lầm của Đảng khi đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, thực hiện chuyên chính vô sản hà khắc.(!)

Hội nghị Genève về Đông Dương (1954) bắt đầu diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn cuối; thế và lực của quân và dân ta không ngừng lớn mạnh, đẩy quân đội Pháp vào thế bị động, liên tiếp thất bại. Lập trường xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève là: hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài, v.v. Theo đó, Hiệp định được ký kết với các thỏa thuận: hòa bình được lập lại, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, song các bên tham dự Hội nghị nhấn mạnh rằng: dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”.

Tuy nhiên, Mỹ và Chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm biết rằng, nếu tổng tuyển cử tự do thì đa số nhân dân sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên chúng ra sức phá hoại Hiệp định; thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đẩy mạnh đàn áp tôn giáo. Mặt khác, Mỹ ngày càng bộc lộ rõ dã tâm xâm lược bằng các hành động hậu thuẫn cho chính quyền Việt Nam cộng hòa và trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. Vì thế, không còn con đường nào khác, chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để thực hiện khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam là: hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, với chân lý “Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một”.

Vậy mà, các trang mạng xã hội phản động nhắc lại Hiệp định Genève và la lối rằng: việc đưa chủ nghĩa Mác -Lênin vào Việt Nam là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh ở Việt Nam; cuộc kháng chiến chống Mỹ chẳng qua là “Chiến tranh ý thức hệ”, “Chiến tranh ủy nhiệm”. Chúng còn ra sức xuyên tạc: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một sai lầm, “không có bên thắng, bên thua” mà tất cả cùng thua, có nhất thiết phải chiến tranh mới giành được độc lập không? (!)

Những luận điệu trên hoàn toàn xuyên tạc, ngụy biện, nhằm phá hoại tư tưởng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Tiếc rằng, một bộ phận quần chúng vì lý do thiếu hiểu biết lịch sử, mơ hồ về chính trị và động cơ cá nhân cố tình hùa theo những luận điệu đó, tiếp tay cho mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch. Thực tiễn đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Vì vậy, Đảng ta đã phát huy được truyền thống, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ. Quân và dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đó là câu trả lời đích đáng nhất cho những luận điệu xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin của các thế lực thù địch. Dù dã tâm của chúng có hiểm độc đến đâu thì sự thật vẫn không thể bị lu mờ.

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; làm cho mỗi người có hiểu biết sâu sắc về lịch sử cùng những trang sử vẻ vang của dân tộc ta mà không dân tộc nào có được. Từ đó, nêu cao niềm tự hào, trách nhiệm phát huy truyền thống hào hùng đó và viết tiếp những trang sử mới. Đồng thời, biết nhận diện đúng các luận điệu xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, không bị lôi kéo, mắc lừa bởi những thông tin bôi đen, xuyên tạc, bịa đặt. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tỉnh táo phát hiện, chủ động đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc lịch sử; trở thành một chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “diễn biến hòa bình” cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân có hành vi xuyên tạc lịch sử, chống phá cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH DŨNG - Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THANH

Tapchiqptd.vn