Phạt tù đối tượng tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên, vào khoảng tháng 5/2010, Giàng A Chứ (tên gọi khác là Giàng A Xà) đã tham gia tổ chức do Tráng A Chớ cầm đầu với mục đích thành lập “Nhà nước Mông.”
Trong quá trình tham gia tổ chức, Giàng A Chứ đã tham dự 6 cuộc họp do Chớ chủ trì, bàn cách thành lập “Nhà nước Mông.” Tráng A Chớ đã soạn thảo ra một quyển tài liệu dùng để tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”. Tổ chức này đã thực hiện đúc sao và hàm hiệu, phân công vai trò, vị trí những người tham gia tổ chức, trong đó Tráng A Chớ làm “Chủ tịch nước,” Giàng A Chứ có nhiệm vụ giúp việc cho “Chủ tịch nước” Tráng A Chớ.
Bị cáo Giàng A Chứ đã cất giấu một quyển tài liệu do Chớ soạn thảo, có nội dung tuyên truyền về Đạo Vàng Chứ, nói xấu Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kêu gọi người Mông đi theo Vàng Chứ để thành lập “Vương quốc Mông.” Trong vụ án trên, các bị cáo Tráng A Chớ, Hờ A Phua... đã bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa trước đó.
Sau sự kiện tụ tập đông người chờ “xưng Vua,” gây mất trật tự an ninh tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vào tháng 5/2011, bị chính quyền giải tán, ngày 20/2/2012, Giàng A Chứ bị khởi tố, sau đó bỏ trốn lên rừng.
Đến ngày 23/5/2013, Chứ đưa vợ con trốn sang Trung Quốc, bị Công an Trung Quốc bắt và trao trả cho Công an huyện Mường Nhé.
Tại phiên tòa, bị cáo Chứ đã thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn hối cải. Để đảm bảo cho quyền lợi của bị cáo do là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức kém, lại không biết chữ, nên Hội đồng xét xử đã mời ông Giàng A Lử làm phiên dịch cho bị cáo.
Căn cứ các hành vi của bị cáo Giàng A Chứ, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên bố bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Chứ 36 tháng tù. Đây là mức án thấp nhất trong khung hình phạt này do bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án tiền sự, trình độ nhận thức kém.
Sau khi chấp hành hình phạt tù, bị cáo còn phải chịu 3 năm quản chế tại nơi cư trú./.

Theo TTXVN

Bức tranh sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

QĐND - Việt Nam không chỉ là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời mà còn là một dân tộc đa tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”(1); đồng thời xác định chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Như vậy, quan điểm của Đảng ta không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò của các tôn giáo đối với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến năm 2011, cả nước có 12 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với hơn 30 triệu tín đồ, hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Nếu như năm 1993, Phật giáo có 22 trường cao cấp và trung cấp Phật học, đến nay đã có 4 học viện Phật giáo và nhiều trường cao đẳng, trung cấp Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Nhà nước còn tạo điều kiện cho các tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài, một số người đã bảo vệ thành công luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về tôn giáo.
Các cơ sở thờ tự của tôn giáo được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Đến nay, cả nước có 14.321 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Thiên chúa giáo có 6.003 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.284 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội quán; Hồi giáo có 89 thánh đường... Riêng đạo Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên, năm 1975 có hơn 50 nghìn người theo đạo Tin lành ở 200 buôn, đến nay tăng lên với gần 500 nghìn người ở 18.000 buôn. Địa bàn Tây Nguyên và Tây Bắc có gần 2000 điểm nhóm đạo Tin lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở. Trong các ngày lễ Nô-en của đạo Công giáo, lễ Phật đản của Phật giáo… đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến chúc mừng, động viên. Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo Việt Nam ngày càng mở rộng; Tòa thánh Va-ti-căng đã bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Tháng 12-2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á Châu tại Việt Nam, với sự tham dự của nhiều Giám mục các nước ở châu Á và đại diện Tòa thánh Va-ti-căng. Các tổ chức tôn giáo duy trì tốt những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo. Trong năm 2011, có 669 người được các tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm; 1.153 người được bổ nhiệm; 2.444 người tốt nghiệp hoặc hoàn thành các khóa bồi dưỡng, đào tạo từ các trường đào tạo tôn giáo; 1.082 cơ sở thờ tự trong phạm vi cả nước được xây dựng, sửa chữa.
Việc xuất bản kinh sách luôn được Nhà nước Việt Nam quan tâm, hỗ trợ; đã hoàn thành in 30.000 cuốn Kinh thánh bằng các tiếng Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Năm 2010, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 1.100 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, trong đó 791 đầu sách với 2.881.600 bản in; đồng thời hỗ trợ in kinh, sách phật giáo Nam tông Khơ-me. Năm 2011 đã thẩm định và cấp phép xuất bản 1.004 đầu sách và ấn phẩm về tôn giáo với hơn 2,5 triệu bản, trong đó tổ chức in Kinh Thánh Tin lành bằng tiếng Mông hệ chữ cái La-tinh và làm thủ tục xuất bản kinh Cô-ran song ngữ Việt Nam - Ả-rập; Kinh sách của Phật giáo cũng sẽ được in bằng tiếng Khơ-me…
Những thành tựu đó chứng minh ở Việt Nam, tín đồ và chức sắc các tôn giáo được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hành đạo. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính chúa, yêu nước”; vừa làm tròn bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, vừa hăng hái lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong hơn 27 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới được nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế ca ngợi. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb - Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đánh giá: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay(3). Nếu Việt Nam hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo không thể xác lập được vị trí và phát triển ổn định như hiện nay.
Thực tiễn sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, cáo buộc của các thế lực thù địch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam hiện nay. Đó cũng là cơ sở để chúng ta đấu tranh ngăn chặn và làm vô hiệu hóa các “đạo lạ”, “tạp giáo”, “tà giáo” gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại tá, Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC THẮNG
 (1), (2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81, tr.245.

 (3) . Xem:http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/

Cần hiểu đúng về bản chất của quyền lực Nhà nước

QĐND - Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến với danh nghĩa là "góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp", nhưng thực chất lại chứa đựng những nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta, trong đó có vấn đề quyền lực Nhà nước.
Quyền lực nhà nước là mục tiêu của sự tranh giành giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các dân tộc khác nhau trong quá khứ, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước luôn là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp, do vậy, đó cũng là trung tâm của các cuộc tranh luận khoa học. Bởi lẽ, lực lượng nào giành, nắm giữ được quyền lực nhà nước, tổ chức và sử dụng nó sao cho khoa học và hiệu quả thì sẽ có điều kiện thực hiện được những mục đích mà mình đề ra, mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích nhất cho lực lượng của mình, cho nhân dân.
Quyền lực nhà nước luôn gắn với chủ quyền quốc gia, nó thuộc về nhân dân và được thể hiện thông qua những định chế nhà nước - pháp luật. Quyền lực nhà nước được biểu hiện cụ thể ở hệ thống các cơ quan, tổ chức nhà nước, các quy định pháp luật và những nguyên tắc vận hành của hệ thống đó tạo nên một cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. Cơ chế đó được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và được cụ thể hóa ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào những điều kiện khách quan và chủ quan ở mỗi thời kỳ phát triển.
Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách hợp lý. Vì vậy, theo quy định của Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay thì ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua bầu cử, lấy ý kiến của dân và các hình thức dân chủ trực tiếp khác, thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Như vậy, ngoài việc trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước thông qua một số hình thức thì chủ yếu nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước. Ở đây có sự ủy quyền của nhân dân cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước. Tuy nhiên, quyền lực tối cao của nhà nước được trao cho Quốc hội, vì vậy, Quốc hội được coi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thay mặt cho nhân dân cả nước quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Xuất phát từ Quốc hội và hội đồng nhân dân, hàng loạt các cơ quan khác của nhà nước được thành lập để cùng với Quốc hội, hội đồng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, pháp luật nước ta quy định tất cả các cơ quan khác của nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và hội đồng nhân dân, phải báo cáo công tác với Quốc hội và hội đồng nhân dân. Bằng cách tổ chức như thế, quyền lực nhà nước ở nước ta xét theo chiều ngang cũng như theo chiều dọc, đều bảo đảm sự tập trung thống nhất vào Quốc hội và hội đồng nhân dân, nhưng tập trung và thống nhất cao nhất là vào Quốc hội. Sự tập trung này là cần thiết, nó bảo đảm cho sự thống nhất của cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, tránh được hiện tượng mâu thuẫn, xung đột nhiều khi đối lập giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước.
Như trên đã khẳng định, quyền lực nhà nước ở nước ta là tập trung thống nhất, không phân chia, song trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước thì phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên… Với việc tổ chức bộ máy nhà nước ta như trên, chúng tôi cho là phù hợp, vừa bảo đảm được sự thống nhất quyền lực, tránh được những xung đột như trong cơ chế phân quyền, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan nhà nước, vừa chống được tình trạng tập trung quan liêu, vừa tránh được tình trạng cục bộ, phân quyền cát cứ như trong cơ chế tập quyền phong kiến.
Theo chúng tôi, vấn đề cần quan tâm hiện nay là: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; nghiên cứu để “xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”; hoàn thiện hơn nữa bộ máy nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm được tính hiệu quả trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Tạo lập cơ chế giám sát hiệu quả của nhân dân đối với tất cả mọi cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, đặc biệt là giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Đổi mới cách thức giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ và các cơ quan khác của nhà nước. Nâng cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước.

TS NGUYỄN MINH ĐOAN

Ông Phil Robertson lại can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam

QĐND - Mới đây, trên một vài trang mạng ở nước ngoài, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) đã nói rằng: “Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng cải thiện nhân quyền, họ phải phóng thích Điếu Cày ngay lập tức vì ông ấy là một trong những blogger nổi bật nhất tại Việt Nam”.
Với vị trí của mình, có lẽ ông Phil Robertson thừa hiểu một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại là không một quốc gia, nhóm quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có quyền can thiệp dưới bất cứ hình thức gì vào các công việc đối nội và đối ngoại thuộc thẩm quyền riêng của quốc gia khác hoặc bắt buộc quốc gia khác phải đưa những công việc thuộc loại này ra giải quyết theo thủ tục quốc tế… Trong cách nói trên ông Phil Robertson đã lập lờ đánh lận giữa hành vi phạm tội của một công dân với cái mác “blogger” mà công dân đó mang trên mình. Nguyễn Văn Hải bị bắt vì hoạt động "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chứ không phải vì anh ta là “blogger nổi bật” hay “nhà báo tự do”. Một công dân có hành vi phạm tội bị bắt giữ, xử lý là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp của mọi quốc gia khác trên thế giới. Mặt khác việc đưa ra xét xử những công dân vi phạm pháp luật không có bất cứ liên quan nào đến nhân quyền hay tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Việt Nam chủ trương cải thiện nhân quyền. Nhưng điều ấy không có nghĩa là phải thả những người như Nguyễn Văn Hải theo cách nói của ông Phil Robertson... Thực chất việc làm trên của ông Phil Robertson là can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền riêng của Việt Nam.

KIM NGỌC

Phạt 15 năm tù kẻ âm mưu lật đổ chính quyền

Kết thúc phiên xử sơ thẩm hình sự ngày 11/9, Tòa hình sự TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Ngô Hào, 65 tuổi, trú ở 17/6 Nguyễn Trãi, phường 5, TP Tuy Hòa về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 79 BLHS.
Theo hồ sơ vụ án, trong 5 năm (2008-2012) Ngô Hào đã có nhiều hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân. Thông qua các phương tiện điện thoại, Internet, Ngô Hào móc nối một số đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ cùng các tổ chức "Chính phủ Việt Nam cộng hòa lưu vong" do Nguyễn Văn Chức cầm đầu và tự phong "Thống tướng", "Khối 8406 hải ngoại" do Nguyễn Chính Kết đạo diễn để thực hiện cuộc "Cách mạng hoa nhài", hoạt động theo phương thức bất bạo động để thực hiện ảo tưởng đòi lại miền Nam, rêu rao kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước can thiệp, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, nhân quyền, đòi đa nguyên - đa đảng, lật đổ chính quyền Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới thành lập cái gọi là "Nhà nước liên bang Đại Việt" từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Bị cáo Ngô Hào tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/9/2013.

Trớ trêu, bi hài và liều lĩnh hơn nữa là Ngô Hào cùng các phần tử phản động lưu vong "vẽ" ra kiến nghị Liên hiệp quốc xem xét lại Hiệp định Pari năm 1973, bản thân hắn đã nhiều lần nhận được 1.500 USD của các tổ chức phản động nêu trên, tiếp nhận, tàng trữ, viết và phát tán qua internet nhiều tài liệu xuyên tạc chế độ, vu cáo Nhà nước, nói xấu lãnh tụ, tích cực lôi kéo một số đối tượng khác như Thích Thiện Minh, Trần Hữu Nghĩa, Đặng Văn Nghĩa… tham gia tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, tìm kiếm vũ khí mà bọn chúng cho rằng Nguyễn Tất Thinh, Đại tá, Tỉnh trưởng Tình Gò Công trong chế độ cũ đã cất giấu trước tháng 4/1975...
Được biết, cuối năm 1976, Ngô Hào đã tham gia cầm đầu tổ chức phản động "Đảng liên minh Việt Nam" tại Phú Yên. Sau khi tổ chức phản động này bị lực lượng An ninh khám phá, triệt xóa từ tháng 3/1977, Ngô Hào thụ án 20 năm và được tha tù từ tháng 10/1997http://www.cand.com.vn/Images/reddot.gif

Hữu Toàn

Cần nhận thức đúng về tự do và quyền con người

QĐND - Tự do và quyền con người là những giá trị cao quý của nhân loại. Không có chế độ xã hội nào, không có nhà nước đương đại nào phủ nhận giá trị đó. Sự khác biệt về nhận thức lý luận đối với những phạm trù, khái niệm trừu tượng như khái niệm tự do và quyền con người cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những quan niệm ấu trĩ, sai lầm về “tự do” và “quyền con người” đã khiến cho người ta có hành vi vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Chẳng hạn dựa vào nhận thức sai lầm về tự do ngôn luận, một số blogger trong “Câu lạc bộ nhà báo tự do” viết bài xuyên tạc chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoặc dựa trên “công thức” xơ cứng, sai lầm về pháp luật: “Điều gì luật pháp không cấm thì đều có quyền làm”, người ta kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992.
Vậy tự do là gì và trong đời sống thường nhật, người ta phải hành động như thế nào cho phù hợp với quan niệm đúng đắn về tự do?
Khái niệm tự do trong triết học được xem là một giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Theo nhà triết học Locke (John Locke 1632-1704)  “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào". Như vậy tự do ở đây chỉ là khả năng của con người. Còn nhà triết học cận đại Hegel (G.W Friedrich Hegel 1770-1831) thì cho rằng: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Như vậy, ở đây tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Tuy nhiên, theo Hegel, muốn có tự do thì trước hết phải nhận thức được cái tất yếu, cái quy luật. Người ta nhận thức được quy luật đến đâu thì hành động tự do được bảo đảm đến đấy. Vi phạm quy luật, tất yếu sẽ bị mất tự do. Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, loài người còn có giá trị khác, cao quý không kém tự do, đó là ý thức về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với dân tộc và gia đình. Phải chăng, đây mới là giá trị phân biệt loài người với phần còn lại của thế giới.
Trong chính trị, quy luật cơ bản liên quan đến sự tồn tại, phát triển của một dân tộc trước hết là quyền dân tộc tự quyết. Quyền này bao gồm: Quyền xác lập chế độ chính trị, thể chế quốc gia và hệ thống pháp luật. Tất cả các quốc gia, kể cả tổ chức chính trị lớn nhất hành tinh như Liên hợp quốc đều phải tôn trọng quyền đó. Với quyền này, các nhà nước có quyền áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó có xây dựng và thực thi pháp luật để bảo vệ chế độ của mình. Những hành vi chống lại chế độ chính trị và nhà nước hiện hữu là vi phạm quy luật, tất yếu sẽ mất tự do. Nhận thức đúng đắn về tự do của cá nhân không thể không nhận thức đúng quy luật này. Nói một cách đơn giản: Không có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích của Nhà nước.
Bây giờ trở lại vấn đề quyền con người, xem quyền con người (QCN) là gì? Vì sao có những người cho rằng, họ chỉ “thực hiện những quyền con người của mình, đã được pháp luật ghi nhận” mà lại bị bắt bớ, xét xử?
Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Khái niệm này là phương hướng cho sự phát triển của nhân loại.
Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế)  nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng. Có thể nói cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận với nhau những chuẩn mực chung về quyền con người. Những chuẩn mực này được ghi trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948[1], “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa”, 1966[2]. Tuy nhiên, Luật quốc tế về quyền con người không trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân ở mỗi quốc gia. Các nhà nước nội luật hóa những công ước đã tham gia vào hệ thống pháp luật của mình, trên cơ sở đó các quyền con người ở mỗi quốc gia mới được bảo vệ trên thực tế.
ở Việt Nam, các quyền con người đã được nội luật hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Nói cách khác, việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam đã được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Viện dẫn quyền con người nói chung mà không dẫn ra được những quyền đó được quy định như thế nào trong pháp luật quốc gia là thiếu tính thuyết phục, là không thể chấp nhận.
Trong luật quốc tế về quyền con người, không có quy định nào về “quyền tự do” nói chung. Một số quyền con người gắn với khái niệm tự do hình thành những quyền tự do cơ bản. Chỉ những quyền tự do cơ bản này mới được pháp luật bảo hộ. Đồng thời, những quyền (tự do) này phải chịu một số hạn chế của pháp luật. Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” 1966, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo chí; về tự do cư trú, đi lại; Về tự do lập hội, hội họp được ghi nhận. Đồng thời, Công ước này cũng khẳng định những quyền này có thể bị hạn chế “để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác” [3]. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam, một số quyền công dân cũng bị hạn chế. Điều này thường được quy định theo luật (sau khi quy định về nội dung quyền - Đối với Hiến pháp), hoặc được quy định trong khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 88, Bộ luật Hình sự về “Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, Điều 89, “ Tội phá rối an ninh”…
Sở dĩ quyền tự do ngôn luận, báo chí của các blogger trong “câu lạc bộ nhà báo tự do” không được Nhà nước ta chấp nhận vì trên trang mạng của họ đã có hàng trăm bài xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo chính sách của Nhà nước.
Sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung, điều chỉnh mối quan hệ xã hội nói riêng không chỉ có pháp luật mà còn có những giá trị khác, trong đó có hệ thống giá trị đạo đức và văn hóa. Những hành vi nào đó, cho dù pháp luật không cấm hoặc chưa cấm, nhưng không phù hợp với đạo đức, không được xã hội chấp nhận thì người ta không nên làm.
VỌNG ĐỨC
[1] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 28.
[2] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 249, 294.

[3] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 255.

Trách nhiệm và thận trọng khi phát ngôn, tránh để kẻ xấu lợi dụng

QĐND - Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lỡ chân gượng được, lỡ miệng thì không”. Trong sinh hoạt đời thường, đôi khi do nóng giận, người ta có thể buông ra những lời lẽ thiếu cân nhắc, khiến cho người khác hiểu lầm, biến thiện chí trở thành ác ý. Để khắc phục sự hiểu lầm, có khi chỉ cần một lời xin lỗi chân tình. Thế nhưng, trong đời sống chính trị thì những sơ suất trong phát ngôn của cán bộ, đảng viên không dễ gì có thể khắc phục, mà còn để lại những hậu quả lớn, lâu dài vì có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Điều này lại càng trở nên phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực trong thời đại internet, trong “thế giới phẳng” hiện nay.
Những ai có dịp “lang thang” trên các mạng xã hội, đều có thể nhận thấy, có không ít bài viết, bài trả lời phỏng vấn được các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, các trang mạng "tung hê", bình luận, phân tích có nội dung cường điệu sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong các thời kỳ cách mạng đã qua; xuyên tạc, vu cáo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đều dựa trên những phát ngôn nào đó, trong những bối cảnh nhất định nào đó của cán bộ, đảng viên. Nhiều khi họ coi đó là cái cớ, là dẫn đề cho những bài viết, bài nói nhằm dụng ý xấu.
Để ngăn chặn tình trạng phát ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu cân nhắc, dễ bị lợi dụng vào muc đích tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, trong Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về "Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương, đã có 3 điều quy định liên quan đến phát ngôn của cán bộ, đảng viên, đó là: “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng (Điều 1); Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước (Điều 2); Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật (Điều 3)… Cụ thể hóa về những điều đảng viên không được làm, Đảng đã ra Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 về “Xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng”. Trong văn bản này đã có những quy định cụ thể. Điều 9, Chương II “Về vi phạm kỷ luật tuyên truyền, phát ngôn”, quy định như sau: “a) Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin,… kích động, chống Đảng, Nhà nước dưới mọi hình thức; b) Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác”. Điều 2 đã ghi rõ những trường hợp phải xử lý kỷ luật nặng hơn, đó là: “d) Tàng trữ, tuyên truyền,… tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đ) Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng có nội dung sai sự thật, mang tính kích động; e) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp, pháp luật, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra các quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Trong những năm qua, do tình hình kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, hàng tồn kho quá lớn, nợ xấu, thất nghiệp… cùng với những phức tạp trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Ðông, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp đã tạo ra những bức xúc về tâm tư, tình cảm trong nhân dân, nhất là đối với nhiều cán bộ, đảng viên đã từng trải qua những thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ. Công bằng mà nói, những bức xúc đó là có thể thông cảm được. Phải thừa nhận, không ít ý kiến đóng góp có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ mong muốn xã hội ta lành mạnh hơn, Đảng, Nhà nước ta trong sạch hơn, đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng… Tuy nhiên, cũng có những phát ngôn, trong đó có những bài viết, "tâm thư", "góp ý" của cán bộ, đảng viên tự do tán phát trên mạng internet đã bị kẻ xấu lợi dụng. Chẳng hạn, lợi dụng ý kiến của một số cán bộ, đảng viên góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, người ta tuyên truyền cho quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được ghi trong Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Lợi dụng việc viết hồi ký, người ta xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, tuyên truyền cho nhận thức sai trái rằng,lịch sử cách mạng Việt Nam chỉ toàn là những trang đen tối; các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do Đảng Cộng sản chủ trương đấu tranh bạo lực gây ra, đó là cuộc chiến “nồi da nấu thịt” (!). Lợi dụng ý kiến của một vài đồng chí cán bộ lão thành về mở rộng dân chủ, chống bệnh giáo điều về lý luận, bệnh quan liêu trong hệ thống chính trị, họ đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, xóa bỏ vai trò kinh tế nhà nước, xóa bỏ con đường XHCN. Lợi dụng chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”, họ tuyên truyền cho quan điểm rằng, chỉ có xóa bỏ chế độ “độc tài đảng trị” thì mới xóa bỏ được tham nhũng. Lợi dụng những bức xúc của nhân dân ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, họ phớt lờ những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và cố ý vu cáo Đảng, Nhà nước ta là "nhu nhược", “bán đất, bán nước” (!).
Bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau, những phát ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu thận trọng của một số cán bộ, đảng viên đã ngay lập tức được các hãng thông tấn, báo chí ngoài nước “bắt sóng”, post bài, sao chép, nhân bản, phỏng vấn, kèm theo những câu hỏi gợi mở, “định hướng” cho người tham gia trả lời hướng đến những mục tiêu chính trị của họ. Đó là làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam, từng bước chuyển xã hội Việt Nam sang mô hình ngoại nhập, mô hình xa lạ với truyền thống dân tộc, xóa bỏ mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Trong khoa học thông tin về chính trị-xã hội, đôi khi do thiếu kinh nghiệm, do sơ suất, thiếu thông tin hay do ngộ nhận, không ít trường hợp, những thiện chí, những mục tiêu tốt đẹp của người viết, người nói đã bị kẻ xấu lợi dụng, làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thủ đoạn mà người ta thường dùng là đánh tráo mục tiêu với phương tiện, đồng thời tâng bốc các tác giả. Chẳng hạn người ta tảng lờ, bỏ qua động cơ tốt đẹp, những thiện chí của người viết, người nói, chỉ trích dẫn thông tin một chiều, nhấn mạnh, bình luận, khai thác những ngôn từ sơ hở, thiếu chặt chẽ, thiếu cân nhắc, những phân tích, lập luận sai trái của người viết, người trả lời phỏng vấn. Hoặc những ý kiến giản đơn của người viết, người nói được người ta bình luận là “những quan điểm lý luận sâu sắc”, “ý kiến tâm huyết, cởi mở” và cả “sự dũng cảm về chính trị” (!).
Đối với cán bộ, đảng viên thì không có biện hộ nào cho mình, trái lại phải đối diện với lương tâm và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước lịch sử về những phát ngôn tùy tiện, cẩu thả của mình.
Luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và nhân dân, chủ động kiềm chế, biết vượt qua chính mình, chia sẻ với Đảng, nhận lấy một phần trách nhiệm nào đó về những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là đối với những đảng viên lâu năm, từng giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý; bình tâm xem xét, đánh giá một cách khách quan, công bằng các quá trình và sự kiện lịch sử cơ bản; tuân thủ những nguyên tắc, quy định của tổ chức đảng, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn ở mọi lúc, mọi nơi là điều đặc biệt cần thiết đối với mọi cán bộ, đảng viên trong bối cảnh chính trị hiện nay.
 BẮC HÀ - NGỌC VÂN

Kiên quyết không để thế lực thù địch lợi dụng, cài cắm

(Chính trị Việt Nam) - Đảng bộ Quân đội kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng, cài cắm, chia rẽ, lôi kéo và thực hiện “tự diễn biến”...
Ngày 4/9, tại Hà Nội, Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".  
Tại buổi làm việc, Thường vụ Quân ủy Trung ương cho biết: Đảng bộ Quân đội đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11); việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình hoàn thành theo đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra và không có cấp ủy, tổ chức đảng phải kiểm điểm lại.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: QĐND)


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao Đảng bộ Quân đội đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, quyết liệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. 
Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị khẳng định Quân ủy Trung ương, cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất cao; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; 
Có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng Đảng bộ và toàn quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.  
Đồng thời các cấp cũng đã chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề ra giải pháp khắc phục  được dư luận trong cán bộ, đảng viên và toàn quân đồng tình, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ Quân đội. 
Trước những yêu cầu mới cũng như những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, liên tục, kiên trì nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; 
Tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chủ động dự báo, kịp thời định hướng và chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh về tư tưởng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng, cài cắm, chia rẽ, lôi kéo và thực hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ quân đội; 
Triển khai thực hiện các chương trình công tác, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm; trong công việc hàng ngày, từng người tự soi, tự sửa vì đây là cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi con người. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đảng bộ Quân đội và Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ mới; chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chiến dịch, chiến lược;  
Quan tâm làm tốt công tác xây dựng đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện độc đoán, dân chủ hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; 
Tiếp tục chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nền nếp trong sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan đơn vị.  
Với trọng tâm là “làm theo”, Đảng bộ cần kịp thời phát hiện, nêu gương, nhân rộng những điển hình tiên tiến làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, liên tục trong toàn quân. 
Trước đó, Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị đã có kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) và Chỉ thị 03 tại Đảng ủy Quân khu 2, Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. 

Theo QĐND/VOV

"Màn tung hứng" vụng về



QĐND - Gần đây, giới “dân chủ” xuýt xoa rộn ràng lên về một bài viết của ông Lê Hiếu Đằng có nhan đề “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (“bịnh” là theo cách nói của người miền Nam, còn theo cách nói phổ thông là “bệnh”).
Một bài viết để “thanh toán, tính sổ”
Vậy trong bài viết này có cái gì mà các nhà “dân chủ” lại nhảy cẫng lên vui sướng như thế?
Đây là một bài viết dài, giống như một nồi lẩu thập cẩm, vừa là những ghi chép, cảm nhận cá nhân, có hồi ức, xen lẫn những chuyện vụn vặt, cãi cọ trong sinh hoạt, công tác, rồi lại có cả trích thơ, trích văn nữa!
Nhưng ý tưởng chính bài viết của ông Lê Hiếu Đằng là “thanh toán, tính sổ cuộc đời” của ông, kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ Đảng để ra thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ xã hội, để làm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó chính là điều khiến các nhà “dân chủ” mừng rơn, bởi có một lời “hiệu triệu” như thế thì dễ bề lôi kéo, kích động, gây ra những xáo trộn xung đột trong xã hội, rồi từ đó tiến tới giành quyền lực điều hành xã hội.
Đây là điều đã xảy ra nhan nhản ở một số quốc gia trong thời gian qua, dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt, “thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông” như đã thấy nhãn tiền ở các nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ, gần hơn là ở Libya, Syrie, Ai Cập…
Nhưng với các nhà “dân chủ” thì chuyện đó có hề gì! Máu chảy là máu người khác, xác người trong các cuộc đâm chém, nội chiến là xác người khác! Miễn sao đạt được mục tiêu vị kỷ của mình là được!
Sự hàm hồ, mâu thuẫn trong lý lẽ
Thật ra thì xem lại bài viết của ông Lê Hiếu Đằng mới thấy, những điều ông viết chẳng hề có gì mới, nếu như không nói là “xưa như Trái đất”. Vẫn là chuyện một đảng hay nhiều đảng thì có dân chủ; vấn đề độc lập dân tộc và cách ứng xử với các nước lớn; rồi thế nào là tự do…Những khái niệm, những vấn đề đó, các chuyên gia, các nhà phân tích, bình luận đã nói nát nước, đã bàn đến tận chân tơ kẽ tóc, thiết tưởng cũng không cần phải nói thêm làm gì.
Nhưng trong bài viết của mình, ông Lê Hiếu Đằng đã có những cách đánh giá phải nói là hết sức phiến diện, ấu trĩ (kiểu lý lẽ như trẻ con đánh trận giả), những nhận định hàm hồ mà đến ngay cả những người đọc trung thực và bình thường, đầu óc không bị bệnh tật gì, cũng có thể nhận ra.
Chẳng hạn như ông-chắc chắn là nói theo những giọng điệu của mấy ông “dân chủ” trên mạng-đánh giá chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là “không có những nghi thức cao nhất của một nguyên thủ quốc gia”!? Sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các trang mạng phản động đã đồng giọng xướng ngôn rằng: “Mỹ đón Chủ tịch nước Việt Nam mà không có duyệt đội danh dự, không có bắn 21 phát đại bác chứng tỏ Mỹ chẳng coi trọng gì lãnh đạo Việt Nam cả”(!).
Thật ra, giọng điệu này phản ánh từ trong sâu sa thái độ hằn học, tức tối, thậm chí tuyệt vọng của các nhà “dân chủ” trước việc lãnh đạo Mỹ và lãnh đạo Việt Nam đã có cuộc hội đàm thẳng thắn, bình đẳng ở ngay Nhà Trắng, để rồi hai nước nhất trí xây dựng khuôn khổ hợp tác toàn diện. Không biết trút giận dỗi vào đâu (không lẽ vào chính quyền Hoa Kỳ?), thế nên họ mới đồng thanh nói về chuyện “21 phát đại bác” để cố hạ thấp giá trị chuyến thăm, trong khi đến đứa trẻ con cũng biết rằng mỗi nước có những quy tắc lễ tân ngoại giao riêng, mỗi chuyến thăm có những cấp độ riêng tương ứng với lễ nghi đón tiếp mà hai bên thống nhất với nhau từ trước. Đem lễ nghi đón những ông hoàng bà chúa, nhà vua hay thái tử, những người theo thông lệ cần có các hình thức đón tiếp long trọng, so sánh với một chuyến thăm chính thức của một nhà lãnh đạo chính trị, rồi hàm hồ nói rằng “lãnh đạo Việt Nam không được tôn trọng” thì đúng là làm trò cười cho thiên hạ.
Ông Lê Hiếu Đằng có những nhận định hết sức phiến diện, theo kiểu quy chụp, kiểu như “dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển”, đổ cho là “tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam”(!). Rồi ông dẫn ra cả một thế hệ các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa xuất hiện trong thời kỳ thuộc Pháp, nhưng đi đến kết luận đầy trịch thượng rằng “những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nói trên dưới chế độ XHCN ở miền Bắc chẳng có tác phẩm nào ra hồn”.
Đi xa hơn, ông còn đưa ra một nhận định đầy tính triết lý rằng: “CNXH ở miền Bắc, một xã hội không có bóng người”. Trong những năm tháng ấy, ông đang hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh ở miền Nam, chắc hẳn không có điều kiện sinh sống làm việc ở miền Bắc, không am hiểu về thực tế đời sống ở miền Bắc lúc đó. Vậy ông lấy cơ sở nào để đưa ra một nhận định hàm hồ và mâu thuẫn như vậy? Không lẽ một “xã hội không có bóng người” ấy lại sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ mà ông đã đọc tác phẩm của họ như ông tự nhận trong bài viết, nhiều người trong số họ là bạn bè của ông và chắc hẳn ông cũng hết lời ca tụng họ?
Câu hỏi về đạo đức người làm báo
Có thể dẫn ra vô số những điểm lệch lạc, thậm chí ấu trĩ trong bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, như chuyện ông lập luận về thái độ “hiền lành” của lãnh đạo Việt Nam, trong khi chính ông cũng dẫn ra nào Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, gò Đống Đa và thừa biết tiền nhân của chúng ta đã ứng xử khôn khéo, thông minh thế nào trước khi có những trận đánh trời long đất lở, lập chiến công hiển hách ghi dấu son trong lịch sử dân tộc như vậy. Nào cứ phải to mồm thì thành người anh dũng, là trang kiệt hiệt! Hẳn ông Lê Hiếu Đằng hiểu rõ điều này, chỉ có điều do phải phục vụ mục đích của bài viết nên ông cũng nói theo mấy nhà “dân chủ”, “đánh giặc” trên bàn phím vậy thôi.
Nhưng ở đây có một vấn đề.
Đó là một bài viết đầy rẫy những lỗi tư duy, những nhận định hàm hồ như vậy, lại được một số hãng thông tấn, trang mạng phương Tây hồ hởi đăng tràn lan với những lời tung hô mà những người có tri thức, hiểu biết phải cảm thấy sượng sùng.
Trang tiếng Việt của BBC ngày 16-8 đã đăng lại bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, có kèm theo lời dẫn, rằng “một số nhà hoạt động ở trong nước đang đưa ra lời kêu gọi thành lập một đảng mới để thúc đẩy dân chủ, xã hội công dân mạnh lên”(!).
Thật ra, điều này không lạ lùng gì. Chỉ cần click vào một trang của BBC ở thời điểm hiện tại, ví dụ như vào ngày 22-8, là có thể thấy đồng loạt những bài viết, tin tức theo khuynh hướng bài xích chính quyền, phản ánh những tin tiêu cực, những hoạt động chống đối Nhà nước. Ngoài bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, trong ngày này, BBC đưa tin về một số nhân vật phản đối Nghị định 72, bài đánh giá về kinh tế thì “khuyên” đẩy nhanh tư hữu hóa, bài viết về chính sách “mở cửa” của Việt Nam thì cũng lèo vào đến một nửa là thông tin về bài viết của ông Lê Hiếu Đằng! Đến ngay viết về cây cầu Long Biên ở Hà Nội thì cũng đang đứng trước một “tương lai bất định”!
Cứ như thể nếu không viết về những điều tiêu cực, những ý kiến chọc ngoáy xã hội Việt Nam thìBBC không tìm thấy người đọc vậy!
Đây là cảm hứng không phải độc quyền của BBC! Vừa xuất hiện bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, ngày 12-8, RFI, một đài phát thanh nổi tiếng với cách nhìn ác ý, thiên lệch với Việt Nam, đã nhanh nhảu phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng; rồi ngày 18-8, đài Châu Á tự do cũng nối gót phỏng vấn! Tất cả đều hy vọng tạo ra một dàn đồng ca, gây ảo giác rằng, thế giới chú ý lắm đến một nhân vật mới đấu tranh cho “dân chủ” ở Việt Nam.
Hỡi ôi! Ông Lê Hiếu Đằng nằm bệnh nên viết ra bài viết đó, nhưng các trang mạng, các đài phát thanh luôn có cái nhìn ác ý, xúc xiểm về Việt Nam hẳn là không bị bệnh! Cái “bệnh” của họ là chỉ muốn cho xã hội Việt Nam bất ổn, người Việt Nam cắn xé lẫn nhau, để những kẻ “ăn mày dân chủ” thừa nước đục thả câu, tranh đoạt, giành quyền lợi ích kỷ cho bản thân họ.
Chẳng thể yêu cầu những trang mạng, những đài phát thanh hay hãng thông tấn đó phải đăng các tin bài có tính tích cực về xã hội Việt Nam (có lẽ nếu đăng thì họ bị dị ứng chăng?), thế nhưng ít ra, một cách nhìn tương đối khách quan, không thiên kiến và ác ý cũng là yêu cầu tối thiểu được đặt ra khi họ ngồi trước màn hình máy tính. Không lẽ họ đã quên đi cái điều sơ đẳng đó trong đạo đức của người làm báo?
PHẠM TRUNG

Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch



LTS: Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài “ Đôi điều với tác giả "Viết trên giường bịnh” phân tích nhận thức sai trái trong bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, cổ xúy cho “tiến trình dân chủ hóa” tại Việt Nam, phê phán Điều 4 Hiến pháp… đã có nhiều ý kiến bạn đọc trao đổi thêm về bài viết này. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số ý kiến.
Thiếu tướng, TS Từ Ngọc Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Huệ:
Nhân dân Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng
Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-8 đăng bài “Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”. Đọc bài báo trên và một số ý kiến của ông Đằng trên một vài trang mạng nước ngoài, tôi cho rằng ông Đằng “biết một mà chẳng biết hai, thấy cây mà không thấy rừng”. Ở đây, tôi chỉ trao đổi về vấn đề “đa nguyên, đa đảng” mà ông Đằng cho là “tất yếu sẽ xảy ra”.
Ông Đằng và thế hệ cùng trang lứa đã phải lăn lộn trong phong trào thanh niên, sinh viên đấu tranh với chế độ Mỹ-ngụy, đòi hòa bình, công lý, đến nỗi bị bọn chúng giam cầm. Bởi thế, những năm tháng bi thương, thống khổ của cả dân tộc dưới gót giày xâm lược, hẳn ông chưa thể quên. Cũng đúng dịp này 68 năm về trước, cả dân tộc Việt Nam ai cũng khắc ghi, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, tập hợp, dẫn dắt nhân dân ta vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thời điểm đó, ở Việt Nam đang tồn tại khá nhiều đảng phái, nhưng thử hỏi đảng nào đã đứng ra lãnh đạo quần chúng nhân dân lật đổ chế độ áp bức, đô hộ, xâm lăng? Chính là Đảng Cộng sản. Và ngay từ ngày đó, những người dân Việt Nam chân chính đã tự biết mình cần đảng nào và tin theo, đi theo đảng nào.
Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống xâm lược để giành độc lập, tự do trọn vẹn, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đồng cam cộng khổ với toàn dân, cùng "nếm mật nằm gai", “vào sống ra chết” với nhân dân để giành được độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Đảng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, cùng nhân dân vượt qua bao khó khăn để ổn định và phát triển đất nước vững chắc, từng bước bảo đảm tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần ngày một cao của nhân dân. Điều này là sự thực hiển nhiên, được chính nhân dân ta và cả Liên hợp quốc ghi nhận.
Cá nhân tôi và đông đảo nhân dân hiểu rằng, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là lựa chọn đúng đắn, là ước nguyện của đại bộ phận nhân dân. Thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, hầu hết các ý kiến tán thành với Điều 4 của Dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bằng chứng sinh động khẳng định nhân dân Việt Nam không cần “đa nguyên, đa đảng”, trái hẳn với ý tưởng “đa nguyên, đa đảng” mà ông Đằng cổ xúy.
Được biết, ông Đằng đã có thời gian dài tham gia phong trào thanh niên, sinh viên và đã có hơn 45 năm tuổi Đảng; quá trình công tác nhiều năm ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Thiết tưởng, với những gì đã trải nghiệm, đã chứng kiến thì cho dù về nghỉ hưu, ông vẫn giữ được nét thanh cao, giữ được phẩm chất, lý tưởng và vẫn là một cán bộ hưu trí mẫu mực. Thế nhưng, sau những gì “viết trong những ngày nằm bịnh”, ông đã đánh mất tất cả. Thật đáng tiếc!
HOÀNG THÀNH (ghi)
Ông Đào Văn Luật, nguyên Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 12 (quận 3, TP Hồ Chí Minh):
Đâu phải cứ nhiều đảng là có dân chủ
Trước đây, khi còn trên cương vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 12, quận 3, tôi nhiều lần nghe ông Lê Hiếu Đằng phát biểu và cảm thấy ông ấy là một trí thức có trình độ, hiểu biết khá rộng. Tuy nhiên, khi đọc bài viết mới đây của ông, tôi rất đáng tiếc về những nhận thức lệch lạc của một người đã từng giữ cương vị lãnh đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Kiến nghị đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đối với thể chế chính trị nước ta không phải ông là người đầu tiên, nhưng kiến nghị này là không phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập, với bề dày kinh nghiệm và đường lối đúng đắn đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh bền bỉ, kiên trì giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước đổi mới và phát triển, được nhân dân tin tưởng trao cho sứ mệnh cao cả là chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Nhìn rộng ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là những năm gần đây, đã cho thấy một thể chế nhiều đảng phái đối lập chưa phải là cơ sở để bảo đảm dân chủ hơn, phát triển hơn. Ở một số nước, các đảng tranh giành quyền lực, dẫn đến tình hình đất nước rối ren, mất ổn định, không thể tập trung phát triển kinh tế, đời sống người dân khổ cực. Tôi nghĩ là, mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, không nhất thiết phải bắt chước, sao chép mô hình của nước khác. Không ít người trước đây cũng đã kiến nghị đòi đa nguyên, đa đảng, nhưng trải qua thời gian, khi nhận thấy những bất ổn của hàng loạt quốc gia đa đảng trong những năm gần đây thì ngày càng thấy rõ, kiến nghị của mình là sai lầm, lệch lạc.
Khi nói về dân chủ, ông Đằng và một số người khác vẫn cho rằng, một quốc gia chỉ có một đảng thì sẽ không có dân chủ. Qua thực tiễn, chúng ta thấy không phải cứ có nhiều đảng là có dân chủ. Dân chủ là một quá trình, là mục tiêu phấn đấu, là một yếu tố cần thiết mỗi quốc gia đều nỗ lực hướng tới. Tuy nhiên, dân chủ đích thực phải dựa trên lợi ích của dân tộc, của nhân dân, ở đó quyền lợi của người dân cũng như của quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cũng đang phấn đấu xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Cách tốt nhất để mỗi người thể hiện khát vọng dân chủ cho đất nước, cho nhân dân là chung tay, góp sức, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra. Xây dựng dân chủ ở nước ta còn những thiếu sót, yếu kém, chúng ta cũng đã nhận rõ và đang tìm cách khắc phục. Đảng và Nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN ở nước ta. Tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân dân, Đảng, Nhà nước cùng với cả hệ thống chính trị đang tập trung sửa chữa, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Thay vì kêu gọi thành lập đảng phái đối lập với Đảng Cộng sản để được dân chủ hơn, tôi nghĩ ông nên hành động cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu mà Đảng đã đề ra, vì lợi ích dân tộc và nhân dân.
SONG AN (ghi)
Thạc sĩ Phạm Văn Thiết (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh): 
"Giấc mơ giữa ban ngày"
Mới đây, xuất hiện “ý tưởng” thành lập một đảng mới được ông Lê Hiếu Đằng đưa ra trong một bài viết. Đây không phải là vấn đề mới, song chúng ta cần phải nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng những gì tác giả đưa ra trong lúc “viết trên giường bịnh”. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn trao đổi về vấn đề “đa đảng và dân chủ”.
Là những người hiểu cao, biết rộng (như ông Đằng tự nhận), chắc hẳn ông và nhiều học giả đều phải biết một sự thật: Đảng là một tổ chức chính trị của những người có chung một mục tiêu, lý tưởng, tồn tại trong một chế độ xã hội nhất định. Nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay là đa đảng đối lập, xét về hình thức thì các đảng đều “tự do”, “bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có cơ hội và khả năng trở thành đảng cầm quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng và bao giờ cũng có một đảng cầm quyền, hoặc lãnh đạo. Chế độ đa đảng ở các nước, về thực chất đều dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, tất cả các đảng khác đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. 
Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng, mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền. Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện dân chủ ở Việt Nam không có cơ sở khách quan cho việc hình thành chế độ đa đảng đối lập.
Thực tiễn đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Hơn 80 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử của dân tộc, những thời điểm vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức đã thể hiện bản lĩnh vững vàng và trách nhiệm lớn lao của Đảng đối với vận mệnh dân tộc. Giá trị “đích thực” của đa nguyên, đa đảng tự nó đã chứng minh cũng như thực tế đã kiểm nghiệm. Đa đảng đối lập ở Việt Nam, có đúng như các "nhà dân chủ" đã vẽ ra với mục đích "làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn", hay kịch bản sẽ diễn ra như ở một số quốc gia gần đây mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác chính là nhân dân. Những suy nghĩ “tâm huyết” của ông Đằng trong lúc “viết trên giường bịnh” có lẽ nhiều người sẽ hiểu. Tôi tin rằng, đó chỉ là thuật ngụy biện giả dối, là “giấc mơ giữa ban ngày” của ông mà thôi!
Đỗ Thị Kiều Phương, giảng viên Học viện Tài chính:
Không thể có tự do tuyệt đối!
Bất cứ nhà nước nào cũng phải có hệ thống luật pháp để quản lý xã hội hiệu quả nhất. Sự tồn tại của pháp luật trong một nhà nước tự nó đã là minh chứng cho khẳng định: “Không thể có tự do tuyệt đối!”.
Không thể phủ nhận rằng con người có quyền tự do, nhưng tự do của cá nhân này cũng liên quan tới tự do của cá nhân khác. Không ai có thể biện minh cho quyền tự do của mình khi dùng quyền ấy để ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác. Nói cách khác, đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối, nghĩa là sẽ có sự xâm phạm tới quyền tự do của người khác. Nếu ai cũng đòi quyền tự do ngôn luận theo kiểu thích nói gì thì nói, dẫn tới được “tự do” xúc phạm nhân phẩm người khác, “tự do” phao tin đồn nhảm, làm mất ổn định kinh tế, xã hội, thì hậu quả khôn lường. Nếu ai cũng đòi quyền được “tự do” sở hữu và sử dụng súng, thì chúng ta có được sống trong môi trường an ninh và chính trị ổn định như hiện nay không?
Khi đã là một công dân của một quốc gia, hay sinh sống và làm việc ở một quốc gia, thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó. Nhà nước và sự tồn tại của pháp luật chính là thước đo, là khuôn mẫu cho tự do của con người.
Bản thân tôi còn muốn nói rất nhiều về “tự do”, nhưng nếu tôi cứ “tự do” viết thì người khác đâu còn chỗ để bày tỏ ý kiến của mình? Vì vậy, tôi xin dừng ở đây để nhường quyền tự do bày tỏ ý kiến cho người khác…
Đảng viên Trần Ngọc Tiến, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh:
Phát ngôn mang tính kích động
Trong bài viết, ông Lê Hiếu Đằng hô hào các đảng viên cộng sản hãy “xin ra tập thể” để thành lập một đảng mới đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Là một đảng viên trẻ, tuổi Đảng của tôi chưa bằng 1/10 so với của ông, tôi rất bất ngờ trước lời lẽ của một vị cao tuổi Đảng như ông. Tôi mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng tôi tin rằng, mình vào đảng là một lựa chọn đúng đắn.
Thế hệ chúng tôi được học tập, được trang bị kiến thức, được hưởng những thành quả của cách mạng do thế hệ cha anh đã đổ bao máu xương mới giành lại được. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi trân trọng và biết ơn những gì thuộc về lịch sử, về quá khứ hào hùng của dân tộc. Đây chính là lẽ sống, là nét văn hóa mà mỗi người Việt Nam phải khắc ghi. Lớp trẻ chúng tôi dù không được tôi luyện trong đấu tranh gian khổ, trong hiểm nguy thử thách như thế hệ ông Đằng, nhưng chúng tôi cũng hiểu được rằng, lập trường tư tưởng, bản lĩnh kiên định của mỗi cán bộ, đảng viên là rất cần thiết trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và để có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện mình theo mục tiêu lý tưởng mình đã chọn, gương mẫu chấp hành nguyên tắc đảng, và đặc biệt là luôn nêu cao tính đảng trong mọi suy nghĩ và hành động. Là đảng viên, là công dân, chúng tôi nhận thức được rằng,  yêu Tổ quốc, yêu quê hương mình là phải làm sao cho Tổ quốc, quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân mình thật sự ấm no, hạnh phúc, yên bình. Người yêu nước lại càng phải là người gương mẫu tuân thủ pháp luật, tôn trọng, ủng hộ và thực thi những quyết sách của Đảng, Nhà nước để phát triển đất nước, chứ không tung ra trên mạng những lời lẽ kích động, thiếu tinh thần xây dựng!
Tôi càng bất ngờ thấy ông Đằng, một đảng viên 45 năm tuổi Đảng, từng là cán bộ cấp cao, giờ vì lý do gì đó lại có vẻ "sám hối", "phản tỉnh", đòi “phải tính sổ lại tất cả” và “thanh toán” với Đảng. Không biết ông có còn trân trọng những gì mình đã nghĩ, đã làm ngay từ thời trai trẻ, mà nay lại “xét lại” chính mình như vậy? 
Những đảng viên trẻ chúng tôi luôn nhìn vào thế hệ cha anh để noi gương, học tập, phấn đấu và quyết không làm những bậc tiền nhân đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc phải hổ thẹn. Đường đời chắc còn nhiều gian nan, thách thức, hiểm nguy nhưng chúng tôi quyết tâm trui rèn bản lĩnh, giữ vững lập trường, kiên định với lý tưởng mà mình đã lựa chọn, không mơ hồ như ông!
YẾN LONG (ghi)