Bàn về vấn đề tôn giáo hiện nay



Lịch sử hình thành và phát triển của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nhất là vào thời kỳ nước ta bị thực dân, đế quốc xâm lược, chính quyền thực dân, đế quốc đã lợi dụng các tổ chức tôn giáo vào mục đích chính trị.
Có tổ chức tôn giáo bị thực dân, đế quốc lợi dụng trở thành lực lượng tiếp tay cho âm mưu xâm lược. Nhiều tôn giáo đã phải thành lập lực lượng vũ trang để bảo vệ chỗ đứng của mình trong xã hội, dẫn đến các tôn giáo chống đối lẫn nhau, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và đạo lý của nhà tu hành, làm cho dân tộc ta lâm vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Hậu quả đó còn kéo dài dai dẳng đến ngày nay.
Ngay sau khi dân tộc ta giành được độc lập năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng Hiến pháp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nêu rõ: Quyền tự do tín ngưỡng là một trong 6 quyền cơ bản của công dân (tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và đi ra nước ngoài).
Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định đầy đủ, rõ ràng hơn: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).
Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định và bổ sung: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước” (Điều 60).
Đặc biệt, Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã được các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục kế thừa những nội dung cơ bản.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định nguyên tắc của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra bình thường, hướng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân.
Cả nước hiện có hơn 23 triệu tín đồ của 31 tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân hoạt động, chiếm khoảng 25% dân số. Trong đó, Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) có khoảng 1,3 triệu tín đồ và khoảng 1.500 chức việc.
Trước năm 1975, thực dân và đế quốc đã lợi dụng một số chức việc không chân chính trong PGHH lôi kéo nhiều tín đồ cầm súng chống lại cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc ta. Sau ngày thống nhất đất nước, với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, sau thời gian dài củng cố, xây dựng, những nhà tu hành chân chính đã khôi phục lại hoạt động của PGHH với nhiều thành quả tốt đẹp.
Với đường hướng hành đạo là: “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, đồng bào theo PGHH đã được tự do tu hành, đoàn kết giúp nhau làm ăn, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tôn trọng chính quyền địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sống tốt đời, đẹp đạo. Nhiều chức việc, tín đồ PGHH trở thành tấm gương sáng trong cuộc sống, công tác, sản xuất kinh doanh và trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành nhân tố đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tuy nhiên, hiện nay lại có một số kẻ trơ tráo xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta. Trước đây, họ đã từng làm tay sai cho giặc ngoại xâm, có kẻ làm đến Tỉnh trưởng của Ngụy quyền Sài Gòn, sống sa đọa, hưởng lạc trên xương máu đồng bào bằng những đồng tiền tham nhũng đến mức bị kỷ luật, mất chức vì tội hối lộ. Nay lại tự xưng là Hội trưởng PGHH, dụ dỗ một số người nhẹ dạ cả tin, mù quáng, mượn danh nghĩa tu hành lôi kéo họ tham gia vào việc truyền đạo trái pháp luật, tán phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước ta, tập trung đông người rồi dùng luận điệu rằng Nhà nước đàn áp tôn giáo để kích động một số người gây rối trật tự công cộng.
Mục đích của họ là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hùa theo luận điệu “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” của phương Tây để mong kiếm được ít tiền tài trợ của nước ngoài. Đó thật sự là hành động phá đạo, hại đời, để mong trục lợi, đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của PGHH.
Những giáo dân chân chính của PGHH cần kiên quyết chống lại những hành vi nguy hiểm đó để bảo vệ sự trong sạch của PGHH. Một số người vì mù quáng, ngoan cố đã bị lợi dụng và lôi kéo vào những hoạt động bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng hoặc chống lại chính quyền đã phải trả giá cho những ảo vọng chính trị đó bằng những ngày tháng trong tù.
Để giành được độc lập, tự do như ngày nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều hy sinh mất mát. Ngày nay, hơn 25 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đất nước, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành thành viên (không thường trực) Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2007 - 2009, sánh vai các cường quốc năm châu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên nhiều lần, trong đó có sự đóng góp quan trọng và to lớn của các tôn giáo.
Những người lợi dụng PGHH với cái họ gọi là “Lời tâm huyết”, Thư ngỏ của PGHH Thuần túy” chỉ là trò lừa bịp rẻ tiền, rất dễ làm. Đó chỉ là những suy nghĩ hoang tưởng, không ai tin.
Mong rằng, những ai đang có lòng thành mong muốn PGHH phát triển lành mạnh hãy cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lợi dụng PGHH và kiên quyết nói “không” trước sự lôi kéo vào những hành động gây rối trật tự công cộng bằng những hoạt động mà họ gọi là “sinh hoạt tôn giáo thuần túy”.

Thanh Lâm
 

Khoan hồng là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam



QĐND - Theo nhiều phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Công Định  - người phải chịu hình phạt tù với mức án 5 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, đã được ra tù sáng thứ tư, 6-2-2013, trước thời hạn hơn 1 năm, và hiện còn phải chịu 3 năm quản chế tại địa phương.
Sự kiện này đã được một số trang mạng đưa tin nhằm xuyên tạc bản chất chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Theo họ, việc ông Lê Công Định được trả tự do sớm là “Sự trở về mang hy vọng”. Đó là “tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài, cũng như của những thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu và chính ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, hàm ý theo con đường dân chủ! Có người còn suy luận rằng: "Việc trả tự do cho hai ông Lê Công Định và Nguyễn Quốc Quân khiến người ta nghĩ rằng, Việt Nam đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ".
Tại phiên tòa ngày 20-1-2010, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt 5 bị cáo gồm: ông Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi) mức án 16 năm tù, ông Nguyễn Tiến Trung (27 tuổi) nhận 7 năm, ông Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) cùng mức án 5 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, tòa cũng buộc các bị cáo phải chịu sự quản thúc tại địa phương từ 3 đến 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Tại phiên xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã tuyên: Sửa một phần bản án sơ thẩm - giảm 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Lê Thăng Long. Bác kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt theo án sơ thẩm đối với hai bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tại phiên xét xử sơ thẩm (20-1-2010), bị cáo Lê Thăng Long đã khẩn thiết xin tòa cho hưởng khoan hồng để "hoàn thành chữ hiếu" (theo nguyên văn lời đề nghị của Lê Thăng Long). Với lời đề nghị mang đậm truyền thống dân tộc và vì đã nhận tội, Tòa đã giảm mức án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng. Ngày 4-6-2012, Lê Thăng Long đã được trả tự do trước thời hạn 6 tháng tuy vẫn đang chịu 3 năm quản chế.
Còn việc ông Lê Công Định được mãn hạn tù sớm cũng không phải là ngẫu nhiên.
Còn nhớ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, trong lời nói sau cùng, Lê Công Định đã thừa nhận: “Luật pháp và hiến pháp Việt Nam quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Vì vậy, những lời kêu gọi đa nguyên, đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam. Những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng là đương nhiên vi phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam".
Từ góc nhìn pháp lý, bị cáo Lê Công Định đã thừa nhận những việc mình làm là vi phạm pháp luật, do xuất phát từ chủ quan, bị ảnh hưởng quan niệm về dân chủ, nhân quyền phương Tây và những tổ chức, cá nhân có hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam mà ông này tiếp xúc.
Hiện tại, còn hai bị cáo trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, bị tòa xét xử  ngày 20-1-2010, đang chấp hành án tù. Đó là Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nói trên.
Như vậy việc ông Lê Thăng Long, ông  Lê Công Định được mãn hạn tù sớm là bình thường, không có gì được gọi là “Sự trở về mang hy vọng”; “ là tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài” đối với Việt Nam; hoặc Việt Nam “đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ”… như người ta suy diễn. Về bản chất, việc ông Lê Công Định được mãn tù sớm là do chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và do chính sự ăn năn hối cải của bản thân người phạm tội.  
Năm 2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Số: 49-NQ/TW Hà Nội, ngày 2-6-2005). Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là:
 “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm…”.
Theo Trung tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, hiện tại có hơn 100.000 phạm nhân đang phải cải tạo, giam giữ tại các trại giam, trại tạm giam trên cả nước. Trong dịp Quốc khánh (2-9-2012), đã có hơn 10.000 người được đặc xá, tha tù trước thời hạn, chiếm 10% tù nhân cả nước, trong đó có 1.300 phạm nhân nữ, 11 phạm nhân là người nước ngoài.
Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đang tích cực thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, liên quan đến nhiều hoạt động tư pháp, không loại trừ công tác cải tạo giam giữ. Tuy nhiên không nên nghĩ rằng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ bỏ con đường xây dựng xã hội XHCN, từ bỏ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách tư pháp do sức ép từ một quan hệ quốc tế nhất thời nào đó.
Những suy luận vô căn cứ, thiếu trách nhiệm chẳng những có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xã hội, quan hệ quốc tế ổn định mà còn khuyến khích những hành vi xâm hại an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đồng thời còn dẫn người ta vào vòng lao lý. 
ĐỨC GIANG

Đảng, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng



[(VTV News)-] Tại buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật; coi nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng.
Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Báo cáo đánh giá: Tình hình tôn giáo thời gian qua chuyển biến tích cực và ổn định; về cơ bản các tổ chức tôn giáo đồng thuận và các hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội; mở rộng các hoạt động quốc tế góp phần làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, về chính sách đổi mới đối với tôn giáo và chuyển biến đời sống sống tôn giáo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái phép diễn ra ở một số vùng; tình trạng chức sắc phong chui, tự nhận tuy có giảm nhưng vẫn tiếp diễn; xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới, thường gọi là đạo lạ và tà đạo với các biểu hiện dị đoan…Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như các văn bản pháp luật, pháp quy về tín ngưỡng và tôn giáo còn thiếu, nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn; tổ chức và cán bộ của hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo còn nhiều bất cập.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định tầm quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cũng như vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết sức quan trọng, vì đây là vấn đề liên quan đến hơn 1/4 dân số, đến sự ổn định chính trị - xã hội, đến nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành tôn giáo, mà là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo. Chúng ta coi đó là một thực tế khách quan, một nhu cầu khách quan về tinh thần của một bộ phận quần chúng và chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước ta đều thể hiện rõ điều này. Trên tinh thần đó, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với Đảng, Nhà nước ta đối với công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là rất quan trọng”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, chính sách, pháp luật về tôn giáo; tăng cường sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời với việc thực hiện nghiêm pháp luật trong thực tế. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu; tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc gắn với việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.
Tại cuộc làm việc cũng như tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị những người làm công tác tôn giáo bên cạnh việc thực hiện đúng, tạo điều kiện để bảo đảm nhu cầu chính đáng của người dân về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc, chống phá; âm mưu bạo loạn, gây rối, lật đổ, nhen nhóm hình thành các nhóm, tổ chức chống đối nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại nhằm cho nhân dân trong nước và quốc tế có đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật; về thực tế tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cũng như sự phát triển của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.  
Đăng Học