Bài 2: Giải pháp phòng, chống hiệu quả (tiếp theo và hết)

 24/12/2021 09:56

Thực chất thủ đoạn “bới lông tìm vết”, thêu dệt, đơm đặt, ngụy tạo thông tin để tạo cớ như đã trình bày ở bài viết trước là rất nguy hiểm. Từ đây, một số đối tượng trong xã hội đã lớn tiếng góp ý, phê phán việc sử dụng quân đội vào hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là không cần thiết và lãng phí, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Vậy nên việc tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả trong phòng, chống thiên tai ở các đơn vị quân đội là rất cần thiết.

Không thể phủ nhận vai trò của quân đội trong phòng, chống thiên tai

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều tổ chức ra quân đội với các chức năng khác nhau, nhưng cơ bản, bao trùm vẫn là bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu quân đội các nước nhận thấy, việc tổ chức cho quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là khá phổ biến.

Ví dụ như Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan có chức năng, trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự công cộng và tham gia các chương trình phát triển xã hội bằng cách hỗ trợ chính phủ dân sự; hỗ trợ nạn nhân của các thảm họa quốc gia và kiểm soát ma túy. Hay như Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF) ngoài bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chiến lược còn có trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng, ứng cứu, trợ giúp trong các thảm họa thiên nhiên.

Do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị thiên tai tàn phá nặng nề. Theo thống kê của Cục Tìm kiếm cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), giai đoạn 2004 - 2014, cả nước có tới 35.073 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố, khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, thiên tai đã khiến 356 người chết, mất tích và 876 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 35.181 tỷ đồng.

Quân đội và lực lượng vũ trang đã “lĩnh ấn tiên phong”, trở thành lực lượng đi đầu trong lĩnh vực này. Giai đoạn 2004-2014, quân đội đã huy động 754.370 lượt bộ đội, 1.161.246 lượt dân quân tự vệ; 80.428 lượt phương tiện các loại tham gia phòng, chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả 35.073 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; kêu gọi, hướng dẫn 3.399.606 lượt tàu thuyền tránh, trú bão; sơ tán, di dời 17.332.344 lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu được 33.655 người, 4.088 phương tiện, trong đó có 343 vụ/5.380 người và 494 phương tiện có yếu tố nước ngoài.

Chỉ tính hơn hai tháng cuối năm 2020, quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và 1.672.373 nghìn lao động, 186.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, công trình đang thi công; tổ chức sơ tán 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đến nơi an toàn. 

Bài 2: Giải pháp phòng, chống hiệu quả (tiếp theo và hết)
Bộ đội Quân khu 2 tích cực giúp dân di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt tháng 7-2018. Nguồn: Baophapluat.vn  

Trong lịch sử, sau khi thành lập nước (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các biện pháp cấp thiết củng cố hệ thống đê điều, phòng, chống lũ, lụt. Người xác định: “Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân”(1). Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù chiến tranh khốc liệt, nhưng trước cơn đại hồng thủy lịch sử năm 1971 ở miền Bắc, các cơ quan, đơn vị quân đội đã cử lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả.

Với tầm nhìn chiến lược, trước những thách thức từ an ninh phi truyền thống, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai. Tiếp đó, các văn bản dưới luật về lĩnh vực này được bổ sung, hoàn thiện, trong đó vai trò của quân đội trong lĩnh vực này được khẳng định.

Tại Mục 2 và 3 trong Điều 6 của Luật Phòng, chống thiên tai quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai là dân quân, tự vệ ở địa phương và quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.

Mục 4, Điều 42 cũng quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: Ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong phòng, chống thiên tai... lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, phân lũ, làm chậm lũ, tìm kiếm cứu nạn...

Vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1041/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Theo quyết định này, Bộ Quốc phòng lập các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đánh giá chung về sự xung kích của quân đội trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tối 19-12-2021, trong chương trình "Nghĩa tình quân dân" - chương trình giao lưu nghệ thuật, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phòng, chống dịch Covid-19 do Quân ủy Trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu: Trong thời bình, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã được dân tin yêu, giúp đỡ huấn luyện, tham gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Những người lính ấy đã sống trong lòng nhân dân, giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn...

Ngày 22-3-2020, khi đến thăm, kiểm tra, làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Quân đội luôn là trụ cột của quốc gia, đất nước, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò nòng cốt, “đứng mũi chịu sào” của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Trong lần thăm Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 vào ngày 19-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, mọi thành công của quân đội đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng vậy.

Từ những căn cứ trên có thể khẳng định, việc quân đội làm nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với đặc thù điều kiện Việt Nam và đã góp phần quan trọng để giảm bớt hậu quả thiên tai ngày càng khốc liệt ở Việt Nam.

Các giải pháp nâng cao chất lượng phòng, chống thiên tai ở đơn vị quân đội

Để quân đội thực sự là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai thì vấn đề quan trọng là phải thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp mới để nâng cao chất lượng. Đó cũng là một trong những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tư tưởng đòi “phi chính trị hóa” quân đội. 

Bài 2: Giải pháp phòng, chống hiệu quả (tiếp theo và hết)
Tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ngày 31-10-2020. Ảnh: TXVN 

Hiện nay Đảng ta đã xây dựng được quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm nền móng xây dựng quân đội hiện đại, “tinh, gọn, mạnh” trong tương lai như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đây là nền tảng rất thuận lợi cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Để không còn những căn cứ để các đối tượng bới móc, quy chụp, vấn đề quan trọng là cần có các biện pháp để nâng cao chất lượng trong công tác này.

Trước hết, yếu tố quan trọng hàng đầu là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng yếu tố chính trị tinh thần thật vững, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò trách nhiệm của quân đội; kiên quyết chống tư tưởng coi nhẹ, chủ quan trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Đây là nội dung xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trong tình hình hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm to lớn, vinh quang, là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của quân đội ta. Trong giáo dục, tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, sự cố và tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Thực tế cho thấy, trước kia thiên tai, bão lũ thường tập trung vào dịp cuối năm, nhưng hiện nay, bão lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để đạt được mục đích, yêu cầu trong phòng, chống bão lũ, thiên tai cần xác định phương châm “4 tại chỗ”, trong đó yêu cầu trước mắt đặt ra là cần làm tốt công tác phòng, chống ở đơn vị, cơ quan trước; đồng thời tích cực và tận tâm, tận lực giúp đỡ chính quyền, nhân dân phòng, chống có hiệu quả như tinh thần Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quán triệt: “Quân đội làm hết sức mình vì nhân dân, vì Tổ quốc và sự trường tồn của đất nước này”.

Tiếp đó là cần tập trung xây dựng tinh thần kỷ luật nghiêm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đặc biệt là tránh tình trạng lợi dụng việc giúp dân di dời, chằng chống nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để vòi vĩnh hoặc bớt xén, lấy của nhân dân làm của riêng. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động hoàn thiện các phương án phòng, chống, trong đó cần xác định rất rõ vùng bị ảnh hưởng, dân số trong vùng và mức độ thiệt hại để qua đó bố trí lực lượng, phương tiện nhanh chóng cơ động đến ứng cứu kịp thời.

Cần hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy trong phòng, chống thiên tai bão lũ theo phương châm nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Thực tế cho thấy, thiên tai thường đến rất nhanh và bất ngờ nên việc giữ vững mạch thông tin chỉ huy thông suốt trong mọi điều kiện hoàn cảnh là rất quan trọng.

Bởi khi nắm chắc thông tin thì người chỉ huy đơn vị sẽ có phương án tổ chức lực lượng cứu dân, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Bởi trong điều kiện thiên tai xảy ra, các yếu tố bảo đảm như điện dễ bị mất và không có sóng cho điện thoại di động dễ khiến cho hệ thống thông tin chỉ huy bị gián đoạn hoặc đứt gãy.

Đầu tư, mua sắm các trang bị, phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phù hợp với thực tế. Qua thực tiễn cơ sở nhận thấy, hiện nay nhiều đơn vị vẫn tận dụng khí tài, phương tiện cũ vào trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.

Ví dụ, nhiều lữ đoàn ở cấp quân khu được trang bị loại xe chở quân thế hệ cũ, tốn nhiên liệu và cơ động chậm trên các tuyến đường đã được đầu tư làm mới. Nhiều đơn vị đóng quân ở khu vực rừng núi, thường xuyên làm nhiệm vụ chữa cháy rừng nhưng không được trang bị các loại phương tiện, máy thổi hơi loại nhỏ, hoặc các loại bảo hộ chữa cháy... mà phải dùng các dụng cụ thô sơ, khiến cho hiệu quả chữa cháy không cao.

Trong quá trình khảo sát, ban chỉ huy quân sự các huyện ở khu vực thường xuyên có lũ lụt nhận thấy các đơn vị này đã được trang bị xuồng công suất lớn nhưng điều đáng buồn là lại không được trang bị phương tiện ô tô để kéo nó. Thế nên việc cơ động hạ xuồng thực hiện nhiệm vụ là rất khó khăn.  

Cùng với đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, bổ sung các phương án, tích cực tổ chức luyện tập theo phương án đã xây dựng, đồng thời tổ chức huấn luyện bồi dưỡng các kỹ năng sử dụng phương tiện tác nghiệp trong vùng bão lũ, trong đó đặc biệt chú ý đến các phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội làm nhiệm vụ.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là quá trình làm việc phân tán, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, rất nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên, càng được tập huấn, bồi dưỡng sâu về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp thoát hiểm, nhất là được luyện tập nâng cao thể lực thường xuyên thì sẽ giúp cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cao hơn rất nhiều...

Quá trình huấn luyện cần tổ chức huấn luyện kỹ từ kiến thức phổ thông, cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong bão, lụt, thảm họa đến huấn luyện công tác bảo hộ, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ... Đối với các lực lượng chuyên trách cần nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện đại, nhất là khi xảy ra tình huống trên biển, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập đổ công trình, chống cháy nổ, cháy rừng tại các địa hình phức tạp...

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần quan tâm và đầu tư là bảo đảm thông tin báo chí tuyên truyền trong thiên tai. Khi thiên tai xảy ra thì dư luận xã hội rất quan tâm đến các thông tin chính xác từ hiện trường. Việc đưa tin nhanh, sâu, đúng, chính xác có tác dụng rất lớn, không chỉ cổ vũ, động viên nhân dân vùng thiên tai mà qua đó còn có tác dụng ngăn ngừa những nguồn tin không chính thống, thiếu chính xác của các thế lực thù địch và đối tượng bất đồng chính kiến trong xã hội chúng ta, ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra.

Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự thương yêu, đùm bọc, hết lòng giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, xứng đáng là “quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”.

Do vậy, việc quân đội giữ vững ngọn cờ tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, “chiến đấu” với loại giặc mới là thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là không để xảy ra các sự cố, các hạn chế yếu kém để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá là yêu cầu hết sức cần thiết và phải được tiến hành thông qua "mệnh lệnh trái tim"!  

ĐỨC TÂM

(1)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.457

“Phi chính trị hóa” quân đội nhìn từ thiên tai

23/12/2021 16:39

Trong những năm gần đây, kẻ thù, thế lực thù địch và đối tượng bất đồng chính kiến trong, ngoài nước thường soi xét các hoạt động của quân đội để bình luận, phủ nhận thành quả công tác, nhằm hướng tới mục đích đòi “phi chính trị hóa” quân đội.

Đây là âm mưu không mới, nhưng nguy hiểm bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều chiêu thức, trong đó có hiện tượng lợi dụng các sự việc xảy ra để chống phá.

Bài viết “Phi chính trị hóa” quân đội nhìn từ thiên tai sẽ tập trung làm rõ những âm mưu đằng sau thủ đoạn thâm độc này, qua đó đề xuất những giải pháp góp phần đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống của các đơn vị quân đội.  

Bài 1: Thiên tai, đất vàng của những kẻ “bới lông tìm vết”

Việc lợi dụng thiên tai, lợi dụng những sự việc xảy ra trong quân đội để suy diễn, bôi xấu quân đội, chia tách quân đội với nhân dân với Đảng không mới nhưng nguy hiểm bởi cường độ, tần suất ngày càng tăng lên giống như nước chảy đá mòn, phá vỡ tinh thần đoàn kết quân dân cá nước, phá vỡ sự lãnh đạo tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng với quân đội.

“Phi chính trị hóa” quân đội nhìn từ thiên tai
 

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 5 tìm kiếm nạn nhân mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: VĂN CHUNG.

Ngày 19-12-2021, khi những hình ảnh và thông tin gần 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tham gia chữa cháy rừng tại khu vực dãy núi Đền thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội thì trên mạng xuất hiện một số bình luận ác ý, thiếu tính xây dựng.

Họ cho rằng, chiến sĩ cầm cuốc, cầm cành cây để dập lửa là biểu hiện hình thức, là “đùa vui với bà hỏa”. Bởi những dụng cụ chữa cháy cầm tay thô sơ ấy không ngăn được lửa bùng phát trong tiết trời và gió mùa Đông Bắc hanh khô thổi mạnh.

Họ kết luận, quân đội sinh ra là để bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để điều đi chữa cháy rừng. Có tài khoản mạng xã hội còn đặt ra tình huống, nếu chiến sĩ đi làm nhiệm vụ này không có phương tiện đặc chủng, không có các thiết bị bảo hộ và chẳng may bị tai nạn thương vong thì sẽ tính thế nào?

Một số bình luận rằng, tiền mua phương tiện, mua trang bị đã được các “quan” nấu thành đường và chảy vào túi quan trên. Lính chỉ được phân “cuốc, xẻng” thôi. Tội đâu lính chịu... Họ so sánh, ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, chữa cháy rừng là công việc của lực lượng dân sự chuyên trách và được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, nhất là máy thổi khí dập lửa. Họ được huấn luyện bài bản nên xử lý tình huống và có khả năng dập tắt đám cháy rất nhanh. Ở ta, sau bao năm hô hào xây dựng chính quy, hiện đại, quân đội vẫn đi chữa cháy bằng dụng cụ thô sơ. Làm như vậy thà không đi làm còn hơn!

Việc phê phán quân đội yếu kém, chỉ làm mầu, không có khả năng thực chiến trên chiến trường, trong thực hiện các nhiệm vụ đã có từ lâu, nhất là khi một vài đơn vị quân đội có quân nhân bị sự cố, bị tai nạn trong huấn luyện hoặc trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn một việc cụ thể.

Còn nhớ vào năm 2016, trên đường đi tìm kiếm, cứu nạn phi công lái máy bay Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) bị rơi trên biển, máy bay tuần thám CASA mang số hiệu 8983 của Trung đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bị mất tích cách đảo Bạch Long Vỹ hơn 40 hải lý về hướng Nam Tây Nam, khiến 9 cán bộ, chiến sĩ và phi hành đoàn hy sinh.

Lợi dụng thông tin này, nhiều kẻ bất đồng chính kiến trong và ngoài nước đã lợi dụng và tung tin bịa đặt rằng, quân đội bớt xén kinh phí, mua hàng đểu do hãng Airbus sản xuất nên “chim cắt” về quân đội Việt Nam sử dụng trở thành “chim cút”.

“Phi chính trị hóa” quân đội nhìn từ thiên tai

Facebook của Bùi Thanh Hiếu. 

Hiện nay, những bình luận, đồn thổi hạ thấp vai trò, uy tín của quân đội trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã không còn là hiếm trên mạng xã hội, nhất là trên Facebook và Zalo vốn được nhiều người Việt Nam ưa sử dụng.

Gần đây, khi trò chuyện với Đại tá Mai Văn Thanh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 414 (Quân khu 4) chúng tôi nghe được câu chuyện hết sức phi lý. Chuyện là, sáng 7-8-2019, sau khi lực lượng của Lữ đoàn 414 bắc cầu phao VSN-1500 vượt qua sông Luồng vào vùng lũ Sa Ná (Quan Sơn, Thanh Hóa) thì đến tối mưa nguồn đổ về rất mạnh, lưu tốc dòng chảy lớn, buộc chỉ huy lữ đoàn phải nhả liên kết, di chuyển các đốt cầu vào gần bờ để neo giữ. Sáng 8-8-2019, khi không thấy cầu phao nữa, đoàn người đi từ thiện giúp nhân dân vùng lũ bị ùn tắc.

Từ đây trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các thông tin chỉ trích. Họ cho rằng, chính quyền, và quân đội đang ngăn cấm hoạt động tiếp tế, từ thiện cho nhân dân vùng lũ, trái với những gì đã được đưa trên truyền hình Trung ương sau khi cầu phao được bắc xong ngày 7-8. Họ lớn tiếng đòi quân đội phải bắc cầu trở lại để nhân dân đi tiếp tế, từ thiện thay vì ưu tiên phục vụ các đoàn cán bộ lãnh đạo địa phương và Trung ương.

Từ những thông tin trên, các đối tượng ở nước ngoài cũng liên tục tung những công kích cho dù không nắm chắc tình hình thực tế. Anh Thanh kể, lúc ấy dư luận dồn ép khiến lãnh đạo tỉnh và quân khu hết sức bức xúc, lệnh cho Lữ đoàn 414 phải gấp rút tổ chức lại cầu phao nối liền hai bờ trong điều kiện lưu tốc dòng chảy vượt quá yêu cầu kỹ thuật của bộ khí tài.

Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 phải tổ chức tìm mua một loại dây thuyền đặc biệt có khả năng chịu lực tốt to hơn cổ tay mãi tận vùng giáp biển, cách nơi thi công cầu phao cả trăm ki-lô-mét. Đêm đó, họ tích cực làm việc trên dòng sông có lưu tốc lớn bất chấp nguy hiểm để bắc cầu. Cuối cùng, sáng 9-8-2019, chiếc cầu được nối lại. Để bảo đảm an toàn trong di chuyển, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã phối hợp với công an địa phương, tổ chức duy trì kỷ luật nghiêm ngặt cho nhân dân đi tiếp tế và từ thiện qua cầu phao an toàn. Những luồng dư luận trái chiều cũng từ đó giảm mạnh rồi mất hẳn.

Cuối năm 2020, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân khu vực miền Trung. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong đó có cả những đồng chí mang cấp hàm thiếu tướng.

Tuy nhiên, sau sự cố sạt lở đất rạng sáng ngày 13-10-2020 tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) khiến 13 cán bộ bị vùi lấp mấy ngày thì trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều “thuyết âm mưu”, gây ra những nghi ngờ, hoang mang trong dư luận. Điển hình là tài khoản facebook có tên “Thanh Hiếu Bùi”-Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió) đã tung tin đồn rằng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 là 1 trong số 13 cán bộ gặp nạn trong đoàn cứu hộ tại Tiểu khu 67 có quan hệ hàng xóm với Nguyễn Đại Lợi, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Trường Sơn, đơn vị đang tiến hành xây dựng thủy điện Rào Trăng 3. Từ đây dẫn đến một loạt các đồn đoán, suy diễn cho rằng, thủy điện Rào Trăng 3 là doanh nghiệp “sân sau”, được lãnh đạo Quân khu 4 bảo kê...

Trong trận lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung hồi tháng 10-2020, nhiều tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là những người đi “từ thiện tự do” đã vu cho các đơn vị quân đội và chính quyền tội ngăn cấm đường vào, không cho người dân từ thiện. Thậm chí có kẻ còn độc mồm độc miệng cho rằng, việc ngăn cấm đó là nhằm để quân đội và lực lượng vũ trang được “độc quyền” phân phối các loại mặt hàng từ thiện, qua đó để dễ bề bớt xén.

Cũng trong thời điểm này, khi Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định cấp lương khô cứu trợ cho đồng bào vùng lũ thì xuất hiện hàng loạt các tin đồn ác ý, suy diễn rằng cán bộ ở Quảng Trị chia nhau hàng cứu trợ lương khô quân đội. Từ sự việc này, một số tờ báo trong nước đã bình luận, phỏng vấn chuyên gia, đại biểu Quốc hội như là sự việc có thật và đã xảy ra.

Từ đây, các thế lực thù địch chống phá trong và ngoài nước liên tục công kích, chia rẽ quân đội với các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã khẳng định trên truyền thông rằng, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc cán bộ ở Quảng Trị chia nhau hàng cứu trợ lương khô quân đội là không đúng sự thật.

Mục đích của những thông tin bẩn, suy diễn trên là gì nếu không phải là để chia rẽ quân đội, lực lượng vũ trang với nhân dân và với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương. Về bản chất, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của chúng là nhằm chuyển hướng chính trị từ quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư bản, nhà nghề do giai cấp tư sản lãnh đạo, phục vụ cho mục đích của giai cấp tư sản. Từ đó, làm cho Quân đội ta mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các bước tiếp theo giống như kiểu: “Mùa xuân A-rập”, “Cách mạng Hoa hồng”, “Cách mạng Đường phố”, “Cách mạng Cam”,... mà chúng đã thành công ở hàng loạt nước trên thế giới.

Thực hiện mục tiêu này, trong những năm qua, bất kể một hiện tượng gì xảy ra trong quân đội, các thế lực thù địch, nhất là những kẻ bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những trang web tiếng Việt có máy chủ ở nước ngoài luôn tìm cớ và phương cách tạo ra những thông tin trái chiều để bôi xấu hình ảnh, gây nghi ngờ trong xã hội.

Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch xác định “phi chính trị hóa” quân đội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục. Chúng đưa ra các thông tin bẩn để cán bộ, chiến sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Chúng chứng minh quân đội không liên quan đến chính trị và lập luận: Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ cần bảo vệ biên giới lãnh thổ, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng phải được nhân dân bàn bạc công khai và quyết định, thông qua diễn đàn Quốc hội.

Chúng lợi dụng những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội để kích động, gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ quân đội. Rõ nhất là sau sự việc quân nhân Trần Đức Đô ở Trường Quân sự Quân khu 1 và Nguyễn Văn Thiên ở Bộ CHQS tỉnh Gia Lai tử vong. Nguy hiểm hơn, chúng còn sử dụng không gian mạng để tán phát những bài viết, clip, thổi phồng, xuyên tạc sự thật, khoét sâu mâu thuẫn,... nhằm kích động tư tưởng công thần, địa vị, bè phái, cục bộ địa phương, đòi hưởng thụ đãi ngộ; kêu gọi Quân đội ta từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, liên minh với quân đội một số nước để tiến lên hiện đại, trở thành quân đội “nhà nghề” như quân đội các nước tư bản...

Những bịa đặt, vu khống từ thuyết âm mưu của những cái đầu “siêu ảo tưởng” nhằm đạt tham vọng “phi chính trị hóa”, ly khai quân đội thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng được các thế lực thù địch tập trung đẩy mạnh, nhất là mỗi khi có sự cố như đã trình bày ở trên. Để lấp vào khoảng trống ấy, những đối tượng bất đồng chính kiến đề xuất giải pháp thay thế quân đội bằng lực lượng dân sự chuyên trách trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong thực tế thấy rằng, thiên tai, sự cố thường đến bất ngờ và việc khắc phục phải khẩn trương, nhanh chóng. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng lực lượng dân sự chuyên trách đảm bảo dịch vụ trong phòng, chống thiên tai là không phù hợp vì chi phí rất lớn và tốn công sức. Thế nên, việc đề xuất một lực lượng có thể thay thế quân đội là không khả thi và đó là một phương án “siêu ảo tưởng”.

Có thể thấy, những vấn đề trình bày ở trên là hết sức nguy hiểm, dễ tác động đến tâm tư, tình cảm và tư tưởng của lớp trẻ và nhân dân trong xã hội. Đoán trước âm mưu của chúng để có cách đấu tranh, phòng, chống hiệu quả đang trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết, không thể lơ là. (Còn nữa)

ĐỨC TÂM

Phòng, chống sự xuyên tạc, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam

 22/12/2021 09:08

Gần 8 thập kỷ xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thực sự là một quân đội anh hùng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; được Đảng và nhân dân ta hết mực tin yêu, bạn bè ngưỡng mộ và ngay cả kẻ thù cũng phải nể phục.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có những luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp, bôi nhọ truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.

Nhiều luận điệu xuyên tạc cần phê phán, bác bỏ

Trong quá trình thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn tập trung xuyên tạc những giá trị truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, nhất là xuyên tạc về lòng trung thành của quân đội với Đảng, với Nhà nước và nhân dân; xuyên tạc mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế của quân đội với những lời lẽ hết sức phản động, phản khoa học nhằm thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, hòng làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của quân đội, làm phai mờ hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Sự xuyên tạc đó được thể hiện ở một số luận điệu như: “Lực lượng vũ trang (LLVT) chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức, lực lượng nào”; “xóa bỏ quy định LLVT phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”; “quân đội là chỉ của quốc gia dân tộc” và có nhiệm vụ “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân chứ không phải bảo vệ chế độ nào”(!). Khi Quân đội ta thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân công tác, tiến hành công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân giải quyết các “điểm nóng” về xã hội, đấu tranh chống việc lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo thì các thế lực lại xuyên tạc, vu cáo “quân đội cứu Đảng, đàn áp nhân dân”... Lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của một số cán bộ, chiến sĩ trong quan hệ với nhân dân, các thế lực thù địch ra sức kích động nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa quân đội với nhân dân: “Tuy gọi là QĐND song thực chất chỉ là công cụ bạo lực của một tập đoàn cầm quyền, không phải là quân đội mang lại lợi ích cho dân”(!)... Chưa dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn xuyên tạc nghĩa vụ quốc tế vô sản cao cả của QĐND Việt Nam đối với cách mạng Lào và Campuchia trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây. Chúng xuyên tạc việc QĐND Việt Nam cử lực lượng tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng lại là “hành động xâm lược”(!).

Phòng, chống sự xuyên tạc, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam
 Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa.Ảnh: Duy Hồng

Những luận điệu trên được các thế lực thù địch “nhai đi nhai lại” nhiều lần, do vậy, nếu không tỉnh táo, sáng suốt, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, có thể bị tiêm nhiễm những luận điệu phản động đó. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết phê phán, đấu tranh.

Bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quân đội

Trong điều kiện mới, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần chú trọng nâng cao hiệu quả phòng, chống sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về những giá trị truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam nhằm giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta và Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó cần quan tâm một số vấn đề sau.  

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng trong giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Vì vậy, sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta, bảo đảm giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam tiếp tục được giữ vững và phát huy trong thời kỳ mới, phải chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh; tăng cường rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự là hạt nhân, nòng cốt trong việc giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ.

Hai là, tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong việc giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Để phát huy vai trò của Nhà nước trong giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ, Nhà nước cần ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách trong xây dựng quân đội, thực hiện tốt vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước đối với quân đội. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm tốt hơn về vật chất, tinh thần; về trang bị, phương tiện kỹ thuật cho quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND Việt Nam trong tình hình mới. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; chính sách đối với những người có công với cách mạng, thương binh và gia đình liệt sĩ; chính sách tạo điều kiện việc làm cho quân nhân xuất ngũ...

Ba là, phát huy tốt vai trò của đồng bào các dân tộc trong giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. “Quân với dân như cá với nước” là một cách thể hiện rất độc đáo trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết giữa quân đội và nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ trong bản chất, truyền thống của quân đội cách mạng do Đảng ta giáo dục và rèn luyện. Trong tình hình hiện nay, trước những tác động của điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là trước những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường cũng như sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ quân đội với nhân dân, thì sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân đối với quân đội càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ.

Bốn là, phát huy vai trò của quân đội trong giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Vấn đề cơ bản có tính quyết định trực tiếp là sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu, công tác và lao động sản xuất của quân đội trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, mọi nhiệm vụ. Việc giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ là công việc của chính mỗi cán bộ, chiến sĩ; thể hiện cụ thể trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, cũng như trong sinh hoạt đời thường của mỗi quân nhân. Để giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Năm là, tích cực triển khai đấu tranh phòng, chống sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về những giá trị truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy đảng trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Bảo đảm các hoạt động đấu tranh theo đúng định hướng của Đảng, chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng về quan điểm chính trị, sâu sắc về lý luận khoa học, sắc bén trong phương pháp và đạt hiệu quả cao. Huy động lực lượng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu lý luận, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan báo chí, truyền thông... tiến công chống các quan điểm thù địch, sai trái xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Bên cạnh đó, cần chủ động cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến vấn đề đấu tranh dưới nhiều hình thức để kịp thời định hướng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận bản chất, truyền thống của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG 

Bóc trần âm mưu “dân sự hóa” quân đội

 20/12/2021 05:00

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng: Trung ương nên chủ trương “dân sự hóa hoạt động quân sự” để hạn chế hao tốn nguồn lực đầu tư cho quốc phòng, lại huy động được sức dân trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Thực chất, đằng sau những lập luận ấy là chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, hòng phá vỡ tính tổ chức, tính kỷ luật, hạ bệ vai trò của quân đội, làm cho Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam xa rời mục tiêu, lý tưởng, nhằm hiện thực âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”

Mưu đồ phía sau “những lời có cánh”

Trên một số trang mạng nước ngoài gần đây đăng tải nhiều bài viết tập trung “phân tích” về chủ trương, cách thức vận hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Các bài viết này “ngợi khen” việc nhất quán “mỗi người dân là một chiến sĩ” thể hiện cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Họ thuyết giảng: Vì dịch bệnh cũng là một loại “giặc” nên đáng ra quân đội phải là lực lượng duy nhất có trách nhiệm đương đầu, ứng phó. Thế nhưng, Việt Nam đã biết cách biến mỗi người dân thành một chiến sĩ nên công cuộc chống “giặc dịch” trở nên hiệu quả.

Trên luận điệu đó, họ cố tình suy diễn: Quân đội không thể hiện được vai trò, vị trí của mình, nên cần phải “dân sự hóa hoạt động quân sự”; trao sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) cho quần chúng. Có nghĩa, phải tinh giản biên chế trong quân đội một cách mạnh mẽ, chỉ để lại một vài cơ quan chỉ đạo chiến lược; cũng nên giảm ngân sách đầu tư cho quốc phòng và không nên “nuôi” một số lượng quân thường trực “đông nhưng không mạnh”... vì nếu có biến cố gì đi nữa, thì nhân dân ứng phó là đủ (?)

Với cách lập luận lập lờ nêu trên khiến không ít người thoạt nghe đã sinh ra a dua, cổ xúy, tán dương. Một số người dân đón nhận thông tin một chiều tỏ ra nghi hoặc về sức mạnh quân đội, rồi bày tỏ sự ủng hộ “dân sự hóa” một số lĩnh vực hoạt động quân sự, dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế...

Từ những phân tích trên, các bài viết còn viện dẫn về chuyện một số quốc gia trên thế giới không cần xây dựng lực lượng quân đội, chỉ thiết lập đội tự vệ quốc gia với quân số ít. Thậm chí, có quốc gia không bận tâm đến việc BVTQ, vì trong xu thế hội nhập, các nước sẽ biết cách tôn trọng độc lập, tự do, chủ quyền của mỗi quốc gia.

Thực chất, đây là những thủ đoạn nhằm hạ thấp ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ BVTQ, hạ bệ vai trò của QĐND Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, BVTQ; thúc đẩy xu hướng nhận thức tiêu cực, tạo áp lực tâm lý để xới lên đề xuất “giải tán” quân đội, cắt giảm nguồn lực đầu tư cho quân đội và quốc phòng. Đây là thủ đoạn nhằm phá vỡ “lõi hạt nhân” trong kết cấu thế trận chiến tranh nhân dân, làm tan hỏng, mục rũa nền quốc phòng toàn dân từ bên trong.

Ở một diễn biến khác, những kẻ thủ ác lại rêu rao: Việt Nam đang “quân sự hóa hoạt động dân sự”. Họ cho rằng: Chống dịch là một dạng hoạt động dân sự, nhưng quân đội lại ồ ạt đưa lực lượng, vũ khí, trang bị vào “trấn áp” dịch-đó là biểu hiện “quân sự hóa hoạt động dân sự”.

Một mặt, họ quy kết quân đội không đủ mạnh, không thể làm tròn nghĩa vụ với nhân dân, nên cố tình kéo quần chúng vào một cuộc chiến “vô thưởng vô phạt”; cổ vũ người dân lên tuyến đầu để bao biện cho sự hèn nhát, sợ dịch bệnh của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Mặt khác, họ tung hô: Đảng, Nhà nước và quân đội đang tô hồng vai trò của chính mình, “làm màu” để mị dân.

Bóc trần âm mưu “dân sự hóa” quân đội
 Bộ đội trung đoàn 82 về giúp người dân xã Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: qdnd.vn 

Thực chất, đây là thủ đoạn đánh tráo sự thật, xóa nhòa bản chất hoạt động bảo vệ, phục vụ nhân dân, phủ định vai trò, đóng góp to lớn của QĐND Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 suốt gần hai năm qua. Trên thực tế, QĐND Việt Nam đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những lực lượng xung kích trên tuyến đầu; bảo vệ nhân dân bằng tất cả tình yêu thương. Thậm chí nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với loại “giặc vô hình” để phụng sự Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Vậy nên, “những lời có cánh” nêu trên, thoạt qua, có thể nhầm tưởng là hợp lý, vô hại, nhưng xét về thực chất lại chính là khuynh hướng thủ đoạn khá mới, cố tình làm sai lệch nhận thức của quần chúng, mang lại nhiều hệ lụy và hậu quả to lớn; ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội; tác động trực tiếp đến kết quả xây dựng quân đội; chi phối nghiêm trọng công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực, nguồn lực BVTQ trong tình hình mới.

Quân đội hùng mạnh - đất nước mới hùng cường

Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, QĐND Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt BVTQ, trong thế trận chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ xa xưa đã thực hiện phép dụng binh “ngụ binh ư nông”- quân gửi trong dân.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, quân đội là lực lượng không thể thay thế, không thể phủ nhận, là công cụ sắc bén, hữu hiệu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Trong khi đó, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới ngày càng cao; tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, mau lẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến nhiệm vụ BVTQ. Các vấn đề xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn ra phức tạp.

Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, kích hoạt sự “chuyển màu” về chế độ, cố tình hạ bệ vai trò của Đảng và QĐND Việt Nam... Trước tình hình đó, nếu Việt Nam không có một đội quân thực sự “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” thì liệu nhiệm vụ BVTQ có thể bảo đảm trong mọi tình huống, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước?

Thực tế cho thấy, kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, thì vẫn chưa có bất kỳ phút giây những người lính Cụ Hồ được ngơi nghỉ trong cuộc chiến giữ hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong mọi giai đoạn lịch sử, thời kỳ phát triển, quân đội luôn là lực lượng đi đầu và khẳng định những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong suốt hành trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Vậy nên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, QĐND Việt Nam-lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư tương xứng để có đủ tiềm lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Ở đây, cần hiểu đúng và đủ về chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đặt nhiệm vụ xây dựng quân đội trong mối quan hệ tổng thể xây dựng 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, với tầm nhìn chiến lược, các lực lượng phải từng bước được đầu tư để hiện đại hóa, chính quy hóa, nhưng trên hết và trước hết phải ưu tiên xây dựng QĐND Việt Nam trong mối quan hệ với các bộ phận, lực lượng khác của LLVT.

Bởi thế, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán quyết tâm xây dựng quân đội cách mạng, nhưng đồng thời phải tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết Trung ương các khóa XI, XII, XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X, XI đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng trong quân đội tiến thẳng lên hiện đại.

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... Đó là mục tiêu khách quan, đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp BVTQ. Do đó, việc tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội là nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp cách mạng.

Hiện thực về sự cống hiến lớn lao

Không có chuyện cán bộ, chiến sĩ quân đội đang “vô công rồi nghề”, “đông mà không mạnh” như những kẻ hiềm khích, chống đối, chống phá cố tình tô vẽ, thêu dệt. Mỗi công dân Việt Nam cần có trách nhiệm nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những chiêu trò thâm độc ấy.

Hãy ngước nhìn lên bầu trời xanh của Tổ quốc. Chắc chắn rồi, sự bình yên ấy không tự nhiên có được, mà là kết quả của sự phòng vệ quốc gia từ xa, từ sớm. Ở nhiều nơi trên đất nước này vẫn có sự hiện diện của tổ chức, đơn vị quân đội luôn “dõi mắt canh trời”, trực SSCĐ 24/24 giờ, với các loại vũ khí có khả năng đánh chặn mọi nguy cơ và các mối đe dọa trong mọi tình huống; sóng radar giăng từng tấc không khí để kịp thời phát hiện bất cứ mục tiêu nào dù là nhỏ nhất xâm phạm chủ quyền bầu trời quốc gia.

Và như vậy, chắc chắn sẽ có hàng nghìn ánh mắt của cán bộ, chiến sĩ dõi lên bầu trời canh giữ bình yên, hay miệt mài thao tác vũ khí trang bị để bảo vệ, vận hành sự bình yên đó.

Hãy hình dung về 3/4 diện tích đất nước thân yêu-biển, đảo của chúng ta dẫu còn nhiều “giông bão”, nhưng chủ quyền thiêng liêng luôn được giữ vững kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn trung kiên ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa, trên những con tàu, nhà dàn DK giữa mênh mông biển lớn.

Tất cả những người lính Cụ Hồ đều đối diện với các thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần, nhưng luôn không hề nao núng, thoái thác nhiệm vụ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của những người đang ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, để thêm trân trọng những đóng góp của những chiến sĩ hải quân một lòng trung hiếu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

Hãy nhìn vào thực tế về một đất nước bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt. Sau mấy chục năm hòa bình lập lại, vẫn còn đó không ít bom, mìn, vũ khí tồn đọng, có thể cướp đi sự sống của người dân và hãy khắc ghi sự đóng góp của lực lượng công binh can trường đối mặt với tử thần, tái tạo sự bình an, mang đến môi trường sống an toàn cho hôm nay, mai sau.

Hãy nhìn vào nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam để thấy sự nguy hại đáng sợ của vũ khí hóa học mà kẻ đi xâm lược nhẫn tâm gieo rắc lên lãnh thổ Việt Nam, để thấm ngấm đầy đủ hơn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ hóa học đang ngày đêm đối diện với thứ kẻ thù vô hình, xua đi hiểm họa, lấy lại những điều kiện sống cần thiết, tốt đẹp cho nhân dân...

Lại phải nói rõ hơn về trí tuệ của người lính Cụ Hồ đóng góp vào cấu hình môi trường sống hiện hữu. Khi chúng ta cảm nhận về một con đường, một cây cầu, một công trình dân sinh... chỉ nhận thấy tác dụng bảo đảm giao thông, phục vụ dân sinh, kết nối giữa các vùng miền để thông thương hàng hóa. Thế nhưng, sự thật không chỉ có thế.

Khi biến cố xảy ra, khi khởi mào chiến sự, kẻ thù gây hấn, thì lập tức những công trình ấy chuyển hóa phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các nhà máy, xí nghiệp đều có tính lưỡng dụng đến mức tối ưu; các làng xã văn hóa đều bảo đảm các yếu tố, thành tố cấu thành nên khu vực phòng thủ... Những giá trị mang lại ấy là thành quả của trí tuệ Việt Nam, là sản phẩm của nền quốc phòng toàn dân, mà người lính Cụ Hồ là chủ thể tiến hành công tác tham mưu, kiến tạo.

Đó là thành quả vô cùng to lớn, kết nên từ lịch sử chiến tranh và quá trình xây dựng, BVTQ mà QĐND Việt Nam giữ vai trò nòng cốt.

Trong đó, việc kiến tạo nên lực lượng 3 thứ quân; bồi đắp cho mỗi người dân lý tưởng, bản lĩnh, kiến thức quân sự cơ bản... để có thể trở thành người chiến sĩ quả cảm bảo vệ chủ quyền đất nước, thì quả là "phép màu thần kỳ" được kết nên từ một khối lượng công việc đồ sộ mà ngay trong thời bình lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội đã và đang dày công vun đắp.

TẤN TUÂN - HOÀNG THỦY