Cảnh giác luận điệu lợi dụng sự bất ổn ở Venezuela để xuyên tạc tình hình Việt Nam

06:54 31/01/2019
Trong mấy ngày vừa qua, lợi dụng tình hình chính trị bất ổn ở Venezuela, một số nhà “dân chủ”, phần tử cơ hội chính trị đã thông qua một số trung tâm truyền thông, mạng xã hội có những liên hệ, kích động, xuyên tạc, diễn biến thể chế chính trị và tình hình Việt Nam.
Những diễn biến trên chính trường Venezuela trong thời gian qua rất phức tạp. Sau khi Tổng thống Hugo Chavez (nắm quyền từ năm 1998 đến năm 2013) qua đời, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro được lựa chọn và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Những khó khăn thời hậu Hugo Chavez cùng với sự cấm vận kinh tế đã đẩy quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, giàu có nhất khu vực Mỹ La tinh trở thành nước mà hiện tại có 90% dân số sống trong cảnh nghèo khó.
Khủng hoảng kinh tế ở nước này ngày càng trầm trọng với tỉ lệ lạm phát ở mức cao kỷ lục được các tổ chức quốc tế công bố lên đến 1,3 triệu %, 3 triệu người rời khỏi đất nước, số lượng lớn các hộ dân rơi vào cảnh thiếu đói, nhiều người bị sát hại năm 2018.
Tình hình càng trở nên trầm trọng như “bể dầu” vốn đang chao đảo được châm thêm ngọn lửa để bùng phát. Ngày 23-1 thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời. Ngày 24-1-2019, Mỹ chính thức công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela, đồng thời phủ nhận quyền Tổng thống của ông Nicolas Maduro.
Liên minh châu Âu, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và một số nước khác cũng thừa nhận ông Guaido. Từ khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài, giờ đây Venezuela lại đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, các làn sóng biểu tình hỗn loạn, sục sôi trong cuộc khủng hoảng chính trị, tị nạn, ngoại giao.
Lợi dụng tình hình bất ổn ở Venezuela, nhiều nhà “dân chủ”, phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch lập tức có những bài viết, phát tán trên một số trung tâm truyền thông, mạng xã hội để xuyên tạc tình hình, chống phá cách mạng Việt Nam.
Họ cho rằng biến cố chính trị ở Venezuela là “tin vui với nhiều người dân Việt Nam; đây là bài học nóng hổi cho giới lãnh đạo Việt Nam vì họ xây dựng chế độ toàn trị; tình hình Venezuela cho thấy những chế độ độc tài, toàn trị không thể tồn tại được và sớm hay muộn cũng phải chịu số phận bị lật đổ”, rồi hô hào cổ súy cho luận điểm “thử nghiệm chủ nghĩa xã hội khiến cho nền kinh tế Venezuela sụp đổ”…
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chính trị, di cư, nhân đạo trầm trọng của Venezuela hiện nay, nền kinh tế ảm đạm, lạm phát tăng cao, cùng với đó là tình hình chính trị hỗn loạn… tất cả những hệ lụy đó suy cho cùng, người dân vẫn là tầng lớp tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, đời sống khổ cực, nghèo đói, nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương, đất nước.
Ngày 24-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định. Việt Nam cũng mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Venezuela".
Trước tình hình đầy khó khăn và biến động mà Venezuela đang gặp phải, người dân Việt Nam có lương tri và yêu chuộng hòa bình luôn mong muốn đất nước và nhân dân Venezuela nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong hòa bình; hơn nữa người Việt Nam vốn có truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” vì hòa bình, ổn định và phát triển. Bối cảnh bất ổn, khó khăn của Venezuela hiện tại chỉ là “miếng mồi” của những kẻ vô cảm, bất lương, dã man trước nỗi đau của người khác.
Sự hả hê đó chỉ có thể là cảm xúc của những kẻ cơ hội chính trị, thế lực thù địch vốn có tư duy chống đối, thừa cơ “đục nước béo cò” để hành động, lợi dụng, xuyên tạc với dã tâm hòng lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Cũng cần phải nói rõ thêm là “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt soi đường cho cách mạng Việt Nam. CNXH không có bản chất là “độc tài”, “toàn trị”. Đây là một sự cố ý gán ghép, lẫn lộn khái niệm để cố tình hạ thấp bản chất của CNXH một cách tinh vi, xảo trá với ý đồ xấu.
CNXH nói chung và con đường cách mạng ở Việt Nam nói riêng được thực hiện trên nguyên tắc là sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN và quyền làm chủ của nhân dân. Xét về mặt lý luận nói chung, đảng phái, nhà nước đều mang bản chất giai cấp; dù là ở thể chế chính trị nào, nhà nước đều là bộ máy của giai cấp thống trị để thống trị xã hội.
Song ở Việt Nam, thực tiễn cách mạng chứng minh, Hiến pháp cũng quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội quân tiên phong của giai cấp công, nông và tầng lớp trí thức, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; nhà nước là của dân, do dân và vì dân; tất cả lợi ích, quyền lực thuộc về nhân dân lao động.
Vì vậy không thể nói thể chế chính trị ở Việt Nam là “độc tài”, “toàn trị” như nhà “dân chủ”, thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị rêu rao nhằm kích động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “xã hội dân sự”, theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Tròn một thế kỷ về trước, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước mang trong mình khát vọng của dân tộc về độc lập, tự do đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính con đường cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác làm nên non sông, gấm vóc dân tộc Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân lao động cần lao.
Bài học lịch sử đau xót của nhân loại tiến bộ trước sự sụp đổ Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình CNXH do xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự mất cảnh giác trước chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Phong trào “cánh tả” ở một số quốc gia như Venezuela mà cố Tổng thống Hugo Chavez cho rằng: “XHCN là con đường duy nhất để vượt qua chủ nghĩa tư bản, cái gọi là chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”   phải đứng trên một nền tảng lý luận vững chắc dẫn đường, kiên định những nguyên lý của CNXH, dưới sự lãnh đạo chuyên chính của một chính đảng tiến bộ - đội quân tiên phong của giai cấp công nông, mới triệt để thực hiện được mục tiêu của xã hội tiến bộ XHCN.
Tình hình kinh tế, chính trị ở Venezuela có những đặc thù riêng, không thể so sánh, lồng ghép để suy diễn đối với thể chế chính trị, kinh tế ở Việt Nam.
Hơn ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã thay da, đổi thịt, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, cuộc sống bình yên, ấm no, tự do, hạnh phúc. Có được kết quả ấy là do Đảng và nhân dân ta đã kiên định con đường đi lên CNXH.
Thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc, kích động hòng lật đổ thể chế chính trị, thành quả cách mạng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, nhận diện, đấu tranh các luận điệu sai trái, thù địch, chiến lược “diễn biến hòa bình” trong điều kiện hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Người dân cần cảnh giác phòng, chống hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị Công an nhân dân)
 

Nhìn lại năm 2018 - không thể xuyên tạc, phủ nhận thành quả nhân quyền Việt Nam

28/01/2019 05:00

Thời đại ngày nay, xét từ giác độ khoa học-công nghệ (KH&CN) là thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này hội tụ nhiều công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối-Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), tất cả đều dựa trên công nghệ thông tin (CNTT).

Với những công nghệ đó một thế giới mới, khác biệt với thế giới mà con người đang sống đã ra đời-đó là thế giới ảo, thế giới dựa trên kỹ thuật số, trên internet, mạng điện tử. Có thể nói, trong thời đại CMCN 4.0 đi đôi với cơ hội, nhân loại cũng phải đối diện với những thách thức mới-một trong những thách thức đó là phân biệt đâu là thực, đâu là ảo, đâu là giả. 
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sớm nhận thấy tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là internet. Việt Nam kết nối internet khá sớm (năm 1997). Từ đây người Việt Nam có thể tiếp cận với các nguồn thông tin dựa trên internet. Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia, những thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội để tán phát thông tin xấu độc, phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân Việt Nam. Ứng phó với tình hình đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp trấn áp tội phạm mạng, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý nói chung, pháp luật về mạng điện tử nói riêng, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018.
Ảnh minh họa. TTXVN.
Thế nhưng các thế lực thù địch trong, ngoài nước đã xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do sử dụng dịch vụ internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng. Họ viết-Việt Nam ngày nay đã là thành viên của Liên hợp quốc và nhiều công ước quốc tế về quyền con người (QCN), trong đó có “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” năm 1966, trong đó, quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ…” (Điều 19).
Cách đây ít ngày (ngày 17-1-2019), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình năm 2019”. Trong phần về Việt Nam, báo cáo này viết: “Tình hình nhân quyền Việt Nam-xuống cấp nghiêm trọng”, “Chính phủ Việt Nam đã đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền một cách hệ thống-đã “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản” như cản trở các quyền tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận; ngăn chặn các quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Luật An ninh mạng đặt tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam dưới sự kiểm soát của Nhà nước và Đảng. Luật An ninh mạng là cách mới nhất bóp nghẹtquyền tự do ngôn luận của các blogger; ngăn cấm các quyền tự do lập hội và nhóm họp hay hạn chế các hoạt động tự do thực hành tôn giáo... Nhà nước Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị…”. Vậy thực tế QCN của nhân dân Việt Nam được bảo đảm như thế nào? Và vì sao các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội về chính trị lại xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
Theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, bảo đảm QCN ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào bao giờ cũng phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: (1) Bảo đảm các điều kiện về tinh thần và vật chất cho tất cả mọi người và (2) Đấu tranh bằng nhiều hình thức với các thế lực chống phá chế độ xã hội, nhà nước, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Có thể nói, thủ đoạn chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch ngày nay là “gắp lửa bỏ tay người”. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng dùng chiêu trò “tôn trọng, bảo vệ QCN” mà thực chất là xuyên tạc tình hình, kích động người dân chống phá chế độ để rồi vu cáo Việt Nam vi phạm QCN.
Đã từ lâu, hằng năm Hoa Kỳ tán phát hai bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới” (một bản của Bộ Ngoại giao; một bản của HRW) và một bản về tình hình tự do tôn giáo (của Bộ Ngoại giao) trên thế giới. Trong 3 bản “phúc trình" nói trên, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam thường được “tô đậm” hơn các nước. Nói chính xác là thường bị xuyên tạc vu cáo nhiều hơn cả.
Cũng như nhiều năm trước, năm 2018, Hoa Kỳ tập trung xuyên tạc việc cơ quan chức năng Việt Nam xử lý, trừng phạt những blogger lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá chế độ. Tuy nhiên, một thực tế là trước tòa, các bị báo đều thành khẩn nhận tội và hết sức ăn năn, hối cải bởi những hành vi, việc làm sai trái của mình. Hầu hết các bị cáo đều cho rằng, do năng lực và kiến thức pháp luật còn hạn chế, hoặc bị người khác mua chuộc, xúi giục. Điều rất đáng nói là những thông tin được các bị cáo trình bày tại tòa không phải đến bây giờ mới được nói đến, mà trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đã nhiều lần đề cập. Vậy nhưng tiếc thay, nhưng người soạn thảo cái gọi là "bản phúc trình" thì lại không hay biết?
Trên lĩnh vực pháp luật, năm 2018, nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết, trong đó có Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Cạnh tranh; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch,  Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn;  Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019...  Hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội Việt Nam nói trên cho thấy QCN, hay nói cách khác là quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội thông qua cơ quan quyền lực đã được đổi mới, hiệu quả hơn các năm trước.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế-xã hội, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5-7%); dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới...
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%).
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Tính đến năm 2018, Việt Nam có thêm 11 di tích và 29 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xếp hạng.
Nhằm bảo đảm QCN, quyền công dân trong điều kiện cuộc CMCN 4.0, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử để đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; ứng dụng rộng rãi CNTT, kết nối liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đối thoại trực tiếp với công nhân, nông dân, trí thức; nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua các cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước.
Đối với nhân dân Việt Nam, QCN không thể tách rời độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2018, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Nhìn lại năm 2018, cho dù các thế lực thù địch tán phát thông tin xuyên tạc, bôi đen chế độ xã hội cũng không thể phủ nhận được thành quả QCN của nhân dân Việt Nam.
 TS CAO ĐỨC THÁI

Lại chiêu trò đòi hoãn, đình chỉ thi hành Luật An ninh mạng

14:27 21/01/2019

Luật An ninh mạng đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo hiệu lực pháp luật thì các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động vẫn tiếp tục tung ra các luận điệu, chiêu trò cũ, đòi hoãn, sửa, thậm chí kêu gọi tẩy chay thi hành luật.

Những luận điểm vô căn cứ
Trước thời điểm Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành (1-1-2019) ít ngày, tổ chức Human Rights Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam “hoãn và sửa” Luật An ninh mạng. HRW lý lẽ rằng, Việt Nam cần phải hoãn áp dụng Luật An ninh mạng và sửa đổi bởi luật này được thi hành, bất cứ ai sử dụng Internet tại Việt Nam đều không “an toàn”, ai cũng bị “kiểm soát gắt gao”. Họ cho rằng, nếu áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý mà “không có lệnh của tòa án” là vi hiến.
Hùa theo HRW, tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cũng ra thông báo lên tiếng “yêu cầu Việt Nam đình chỉ thi hành Luật An ninh mạng”. Được dịp, các trang mạng như RFA, VOA... đưa nhiều ý kiến, bài viết nói rằng “nhiều người có ảnh hưởng kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng” song những cái tên mà họ gọi “người có ảnh hưởng” dưới danh nghĩa luật sư, trí thức, nhà “dân chủ” là đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước, nhân dân Việt Nam.
Thực ra, các tổ chức như HRW, Ân xá quốc tế, các cá nhân đội mũ “dân chủ, nhân quyền” đã ra rả lên tiếng chỉ trích, phản ứng Luật An ninh mạng ngay từ khi dự án này còn soạn thảo, lấy ý kiến, đến khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Nay, khi luật có hiệu lực thi hành, thấy việc kêu gọi hay “yêu cầu” không có hiệu quả, họ lại tiếp tục điệp khúc nhai lại luận điệu cũ, đưa ra lời lẽ có tính hù dọa. Số này còn cổ súy, kêu gọi các nghị sĩ Mỹ cùng “chung tay” hòng gây áp lực lên Quốc hội Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước thông tin 17 nghị sĩ Mỹ kêu gọi các giám đốc điều hành của Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội.
“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng các quyền đó để có các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Pháp luật về đảm bảo an ninh mạng đang được Việt Nam tập trung hoàn thiện.
Nhận diện sự thực những “lời kêu gọi”
Cái cách mà HRW vẫn giở điệp khúc lâu nay, đó là biến có thành không, không thành có, sử dụng chiêu trò giả dối để vu cáo. Giống như Freedom House, năm nào HRW cũng lặp lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do báo chí, internet. Những nhân vật mà HRW đưa ra để viện dẫn cho cái gọi là “đàn áp nhân quyền” cũng lặp lại ở danh sách mà Freedom House sử dụng nếu như số “nhà dân chủ, nhân quyền” đó hoạt động chống phá bằng kênh truyền bá trên internet.
Cổ súy, đồng hành cùng Freedom House, HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)... Trong phúc trình, báo cáo thường niên, các tổ chức này đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, internet, trấn áp báo chí, trấn áp các bloggers rồi cố tình xếp Việt Nam nằm trong danh sách nhóm nước có thứ hạng cực thấp về tự do báo chí, ngôn luận, internet... HRW, Freedom House trích dẫn những trường hợp bị phạt tù, xử lý hình sự khi lợi dụng mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội. 
Cũng với chiêu bài cũ, họ viện dẫn các đối tượng bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt, xét xử về hành vi lợi dụng internet để tuyên truyền, chống phá thành cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân mạng”... Chẳng hạn, vừa qua Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm xét xử vụ án tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam đối với 3 bị cáo: Vũ Quang Thuận (sinh năm 1966, trú tại thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Văn Điển (sinh năm 1983, trú tại tổ 16A, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và Trần Hoàng Phúc (sinh năm 1994, trú tại 154/45 Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình quan điểm của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến đầu tháng 3/2017, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc đã có hành vi làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, mạng Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân. 3 đối tượng này đã phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của Nhà nước trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; bôi xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hay việc Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử Lê Đình Lượng về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo cáo trạng, Lê Đình Lượng đã lập tài khoản trên Facebook nhằm “câu like”, phản hồi, chia sẻ với các tài khoản Facebook khác với nội dung xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức Việt Tân nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Lê Đình Lượng đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, cổ súy cho tổ chức khủng bố Việt Tân; xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam...
Các đối tượng phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự, thế nhưng, các đối tượng lại tung hô đây là những “nhà dân chủ”, “nhà cải cách”, vu cáo tòa xét xử các bị cáo là vi phạm quyền công dân, quyền tự do dân chủ, internet...
Đặc điểm chung của các vụ án chống chế độ xã hội, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian gần đây là: Về nội dung, tội phạm chủ yếu là xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam, xúc phạm các lãnh tụ của giai cấp công nhân (Mác, Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh); lợi dụng những vấn đề phức tạp về xã hội, tình trạng môi trường ô nhiễm...; về đường lối đối ngoại “đa dạng hóa”, “đa phương hóa” của Đảng và Nhà nước ta để vu cáo Việt Nam đi theo quốc gia này, ngả theo quốc gia khác, phản bội lợi ích của dân tộc... Cá biệt, có nhóm đối tượng hoạt động vũ trang, sử dụng bom, mìn nhằm gây mất an ninh quốc gia, tiến đến lật đổ chế độ xã hội... 
2 tháng trước khi luật có hiệu lực thi hành, số chống đối “nhắm” vào các bản dự thảo nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Việc đăng tải toàn văn bản dự thảo Nghị định và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được lấy ý kiến công khai, rộng rãi trong toàn dân với thời hạn 2 tháng. Việc soạn thảo, ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được thực hiện theo đúng quy định, trình tự trên, công khai lấy ý kiến góp ý xây dựng của các tầng lớp nhân dân, hoàn toàn không có việc “úp mở” như các thông tin bịa đặt.
Đối với các dự thảo này, trước khi đăng tải công khai để lấy ý kiến nhân dân thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Đến nay, sau 2 tháng đăng tải lấy ý kiến, Bộ Công an đang tổng hợp, rà soát kỹ lưỡng để hoàn chỉnh dự thảo, trình Chính phủ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước liên tục xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng, kích động một bộ phận quần chúng nhân dân gây rối trật tự. Ngoài viện cớ như đã nêu trên, số đối tượng này tập trung cổ súy dư luận trên không gian mạng vào việc liệu các doanh nghiệp nước ngoài có lưu trữ dữ liệu và thực hiện yêu cầu xóa thông tin chống nhà nước; so sánh chính sách quản lý không gian mạng của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và cho rằng, Luật An ninh mạng đã “bóp nghẹt” quyền tự do dân chủ, quyền tự do trên không gian mạng của nhân dân.
Một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước dựa vào bản dự thảo nghị định không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng đã liên tục viết bài xuyên tạc nội dung dự thảo, cho rằng Bộ Công an có nguy cơ lạm quyền khi trở thành “một bộ máy siêu quyền lực trên không gian mạng”, có khả năng can thiệp vào đời sống riêng tư của công dân, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó trong kinh doanh tại Việt Nam. Thậm chí, để tỏ ra “khách quan, khoa học”, các tổ chức chống đối này còn mời một số người là kỹ sư công nghệ ở nước ngoài viết bài, tỏ thái độ không đồng ý với nội dung dự thảo, chỉ trích, phê phán Chính phủ.
An ninh mạng là vấn đề toàn cầu, không phải sản phẩm riêng của quốc gia nào.
Hoàn thiện văn bản để thực thi luật
Cần lưu ý rằng, việc đóng góp ý kiến dựa vào bản dự thảo chính thống đã công bố và đóng góp với tinh thần xây dựng, vì an ninh, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Luật đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, việc bây giờ là hoàn thiện các văn bản, quyết định, nghị định hướng dẫn để đảm bảo luật thực thi chứ không phải là lúc bàn chuyện nên hay không nên ban hành luật. Không có căn cứ nào để xem xét chứ chưa nói đáp ứng những đòi hỏi vô căn cứ như thế xung quanh Luật An ninh mạng.
Hiện nay, dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Đây là quy định xuất phát từ yêu cầu khách quan chứ không phải “để làm khó, cản trở doanh nghiệp” như luận điệu những đối tượng chống phá.
Đối với mạng Facebook, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua rà soát, phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam. Thực thi Luật An ninh mạng, Facebook cần phải tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu, quy định đặt ra. Nếu không có những động thái tích cực, các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.
Ths. Nguyễn Thị Thành

 

Phúc trình nhân quyền 2019 - vẫn chiêu “sói đội lốt cừu”

10:44 21/01/2019
Động cơ, bụng dạ nham hiểm mà giả khoác áo nhân quyền thì khác gì “sói đội lốt cừu”, vờ nhân nghĩa đòi cứu vớt nhưng sao che được mắt thiên hạ.
Trong bản “Phúc trình toàn cầu 2019” được công bố ngày 17-1-2019, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) nói rằng, tình hình nhân quyền tại Việt Nam “xuống cấp nghiêm trọng”. HRW đưa ra cáo buộc, Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo”...
Tổ chức này nói rằng, Việt Nam “bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến” và việc ban hành Luật An ninh mạng là “hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận”. Cũng trong bản phúc trình, HRW tự tưởng tượng ra viễn cảnh “những người dám đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn”.
Những ngôn từ như “nhà bất đồng chính kiến”, “đàn áp”, “tra tấn”, “nghiêm trọng”... xuất hiện nhan nhản trong bản phúc trình. Và cũng y hệt trước đây, để viện dẫn cho “nhà bất đồng chính kiến”, phúc trình đưa ra 12 đối tượng vốn là bị cáo trong các phiên tòa hình sự, bị tòa án xét xử năm 2018 về các tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”...
Đáng chú ý, sau khi liệt kê danh sách và điệp khúc “bất đồng chính kiến”, phê phán “đàn áp”, “tra tấn” thì HRW lại chĩa mũi nhọn chỉ trích cả các quốc gia đang có hợp tác đầu tư lớn với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, tố chính phủ các nước. Ý đồ HRW muốn dùng “ngòi nổ nhân quyền” hòng lu loa để làm bình phong, kêu gọi chính phủ các nước gây sức ép với Việt Nam, mượn nhân quyền để ngăn cản việc mở rộng đầu tư, hợp tác của Việt Nam. Ý đồ này là chiêu bài quá cũ, năm nào HRW cũng bám víu nhưng việc nhai đi nhai lại như vậy cho thấy sự lạc lõng.
Hồi đầu tháng 1-2019, cũng dưới chiêu bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, HRW lên tiếng đòi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) “cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền”. Thậm chí, Giám đốc Vận động Chính sách châu Á John Sifton còn lên tiếng hăm dọa: “Vội vã thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”!
Rõ ràng, chiêu bài vu cáo nhân quyền, đưa ra các dạng thư ngỏ, báo cáo, báo cáo thường niên, phúc trình...  để tố cáo Việt Nam, gây sức ép đòi các nước can thiệp hay lấy cớ để ngăn cản hoạt động đối ngoại, đối nội của Việt Nam là thủ đoạn quen thuộc của các tổ chức, thế lực chống phá.
Nhân quyền là vấn đề lớn, thiêng liêng của con người ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Bám víu vào đó để châm lửa, thổi khói, cố tình lu loa hòng gây sức ép, cản trở các quốc gia trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, khi không được thì quay sang phê phán, chỉ trích chính các quốc gia đó cho thấy động cơ thấp hèn, vừa lên tiếng nhờ vả nhưng ngay sau đó đã quay sang “đá hậu”!
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bối cảnh mà Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có thành tựu về nhân quyền thì việc Việt Nam trở thành điểm hẹn, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đã là xu thế tất yếu, khách quan. Những luận điệu chống đối, vu cáo của HRW lặp đi lặp lại hàng năm, với thủ đoạn, chiêu bài cũ mèm chỉ cho thấy sự thất thế, bị cô lập của họ trước xu thế, bối cảnh mới và trước hiện thực khách quan về đất nước, nhân quyền ở Việt Nam không thể phủ nhận. 
Bức tranh nhân quyền ở Việt Nam hiện ra sao? Xin được viện dẫn chính từ đánh giá, báo cáo của những tổ chức quốc tế có uy tín. “Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, dù vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học” - đây là thông điệp được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra hồi tháng 10-2018.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia”. Bà cho rằng, trong chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cho thấy những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. “Với chỉ số phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao” - Giám đốc quốc gia của UNDP đánh giá.
Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hay việc Việt Nam phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật năm 2014. 
Trong khi đó, cố vấn chính sách về pháp quyền của UNDP tại Việt Nam Scott Ciment cho rằng, Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản, đó là một dấu mốc quan trọng. Gần đây là những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và nhiều luật khác cũng là những bước tiến lớn trong việc đảm bảo nhân quyền. “Tôi cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nhân quyền. Các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người cũng được Việt Nam đẩy mạnh... Điều này cho thấy Việt Nam luôn cầu thị, nghiêm túc trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người cho công dân nước mình” – cố vấn Scott Ciment khẳng định.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski cũng từng nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhân quyền, nhất là việc Chính phủ đã thông qua hai công ước quốc tế quan trọng là công ước chống tra tấn và công ước về quyền của người khuyết tật. Ông Tom Malinowski khẳng định, thực tiễn đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn.
Quốc tế đánh giá khách quan về thành tựu nhân quyền của Việt Nam như vậy, cho thấy một sự thật khách quan không thể đảo ngược.
Là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở thành phố New York, Hoa Kỳ, HRW thường xuyên đưa ra các báo cáo, đánh giá sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Dù là một tổ chức tư nhân nhưng HRW lại tự khoác cho mình trách nhiệm “giám sát tình hình nhân quyền trên toàn thế giới”. Với các chức trách tự nhận như vậy, HRW lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam bằng cách đưa ra các thông báo, phán xét dưới chiêu bài nhân quyền theo ý đồ của chính HRW để lấy cớ chống phá.
Cổ suý, giúp sức cùng HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)...
Động cơ, bụng dạ nham hiểm mà giả khoác áo nhân quyền thì khác gì “sói đội lốt cừu”, vờ nhân nghĩa đòi cứu vớt nhưng sao che được mắt thiên hạ. 
Dạ Bi
 

Máu thịt của dân tộc không thể chia tách

20/01/2019 21:06

Kiều bào khắp nơi trên thế giới đang náo nức hướng về mùa xuân đoàn viên sum họp ở quê hương. Với một bộ phận đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), mùa xuân quê hương còn là cơ hội xúc tiến các hoạt động đầu tư, hợp tác làm ăn, phát triển kinh tế, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước trong năm 2018 và hiệu quả dòng kiều hối ngày càng tăng khiến những phần tử cơ hội, cực đoan trong nước và các thành phần chống đối Đảng, Nhà nước ở hải ngoại bày tỏ thái độ cay cú, thực hiện ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Những con sâu trong vườn hoa Xuân
Năm nào cũng vậy, khi kiều bào khắp nơi trên thế giới như những cánh chim phương xa bay về tổ ấm vui xuân đoàn viên, những thành phần bất mãn, chống đối chế độ lại thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kích động, chống phá. Thời điểm cận Tết Kỷ Hợi 2019, các hoạt động này lại rộ lên. Thông qua internet, họ tung lên một số kênh truyền thông ở hải ngoại, Youtube và mạng xã hội các video clip, bài viết tuyên truyền, kích động, bôi xấu chế độ, phản ánh sai lệch những thông tin trong nước nhằm gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng NVNƠNN. Đa phần những thông tin ấy đều được ngụy tạo, cắt ghép từ những vụ việc tiêu cực, những sự cố về môi trường, những vụ án tham nhũng… mà chúng ta đã và đang xử lý hiệu quả, được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số phần tử chống đối đã nhân cơ hội này xuyên tạc sự thật về nền kinh tế trong nước, lấy những vấp váp, khó khăn, thậm chí thua lỗ của một số ít kiều bào trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam để thực hiện ý đồ. Họ cho đây là những “cú sốc” khi về nước đầu tư, từ đó “cảnh báo” cộng động doanh nhân NVNƠNN, nhất là những doanh nhân, trí thức trẻ ngừng các hoạt động về nước đầu tư. Họ xuyên tạc rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang “suy thoái” và đầy rẫy rủi ro. Thậm chí, trước xu hướng Việt kiều trở về nước đầu tư ngày càng nhiều, hiệu quả đầu tư ngày càng cao, các phần tử phản động lại lập tức rêu rao, đây là dấu hiệu “bất thường”? Từ những cái được gọi là dẫn chứng trong làm ăn kinh tế, họ quy chụp về quan điểm chính trị, kêu gọi NVNƠNN quay lưng với Đảng, Nhà nước, thực hiện các hoạt động chống đối chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ cộng đồng NVNƠNN với đất nước và chia rẽ sự gắn kết trong cộng đồng NVNƠNN với nhau.Ư
Với thái độ tỉnh táo, ai cũng có thể thấy, kiểu tuyên truyền kích động, xuyên tạc này thực chất chỉ là “bổn cũ soạn lại”, là kiểu phá hoại của những con sâu trong vườn hoa xuân. Người ta lấy những hiện tượng cá biệt thổi phồng lên để áp đặt, quy chụp bản chất.
Ảnh minh họa: VOV.
Chủ trương nhất quán, hiện thực sống động
Cần nhắc lại để thấy, chính sách về NVNƠNN của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán về bản chất. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn và mãi mãi coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán quan điểm xuyên suốt này. Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân, trong đó có thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân kiều bào phục vụ mục tiêu phát triển đất nước…
Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ NVNƠNN về sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh trong nước và thu hút, trọng dụng nguồn lực của kiều bào.
Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với kiều bào phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở từng giai đoạn. Chỉ thị số 45/CT-TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020, tiếp tục khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”
Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng NVNƠNN ngày càng tăng. Đây thực sự là nguồn lực quý báu của đất nước. Với chủ trương nhất quán và sự bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với NVNƠNN của Đảng, Nhà nước Việt Nam những năm qua, đã tạo đường băng thuận lợi để kiều bào về nước đầu tư, làm ăn, sinh sống. Trong năm 2018 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 20-12, tổng kết công tác về NVNƠNN năm 2018, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN (Bộ Ngoại giao) dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, cho biết: Mức tăng trưởng kiều hối của Việt Nam đạt 10% mỗi năm. Lượng kiều hối năm 2016 là 11,88 tỷ USD; năm 2017 là 13,8 tỷ USD. Năm 2018 ước đạt 15,9 tỷ USD. Việt Nam nằm trong tốp những nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Số liệu tổng kết của UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, năm 2018, lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh khoảng 5 tỷ USD. Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp NVNƠNN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD.
Hào khí non sông và thông điệp mùa Xuân
Hiện thực sống động ấy chứng minh tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NVNƠNN và hiệu quả phát huy nguồn lực NVNƠNN trên thực tế. Càng ngày, số lượng chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật trong nước càng tăng, trong đó có một số chuyên gia đã tham gia vào hoạt động nghiên cứu, tư vấn kinh tế cho Chính phủ. Điều này thể hiện, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong cộng đồng kiều bào của Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả.
Năm 2018 cũng là năm lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyến thăm, quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở bất cứ đâu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của kiều bào. Trong chuyến thăm Nga và Hungary tháng 9-2018 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã dành thời gian gặp gỡ bà con Việt kiều. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi bà con sinh sống ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và công tác cộng đồng. Đảng, Nhà nước mong muốn bà con luôn tự hào về quê hương đất nước, tự hào là con cháu Bác Hồ, con Lạc, cháu Hồng, làm gì cũng nghĩ về quê hương; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Những ngày này, không khí đón kiều bào về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019 tại các vùng quê trên cả nước, nhất là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đang diễn ra nhộn nhịp, ấm áp tình thân. Hàng ngàn video clip và những bài viết, dòng trạng thái chia sẻ trên cộng đồng mạng của kiều bào đã cho thấy bầu không khí vui mừng, phấn khởi, hạnh phúc, cảm động của bà con kiều bào trước sự phát triển của đất nước và tình cảm với người thân quê hương. Đến nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ chương trình đón kiều bào về quê ăn Tết. Chương trình “Xuân quê hương” dành cho kiều bào sẽ được tổ chức trang trọng, ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc tại Thủ đô Hà Nội dự kiến vào ngày 26-1 (21 tháng Chạp), với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo đại biểu kiều bào. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình họp mặt kiều bào mừng Xuân được tổ chức vào ngày 24-1 (19 tháng Chạp) với sự tham gia của hơn 800 đại biểu kiều bào. Chuỗi hoạt động vui Tết, đón Xuân dành cho kiều bào trên khắp cả nước là những sắc màu nổi bật của ngày hội non sông mừng Xuân Kỷ Hợi, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, hội nhập. Hiện thực ấy, sức sống ấy chính là nguồn lực mạnh mẽ, sống động để vườn hoa xuân đất nước vươn cành, bung nụ, đơm bông, khẳng định chân lý: Máu thịt của dân tộc là không thể chia tách.
Xin trích lời phát biểu của một trí thức Việt kiều tại Nam Caly (Mỹ) trong một video clip được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng, với số người xem lên đến hàng chục nghìn lượt, để kết bài viết này: “Quý vị có chính kiến gì, đó là quyền của quý vị. Nhưng nếu quý vị không vui mừng, không thích thú, không cực kỳ sung sướng khi đất nước của chúng ta không còn chiến tranh, khi đất nước của chúng ta độc lập và thanh bình, tự chủ, thì quý vị không phải là người Việt Nam”...
PHAN TÙNG SƠN