Đó không phải "thời cơ vàng"!

Thứ tư, 31/08/2022 - 06:33

Đến một huyện tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, lúc đầu tôi có nghe những lời phong thanh rằng, vùng quê này đang đứng trước “thời cơ vàng”.

Tôi thật mừng cho địa phương, để rồi đưa ra những dự đoán vồ vập của mình:

“Địa phương có tiềm năng gì, mới được đánh thức à?"-không; “Nguồn nhân lực của quê ta được nâng cao về chất à?”-không; “Có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án tại địa phương?”-cũng không. Nhiều dự đoán nữa của tôi về “thời cơ vàng” của địa phương đều sai bét. Tôi đang thực sự “hoang mang” về trình độ phán đoán của mình, thì một cán bộ huyện hé lộ, xem chừng cả phấn chấn và khoe khoang: “Quê tôi hiện có nhiều người là cán bộ cấp tỉnh, cấp Trung ương và các bộ, ngành”. Dường như đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây đều viên mãn với điều đó. Nếu họ viên mãn về quê mình có nhiều cán bộ các cấp mà để khích lệ, nhân lên niềm tự hào của người dân, nhất là thế hệ trẻ thì tốt biết mấy. Đằng này mảy may không một cán bộ nào đề cập đến “thời cơ vàng” trong giáo dục truyền thống và niềm tự hào?

Đó không phải "thời cơ vàng"!
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Họ cũng tỏ vẻ ý tứ: “Đầu nhiệm kỳ chưa dám ý kiến với các bác ấy, nhưng 3 năm tới phải xúc tiến ngay, không thì mất thời cơ. Chúng tôi sẽ đề nghị bác cán bộ tỉnh giúp việc này...; bác ở Trung ương giúp công trình kia...”. Từ hé lộ đến cụ thể khiến mạch vui của tôi chuyển hẳn sang mạch buồn mênh mang!

Sao nhiều cán bộ huyện này lại coi đây là “thời cơ vàng” của quê mình nhỉ?

Không biết khi lãnh đạo huyện “xúc tiến” thì "các bác" trên tỉnh, trên Trung ương có nhận lời và hứa gì không? Chúng ta đang phát triển đất nước, xã hội theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh, nên tôi tin là không có bác nào “gật đầu” trước những đề nghị trên. Đó chỉ là thứ “bánh vẽ”, “bánh đặt”... từ quê nhà.

“Thời cơ vàng” rất quý, rất cần với mỗi địa phương, lĩnh vực và cả đất nước. Thời cơ này có thể là chủ quan, khách quan, nhưng quan trọng nhất là các cấp lãnh đạo ở từng địa phương, bộ, ngành cần nhanh nhạy nắm bắt và có những giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện để phát huy, phát lợi cao nhất thời cơ đó-đó mới đúng nghĩa là “thời cơ vàng”. Còn “thời cơ vàng” như với một số cán bộ ở huyện trên chỉ nặng về chủ nghĩa cơ hội, cục bộ địa phương, đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cũng là một biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến".

Mỗi địa phương có quyền tự hào về truyền thống, về những người con quê hương đang giữ trọng trách ở các cấp, các ngành. Nhưng đừng để những cán bộ cấp cao ấy khó xử và nhất là đừng để tạo thành cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quy chụp, xuyên tạc về bản chất tốt đẹp của xã hội ta.

QUANG HÒA

Đấu tranh chống sự phá hoại, xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ hai, 29/08/2022 - 06:16

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện từ mùa xuân năm 1930 và đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhờ đó đất nước Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1).

Hiện thực lịch sử vẻ vang đó được toàn dân tộc thừa nhận, tự hào và bạn bè quốc tế khâm phục, quý trọng. Đó là sự thật, không ai có thể phủ nhận. Nhưng vẫn có những thế lực thù địch, phản động ở trong nước và ở nước ngoài cố tình xuyên tạc lịch sử Đảng hòng hạ thấp và chống phá sự lãnh đạo của Đảng.

1. Có một số thế lực cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm vóc, giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Họ coi đó chỉ là sự “ăn may” của cộng sản, Việt Minh. Thực tế lịch sử đã khẳng định Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục suốt 15 năm với sự lãnh đạo của Đảng từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945.

Trong phong trào giải phóng dân tộc, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát triển, hoàn thiện đường lối, đặt mục tiêu giành độc lập dân tộc lên hàng đầu; xây dựng lực lượng chính trị rộng lớn, đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng rộng khắp trên cả nước; xác định phương pháp đấu tranh đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa giành độc lập và chính quyền; dự báo và nắm bắt thời cơ cách mạng. Đó là những điều căn bản và quyết định thắng lợi của cách mạng.

Điểm nổi bật có giá trị lý luận và thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn vấn đề tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Thời cơ bảo đảm cho cách mạng nổ ra và giành thắng lợi là: Cao trào cách mạng của nhân dân cả nước phát triển mạnh mẽ (Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945); kẻ địch lâm vào khủng hoảng, hoang mang, mất sức chiến đấu (Pháp chạy, Nhật hàng Đồng minh); các tổ chức đảng và Việt Minh đủ mạnh trên cả nước, quyết tâm lãnh đạo đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Cùng với nắm bắt thời cơ, Đảng đã chỉ rõ nguy cơ: Quân Đồng minh (Anh và Trung Hoa dân quốc) kéo vào giải giáp quân Nhật và lợi dụng danh nghĩa đó để xâm chiếm Việt Nam; lợi dụng sự thất bại của Nhật, quân Pháp quay lại áp đặt sự cai trị như trước ngày 9-3-1945. Đảng đã lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào và trước khi quân Pháp quay lại.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang từ ngày 14 đến 15-8-1945 quyết định tổng khởi nghĩa với nguyên tắc chỉ đạo: Tập trung, thống nhất, kịp thời và nhanh chóng giành thắng lợi trong nửa cuối tháng 8-1945. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã xóa bỏ chế độ thuộc địa gần một thế kỷ và chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đấu tranh chống sự phá hoại, xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
 Ảnh minh họa: TTXVN

 

2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1945-1954) do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc kháng chiến thần thánh với những chiến công vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Bạn bè quốc tế nhắc đến Điện Biên Phủ gắn liền với Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp. Vậy mà đến nay vẫn có thế lực cố tình xuyên tạc. Họ cho rằng có thể tránh được cuộc chiến tranh "nếu phía Việt Nam không hiếu chiến".

Sự thật đã bác bỏ quan điểm sai trái đó. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Lập trường hòa bình và sự nhân nhượng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất rõ ràng. Khi kháng chiến diễn ra ở Nam Bộ, ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh đã ký với J.Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Hà Nội bản Hiệp định Sơ bộ cho phép 15.000 quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc; Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội và tài chính riêng trong liên bang Đông Dương và thuộc khối liên hiệp Pháp. Đó là sự nhân nhượng rất lớn nhưng cần thiết mặc dù Pháp chưa công nhận Việt Nam độc lập và còn phải ở trong khối liên hiệp Pháp. Nhân nhượng đó thể hiện mong muốn hòa bình và quan hệ thân thiện với nước Pháp. Để thúc đẩy quá trình đó, ngày 25-4-1946, đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm nước Pháp. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội thăm chính thức nước Pháp với mong muốn hòa bình và hợp tác giữa hai nước. Ngày 6-7-1946, cuộc đàm phán Việt-Pháp bắt đầu ở Fontainebleau (Pháp). Do phía Pháp không thành thật muốn đàm phán nên giải pháp hòa bình không thành. Trước khi trở về nước ngày 14-9-1946, Hồ Chí Minh ký bản Tạm ước với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet nhân nhượng một số quyền lợi của Pháp ở Việt Nam. Ngày 18-10-1946, về đến cảng Cam Ranh, Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu trao đổi về thực hiện Tạm ước 14-9.

Sau khi ra miền Bắc, quân đội Pháp liên tiếp gây hấn, vi phạm Hiệp định Sơ bộ 6-3. Ngày 20-11-1946, Valluy, Quyền Cao ủy Pháp, ra lệnh cho quân Pháp tấn công Hải Phòng. Ở Hà Nội, quân Pháp trắng trợn dùng vũ lực và đòi kiểm soát thành phố. Trước hành động chiến tranh của Pháp, dân tộc Việt Nam buộc phải chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội Pháp mong muốn chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán nhưng phía Pháp không đáp lại. Bàn tay hòa bình của Việt Nam đưa ra nhưng phía Pháp đã không đáp lại bằng thái độ hòa bình. Chính phủ Pháp đã lao sâu vào cuộc chiến tranh mà chính người Pháp gọi là chiến tranh phi nghĩa, “chiến tranh bẩn thỉu” để cuối cùng nhận lấy thất bại đau đớn.

3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) phải vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh mới đi đến Ngày toàn thắng 30-4-1975, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc. Chính giới Hoa Kỳ và các tướng lĩnh Mỹ thừa nhận hành vi chiến tranh của họ ở Việt Nam, những bài học và nguyên nhân thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam có lời sám hối về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Chính phủ Mỹ và những tội ác do họ gây ra, mong muốn được góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin. Vậy mà vẫn có những tiếng nói lạc lõng, trắng trợn, coi chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc “nội chiến” giữa phe cộng sản và phe quốc gia. Đó là sự xuyên tạc lố bịch nhất.

Năm 1950 mở đầu sự can thiệp của Mỹ khi tàu chiến Mỹ đến cảng Sài Gòn và ngày 19-3-1950, 30 vạn nhân dân Sài Gòn biểu tình chống Mỹ can thiệp. Sau thảm bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), tháng 6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong Chính phủ Bảo Đại do Pháp dựng lên từ ngày 13-6-1949. Đó là sự chuẩn bị để Mỹ thay thế Pháp ở Việt Nam. Sau Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7-1954), Việt Nam tạm chia làm hai miền với Vĩ tuyến 17. Ở miền Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp khi quân Pháp rút hết về nước (28-4-1956). Mỹ dựng lên chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, từ chối hiệp thương với miền Bắc để tổng tuyển cử thống nhất đất nước như quy định của Hiệp định Geneva, mưu toan chia cắt lâu dài nước Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên là bất hợp pháp, giả hiệu; là phản dân, hại nước. Ngụy là giả. Vì vậy, chính quyền và quân đội do Mỹ xây dựng được gọi là ngụy quyền, ngụy quân. Họ không đại diện cho quốc gia, dân tộc dù họ tự gọi mình là "chính phủ quốc gia", “chính nghĩa quốc gia”. Ngày 13-5-1957, tại Mỹ, Ngô Đình Diệm trắng trợn tuyên bố: “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến Vĩ tuyến 17”(2). Lời tuyên bố đó và cả hành động thực tế đã cho thấy bản chất của một chính quyền tay sai, bán nước, công cụ chiến tranh của Mỹ, hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ suốt đến sau này. Khi chính quyền đó không đáp ứng được lợi ích của Mỹ thì Mỹ sẵn sàng gạt bỏ, “thay ngựa giữa dòng”. Cái chết bi thảm của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 đã chứng tỏ điều đó.

Mỹ đã lần lượt thất bại trong mô hình thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; trong “Chiến tranh đặc biệt” 1961-1964, “Chiến tranh cục bộ” 1965-1968 và “Việt Nam hóa chiến tranh” 1969-1975. Có những hành động chiến tranh vô cùng tàn bạo của Mỹ như rải chất độc hóa học hủy diệt sự sống ở miền Nam (10-8-1961); ném bom miền Bắc từ ngày 5-8-1964; ồ ạt đưa quân Mỹ tham chiến ở miền Nam (8-3-1965); sử dụng lượng vũ khí lớn ở Thành cổ Quảng Trị; ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Cuối cùng, quân Mỹ đã thất bại, chấp nhận ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút hết quân Mỹ về nước. Cách mạng Việt Nam phát triển, đánh sập ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

4. Vào những năm 1988-1991, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Do chủ nghĩa xét lại, cơ hội, sự suy thoái trong các Đảng Cộng sản cầm quyền và sự phản bội đã dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động ở Việt Nam cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội đã thất bại. Họ coi việc truyền bá lý luận Mác-Lênin vào Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm. Họ đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ sự lãnh đạo, thực hiện chế độ đa đảng và đa nguyên chính trị, xóa bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.

Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo đổi mới kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ dứt khoát lựa chọn từ năm 1930; trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bác bỏ đa nguyên, đa đảng. Đảng đề ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (1991) và bổ sung, phát triển năm 2011. Nhờ vậy, công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hội nhập quốc tế và đối ngoại ngày càng mở rộng, đời sống về mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Việt Nam vẫn vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố tác phẩm quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đó là công trình tổng kết quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới, làm sáng tỏ mục tiêu, mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các giải pháp và quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với lý luận khoa học và thực tiễn Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là vì nhân dân, vì con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(3).

Đất nước và dân tộc Việt Nam do Đảng lãnh đạo đang phát triển mạnh mẽ, vững chắc trên con đường đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực. Mọi sự phá hoại, xuyên tạc lịch sử Đảng và sự lãnh đạo của Đảng không cản trở được khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, trang 25.

(2) "Ngoại giao Việt Nam 1945-2000", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2002, trang 477.

(3) Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2022, trang 21.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đừng bị “lạc trôi” theo những lời tung hô, kích động

Thứ Hai, 29/08/2022, 08:49

Ngày 25/8, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) trong vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Cũng tương tự như tại phiên sơ thẩm, các trang mạng truyền thông chống phá Việt Nam ở nước ngoài lại tiếp tục điệp khúc “kêu oan” cho bị cáo Phạm Thị Đoan Trang. Họ đưa ra các bài viết tô vẽ hình tượng, tạo dựng một bị cáo “giữ vững chí khí”, lập luận rằng Phạm Thị Đoan Trang không phạm tội, cần “trả tự do ngay lập tức”!

Cũng với cách tiếp cận này, một số trang mạng còn dùng chiêu “cập nhật diễn biến phiên toà”, đưa thông tin, hình ảnh trong và ngoài phiên toà, thông tin về sức khoẻ, thái độ bị cáo, về thân nhân, việc tranh tụng tại toà… nhằm tạo điểm nhấn gây chú ý như là một sự kiện “bất thường”! Không ít bài viết lấy cớ “minh oan” cho bị cáo, đưa ra lời lẽ phê phán, đả kích phiên toà, đả kích nền tư pháp Việt Nam, từ đó coi đây là “dẫn chứng” để rêu rao trước công luận về “phiên toà bịt miệng”, một thể chế người dân bị bỏ tù vì “dám lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ”!

Đừng bị “lạc trôi” theo những lời tung hô, kích động -0
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tại toà án.

Điều đáng nói, sự tung hô, đánh tráo bản chất vụ án của các trang mạng truyền thông này được sự hậu thuẫn từ những tuyên bố sai lệch của một số cơ quan ngoại giao. Sau khi kết thúc phiên toà, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu “Hoa Kỳ hết sức lo ngại trước bản án được giữ nguyên và bản án 9 năm tù đối với tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Thị Đoan Trang”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng, việc bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục bị giam giữ là trường hợp mới nhất trong “một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”. Từ đó, bản tuyên bố “kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang”!

Trước đó, cũng chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao cái gọi là “Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm quốc tế (IWOC) năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang với những lý do rất dễ tạo cớ cho các thế lực chống phá Việt Nam “bấu víu”. Cùng với đó, tuyên bố của người phát ngôn EU cũng đưa ra những thông tin lệch lạc khi cho rằng, tòa phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án đối với Phạm Đoan Trang với “tội danh mơ hồ”, “bắt giữ tuỳ tiện”, từ đó đưa ra những bình luận sai trái: “Nhiều vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”.

Cũng “té nước theo mưa”, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra thông cáo bày tỏ “sự bất bình trước bản án phúc thẩm của bà Trang”! Cũng chính RSF từng tung ra trò giải thưởng báo chí rồi “vinh danh” người đoạt giải RSF 2019 về quyền tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang. Lần này, RSF lấy cớ phiên phúc thẩm y án 9 năm tù với bị cáo rồi “kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, chẳng hạn như EU và Hoa Kỳ, yêu cầu trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang như một phần trong thỏa thuận của họ với Hà Nội”.

Ông Daniel Bastard, Giám đốc văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của RSF đưa ra những lời lẽ cố tình phớt lờ sự thật để nhằm lấy cớ chỉ trích Việt Nam: “Cuộc chiến của bà Trang cho một nền báo chí tự do cho tất cả mọi người vượt ra ngoài biên giới của đất nước, đó là cuộc chiến cho một quyền phổ biến”.

“Thổi lửa” sự kiện này, Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ) dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của tổ chức này: “CPJ mạnh mẽ lên án phán quyết của tòa án ngày hôm nay bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Thị Đoan Trang về bản án 9 năm tù của bà. Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang và tất cả các nhà báo khác mà nước này giam giữ một cách sai trái sau song sắt”! Cũng chính CPJ mới đây đã ra tuyên bố sẽ trao “Giải thưởng Tự do báo chí Quốc tế (IPFA) năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang, dự kiến vào cuối năm 2022.

Như vậy, từ những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, EU với những thông tin sai lệch về vụ án cũng như đưa ra những tuyên bố, kêu gọi phi thực tế, các tổ chức chống phá Việt Nam như RSF, CPJ… được dịp “lên đồng” với các tuyên bố, thông cáo cố tình xuyên tạc sự thật, chỉ trích, miệt thị nền tư pháp, chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận. Hành động này cũng thể hiện tương tự như tại phiên toà sơ thẩm hồi năm ngoái, dù nội dung, bản chất vụ án đã được thể hiện rất rõ và thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông.

Đây là vụ án xét xử công khai, hoàn toàn không có gì “mập mờ” hay “tuỳ tiện” như những phán xét nói trên. Việc xét xử phúc thẩm là dựa trên kháng cáo của bị cáo và TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở thủ tục phiên toà theo đúng trình tự pháp luật tố tụng hình sự. Cáo trạng tại phiên phúc thẩm một lần nữa nêu rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Cụ thể, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”. Cơ quan tố tụng xác định, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Vào giữa tháng 12/2021, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Cần thấy rằng, việc toà phúc thẩm có giảm nhẹ hình phạt hay không phải căn cứ hồ sơ, tài liệu, có tình tiết mới nào là căn cứ giảm nhẹ hình phạt hay thái độ của bị cáo có ăn năn, hối lỗi so phiên sơ thẩm? Tuy nhiên, diễn biến tại phiên toà cho thấy, dù cáo trạng đã nêu rõ tính chất, mức độ phạm tội, các căn cứ kết án, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang vẫn giữ thái độ như trước đó, tiếp tục cho rằng mình không phạm tội và kêu oan. Khi được HĐXX giải thích, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang không thành khẩn khai báo, có thái độ chống đối tại phiên tòa. Trong khi đó, trên cơ sở xét hỏi công khai tại phiên phúc thẩm, căn cứ lời khai, tài liệu, kết quả giám định, tòa phúc thẩm nhận định, đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo. Toà phúc thẩm đánh giá, việc tòa sơ thẩm tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là đúng người, đúng tội, không oan, hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội. HĐXX xác định hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định. Bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh. Vì vậy, toà phúc thẩm tuyên y án 9 năm tù đối với bị cáo.

Rõ ràng, khi không có tình tiết nào làm thay đổi tính chất vụ án, bị cáo là người có nhận thức, hiểu hành động mình làm nhưng vẫn quanh co chối tội và có thái độ chống đối thì không có căn cứ nào để giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ quan trọng nhất là thái độ thì đến phiên phúc thẩm, bị cáo vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sự hối lỗi, ăn năn về hành vi phạm tội của mình thì HĐXX lấy cơ sở nào để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo so bản án sơ thẩm.

Rõ ràng, chính bị cáo đã tự tước lấy cơ hội giảm nhẹ hình phạt với thái độ ngoan cố của mình. Bị cáo hay nếu ai đó còn suy nghĩ chờ đợi những tung hô, kêu gọi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài để được giảm án, xoá án hay để thành “thần tượng”, thành tâm điểm của sự chú ý nào đó thì đây là lúc họ cần nghĩ lại, nhìn nhận lại.

“Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, luật pháp nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, khoan hồng với những ai biết lỗi lầm mà ăn năn sám hối, điều đó tùy thuộc ý thức và hành động của chính mình chứ không phải ở sự tung hô nào khác.

Nguyễn Thành

Bài 3: Bắt đúng bệnh, đồng bộ nhiều biện pháp (Tiếp theo và hết)

Thứ bảy, 27/08/2022 - 06:12

Ngăn ngừa, phòng chống, loại bỏ bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm là công cuộc lâu dài, kiên trì, khó khăn. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng thay đổi nhận thức, xây dựng nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh...

Công việc cấp bách

Khẳng định đề cao tính trung thực trong báo cáo vừa là một nguyên tắc đã được luật định, vừa là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Mọi biểu hiện báo cáo giả dối, báo cáo “vống”, báo cáo “khống” đều trái với đạo đức của người cách mạng. Bởi vậy, việc cần kíp hiện nay là phải kiên trì, kiên quyết loại bỏ thói khoe mẽ, huênh hoang, “đánh bóng” tên tuổi, “tô hồng” thành tích của cán bộ, đảng viên, xây dựng nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Trong vòng 10 năm qua, Đảng ta mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; trong đó có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị... Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tập thể trước đó đều được ngợi ca là những “tấm gương sáng” trong lao động, công tác. 

Bài 3: Bắt đúng bệnh, đồng bộ nhiều biện pháp (Tiếp theo và hết)
Minh họa: Mạnh Tiến 

Điều này cho thấy, Đảng ta rất thẳng thắn khi nhận khuyết điểm trước nhân dân, nhưng cũng rất cương quyết trong công cuộc chống lại các căn bệnh suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi, đúng như tâm tư của người đứng đầu Đảng ta-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.

Với tinh thần đó, ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011. Một trong những điều đảng viên không được làm được Quy định 37 nêu rất rõ trong Điều 11, đó là: “Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác”.

Điều này có nghĩa rằng, nơi nào có bệnh thành tích, tệ “tô hồng” báo cáo, báo cáo không trung thực thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc tổ chức đảng và đoàn thể nơi đó, đặc biệt là xử lý người đứng đầu. Cần phải coi những báo cáo không trung thực là những văn bản nhằm dối trên, lừa dưới rất đáng xấu hổ trước nhân dân, trước lương tri và chân lý! 

Rõ ràng, quyết tâm của Đảng ta rất cao và đi vào những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Thế nhưng, để phát hiện ra những “cái kim”, những “bàn tay nhung” ẩn giấu, đòi hỏi sự kiên trì với nhiều “phương thuốc” hữu hiệu trong từng giai đoạn với những bước đi phù hợp, lâu dài, không thể một sớm một chiều.

Đúng như trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi, kỳ vọng đồng bào cùng Chính phủ quyết tâm dẹp bỏ những căn bệnh đó: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong”.

Trách nhiệm người đứng đầu

Rõ ràng trong công cuộc phòng, chống bệnh suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chúng ta đã có cơ chế và không ngừng hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Nhưng vì sao tệ báo cáo được "tô hồng”, bệnh “hữu danh vô thực”, giấu giếm khuyết điểm vẫn diễn ra như căn bệnh di căn, khó chữa trong nếp nghĩ của nhiều cán bộ, đảng viên, rồi “mắc tội” với Đảng, với dân?

Để giải quyết câu hỏi này, trước hết, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng có cái nhìn sâu sắc về bản chất, biểu hiện thiếu lành mạnh, hệ lụy do “thổi phồng” thành tích gây ra.

Các cụ ta luôn dạy: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, hàm ý nhắc nhở người đời xây dựng, phát triển danh tiếng tốt, tiếng lành thì rất khó khăn, nhưng đôi khi chỉ cần một hành động xấu cũng có thể đánh mất hết những uy tín, vì vậy, cần hành xử sao cho đúng mực, biết giữ chữ tín, mọi lời ăn tiếng nói cần đúng mực, tránh huênh hoang, phô trương, tô vẽ.

Thực tế, không phải ai cũng nhận thức được căn bệnh này, điều này đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu phải thay đổi nhận thức, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xem tệ báo cáo không trung thực, giấu giếm khuyết điểm là trái với đạo đức người cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, gột rửa tâm lý háo danh, kèn cựa, thay vào đó là nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng tài năng, đức độ của mình.

Làm được điều này, không chỉ giúp cán bộ, đảng viên tiến bộ chân chính mà còn góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các anh hùng, chiến sĩ thi đua: “Thành tích là thành tích của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm gì được, cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn, tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc”.

Như đã đề cập ở trên, bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” tên tuổi một phần là do công tác thi đua ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực chất, nặng về hình thức. Việc tổ chức đánh giá, kiểm soát về chất lượng còn hời hợt, không kỹ càng đã tạo kẽ hở và điều kiện cho hành vi “làm láo, báo cáo hay”, “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu”. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt cần kiên quyết loại bỏ những biểu hiện gian dối, “chạy” thi đua.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947: “Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Để kiểm tra có hiệu quả, thực chất cần coi trọng công tác kiểm tra chéo trong chính nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện, loại khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên cố tình gian dối, báo cáo không trung thực, cố ý “chạy” thành tích, háo danh.

Bên cạnh đó, cần phải siết chặt các lỗ hổng về phong tặng danh hiệu để mọi cá nhân, tổ chức không có cơ hội “chạy” thành tích, khen thưởng và danh hiệu! Mặt khác, thanh tra, kiểm tra phải dựa vào “tai, mắt” của nhân dân, bởi nhân dân ta có “hàng triệu đôi tai, đôi mắt để nghe thấy, nhìn thấy mọi sự ở đời”, từ những góp ý của nhân dân mà có những biện pháp phù hợp. 

Không thể phủ nhận, hiện nay trong sinh hoạt Đảng các cấp, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn yếu. Nhiều nơi vẫn còn xảy ra hiện tượng ở 3 trạng thái: “Im lặng là vàng”, “một người nói ít người nghe”, “tâng bốc nhau để tìm lợi ích”. Ít tiếng nói thể hiện chính kiến, thái độ đấu tranh.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: “Trong tự phê bình thì giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật”. Vì vậy, để phòng, chống căn bệnh thành tích, “tô hồng” báo cáo, “đánh bóng” tên tuổi, trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy cần phải có thái độ nghiêm túc, kiểm điểm đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần giữ vững những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời mở rộng dân chủ, phát huy quyền giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng trong mọi công việc. Bởi việc mở rộng dân chủ sẽ giúp phát hiện ra những cán bộ, đảng viên cơ hội, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Mặt khác, để chữa bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, nhất thiết phải đề cao vai trò, trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, bởi tất cả mọi công việc báo cáo, tổng kết đều gắn liền với người đứng đầu. Vì vậy, người đứng đầu cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiệt huyết, làm việc đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; luôn đặt lợi ích tập thể và lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác thi đua tuyên truyền, nêu gương người tốt-việc tốt, lên án cái xấu, cái tiêu cực, những biểu hiện phô trương hình thức, sáo rỗng, không thiết thực, sùng bái cá nhân, thích khen hơn chê; biểu dương và bảo vệ những cán bộ "4 dám": Dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan đơn vị theo tinh thần của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Nhận thức đúng và phát hiện bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm để kịp thời ngăn ngừa, không lây lan trầm trọng hơn là điều cấp thiết, cần kíp lúc này của Đảng ta. Đó là phần việc quan trọng, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: “Cần phải nghiêm túc trong việc đánh giá, xếp loại hằng năm. Tổ chức nào còn yếu kém thì phải xếp loại khách quan, nghiêm túc để mọi người thấy rõ chất lượng ở đó như thế nào. Đối với đảng viên cũng cần đánh giá đúng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đúng phẩm chất đạo đức, tránh tình trạng đảng viên vừa được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, hoặc truy tố trước pháp luật”. 

THẮNG KIÊN

Bài 2: Hệ lụy nghiêm trọng

Thứ sáu, 26/08/2022 - 06:09

Báo cáo khi được “tô hồng”, khuyết điểm được giấu đi sẽ gây trì trệ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống chính trị của đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương... Nó giống như thầy thuốc chẩn bệnh sai. Về lâu dài là mối nguy hại ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Kết cục không có hậu

Thành tích, khen thưởng vốn là những từ rất đẹp, rất ý nghĩa. Một cá nhân, tập thể khi được vinh danh, khen thưởng là nguồn động viên khích lệ tinh thần, vật chất, tạo nguồn lực nội sinh để tiếp tục phấn đấu phát triển. Điều này khác xa hoàn toàn với việc “tô hồng” báo cáo, chạy thành tích để “đánh bóng” tên tuổi, thương hiệu để làm “bình phong” che giấu những khuyết điểm, vì động cơ không lành mạnh. Điểm chung của những câu chuyện “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” đó là đều có kết cục không có hậu.

Chỉ mới đây thôi, dư luận chưa hết bức xúc vì UBND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bị đoàn thanh tra của Chính phủ về Dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú phê bình, nhắc nhở do báo cáo không trung thực, “tô hồng” thành tích về tiến độ thực hiện dự án. Thì ngay sau đó (đầu tháng 7-2022), UBND tỉnh Vĩnh Long đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hủy bỏ quyết định khen thưởng huân chương đối với 2 tập thể, 2 cá nhân trong tỉnh bởi liên quan đến các vụ việc tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, trước đó, những cá nhân, tập thể này đều là những cơ quan "cầm cân nảy mực": Ban Thi đua-Khen thưởng, Hội Chữ thập đỏ, sư trụ trì của một ngôi chùa lớn trên địa bàn và đều được khen thưởng, "tung hô" vì quá trình công tác dày thành tích và làm nhiều việc thiện. Thử hỏi, những tập thể, cá nhân ấy nếu không bị tố giác, vẫn ung dung, chễm chệ đứng trên bục vinh danh, cao quý để rao giảng đạo lý thì hệ lụy sẽ ra sao?...

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Người từng răn dạy, nhân dân có hàng triệu “tai, mắt” để nghe thấy, nhìn thấy mọi sự ở đời. Thế nên có tinh vi, dùng phương tiện để "đánh bóng" hình ảnh cá nhân đến mấy như ông Nguyễn Đức Chung, lúc đang là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, rồi cũng bị phanh phui ra ánh sáng. Cũng nhờ có danh hiệu hào nhoáng mà ông Chung đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (như cơ quan điều tra chỉ ra): Khi báo chí phản ánh việc gia đình ông có liên quan đến việc mua bán chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra toàn diện. Để lừa dối cơ quan chức năng, ông Chung nhiều lần chỉ đạo, định hướng kết luận theo hướng không có sai phạm gì. Đáng chú ý, ông Chung còn lấy số tiền lợi nhuận từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm "đánh bóng" hình ảnh, tên tuổi, thương hiệu của mình.

Bài 2: Hệ lụy nghiêm trọng
Minh họa: Mạnh Tiến 

Có một điểm chung nhất liên quan đến những đối tượng từng vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, gây nhức nhối dư luận xã hội như Nguyễn Đức Chung hay Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đó là đều nhờ sở hữu những thành tích lấp lánh, hào nhoáng bao bọc bên ngoài, được xây dựng nên bởi những báo cáo “tô hồng”, không đúng sự thật. Thậm chí nhờ có thành tích, "tấm huân chương" làm bệ đỡ mà đối tượng này liên tục được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí công tác!

Rõ ràng, “lưu manh” đội lốt trí thức, khi mà tấm bình phong hết nhiệm màu thì hậu quả thật nghiêm trọng. Thiệt hại về kinh tế còn có thể cân đong, đo đếm được, nhưng thiệt hại về việc làm sai lệch, méo mó các chính sách của Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền, làm sai lệch các chuẩn mực xã hội thì khó mà bù đắp.

Dư luận đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu vụ việc lớn nhỏ khác hệ lụy từ tệ “tô hồng” báo cáo, “đánh bóng” tên tuổi, danh hiệu để giấu giếm khuyết điểm mà chưa được khui ra ánh sáng? Rõ ràng đây là một sự suy thoái về đạo đức, lối sống rất đáng báo động, lên án, như Đảng và Bác Hồ đã từng “bắt bệnh”. Bệnh này đang ngấm ngầm gặm nhấm, làm băng hoại phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

“Thành tích ảo”, giảm lòng tin

Đảng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Một xã hội phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh là xã hội mà người dân được hưởng lợi từ các chính sách tích cực của Nhà nước. Hạnh phúc của nhân dân là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội. Hiện nay, nếu chỉ lắng nghe những báo cáo dày đặc thành tích nhưng thử hỏi người dân có hài lòng không, mức độ hài lòng là bao nhiêu?

Để sớm được công nhận về đích trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương báo cáo rất “đầy đặn”. Buổi lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở một số địa phương được tổ chức linh đình, cấp trên xuống dự, cờ đèn kèn trống, báo chí rầm rộ đưa tin, thành công tốt đẹp, thế nhưng thực chất, bộ mặt đời sống người dân không có nhiều thay đổi, thậm chí nhiều hộ dân rơi vào khó khăn vì thành tích "thoát nghèo". Tất cả đều do bệnh thành tích, thích "đánh bóng" tên tuổi, phô trương mà nên.

Trên lĩnh vực kinh tế, cũng vì “tô hồng” báo cáo tài chính, kinh doanh của nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước khiến người dân và cả chuyên gia cũng không biết đó là lãi giả, lỗ thật hay lãi thật, lỗ giả! Bởi có doanh nghiệp vừa mới báo cáo làm ăn có lãi nhưng chỉ giai đoạn sau thì phá sản, xin trợ vốn gấp. Những báo cáo này đã khiến nền kinh tế bị méo mó, thiếu sự cạnh tranh, minh bạch. Thậm chí, có đơn vị khi cần một báo cáo đánh giá trung thực, khách quan để có căn cứ đưa ra các quyết sách, lại phải nhờ vào một đơn vị độc lập đánh giá, khảo sát lại chứ không thể sử dụng báo cáo của các cơ quan, đơn vị đã công khai.

Đặc biệt, bệnh “tô hồng” báo cáo, thành tích, háo danh trong lĩnh vực xây dựng Đảng biểu hiện ở nhiều nội dung, từ công tác cán bộ đến đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, phát triển đảng viên mới và kiểm tra, giám sát. Bệnh thành tích đã nâng đỡ, tâng bốc, "lót đường" thăng quan tiến chức cho một số kẻ gian dối. Họ đã đi lên bằng những báo cáo thành tích hào nhoáng, không có thật, nhưng lại được hợp thức hóa bằng những phần thưởng cao quý. Điều này làm thui chột nhiệt huyết của những người chân chính, làm việc, cống hiến thật sự. Nó làm cho nhiều cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên. 

Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Thực tế, có rất nhiều dạng làm dở mà báo cáo hay, nhưng nguy hiểm nhất là sai về chất lượng. Ví dụ chương trình làm ra không tốt nhưng vẫn nghiệm thu, công trình chất lượng bình thường hoặc có vấn đề nhưng vẫn báo cáo tốt. Kiểu báo cáo này vô cùng nguy hại, nhất là ở những dự án, vấn đề quan trọng quốc gia. Khi cơ quan chỉ đạo điều hành không nắm được đúng vấn đề thì giải pháp có thể không sát, kế hoạch cũng có thể sai và đặc biệt là đánh giá con người cũng có thể không chính xác.

Rõ ràng, bệnh thành tích và những báo cáo không trung thực dễ bịt mắt những cán bộ, lãnh đạo quan liêu, sống xa dân, dẫn đến sự mơ hồ khi đề ra các chủ trương và biện pháp chỉ đạo cấp dưới, làm méo mó các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, làm nghèo nàn, lạc hậu đất nước, và hơn thế nữa, nó gây bất bình trong nhân dân và giảm lòng tin với Đảng. Vậy làm sao để phòng và chống căn bệnh này? Đó là nội dung chúng tôi sẽ bàn ở bài 3 trong vệt bài này.

PGS, TS Nguyễn Xuân Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị Quân sự: “Bệnh thành tích đã nâng đỡ, tâng bốc, lót đường thăng quan tiến chức cho những kẻ gian dối; đồng thời, làm thui chột nhiệt huyết của những người chân chính, làm việc, cống hiến thật sự và gây chán nản, mất lòng tin cho những cán bộ, nhân viên cấp dưới. 

THẮNG KIÊN

(còn nữa)

“Tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm - Căn bệnh nghiêm trọng, mối nguy khôn lường

Thứ năm, 25/08/2022 - 06:17

“Tô hồng” báo cáo, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, giấu giếm khuyết điểm để tạo nên sự vững mạnh giả tạo là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ.

Bởi căn bệnh đó sẽ tấn công từ trong ra, làm suy giảm nghiêm trọng sức sống của Đảng. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Hiện nay, căn bệnh này đang lây lan trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, gây hại đến nhiều mặt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, kịp thời ngăn ngừa, chữa trị, không để căn bệnh thêm trầm trọng là điều vừa cấp bách, vừa lâu dài trong nhiệm vụ lãnh đạo đất nước của Đảng ta.

Bài 1: Biểu hiện thế nào, nguyên nhân do đâu?

 “Tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm là căn bệnh nguy hiểm đã được V.I.Lênin, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và kiên quyết “điều trị” trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước. Nay căn bệnh này có chiều hướng lây lan trong xã hội ta, để có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, cần phải xác định rõ mầm mống, nguyên nhân gây ra bệnh.

"Đó là giặc nội xâm, bệnh từ bên trong mà ra"

Cổ nhân từng dạy cách ứng xử với người đời: “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Đó là đối với người tốt, việc tốt thì cần lan tỏa, khích lệ, nhưng ngược lại đối với những người sính thành tích để mưu cầu mục đích riêng thì cần phải lên án, bài trừ. Căn bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm đang rất cần lên án, loại bỏ.

Nhận diện căn bệnh này không quá khó nhưng phải qua kiểm tra, giám sát của tổ chức, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mới phát hiện được chính xác. Vậy hình thức biểu hiện của căn bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm này là gì? Đó là báo cáo không trung thực, “báo cáo láo” với những con số rất đáng nghi ngờ. Cơ quan, đơn vị, địa phương công việc diễn ra bình bình, không có gì nổi trội nhưng thành tích trong báo cáo lại có nhiều điểm “nổi bật”, có khi được thổi phồng lên một cách không ngờ, khuyết điểm thì che giấu. Nhiều cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật không báo cáo để đủ điều kiện được biểu dương, khen thưởng, để được thăng tiến, “chui sâu, leo cao”.

Có thể thấy, càng gần đến dịp sơ kết, tổng kết, khi cấp trên xuống kiểm tra, có những hội nghị “trống giong cờ mở”, chuẩn bị chu đáo, thậm chí tốn nhiều thời gian và tài chính. Tất nhiên, cấp trên sẽ được thấy những con số đẹp, chỉ tiêu đẹp nằm trong bản báo cáo đẹp. Ưu điểm thì phóng đại lên thật to, phần hạn chế, khuyết điểm thì giấu đi không nói đến hoặc chung chung, đại khái, hoặc đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cơ chế.

“Tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm - Căn bệnh nghiêm trọng, mối nguy khôn lường
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Vẫn còn địa phương, khi nghe thông tin biết Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách, tiền vốn cho những địa phương khó khăn thì lại báo cáo “vống” tỷ lệ đói nghèo cao hơn thực tế. Lại có địa phương nhiều năm liên tục báo cáo “chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực”, nhưng cấp trên kiểm tra, báo chí vào cuộc thì phát hiện nhiều sai phạm. Lúc ấy mới lộ ra là những “thành tích giấy”! Phải chăng các bản báo cáo đã không trung thực, không dám nói thẳng vào sự tồn tại của các mặt trái, phải chờ đến mức không thể che giấu được nữa?   

Có những câu chuyện “cười ra nước mắt” về báo cáo thành tích. Địa phương trồng được 100 cây lấy gỗ, 50 cây ăn quả, báo cáo cuối năm, chính quyền, các ngành, đoàn thể đều có số liệu trồng từng đó cây. Khi cấp trên tổng hợp, biểu dương địa phương đã vượt chỉ tiêu trồng hàng nghìn cây lấy gỗ, hơn 500 cây ăn quả. Có tổ chức công đoàn, khi báo cáo hoạt động của tổ chức mình với cấp trên, lấy báo cáo thành tích của cơ quan, cắt đầu, cắt đuôi, cuối cùng tổ chức công đoàn đó được cấp trên biểu dương, tặng bằng khen.

Khi chúng tôi viết loạt bài này, có địa phương (không tiện nêu tên) phản ánh đến Báo Quân đội nhân dân, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) vừa qua, địa phương làm rất nhiều việc chăm lo thương binh, chăm sóc, tặng quà người có công với cách mạng, được nhân dân ghi nhận nhưng không được cấp trên biểu dương khen thưởng. Nhưng có địa phương bên cạnh, chỉ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đi vệ sinh đường làng, ngõ xóm lại được khen thưởng, lý do bởi địa phương đó có "chuyên gia" viết báo cáo thành tích.

 “Tô hồng” thành tích, giấu giếm khuyết điểm nếu không phát hiện ra sẽ làm cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức đoàn thể lầm tưởng cái gì cấp dưới của mình thực hiện cũng hay, cũng tốt. Rộng ra là làm cho Đảng, Nhà nước đánh giá sai sự thật, đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiếu khách quan, không sát thực tế.

Đây là căn bệnh nguy hiểm đã được V.I.Lênin chỉ ra: “Trong giáo dục đạo đức cộng sản, phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh phô trương hình thức, thói kiêu ngạo, công thần... Bệnh đó là giặc nội xâm, bệnh từ bên trong mà ra, rất khó chữa, nếu không phát hiện sớm. Nó làm cho chúng ta suy nhược cơ thể, mất hết sức kháng cự. Nó tạo điều kiện, thậm chí “câu kết” với giặc bên ngoài phá nát “cơ thể” ta”.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm và kiên quyết chống căn bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm. Năm 1947, trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán bệnh thành tích và tệ báo cáo “không thật thà” trong Đảng. Người gọi đó là “bệnh hữu danh vô thực” cần phải nghiêm khắc sửa chữa. Người chỉ ra các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”.

Đối với căn bệnh "tô hồng" thành tích, giấu giếm khuyết điểm được Đảng ta xác định là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra, một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống là: Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được "đề cao, ca ngợi”; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương "về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới” đã xác định các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, một trong các biểu hiện đó là: “Thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi; giấu giếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm”.

 “Tấm bình phong” che mắt

Tại sao bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, phô trương thành tích lại có chiều hướng phát triển? Nhiều ý kiến chuyên gia phân tích cho rằng, trước hết đó là do tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng kèn cựa danh hiệu, đố kỵ thứ hạng, “con gà tức nhau tiếng gáy” còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, tổ chức, cơ quan.

Mặt khác, đối với một bộ phận cán bộ, chuyện “tô hồng” đánh bóng tên tuổi, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” không chỉ nhằm thỏa mãn mục đích thích được đề cao, ca ngợi mà sâu xa hơn, họ còn cố ý “bịt chặt” những lỗ hổng, khuyết điểm, sai trái của mình. Lúc ấy, thành tích sẽ trở thành “tấm bình phong” dễ bề che mắt thiên hạ! Báo cáo không trung thực sẽ là biện pháp hữu hiệu để những người lãnh đạo củng cố vị trí và thăng tiến, bởi những yếu kém, tồn tại được che giấu ở những bản thành tích không thật thà. 

Một lý do căn bản khác khiến cho bệnh thành tích lây lan, gây tác động tiêu cực đến chiều hướng phát triển lành mạnh của xã hội hiện nay, đó là do những khe hở, lỗ hổng trong cơ chế, chính sách. Một báo cáo “tô hồng” thành tích nhiều khi cũng bởi chính những áp lực từ những chỉ tiêu do cấp trên “giáng xuống”. Đôi khi chính cấp trên đã “bật đèn xanh” cho cấp dưới báo cáo sai sự thật, bắt buộc cấp dưới bằng mọi biện pháp phải hoàn thành để cấp trên còn báo cáo thành tích với cấp cao hơn. Thế nên nhiều cơ quan, đơn vị cả năm phấn đấu tốt nhưng chỉ vì một hành động sơ suất, vi phạm của một cá nhân lại đánh đổ cho cả đơn vị yếu kém. Quy định ngặt nghèo này nhiều khi cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đơn vị giấu giếm khuyết điểm, báo cáo không trung thực, hoặc qua loa, làm ngơ. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi còn tình trạng, cấp trên quan liêu, không sâu sát cơ sở, không kiểm tra, giám sát, đôn đốc thật sự, hoặc chỉ thích “thành tích”. Cấp dưới nắm được thóp này nên báo cáo không trung thực, “tô hồng” báo cáo. Việc thực hiện quy chế dân chủ không nghiêm, vai trò của quần chúng không được phát huy. Do đó, cấp trên không nghe được tiếng nói trung thực từ cơ sở.

Báo cáo “tô hồng”, thổi phồng thành tích, hơn ai hết, người trong cuộc, trong cơ quan, đơn vị đều biết, đều hiểu nhưng vì sao vẫn còn lặp đi lặp lại, thậm chí trở thành phong trào chạy đua thành tích. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ. Đó chính là vì “tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau. Khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.

Thực tế thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao mắc sai phạm nhưng tổ chức đảng không phát hiện ra mà chủ yếu do báo chí và nhân dân phát hiện. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua không khỏi trăn trở: “Có nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chúng tôi được biết, tổ chức đảng ở nơi xảy ra vi phạm nhiều khi lại được xếp loại là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Trước đó, trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý tới yêu cầu phải trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường trong lựa chọn cán bộ: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Bằng những tấm bằng khen của các cấp nhưng lại làm mờ dần đi tính trung thực, đưa lối suy nghĩ, việc làm dối trá lên hàng đầu mà quên đi cái hiện thực không mấy tốt đẹp bên ngoài bản báo cáo. 

Đáng nói, căn bệnh “tô hồng” báo cáo, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, giấu giếm khuyết điểm đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như gây cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước ta. Đó cũng là nội dung chúng tôi bàn ở bài viết sau. 

Đến giữa thập niên 1970, Liên Xô đã có những bước phát triển mạnh mẽ khiến cả thế giới nể phục, những thế lực đối trọng rất lo lắng. Nhưng rồi tệ “báo cáo không trung thực" đã góp phần dần dần hủy hoại Liên Xô hùng cường và vĩ đại... Báo Tin tức (Liên Xô) ra ngày 27-12-1986 đăng tin cục trưởng cục thống kê một tỉnh bị bắt vì “báo cáo láo”. Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 22-8-1973 đã phải ban hành một nghị định ngăn chặn tệ “báo cáo láo” (trích tài liệu chuyên khảo khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương). 

THẮNG KIÊN