Tỉnh táo trước chiêu trò “truyền thông đen” chống phá Đại hội XIII của Đảng

 07:33 28/01/2021

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước, trong đó nhiều nội dung tại Đại hội thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận: Công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội; công tác chuẩn bị và thảo luận các văn kiện; các hoạt động đảm bảo an ninh cho Đại hội…

Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường: Đại dịch COVID–19 với những biến thể mới, tác động tới nhiều quốc gia; các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Mỹ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền chống phá, đặc biệt là tuyên truyền xuyên tạc về nhân sự, về đường lối của Đảng.

Gia tăng các chiến dịch tuyên truyền chống phá

Những ngày vừa qua, các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến dịch tuyên truyền với mưu đồ gây sự chia rẽ trong Đảng, trong Đại hội, gây mất uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tìm cách hạ uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Thông tin tuyên truyền được các thế lực phản động dàn dựng công phu, tỉ mỉ. Các website với tên miền ở nước ngoài, các tài khoản mạng xã hội được thiết lập mới để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền chống phá trước và trong những ngày diễn ra Đại hội đã được các đối tượng phản động, chống đối lên sẵn dây cót.

Trong những ngày qua, hàng loạt chiêu trò “truyền thông đen” được các tổ chức phản động chống phá Việt Nam sử dụng để xuyên tạc, đả kích nội dung, chương trình Đại hội đang diễn ra, đặc biệt là liên quan đến công tác nhân sự. Trang “Dân làm báo” gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội, trong đó bài viết “Đại hội 13 đảng CSVN: Một tương lai đen tối cho dân tộc” với nhiều thông tin phân tích sai trái, bịa đặt nhằm hướng lái người đọc theo ý đồ xấu.

Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đưa nhiều bài viết xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội, bày ra quan điểm cho rằng trong Đảng đang có sự đấu đá giữa các phe cánh, tranh chấp nên công tác chốt nhân sự trở nên khó khăn, chậm trễ.

Một số KOLs (người có ảnh hưởng) mang màu sắc chính trị cũng tích cực đăng tải các bài viết dưới dạng “rò rỉ thông tin”, tạo bộ hiểu biết để phân tích về công tác nhân sự, từ đó vu cáo, bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguyễn Văn Đài là đối tượng từng lĩnh án tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, nay đang sinh sống tại Đức, cũng thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải các video, bài viết, chia sẻ các link về tình hình công tác nhân sự trong Đại hội nhằm thu hút sự chú ý của công luận. Đài đưa ra nhiều bài viết dưới dạng “phân tích tứ trụ” với lời lẽ miệt thị, đả kích, đó cũng là cách mà đối tượng tự tạo “điểm nhấn” cho mình để gây chú ý trên mạng xã hội.

Rõ ràng, tất cả các luận điệu xuyên tạc về công tác nhân sự mà các đối tượng phản động, chống đối chính trị đưa ra đều hướng đến mục đích gây sự hoang mang trong dư luận, tạo ra các thông tin sai sự thật nhằm phá hoại tư tưởng, tác động hướng lái dư luận đi theo ý đồ xấu. Sau phiên khai mạc Đại hội, những luận điệu này tiếp tục được các đối tượng vẽ ra, từ phân tích, đánh giá đến “trò chuyện chuyên gia”, tất cả đều chụp mũ bình luận về nhân sự Đại hội XIII để xuyên tạc, chống phá. 

Thực tiễn công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ, khoa học, trái ngược với những luận điệu rêu rao đả kích của các thế lực xấu. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới ít hơn; trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước. Điều này cho thấy sự chặt chẽ trong khâu lựa chọn nhân sự là vấn đề hết sức quan trọng, qua đó lựa chọn những nhân tố thực sự xứng đáng để Đại hội lựa chọn.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII với số phiếu tập trung rất cao.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về dự kiến Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phòng ngừa, ngăn chặn thông tin xuyên tạc Đại hội XIII của Đảng

Về phía các cơ quan chức năng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra, đây là thời điểm mà các đối tượng phản động, chống đối chính trị ra sức tuyên truyền chống phá để phục vụ cho âm mưu, ý đồ xấu. Đối với các cơ quan chức năng có nhiệm vụ trong bảo vệ Đại hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh Đại hội Đảng, cần xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc thực hiện các chức trách nhiệm vụ được giao.

Cần có sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn Đại hội, đặc biệt là việc chia sẻ các thông tin cần thiết, đột xuất có liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội của các đối tượng phản động, chống đối chính trị để kịp thời đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm.

Các cơ quan chức năng cần chủ động, linh hoạt trong việc nắm thông tin tình hình, đưa ra các dự báo có khả năng xảy ra để có phương án đấu tranh, xử lý. Kịp thời cung cấp các thông tin thường xuyên, liên tục về tình hình Đại hội để người dân có được thông tin chính thống. Các lực lượng đặc trách về nhiệm vụ quản lý an ninh về thông tin mạng cần chủ động bám sát các hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội để có các phương án xử lý kịp thời...

Về phía người dân: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Mỗi người dân cần chủ động nâng cao tinh thần tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, chiến dịch tuyên truyền của các đối tượng phản động đang ra sức chống phá.

Cần có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra Đại hội. Việc tiếp xúc với các luồng thông tin sai trái, cần phải nhận rõ được trách nhiệm của mình khi có những phát ngôn, hành động không gây ảnh hưởng, tác động đến tình hình an ninh, trật tự, không chia sẻ, bình luận cổ súy. Bên cạnh đó, cần có trách nhiệm trong việc lên tiếng, đẩy lùi các thông tin sai trái, xuyên tạc để bảo vệ Đảng, bảo vệ Đại hội.

Huân Nguyễn

Tác động của mạng xã hội tới biểu tình tại Mỹ và góc nhìn đối với Việt Nam

 08:25 25/01/2021

Liên hệ với các sự kiện biểu tình trên thế giới nói chung, ở Mỹ nói riêng trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự từ môi trường mạng xã hội là rất lớn.

Cuộc bầu cử Tổng thống đời thứ 46 Mỹ đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, cả thế giới nín thở chờ đợi ngày nhậm chức của ông Joe Biden vào 20/1 thì một sự kiện khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng, đó là cảnh nước Mỹ rơi vào bầu không khí căng thẳng vì diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn để ủng hộ Tổng thống Donal Trump.

Những người biểu tình quá khích đã tấn công vào Điện Capitol trong lúc Quốc hội Mỹ họp để chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden, cuộc họp đã buộc phải dừng lại vì người biểu tình tràn vào quá đông khiến mọi trật tự trong phiên họp bị đảo lộn. Lực lượng chấp pháp Mỹ đã sử dụng các biện pháp cần thiết để thiết lập lại trật tự tại Điện Capitol, Thủ đô Washington.

Hiệu ứng lan truyền từ mạng xã hội

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc biểu tình tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1 nguồn cơn từ những rắc rối trong cuộc bầu cử, thế nhưng điều kiện để khởi phát, lan tỏa cuộc biểu tình có quy mô lớn một phần từ tác động, ảnh hưởng của hiệu ứng mạng xã hội. Mỹ vốn là một trong những quốc gia khởi nguồn của các nền tảng khoa học, công nghệ, người dân được thụ hưởng các thành quả trên phục vụ vào các nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.

Theo số liệu tổng hợp từ Wikipedia dẫn nguồn từ World Internet Users năm 2020, Mỹ hiện có dân số 324.459.463 người, trong khi số người dùng Internet là 312.320.854, chiếm 96,26% dân số, đây là quốc gia có tỉ lệ người sử dụng mạng Internet rất lớn. Hiện nay, một số mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Twitch, Twitter... đang trở thành xu hướng rất thịnh hành đối với người dùng tại Mỹ, số lượng người tương tác từ các mạng xã hội cũng đang ngày càng tăng lên. Như vậy, việc thông qua môi trường mạng xã hội để tập hợp, lan tỏa các thông tin đang là xu hướng của thế giới nói chung, của Hoa Kỳ nói riêng.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dường như tất cả các ứng viên đều thông qua mạng xã hội để làm cầu nối với người dân để kêu gọi phiếu bầu. Lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đương nhiệm trước sự kiện 6/1 được cho là một phần tác động gián tiếp đến các cuộc biểu tình của người dân. Một số bài viết trên Facebook, Twitter... của vị Tổng thống này được những người yêu mến rất ủng hộ. Song, điều này trở thành một mặt trái, đó là một số người biểu tình có hành động quá khích tiến hành tấn công Điện Capitol, từ cuộc biểu tình đơn thuần trở thành hành động bạo loạn.

Trong khi đó, những người tham gia sử dụng mạng xã hội để livestream, chia sẻ hình ảnh, kêu gọi người dân từ các nơi tham gia ủng hộ ông Donal Trump. Các cuộc biểu tình ôn hòa đã bị một số thành phần kích động dẫn đến bạo lực nguy hại trực tiếp đến sự ổn định chính trị của nước Mỹ. Khi hoạt động biểu tình xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi hòa bình và đề nghị người biểu tình về nhà, không gây ra các vụ tấn công tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, các thiệt hại để lại từ cuộc biểu tình là rất lớn.

Nhiều người đánh giá rằng, các bài viết trên mạng xã hội của Tổng thống Donal Trump là nguyên nhân khởi phát, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người biểu tình quá khích, cực đoan, có chủ đích kêu gọi tấn công vào tòa nhà Quốc hội. 

Sau khi xảy ra sự việc, mạng xã hội Twitter tuyên bố cấm vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi các hãng khác như Facebook, Snapchat, Twitch cũng đặt hạn chế với ông vì cho rằng các hiệu ứng lan tỏa nguy hiểm từ các bài viết của ngài Tổng thống; nhiều video, bài viết, livestream kích động bạo lực cũng bị hạn chế tương tác.

Có thể nói rằng, không chỉ riêng các cuộc biểu tình tại Mỹ trong thời gian vừa qua, mà các cuộc biểu tình chống chính phủ, lật đổ chính phủ tại một số quốc gia châu Âu, Bắc Phi (Lybia, Tunisia, Ai Cập, Anh...) đều có nguyên nhân sâu xa từ việc sử dụng mạng Internet để kích động, xúi giục người dân dân tham gia các hoạt động biểu tình, tuần hành và cao hơn nữa là hoạt động bạo loạn lật đổ.

Góc nhìn đối với công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam

Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu vào tháng 11/1997. Cho đến nay, số lượng người dùng mạng Internet của Việt Nam hơn 64 triệu chiếm hơn 60%, với tốc độ tăng trưởng người dùng mạng Internet nhanh so với thế giới. Mạng Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng có tác động sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nên sức mạnh thúc đẩy phát triển của đất nước. Song, mặt trái của mạng xã hội cũng trở nên hiện hữu với nhiều vấn đề đặt ra.

Liên hệ với các sự kiện biểu tình trên thế giới nói chung, ở Mỹ nói riêng trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự từ môi trường mạng xã hội là rất lớn. Trong thời gian vừa qua, các đối tượng, tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng mạng xã hội làm môi trường tuyên truyền phá hoại tư tưởng; tác động móc nối, lôi kéo để hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống Nhà nước; kích động các cuộc biểu tình, bạo loạn lật đổ...; sử dụng mạng xã hội để đào tạo, huấn luyện, tài trợ cho các hoạt động khủng bố, bạo loạn...

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng từ ngày 25/1 đến 2/2 tại Thủ đô Hà Nội cũng là thời điểm nhạy cảm mà các thành phần chống phá Nhà nước thường xuyên có hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động các cuộc biểu tình, bạo loạn chống phá đại hội. Tất cả những vấn đề này đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự của Việt Nam.

Tính hai mặt của mạng xã hội đang là thách thức đối với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra đối với hoạt động thông qua mạng xã hội để vi phạm pháp luật, cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp cần thiết, chẳng hạn như: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý mạng xã hội; nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng ngừa; chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dân để ngăn chặn từ xa, từ sớm các hoạt động lợi dụng mạng xã hội kích động biểu tình, bạo loạn. 

Chủ động, tích cực nắm thông tin, tình hình để phát hiện sớm các âm mưu, ý đồ hoạt động của các đối tượng chống phá Nhà nước để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn...

Nguyễn Huấn

Vững bước trên con đường đã chọn

25/01/2021 05:00

Ngày mai (26-1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng ta sẽ chính thức khai mạc. Đây là sự kiện trọng đại diễn ra vào thời điểm đánh dấu một chặng đường quan trọng của đất nước, dân tộc và cũng là thời điểm đủ để chúng ta xác định một tâm thế mới, khát vọng mới khi hướng về cột mốc 100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng.

Những thành tựu đất nước và dân tộc giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua đủ để khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại.

Vấn đề sống còn, không cho phép ai ngả nghiêng dao động

Mỗi lần Đảng ta tổ chức đại hội đều gắn với một dấu ấn đổi mới, phát triển, một tầm nhìn mới để đưa đất nước phát triển hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đại hội XIII của Đảng lần này càng có ý nghĩa trọng đại và lịch sử hơn bởi chúng ta đang sống trong những năm tháng có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp về kinh tế và đời sống, với những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Nhưng đó cũng là thời điểm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta bước đầu vượt "bão" Covid-19, tiếp tục đi lên trong một trạng thái bình thường mới để hướng tới tương lai mới, tầm nhìn mới. Đó không phải là tầm nhìn định hướng phát triển 5 năm tới như các đại hội thường kỳ mà còn là tầm nhìn tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011 (bổ sung, phát triển) và xa hơn tầm nhìn phát triển đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam)...

Vững bước trên con đường đã chọn
 Đường phố Hà Nội rực rỡ chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Trọng Hải.

Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này cho Đảng với tư cách là người dẫn đường chỉ lối con tàu đất nước: Chọn những đột phá nào để dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn?


Lúc này đây, khi đặt bút viết bài này, tôi nhớ lại một đoạn trong áng văn chính luận của cây bút nổi tiếng Thép Mới trong bút ký "Thời dựng Đảng" viết năm 1984, như bỗng thấy những khát vọng của Đảng, của những người cộng sản vẫn cuộn chảy giống nhau, vẫn cháy bỏng một khao khát đưa đất nước phát triển: “Cả một thời kỳ thai nghén, mang nặng, đẻ đau, đã quyết định tính chất và vai trò của Đảng, hướng đi lên chính xác của đất nước, cái kiên và cái cường của phong trào, độ vững và sức bật của dân tộc và mỗi con người... Lúc này đây, đang có một sự khao khát trở về nguồn để bồi dưỡng cho mình sức mạnh đi tới, khi đến lượt chúng ta đây vươn cao lên để giải quyết tổng hợp những nhiệm vụ nặng nề và rộng lớn của thời kỳ mới, trực tiếp thực hiện những điều mơ ước-vì nó mà sống và chết-của những người cộng sản Việt Nam thuộc lớp đầu tiên”.

Câu trả lời là gì, trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã có và câu trả lời sẽ rõ hơn khi những ngày tới, Đảng ta tiếp tục luận bàn, giải đáp. Nhưng có thể thấy phần nào trong một định hướng lớn mà cách đây ít lâu, trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập, có thể khái quát trong 5 chữ: Kiên định và sáng tạo! Bài viết khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Khát vọng phải gắn liền với con đường đúng

Những định hướng nêu trên có những điều tưởng như quen thuộc, tưởng như đã cũ nhưng chính là “cẩm nang” của chúng ta, là bài học đúc kết đằng đẵng qua biết bao biến cố của thời cuộc trên thế giới, là “chặng đường vinh quang và khổ ải”, là những trả giá thậm chí cả bằng máu và nước mắt để có được sự ổn định và phát triển. Trong những từ khóa của Đại hội XIII, một nét rất mới nổi lên lần này nằm ở hai chữ “khát vọng”. Khát vọng, theo từ điển tiếng Việt là sự mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong một văn kiện của Đảng ta, từ khát vọng được đề cập nhiều đến như vậy, ngay từ một đoạn trong tiêu đề đại hội: “... phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước...”

Trên thế giới này, có dân tộc nào, đất nước nào không có khát vọng, mong muốn được phát triển, được ấm no, tự do và hạnh phúc? Nhưng chỉ có khát vọng thôi thì chưa đủ. Đi kèm với đó phải có tầm nhìn, bước đi đúng đắn, đừng để sai một ly, đi một dặm. Jonathan Swift, một nhà văn trào phúng nổi tiếng thế giới từng cho rằng: “Tầm nhìn là nghệ thuật nhìn thấy được những gì mà người khác không nhìn thấy”. Tầm nhìn, bước đi mà Đảng ta xác định cho đất nước cùng với khát vọng mạnh mẽ nhưng không thể phiêu lưu, mạo hiểm; không thể thiếu tính cách mạng, biện chứng để dễ dãi đi theo những khuyến nghị đa nguyên, đa đảng, từ bỏ CNXH, đi theo mô hình dân chủ phương Tây... Bài học nhãn tiền từ không ít đất nước, dân tộc trong trào lưu "Mùa xuân Ả rập" cách đây tròn 10 năm đã cho thấy chỉ với khát vọng phát triển nhưng thiếu tỉnh táo, thiếu sự lãnh đạo sáng suốt của những chính đảng và thiếu con đường cách mạng đúng đắn, cái gọi là phong trào cách mạng "Mùa xuân Ả rập" đã biến thành mùa đông của đau thương, chiến tranh và ly tán.

Điều rút ra từ những sự kiện trên là hơn lúc nào hết, trong những sự kiện quan trọng như các kỳ đại hội đảng, các hội nghị Trung ương, ở vào những thời điểm lịch sử quan trọng hay trong bất cứ nhiệm vụ quan trọng nào, không cho phép Đảng được sai lầm về đường lối lãnh đạo.

Kể từ sau Đại hội VI của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay, đây đó xuất hiện nhiều lời kêu gọi cho rằng, Đảng ta phải “cải tổ” và nếu coi Đại hội VI là đổi mới lần 1 thì chúng ta phải đổi mới lần 2, lần 3 mạnh mẽ hơn, thậm chí phải đổi mới bằng một con đường khác.

Thực tế, theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, đất nước ta trải qua 3 thời kỳ phát triển chiến lược. Lần thứ nhất là giai đoạn 1991-2000, Đảng lãnh đạo đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế bình quân 7,56%/năm. Lần thứ hai, Đảng lãnh đạo đưa đất nước ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp. Lần thứ ba, Đảng lãnh đạo tạo tiền đề xây dựng đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hiện nay chúng ta đang thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2030 tới, trên cơ sở thành công của 3 giai đoạn chiến lược, bây giờ là lúc chúng ta hướng tới một khát vọng phát triển nhanh và bền vững hơn. Xét riêng ở khía cạnh kinh tế, chúng ta đã đi qua thời kỳ phát triển theo chiều rộng, rồi cả chiều rộng và chiều sâu, để bây giờ phát triển theo hướng tập trung vào chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 3 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực được xác định từ Đại hội XII sẽ tiếp tục được thực hiện với nội hàm mới, sâu sắc hơn.

Thực tiễn đó cho thấy, những kiến nghị, khuyến nghị đổi mới, phát triển hơn nữa luôn được Đảng ta trân trọng và thực tiễn suốt hơn 35 năm qua cũng là hành trình 35 năm liên tục đổi mới. Nhưng “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Cho nên, đổi mới không có nghĩa là đổi màu, là thay đổi thể chế chính trị, mới có thể tạo ra sự phát triển.

Xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới

Tuy nhiên, kiên định không có nghĩa là bảo thủ, trì trệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất rõ vấn đề này: “Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”. Đây cũng là một đòi hỏi để Đại hội XIII của Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, tiếp tục đề ra được những phương hướng chiến lược thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong thời điểm thiêng liêng này của lịch sử, chúng ta như nghe âm vang lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa. Trong bản Di chúc ngắn gọn, Người đã 18 lần nhắc đến Đảng và căn dặn: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chúng ta luôn kiên định và sáng tạo, vững bước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; hiện thực hóa khát vọng của Người và cũng là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta!

NGUYỄN VĂN MINH

Chẳng cần phân tích nhiều!

20/01/2021 05:00

Như vậy là chỉ sau một ngày rưỡi làm việc, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Hội nghị Trung ương 15) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn một ngày rưỡi so với kế hoạch ban đầu.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao”...

Với tuyệt đại đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 15 là lẽ đương nhiên, bởi đó trước hết là kết quả của cả nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa nước ta vững bước đi lên; được cả thế giới thừa nhận, đánh giá cao. Có thể khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay.

Chẳng cần phân tích nhiều!
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: TTXVN 

Kết quả rất tốt đẹp này đồng thời cũng là “gáo nước lạnh” giội vào những luận điệu phản động, cố tình vu khống, suy diễn rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam đang có biến", "Hội nghị Trung ương 15 sẽ là cuộc chiến khốc liệt, tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ", "việc giới thiệu nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và đề cử "tứ trụ" sẽ rất khó khăn, có thể phải kéo dài Hội nghị Trung ương 15 do mất đoàn kết và các phe cánh tranh giành nhau"...

Thế nhưng, thực tế là chỉ sau hơn một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thật sự dân chủ, trách nhiệm cao, với bầu không khí đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng, Hội nghị Trung ương 15 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Hội nghị của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp; công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra. Đây là Hội nghị thứ 15 và cũng là hội nghị cuối cùng của khóa XII. Đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng và tự hào khẳng định: Suốt nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước với biết bao nhiêu biến động khó lường; bao nhiêu khó khăn, thử thách, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm và nỗ lực rất cao, đã hoàn thành toàn bộ chương trình công tác toàn khóa đã đề ra, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giành được những kết quả rất quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới để sắp tới chúng ta tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới"...

Chẳng cần phân tích nhiều. Chính kết quả rất tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 15 vừa qua đã cho thấy những tin, bài đầy ác ý của những kẻ phản động, bất mãn đăng trên một số trang mạng thời gian qua cố tình bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, phá hoại Đảng, Nhà nước ta là không đáng tin. Mỗi người cần nêu cao cảnh giác, thực sự tỉnh táo để không bị "nhiễm độc" trước những thông tin bịa đặt.

LÂM SƠN

Lại kiểu "khóc thuê" sau phiên tòa

 08:16 18/01/2021

Sáng 5/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Chí Dũng (SN 1966), Nguyễn Tường Thụy (SN 1950), Lê Hữu Minh Tuấn (SN 1989) cùng về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"...

Lợi dụng việc các thành viên “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” bị đưa ra xét xử với tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, các đối tượng chống đối trong nước và một số đài, báo bên ngoài ngay lập tức tung hứng, cổ súy cho những đối tượng bị kết án; đồng thời thông qua đó chỉ trích Đảng, Nhà nước và khuyến khích các đối tượng khác tiếp tục làm theo những hành vi sai trái. Vì vậy, cần nhìn nhận thấu đáo bản chất, xu hướng của công thức quen thuộc này, cảnh giác không để các đối tượng tác động, hướng lái.

Sáng 5/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Chí Dũng (SN 1966), Nguyễn Tường Thụy (SN 1950), Lê Hữu Minh Tuấn (SN 1989) cùng về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Theo đó, từ năm 2014 đến khi bị bắt, các bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước.

Ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng cùng Nguyễn Tường Thụy và 39 người khác ra tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, bầu ban lãnh đạo “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” gồm 5 thành viên. Nội dung “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” nêu rõ mục đích hoạt động của hội là "đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay". Đến năm 2018, theo danh sách do Phạm Chí Dũng lập, có 72 người tham gia “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.

Sau khi thành lập, Phạm Chí Dũng với vai trò “Chủ tịch” đã chỉ đạo tạo lập trang web “Việt Nam thời báo”, quản trị, nhận và duyệt đăng thông tin bài viết của mình, của hội viên, của các cộng tác viên có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam và tuyên truyền về hoạt động của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”; qua đó lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Phạm Chí Dũng sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải nhiều tin, bài trên trang “Việt Nam thời báo” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngoài ra, bị cáo Dũng còn gửi bài viết và trả lời phỏng vấn cho các báo, đài, cơ quan thông tấn, trang tin điện tử nước ngoài với mục đích đấu tranh làm "thay đổi thể chế chính trị Việt Nam" hiện nay.

Bị cáo Nguyễn Tường Thụy là “Phó Chủ tịch” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, phụ trách “Chi hội miền Bắc”. Bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn là thành viên của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Hai bị cáo đã sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hành vi của các bị cáo đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Vì vậy cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.

Tại tòa, nhận thức rõ hành vi phạm tội của bản thân mình, các bị cáo đã nhận tội, thừa nhận hành vi và ăn năn, hối cải. Các tình tiết giảm nhẹ mà Tòa nêu ra là các bị cáo phạm tội lần đầu; bị cáo Thụy cho đến khi bị xét xử đã trên 70 tuổi; cha của bị cáo Dũng có công với cách mạng. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, bị cáo Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù và bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Mỗi bị cáo bị phạt quản chế tại nơi cư trú trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, các bị cáo cũng bị tuyên phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội. Cụ thể, bị cáo Dũng nộp lại hơn 482 triệu đồng, 75.886 USD, 1.113 bảng Anh; bị cáo Thụy nộp lại 180 triệu đồng; bị cáo Tuấn nộp lại 423 triệu đồng.

Như thường lệ, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, các đối tượng chống đối trong và ngoài nước vẫn theo "kịch bản cũ" thường thấy. Họ lu loa cho rằng những đối tượng bị bắt và xét xử là “công dân trung thực, vô tội”, kèm theo đó là những miêu tả đầy thêu dệt, cảm thán để hướng cho người đọc cảm nhận theo ý đồ chống đối của các đối tượng. Đáng chú ý là gần như tất cả các quan điểm, nội dung, bài viết họ đưa ra nhắm tới đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là biện minh, kêu khóc cho các đối tượng có tư tưởng chống đối: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Cùng với đó, nhiều báo, đài thường hoạt động tuyên truyền chống Việt Nam cũng đồng loạt lên tiếng theo kiểu “chiến dịch”...

Bên cạnh việc lên án, đả kích chính quyền, các đối tượng sử dụng chung một công thức ca ngợi, tâng bốc số đối tượng bị bắt, xét xử theo hướng cho rằng đây là những công dân yêu nước thương nòi, đòi quyền con người, quyền công dân, đòi quyền làm chủ đất nước, đòi tự do dân chủ cho xã hội. Bên cạnh đó còn dẫn thêm các ví dụ về Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga, Trần Hoàng Phúc, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hoá, Trần Đức Thạch, Phạm Thành... để minh chứng.

 Ý đồ của các đối tượng thông qua các bài viết trên nhằm:

- Ca ngợi, cổ súy cho hành vi sái trái của các đối tượng phạm tội để những người khác đang có ý định theo con đường này sẽ tiếp tục làm theo, với những từ ngữ đầy hào nhoáng theo kiểu “anh hùng”, cho rằng đây là những "trí tuệ sáng láng" và những "khí phách lẫm liệt".

 - Tạo sự tin tưởng, an tâm cho chính những người thân trong gia đình bị cáo. Từ đó, khi có cơ hội vào nhà tù để thăm nom sẽ "tiếp sức" về tinh thần cho các đối tượng tiếp tục sự ngoan cố chống đối.

- Các đối tượng nhảy vào kêu khóc với sự chống phá, bất mãn vốn đã hình thành từ lâu, khó cải tạo, khuyên bảo và định hướng theo chiều tích cực. Đây thường là những đối tượng có nhiều hiềm khích với chính quyền khi bản thân họ vì các lý do cá nhân mà bất mãn, chống đối.

- Các đối tượng tranh thủ sự việc diễn ra, đang nhận được sự quan tâm trong xã hội để nêu lên quan điểm cá nhân nhằm tận dụng sự chú ý của dư luận để chống phá, kìm hãm sự phát triển của những điều tiến bộ trong xã hội hiện nay. Ca ngợi những cái phi lý mà chính các đối tượng nghĩ rằng đó sẽ là yêu sách gây áp lực với chính quyền.

Với ý định vừa cổ súy cho số chống đối đã bị bắt thì các đối tượng còn lan tỏa một thông điệp, sự ủng hộ, động viên theo kiểu "anh ngồi tù, chúng tôi cũng không bỏ các anh đâu, yên tâm và tiếp tục ngồi tù", cổ súy tư tưởng tiếp tục chống đối, là những “anh hùng bàn phím”.

Tựu trung lại, không nằm ngoài những công thức chống phá lâu nay, các đối tượng hướng tới đả kích chế độ...

Duy Ngọc

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng của Việt Nam

17/01/2021 22:42

Càng đến gần ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch và những phần tử phản động càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một trong những luận điệu đó là phủ nhận cụm từ “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong dự thảo văn kiện đại hội. Họ cố tình "nhắm mắt" trước thực tiễn 35 năm đổi mới đã khẳng định phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.

Không phải là khái niệm mơ hồ

Cách đây mấy năm, một số người tự xưng là “nhà nghiên cứu”, “nhà khoa học”,  “nhà dân chủ” đã phát biểu trên một số tờ báo nước ngoài, trang mạng xã hội rằng “KTTT" và XHCN khác nhau như nước với lửa, như ngày với đêm, hoàn toàn đối lập nhau”;  “KTTT là phủ định của XHCN và ngược lại”... Gần đây những người này lên diễn đàn “góp ý” vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng vẫn luận điệu ấy nhưng lại “bổ sung thêm vấn đề mang tính lý luận” rằng "KTTT định hướng XHCN là khái niệm mơ hồ” vì thế họ “kiến nghị không nên để cụm từ KTTT định hướng XHCN trong văn kiện Đại hội XIII”.

Không hiểu những người nói trên “nghiên cứu” những gì nhưng xem họ phát biểu thì những người có hiểu biết chút ít về kinh tế thì cũng cảm nhận được sự mơ hồ của họ. Bởi lẽ KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy KTTT làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. KTTT đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, tiến hóa theo thời gian cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ kinh tế, dưới tác động của cách mạng khoa học-kỹ thuật. Trong những năm gần đây, dựa theo những nét khác biệt và tương đồng, người ta đã chia các mô hình kinh tế thị trường đang vận hành  trên thế giới thành nhiều nhóm, tiêu biểu là mô hình thể chế KTTT tự do (Mỹ, Anh...); mô hình thể chế KTTT xã hội (Đức, Thụy Điển ...); mô hình thể chế KTTT nhà nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc...); mô hình thể chế KTTT định hướng XHCN như ở Việt Nam....

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lựa chọn đúng của Việt Nam
 Ảnh minh họa/vov.vn

Tại Việt Nam, khái niệm KTTT định hướng XHCN được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001); theo đó, “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đó chính là nền KTTT định hướng XHCN”. Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016) tiếp tục bổ sung, phát triển: “Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ thêm khái niệm KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển. 

Như vậy không thể coi “KTTT định hướng XHCN” là khái niệm mơ hồ. Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian gần đây ở các nước tư bản phát triển, dù ở mức độ khác nhau, nhưng KTTT đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của CNXH trong lòng chủ nghĩa tư bản. Do tính chất của thời đại, một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, cũng có thể quá độ lên CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước này, sử dụng cả KTTT và cả kinh tế TBCN để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho CNXH.

Thực tiễn đã chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam

Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai gây hậu quả nặng nề thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có nguyên nhân quan trọng từ mô hình thể chế KTTT định hướng XHCN. Mô hình này tỏ rõ hiệu quả về khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ. Cùng với đó là sức chống chịu và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là tập trung, thống nhất đã giúp cho chính quyền Trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch khi chính quyền Trung ương được điều hành bởi những người có năng lực và quyết đoán. Mô hình phân quyền của một số nước cho thấy việc ban hành các quyết định cần thiết đã bị chậm trễ hơn nhiều. Mà chậm một ngày thôi dịch bệnh đã có thể lây lan ra cộng đồng và vượt tầm kiểm soát. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam. “Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1-2020.

Có thể nói thể chế KTTT định hướng XHCN đã là cơ sở để Việt Nam hoàn thành mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa tập trung nguồn lực phát triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

BBC, hãng thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ngày 12-1-2021 đã khẳng định: “Việt Nam đã xử lý kiên quyết, chặt chẽ và ngay từ đầu với đại dịch Covid-19, nhờ đó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Như là một thắng lợi kép, Việt Nam đã phát triển kinh tế trở lại trong khi thế giới còn đầy rẫy khó khăn. Kết quả là, Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia để vào tốp 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế còn cho rằng Việt Nam đã ở trong tốp 3, vượt qua Philippines về mức độ thịnh vượng, và cả về tổng sản phẩm quốc nội thu nhập tính theo đầu người... Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) còn dự báo với khả năng hồi phục và bật dậy nhanh chóng sau dịch Covid-19, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 và là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia vào năm 2035. Cũng là thời điểm Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan, theo JCER. Đấy không phải là sự so sánh quá lạc quan. Điều mà chúng tôi thấy được là Việt Nam đã không bị hụt hơi do hoàn cảnh và đó là tin tốt đối với một nền kinh tế vốn và vẫn còn đang ở trình độ thấp”.

Nhờ phát triển KTTT định hướng XHCN mà từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 543,9 tỷ USD năm 2020... 

Những nhận định đánh giá của các tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn quốc tế và các con số thống kê nói trên đã minh chứng cho hiệu quả của việc phát triển KTTT định hướng XHCN của Việt Nam và khẳng định “lời khuyên” của những người muốn Việt Nam đi chệch đường là không có cơ sở về thực tiễn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thực ra không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta. Chúng vẫn xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền KTTT định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học. Có người còn “kiến nghị”:  “Nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước sẽ phát triển nhanh hơn”...  Những luận điệu như vậy không phải là không có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải được đấu tranh, phản bác.

Để đấu tranh có hiệu quả trước những luận điệu sai trái nói trên, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Trong đó cần ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học-công nghệ.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền KTTT định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Mặt khác cũng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai lầm của các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có quan điểm vững vàng, kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách khoa học trong thời đại bùng nổ thông tin; kiên định, tỉnh táo, không chia sẻ, bình luận những loại thông tin xấu độc, xây dựng cho được “hệ miễn dịch” trước thông tin xấu độc. Đồng thời, cần chủ động hơn trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi loại thông tin này, như giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra: "Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc". "Hoàn thiện Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cá nhân, nhóm người cấu kết với nhau, lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát tài liệu sai trái...".

Đối với các cơ quan pháp luật, phải chủ động, thường xuyên, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả trong phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là các đối tượng tạo lập, tán phát thông tin xấu độc, lợi dụng thông tin xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

ĐỖ PHÚ THỌ