Sự phát triển internet lành mạnh ở Việt Nam là không thể phủ nhận

Cách đây 20 năm, ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông nói riêng, Việt Nam nói chung. 20 năm qua, với những tính năng ưu việt của internet, Việt Nam đã phát triển một cách khá toàn diện.

Thế nhưng đây đó vẫn có những cái nhìn chủ quan, phiến diện, thông tin không đúng về tự do internet ở Việt Nam. Bức tranh sinh động về internet ở Việt Nam cùng những ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái đó.
1. Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, có thể khẳng định rằng, sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, internet Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện qua những chỉ số rất đáng khích lệ. Nếu như thời đầu của internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, số người sử dụng internet chỉ đạt đến 205.000 người, thì 10 năm sau, con số này đạt 17 triệu người. Thế nhưng, so sánh với con số hơn 31 triệu người dùng internet vào năm 2012 với hơn 50 triệu người năm 2017 thì mới thấy được sự phát triển như vũ bão của internet ở Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Từ con số 0 những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Internet giờ đây trở thành công cụ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, trong giao tiếp, trong giải trí, kể cả trong làm kinh tế cũng như các vấn đề khác liên quan, như: Giáo dục, văn hóa, y tế... Từ người nông dân, công nhân đến học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet. Chính internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, người Việt Nam dùng internet chủ yếu là giới trẻ. “Giới trẻ rất háo hức với những lợi ích mà internet mang lại. Họ đã biết ứng dụng internet trong học tập và làm việc”, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực khẳng định. Theo ông Mai Liêm Trực, trong thế giới phẳng, lớp trẻ hiện nay đang có một tương lai tươi sáng nhờ internet. Internet là một môi trường mới, một nền kinh tế mới và ở đó cần có tri thức của những người trẻ tuổi.
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chi phí để sử dụng internet Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, tạo điều kiện cho số đông người dân Việt Nam có thể sử dụng. Bên lề Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg nhận định rằng, nhờ chi phí thấp mà Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ internet. Giải thích cho nhận định trên, Đại sứ Pereric Högberg cho hay, thế giới hiện đang liên kết với nhau hơn bao giờ hết và Việt Nam là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển internet. “Với sự lưu động và băng thông rộng đang phát triển nhanh chóng khắp Việt Nam, chúng ta nhận thấy khả năng kết nối các mạng lưới và giới doanh nhân từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm truyền thông, công nghệ thông tin và khoa học. Việt Nam đang tận dụng tốt những cơ hội này!”- Đại sứ Pereric Högberg nói.
2. Ghi được dấu ấn trên “bản đồ internet toàn cầu” đã khẳng định chủ trương đúng đắn, chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet (ISP), các doanh nghiệp phát triển nội dung số.
Thế nhưng, trong Báo cáo tự do internet 2017 mới đây của "Ngôi nhà tự do" (Freedom House)-một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, tổ chức này xếp Việt Nam điểm số 76 trên thang điểm 100, lọt vào danh sách các quốc gia không có tự do internet. Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Freedom House đưa ra những thông tin mang tính chất bịa đặt, vu khống về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền nói chung và tự do internet ở Việt Nam nói riêng. Bản báo cáo tự do internet 2017 của Freedom House lần này vẫn là những luận điệu cũ rích như bày tỏ sự quan ngại về việc “tự do internet ở Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ do sự gia tăng bắt bớ và đe dọa”, hay “Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kể từ khi điều hành quốc gia hồi nửa năm 2016 đến nay đã không có một biểu hiện nào cho thấy cố gắng cải thiện môi trường tự do internet”... Song bản phúc trình này chẳng được mấy ai quan tâm, bởi lẽ “nói vậy song thực tế không phải vậy”... 
Nhưng có câu hỏi đặt ra là vì sao Freedom House lại phát ra những giọng điệu hồ đồ, vô căn cứ như vậy? Không khó để có câu trả lời. Thứ nhất, cần phải thấy những thông tin của Freedom House không được kiểm chứng mà chỉ dựa vào tài liệu được cung cấp bởi những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị phản động trong nước. Mặt khác, hãy xem ai là người đứng đằng sau và nuôi sống Freedom House thì sẽ thấy rõ những thông tin mà họ đưa ra về tự do internet đã bị áp đặt bởi một số tư tưởng và ý đồ xấu, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Chẳng cần nói đâu xa, cứ lấy bảng xếp hạng Inclusive Internet Index của tờ Economist công bố đầu năm nay ra so sánh thì thấy rõ. Bảng xếp hạng Inclusive Internet Index này được thực hiện tại 75 nước và được xét trên nhiều khía cạnh. Chỉ số thể hiện rõ nhất là độ phổ cập (Availability) của internet, bao gồm chất lượng và sự phổ biến của cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc truy cập internet. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác được xem xét như giá cước so với thu nhập (Affordability), sự tương ứng của thông tin (Relevance)-đo sự tồn tại và phổ biến của các nội dung bằng ngôn ngữ địa phương, độ sẵn sàng (Readiness)-xét đến kỹ năng, sự giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng internet, các chính sách hỗ trợ... Theo đó, Việt Nam đứng thứ 32 trong tổng số 75 nước trong bảng xếp hạng và ở khoảng giữa so với các nước châu Á. Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở hạng mục Relevance khi đứng thứ 18/75 nhờ sự phong phú của nội dung địa phương như tin tức, thông tin tài chính, sức khỏe, giải trí, kinh doanh... bằng ngôn ngữ địa phương.
Từ thực tế và kết quả khảo sát, đánh giá được tờ Economist công bố thì cũng đủ để khẳng định: Những luận điệu mà Freedom House đề cập đến vấn đề tự do internet ở Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt.
3. Với sự bùng nổ của internet, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục. Trong lĩnh vực báo chí, bên cạnh báo in, nhiều tờ báo điện tử cũng đã ra đời, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân càng thêm phong phú. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 35 triệu người, chiếm 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động; nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền trên internet cũng ngày càng tăng; nguy cơ gián điệp mạng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Bên cạnh đó, kẻ xấu cũng sử dụng môi trường internet để tán phát thông ​tin bịa đặt, không kiểm chứng, độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại… Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên internet, sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật an toàn về internet... Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng ứng xử khi sử dụng internet, mạng xã hội cho người sử dụng. Những ai cố tình lợi dụng sự tự do internet với cái cớ “dân chủ”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân sẽ bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
 NGỌC MINH

Bài 2: Ngôi nhà thứ hai

Nhà nước đã có những quy định hết sức cụ thể đối với công tác cai nghiện cho những người nghiện ma túy. Những quy định này đã thể hiện rõ tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Nhiều học viên cai nghiện đã coi cơ sở cai nghiện như mái nhà thứ hai, cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời.

Công khai, dân chủ mọi chế độ chính sách
Chia sẻ thêm để đoàn phóng viên hiểu rõ quy trình tiếp nhận và giúp học viên cai nghiện, ông Vũ Văn Trí, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, cho biết, trước đây, việc tiếp nhận học viên được bố trí theo lịch “cứng”, nay cơ sở đã có đổi mới mạnh mẽ khi việc tiếp nhận người nghiện được thực hiện bất kể ngày đêm. Học viên sau khi được cơ sở tiếp nhận sẽ được phân loại để điều trị, chữa trị y tế và tư vấn. Sau khi điều trị y tế xong, người nghiện sẽ được chuyển về các khu quản lý và thực hiện quy trình khép kín, bao gồm các hoạt động tư vấn, giáo dục, truyền nghề, dạy nghề, tổ chức lao động, vui chơi giải trí… Để đạt được hiệu quả cao nhất, các học viên sẽ được quản lý theo hướng đan xen giữa học tập, vui chơi và lao động trị liệu.
Giải thích cho phóng viên trong đoàn hiểu như thế nào gọi là “lao động trị liệu”, cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đã đưa đoàn tới khu dạy nghề và tổ chức lao động. Khu vực được bố trí gọn gàng, sạch sẽ với không gian nhà xưởng thoáng đãng, gần ngay bên cạnh hồ nước. Ông Trí cho biết, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội  có được vị trí địa lý đắc địa khi có ba mặt là hồ bao quanh, nhiều cây xanh; là môi trường lý tưởng để học viên cai nghiện nhanh phục hồi sức khỏe.
Học viên lắp ráp thiết bị điện sinh hoạt. 
Tại khu xưởng hàn, xưởng thiết bị điện..., không khí làm việc của các học viên rất hăng say. Ông Vũ Văn Trí cho biết, học viên được đi làm và dạy nghề ở xưởng là giai đoạn cuối cùng trước khi họ về với cộng đồng. Việc dạy nghề và tổ chức lao động được thực hiện vừa nằm trong liệu trình điều trị, vừa nhằm giúp học viên cai nghiện có thêm thu nhập. Học viên Đinh Xuân Hoành, 44 tuổi ở Hà Nội, đang say sưa gia công một thiết bị điện tại xưởng lắp ráp cầu trì, công tắc cho biết, các thầy cô và cán bộ của cơ sở phân công công việc tùy theo theo lứa tuổi, trình độ nhận thức, khả năng làm việc và sức khỏe của từng người. “Bản thân tôi chỉ làm việc nửa ngày, nửa ngày chơi bi-a, bóng bàn, giải trí. Chúng tôi được các thầy, cô và cán bộ cơ sở đối xử tốt, chăm sóc chu đáo”.
                                                     Khu sinh hoạt và giải trí của học viên. 
Về vấn đề lao động trị liệu, ông Vũ Văn Trí cho biết, dù là lao động dạy nghề hay lao động thì tất cả các học viên đều được chấm công và trả lương theo quy định. Vào cuối tháng, các học viên sẽ nhận được bản chấm công, bản chấm công này được công khai, dân chủ trong nhóm các học viên, mọi người sẽ xem xét đúng hay sai, khi thấy đúng, sẽ quyết định ai được bao nhiêu công trong tháng và sẽ được trả tiền theo số công có được. Học viên khi nhận được tiền sẽ không cầm tiền mặt, mà số tiền này được ghi vào cuốn sổ, sau đó cần mua gì, đưa vào bữa ăn thêm hay chi tiêu cho cá nhân sẽ thông báo cho cán bộ quản lý hoặc mua trực tiếp tại căng-tin. Những ai muốn gửi tiền về gia đình sẽ nhận tiền mặt và thực hiện chuyển cho gia đình. Quy trình này đều được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ. Ông Trí cho biết, việc tránh không để học viên cầm tiền mặt sẽ giúp bớt được các hiện tượng thẩm lậu chất gây nghiện vào cơ sở. “Ở trung tâm không có tiền mặt, tiền được sử dụng theo hệ thống sổ, ví dụ họ gửi vào cơ sở 1 triệu thì số tiền được ghi vào sổ, khi học viên đi ăn, họ mang theo sổ và trừ đi bằng đúng số tiền họ sử dụng. Không có tiền thì không thể xảy ra tiêu cực, chèn ép”, ông Trí khẳng định.
Không khí dân chủ tại đơn vị được duy trì thường xuyên, khi tại đây thành lập tổ hay hội đồng người sau cai để hằng tuần các học viên họp và nếu có kiến nghị, đề xuất gì thì kiến nghị bằng văn bản đưa lên để giám đốc đơn vị trong cơ sở kịp thời điều chỉnh. Hằng tháng, cơ sở cũng tiến hành khảo sát học viên về chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập hoặc các vấn đề liên quan tới chế độ khác...để Ban giám đốc đưa ra các biện pháp kịp thời.
Những người thầy tận tâm ở ngôi nhà thứ hai
Thực hiện quy định của Nhà nước, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đã cố gắng hết sức để đảm bảo đời sống của các học viên. Lấy ví dụ về chế độ ăn, ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tiếp nhận nhiều đối tượng vì vậy đang có nhiều mức độ tiền khác nhau cho mỗi suất ăn. Đôi khi do sự đóng góp của gia đình khác nhau, hoặc mức chi cho từng đối tượng như bắt buộc cai nghiện hay tự nguyện cai nghiện, cũng có sự khác nhau.
Có những suất ăn chỉ hơn 6.000 đồng/bữa, nhưng nhờ cơ sở đã chủ động tăng gia rau xanh và một số loại sản phẩm chăn nuôi giúp đưa được các loại rau, thành phẩm chăn nuôi do các học viên lao động, sản xuất được vào bữa ăn, nên cho dù là suất ăn với mức tiền ít thì cơ sở vẫn có thể đảm bảo các học viên có được những bữa ăn có thịt, rau.
Khu tăng gia của Cơ sở cai nghiện số 7. 
Các loại hình thăm gặp ở cơ sở cũng được đảm bảo để người thân của học viên có thể thăm gặp theo quy định. Ông Vũ Văn Trí cho biết, những học viên sau cai khi chấp hành tốt còn được về phép, thưởng phép để động viên, khích lệ họ chấp hành tốt hơn, làm gương cho các học viên khác.
Một trong những yếu tố để vừa duy trì kỷ luật, nhưng cũng tạo sự gần gũi, thân thiện giữa học viên với thầy cô giáo và cán bộ quản lý, để học viên luôn cảm thấy ấm áp, được chia sẻ, các cán bộ tại cơ sở cũng luôn cố gắng đổi mới, thân thiện, cởi mở và chân thành với học viên. Từ tình cảm chân thành ấy, học viên cũng bộc lộ và chia sẻ nhiều hơn, giúp thầy cô giáo và cán bộ quản lý tại cơ sở năm bắt được thông tin, hoàn cảnh của từng người để có những biên pháp, cách làm thiết thực, giúp đỡ học viên được nhiều nhất trong khả năng có thể.
Không chỉ có vậy, cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội  còn tận tâm theo sát những học viên cả sau khi học viên cai thành công được về gia đình. Cơ sở cử cán bộ tiếp tục tới thăm để xem họ đã cai nghiện được chưa, nếu phát hiện tái nghiện sẽ tư vấn quay trở lại. Còn nếu họ gặp khó khăn về việc làm, cơ sở sẵn sàng giúp họ bằng cách tiếp cận các cơ sở sản xuất tại địa phương hoặc trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho học viên. Nhiều người nghiện đã coi Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội  như ngôi nhà thứ hai của mình. Từ đây, nhiều cuộc đời, nhiều người nghiện đã cai nghiện thành công, trở thành công dân có ích cho cộng đồng.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tiếp nhận 793 lượt người, trong đó chỉ có 44 học viên cai nghiện bắt buộc. 487 người trong số này đã hoàn thành chương trình cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.
Ba Vì mùa Đông năm nay lạnh hơn. Nhưng học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội luôn cảm thấy ấm áp vì họ đã nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, gia đình, tấm lòng của các thày cô, cán bộ quản lý nơi đây. Mùa Xuân đang đến, cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi ở phía trước.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA

Bài 1: Không thể xuyên tạc

Giữa tháng 12-2017, một số tờ báo phản động và một số tổ chức phi chính phủ đã đưa thông tin sai lệch rằng, cuộc sống của người cai nghiện trong “trại cai nghiện ở Việt Nam hoàn toàn không có nhân quyền”.

Trong chuyến thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, hàng chục phóng viên của hơn 30 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã ghi nhận thực tế và thấy rằng, thông tin trên là không chính xác. Nhiều người đã cai nghiện thành công, tránh xa ma túy, trở lại cuộc sống bình thường.
Chính sách nhân ái hướng tới con người
Ông Vũ Văn Trí – Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, cho biết cơ sở hiện là một cơ sở đa chức năng gồm các nhiệm vụ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tự nguyện, điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone và giúp đỡ người nghiện hòa nhập vào cộng đồng…
Anh Đỗ Văn Mai trò chuyện với phóng viên các cơ quan báo chí đi thực tế. 

Thầy Nguyễn Đại Yên và trợ giảng đang giảng bài cho các học viên cai nghiện về tác hại của ma túy. 

Theo quy định của Nhà nước được ghi rõ trong tài liệu “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao phát hành năm 2017, quy trình cai nghiện bao gồm 5 giai đoạn. Điều này đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cai nghiện ma túy, bao gồm: (i) Tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc (5% thời gian); (ii) Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (5% thời gian); (iii) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách (30% thời gian); (iv) Lao động nghề (40% thời gian); (v) Phòng chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng (20% thời gian). Quy trình này kéo dài từ 1 đến 2 năm tùy thuộc mức độ lệ thuộc vào ma túy của người nghiện.
Hiện nay, cai nghiện ma túy tại các Cơ sở cai nghiện ma túy bao gồm 2 hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Thời gian cai nghiện tự nguyện do người nghiện hoặc gia đình người nghiện quyết định, nhưng không dưới 6 tháng. Đối với những người chưa thành niên cai nghiện theo hình thức tự nguyện phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được áp dụng đối với người nghiện đã lệ thuộc quá nhiều vào ma túy, đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã cai nghiện tự nguyện, nhưng không có kết quả, tái nghiện nhiều lần. Đây là giải pháp mang tính nhân văn, giúp người nghiện có thời gian tránh xa ma túy, đồng thời cung cấp cho họ các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tìm việc làm và ổn định cuộc sống. Quan điểm này cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc điều trị nghiện ma túy hiệu quả mà Viện Nghiên cứu quốc gia về Lạm dụng ma túy (NIDA) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người của Hoa Kỳ (US-DHHS) đã đưa ra và được Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí cho rằng: “Điều trị nghiện không nhất thiết phải là tự nguyện để có hiệu quả” (Nguyên tắc 10).
Các Cơ sở cai nghiện đều có Phòng Y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các học viên, được bảo đảm về cơ sở vật chất, được trang bị cơ số thuốc theo quy định và quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 30/1999 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Y tế. Mỗi Cơ sở đều có khu cách ly bệnh truyền nhiễm. Cơ sở phối hợp với các Bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng của địa phương để định kỳ tư vấn, khám, điều trị bệnh cơ hội, chăm sóc sức khỏe cho các học viên. Tính đến ngày 30-6-2015, cả nước có 173 cơ sở điều trị Methadone (cai nghiện) tại 46 tỉnh, thành phố, điều trị cho hơn 32.000 lượt bệnh nhân.
Để hỗ trợ người sau cai nghiện có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống sau khi trở về địa phương, Chính phủ đã có Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 (sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2011/NĐ-CP ngày 26/07/2011) quy định trách nhiệm của các cơ sở cai nghiện trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các đối tượng trong thời gian cai nghiện tại đây. Việc dạy nghề thường được thực hiện theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi chức năng, hoặc khai thác các tiềm năng sẵn có của cơ sở cai nghiện để làm ra các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt của các học viên. Lao động trị liệu tại các cơ sở cai nghiện không phải là lao động sản xuất có tính chất kinh doanh. Sản phẩm từ lao động của các học viên chủ yếu góp thêm vào việc cải thiện bữa ăn cho chính bản thân họ. Khi tham gia lao động, học viên được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết, phù hợp với từng loại công việc và được hưởng các chế độ về an toàn lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm và hoàn toàn được hưởng thành quả lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Người cai nghiện được đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, cụ thể như: Chỗ ở phù hợp, đủ tiện nghi sinh hoạt, học tập cần thiết; bố trí khu ở riêng cho nam, nữ, người chưa thành niên; được đón thân nhân thăm gặp; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được phép có khiếu nại/góp ý kiến đối với cơ sở cai nghiện và các cá nhân có liên quan; được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện; được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn phần thời gian còn lại khi có thành tích, ốm đau hoặc thai sản; được hưởng các sản phẩm hay thu nhập làm ra khi có tham gia lao động sản xuất. Người chưa thành niên, ngoài việc được bố trí khu ở riêng, còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về chăm sóc y tế, học tập văn hóa, học nghề và kinh phí cai nghiện. Mọi hành vi vi phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Hiểu rõ tác hại mới cai nghiện thành công
Trong chuyến đi thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (thôn Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), phóng viên của hàng chục cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã tận mắt thấy, tai nghe cuộc sống của học viên và thầy cô giáo tại một cơ sở cai nghiện ma túy. Thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đã chứng minh cái nhìn sai lệch, thiếu thiện chí và luận điệu cũ rích của một số tờ báo và tổ chức mang danh nhân quyền ở nước ngoài trong nhìn nhận vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Thông tin họ đưa ra là hoàn toàn sai lệch.
Tại khu điều trị Methadone thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, anh Đỗ Văn Mai, 50 tuổi, cho biết, khi tới đây điều trị, anh được cán bộ của cơ sở cai nghiện hướng dẫn tận tình, uống thuốc đúng giờ; thường xuyên có những tư vấn rất kịp thời về sức khỏe: “Bản thân tôi đã nghiện hơn 20 năm. Sau khi uống thuốc đều đặn tại cơ sở cai nghiện này, tôi đã cắt cơn, không còn thấy thèm ma túy. Tôi cũng mong những người như tôi, đặc biệt là các bạn trẻ, đừng bao giờ thử một lần, sẽ ân hận cả đời”.
Nơi ăn ở gọn gàng, sạch sẽ của học viên cai nghiện. 
Đoàn phóng viên đã được chứng kiến tiết học về tình thương với những người trong gia đình, trách nhiệm với xã hội; về tác hại của ma túy với bản thân và cộng đồng của thầy giáo Nguyễn Đại Yên và trợ giảng Nguyễn Thị Tuyết trong một lớp học khang trang, sạch sẽ với máy chiếu, trực quan sinh động, học viên mặc đồng phục, nghiêm chỉnh học tập và phát biểu ý kiến sôi nổi. Những nhận thức mà học viên viết ra, những phát biểu mà họ trình bày trong giờ học cho thấy, từ khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, được sự giáo dục của các thầy, cô nơi đây, nhận thức của họ về ma túy, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng đã có nhiều thay đổi. Thầy Nguyễn Đại Yên cho biết, tại cơ sở này, các học viên có thể tham gia nhiều tiết học, từ phổ biến giáo dục pháp luật, tới các bài học về những giá trị sống cơ bản của con người…nhằm truyền đạt cho học viên các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy, tác hại của ma túy, lợi ích công tác cai nghiện, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đường máu…Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, ngoài những lớp học khang trang, khá hiện đại, cơ sở còn có  thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật giúp học viên tìm hiểu thêm những kiến thức trong giờ rảnh rỗi.
Tới thăm khu nhà lưu trú của các học viên cai nghiện tại đây, đoàn phóng viên ấn tượng với cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ, có hệ thống phun sương, đảm bảo mùa hè mát mẻ, còn mùa đông thì ấm áp. Mỗi học viên đều có giường cá nhân, chăn màn được xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Ngay bên cạnh các phòng ngủ là khu chơi thể thao, tập gym; các phòng đa chức năng giúp học viên thư giãn, văn nghệ... Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, Vũ Văn Trí cho biết, chính những sinh hoạt tập thể lành mạnh giúp học viên khi tới đây thư thái tinh thần, nâng cao tính kỷ luật, giúp quên đi cảm giác thèm ma túy.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Văn Trí cho biết thêm, việc giúp người nghiện từ bỏ được ma túy tại cơ sở gặp rất nhiều khó khăn: “Trong số những người đang cai nghiện ở cơ sở có nhiều người là đối tượng có tiền án, tiền sự, đi cai nghiện nhiều lần. Chính vì vậy, những người đang cai nghiện tại đây sức khỏe yếu, nhiều người mắc các bệnh xã hội do đã nghiện ma túy nhiều năm, khiến cho việc chăm sóc rất vất vả. Có những thời điểm ở cơ sở có đến 30-40% người cai nghiện nhiễm HIV. Nhiệm vụ của cơ sở là nâng sức khỏe học viên để họ có sức khỏe điều trị đúng phác đồ, cai nghiện thành công là công việc rất vất vả”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA
(Còn nữa)