Không để kẻ xấu lợi dụng, bôi đen hình ảnh quân đội

20/12/2017 05:00

Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng loạt bài "Nghiêm trị những kẻ giả danh, mạo danh quân đội", dư luận bạn đọc, đảng viên, bộ đội, cựu chiến binh và nhân dân có nhiều ý kiến đồng tình với vấn đề báo nêu, kiến nghị phải kiên quyết làm rõ, xử lý và đấu tranh ngăn chặn những thủ đoạn nguy hiểm, có sự kết nối giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và "diễn biến hòa bình". Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết.

Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Cần phải lên án mạnh mẽ những việc làm đầy mờ ám
Tôi rất đồng tình, hoan nghênh với nội dung mà loạt bài trên Báo Quân đội nhân dân vừa nêu, cũng là vấn đề tôi rất quan tâm, bức xúc hiện nay. Vừa qua, trên mạng xã hội đã loan truyền một đơn thư tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Điều đáng phê phán là người viết đơn thư này lại dùng tên người khác. Cụ thể là kẻ xấu lại dùng tên tôi để đưa những thông tin mà những người đã về nghỉ hưu như chúng tôi làm sao biết được những công việc cụ thể hiện nay của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Chúng ta biết rằng, hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để tấn công Đảng, Nhà nước, quân đội hòng làm suy yếu lực lượng nòng cốt của hệ thống chính trị nước nhà và gieo rắc sự nghi hoặc, dẫn đến làm mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng và hệ thống chính trị của chúng ta. Không chỉ riêng tôi mà trước đó, kẻ xấu đã lợi dụng, đứng tên một số cán bộ lão thành cách mạng để làm những điều xấu xa ấy.
 
Một người nào đó, dù cố tình hay hữu ý lợi dụng danh tính của người khác để nói xấu cán bộ Đảng, Nhà nước, quân đội cũng là hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và là một việc làm không công cho kẻ địch. Phải nói rõ thêm, họ nói xấu cán bộ chủ chốt tức là tạo ra sự hoài nghi của quần chúng với Đảng, chứ không phải chỉ riêng cá nhân của con người nào đó. Và các thế lực thù địch luôn mong muốn, chờ đợi cóp nhặt những biểu hiện tiêu cực của xã hội, của cán bộ, đảng viên rồi đẩy những thứ đó lên thành bản chất của người cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa để bôi nhọ với mục đích cuối cùng là phá hoại chúng ta. Xét về góc độ đạo đức thì đây cũng là một việc làm không trong sáng, không tình nghĩa đối với đồng đội và đối với cấp trên. Bởi vì nếu thực sự trong sáng, thực sự vì sự ổn định, phát triển của đất nước, quân đội thì không thiếu gì con đường để phê bình, góp ý cho đồng chí, đồng đội của mình. Việc làm của người viết đơn thư tố cáo giấu tên và mạo tên là rất xấu, gây ra sự nghi kỵ trong nội bộ, trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và làm cho khối đoàn kết của đơn vị rạn nứt. Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ những việc làm đầy mờ ám đó.
Để ngăn chặn việc làm xấu này, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta cần phải giáo dục, làm cho mọi người, từ chiến sĩ đến cán bộ cấp cao, người dân cho đến các cấp lãnh đạo phải có nhận thức đúng đắn. Đối với tổ chức, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nội bộ, không để cho những con người xấu, những kẻ xấu làm những việc xấu, lén lút, làm suy yếu khối đoàn kết của Đảng, Nhà nước và của quân đội chúng ta. Phải xây dựng và phát huy dân chủ trong tự phê bình và phê bình, nâng cao sức mạnh, sự đoàn kết chân thành vì sự tiến bộ, phát triển của xã hội và quân đội.
Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Không thể chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật, thiếu nhân cách
Lần trước, tôi đã trả lời Báo Quân đội nhân dân về việc mạo danh. Tôi thấy việc mạo danh đó là rất bậy bạ và phiền phức, nhất là từ chuyện tôi bị mạo danh viết đơn tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Tôi đã báo cho anh em biết để tìm kẻ nào mạo danh thì bây giờ nó lại mạo danh cái khác, lấy danh nghĩa của mình. Tôi rất bức xúc. Lợi dụng như thế là vi phạm về pháp luật. Tôi cho là thiếu nhân cách.
 

Tại sao lại phải mượn danh nghĩa của người khác? Tôi đã công khai trên báo khẳng định đó là mạo danh. Tôi thật ra là không tán thành thành lập cái tổ chức mới. Nhiều tổ chức nó lợi dụng gây rối nên tôi đã góp ý với một số anh là không nên, mình không đủ tư cách lập ra hội, nhóm. Bây giờ, trước những việc sai trái trong xã hội, một số cựu chiến binh các anh ấy nóng nảy và quá khích, có những lúc phê phán hơi quá đà. Tôi cũng thấy các anh ấy lợi dụng chỗ này: Mình là người lớn tuổi, hoạt động trong quân đội lâu năm mà cũng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như vậy tiếng nói có thể ảnh hưởng nhất định nên họ muốn tôi có thể phát biểu chỗ này chỗ khác nhưng tôi không phát biểu.
LƯU BÌNH NHƯỠNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:  Đã đến lúc phải xử lý thích đáng
Báo Quân đội nhân dân đã đề cập đúng, trúng một thực trạng xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhiều "trò lố" diễn ra trên mạng xã hội như vu khống, lăng mạ cơ quan công quyền; giả mạo các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội để nói xấu Đảng, Nhà nước, quân đội… khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Đã đến lúc hành vi này phải bị pháp luật xử lý.
Bôi nhọ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là vi phạm quyền con người. Những người bôi nhọ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống (theo Quy định tại Điều 121 và Điều 122, Bộ luật Hình sự), mức phạt có thể lên đến 3 năm hoặc 7 năm tù.
 
Cái khó của chúng ta hiện nay là không thể truy quét được tận gốc các phần tử ấy bởi các thông tin tiêu cực, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, chống phá chủ yếu thông qua các trang mạng từ nước ngoài. Chính vì vậy, các cơ quan điều tra phải dùng những biện pháp nghiệp vụ để làm rõ hành vi và có biện pháp nghiêm trị thích đáng. Bên cạnh đó, việc xử lý các đối tượng này phải căn cứ trên các chế tài sẵn có (về dân sự, hình sự) do đúng cơ quan có thẩm quyền xử lý, nếu không rất có thể sẽ gây tác dụng ngược bởi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn chống phá Nhà nước ta bằng nhiều hình thức tinh vi.  
Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên cập nhật, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu biết, tránh mắc mưu thâm độc của kẻ xấu. Từ đó kêu gọi người sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác hơn với những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để bản thân bị lợi dụng, lôi kéo...
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Quân đội ta luôn và sẽ mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Tôi hoan nghênh vệt bài đấu tranh với hiện tượng giả danh, mạo danh quân đội. Cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc về vấn đề này để bạn đọc hiểu rõ đây là một thủ đoạn nhằm bôi đen hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, chia rẽ quân đội với nhân dân, quân đội với Đảng và chia rẽ nội bộ quân đội... Nhưng chúng ta cũng cần nhận thức rằng, cho dù quân đội của chúng ta có làm tốt đến mấy đi chăng nữa thì các thế lực vẫn cứ tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu. Báo chí nói chung, báo chí quân đội nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu của đất nước và quân đội. Thành tựu của Đảng, của quân đội, của nhân dân là rất to lớn, còn những khuyết điểm, hạn chế, kể cả những biểu hiện suy thoái, những hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xảy ra thời gian qua là những khuyết điểm khó tránh khỏi của quá trình phát triển. Chúng ta cũng cần có cách tuyên truyền những thành tích, những tấm gương vì nước, vì dân của các đồng chí lãnh đạo, các vị tướng lĩnh hiện nay để nhân dân hiểu rõ hơn về đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, của quân đội.
 
Báo chí cũng cần lên tiếng bảo vệ các đồng chí bị mạo danh. Trên Báo Quân đội nhân dân, có lần tôi đã thấy các đồng chí bị mạo danh lên tiếng, điều đó rất cần thiết. Các thủ đoạn thêm thắt hay núp danh tướng lĩnh bây giờ khá nhiều, cần thường xuyên chỉ rõ thủ đoạn đó.
Từ xưa đến nay, cán bộ, chiến sĩ quân đội đều là con em của nhân dân mà ra. Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình vẫn luôn được coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức, lý tưởng cách mạng. Tôi thấy những năm gần đây, quân đội thể hiện rất rõ điều này, làm được nhiều việc rất to lớn và rất tốt. Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, quân đội còn đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đặc biệt trong phòng, chống thiên tai, lũ lụt. Đọc báo, xem ti vi, tôi rất xúc động khi thấy người dân vùng lũ khi gặp bộ đội đến cứu trợ thì kêu lên “sống rồi”. Nên tuyên truyền mạnh về điều này, bản chất nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ thể hiện rất rõ nét và đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quân đội ta luôn và sẽ mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, đội quân anh hùng của dân tộc anh hùng.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Phát huy hàng triệu tai, mắt nhân dân 
Đã từ lâu, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là một trong những giá trị và biểu trưng văn hóa cao đẹp trong lòng nhân dân. Vì vậy, những hiện tượng giả danh, giả mạo hình ảnh sĩ quan quân đội để làm những việc khuất tất, tiêu cực, lừa dối nhân dân đã làm tổn hại nghiêm trọng đến biểu tượng văn hóa của quân đội. Việc Báo Quân đội nhân dân có vệt bài phản ánh vấn đề này theo tôi rất thiết thực.
 
Theo tôi, để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, cùng với việc làm tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tiếp tục khẳng định những giá trị cao đẹp và làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ “ăn sâu bén rễ” vào tình cảm, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, chúng ta cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quân đội như bảo vệ an ninh, quân báo, cảnh vệ, kiểm soát quân sự, dân vận… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng giả danh, giả mạo hình ảnh sĩ quan quân đội hòng làm những việc mờ ám, lệch lạc. Mặt khác, cần tăng cường công tác dân vận, dựa vào quần chúng, phát huy hàng triệu tai, mắt của nhân dân để động viên người dân cùng tham gia đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện sai trái làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh quân đội.
Chúng ta cũng cần đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch rõ, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc của kẻ xấu. Những kẻ lợi dụng vị thế, uy tín của các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu để làm đơn thư nặc danh tố cáo nhằm chia rẽ nội bộ quân đội là hành vi “gắp lửa bỏ tay người” rất hèn mạt, đê tiện, nên cần phải nghiêm khắc phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật. 
NGUYỄN KHẮC TIẾP, cán bộ lão thành, phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dânKhông thể xuyên tạc công tác cán bộ của quân đội
Tôi rất đồng tình, hoan nghênh với những nội dung Báo Quân đội nhân dân đề cập, phản bác thủ đoạn mạo danh, nói xấu lãnh đạo quân đội. Song tôi cho rằng, cần làm rõ, phản bác thủ đoạn xuyên tạc về công tác cán bộ. Những thông tin bịa đặt, tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng của các thế lực thù địch vừa qua là hoàn toàn vô lý.
 
Trước đây trong chiến tranh, một nhà chính trị có thể làm nhà quân sự và một nhà quân sự vẫn có thể là một người làm chính trị. Cán bộ chính trị cũng kinh qua chiến đấu và khi cần vẫn có thể là một nhà quân sự giỏi. Người lãnh đạo trên cương vị cao nhất của Bộ Quốc phòng luôn là người có tầm chiến lược cao, hiểu biết sâu rộng mới có thể làm được. Đối với những thông tin nói xấu lãnh đạo quân đội như vừa qua thể hiện họ là những người có tầm nhìn ngắn, không hiểu biết. Bạn đọc cần phải cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn đó. 
TS PHẠM ĐÀO THỊNH, Trường Đại học Sài Gòn: Tạo môi trường thông tin để người bị mạo danh phản bác
Là một cựu chiến binh, tôi vô cùng bức xúc trước vấn nạn giả danh quân đội và cán bộ quân đội thực hiện các hành vi phạm pháp. Nếu như trước đây, hành vi giả danh thường diễn ra vì mục đích lừa đảo, trục lợi kinh tế thì những năm gần đây, những đối tượng giả danh dưới sự tiếp tay của các thế lực thù địch, phản động đã triệt để tận dụng truyền thông, mạng xã hội, gia tăng các hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, chống phá chế độ, phá hoại đất nước, dưới những chiêu bài rất tinh vi.
 
Với cách ngụy tạo chứng cứ theo kiểu giả mà như thật, công chúng rất dễ tin vào những luận điệu của bọn phản động tạo ra, nếu chúng ta không kịp thời phản bác một cách thuyết phục. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý thông tin của chúng ta vẫn còn thụ động. Nhiều trường hợp chúng ta xử lý quá chậm.
Một trong những giải pháp quan trọng là chính những người bị giả danh, mạo danh cần sớm lên tiếng phản bác. Điều này rất cần sự vào cuộc của hệ thống báo chí truyền thông chính thống và sự nhạy bén trong chỉ đạo của hệ thống ban tuyên giáo các cấp. Khi có sự định hướng dư luận kịp thời, nhanh nhạy, với những bằng chứng xác thực, chúng ta sẽ đập tan những luận điệu xuyên tạc. Cũng cần tăng nặng các hình thức xử lý đối với những đối tượng mạo danh…

 

Bài 2: Xử lý nghiêm minh cả về đạo lý và pháp lý

 18/12/2017 22:46

Nạn giả danh, mạo danh quân đội để lừa đảo và xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ, kích động thực hiện “diễn biến hòa bình” đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nguy hiểm đối với đời sống xã hội. Những âm mưu đen tối đó cần được xử lý nghiêm minh ở cả góc độ pháp lý và đạo lý...

Đánh vào niềm tin, gây hậu quả khôn lường
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, ông đã chứng kiến, trong chiến tranh, giữa chiến trường chống Mỹ, kẻ thù cũng từng tung tin vị tư lệnh A, B đầu hàng, sợ giặc hay đủ thói hư tật xấu để gây hoang mang trong bộ đội, không chắc tay súng. Nhưng lúc đó có kỷ luật chiến trường, toàn quân một ý chí, âm mưu của địch luôn bị thất bại. Nay giữa thời bình, nhưng giữa ma trận xa lộ thông tin và mặt trái của cơ chế thị trường, thông tin xấu tác động vô cùng nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi thông tin ấy có thể ban đầu tán phát từ nội bộ, rồi được kẻ xấu đơm đặt, tô vẽ tung lên internet. Các thế lực thù địch có được những thông tin ấy như đám kền kền lao vào xâu xé, biến thành những quả nổ kích động, gây hậu quả khôn lường. Những luận điệu xuyên tạc vai trò của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, vu khống, bịa đặt thông tin về tình hình biển đảo, quân đội làm kinh tế... là không thể chấp nhận khi mà chính trong thời điểm chúng tung ra những bài viết, clip với nội dung xuyên tạc thì phát biểu chủ trì tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên cuối năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đánh giá Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng năm 2017 có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Đảng bộ Quân đội, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nổi bật là đã tích cực, chủ động kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách lớn, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quân sự, quốc phòng, đồng thời triển khai xử lý hiệu quả các tình huống; tổ chức thành công các cuộc diễn tập; phối hợp phục vụ và bảo đảm an toàn Hội nghị APEC năm 2017; kiên quyết chấn chỉnh tổ chức biên chế quân đội; triển khai Đề án "Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội đến năm 2020"...
Ảnh minh họa. 
Biết bao cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng nơi biên thùy hay những chiến sĩ không quân, bộ binh, pháo binh... đang miệt mài trên bãi tập hẳn cũng sẽ thấy bị xúc phạm trước những thông tin xuyên tạc về lãnh đạo, chỉ huy, khi mà họ đã và đang nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cho nên, thủ đoạn mạo danh, giả danh để xuyên tạc, chống phá đã và đang không chỉ gieo rắc những mâu thuẫn, nghi kỵ trong nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước, xâm hại uy tín, danh dự cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cả các tổ chức. Nó còn có thể làm suy giảm niềm tin, danh dự, sức mạnh chiến đấu của cả lực lượng, cả tổ chức, thậm chí gây ra sự bất an trong cộng đồng.
Xử lý mạnh tay hơn nữa về pháp luật
Để đẩy lùi những hiện tượng trên, cần phải kịp thời phân tích, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, thấy rõ được hậu quả, tính chất nguy hiểm của mỗi hành vi mạo danh, giả danh và có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết.
Về mặt pháp luật, hiện nay chúng ta đã có nhiều quy định cụ thể đối với loại tội phạm giả danh, mạo danh. Theo luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội), Điều 265, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc cho thấy, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, gây mất uy tín của cơ quan Nhà nước, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. Người phạm tội có hành vi giả mạo cấp bậc hoặc chức vụ, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu…). Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Tội phạm này không cần dấu hiệu hậu quả. Điều luật này quy định hai hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ quy định hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng".
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị truy cứu theo Điều 121, Bộ Luật hình sự về tội làm nhục người khác, hình phạt tối đa đến 3 năm tù; hoặc Điều 226, Bộ luật Hình sự “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo hình phạt tối đa đến 7 năm tù. Với những hành vi giả mạo liên quan đến các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì còn có thể bị xử lý theo các điều khoản khác, với khung hình phạt nặng hơn.
Song trên thực tế, thời gian qua, nhiều đối tượng giả danh, mạo danh liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia chưa được xử lý nghiêm minh, dẫn đến có dấu hiệu nhờn luật; nhất là với những đối tượng sử dụng internet để “ném đá giấu tay”.
Dư luận cho rằng, để đẩy lùi hiện tượng trên, phải có những quy định chặt chẽ hơn, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đề ra các chế tài nghiêm khắc hơn, khung hình phạt cao hơn. Việc xét xử các đối tượng vi phạm cần được thực hiện tại các phiên tòa công khai, lưu động để mang tính giáo dục, răn đe rộng rãi trong xã hội. Cần phải có chế tài chặt chẽ buộc đối tượng vi phạm phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại đối với không chỉ người bị xuyên tạc, vu khống trong các đơn thư tố cáo mạo danh mà phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại đối với cả cá nhân, tổ chức bị mạo danh.
Lên án nghiêm khắc những hành vi trái đạo lý 
Thông tin xuyên tạc, bịa đặt có thể gây ra những tác động ghê gớm đối với đời sống mỗi cá nhân và xã hội. Trò chuyện với phóng viên, có vị tướng nghỉ hưu từng là lãnh đạo một quân khu kể lại câu chuyện có đồng chí chính ủy bị suy sụp, nhũn não và qua đời vì những thông tin tiêu cực tác động ghê gớm đến bản thân.
Chị Mạc Thu Hương, Bí thư chi bộ khu phố nơi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh hoạt cũng cho biết, thông tin kẻ xấu mạo danh ông tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng không chỉ khiến bản thân ông bức xúc mà rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu phố và cả bạn bè, đồng đội của chị ở trong nước và nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm. Bởi đã từ lâu, những vị tướng sinh hoạt tại chi bộ luôn là tấm gương mẫu mực, là cây cao bóng cả và chi bộ là điển hình làm tốt sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Mọi người cũng luôn tin tưởng, trân trọng tài năng, đức độ của các vị tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng thời gian qua. Vì thế, chị Hương cho rằng, với những kẻ mạo danh, giả danh đê hèn, “gắp lửa bỏ tay người” như vậy, cộng đồng phải kiên quyết đấu tranh, lên án.
Một danh nhân đã viết: "Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng, song khi cộng đồng lên tiếng đấu tranh với sự dối trá đó thì chắc chắn sẽ không ai tin kẻ dối trá đó nữa".
Không khó để nhận ra rằng, trong những đơn thư, bài viết mà những kẻ mạo danh núp bóng tố cáo nhằm chia rẽ nội bộ, ít nhiều có những thông tin có thể bị lộ, lọt từ chính một số cá nhân, tổ chức. Có thể do vô tình hay cố ý, những người để thông tin bị tán phát ban đầu chỉ do mục đích cá nhân, nhưng đã không lường trước tác hại nghiêm trọng của nó khi gặp những đối tượng phản động từ bên ngoài lắp thêm “liều phóng”.  Để rồi, từ những nội dung không nhằm xây dựng mà nhằm chia rẽ, đấu đá nội bộ, vấn đề được “chuyển hóa” thành những câu chuyện chống phá thể chế, ý thức hệ, chống phá Đảng, Nhà nước.
Ở một đơn vị đoàn thể Trung ương gần đây xảy ra chuyện người đứng đơn tố cáo lãnh đạo xưng là cựu chiến binh, nhưng qua xác minh không có ai tên như vậy và nội dung lá đơn chỉ nhằm hạ bệ lãnh đạo vì hiểu biết rất rõ mọi việc nội bộ. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi lá đơn mạo danh trên do một người có chức có quyền, thậm chí trong nội bộ đơn vị đứng ra viết sau đó ký tên giả. Nếu để những con người này đạt được mục đích đấu đá nội bộ và lên cao thì không thể chấp nhận. Nếu nội bộ có biểu hiện tiêu cực thì phải thẳng thắn đấu tranh phê bình, góp ý cho đồng chí mình. Chỉ có những kẻ đê hèn, động cơ đen tối mới “ném đá giấu tay” làm đơn mạo danh như vậy.
Mỗi cấp ủy Đảng và toàn xã hội không chỉ lên án mà rất cần cảnh giác, đấu tranh và xử lý nghiêm minh với hiện tượng này. Nó cũng là một biểu hiện của hiện tượng “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra, song hiện tượng xấu này lại có thể là bạn song hành, tiếp tay cho các thế lực đang mưu toan “diễn biến hòa bình”.
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH

 

Bài 1: Nhiều chiêu trò mạo danh, giả danh nguy hiểm

18/12/2017 00:05

Thời gian gần đây, hiện tượng giả danh, mạo danh cán bộ, tướng lĩnh quân đội để lừa đảo và tán phát thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội có xu hướng gia tăng.

Thủ đoạn của những người có dụng ý xấu là tập trung vào một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước theo kiểu “bổn cũ soạn lại”, “trâu lấm vẩy bùn”. Đã đến lúc, những hành vi nguy hiểm, đê hèn, vi phạm cả đạo lý và pháp lý phải được làm rõ và bị nghiêm trị. 
Từ giả danh để lừa đảo, phá hoại...
Các cán bộ Cục Bảo vệ an ninh quân đội (Tổng cục Chính trị) vừa điều tra vụ việc T.V.H - một nam thanh niên sinh năm 1982, không nghề nghiệp ở huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) nhưng thường xuyên mặc quân phục, giả danh là trung tá công tác tại Bộ Tổng Tham mưu để lừa đảo. Đối tượng này đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng và còn lừa gạt tình cảm của nhiều phụ nữ nghèo khổ thông qua thủ đoạn giúp đỡ xin việc làm vào các doanh nghiệp quân đội.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tiếp xúc với một số nạn nhân là các cô gái trẻ. Họ đều nói trong nước mắt rằng, vì luôn tin cậy, yêu mến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nên đã dễ dàng bị lừa. Sự việc không chỉ khiến những người mất tiền đau xót mà lớn hơn, cùng với họ, còn nhiều nạn nhân khác mất tiền mà chưa biết sự thật nên đã thất vọng, đánh mất niềm tin vào một lực lượng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Do đó, họ đều kiến nghị phải làm rõ, xử lý thật nghiêm minh kẻ giả danh.
Ảnh minh họa: Báo Tin tức. 
Đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội cho biết, xuất phát từ chỗ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng luôn được nhân dân yêu mến nên từ lâu, đã xảy ra hiện tượng mạo danh, giả danh bộ đội để lừa đảo, trục lợi. Những năm gần đây, trong bối cảnh tác động của mặt trái kinh tế thị trường, những hiện tượng này có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng xấu tới an ninh kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tìm hiểu tại Phòng Tham mưu an ninh (Cục Bảo vệ an ninh quân đội), chúng tôi được Thượng tá Đào Văn Nam, Trưởng phòng, cung cấp thêm nhiều thông tin về các vụ việc giả danh, mạo danh quân đội. Có nhiều trường hợp các đối tượng giả danh là con, cháu, người thân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng... để lừa đảo thông qua các chiêu bài chạy dự án, xin việc. Có trường hợp, mặc dù Bộ Quốc phòng không có trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm nhưng một phụ nữ vẫn mặc quân phục, tự xưng là giám đốc trung tâm để thu tiền giúp người dân đi xuất khẩu lao động. Có một số đối tượng thường xuyên “chém gió”, thậm chí làm thẻ sĩ quan giả là cán bộ Tổng cục Tình báo, con cháu các lãnh đạo rồi lừa dối người dân, chiếm đoạt tài sản. Điển hình phải kể đến đối tượng H.V.B mạo danh cán bộ doanh nghiệp Bộ Tổng Tham mưu, cấp dưới của người nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng rồi làm công văn giả, con dấu giả quân đội để lừa đảo xin dự án.
Mặc dù những vụ việc trên đều sớm bị phát hiện, xử lý nghiêm minh nhưng không chỉ ảnh hưởng lớn đến an ninh kinh tế-xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội ta.
Đến mạo danh gắn với những mưu đồ chính trị đen tối
Như thường lệ, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hằng năm, các thế lực thù địch, phản động lại tung những “tin sốc” để bịa đặt, xuyên tạc, nói xấu quân đội.
Những ngày vừa qua xuất hiện không ít những bài viết “bổn cũ soạn lại” bằng thủ đoạn đê hèn, ném đá giấu tay, mạo danh các cựu quân nhân, “tướng trận mạc nghỉ hưu” lên tiếng, tố cáo... lãnh đạo Bộ Quốc phòng với những thông tin bịa đặt, gán ghép vô căn cứ. Đây là thủ đoạn không mới, đã được chúng sử dụng nhiều lần trong những năm gần đây. Chúng thường lợi dụng hình ảnh các vị tướng có tên tuổi, uy tín, thường xuyên có những phát biểu mạnh mẽ trước nghị trường, công luận... để đơm đặt thông tin. Song với bản lĩnh chính trị kiên trung, các vị tướng đều nhanh chóng lên tiếng phản bác các âm mưu đen tối đó.
Có thể dẫn lại nhiều sự việc như kẻ xấu tung lên internet một lá thư mang tên Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có nội dung nói xấu một số tổ chức và lãnh đạo nhưng ngay sau đó Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã có thư chính thức gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội bác bỏ thông tin và đề nghị làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những kẻ mạo danh. Kẻ xấu cũng nhiều lần mạo danh Trung tướng Nguyễn Quốc Thước song ông kịch liệt phản đối, khẳng định không bao giờ gửi đơn thư tố cáo. Cuối năm 2016, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị cũng bị kẻ xấu mạo danh tung ra bức thư tố cáo nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhưng ông đã lên tiếng cho biết không hề liên quan đến bức thư cũng như không nắm được các nhân sự, nội dung sự việc như trong đơn vì nghỉ hưu đã lâu.
Từ đầu năm đến nay, kẻ xấu lại nhiều lần mạo danh Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trung tướng Phùng Khắc Đăng... gửi đơn thư tố cáo lãnh đạo quân đội. Thủ đoạn của chúng hết sức nham hiểm, những lá thư, lá đơn bậy bạ chỉ là cái cớ. Sau khi được tán phát, ngay lập tức hàng loạt trang mạng, thậm chí cả các đài báo nước ngoài vội vàng đăng tải các bài viết với những lời lẽ như “thông tin chưa được kiểm chứng”, “đăng tải với sự dè dặt” nhưng nội dung thì hết sức tiêu cực, phản động.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một nạn nhân của việc bị mạo danh để tán phát đơn thư bịa đặt tố cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng tỏ ra hết sức bất bình, phẫn nộ: “Tôi không sử dụng internet, không bao giờ viết bất kỳ đơn thư khiếu kiện, tố cáo ai thì làm gì có chuyện tôi gửi đơn cho các trang mạng. Họ mạo danh một cách trắng trợn. Nội dung đơn thư tôi hoàn toàn không biết, không liên quan, không nắm được, chữ ký trong đơn cũng không phải là chữ ký của tôi. Đây không phải lần đầu kẻ xấu mạo danh tôi trong các đơn tố cáo, thỉnh nguyện. Âm mưu mạo danh cán bộ, tướng lĩnh nghỉ hưu để tán phát đơn thư bịa đặt là hết sức nguy hiểm. Tôi hết sức bức xúc và kịch liệt phản đối những hành vi này. Đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng mạo danh tôi, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân tôi cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội”. 
Vậy mà không dừng ở đó, làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân gần đây, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết, kẻ xấu tiếp tục bịa đặt rằng ông đã tham gia một nhóm, hội khác phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và đang hướng tới vận động thành lập một tổ chức mới. Ông hết sức bất bình trước sự mạo danh trắng trợn này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong không ít trường hợp, chiêu trò mạo danh đều gắn với những cuộc “vận động”, những đợt kêu gọi đưa ra các “thỉnh nguyện”, “tuyên bố” của những cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự”. Và để xây dựng được các ngọn cờ, các nhân vật là hạt nhân có uy tín lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin khác, các đối tượng thường mạo danh, tùy tiện đề thêm tên một số tướng lĩnh, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu vào các chương trình của họ, cho dù những người này hoàn toàn không tham gia trên thực tế. Chiêu trò này hết sức nguy hiểm vì nó gắn liền với những âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, với những mưu đồ chính trị đen tối. Chúng không chỉ nhằm hạ thấp danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân; gây chia rẽ trong nội bộ quân đội mà xa hơn còn hướng tới kích động cán bộ, chiến sĩ “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, gắn với âm mưu hình thành, xây dựng các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức chính trị đối lập, phản động...

CÔNG MINH-NGUYÊN MINH
(Còn nữa)