Sự phản động, thù địch của một nhóm người có ảnh hưởng trên không gian mạng

Thứ hai, 23/09/2024 - 06:01

Sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) với khả năng tùy biến, cá nhân hóa và tốc độ truyền tin ngày càng cao mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho cộng đồng. Tuy vậy, với mục đích và ý đồ xấu, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng điều này để xây dựng một thế lực ảo-KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng. Với khả năng dẫn dắt tư tưởng một bộ phận cộng đồng mạng, KOLs thù địch, phản động tìm mọi cách điều hướng dư luận, gieo rắc tư tưởng độc hại nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta.

“Lính đánh thuê” trên không gian mạng

KOLs (Key Opinion Leaders)-được hiểu là những người có ảnh hưởng lên một bộ phận nhất định trong cộng đồng mạng. Thông qua các ứng dụng như Facebook, YouTube, TikTok... KOLs xây dựng và sở hữu một kênh riêng như "cơ quan truyền thông" cá nhân, thu hút lượng lớn người theo dõi và ủng hộ, qua đó có thể chi phối, điều hướng dư luận trên không gian mạng, tạo ra các tác động ở những chiều cạnh khác nhau, với những mức độ, phạm vi khác nhau đối với cộng đồng và xã hội.

Sự phản động, thù địch của một nhóm người có ảnh hưởng trên không gian mạng

Một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng MXH để xây dựng một thế lực ảo-các KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng. Ảnh minh họa: sotttt.sonla.gov.vn

Hiện nay, KOLs có thể được chia thành 3 nhóm chính: Những người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, bao gồm các chính khách, nhà khoa học, nhà báo, doanh nhân, văn nghệ sĩ...; những người hoạt động sáng tạo trên không gian mạng, thu hút nhiều người quan tâm, theo dõi nhờ bản sắc riêng của cá nhân, không phân biệt địa vị, ngành nghề, trình độ chuyên môn; những người có khả năng tạo ra ảnh hưởng gián tiếp thông qua quản lý các kênh truyền thông có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng, sở hữu năng lực kỹ thuật ảnh hưởng đến hoạt động của người khác trên không gian mạng.

Bên cạnh KOLs hoạt động lành mạnh, có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng mạng và đời sống xã hội, xuất hiện một bộ phận KOL lạm dụng quyền lực MXH, sa vào “truyền thông bẩn”, “câu view” để kiếm tiền, đánh bóng bản thân. Thậm chí, có một bộ phận thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, mang tư tưởng thù địch, bị các thế lực xấu lợi dụng, dung túng với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam-đó chính là KOLs thù địch, phản động.

KOLs thù địch, phản động khác với KOLs thông thường cả về bản chất, quá trình hình thành lẫn nội dung, phương thức và mục đích hoạt động. Xét về bản chất, KOLs thù địch, phản động là đối tượng có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc, cần phải đấu tranh loại bỏ. Những đối tượng này luôn được hậu thuẫn, giúp sức cả về vật chất, tinh thần bởi các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Đối với KOLs thù địch, phản động, mục tiêu “dân chủ”, “nhân quyền”... không phải là lý tưởng cần thực hiện mà chỉ là chiêu bài, phương thức trục lợi. Nói cách khác, thực chất, họ là tay sai, những “con rối”, “lính đánh thuê” trên không gian mạng của các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong nước ngoài, của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Quá trình trở thành KOLs thù địch, phản động thường theo một mô-típ là: Từ bất mãn khi không đạt được mục đích vị kỷ của cá nhân hoặc do sa đọa, vi phạm pháp luật đến thể hiện quan điểm chống phá chính quyền trên không gian mạng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, các tổ chức phản động và cơ quan truyền thông thiếu thiện chí ở nước ngoài hà hơi tiếp sức, cuối cùng, được “tuyển mộ” vào các tổ chức phản động, điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng. Có thể kể đến một số KOL có tư tưởng thù địch, phản động như: Trương Quốc Huy, Lê Văn Thương, Đường Văn Thái... 

Về nội dung, KOLs thù địch, phản động không “sáng tạo nội dung số” lành mạnh như KOLs chân chính, mà lấy thông tin sai trái, bịa đặt, phản động để thu hút nhiều người theo dõi, coi đó là phương thức sinh tồn, vừa nhằm đạt mục đích “đấu tranh”, vừa kiếm tiền từ quảng cáo, sự ủng hộ của hội viên kênh... trên các nền tảng MXH. Họ tập trung lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử và tình hình đất nước Việt Nam; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới; khoét sâu vào những “khoảng trống thông tin” trước, trong và sau các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để tung tin hỏa mù, hướng lái, dẫn dắt dư luận, tấn công, tác động vào sự hiếu kỳ của công chúng, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội.

Về phương thức hoạt động, KOLs thù địch, phản động ngày một tinh vi, xảo quyệt hơn khi được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp; biết triệt để lợi dụng những ưu thế của MXH (phát trực tiếp, không cần qua quy trình xuất bản) và hoạt động ngày càng có tổ chức, có sự phối hợp, hỗ trợ nhau chặt chẽ. Chúng biết khai thác nhiều chủ đề chính trị-xã hội mà đông đảo người dân quan tâm, đưa ra những mục tiêu rất cao cả và gắn liền với lợi ích của người dân để thu hút dư luận. Kết hợp cập nhật tin bài về tình hình thời sự trong nước, song tiếp cận theo hướng có tính đả phá, kích động với tổ chức các “chiến dịch” quy mô lớn gắn với các sự kiện, các vụ việc phức tạp trong nước.

Chúng cũng triệt để tận dụng các nguồn lực trên không gian mạng để xây dựng kênh ngoại vi, kênh “sạch” nhằm duy trì nguồn doanh thu ổn định. Đồng thời, thực hiện “tẩy trắng” kênh, tái sử dụng nội dung video, móc nối với các đối tượng trong nước để chuyển nhượng, tái sử dụng kênh để hoạt động không bị gián đoạn khi bị cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, chúng cũng áp dụng các phương thức kỹ thuật để lách thuật toán kiểm soát của các MXH cũng như tăng đề xuất, tương tác đến người dùng, nhằm tán phát rộng hơn, nhanh hơn các thông tin sai trái, thù địch, phản động.

Vật chủ mang virus độc hại

Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1-2023, Việt Nam có 77 triệu người dùng MXH, trong đó, người dùng Facebook là hơn 66 triệu người, YouTube là 63 triệu người, TikTok gần 50 triệu người. Sự phát triển mạnh mẽ của internet với sự tham gia MXH ngày càng đông đảo của công chúng trong nước đã và đang được KOLs thù địch, phản động triệt để lợi dụng để tán phát thông tin xấu độc. Đơn cử đối tượng Trương Quốc Huy-một KOL thù địch, phản động cộm cán đang sở hữu kênh YouTube N10TV với 1,54 triệu người đăng ký; đã xuất bản 4.008 video có thông tin sai trái, thù địch; có tổng hơn 1,2 tỷ lượt xem.

Trương Quốc Huy cũng sở hữu trang cá nhân Facebook với hơn 130.000 người theo dõi; trang TikTok hơn 10.000 người theo dõi. Với lượng người theo dõi lớn, Trương Quốc Huy thường tán phát thông tin sai trái, thù địch, phản động rộng rãi trong cộng đồng mạng. Đáng ngại hơn, sự tung hô, giúp sức của KOLs thù địch, phản động khác ở trong và ngoài nước; của các hãng truyền thông thiếu thiện chí và các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài, các video, clip, bài viết... của Trương Quốc Huy luôn được đồng loạt chia sẻ, tái sử dụng, tán phát, khiến cho lượng truy cập tăng lên nhiều.

Thực tế trên cho thấy, KOLs thù địch, phản động là mối nguy hại thường xuyên đối với Việt Nam. Hiện nay, với sự xuất hiện của KOLs có tầm tác động, ảnh hưởng lớn trên MXH với nhiều bài đăng nhằm mục đích đả phá, kích động, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước “đã tạo nên những xu hướng thông tin dẫn dắt cộng đồng mạng”, nhất là trong các vụ việc lớn, phức tạp, như: Vạn Thịnh Phát-SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á...

Tính chất nguy hại của KOLs thù địch, phản động còn thể hiện ở chỗ họ thi hành “mệnh lệnh” của các “ông chủ” ở nước ngoài với mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. KOLs thù địch, phản động-với bản chất là “lính đánh thuê”-không ngần ngại trở thành những vật chủ mang virus độc hại, đã và đang ngày đêm tán phát, lây lan trên MXH, từng bước gặm nhấm niềm tin của công chúng, của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những virus độc hại này trực tiếp tấn công vào nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phá hoại quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước; gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi, bức xúc trong nhân dân, kích động cái gọi là “biểu tình trong tâm thức”, “vượt biên trong tư tưởng” trong cộng đồng mạng như bước chuẩn bị cho một cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, hoạt động chống phá của KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng rất phức tạp, với những thủ đoạn, phương thức rất tinh vi và liên tục thay đổi theo tình hình thực tế. Chính vì vậy, các chủ thể, lực lượng, trực tiếp là các cơ quan chức năng cần nhận diện chính xác, phân loại rõ mức độ, tính chất nguy hại, phương thức hoạt động... của từng KOL thù địch, phản động để vạch trần âm mưu, bản chất thâm độc của họ.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi chúng ta cần nâng cao khả năng tự phòng, chống, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, nhất là trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng, nhà trường cũng như các cơ quan báo chí tiếp tục chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng đắn giá trị và bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, xây dựng bản lĩnh, niềm tin vững chắc vào chế độ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chọn.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN NAM và Trung tá, TS LƯƠNG THANH DUY (Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Lục quân 1) 

Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc, bôi lem chính sách đặc xá

Thứ Hai, 23/09/2024, 08:19

Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Với chính sách đặc xá, Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng. Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc công tác đặc xá.

Theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, Nhà nước ta sẽ tiến hành đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân có đủ điều kiện vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đến nay, công tác đặc xá đang được các cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc và chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch đã tung ra vô số thông tin sai trái, độc hại xung quanh công tác này.

Lợi dụng quá trình xét đặc xá, các đối tượng xấu đã lèo lái dư luận, móc nối với hoạt động phạm tội của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để công kích Đảng, Nhà nước ta. Chúng rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử với các “tù nhân lương tâm” trong đặc xá”; “cứ nộp tiền sẽ được đặc xá”; “công lý không giành cho dân nghèo”; “đặc xá chỉ là trò mị dân”; “Nhà nước diễn kịch trong xét đặc xá cho phạm nhân”… Từ một chính sách nhân văn, nhân đạo, qua lăng kính nhìn nhận của các đối tượng khoác áo dân chủ, nhân quyền, công tác đặc xá đã bị bóp méo, bôi lem, tạo ra gam màu tiêu cực, bôi xấu Đảng, Nhà nước, chế độ.

Trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, cho rằng đặc xá chỉ là “diễn kịch”, “trò hề”, thậm chí xuyên tạc Nhà nước Việt Nam “cưỡng bức đặc xá”. Các đối tượng dựa vào những thông tin sai trái trên mạng xã hội rồi mặc nhiên quy kết, Nhà nước Việt Nam áp dụng hình thức “cưỡng bức đặc xá”! Các đối tượng quy kết những phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, bị kết án tù về các tội như “tội thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của  tổ chức, cá nhân”… để gán ghép thành “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, từ đó đưa ra yêu sách đòi Nhà nước phải đặc xá, tha tù “vô điều kiện” cho các phạm nhân này.

Đặc xá là một trong những chế định pháp lý quan trọng, được quy định trong Hiến pháp và đồng thời được thể chế hoá tại Luật Đặc xá cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong 15 năm qua, với 9 đợt đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định tha tù trước thời hạn cho hơn 92.000 phạm nhân có kết quả học tập, cải tạo, lao động tốt. Nhiều trường hợp sau khi được đặc xá trở về với gia đình đã tích cực tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; trở thành hạt nhân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Sau khi Chủ tịch nước ký ban hành Quyết định về đặc xá năm 2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp báo công bố công khai quyết định này. Để bảo đảm công tác đặc xá được thực hiện dân chủ, công bằng, khách quan, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Ngày 2/8/2024, thay mặt Hội đồng tư vấn đặc xá, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX về việc triển khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024. Tiếp đó, ngày 7/8/2024, Chính phủ ban hành Công điện số 76/CÐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024. Đây là những căn cứ quan trọng để công tác đặc xá được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, để tăng cường tính công khai, minh bạch trong xét đặc xá, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác đặc xá để người dân và các can phạm hiểu, tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và người nhà cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội đối với hoạt động của cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Đến nay, công tác đặc xá được các cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng thủ tục, điều kiện. Khi xét đặc xá, tất cả phạm nhân được xem xét một cách bình đẳng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội trước khi bị kết án. Nguyên tắc cao nhất khi xét đặc xá là thượng tôn pháp luật. Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện; không đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện; không cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá; nghiêm cấm việc đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá…

Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với phạm nhân; thể hiện sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; mở ra cơ hội mới đối với những người đã từng lầm lỡ, lạc đường nay đã ăn năn, hối cải. Vì vậy, để được hưởng đặc xá, các phạm nhân phải đáp ứng nhiều điều kiện về ý thức cải tạo, chấp hành án; thời gian chấp hành án phạt tù; việc chấp hành hình phạt bổ sung, đóng án phí; việc chấp hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại… Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ các trường hợp không được đặc xá, đó là các phạm nhân bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tội phá rối an ninh… Đây là cơ sở để sàng lọc, bảo đảm những người được hưởng đặc xá phải thực xứng đáng, tránh trường hợp sau khi được hưởng khoan hồng lại tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm, gây hại cho Tổ quốc.

Việc các đối tượng xấu bôi nhọ công tác đặc xá với chiêu bài “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” là một thủ đoạn hết sức đê hèn. Phải khẳng định rõ, ở Việt Nam không tồn tại cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Việc kết án đối với bất kỳ ai đều trải qua một quá trình tố tụng hình sự nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật. Thực chất, những kẻ được giới “dân chủ” xếp vào nhóm “tù nhân lương tâm” hầu hết là các đối tượng bị kết án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Đáng chú ý, ngay cả trong quá trình chấp hành án phạt tù, các đối tượng này vẫn không hề hối cải, tiếp tục ngoan cố, không nhìn nhận được lỗi lầm của bản thân, không từ bỏ ý đồ chống phá đất nước, liên tục thực hiện các hành vi chống đối, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Thậm chí, có kẻ còn giở trò tạo cớ cho các thế lực bên ngoài thực hiện hành vi chống phá, gây sức ép, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Theo quy định tại Hiến pháp thì “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Do đó, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều không bao giờ chấp nhận những kẻ phá hoại đất nước.

Đặc xá là chính sách thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, là minh chứng khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Không chỉ dừng lại ở việc tha tù trước thời hạn, Đảng, Nhà nước còn thực hiện đồng bộ các giải pháp để những phạm nhân sau khi được đặc xá có điều kiện thuận lợi trong tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật. Để bảo đảm công tác đặc xá năm 2024 mang lại hiệu quả cao nhất, cùng với việc rà soát, lập danh sách đề nghị đặc xá, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về đặc xá, đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong việc xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với người được đặc xá. Đây là những minh chứng rõ ràng về tính nhân văn, khách quan, công minh trong xét đặc xá, phản bác các luận điệu xuyên tạc công tác đặc xá mà các thế lực thù địch, phản động đang cố tình bôi nhọ, xuyên tạc.

Bùi Quang – Anh Tú 

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

Thứ năm, 19/09/2024 - 05:56

Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra thì trên không gian mạng xuất hiện một số tài khoản có phát ngôn phiến diện, lạc lõng, xuyên tạc sự thật.

Các ý kiến này cố tỏ ra có nghĩa khí, trách nhiệm, lớn tiếng hoài nghi rằng Đảng, Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao vẫn “chăn ấm, đệm êm”, không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai.

Một số ý kiến mỉa mai rằng: Chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng sự xuất hiện của cán bộ trong bão lũ cũng chỉ là “phông bạt” để “mị dân”... Thực tế, những cách nghĩ, nhận thức, hoặc suy diễn nêu trên là hoàn toàn sai lầm, gây nguy hại, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và làm giảm uy tín, danh dự của đội ngũ cán bộ trong Đảng. 

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn  

Có thể khẳng định: Những thông tin xuyên tạc, mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các thành phần thoái hóa biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là "cái cớ" để các thành phần phản động, chống phá tập trung hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó; cố tình gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ giữa LLVT và nhân dân, bôi nhọ cán bộ của Đảng, chê bai Đảng và chế độ ta, từ đó kích động chống đối từ bên trong.

Thực tế cho thấy, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả gây ra là không thể tránh khỏi. Đảng ta và các đồng chí cán bộ lãnh đạo không chỉ sớm nắm bắt tình hình, dự báo đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Cùng với đó, khi bão lũ diễn biến phức tạp, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp đều có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm để trực tiếp chỉ đạo ứng phó và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.

Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ và hàng vạn cán bộ, LLVT ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân... là minh chứng rõ nét nhất về tác phong công tác và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ của Đảng luôn sát dân, vì dân trong bất luận hoàn cảnh nào. Đồng thời, thực tế này cũng giúp đập tan những nhận thức lệch lạc, phiến diện xuất hiện trên không gian mạng trong thời gian gần đây, khi cho rằng: Bệnh quan liêu, xa dân đã “ăn sâu bám rễ”, trở thành “căn bệnh” phổ biến trong đội ngũ cán bộ của Đảng, khiến những luận điệu ấy trở nên “lạc điệu” trong lũ dữ.

Nhiều người dân cứ tự đặt câu hỏi: Không biết những ngày trong tâm điểm mưa lũ, với bộn bề những công việc như chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII); đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra và mọi mặt đời sống-xã hội... các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được mấy phút chợp mắt nghỉ ngơi hay thức trắng đêm vì dân, vì nước?

Không cảm động sao được khi vừa dự xong Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Quốc phòng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác lên đường hướng về vùng lũ Tuyên Quang, Phú Thọ trực tiếp kiểm tra, động viên nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ. Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lội bùn đến các hộ dân ở Yên Bái động viên bà con và không thể kìm được xúc động khi trực tiếp đến nơi đau thương nhất tại Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) nắm tình hình, động viên nhân dân vượt lên đau thương mất mát và chỉ đạo trực tiếp các lực lượng khẩn trương cứu dân, tìm kiếm những người mất tích do lũ quét gây ra. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội quần xắn cao, lội nước ngập đến thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ Thái Nguyên.

Theo dõi nhiều diễn đàn mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Có đến hàng chục triệu lượt chia sẻ, bình luận tích cực, bày tỏ sự ghi nhận, tán dương, thể hiện lòng biết ơn trước những việc làm, hoạt động mà các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an và cán bộ, chiến sĩ LLVT đã và đang thực hiện trong bão lũ. Điểm chung những chia sẻ, bình luận của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đều biểu thị sự ủng hộ, khen ngợi đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ, chiến sĩ LLVT vì dân; không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, trực tiếp xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại những địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có những chỉ đạo kịp thời trong bão lũ với quyết tâm lo cho dân là trên hết, trước hết. Những bình luận như: “Tuyệt vời Việt Nam”, “Các bác thật gần dân, sát dân”, “Đoàn kết, chúng ta sẽ vượt qua lũ dữ”, “Việt Nam kiên cường”... trở thành thông điệp để “nghĩa Đảng, lòng dân” thêm bền chặt; gắn kết cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay với Đảng, Nhà nước hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: Có dân là có tất cả! Và người đặc biệt coi trọng, giáo dục đội ngũ cán bộ các cấp phải trọng dân, gần dân, vì dân mới làm được cách mạng và đó mới là mục đích của cách mạng. Thực tiễn, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, trưởng thành. Đi qua một cơn bão dữ để thấy rằng: Tuyệt đại đa số cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước luôn vì nhân dân mà cống hiến, hy sinh; đau cùng nỗi đau của dân, thương cảm, sẻ chia để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, chăm lo cho người dân có cuộc sống tốt đẹp, nhất là lo cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh; trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Thực tiễn là thước đo công bằng nhất, tấm gương phản chiếu sinh động nhất nói lên phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ các cấp. Chính từ những việc làm vì dân, vì nước làm ngời sáng thêm đạo đức cách mạng của người cán bộ, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ đó mà “ý Đảng, lòng dân” quyện chặt, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”; dù có thiên tai, địch họa, dù đất nước phải “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa” nhưng chỉ cần “Đảng vì dân, dân tin Đảng”, cùng nhau đoàn kết một lòng thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua, đỉnh cao nào chúng ta sẽ vươn tới. Đó cũng là những minh chứng rõ nét nhất để chúng ta phê phán, phủ định những luận điệu xuyên tạc, nhận thức lệch lạc cho rằng: Cán bộ bỏ mặc dân trong lũ dữ.

Một Đảng vì dân, đội ngũ cán bộ các cấp vì dân thì được nhân dân tin tưởng và từ đó Đảng ta vững mạnh, chế độ ta trường tồn. Ngược lại, nếu xa dân, để mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng phải luôn biết “tự soi, tự sửa” mình hằng ngày, để sống, làm việc sao cho xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân. 

DUY THÀNH 

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới

Thứ hai, 16/09/2024 - 05:55

Trong thời bình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục sử dụng chiến tranh tâm lý với phương thức và thủ đoạn được “nâng cấp”, trong đó tích cực lợi dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh với thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là việc làm rất cần thiết.

Sự nguy hại từ âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý

Chiến tranh tâm lý là các hoạt động phá hoại tâm lý của đối phương; các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương, nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, lợi ích và quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội, giá trị văn hóa... Từ đó gây ra mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến rồi tự suy sụp, tan rã.

Trong thời bình, các thế lực thù địch thường coi chiến tranh tâm lý là “vũ khí chiến lược” hòng làm thay đổi sắc thái hòa bình, khiến cho hòa bình chính trị mất đi tính chất yên ổn, từ đó thừa cơ thực hiện tham vọng đen tối. Lợi dụng sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chiến tranh tâm lý trong thời bình mang những màu sắc tinh vi, khó nhận diện cho đến khi nó xuất hiện trên cả không gian thực và không gian ảo. Do đó, nguy cơ tác động từ chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch đến tư tưởng, tâm lý con người là rất khó kiểm soát.

Công cụ, lực lượng trực tiếp và chủ yếu tiến hành chiến tranh tâm lý là các cơ quan tình báo, các trung tâm truyền thông đại chúng, tổ chức phi chính phủ của một số quốc gia. Ngoài ra, cũng có một số người Việt Nam lưu vong cũng tham gia hành động này. Hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý đối với các tầng lớp nhân dân thông qua việc chuyển và tán phát tài liệu chống đối trong nước; tác động, lôi kéo phát triển lực lượng nội địa, xâm nhập vào hệ thống chính trị của ta. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ta đã phát hiện hàng nghìn tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý, tài liệu tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới
 Ảnh minh họa: congannhandan.com.vn

Các đối tượng còn lập ra và sử dụng các đài phát thanh và truyền hình, các báo, tạp chí điện tử có trụ sở ở nước ngoài để tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Họ thường xuyện lợi dụng các phương tiện truyền thông này để đưa nhiều nội dung thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước hòng gây bất lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Thi thoảng họ phát động những chiến dịch nhằm thổi phồng những khó khăn phức tạp trong xã hội; xuyên tạc tình hình đất nước, lợi dụng tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tâm lý bất bình, bất mãn trong xã hội hòng lôi kéo quần chúng nhân dân vào các hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh 

 Phòng, chống chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là vấn đề khó khăn, phức tạp. Trên thực tế hiện nay, còn không ít người đang mơ hồ về chiến tranh tâm lý. Một bộ phận người dân do nhận thức hạn chế nên không nhận diện được các thủ đoạn chiến tranh tâm lý; thậm chí một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đã được rèn luyện, thử thách qua các thời kỳ cách mạng, song do chủ quan, mất cảnh giác trong nhận thức nên đã “sập bẫy” chiến tranh tâm lý và vô hình trung trở thành người cổ xúy cho các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước.

Do vậy, để các tầng lớp nhân dân có nhận thức tốt hơn về chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở phải chủ động tuyên truyền, trang bị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân những hiểu biết cơ bản về phương thức, thủ đoạn, kỹ thuật tiến hành chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch. Đây là cơ sở, yêu cầu hàng đầu nhằm góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch.

Cần phải đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các trang thông tin chính thống, website, mạng xã hội, diễn đàn để đăng tải những bài viết tuyên truyền về quan điểm chính thống, định hướng dư luận, đồng thời đấu tranh phản bác các thông tin chiến tranh tâm lý nguy hại của các thế lực thù địch. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, có tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Chủ động cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh tâm lý. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng. Việc chậm trễ cung cấp thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận chính là tự tạo ra "khoảng trống" thông tin, là mầm mống nảy sinh những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng trong xã hội; ở mức độ đơn giản là nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp.

Thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả trong phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Thạc sĩ PHẠM VĂN TÍNH, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội 

Lật tẩy thủ đoạn của tổ chức Việt Tân lợi dụng bão lũ để xuyên tạc, chống phá

Thứ Hai, 16/09/2024, 07:31

Trong những ngày qua, Việt Nam đối diện sự tàn phá của cơn bão số 3, để lại những hậu quả nặng nề về người và của. Hệ thống chính trị và nhân dân với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, quyết tâm, nỗ lực để cứu hộ, cứu nạn, chia sẻ mất mát, đau thương, thiếu thốn của đồng bào nhiều địa phương. Trong lúc Đảng, Nhà nước, nhân dân đang nỗ lực, đồng lòng để ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ thì không ít tổ chức, phần tử chống đối, phản động, nhất là tổ chức khủng bố, phản động Việt Tân lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ tình đoàn kết quân dân bằng nhiều thủ đoạn nguy hiểm.

Kích động chống phá trong đau thương, mất mát

Lợi dụng tình hình bão, lũ, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại “đục nước béo cò” tung ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá, tuyên truyền trên không gian mạng theo hướng xuyên tạc, bóp méo sự thật. Đặc biệt, tổ chức khủng bố, phản động lưu vong Việt Tân những ngày qua đã đăng tải, tán phát hàng trăm bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền xuyên tạc. Họ lấy hình ảnh bão, lũ, đời sống thiếu thốn, khổ cực của nhân dân trong cơn hoạn nạn rồi lồng ghép thông tin sai trái, xuyên tạc, cho rằng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền nhân dân thờ ơ, vô trách nhiệm “bỏ mặc dân”.

Họ xuyên tạc “trong cơn bất hạnh của dân, tuyên giáo vẫn giả dối, đưa các hình ảnh, video tập huấn, diễn tập để tuyên truyền”; “nhân dân lâm nguy, chính quyền vẫn ưa bệnh thành tích”; “nhà nước đã phát gạo… trên tivi”; “sau cơn bão lũ, cây rừng thì dành cho lãnh đạo xây biệt phủ, hòm thì tặng cho dân nghèo”…

Họ đưa ra những tin mang tính kích động như “Các nghệ sĩ, mạnh thường quân góp tiền qua chính quyền nên tỉnh táo. Tiền của các bạn đến tay người dân hay chui vào túi quan chức”!

Lật tẩy thủ đoạn của tổ chức Việt Tân lợi dụng bão lũ để xuyên tạc, chống phá -0
Không để tội phạm lợi dụng bão lũ, thiên tai để hoạt động. Ảnh minh hoạ

Một số thông tin tìm cách chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an, Quân đội với nhân dân, bất chấp sự thật là hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Quân đội, Công an khẩn trương, nỗ lực giúp đỡ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Tuy nhiên, họ lại xuyên tạc cho rằng đấy là “biểu diễn”, “người dân trông chờ vào nhà nước, chính quyền là vô vọng”; “diễn tập phải đẹp thì mới có lương, thực tế thì bê bết là vì lương với lậu”…

Lợi dụng vào sự cố sập cầu Phong Châu, các đối tượng bỏ qua việc nguyên nhân do tác động mưa lũ, lập tức quy kết cho “chính quyền phải chịu trách nhiệm vì đã ăn hối lộ, làm ngơ, bảo kê, tiếp tay cho tham nhũng nên mới gây ra hậu quả sập cầu”, cho rằng việc cầu sập là hậu quả của… chế độ!

Có đối tượng còn đưa hình ảnh thăm hỏi tại bệnh viện trong một vụ việc trước đây với hiện trường lũ quét rồi kích động “con cán bộ lãnh đạo hút xì ke bị overdose (quá liều), cả dàn lãnh đạo khúm núm đến thăm. Trong khi dân chết vì bão lũ, chẳng thấy lãnh đạo nào ngó ngàng tới”… Trước tình hình bão lũ nghiêm trọng xảy ra, các cơ quan chức năng Việt Nam đã trao đổi, đề nghị phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu, nhất là việc xả thuỷ điện; đồng thời thông báo kịp thời về thông tin, thời điểm xả lũ, thời gian và lưu lượng xả lũ để hai bên có sự phối hợp chặt chẽ, giảm thiểu tác động. Tuy nhiên, họ tuyên truyền xuyên tạc theo hướng kích động, phá hoại quan hệ hợp tác giữa hai nước, đưa ra những ngôn từ kiểu “chọc gậy bánh xe”.

Lật tẩy bản chất sau cái gọi là “dân chủ, canh tân”

Đằng sau từ ngữ mỹ miều, bịp bợp và dối trá, lừa đảo kiều bào nước ngoài, tập hợp số đối tượng chống đối, phản động trong nước, Việt Tân tự xưng là “tập hợp những người Việt yêu dân chủ, khát vọng Canh Tân con người và Canh Tân Việt Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế, tổ chức khủng bố lưu vong này đã làm gì?

Sau khi thành lập, Việt Tân đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin…; tiến hành các chiến dịch “Đông Tiến 1”, “Đông Tiến 2”, “Đông Tiến 3”..., đưa các toán vũ trang với hàng trăm đối tượng từ Thái Lan xâm nhập qua Lào, Campuchia về Việt Nam để lập “mật cứ”, tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam, Lào ngăn chặn, vô hiệu hóa. Ở nước ngoài, Việt Tân thành lập “Đội sát thủ K9” do các thành viên cốt cán cầm đầu, chuyên tiến hành khủng bố, thủ tiêu những nhà báo gốc Việt đưa tin vạch mặt hoạt động lừa đảo kiều bào của Hoàng Cơ Minh và đồng bọn; trong đó, có ông Dương Trọng Lâm, chủ bút báo “Cái đình làng” tại San Fransisco và ông Nguyễn Đạm Phong, người sáng lập báo “Tự do” tại Houston.

Hiện nay, Việt Tân vừa tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát, vừa thực hiện “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền xuyên tạc, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bằng nhiều hình thức, nhất là trên không gian mạng… Cơ quan chức năng Việt Nam những năm vừa qua đã bắt, xử lý nhiều đối tượng là thành viên Việt Tân phạm tội khủng bố như Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon, Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền, Bùi Văn Kiên, Trần Thị Nhài, Nguyễn Thị Ánh...

 “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” trong cơn bão dữ

Mưa bão đi qua, để lại hậu quả rất nặng nề, rất nhiều người cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Trong lúc khó khăn, hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, người dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, xông pha tuyến đầu giúp người dân. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, Đảng và Nhà nước đã và tiếp tục dành nguồn lực để khôi phục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tái sản xuất, từng bước ổn định đời sống của nhân dân vùng thiên tai, bão lũ. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành sự chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất. Những chuyến xe đậm nghĩa tình vẫn hối hả chở nhu yếu phẩm từ miền Nam, miền Trung ra vùng bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở miền Bắc với những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Sự chung tay chung sức đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước giúp đỡ người dân vùng lũ, khắc phục hậu quả để sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã điện, gửi lời thăm hỏi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời viện trợ, ủng hộ giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ. Chính phủ Australia viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD  hỗ trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp và các dịch vụ thiết yếu nhằm ứng phó với các thiệt hại do siêu bão gây ra. Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam và cho biết “Australia đánh giá cao sự chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối các hoạt động cứu trợ và ứng phó khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng”, khẳng định “Chúng tôi ở đây để giúp Việt Nam bằng bất cứ cách nào có thể”.

Ngày 12/9, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD với hy vọng sẽ góp phần khôi phục các khu vực bị thiệt hại và giúp người dân vùng bão lũ quay trở lại cuộc sống thường nhật trong thời gian sớm nhất. Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông báo viện trợ 1 triệu USD để khẩn cấp hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả. Nhật Bản đang xem xét viện trợ vật tư qua cơ quan JICA, bao gồm máy lọc nước, tấm bạt nhựa. ASEAN và UNICEF cũng đã triển khai hàng viện trợ thiết yếu như dụng cụ gia đình, nước sạch và vật phẩm vệ sinh đến các vùng bị ảnh hưởng.

Các tổ chức quốc tế UN Women và đại sứ quán các nước châu Âu đang phối hợp cơ quan chức năng của Việt Nam để xác định nhu cầu khẩn cấp và phương án hỗ trợ phù hợp. Thông qua đơn vị cứu trợ nhân đạo, Thuỵ Sĩ sẽ dành 1 triệu franc (khoảng 1,2 triệu USD) cho các công tác này, đồng thời gửi chuyên gia và nguồn lực tới tâm điểm của công tác cứu trợ…

Như vậy, trong gian khó với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở”, tinh thần tương thân, thương ái, nghĩa đồng bào càng thể hiện rõ nét, đó chính là giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta, đồng thời thể hiện là bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ, xã hội ta. Các quốc gia, tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài cũng chung tay, góp sức giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại bởi bão lũ.

Vậy mà, tổ chức Việt Tân tự xưng tiêu chí hành động là “khát vọng Canh Tân” đã không có bất cứ chia sẻ nào với người dân trong cơn hoạn nạn lại tìm cách xuyên tạc, chống phá. Rõ ràng, việc lợi dụng bão lũ, thiên tai, mất mát đau thương để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống lại đất nước, nhân dân Việt Nam là hành vi nhẫn tâm, vô đạo đức cần được vạch trần lên án và phản bác.

Lê Vĩnh Bình 

Phản bác luận điệu lợi dụng việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 để xuyên tạc, chống phá

Thứ Bảy, 14/09/2024, 07:05

Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn, cơ hội lại tiếp tục lợi dụng tình hình này để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phán xét chủ quan nhằm chia rẽ, phá hoại.

Những thông tin xuyên tạc trên không gian mạng

Ngay sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam gây nên những thiệt hại to lớn về người và của, đồng thời hoàn lưu bão gây sạt lở đất và lũ lụt diện rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và địa phương trong việc ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của thì trên không gian mạng lại có những tiếng nói xuyên tạc, lạc lõng.

Có thể kể đến một số trang tin như Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA... đã ra sức đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai.

image001.jpg -0
Các lực lượng Công an, Quân đội tham gia cứu nạn, cứu hộ sau vụ sạt lở đất tại bản Làng Nủ, Lào Cai. Ảnh: Hoàng Phong

Họ vu cáo với các luận điệu như: “Đừng trông chờ gì Đảng, Nhà nước Việt Nam hỗ trợ người dân sau bão Yagi”; “Các nhóm lợi ích và sau lưng những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích chỉ nghĩ đến tiền thôi, họ không màng đến sự sống của người dân”; “Phải chi Nhà nước dùng ngân sách bảo vệ dân bằng một phần nhỏ ngân sách để bảo vệ Đảng, có lẽ nhiều người dân đã được cứu”…

Trang Việt Tân đưa các hình ảnh người dân bị thiệt hại sau bão lũ rồi kích động: “Trong các báo cáo diễn tập, những thiên tài của Đảng luôn tuyên bố “hoàn thành xuất sắc công tác phòng, chống lụt bão”, vậy mà…”; “Mưa bão tới đâu, lãnh đạo cho diễn tới đó”; “Nhân dân lâm nguy, chính quyền vẫn ưu tiên bệnh thành tích”; “Rất nhiều người kêu cứu trong tuyệt vọng, không rõ chính quyền, công an, cứu hộ đi đâu”…

Họ mỉa mai rằng, chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng “tuyên truyền thì ngạo nghễ, thực tế thì ngao ngán”! Thậm chí, một số trường hợp còn đưa những hình ảnh không chính xác rồi miệt thị đó là ảnh “biểu diễn” cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ nhằm “lừa mị dân”…

Các tổ chức phản động lưu vong lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều cây xanh, cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống rồi cố tình chọn đăng một vài hình ảnh cây mới trồng không có nhiều rễ, cột điện có ít lõi sắt (cả ảnh thật và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) rồi từ việc phê phán chính quyền thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tắc trách để quy chụp “cây xanh dưới cơ chế của đảng thì phải chấp nhận vậy thôi”!

Có đối tượng bất mãn, chống đối lại đưa ra những luận điệu kiểu “tâm linh” như cho rằng, cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam càn quét gây thiệt hại nặng nề là do “trời trừng phạt và do chế độ độc Đảng lãnh đạo”. Từ đó, những đối tượng này cổ xuý, muốn chống bão lụt thì dân hãy tự lo lấy, chừng nào còn độc đảng thì chừng đó chính quyền còn bỏ mặc nhân dân và hả hê trước những thiệt hại to lớn về người và của trước sự tàn phá của cơn bão.

Bên cạnh đó, trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng cùng quân dân miền Bắc đang gồng mình ứng phó với trận bão, lũ lịch sử, huy động tối đa các nguồn lực để phòng, chống và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả; trong khi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đồng bào cả nước đang hướng về miền Bắc, tích cực ủng hộ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp nạn thì trên mạng xã hội lại có những hình ảnh, bài viết thông tin sai sự thật, nhất là thông tin sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang.

Không chỉ xuất hiện tin giả, tin sai lệch về bão số 3, một số đối tượng còn lợi dụng thiệt hại do bão gây ra để kêu gọi ủng hộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt… Những hành vi này vừa gây nhiễu loạn trong dư luận, vừa tạo cớ để các thế lực xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn.

Những thông tin xuyên tạc, thông tin mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong, các phần tử bất mãn nói trên đi ngược với cộng đồng, gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Từ việc hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó, âm mưu của các đối tượng nhằm gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ giữa lực lượng vũ trang và nhân dân, bôi lem Đảng, chế độ, kích động chống đối từ bên trong.

Có một quy luật quen thuộc trên không gian mạng là cứ hễ khi đất nước gặp khó khăn thì được các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động lại coi đây là thời cơ để lợi dụng chống phá. Điều này vốn từng xảy ra suốt thời gian chúng ta đối phó với đại dịch COVID-19.

Thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai bão lũ - minh chứng phản bác mọi luận điệu xuyên tạc

Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả thiên tai gây ra là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt tình hình, dự báo sớm để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Trong thực tế, chúng ta đã rất chủ động đối phó với cơn bão ngay từ sớm.

Thủ tướng đã ban hành các công điện chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, đồng thời phân công các thành viên Chính phủ, các cơ quan chức năng kiểm tra việc ứng phó, lập ban chỉ đạo tiền phương để kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống đặt ra trước, trong và sau khi bão đổ bộ. Toàn dân tộc đã phát huy tinh thần đại đoàn kết, đồng lòng, chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn.

Để phòng, chống bão số 3, Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của Công an 35 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá, gần 220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão.

Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội đã huy động hơn 450 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.000 phương tiện ứng phó siêu bão số 3. Trước khi bão đổ bộ, các đơn vị Quân đội đã nhanh chóng có mặt tại những nơi nguy hiểm, xung yếu hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. Trong những ngày xảy ra mưa lũ trên diện rộng, Công an các địa phương phía Bắc tập trung hỗ trợ sơ tán người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm, tham gia gia cố đê kè ngăn lũ, trực tiếp tuần tra, đưa người bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn, đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Hậu bão số 3 đã gây ra lũ quét, lũ lụt diện rộng cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc với nhiều thiệt hại về người và của. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giúp đỡ nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương. Công an các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… huy động toàn lực lượng từ cấp tỉnh tới cấp xã sử dụng các phương tiện tiếp cận, di chuyển toàn bộ người và tài sản trong vùng có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tới nơi tránh trú.

Đã có nhiều tấm gương anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có cán bộ đã hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, đó là Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3; Trung tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987), cán bộ Trại giam Quảng Ninh.

Đặc biệt, sau khi xảy ra tai nạn sập cầu Phong Châu và trận lũ quét kinh hoàng làm hơn 100 người bị vùi lấp ở bản Làng Nủ, Lào Cai, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương và CSCĐ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ cùng một số đơn vị Quân đội đã đến hiện trường tiến hành cứu nạn, cứu hộ với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.

Trong bão tố, người Việt không chỉ cùng nhau vượt qua những thử thách mà còn thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái. Những căn nhà trống mở cửa đón người trú bão, những dòng xe tải chậm rãi che chắn cho xe máy hay những người lặng lẽ chia sẻ đồ ăn, thức uống - tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp về lòng nhân ái giữa thiên tai. Hình ảnh lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác cùng dân chống bão; nhiều người dân hỗ trợ nhau vượt qua thiên tai, khắc phục thiên tai trong những ngày qua thêm lần nữa cho thấy sự quý giá của tình quân dân, nghĩa đồng bào.

Có thể thấy trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi để cùng nhau vượt qua gian khó. Đó là tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam. Những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng hướng về nơi chịu thiệt hại về thiên tai đã cho thấy niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, là trách nhiệm và ý thức công dân của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng và hơn thế, chính sự ấm áp, những nghĩa cử cao đẹp đã đưa con người xích lại gần nhau hơn, cho thấy một Việt Nam đoàn kết, sáng ngời tấm lòng sẻ chia.

Các giá trị đó đã làm nên cốt cách và bản sắc văn hóa, là nền móng, sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ngày nay, đoàn kết, tương thân, tương ái vẫn là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, đạt được nhiều thành tựu mới.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội cùng các lực lượng dầm mình trong mưa gió để cứu nạn, cứu hộ, trắng đêm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân là hình ảnh thân thuộc, ở mỗi bản làng, khu phố trong thiên tai, bão lụt. Đó là minh chứng sinh động của tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phủ nhận mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Liêm Chính - Bình Nguyên