“Thành trì của nhân quyền” đi ngược lại những giá trị nhân quyền

Nước Mỹ từ trước tới nay luôn tự coi mình là thành trì của nhân quyền, dân chủ và tự cho mình quyền đánh giá, phán xét tình hình hình dân chủ, nhân quyền tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, bản báo cáo mới đây của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về các biện pháp thẩm vấn tù nhân hà khắc của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã “tố cáo” nước Mỹ đã đi ngược lại với những giá trị nhân quyền, đi ngược lại những quy định luật pháp của chính nước Mỹ và quốc tế về bảo vệ nhân quyền.
 
Các nhà hoạt động tập trung trước Nhà Trắng vào năm 2013 yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi mà các tù nhân của Mỹ được cho là đã bị áp dụng các hình thức tra tấn. (Ảnh: Reuters)  

Ngày 9/12, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã công bố báo cáo tóm tắt về chương trình thẩm vấn tù nhân của CIA, với kết luận tổ chức này đã lừa dối Nhà Trắng và công chúng về các kỹ thuật thẩm vấn tù nhân sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và hành động tàn nhẫn hơn so với những gì cơ quan này thừa nhận trước đó.
Theo bản báo cáo, CIA đã dùng nhiều biện pháp thẩm vấn hà khắc đối với các nghi can khủng bố nhằm thu thập thông tin tình báo. Trong đó, có các biện pháp như trấn nước (hay còn là “giả chết đuối”- waterboarding), sử dụng âm thanh lớn, dội nước đá, lạm dụng tình dục, cưỡng chế đưa thức ăn qua đường hậu môn, giam giữ các tù nhân hoàn toàn trong bóng tối, tại các phòng giam riêng biệt với những điều kiện sinh hoạt hà khắc,… Bản báo cáo đã đề cập đến trường hợp một nghi can bị trói đứng bằng xích vào tường trong vòng 17 ngày và một số tù nhân bị bắt thức gần 180 giờ trong tư thế đứng hay những tư thế khó khăn khác. Đồng thời, đề cập đến cái chết của Gul Rahman, nghi can người Afghanistan, nghi bị chết do suy giảm thân nhiệt trong năm 2002 sau khi bị đánh đập, lột trần từ thắt eo và bị trói trên nền bê-tông ở nhiệt độ gần bằng không.
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, một làn sóng chỉ trích đã bùng phát ngay trong lòng nước Mỹ và trên thế giới về việc Mỹ đã vi phạm nhân quyền, thực hiện các hành động tra tấn các tù nhân nhằm thu thập thông tin tình báo, đồng thời kêu gọi giải trình và truy tố các quan chức có liên quan.
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa, cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của CIA đã ra sức biện hộ cho các biện pháp thẩm vấn hà khắc, thay vì gọi đó là những hành động tra tấn bằng cụm từ “những kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”. Đồng thời, chỉ trích việc công bố bản báo cáo vào thời điểm này là “thiếu thận trọng”, “thiếu tinh thần trách nhiệm” và có thể đặt nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Hai ngày sau khi bản báo cáo được công bố, ngày 11/12, Giám đốc CIA, John Brennan đã khẳng định trong cuộc họp báo tại trụ sở CIA, bang Virginia (Mỹ), rằng “chương trình giam giữ và thẩm vấn đã giúp thu thập được những thông tin tình báo hữu ích giúp nước Mỹ ngăn chặn các âm mưu tấn công, bắt giữ những kẻ khủng bố vào bảo vệ sự sống cho người dân”. Tuy nhiên, ông Brennan cho biết, CIA chưa khẳng định việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao có giúp thu thập được những thông tin hữu ích hay không. Giám đốc CIA cũng thừa nhận, “trong một số trường hợp, các nhân viên CIA đã sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn không được cho phép, những biện pháp này đáng ghê tởm và không thể chấp nhận được” nhưng vẫn không gọi những biện pháp thẩm vấn của CIA là hành động tra tấn.
Trái ngược lại với những lời biện hộ kể trên, ngay trong khi giới thiệu bản báo cáo này, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein đã khẳng định, “dù diễn giải dưới bất cứ hình thức nào thì những tù nhân của CIA đã bị tra tấn” và “các hành động của CIA, một thập kỷ trước, là một vết đen trong những giá trị và lịch sử của nước Mỹ”. Bà Feinstein cũng đã bác bỏ những quan ngại cho rằng việc công bố kết luận của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ có thể gây nguy hiểm cho những người Mỹ ở nước ngoài, nói rằng đây là “thời điểm tốt nhất” để nói về những thông tin như thế này.
Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng thừa nhận về việc CIA tra tấn các tù nhân. Trong một cuộc họp báo vào ngày 1/8/2014, khi đề cập đến CIA và những kỹ thuật thẩm vấn của cơ quan này, ông Obama đã thừa nhận “chúng ta đã tra tấn một số người. Chúng ta đã thực hiện một số việc trái ngược lại với những giá trị của chúng ta”. Và, với một số phương pháp trong các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao của CIA, ông Obama “tin và nghĩ rằng bất cứ ai suy nghĩ một cách công bằng đều tin rằng đó là những hành vi tra tấn”.
Đối chiếu với những quy định pháp lý, Đạo luật chống tra tấn trong Bộ luật liên bang của Mỹ định nghĩa, tra tấn là một “hành vi cố ý gây đau đớn và khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người trong khoảng thời gian người đó bị bắt giam hay quản lý”. Mỹ cũng là một trong 156 quốc gia phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Đây là một hiệp ước nhân quyền quốc tế cấm tra tấn và định nghĩa về hành vi tra tấn tương tự như định nghĩa trong Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ.
Mặt khác, mới đây vào tháng 7/2014, Tòa án Nhân quyền tối cao châu Âu đã chính thức khẳng định những kỹ thuật thẩm vấn của CIA là hành vi tra tấn trong phán quyết ủng hộ một người mang quốc tịch Palestine, Abu Zubaydah (43 tuổi) và một người quốc tịch Ả-rập Xê-út, Abd al-Rahim al-Nashiri (49 tuổi) bị giam giữ tại một địa điểm bí mật của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan trong hai năm 2002-2003 trước khi bị chuyển tới vịnh Guantanamo, nơi họ vẫn bị giam giữ. Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu chỉ rõ, Chính phủ Ba Lan “đã cho phép giới chức Mỹ tra tấn và ngược đãi trên lãnh thổ nước này”. Các luật sư của những người này cho biết trước tòa rằng, hai người đã bị tra tấn nhiều lần bằng hình thức trấn nước.
Rõ ràng, những khẳng định của các quan chức hàng đầu nước Mỹ cùng phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu và những quy định trong Bộ luật liên bang Mỹ và Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc về hành vi tra tấn đã củng cố thêm khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein rằng, “dù diễn giải dưới bất cứ hình thức nào thì những tù nhân của CIA đã bị tra tấn”. Tuy vậy, bất chấp quy định tra tấn là một hành vi phạm tội theo Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ, Chính phủ Mỹ gần như không phát đi dấu hiệu nào cho thấy sẽ xử lý vụ việc đúng như quy định của pháp luật.
Theo Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ, bất cứ ai thực hiện hay cố tìm cách thực hiện hành vi tra tấn “bên ngoài nước Mỹ” (các vụ việc liên quan đến tra tấn xảy ra tại Mỹ sẽ được quy định theo luật pháp của các bang) sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm và “nếu dẫn đến làm chết người đối với bất cứ ai khi thực hiện những hành vi bị cấm trong điều khoản này, sẽ bị tử hình hoặc phạt tù trong một số năm nhất định hoặc tù trung thân”. Trong khi đó, điều 4 thuộc Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng quy định “mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều là những hành vi phạm tội theo luật hình sự của nước mình”. Đồng thời, “mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng”. Tuy nhiên, cho đến nay, gần một tuần sau khi bản báo cáo của Thượng viện Mỹ được công bố, Mỹ vẫn chưa phát động bất cứ hoạt động truy tố nào đối với các mật vụ của CIA hay những người có liên quan trong chương trình thẩm vấn của CIA, bất chấp những lời kêu gọi từ ngay trong lòng nước Mỹ và trên thế giới yêu cầu Mỹ phải truy tố những người có liên quan.
Mặt khác, khoản 1, Điều 2 trong Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng quy định, “mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào theo thẩm quyền pháp lý của mình”. Trong khi đó, chương trình thẩm vấn của CIA mặc dù đã bị Tổng thống Obama ký sắc lệnh cấm sử dụng vào năm 2009, tuy nhiên, cho đến nay, nó vẫn chỉ dừng lại ở mức là chỉ thị của Tổng thống mà chưa được Quốc hội Mỹ ban hành thành một lệnh cấm chính thức để ngăn chặn chương trình thẩm vấn này có thể tiếp tục được sử dụng dưới các thời Tổng thống tiếp theo.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 9/12, sau khi Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo về chương trình thẩm vấn của CIA, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận, “những biện pháp thẩm vấn hà khắc này không những đi ngược lại những giá trị của chúng ta trên phương diện quốc gia mà chúng còn không hỗ trợ cho những nỗ lực chống khủng bố ở nước ngoài hay những lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ”. Tuy nhiên, cách hành xử của Chính phủ Mỹ đối với bản báo này lại cho thấy thêm một điều, nước Mỹ không chỉ đi ngược lại những giá trị của chính mình mà còn đi ngược lại dư luận, đi ngược lại những quy định luật pháp của chính nước Mỹ và quốc tế.

Rõ ràng, câu thành ngữ "Nói một đằng, làm một nẻo" dường như trở nên chính xác đối với trường hợp này của nước Mỹ. Thay vì liên tục đi rao giảng nhân quyền trên thế giới như trong những năm qua, nước Mỹ cần nhìn lại chính mình để có cách hành xử đúng mực hơn trước khi vượt qua giới hạn cho phép. Cách hành xử đúng mực đó là phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những kẻ đã gây ra những hành vi tra tấn tội lỗi và ghê tởm đó đối với con người, đồng thời có hành động chấm dứt vĩnh viễn những hành động vô nhân đạo và phản nhân quyền đó.
Bông Mai/Nhân dân

Câu chuyện khó tin

QĐND - Mới đây trên một trang web có tên “Hãy bảo vệ người bảo vệ nhân quyền” (riêng cái tên của trang web này sẽ có dịp chúng tôi bàn sau) có đăng bài nói chuyện giữa một blogger với một bà dân biểu Hoa Kỳ tên là Zoe Lofgren. Câu chuyện đại loại xoay quanh vấn đề “dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” và đòi thả các phạm nhân mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”. Thú thật khi đọc bài viết này, tôi không tin lắm vào nội dung của cuộc nói chuyện giữa hai người. Bởi với một số người tự nhận là “nhà đấu tranh cho dân chủ” đang ngồi tận… Hoa Kỳ thì họ có thể vẽ ra những gì mà họ tưởng tượng và cũng không ai có thể kiểm chứng. Điều này họ đã làm và làm thường xuyên. Thế nhưng cứ coi như câu chuyện trên là có thật thì cũng có thể bàn một số vấn đề sau.
Thứ nhất là ở Việt Nam, không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” để bà dân biểu Hoa Kỳ phải sốt sắng quan tâm đến thế. Ở Việt Nam chỉ có các phạm nhân vi phạm pháp luật và được tòa án phân xử công minh, đúng người, đúng tội. Còn những người mượn cớ “đấu tranh cho dân chủ” để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng làm rối loạn đất nước để “đục nước béo cò” thì dù kẻ đó là ai cũng không thể tha thứ được. Một đất nước muốn ổn định và phát triển thì phải có luật pháp nghiêm minh làm rường cột. Ở Hoa Kỳ hay bất cứ đất nước nào cũng đều như thế. Thêm nữa, có lẽ ở tất cả các nước trên thế giới, thực hiện bảo đảm quyền dân chủ thực sự của con người chính là duy trì quyền dân chủ đó trong khuôn khổ của luật pháp, không có quyền dân chủ nằm ngoài luật pháp. Nếu ai đó mong muốn và đòi hỏi kiểu tự do dân chủ đứng trên luật pháp, hoặc nằm ngoài luật pháp thì xưa nay người ta gọi đó là kiểu “dân chủ quá trớn” và chưa từng thấy được chấp nhận ở đâu.
Thứ hai là tôi thấy bà Zoe Lofgren (như trong bài trao đổi của bà với blogger) là một chính khách và hiểu biết về luật pháp Hoa Kỳ. Thế nhưng trong câu chuyện của bà, tôi thấy bà nhận định, đánh giá, kết luận các vấn đề liên quan tới chính trị, ngoại giao lại rất hời hợt, tùy hứng. Khi muốn bàn về những vấn đề nghiêm túc như: Thể chế, hệ thống luật pháp của một đất nước, hệ tư tưởng của nhân loại, mối quan hệ của các quốc gia… thì phải nghiên cứu thật thấu đáo. Vậy nhưng, chỉ ngồi trao đổi chốc lát với một blogger, trong một câu chuyện gói gọn chưa đến nghìn chữ mà bà đã vội dốc hết những vốn liếng hiểu biết của mình về những phạm trù đó thì thật… hài hước.
Từ hai vấn đề trên có thể nói rằng, câu chuyện của một blogger với bà Zoe chỉ là trò cũ và thiếu nghiêm túc của những người mượn danh “đấu tranh cho dân chủ”. Những người có suy nghĩ chắc sẽ không bao giờ tin vào những câu chuyện như thế.
TRẦN THÔN

Thiếu chữ "Tâm"

QĐND - Gần đây, dư luận rộ lên chuyện bố con ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) được Nhà nước Cam-pu-chia tặng “huân chương Đại tướng quân” vì những đóng góp vào việc sửa chữa xe bọc thép. Nếu chỉ đánh giá tài năng của một người không phải là kỹ sư, không chuyên về nghiên cứu, chế tạo máy móc, phương tiện quân sự thì ai cũng có thể thừa nhận: Việc làm của một nông dân như vậy là rất đáng trân trọng.

Thế nhưng, một số người lại ca ngợi kiểu thái quá, rồi lại đem bố con ông Hải so sánh với các nhà khoa học Việt Nam và bình luận theo hướng lệch lạc, làm méo mó hình ảnh các nhà khoa học, nhà quản lý. Thêm nữa, họ quy chụp chính quyền và các cơ quan chức năng cản trở, không cấp phép bay cho bố con ông Hải sau khi ông Hải “chế tạo máy bay trực thăng”...

Trước hết, cần phải nói rằng, việc bố con ông Hải sửa chữa được xe bọc thép là đáng quý. Tuy nhiên, việc này các kỹ sư, công nhân quốc phòng của Quân đội ta đã làm từ hàng chục năm nay. Hiện nay, các nhà máy quốc phòng của chúng ta không những sửa chữa, bảo dưỡng duy trì hệ số kỹ thuật SSCĐ cho hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép mà còn tổ chức nghiên cứu, cải tiến, sản xuất nhiều chi tiết của xe tăng, xe bọc thép nói riêng và các loại khí tài, trang bị kỹ thuật quân sự nói chung. Chỉ riêng đội ngũ công nhân trong các nhà máy, xưởng sửa chữa quốc phòng, mỗi năm đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác sửa chữa, bảo quản phương tiện, khí tài chiến đấu. Nói thế để thấy việc sửa chữa xe bọc thép của bố con ông Hải nếu đem so sánh với việc làm của các công nhân trong nhà máy quốc phòng thì đấy là một việc làm bình thường.

Còn việc các cơ quan chức năng không cấp phép cho “máy bay trực thăng” của ông Hải được bay theo ý nguyện của bố con ông là một việc làm cần thiết. Một chiếc máy bay trực thăng, hoặc một phương tiện bay, muốn được bay thì phải có quy trình chế tạo và phải được kiểm soát chặt chẽ, có tiêu chuẩn rõ ràng. Việc này không chỉ là quy định của nước ta mà là quy định của tất cả các nước trên thế giới. Các nước càng tiên tiến thì việc quản lý phương tiện bay càng chặt chẽ. “Máy bay trực thăng” của bố con ông Hải được các nhà chuyên môn đánh giá là: Không đủ tiêu chuẩn bay và tiêu chuẩn an toàn cần có của một máy bay trực thăng. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho người dân và cho chính bố con ông Hải nên cơ quan chức năng đã từ chối cấp phép bay là rất chính xác.

Nhìn nhận vấn đề gì cũng cần phải nhìn cả hai mặt. Khi bàn về vấn đề đó bằng cách viết ra câu chữ hẳn hoi thì lại càng phải thận trọng. Mọi sự bàn luận kiểu thiên lệch, xiên xẹo vừa qua của một số người, khiến ai đọc xong cũng có thể nhận ra, tác giả viết nên những dòng đó đang thiếu một chữ: Tâm.

HẢI QUÝ

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU CÔNG KHAI HÓA CÁC HỘI, NHÓM CHỐNG ĐỐI CỦA VIỆT TÂN

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, các đối tượng phản động nhận định có nhiều điều kiện để hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập, kích động người dân xuống đường biểu tình, phá rối an ninh, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” nên chúng ráo riết, móc nối, liên kết trong ngoài nhằm hình thành các nhen nhóm phản động bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau. Điển hình là tổ chức Việt tân đã lập lộ trình 3 giai đoạn nhằm thành lập, công khai các tổ chức chính trị đối lập trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XII.
Từ năm 2010 – nay các đối tượng phản động đã tuyên bố thành lập các hội, nhóm núp dưới danh nghĩa các câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp, nhóm sinh viên tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… để tập hợp, phát triển lực lượng. Trong đó, nổi bật là Hội anh em dân chủ do Nguyễn Văn Đài cầm đầu; Văn đoàn độc lập Việt Nam do Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên cầm đầu; Diễn đàn xã hội dân sự do Nguyễn Quang A, Chu Hảo cầm đầu; Mạng lưới Blogger Việt Nam do Trịnh Hội, Phạm Thị Đoan Trang cầm đầu; Hoàng sa FC ; Công đoàn doanh nhân, trí thức Thái Hà do Lê Quốc Quân và linh mục Dòng chúa cứu thế Thái Hà thành lập theo sự chỉ đạo của Việt tân…
Việc thành lập các hội nhóm của các đối tượng chống đối có sự chỉ đạo, liên kết của PĐLV với số đối tượng trong nước, thực chất đây là hoạt động tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam, nằm trong âm mưu chung của Mỹ, các nước Phương Tây và bọn phản động là tại dựng lực lượng cho cách mạng màu, lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Âm mưu của chúng là thành lập ra hàng loạt các hội, nhóm với danh xưng, mục đích, tôn chỉ hoạt động hướng tới nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng cụ thể nhằm quy tụ, tập hợp lực lượng vào hầu hết các giai tầng của xã hội nhưng hoạt động theo phương thức “có tổ chức như không có tổ chức” để tránh bị đấu tranh, xử lý và khi hình thành được nhân lõi, lực lượng đủ mạnh, kết hợp với sự hậu thuẫn, can thiệp từ bên ngoài sẽ công khai hóa thành tổ chức chính trị đối lập.
Tất cả các hội, nhóm mà các đối tượng chống đối lập lên thời gian qua đều không xin phép và trái với Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của chính Phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quỹ từ thiện và quỹ xã hội.
Số đối tượng cầm đầu, cốt cán đã móc nối, lừa bịp, lôi kéo được nhiều người tham gia và ngày càng gia tăng. Chúng đã lập ra nhiều trang wed, tạo nhiều diễn đàn như Nhật ký yêu nước, Friend of Viet tan, Radio Chân trời mới, Thanh niên công giao … để tuyên truyền, tiêm nhiễm vào một bộ phận không nhỏ quân chúng nhân dân tư tưởng đa nguyên, đa đảng, tạo ra khuynh hướng, trào lưu dân chủ theo quan điểm Phương Tây; tích cực khai thác những vấn đề tiêu cực để xuyên tạc, bình phẩm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước theo hướng tiêu cực.
Ngọc Tuấn