Quyết chống "giặc nội xâm"

Thứ năm, 27/10/2022 - 11:33

Người xưa có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Nói cho dễ hiểu là nhân dân quan trọng như gốc của cây, cây không thể không có gốc, nếu gốc không vững chắc thì cây không thể phát triển tốt và tồn tại vững bền. Được nhân dân đồng lòng, đồng sức ủng hộ thì nước mới mạnh và muốn nhân dân đồng thuận ủng hộ thì phải chăm lo cho cuộc sống của nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đặc biệt, Người nhắc nhở rất ngắn gọn, dễ hiểu mà vô cùng sâu sắc, trở thành nguyên tắc hành động đối với các cơ quan, tổ chức, mọi cán bộ cách mạng: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, phải tiền phong, gương mẫu. Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất vẫn phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh. 

Quyết chống "giặc nội xâm"

Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh: toquoc.vn 

Theo quan điểm ấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm; luôn phấn đấu vì nhân dân, đất nước nên quy tụ được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc-nhân tố quyết định để đánh thắng những kẻ thù xâm lược. 

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, chúng ta nhận thấy hiện nay, việc huy động sức mạnh lòng dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước đang gặp phải những rào cản từ một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất với các biểu hiện: Nói, viết và làm không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, việc dễ làm; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn; chỉ tập trung giải quyết những vấn đề có lợi cho mình...

Nhân dân không khỏi tâm tư trước tình trạng một số cán bộ, công chức "giàu thần tốc" không phải từ thu nhập chính đáng. Rồi trong thời kháng chiến, rất nhiều con cháu cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước xung phong vào quân ngũ, xông pha nơi gian khổ, hiểm nguy nhưng bây giờ ngày càng ít con cháu cán bộ cấp cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc xông pha nơi khó khăn, gian khổ. Một số cán bộ không những nuông chiều con cháu thái quá mà còn tìm cách ưu ái để con cháu được thăng tiến “thần tốc”, được công tác ở những vị trí nhàn nhã...

Ở góc độ khác, có những cán bộ, đảng viên không chỉ vô trách nhiệm mà còn vô liêm sỉ, trục lợi trên nỗi đau khổ của người dân (mà vụ án liên quan đến Công ty Việt Á và vụ lợi dụng những chuyến bay giải cứu đồng bào ở nước ngoài trong lúc cao điểm dịch Covid-19, với hàng chục, hàng trăm cán bộ, đảng viên vi phạm đã và đang bị nghiêm trị-là điển hình của loại cán bộ thoái hóa, biến chất).  

Quần chúng cũng không khỏi bất bình trước hiện tượng một số cán bộ ưu ái và bảo kê cho "doanh nghiệp sân sau"; doanh nghiệp ngang nhiên sai phạm mà cán bộ sở tại, lực lượng chức năng vẫn phớt lờ "cho qua" dù người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị cần kiểm tra, xử lý.

Tư tưởng tính toán thực dụng, háo danh, hám lợi, làm gì cũng chỉ đặt lợi ích của bản thân và gia đình mình lên trên hết, trước hết là biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân-kẻ thù nguy hại số một đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng. Đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, thổi phồng nhằm chống phá cách mạng, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ ta. Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân bởi đó chính là "giặc nội xâm", là kẻ thù của những người cách mạng, là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. 

Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhất là chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được Đảng ta tiến hành mạnh mẽ với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đó là phương thức vô cùng quan trọng để giữ vững và củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ-giữ vững "thế trận lòng dân". Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn hiện hữu là thực tế cần được nghiêm túc xem xét, đề ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và quyết liệt đấu tranh, khắc phục hiệu quả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Ngày 1-8-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực, trong đó xác định rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực của cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị) phải tập trung đấu tranh, xử lý. Việc quy định rõ những hành vi vi phạm này là hết sức cần thiết, có tác dụng cảnh báo, răn đe để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức soi xét lại hành vi của mình nhằm tránh vi phạm; đồng thời làm cơ sở cho nhân dân giám sát, phòng, chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp trung ương tới cơ sở. Mong rằng, tổ chức đảng các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm hướng dẫn này để phòng, chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực và những hành vi là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó giữ vững và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền để thế trận lòng dân thêm vững chắc.     

Thượng tá NGUYỄN TIẾN DŨNG (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân đoàn 1) 

Lật tẩy những chiêu trò tung hỏa mù, gây ngờ vực

Thứ Năm, 27/10/2022, 07:30

Tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh mạnh với tội phạm tham nhũng và kinh tế.

Một số vụ án điển hình như vụ Công ty Việt Á, những "chuyến bay giải cứu", mua sắm thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục… được phát hiện, xử lí. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân bị kỉ luật; đã có những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lí bị khởi tố, bắt giam vì cáo buộc nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Và mới đây nhất, tối 20/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, bà Bồ Ngọc Thu về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là diễn tiến của việc mở rộng điều tra vụ án được khởi tố cuối tháng 4/2022 đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị can có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 476 tỉ đồng…

Đấu tranh phòng, chống tội phạm lĩnh vực kinh tế từ đầu năm 2022, nổi lên là vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) với hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm thông qua phát hành trái phiếu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng (khoảng 320 triệu USD); vụ Vạn Thịnh Phát với hành vi gian dối phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư…

Riêng vụ Trịnh Văn Quyết, theo kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, thông qua việc tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng (khoảng 260 triệu USD).

Những vụ việc trên cho thấy, tội phạm kinh tế đã gây thiệt hại khủng khiếp đối với nền kinh tế nói chung, với các nhà đầu tư và người dân nói riêng. Đã có biết bao người khánh kiệt tài sản, bao gia đình tan nhà nát cửa vì bỗng chốc trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo siêu hạng.

Và việc điều tra, xử lí cương quyết nhằm ngăn chặn tội phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là nhiệm vụ cấp bách mà Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực thực hiện, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế sờ sờ như vậy song vẫn có những luận điệu ở cả trong và ngoài nước tung hỏa mù dưới chiêu bài: Nào là, Công an Việt Nam đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; nào là chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam vẫn chỉ “tắm từ vai” và chỉ nhằm vào những người không cùng cánh hẩu; nào là Công an sắp sửa “sờ gáy” tập đoàn này, doanh nghiệp kia, v.v. khiến một bộ phận dư luận, nhà đầu tư dao động, làm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Không chỉ tung hỏa mù, gây ngờ vực vào quyết tâm và hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch còn đặt vấn đề: Càng chống thì tiêu cực, tham nhũng càng nhiều; muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì cần thay đổi thể chế…

Những luận điệu sai trái, trơ trẽn nêu trên được một số người triệt để khai thác, lợi dụng, nhằm mục đích “giảm cường độ” và hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đảo ngược quá trình lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế.

Nhìn lại 3 năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến hàng vạn người thiệt mạng, sản xuất đình đốn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị trùng xuống; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mọi mặt đời sống xã hội, quốc phòng và an ninh vẫn được bảo đảm. Đáng mừng, từ cuối năm 2021, sản xuất, xuất khẩu phục hồi, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là sáng sủa nhất ở khu vực và châu Á…

Trong đó IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4% và thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.

"Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam" – như nhận định của bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên khi gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội chiều 3/10/2022.

Đây là một trong nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín với nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế đó cho thấy kết quả, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Đồng thời, việc Bộ Công an khởi tố điều tra một số cá nhân, tổ chức trong các vụ án như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đã góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đây là việc làm cần thiết, đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế.

Nói một cách ngắn gọn, những hành vi như “phù phép” vài tỉ đồng thành hàng ngàn tỉ đồng thông qua việc tăng vốn điều lệ khống; sau đó, niêm yết trên sàn chứng khoán rồi bán, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư, của người người dân… thì không thể là một giao dịch kinh tế, dân sự bình thường.

Đó là tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... cần xử lí nghiêm theo pháp luật.

Trần Duy Hiển

Cảnh giác trước thủ đoạn nhân danh phản biện xã hội để kích động chống phá

Thứ Hai, 24/10/2022, 07:19

Phản biện xã hội (PBXH) là sự tham gia của cá nhân, các tổ chứcvề một vấn đề, chủ trương, chính sách nào đó của Đảng, Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó đầy đủ, đúng đắn, hoàn thiện hơn trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh.

PBXH thể hiện rõ trong việc nêu ý kiến góp ý, bổ sung, những vấn đề chưa tán thành của người dân đối với những chủ trương, chính sách, quyết định, phán quyết... của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Mục đích của PBXH là làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, những điểm chưa hợp lý, bất cập của những chủ trương, chính sách, phán quyết, quyết định đó. Như vậy, bản chất của PBXH là thực hành dân chủ, góp phần bổ sung, sửa chữa những khiếm khuyết, tồn tại, những sai sót, đem lại những lợi ích chính đáng, hợp pháp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. PBXH có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và hơn thế, nó thể hiện sâu sắc dân chủ XHCN, bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN - quyền lực thuộc về nhân dân. PBXH tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội, là sự thể hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, một mặt còn là thước đo trình độ phát triển, trình độ văn minh Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của PBXH, Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng Hiến pháp, hệ thống luật, các cơ chế, chính sách về các vấn đề trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự đóng góp thiết thực, có ý thức xây dựng của các tầng lớp nhân dân thì một số thành phần đã lợi dụng PBXH để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân ta.

Trong âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng PBXH để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập, nhân danh phản biện để phản đối, chống đối các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Âm mưu của các thế lực thù địch là bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam. Đặc biệt là trước và trong quá trình tổ chức đại hội nhiệm kỳ của Đảng, các kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, các thế lực thù địch, phản động càng chống phá quyết liệt.

Trong thời gian qua, trên mạng xã hội có không ít người tự cho mình là người “phản biện”, có tư tưởng “tiến bộ”, lấy danh nghĩa PBXH để nêu những ý kiến về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ những vấn đề lớn của đất nước đến các chính sách, quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương. Họ đưa ra ý kiến với những cách thức như viết các “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các ngành, gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đăng tải trên mạng xã hội, blog, web[1]site cá nhân… Họ trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thổi phồng, bôi lem những tồn tại, hạn chế của đời sống xã hội. Trên cơ sở nêu vài nội dung mang tính phản biện nhưng lại thể hiện bằng ngôn ngữ miệt thị, chửi bới, công kích, bóp méo sự thật nên về thực chất là lợi dụng để xuyên tạc, chống phá chứ không còn ý nghĩa phản biện. Một số người tự xưng là “nhà lý luận” còn lợi dụng PHXH để kích động, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ, rằng chúng ta đang xây dựng một xã hội “thiếu không gian tự do”, “tự do là không chính trị”, “dân chủ hóa, giải phóng con người là chiếc chìa khóa vạn năng”...

Ở đây, khái niệm tự do đã bị hiểu theo nghĩa không còn tổ chức, không còn quy tắc, văn hóa, pháp luật, nghĩa là không còn gì ràng buộc. Và họ vội vã kết luận mang tính quy chụp, rằng nguyên nhân trì trệ về kinh tế là do trì trệ về chính trị, nguyên nhân các tồn tại, yếu kém là “do độc Đảng”! Như vậy, bằng con đường tiếp cận sai trái, họ đã đổ lỗi cho chế độ chính trị của Việt Nam, đổ lỗi cho Đảng, hướng lái quan điểm, tâm lý người dân để gây mâu thuẫn, kích động chống phá. Thử hỏi, ở mọi quốc gia, dân chủ đều phải gắn với kỷ cương, xã hội sẽ như thế nào nếu tự do, dân chủ một cách vô nguyên tắc, phi pháp luật? Thực tế đã cho thấy, không thể áp dụng một cách máy móc kiểu “tự do”, “dân chủ” ở nước này sang nước khác do những đặc điểm riêng về lịch sử xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, trình độ nhận thức của người dân.

Nguy hiểm hơn, một số trường hợp sau khi rời các vị trí, chức vụ trong Đảng, Nhà nước thì vì tư lợi hẹp hòi, vì động cơ xấu, họ lại lợi dụng danh nghĩa phản biện để đưa ra những quan điểm trái khoáy, lấy cớ góp ý với Đảng, Nhà nước mà mục đích chính là nhằm làm mất niềm tin trong nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ. Đã có không ít vụ việc lấy danh nghĩa PBXH, họ đã đưa lên báo chí nước ngoài hoặc mạng xã hội nội dung không đúng sự thật, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây hoang mang dư luận. Mục đích của những trường hợp trên nhằm thu hút sự chú ý của người đọc đối với những bài viết của họ và tấn công trực diện vào các chủ trương, đường lối, chính sách, uy tín của Đảng và Nhà nước, phủ nhận tất cả những thành quả mà đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí tung ra các bài viết, bình luận bằng các ngôn từ cay độc, vô văn hóa, vô đạo đức…

Rõ ràng, PBXH nếu được thực hiện một cách có hiệu quả có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện, đem lại hiệu quả tốt hơn. PBXH là biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Nhưng nếu lợi dụng PBXH để kích động, thổi phồng, xuyên tạc nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự ngộ nhận, nhầm lẫn trong dư luận khiến nhiều người hiểusai về hiện tình đất nước, hiểu sai về Đảng, Nhà nước thì hành vi đó là phá hoại, cần phải đấu tranh, loại trừ.

PBXH không chỉ là sự phân tích, chỉ ra những khiếm khuyết của các chủ trương, chính sách về các vấn đề xã hội mà thông qua PBXH, khi tạo được sự góp ý, hoàn thiện, nó còn là sự thể hiện đồng thuận xã hội, sự khuyến khích, cổ vũ của xã hội với những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Chính vì vậy, làm tốt công tác PBXH sẽtạo được sức mạnh to lớn cho các phong trào hành động cách mạng.

Để PBXH đem lại hiệu quả, ý nghĩa tích cực phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích hướng đến. Nếu không, PBXH sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước.

Mỗi người dân khi tiếp cận các thông tin được cho là PBXH đăng tải trên không gian mạng cần trang bị cho mình “bộ lọc” và có chủ kiến khi tiếp cận các vấn đề phản biện. Đặc biệt, với người được các thế lực xấu tung hô, ca ngợi là “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”… thì phải cẩn trọng thanh lọc. Không nên vội vàng đọc mà tin ngay vào các ý kiến dạng phản biện của ai đó khi mình chưa xác định được đầy đủ về tính chính xác của thông tin, động cơ của việc nêu ý kiến đó. Do vậy, để nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng PBXH để gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động, trước mỗi thông tin được cho là PBXH, cần chú ý nguồn gốc thông tin đó ở đâu? Thực tế có những thông tin sai lệch không rõ nguồn, chỉ được viện dẫn rất vu vơ hoặc xuất phát từ “nghe nói”, đồn thổi! Đặc biệt, cần cảnh giác với thông tin được đưa ra từ những người vốn có thành kiến, có âm mưu, hành động chống phá Đảng, Nhà nước.

PBXH cần phải thực hiện một cách công khai, nghiêm túc đối với các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng.

Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích các diễn đàn PBXH với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để ngày càng đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước. Ngược lại, mang danh PBXH để hành động chống phá, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân là không thể chấp nhận. Những người lợi dụng danh nghĩa PBXH để xâm phạm lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì tuỳ tính chất, mức độ sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Bình Nguyên – Bích Thu

Đống mối và bối bòng bong

Thứ hai, 24/10/2022 - 07:40

Ca ngợi, tán dương những giá trị bề nổi, hào nhoáng của xã hội tư bản để làm đối trọng hạ thấp, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những phương thức, thủ đoạn đang được các thế lực thù địch ráo riết thực hiện. Bằng phương pháp lập ngôn so sánh, đối sánh, ám chỉ... thông qua phát ngôn của những đối tượng có tư tưởng cực đoan, bất mãn, họ hướng lái xã hội theo lối sống thực dụng, bàng quan với khát vọng quốc gia, dân tộc...

Tán dương để “dìm hàng”

Thời còn là sinh viên, trong một tiết học, giảng viên là một PGS, TS Triết học, đã hỏi chúng tôi: “Đèn sáng nhờ gì”? Chúng tôi nhanh nhảu trả lời, nhờ năng lượng tỏa nhiệt từ lửa hoặc nguồn điện! Thầy giáo cười, nói: “Các cậu không sai, nhưng câu trả lời ở đây là: Đèn sáng nhờ... bóng tối”! Dẫn một hiện tượng rất thực tế trong tự nhiên và xã hội, người thầy muốn truyền tải thông điệp cho học trò rằng: Sự mâu thuẫn mang tính đối lập, khi thống nhất trong một sự vật, hiện tượng, sẽ thúc đẩy phát triển. Nhưng nếu tách nó ra ở những phạm trù riêng biệt mang tính đối nghịch, đối trọng, sẽ dẫn đến cái nhìn chủ quan, phiến diện, cực đoan, trái quy luật. Trong cuộc sống, không ít người bám vào điều này để thực hiện các ý đồ cá nhân.

Chẳng hạn, để ca ngợi một ai đó, người ta lại đi xăm xoi, moi móc khuyết điểm theo kiểu “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết” của người bên cạnh có chung quyền lợi, nhằm “dìm hàng”, triệt hạ đối thủ. Trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị, hành vi này là biểu hiện cá nhân chủ nghĩa của những thành phần “lươn, chạch”, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, cần phải đấu tranh bài trừ. Trên mặt trận tư tưởng chính trị, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt nhận diện những biểu hiện này để có giải pháp đấu tranh, phản bác, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đống mối và bối bòng bong
Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn 

Thời gian gần đây, việc xuất bản, học tập tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Tác phẩm này được giới học giả, chuyên gia và dư luận bạn đọc trong nước, quốc tế đánh giá cao. Bằng tư duy khoa học và cách diễn đạt khúc chiết, dễ hiểu, tác phẩm của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta trở thành cẩm nang học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên, trí thức, độc giả, góp phần giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của dân tộc ta. Ở chiều đối lập, các thế lực thù địch thông qua không gian mạng, đã tìm cách xuyên tạc, hạ thấp tác phẩm của Tổng Bí thư Đảng ta, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Với cách lập ngôn như đã dẫn ở trên, họ bám vào những thành tựu văn minh công nghiệp, tô hồng, đánh bóng, tâng bốc những giá trị bề nổi, hào nhoáng của xã hội tư bản. Họ tìm cách khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm và những sai lầm của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước, ngắt ý, chẻ chữ nhằm “dìm hàng”, bóp méo, bôi đen bức tranh xã hội Việt Nam. Trong những ngày qua, khi diễn ra Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng với cách lập ngôn đó, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở phương Tây và tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội đã lộng ngôn phê phán, chỉ trích học thuyết của Chủ nghĩa Mác-Lênin, hạ bệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), xuyên tạc, kích động mối quan hệ láng giềng Việt Nam-Trung Quốc. “Lỗi thời”, “lạc hậu”, “phi thực tiễn’, “tụt hậu”, “độc đoán”, “bảo thủ”, “lệ thuộc”... là những thuật ngữ được họ sử dụng nhằm quy kết con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là “sai lầm”, “sụp hố”...

Đừng rước “đống mối” về nhà

Cần thấy rằng, mục tiêu và những nội dung các thế lực thù địch áp dụng để chống phá cách mạng Việt Nam, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” là không thay đổi. Vấn đề nằm ở chỗ, họ thường xuyên điều chỉnh phương thức các chiến dịch tuyên truyền, sử dụng thủ đoạn tinh vi, bám vào các sự kiện theo dòng chủ lưu để ngụy tạo luận điểm, luận cứ, luận chứng, lấy giả làm thật nhằm thực hiện mưu đồ đen tối. Đáng tiếc là những thứ như “bối bòng bong” ấy lại được một bộ phận trí thức, người nổi tiếng có tư tưởng cực đoan rước về nhà, trưng bày lòe loẹt ở tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Họ bôi đen hệ tư tưởng của Đảng ta và tình hình đất nước bằng kiểu lập ngôn ám chỉ, bóng gió, thái độ trịch thượng, cợt nhả. Nếu cán bộ, đảng viên và công chúng thiếu cái nhìn biện chứng, khách quan, toàn diện, sẽ dễ bị dẫn dụ bởi những thứ “hàng thau”, “xi mạ” dởm này. Nó tác động nguy hại đến môi trường văn hóa, đời sống chính trị tinh thần của công chúng, tác hại khôn lường...

Nằm trong thủ đoạn tô hồng, tán dương những thứ “xi mạ” để bôi đen bức tranh xã hội Việt Nam, còn có kiểu “thương vay, khóc mướn”. Chẳng hạn, một tác giả từng thành danh, sau khi suy thoái tư tưởng chính trị, đi vào vết xe đổ của những thành phần phản động, lập tức được các đối tượng cực đoan, cơ hội chính trị tung hô, suy tôn như một “anh hùng”, “tượng đài”. Họ lấy cái sản phẩm, hành vi của sự suy thoái ấy làm “chuẩn giá trị” để chỉ trích Đảng, bôi xấu chế độ. Hành vi này chả khác gì giữa thanh thiên bạch nhật, họ tự tay khều bấc trong cái bã nến, đốt lên, đóng cửa, kéo rèm cho ngôi nhà chìm trong bóng tối rồi tự tuyên ngôn rằng, ngọn nến ấy đang tỏa sáng giữa đêm đen?!  Cùng với đó, họ “cải mả” những giá trị thuộc về đế quốc xâm lược và cái “thây ma” của ngụy quyền tay sai Sài Gòn trước năm 1975 để ca ngợi, tán dương, thông qua đó nhằm hạ bệ vai trò của Đảng, bôi xấu chế độ. Một số nhân tố người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng thù địch với đất nước, từng có những thành công nhất định trên một số lĩnh vực ở quốc gia sở tại, khi qua đời, lập tức được không ít trí thức, người nổi tiếng trong nước tán dương, tung hô như là những “anh hùng”, “vĩ nhân” của thời đại. Kỳ thực, những nhân tố đó, sau khi ra nước ngoài định cư, suốt mấy chục năm qua không hề giúp ích gì cho đất nước, ngược lại, còn tìm mọi cách chèo kéo một bộ phận kiều bào thực hiện âm mưu chống phá Đảng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong lúc đó, chính một số đối tượng trong nước, nhờ có Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng mà thành danh, đã vội “quay xe”, vô ơn, phủ nhận môi trường đã dung dưỡng mình. Đó là kiểu hành xử “Mồ cha không khóc, khóc đống mối. Mả mẹ không khóc, khóc bối bòng bong”. Rước cái “đống mối”, cái “bối bòng bong” ở đẩu đâu về nhà để tôn thờ, bỏ bê gia tiên, gia đạo, thực là một cái tội.

Kiên định những giá trị đã được khẳng định

Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh sự kiên định vững vàng đối với mục tiêu, con đường chúng ta đã chọn, đó là: Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng... Đây là những vấn đề mang tính nguyên tắc, những giá trị đã được khẳng định từ thực tiễn và lý luận, khoa học, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải luôn quán triệt, thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu: “Không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”! Nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch thông qua những hình thức tinh vi, cách lập ngôn xảo biện của các đối tượng cực đoan có tư tưởng thù địch, là cách để mỗi cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước có thêm căn cứ củng cố lập trường, đấu tranh bài trừ những quan điểm sai trái.

Trong tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng... Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội...

Từ thực tiễn lãnh đạo đất nước, Đảng ta ngày càng vũ trang đầy đủ, đồng bộ về lý luận, nguyên tắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho mọi cán bộ, đảng viên. Đó là thứ vũ khí sắc bén, vững chắc để củng cố trận địa tư tưởng của Đảng từ gốc, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các  thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ bổn phận, trách nhiệm của mình để có ý thức, phương pháp lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Kiên định với lập trường hệ tư tưởng của Đảng để không ai bị rơi vào cái bẫy suy thoái, chuyển hóa do các thế lực thù địch bày ra. Những ai đang có biểu hiện ngả nghiêng, dao động, cần tỉnh táo nhận diện vàng thau, đừng rước thêm những cái “đống mối”, “bối bòng bong” về nhà, vừa đắc tội với cha ông vừa làm hoen ố gia đạo!

PHAN TÙNG SƠN

Bài 3: Trau dồi tinh thần “dĩ công vi thượng” (Tiếp theo và hết)

Thứ bảy, 22/10/2022 - 07:19

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Đó chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Giữ được tinh thần “dĩ công vi thượng” sẽ không để những thói hư, tật xấu của chủ nghĩa cá nhân chi phối bản thân mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết...”.

 "Dĩ công vi thượng” là tiêu chuẩn đảng viên

Làm cách mạng là “một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ” và “mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”, nên “dĩ công vi thượng” là yêu cầu có tính nguyên tắc mà đảng viên phải thực hiện.

“Dĩ công vi thượng” là phẩm cách cao quý của người đảng viên cộng sản chân chính, không chỉ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, mà còn giúp mỗi người khẳng định bản lĩnh chính trị, trí lực, thể lực và tâm lực trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. “Dĩ công vi thượng” chính là sự mẫu mực nêu gương trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó không chỉ là đặt việc công lên trên hết, trước hết; không chỉ là ứng xử với quyết định của tổ chức, với công việc của cơ quan và với mọi người trong tổ chức một cách “chí công vô tư”, mà còn phải là “làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”. Mà muốn làm được, thì “phải: quyết tâm, tín tâm, đồng tâm” và nhất định phải “thực hành làm gương nêu ba chữ ấy”. 

Bài 3: Trau dồi tinh thần “dĩ công vi thượng” (Tiếp theo và hết)
Ảnh minh họa: vtv.vn 

Sức mạnh của tinh thần “dĩ công vi thượng” không chỉ dừng lại ở việc khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, cổ vũ và phát huy sự sáng tạo của quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn giúp người cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tiễn. Để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, trừ bỏ kẻ địch luôn ẩn nấp trong mỗi người thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, tự bồi dưỡng sức đề kháng, sự miễn dịch cho chính mình. Cùng với việc thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thì vacine để miễn dịch tốt nhất chống chủ nghĩa cá nhân chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”. Vì thế, dù ở đâu hay trong bất kỳ thời điểm nào, chừng nào người cán bộ, đảng viên còn làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”, còn đề cao tinh thần ấy, cốt cách ấy, thì chừng đó chủ nghĩa cá nhân nhất định được ngăn chặn và bị đẩy lùi.

Thực tế cho thấy, trong những năm nếm mật, nằm gai cùng quần chúng nhân dân đấu tranh để giành chính quyền (1930-1945); trong những cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và trong hơn 35 năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đều thấm nhuần sâu sắc những điều răn về đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Sao cho được lòng dân (1945), Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (1945), Sửa đổi lối làm việc (1947), Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969)... ; đều tận tâm, tận lực phấn đấu, phụng sự sự nghiệp cách mạng với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Đó đều là những người cán bộ, đảng viên chân chính; là những người không chỉ thường xuyên, nghiêm túc trau dồi những phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản mà còn ra sức phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn, thách thức để lãnh đạo quần chúng nhân dân, chia ngọt, sẻ bùi cùng dân chúng, làm nên những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Tinh thần “dĩ công vi thượng” đó không chỉ được đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đề cao trong những năm chiến tranh, mà còn luôn được quán triệt, triển khai trong thời bình: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân (...) phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”, để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết của quần chúng, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Để “dĩ công vi thượng” trở thành sức mạnh nội sinh 

Những nhiệm kỳ gần đây, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh gắn liền với cuộc đấu tranh chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân-nguyên nhân sâu sa của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tuy nhiên, vì những hệ lụy từ yếu tố kinh tế thị trường, từ sự cám dỗ bởi vật chất, bởi lối sống thực dụng, xa hoa, hưởng lạc, nên vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và CDC một số địa phương hay trong vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao... là minh chứng cho thấy họ (cá nhân, tổ chức) đã không làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Họ đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực được trao để trục lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích mà không màng đến lợi ích của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Họ để chủ nghĩa cá nhân chi phối vì đã không học và làm theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như Chỉ thị số 03-CT/TW khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"... 

Vì thế, để “dĩ công vi thượng” trở thành sức mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và luôn được thực hành tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau: 

Một là, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, Điều lệ Ðảng, kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (bất kể người đó là ai, đang công tác hay đã nghỉ hưu) là việc triển khai cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, để người có quyền không dám, không thể, không cần và cũng không muốn mưu cầu lợi ích riêng. Đồng thời, cũng không để nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát chỉ là hình thức, thậm chí bị vô hiệu hóa, để ý chí cá nhân, “cái tôi” cá nhân áp đặt lên tập thể trong mọi quyết định.

Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ” gắn liền với phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị...

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”, mà còn “cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”. Đồng thời, “phải củng cố mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Phải đề cao tinh thần kỷ luật, tinh thần nguyên tắc, tinh thần Đảng của mỗi đảng viên”, “nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”, coi đây là nhu cầu tự thân của mỗi người. Đây không chỉ là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, mà còn khẳng định tính tự giác, sức mạnh nội sinh của mỗi người, bảo đảm để “dĩ công vi thượng” luôn được thực thi trong mọi lĩnh vực.

Ba là, trong từng chương trình, kế hoạch triển khai của mỗi tổ chức và cá nhân về đạo đức, “dĩ công vi thượng” đều phải được soi xét, nói và làm thống nhất trên cả 3 mối quan hệ (đối với mình, đối với người, đối với việc) và phải là một tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá, xếp loại thi đua của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự rèn mình để tránh xa, chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân (trong hoàn cảnh nào cũng không để sự kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự mãn trong mình trỗi dậy); đều phải tự soi những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để sửa chữa, đi liền với việc trau dồi, bồi dưỡng những ưu điểm, những điều hay từ những người xung quanh để tiến bộ.

Đối với công việc, không chỉ gương mẫu đi đầu, nói trước, làm trước, thống nhất giữa nói và làm; dám làm, dám chịu trách nhiệm mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc công cũng được đặt lên trên, lên trước việc tư; lợi ích của Đảng của nhân dân cũng được đặt lên trên lợi ích của cá nhân mình. Bất kỳ công việc gì được Đảng và nhân dân giao phó cũng phải nỗ lực hoàn thành và hoàn thành với tinh thần trách nhiệm cao, với tinh thần vượt khó, không màng danh lợi. Còn đối với người, thì vừa phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc, vừa phải “có lòng bày vẽ cho người”, khoan dung, độ lượng để cùng nhau hợp tác, làm việc và phát triển vì lợi ích chung.

Việc luôn tự soi, tự xét để kiểm điểm bản thân và tự sửa đổi điều dở, phát triển điều hay cũng chính là cách để người cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trau dồi tinh thần “dĩ công vi thượng”!

TS VĂN THỊ THANH MAI

Bài 2: Khắc phục các loại “bệnh cá nhân”

Thứ sáu, 21/10/2022 - 07:16

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”, mà Người còn nhấn mạnh rằng “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. 

Tự soi để nhận diện các loại "bệnh cá nhân"  

Những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong mình là những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, họ không còn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không còn gương mẫu, tiền phong, thống nhất giữa nói và làm; không còn xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. 

Bài 2: Khắc phục các loại “bệnh cá nhân”
Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. 

Họ quên mất rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, nên, trong họ cái tôi luôn được đề cao. Họ luôn coi mình là trung tâm, có quyền hưởng thụ, chăm chăm tính đếm lợi ích của cá nhân mình và người thân, dòng họ mình mà không màng đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Vì thế, khi đã để những chứng bệnh cá nhân chủ nghĩa nảy sinh, thì dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là sống có lý tưởng, vì lý tưởng của Đảng mà hành động.

Họ kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, chỉ thích “nhìn từ trên xuống” khi phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình. Họ sợ tự phê bình hay bị người khác phê bình sẽ làm mất đi cái uy thế, cái thể diện, cái uy tín của họ, nên “họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh cán bộ ngoài Đảng”. Không dừng ở đó, “họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng”. Thậm chí có những người còn cho rằng mình là “cứu tinh’ của dân, “công thần” của Đảng nên đã “kể công” với Đảng, “muốn Đảng phải “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ”. Khi không được thỏa mãn thì họ quay sang bất mãn, “oán trách Đảng”, vì cho rằng mình “không có tiền đồ”, “bị hy sinh”, thậm chí theo đuôi và cổ xúy cho những đối tượng phản động, cơ hội nhằm bôi đen sự thật, chống phá Đảng và chế độ. 

Trong công việc, vì không muốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và tự cho mình quyền hành động tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật, nên họ độc đoán, chuyên quyền và mắc các trọng bệnh là “con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân như: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh khai hội, bệnh nể nang, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh; bệnh cận thị, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp... Những chứng tật bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong nhiều bài viết, bài nói và bài phát biểu của mình; và cũng theo Người, những “bệnh cá nhân” này không chỉ gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với những cán bộ, đảng viên đã và đang suy thoái, mà còn đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng.  

Trong quan hệ với quần chúng, họ tự cho rằng “mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng". Họ không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”, nên đóng cửa, ngồi bàn giấy, xây dựng kế hoạch, viết chương trình rồi dùng mệnh lệnh “cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”, ép dân chúng làm. Vì tự cho mình quyền là “quan phụ mẫu”, nên những cán bộ, đảng viên để chủ nghĩa cá nhân chi phối này thậm chí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện còn không bàn bạc, không giải thích với quần chúng; không cho quần chúng phát biểu, tham gia ý kiến đóng góp mà chỉ “bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh” của mình. Vì tự cho mình quyền được “ăn trên ngồi trốc”, nên những vị “cha mẹ dân” này không cần biết đến cơ sở, cũng không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến xác đáng của quần chúng... khiến “quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

Tất cả những chứng bệnh nêu trên đều do chủ nghĩa cá nhân sinh ra; đều xuất hiện ở những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tất cả những “bệnh cá nhân” này dường như không chững lại mà còn tiếp tục nảy nở cùng với thời gian. “Chúng” đã, đang và sẽ xuất hiện với những biểu hiện mới, khi công khai, khi ngấm ngầm, song dù ở dưới dạng nào thì “chúng” cũng đều trái với đạo đức cách mạng, trái với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính và vì thế “chúng” đều vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng và các nguyên tắc của một Đảng Mácxít-Lêninnít chân chính, cách mạng. Tất cả những “trọng bệnh” này đều đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự soi để nhận diện đúng và tự sửa/tự khắc phục bằng những phương pháp hữu hiệu theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh! 

Rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục  

Đấu tranh để trừ bỏ, khắc phục các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân là “tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Đó là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, gian khổ, đau đớn, lâu dài mà Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không được nản chí, buông xuôi. Dùng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khắc phục những “bệnh cá nhân”, để kiên quyết loại bỏ kẻ địch nội xâm ra khỏi mỗi con người, ra khỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. 

Vì rằng, “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, cho nên để đấu tranh trừ bỏ, khắc phục những “bệnh cá nhân”, thì: 

Một là, đối với mình: Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Trong đó, chú trọng việc tự rèn mình, tự sửa mình để phòng, tránh sự kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, vì tự mãn, tự túc sẽ thoái bộ, lạc hậu, sẽ không thể tiến bộ. Đồng thời, phải tìm tòi, học hỏi trong nhân dân; trong đồng nghiệp, đồng chí; trong cấp trên và cả cấp dưới để cầu tiến bộ, để học lấy điều hay của người mà làm giàu tri thức khoa học, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bản thân mình, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Hai là, đối với tổ chức: Quán triệt yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức, nỗ lực “rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” gắn với phát huy vai trò nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm... để kiên quyết làm đúng nghị quyết của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, trọng trách càng cao càng yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trên tinh thần “đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. 

Ba là, đối với công việc: Mỗi người đều phải “ra sức học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin”, “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn” và “luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. Trong mọi công việc, trước khi quyết định đều phải nghiên cứu, tìm hiểu, điều tra rõ ràng, xem xét kỹ lưỡng, vì lợi ích chung. Khi đã triển khai thực hiện thì phải quyết tâm làm và làm đến cùng, chứ không làm nửa vời, được chăng hay chớ; đồng thời, phải phát huy vai trò tiền phong của mình, của đội ngũ cán bộ, đảng viên để khắc phục mọi khó khăn, trở ngại hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai, không vì thành tích, sự hiếu danh, hiếu vị và tiền tài mà bất chấp tổn hại, bất chấp quy luật khách quan...

Bốn là, đối với nhân dân: Một trong những phương pháp để đấu tranh thắng lợi, trừ bỏ được các “bệnh cá nhân” chính là người cán bộ, đảng viên hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng; tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng. Vì thế, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ quan và địa bàn cư trú cũng chính là một trong những “biệt dược” để chữa được các “bệnh cá nhân”. Và cũng vì thế, khi đội ngũ cán bộ, đảng viên hướng về nhân dân, vì nhân dân hết lòng, hết sức phụng sự với tinh thần liêm chính, với phương châm “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, thì nhất định sẽ không còn sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, lãng phí, cũng như sẽ không còn những cán bộ vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật phải xử lý như thời gian qua.

(còn nữa)

TS VĂN THỊ THANH MAI 

Phương pháp quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm, 20/10/2022 - 06:05

Bài 1: Mài sắc vũ khí tự phê bình và phê bình

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân - vết tích xấu xa của xã hội cũ là kẻ địch “nội xâm”; là thứ vi trùng mẹ “rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc.

Vì thế mà càng nguy hiểm” và “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”... Vì thế, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ suốt đời của mọi đảng viên.  

Phương pháp quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn  

Kẻ thù của đạo đức cách mạng 

Cũng vì sự dễ trỗi dậy, lây lan và nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ, đảng viên nếu không tự đề kháng và “miễn dịch” được trước sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân thì tất yếu sẽ sa vào cá nhân chủ nghĩa, bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, sẽ “thoái bộ và lạc hậu”.

Những người do “cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm” là những người “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.

Họ không chỉ thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm mất đoàn kết nội bộ mà còn làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Họ xa rời nhân dân, xem thường quần chúng, chỉ muốn phê bình người khác nhưng không muốn người khác phê bình mình; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh, gây tổn hại đến danh dự và uy tín của Đảng...

Và cũng vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, phải phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân bằng việc thực hiện nghiêm vũ khí tự phê bình và phê bình. Đây là việc làm vừa quan trọng và cần thiết, vừa thường xuyên và lâu dài của những người đảng viên cộng sản, góp phần để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

“Vũ khí” để tự cứu mình và giúp người

Trong rất nhiều thang thuốc để phòng, chống và đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thì tự phê bình và phê bình là thang thuốc hữu hiệu nhất. Đó là “vũ khí” để chữa bệnh cá nhân chủ nghĩa/chủ nghĩa cá nhân, nên mỗi người, mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị (gọi chung là tổ chức) cần phải sử dụng thường xuyên, nghiêm túc như “rửa mặt hằng ngày” để gột rửa sạch những vết tích, tàn dư của chế độ cũ, để trừ bỏ mọi thói hư, tật xấu trong người. Vì tự phê bình và phê bình là “vũ khí” sắc bén, nên cá nhân, tổ chức sử dụng vũ khí đều phải dùng đúng chức năng, công năng, đúng hoàn cảnh, thời điểm... mới bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất. 

Cụ thể, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”, nên khi tiến hành vừa “phải kiên quyết, ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” vừa "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong đó, tự phê bình là quá trình tự soi chính bản thân mình, nên khi soi phải đồng thời “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”. Đối với khuyết điểm của bản thân thì phải “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.

Việc tự đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm này sẽ giúp bản thân: Một mặt, thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình; mặt khác, làm cơ sở cho những người xung quanh đóng góp ý kiến, nhằm sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là để giúp người, nên cũng phải đồng thời “vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm” của đồng chí mình, để có lỗi thì sửa, có ưu điểm thì phát huy. Trong khi phê bình, việc vừa tham gia góp ý kiến và chỉ ra cách thức, biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để ngày càng tiến bộ; vừa cổ vũ, động viên đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt... sẽ góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của mỗi tổ chức.

Để “mài sắc” vũ khí tự phê bình và phê bình, thì người phê bình người khác không chỉ phải luôn khách quan, trung thực, công khai, thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý mà còn phải cung cấp thông tin, dẫn chứng chính xác, “không đặt điều”, “không thêm bớt” làm cho người được góp ý tâm phục, khẩu phục. Khi phê bình, cần lựa chọn phương pháp thích hợp trong lời nói, giọng nói, cách nói, nhất là phải phát ngôn đúng nơi, đúng chỗ; tránh kiểu ba phải, thành kiến, xu nịnh, dựa dẫm, “thói đạo đức giả” và nhất là tránh dùng lời lẽ mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình.

Còn người bị phê bình cũng cần phòng và tránh sự bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, phát ngôn thiếu văn hóa hoặc có thái độ thách thức, khiêu khích người đang phê bình mình; nhất là cần tránh việc nhận khuyết điểm nhưng không tâm phục, khẩu phục, nên chỉ nhận qua loa, cho xong chuyện mà không quyết tâm sửa chữa, thậm chí vẫn tiếp tục mắc lại những khuyết điểm cũ. Riêng đối với những ý kiến góp ý chưa đúng, cần phải giải trình thì người bị phê bình cũng nên bình tĩnh, mềm dẻo, khiêm tốn và cầu thị...

Theo Hồ Chí Minh, việc mài sắc “vũ khí” tự phê bình và phê bình chỉ thực sự hữu hiệu khi người phê bình cũng như người tiếp thu ý kiến phê bình của người khác đều có động cơ trong sáng, đúng đắn, với tinh thần “phê bình việc làm, chứ không phê bình người”; khi cả hai người đều thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình cũng như của đồng chí mình; đều phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể với tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và quyết tâm sửa chữa.

Trong khi thực hiện “vũ khí” này, cả người tự phê bình lẫn người phê bình đều phải tránh động cơ vụ lợi, thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi; lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, phủ nhận ưu điểm nhằm hạ uy tín, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. 

Trên thực tế, “vũ khí” tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc chưa được “mài sắc”, chưa được thực hiện nghiêm, bởi trong từng con người, từng đơn vị vẫn còn hiện tượng “sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín” và dùng lý do “sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo” để che giấu hoặc bao che khuyết điểm, chạy tội cho đồng chí mình.

Tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” vì sợ mất lòng, “mất phiếu”, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân cũng như tâm lý sợ bị phê bình nên phải phê bình người khác nhưng phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức-thực chất là nói để lấy lòng nhau vẫn còn. Vì thế, để “vũ khí” tự phê bình và phê bình sắc bén trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, thì:

Một là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả “tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở” gắn với nhiệm vụ chính trị, với sinh hoạt Đảng. Việc chuẩn bị tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức vừa phải có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên, với phương châm “trị bệnh cứu người”, “thuốc đắng dã tật”, vừa phải được tiến hành chu đáo, nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phải gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với các chỉ thị và kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... để làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.  

Hai là, vì tự phê bình và phê bình là quá trình tự soi, tự sửa, tự cứu mình và giúp người, vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự phát triển vững mạnh của tổ chức, nên “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa.

Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”, chứ không chờ “có việc” mới tiến hành, có khuyết điểm mới phạt... Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và phát huy dân chủ; đề cao tính tự giác, trách nhiệm, thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn, phù hợp để “vũ khí” này trở thành động lực cho mọi sự phát triển, tạo được sự biến đổi về chất trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức Đảng, nhân nguồn sức mạnh nội sinh trong từng cá nhân, trong từng tổ chức lên như cây nảy lộc, đơm hoa, kết trái.

Ba là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vừa cẩn trọng vừa kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình theo nguyên tắc tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên.

Cấp trên gương mẫu tự kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm, cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, để nguyên tắc tự phê bình và phê bình không chỉ bảo đảm chất lượng, hiệu quả mà còn góp phần làm tăng uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi tổ chức.

(còn nữa)

TS VĂN THỊ THANH MAI