Vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch phá hoại Hiến pháp

Anh Nguyễn Đình Nam, ở Thạch Kim, Thạch Hà, Hà Tĩnh nói với chúng tôi: "Từ khi có Đảng đến ngày đất nước giành được độc lập (1945) chỉ có 15 năm mà đã có 4 Tổng Bí thư của Đảng ta bị giặc cầm tù, giết hại, trong 4 người thì Hà Tĩnh quê tôi có 2 người là Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập. Nếu không có Đảng, không có những Đảng viên hy sinh vì dân tộc như vậy thì liệu có ngày hôm nay không? Thế mà một số đối tượng đòi phá bỏ sự lãnh đạo của Đảng thì không thể chấp nhận được".
Chúng tôi đến Trường Đại học Hà Tĩnh, được biết: Trên một số trang mạng đưa tên của 106 sinh viên Hà Tĩnh ký tên "sửa đổi Hiến pháp 1992" để nhằm mục đích cá nhân thì có đến 85 em không có tên đang theo học tại trường, còn 21 em có tên thì tên rất chung chung trùng tên với rất nhiều em khác, có em đã ra trường, có em đang đi thực tập.
Thạc sĩ Lê Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng, sinh viên Hà Tĩnh nói chung có tính truyền thống cách mạng rất cao, hầu hết các em xuất thân từ những làng quê chân lấm tay bùn nên các em luôn chăm chỉ việc học. Có định hướng rõ ràng, học để giúp đỡ gia đình, học để lập thân, lập nghiệp. Khi có trang mạng đưa tên sinh viên của trường với mục đích xấu, Đoàn trường, Hội Sinh viên gặp gỡ sinh viên để trao đổi một cách dân chủ, thoải mái, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em thì hầu hết sinh viên tỏ ra bất ngờ việc bị các đối tượng khác dùng tên của mình để đưa lên mạng. Đi vào tìm hiểu tâm tư của sinh viên, chúng tôi nhận thấy, hầu hết sinh viên của trường đều phấn đấu, có nguyện vọng vào Đảng. Vì vậy trong những năm qua công tác phát triển Đảng của trường rất được chú trọng, chỉ tính 3 năm trở lại đây đã có gần 100 sinh viên được kết nạp Đảng và gần 400 sinh viên ưu tú được cử đi học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng.
Sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh sôi nổi thảo luận việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bên cạnh giả danh sinh viên ký tên, các đối tượng thù địch còn đưa giả danh sách 12 cán bộ, công chức y tế Hà Tĩnh và 13 công chức giáo dục Hà Tĩnh. Nhưng thực sự 12 cán bộ ngành Y tế thì chỉ có 2 người có tên và 13 công chức ngành Giáo dục thì trùng tên với hàng trăm, hàng ngàn công chức giáo dục, y tế khác. Tiếp xúc với nhiều cán bộ y tế và giáo dục Hà Tĩnh, chúng tôi đều nhận được sự khẳng định: Góp ý sửa đổi Hiến pháp ở Hà Tĩnh được cấp, ngành chủ quản tổ chức công khai, dân chủ thông qua các hội nghị, hội thảo của cơ quan, đoàn thể. "Ai hơi đâu mà đi làm những việc vô bổ, ký tên rồi đưa lên mạng như một số đối tượng lợi dụng", chị Trần Thị Lý, cán bộ ngành Y tế Hà Tĩnh nói vậy.
Sửa đổi Hiến pháp gắn liền với quyền lợi của đất nước, của nhân dân, đó là khẳng định không thể phản biện. Chính vì vậy, nhân dân vùng quê cách mạng Hà Tĩnh nói riêng đã sôi nổi tham gia góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.
Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm mới để việc góp ý sửa đổi Hiến pháp thực sự dân chủ, có hiệu quả cao, vì vậy đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến ngày 8/4/2013, qua tổng hợp sơ bộ hiện nay đã có 98% các tổ chức, đơn vị, địa phương cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn cho nhân dân góp ý. Hà Tĩnh có gần 1,3 triệu dân nhưng đã có tới 767.000 lượt người dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, chiếm tỷ lệ 62% dân số toàn tỉnh, trong đó có rất nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực. Các ý kiến của nhân dân phần lớn đều đồng tình rằng cần phải sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Đồng thời có đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều, chương của Dự thảo Hiến pháp. Trong đó có một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 4, Đảng phải có trách nhiệm trước nhân dân về quá trình lãnh đạo của mình. Trước những thủ đoạn xấu của thế lực thù địch, mạo danh, bôi nhọ người chân chính, đề nghị Công an và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh sớm tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có biện pháp bảo vệ người dân lương thiện, vạch rõ thủ đoạn xấu xa của kẻ địch, tuyên truyền để bà con không bị mắc mưu ý đồ xấu của thế lực thù địch.
Đại tá Trần Công Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh:
Hà Tĩnh là tỉnh có truyền thống cách mạng, là tỉnh luôn tạo được sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Việc một số chủ trang mạng giả mạo một số người dân Hà Tĩnh góp ý sửa đổi Hiến pháp để mưu đồ lợi ích riêng là nhằm làm giảm uy tín của lãnh đạo địa phương, đồng thời xúc phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Công an Hà Tĩnh cương quyết phản đối các đối tượng đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, đồng thời phân công các phòng, ban nghiệp vụ có kế hoạch đảm bảo cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi góp ý sửa đổi Hiến pháp theo đường lối, chủ trương chung của Nhà nước. Lực lượng
Công an Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết; sự lãnh đạo của Đảng là cần thiết; tăng cường vai trò của Quân đội là cần thiết, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Với những đối tượng đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Công an Hà Tĩnh đang tiếp tục tiến hành xác minh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý đúng theo nguyện vọng của nhân dân.
Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Dương Thị Huyền Trang, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh:
Thời gian qua Đoàn trường, Hội Sinh viên Đại học Hà Tĩnh tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để sinh viên chúng em góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, các bạn sinh viên tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi. Trong nhiều điều, chương của Hiến pháp chúng em chưa hiểu thì các bạn tập trung thảo luận. Các chi đoàn phát tài liệu đến từng sinh viên để đọc, tham khảo, đóng góp ý kiến chúng em đều tham gia. Sinh viên tụi em đều tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Vừa qua có một số người phát tán trên mạng giả danh sinh viên Hà Tĩnh đóng góp ý kiến trái với tâm tư, nguyện vọng của sinh viên nên chúng em rất bức xúc, cảm thấy bất bình vì họ đã làm ảnh hưởng đến ngôi trường chúng em đang theo học. Sinh viên chúng em xác định tập trung vào việc học, ra trường có việc làm giúp đỡ gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.


Sông Lam

Các tôn giáo đồng hành với dân tộc

QĐND - Tuần qua, trên cả nước, các hoạt động mừng ngày Phật đản đã diễn ra trong không khí vui tươi, trang trọng. Không chỉ tăng ni, phật tử mà đông đảo nhân dân đã tham dự các sinh hoạt tôn giáo, cảm nhận một cách đầy đủ và sâu sắc tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Tuy vậy, đây đó ở trong nước và nước ngoài vẫn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc sự thật về đời sống tôn giáo ở nước ta.
Là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế, được tất cả những người có lương tri trong nước và trên thế giới thừa nhận. Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Cùng với việc khẳng định trong Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các pháp lệnh, nghị định, đặc biệt là Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt Nam có hầu hết các tôn giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành. Đến hết năm 2012, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo. Hơn 25.000 cơ sở thờ tự trên mọi miền đất nước, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới bền vững, khang trang. Cùng với việc công nhận tư cách pháp nhân, mở mang cơ sở thờ tự, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng đường hướng hoạt động tiến bộ: gắn bó, đồng hành với dân tộc, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, ủng hộ và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan hệ quốc tế trong tôn giáo cũng ngày càng được mở mang, cải thiện. Nhiều giáo hội không chỉ gửi người trẻ tuổi đi đào tạo ở nước ngoài mà còn tham dự hàng loạt các hội nghị tôn giáo quốc tế, tiếp nhận các chương trình đầu tư hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ v.v..
Tại cuộc Hội thảo quốc tế "Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập - Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ" do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức ngày 14-6-2012, tại Hà Nội, cố vấn chính trị Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Juan-Jose Almagro Herrador đã phát biểu: “Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển rất quan trọng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng”. Mới đây, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam đã đến thăm Mục vụ Giáo hạt Quảng Trị và Tổng giáo phận Huế. Chứng kiến những đổi thay trong hoạt động tôn giáo trên địa bàn, Đặc phái viên Leopoldo Girelli bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của chính quyền đã dành cho Giáo hội Công giáo nói chung, Giáo phận Huế và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang nói riêng như: Ưu ái giao đất, mở rộng cơ sở thờ tự và làm đường sá thuận lợi cho việc đi lại của giáo dân… Từ những điều tận mắt chứng kiến, Đặc phái viên nhắc nhở cộng đoàn “phải có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội, đối với chính quyền, đối với địa phương mình đang sinh sống, sống công bằng, yêu thương và phục vụ…”.
Trong buổi tiếp đoàn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới thăm, chúc mừng nhân Lễ Phật đản 2013, với niềm hoan hỷ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ-Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động của Giáo hội. Theo Đại lão Hòa thượng, sự quan tâm ấy là cơ sở cho những kết quả phụng đạo yêu nước của tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam thời gian qua. Kính mừng Đại lễ Phật đản, tăng ni, cư sĩ, phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thành tâm, tinh tấn nỗ lực thực hiện tốt công tác Phật sự ích đời lợi đạo, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc, yên vui, hạnh phúc... Chỉ cần điểm qua những nét cơ bản ấy đã đủ thấy bức tranh tôn giáo ở Việt Nam là rất sáng sủa. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện để phát triển, hoạt động theo quy định của luật pháp. Mọi giáo dân chân chính đều phấn đấu sống "tốt đời, đẹp đạo", gắn "đạo" với "đời", các tôn giáo đồng hành với dân tộc.
Trong một báo cáo gần đây, cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” viện dẫn một số trường hợp công dân Việt Nam theo các tôn giáo vi phạm pháp luật bị các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp xử lý, để rồi nói rằng: “Việt Nam đàn áp tôn giáo” là một sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn. Cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia trên thế giới, tôn giáo không thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Giáo dân trước hết là công dân, mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm vào các tội được quy định trong pháp luật, thì dù công dân đó có đạo hay không có đạo đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. Tự do tôn giáo không thể bị đánh lận với những đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phạm pháp, bị điều tra, truy tố, xét xử. Ở Việt Nam không có chuyện đàn áp tôn giáo, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý mà thôi.

PHÙNG KIM LÂN

Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh – thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch

Để chống phá cách mạng Việt Nam, một trong những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là ra sức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng dẫu tìm mọi cách, lúc trắng trợn, lúc tinh vi, chúng nhất định không lừa dối được nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên toàn thế giới. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam. 
Cách mạng Việt Nam đã và đang là một tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch. Đã có rất nhiều chiến dịch quy mô quốc tế, dưới nhiều phương thức khác nhau, nhằm bôi đen, xuyên tạc, vu khống những người cộng sản, các vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam được nhân dân yêu mến, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc.
Tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng, Hồ Chí Minh thực chất chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa”(!) Chúng cố chứng minh tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh là “phi nhân tính”(!) Chúng suy luận: “Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”(!) Chúng còn dựng những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung” người cộng sản không có tình cảm, tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em...! Chúng công khai mục tiêu đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại Hồ Chí Minh(!).
Vì sao chúng lại cố tình làm như thế? Thực ra, mục đích chính của chúng là để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo con đường khác con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và chính lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn. Trong nhiều “kênh” chống phá, chúng nhằm vào hai “kênh” chính yếu nhất là “đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở “kênh” thứ nhất, chúng “đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vì Đảng là tổ chức chính trị duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chúng hy vọng đến một lúc nào đó Đảng sẽ yếu đi, dần dần biến chất, mất vai trò lãnh đạo, hoặc đi đến tan rã. “Kênh” thứ hai, chúng tập trung “đánh” vào gốc, vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, đó là “thần tượng” Hồ Chí Minh, với một hệ thống tư tưởng sâu sắc và toàn diện về con đường cách mạng Việt Nam và một nhân cách vĩ đại của dân tộc. Đây là một âm mưu rất thâm hiểm.
Để thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những thủ đoạn quen thuộc là chúng cắt xén những câu nói, câu viết của Người. Gần đây, có kẻ mệnh danh là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh vì tự do”… đã ra vẻ “khâm phục” câu nói của Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý…”1 để minh chứng là chúng đang làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh! Liệu có phải thế không? Câu nói của Hồ Chí Minh đã bị chúng cố ý cắt đi vế sau để “lập lờ đánh lận con đen”, nhằm xuyên tạc tư tưởng của Người. Vế sau ấy là: “… Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức không phải là chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”2. Bằng thủ đoạn khác, có kẻ làm ra vẻ là người “trong cuộc”, “nắm chắc” được bản chất của vấn đề, có khả năng “vén những tấm màn bí mật” ở chốn “thâm cung bí sử”… để bịa đặt, thêu dệt nên những câu chuyện không có thật hòng hạ uy tín Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, chúng tích cực lôi kéo những phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ (thực chất là những kẻ bị suy thoái về tư tưởng chính trị, những kẻ “trở cờ”, phản bội), để làm cái “loa bung xung”. Số này thường được hà hơi, tiếp sức của “quan thầy” ở nước ngoài; tích cực liên lạc với nhau (cả ở trong nước và ngoài nước), tự coi là những “nhà dân chủ”, “bất đồng ý kiến” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Đây là những kẻ có thái độ cực kỳ cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu để thêm thắt, bình luận. Để thực hiện những thủ đoạn trên, chúng thường sử dụng phương pháp viết truyện, hồi ký, viết báo, mở “diễn đàn”,… thông qua blog cá nhân, nhất là các trang mạng của các tổ chức phản động ở nước ngoài để kích động, nói xấu, phủ nhận tư tưởng, con người Hồ Chí Minh đi liền với phủ nhận con đường cách mạng Việt Nam. Chúng tô đậm những điều đó còn nhằm để tự bào chữa cho những sai lầm của chúng trong quá khứ. Thực ra, tác dụng của sự xuyên tạc từ những kẻ cơ hội, bất mãn này không thực sự lớn. Người đọc, người nghe tinh ý đều thấy rõ bản chất, thái độ, động cơ chính trị của chúng, nên không mấy người tin vào những điều hồ đồ đó.
Về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều công trình khoa học, chương trình nghiên cứu, bài nói, bài viết của các học giả, nhân sĩ, trí thức, nhà chính trị… trong nước và trên thế giới bàn tới. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể Việt Nam; kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không chỉ luôn phấn đấu thực hiện, mà còn truyền dạy cho các thế hệ cách mạng và người dân Việt Nam về tư tưởng đó. Chính vì vậy, Người là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Người là nhà chiến lược, nhà tổ chức thiên tài trong cuộc chiến đấu khổng lồ của nhân dân Việt Nam chống mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn và lạc hậu, tiến bước lên con đường XHCN. Người là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế, một chiến sĩ quả cảm không ngừng đấu tranh cho hòa bình và sự tiến bộ xã hội. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi sự giải phóng, từ giải phóng dân tộc, đến giải phóng xã hội - giai cấp, đều nhằm tới giải phóng con người, trên bình diện quốc gia và quốc tế. Vì vậy, Người được toàn dân Việt Nam nhiều thế hệ và nhiều tổ chức, cá nhân có lương tri trên thế giới tôn vinh. Một trong số đó là Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Năm 1987, tổ chức này đã ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, đánh giá Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Mặc dù qua đời đã hơn 40 năm, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có sức thẩm thấu và lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới; là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta trên con đường hội nhập và phát triển; cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế giới biến đổi không ngừng và có nhiều thay đổi phức tạp, khó lường, nhưng giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn sống cùng với sự phát triển tiến bộ của nhân loại và dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, xã hội loài người luôn chứa đựng sự đấu tranh khốc liệt, không ngừng nghỉ giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tiến bộ và phản tiến bộ, giữa văn hóa và phản văn hóa. Các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam chính là lực lượng tiêu biểu cho cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ, phản văn hóa đang cố tình xuyên tạc, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bảo vệ tư tưởng của Người là bảo vệ con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định ngay từ khi mới thành lập (03-02-1930). Nhưng, làm thế nào để chống lại sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh?
Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề được Đảng ta đặt ra từ lâu và đã đạt những kết quả quan trọng, mang tính đột phá, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được tổ chức nghiên cứu sâu hơn nữa. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với các thời kỳ hoạt động của Người trong phong trào cách mạng Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tuân thủ nguyên tắc lịch sử - cụ thể, là xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ lịch sử cơ bản trong một hoàn cảnh cụ thể và sự phát triển các quan điểm của Người. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác sưu tầm, xử lý những thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến Người ở cả trong và ngoài nước. Mặt khác, phải tăng cường giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với những người nước ngoài, nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự trao đổi học thuật là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường sự hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc sưu tầm, xử lý những tài liệu có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Người. Cùng với đó, chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là đối với thế hệ trẻ về thân thế, sự nghiệp và các giá trị của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, để cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Trong giáo dục, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải dựa trên cơ sở thật sự khoa học; tránh hiện tượng “thần thánh hóa” con người bình dị và vĩ đại Hồ Chí Minh.
Quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục và rèn luyện; là đội quân cách mạng, “chính trị trọng hơn quân sự”, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang càng phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, nắm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân. Muốn vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, trước hết là về tư tưởng, bản lĩnh chính trị; nhận diện rõ cái tốt và cái xấu, những giá trị chân - thiện - mỹ; đồng thời, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. 
QUANG THẮNG

______________

1, 2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 216.

Củng cố chế độ XHCN để bảo vệ chủ quyền quốc gia

QĐND - Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km. Diện tích đất liền trên 33 vạn ki-lô-mét vuông,  trong khi biển của ta có khoảng 1 triệu ki-lô-mét vuông, với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn. Biển Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép chúng ta phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và đóng tàu; khai thác tài nguyên khoáng sản; du lịch; thông tin liên lạc… Trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Theo ước tính hiện nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua đã xác định  mục tiêu: “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển… Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP…”. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia trên biển, trong đó những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc những năm qua và thời gian gần đây đã gây ra những bức xúc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà đối với cả những người yêu chính nghĩa, hòa bình trên toàn thế giới.  
Bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, đồng thời duy trì được môi trường hòa bình trong khu vực nói chung, giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng là trọng trách, là sứ mệnh của Đảng, đồng thời là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, một số người đã lợi dụng vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam để xuyên tạc đường lối, chính sách an ninh, quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, vu cáo Đảng ta đặt “hệ tư tưởng”, đặt mục tiêu bảo vệ “chế độ chính trị”, “bảo vệ Đảng” cao hơn lợi ích quốc gia. Có kẻ còn đưa ra gợi ý, cần thay đổi chế độ xã hội XHCN do Đảng ta lãnh đạo hiện nay, chuyển sang chế độ “đa đảng” để “đổi lấy” sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo!
Lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX, cũng như thực tiễn chính trị hiện nay đã hoàn toàn bác bỏ những lập luận đó của họ.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại độc lập cho dân tộc. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược do Đảng ta lãnh đạo đã bảo vệ  được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” [1]. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng xuyên suốt các cương lĩnh của Đảng ta. Cương lĩnh mới, thông qua Đại hội Đảng lần thứ XI ghi: "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội -  ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc” [2].
Thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, các Hiến pháp từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992 đều quy định rõ chủ quyền quốc gia  của Việt Nam đối với đất liền và biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lịch sử dân tộc cho thấy chưa bao giờ sự hèn yếu lại có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có lực lượng vật chất mới có thể đánh bại được lực lượng vật chất. Lực lượng tinh thần chỉ có thể chuyển hóa thành lực lượng vật chất khi nó được tổ chức lại bởi một bộ tham mưu sáng suốt. Bộ tham mưu đó chính là Đảng ta. Ngày nay để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không thể đem xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta vào một “cuộc thách đấu” như các hiệp sĩ thời trung cổ. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Tổ quốc cần phải củng cố và phát huy sức mạnh tổng  thể của đất nước trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội. Điều đó đòi hỏi:
Trước hết là củng cố chế độ xã hội XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng ta; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức hợp thành hệ thống chính trị, đặc biệt là thực hiện Đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thứ hai, bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang, nâng cao chất lượng chính trị, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội, gắn liền với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận.
Thứ ba là thực hiện sáng tạo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; hợp tác, hữu nghị với tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.   
Đối với Trung Quốc, chúng ta luôn tôn trọng truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc; thực hiện nghiêm túc “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 11-10-2011. Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam thúc đẩy việc ASEAN và Trung Quốc  xúc tiến tiến trình đàm phán để sớm đi đến Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông  (COC). Mọi vấn đề còn có những nhận thức khác nhau hoặc tranh chấp phải kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Vọng Phúc - Ngọc Vân
[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN, 1995, T 5, Tr 25.

[2] - Đảng  Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, Tr 65

Lại "cắt - dán" với ý đồ xấu!

QĐND - Liên quan đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mới đây trên mạng xuất hiện một tin được khẳng định là của ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Đa-vít Sia (David Shear) với nội dung như sau “Việt Nam không dân chủ khó vào TPP”. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì đây là một tin đã được "biên tập". Nguyên văn câu nói của ngài Đại sứ như sau: “Nếu Việt Nam không có tiến bộ về dân chủ và nhân quyền, sẽ rất khó được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho gia nhập TPP…”. Cũng trong bản tin trên, ông Sia khẳng định: “Hoa Kỳ luôn muốn Việt Nam thịnh vượng. Ông tin Việt Nam sẽ đạt được điều đó nếu tham gia vào TPP”.
Thế nhưng, nhiều trang mạng chống Cộng đã lập tức “cắt dán” tin đã bị "biên tập" để bôi nhọ tình hình nhân quyền Việt Nam, đồng thời khuyến khích những người tự xem mình là “chiến sĩ” đấu tranh cho “dân chủ” “nhân quyền” tăng cường hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự trị an xã hội. Họ gửi “thông điệp” gợi ý Hoa Kỳ nên đặt điều kiện về nhân quyền với Việt Nam trong hợp tác song phương, trong đó có việc cản trở Việt Nam gia nhập “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement” viết tắt là: TPP).
TPP là Hiệp định do 4 quốc gia sáng lập: Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân và Xin-ga-po. Cho đến nay đã có 11 quốc gia thành viên, trong đó Hoa Kỳ là thành viên có tiếng nói quan trọng nhờ tiềm năng to lớn của nền kinh tế.
Mục tiêu của TPP là giảm các loại thuế xuất - nhập khẩu theo lộ trình từng bước từ năm 2006 đến năm 2015 về 0%. Đây quả là một thời cơ, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù không đưa ra các điều kiện chính trị, nhưng TPP đề cập đến những vấn đề liên quan đến xã hội, chẳng hạn như kinh tế thị trường, một số quyền kinh tế xã hội, trong đó có quyền lao động, bảo vệ môi trường, quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) v.v..
Không phủ nhận rằng, quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn có sự khác biệt nhất định về vấn đề “dân chủ” “nhân quyền”, nhưng cả hai bên đang xích lại gần nhau hơn trên lĩnh vực này. Và cũng không phủ nhận, trong thực tế ở nước ta vẫn còn có lúc, có nơi chưa bảo đảm tốt “quyền con người”. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do nhận thức của cán bộ, công chức, hay phía người dân chưa đầy đủ; hệ thống pháp luật lại chưa hoàn thiện... Nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người. Chẳng hạn trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992, khác với Hiến pháp 1992 khi quyền con người chỉ được quy định trong Điều 50 (Chương V về Quyền và nghĩa vụ công dân), thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã dành trọn Chương II quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa theo các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc đã được ghi nhận đầy đủ.
Hay như tình trạng khiếu kiện đông người có nguyên nhân từ giải tỏa, đền bù đất đai, mà trên nhiều trang mạng người ta gọi là “dân oan” cũng đang được Quốc hội xem xét trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân, quyền sử dụng đất của người dân với tư cách là một quyền tài sản được tôn trọng, bảo đảm. Việc thu hồi, thu mua sẽ tuân theo một trình tự chặt chẽ nhằm bảo đảm công bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân khi bị thu hồi đất.
Bằng những việc làm thiết thực, Việt Nam đang rất nỗ lực để bảo vệ quyền con người. Điển hình như trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán người ở Việt Nam, riêng năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 500 vụ mua bán người với hơn 850 nạn nhân, hơn 800 đối tượng phạm tội bị bắt giữ… Các lực lượng chức năng cũng đã điều tra, khám phá 437 vụ, bắt 719 đối tượng và 1.206 nạn nhân được các tổ chức tiếp nhận… Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 211 vụ với 453 bị can về tội mua bán người. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 196 vụ với 406 đối tượng phạm tội mua bán người để xét xử. Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 541 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng…
Đó là chưa kể trong lĩnh vực chống tội phạm ma túy, xâm phạm tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, HIV/AIDS… đồng thời với những nỗ lực trong nước, nhiều tổ chức quốc gia, quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ đã và đang giúp Việt Nam giải quyết những vấn nạn này.
Còn trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đối thoại với các quốc gia và tổ chức khu vực với tinh thần cởi mở, tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Điển hình như gần đây, Việt Nam cho phép tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế được vào thăm, trao đổi cởi mở với các cơ quan chức năng, kể cả gặp những người mà các thế lực chống đối gọi là “giới bất đồng chính kiến” (!).
Rất tiếc một số tổ chức, cá nhân do thiếu thông tin, hoặc chỉ có thông tin đã bị xuyên tạc từ những kẻ “hành nghề” chống Cộng, đã đưa ra những đánh giá sai về tình hình nhân quyền Việt Nam thiếu khách quan.
Còn đối với những người luôn mang sẵn định kiến đối với Việt Nam, nuôi tham vọng dùng áp lực chính trị, kinh tế và các thủ đoạn khác để xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu, đưa Việt Nam sang con đường khác thì dù Đảng, Nhà nước Việt Nam có nỗ lực đến bao nhiêu trong bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người thì cũng sẽ không bao giờ là “đủ” với họ.

TRÚC THANH

Nhẹ dạ, nông nổi dẫn đến phạm tội

QĐND - Bị cáo Phạm Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1983, ngụ phường 5, quận 11) vừa bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Tại phiên tòa, nghe bị cáo nói những lời từ gan ruột thể hiện rõ sự hối hận, nhiều người có mặt bày tỏ sự cảm thông với sự nhẹ dạ, nông nổi của Bình.
Đầu năm 2012, do chưa có công việc ổn định nên Phạm Nguyễn Thanh Bình thường xuyên lên mạng để tìm kiếm thông tin về việc làm và kinh tế -xã hội. Qua internet, Bình đã quen biết Nguyễn Xuân Châu -một đối tượng phản động lưu vong, chủ website chauxuannguyen - một trang mạng chuyên chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Từ đây, Nguyễn Xuân Châu đã hướng dẫn Phạm Nguyễn Thanh Bình cách viết bài thông tin sai lệch về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam gửi cho hắn chỉnh sửa rồi tung lên internet. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2012, Bình đã thực hiện và gửi cho Nguyễn Xuân Châu 8 bài viết có nội dung bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm gây mất lòng tin trong nhân dân. Ngoài ra, qua internet, Bình đã nhiều lần trao đổi với Châu về tình hình chính trị, kinh tế -xã hội... ở Việt Nam theo cách xuyên tạc nhằm dụng ý xấu. Ngày 23-5-2012, khi đang trao đổi thông tin với Châu thì Bình bị cơ quan an ninh điều tra phát hiện và bắt giữ...
Quá trình điều tra cũng như ngay tại phiên tòa, Phạm Nguyễn Thanh Bình thú nhận toàn bộ tội lỗi mà mình gây ra và nhiều lần đề nghị xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Phạm Nguyễn Thanh Bình cho rằng chỉ vì nhẹ dạ và bị Nguyễn Xuân Châu lôi kéo, kích động, xúi giục vào đúng thời điểm chưa có việc làm ổn định, đang bất mãn với tình hình kinh tế khó khăn nên đã thu thập thông tin, viết những bài có nội dung chống phá Nhà nước. Bình cũng khẳng định những thông tin trong các bài viết đều do mình thu nhận từ các phần tử phản động ở nước ngoài, từ những lời bàn tán nơi hàng quán và tự mình nghĩ ra chứ không hề căn cứ vào tài liệu nào.
Mặc dù bị cáo đã thành khẩn thú nhận toàn bộ tội lỗi, xin hưởng lượng khoan hồng; có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu, nhưng xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến an ninh quốc qua, chủ quyền đất nước, gây mất lòng tin trong quần chúng vào Đảng, Nhà nước và chế độ… nên HĐXX đã tuyên phạt Phạm Nguyễn Thanh Bình 3 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn hạn. Vụ án đã khép lại, nhưng đây thực sự là bài học cảnh tỉnh cho những người thiếu hiểubiết pháp luật, nhẹ dạ, thiếu bản lĩnh khi bị các đối tượng xấu xúi giục, kích động dùng internet để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng.

KIM NGỌC

Một tuyên bố can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam

QĐND - Ngay sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Long An khép lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, ngày 17-5, trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phát đi tuyên bố cho rằng: “Những việc làm này trái với quyền tự do ngôn luận và như vậy cũng trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới...”. Cùng với đó, Đại sứ quán Mỹ còn kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên.     
Đáng tiếc là mặc dù thường xuyên được cung cấp và tạo điều kiện để có những thông tin khách quan về tình hình Việt Nam, nhưng tuyên bố của Đại sứ quan Mỹ vẫn thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế về chính sách và luật pháp của Việt Nam. Bộ luật Hình sự cũng như tất cả các đạo luật hiện hành khác của Việt Nam đều được Quốc hội thông qua và được ban hành dựa trên các nguyên tắc, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân. Như vậy, rõ ràng hệ thống luật pháp nói chung, Bộ luật Hình sự của Việt Nam nói riêng thể hiện rõ tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn dân, phản ánh ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm tính dân chủ và sự đồng thuận của xã hội. Mặt khác, trong quá trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc nghiên cứu các công ước quốc tế mà mình đã tham gia để vận dụng vào thực tiễn. Do đó, pháp luật Việt Nam luôn bảo đảm sự tôn trọng và phù hợp với các công ước quốc tế.
Điều 2 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10-12-1948 nêu rõ: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này”, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Cùng với đó, Khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn cũng quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Điều đó có thể hiểu, thực hiện những quyền trên phải căn cứ theo cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó.
Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 và có hiệu lực từ ngày 23-3-1976 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Việc thực hiện những quyền trên phải: “Kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Thực tiễn trên thế giới không có quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế bởi các quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia, dân tộc. Cần nhắc lại rằng, bảo đảm, tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân ở Việt Nam thuộc về bản chất của chế độ XHCN. Chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền đó để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Điều 88, Bộ luật Hình sự của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định tội phạm gồm các hành vi: “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”.
Hành vi phạm tội của Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là rất rõ ràng. Vào khoảng tháng 4 và tháng 5-2012, qua trang mạng xã hội Facebook, Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã làm quen với Nguyễn Thiện Thành đang sống ở Thái Lan. Từ mối quan hệ này, Nguyễn Thiện Thành đã rủ Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tham gia vào tổ chức phản động "Tuổi trẻ yêu nước"-nơi Nguyễn Thiện Thành là thành viên. Dưới sự chỉ đạo từ bên ngoài của Nguyễn Thiện Thành, Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành, phát tán các tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đặc biệt tháng 8-2012, sau khi làm ra Đinh Nguyên Kha đã về thành phố Tân An, tỉnh Long An và Nguyễn Phương Uyên đã về xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận dán các khẩu hiệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cờ vàng ba sọc đỏ ở nơi công cộng trên địa bàn để ghi hình, chụp ảnh chuyển cho Thành đưa lên trang web "Tuổi trẻ yêu nước". Ngày 10-10-2012, Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã cùng nhau thực hiện rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, thuộc xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên thực hiện hành vi chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có sự chỉ huy của Thành từ bên ngoài, thông qua internet. Khi thực hiện phát tán truyền đơn trên cầu vượt An Sương, Kha và Uyên có sự phối hợp chặt chẽ, phân công nhiệm vụ, có sự chuẩn bị trước, cùng thực hiện phạm tội... Rõ ràng trong việc này hành vi phạm tội của Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là có tổ chức, trong đó Kha giữ vai trò người thực hiện, còn Uyên giữ vai trò là người trợ giúp tích cực. Không chỉ vậy, Uyên và Kha còn xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, đất đai, biên giới, chủ quyền, và kích động dân chúng chống lại Đảng, Nhà nước... Hành vi lợi dụng tự do dân chủ để tuyên truyền chống Nhà nước của Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên là biểu hiện của chủ nghĩa tự do cực đoan, gây ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, xét xử hai đối tượng trên về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế.
Trong tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ còn kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên và những tù nhân lương tâm... Một lần nữa xin nhắc lại rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý. Những đòi hỏi nêu trong tuyên bố trên website của Đại sứ quán Mỹ là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

KIM LÂN

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ

Ngày 1-5, giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động cả nước từng bừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lao động sản xuất và giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động năm nay diễn ra đúng vào dịp cả nước đang triển khai thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những sự kiện chính trị quan trọng nói trên là cơ hội thuận lợi để GCCN, nhân dân lao động cả nước phát huy trí tuệ, tỏ rõ bản lĩnh, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển và lớn mạnh của đất nước, của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được thử thách qua khói lửa của các cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và cũng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công cuộc đổi mới, GCCN Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đạt được trong thực hiện công cuộc đổi mới của nhân dân ta có sự đóng góp to lớn của GCCN Việt Nam. Chính những người công nhân lao động trong mỗi nhà máy, công xưởng và có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc cần mẫn tạo nên vô số sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế so với yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, GCCN ViệtNam vẫn còn không ít hạn chế. Trước hết, tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng trình độ của người lao động ở nước ta vẫn rất thấp. Số lượng người lao động qua đào tạo những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, nhưng so với yêu cầu vẫn còn một khoảng cách rất xa. Sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp khai thác và chế biến vẫn chủ yếu là những sản phẩm thô, có giá trị gia tăng thấp… Đời sống của một bộ phận lớn công nhân còn khó khăn. Ý thức tự giác rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng của đội ngũ công nhân hiện nay chưa nhiều, một số người bàng quan với các vấn đề chính trị của đất nước, của xã hội…
Từ vị trí, vai trò và thực tế nói trên, để xây dựng GCCN Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, điều trước hết, mỗi cấp ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn các cấp phải đặc biệt quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy khả năng sáng tạo và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Muốn vậy, trước hết phải nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng GCCN trong thời kỳ mới. Đặc biệt, phải chăm lo xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của GCCN, nhân dân lao động và của cả dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của GCCN, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đặc biệt, cần tập trung đánh giá, chỉ rõ những ưu điểm, những hạn chế, tồn tại sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng để từ đó có những chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong những năm tới. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là vấn đề cốt lõi, bản chất để xây dựng GCCN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đủ sức đảm trách vai trò nòng cốt trong thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Phải gắn kết chặt chẽ việc xây dựng GCCN với xây dựng giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam; giữa công nhân trong nước với công nhân trên thế giới, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại trong xây dựng và phát triển đất nước. Gắn kết giữa thực hiện chiến lược xây dựng GCCN với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và quá trình CNH-HĐH đất nước; không ngừng trí thức hóa đội ngũ công nhân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Công nhân lao động quốc phòng là một bộ phận của GCCN Việt Nam. Trong những năm qua, công nhân viên chức, lao động quốc phòng đã có nhiều cách làm hết sức sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực, không những góp phần quan trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội, mà ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động do Công đoàn Quốc phòng phát động mang lại hiệu quả thiết thực, có tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao nhận thức, thể hiện thái độ và hành động đúng đắn trong từng công việc, từng nhiệm vụ được giao của công nhân viên chức, lao động quốc phòng ở các đơn vị. Đặc biệt, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động năm nay cũng là thời điểm công nhân viên chức, lao động quốc phòng đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu Công đoàn Quân đội lần thứ VIII. Đây là cơ hội tốt để đội ngũ công nhân và những người lao động trong quân đội thể hiện khả năng, trình độ, tài đức đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và quân đội.

QĐND

Không thể xuyên tạc, bóp méo thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam

QĐND - Lịch sử không thể thay đổi. Người ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn nhận về lịch sử tùy theo quan điểm và lợi ích chính trị của mình mà thôi. Vì những lý do khác nhau, trong thời gian qua, không ít kẻ đã cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc ta, trong đó có ngày Chiến thắng 30-4-1975.
Trong thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong những trang lịch sử rực rỡ đó có thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” [1]. 
Nhân dân Sài Gòn vui mừng trong ngày chiến thắng. Ảnh tư liệu/internet.

Lịch sử không thể thay đổi. Người ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn nhận về lịch sử tùy theo quan điểm và lợi ích chính trị của mình mà thôi. Vì những lý do khác nhau, trong thời gian qua, không ít kẻ đã cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc ta, trong đó có ngày Chiến thắng 30-4-1975. Có kẻ nói rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ là “nồi da, nấu thịt”, là ‘Cuộc chiến tranh của Hà Nội”, “Ngày 30-4-1975 không phải là ngày giải phóng miền Nam vì quân đội Mỹ đã rút”… Thậm chí gần đây có kẻ còn nói: “Người Mỹ không thua vì tổng số thương vong, người Mỹ bị thiệt hại ít hơn hẳn đối phương”; hay: “Cuộc chiến tranh này với mục tiêu ngăn chặn làn sóng Cộng sản ở Đông Nam Á nên không thể nói là chính phủ Mỹ thất bại”(!).
Lịch sử dân tộc ta từng ghi nhận nhiều chiến công hiển hách, đã từng đánh bại nhiều đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ dân tộc ta lại phải đương đầu với một lực lượng xâm lược ở một trình độ phát triển cao hơn mình về nhiều phương diện đến thế. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đương nhiên không phải là một thắng lợi dễ dàng mà đây còn là cuộc đối đầu về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của hai bộ máy lãnh đạo chiến tranh. Để đi đến thắng lợi 30-4-1975, quân dân ta đã đánh bại 3 chiến lược chiến tranh của Mỹ và với 5 đời tổng thống Mỹ.
Vì vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã được bè bạn quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong điện chúc mừng thắng lợi của nhân dân ta, ngày 30-4-1975, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc viết: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam một lần nữa chứng minh hùng hồn rằng, nhân dân một nước, dù là nhân dân một nước nhỏ, miễn là dám vùng dậy đấu tranh, dám cầm vũ khí, lấy chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa, thì nhất định có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào… nhằm bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, giải phóng dân tộc” [2]. Trong điện mừng của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cu-ba, có đoạn viết: “Trong hơn 20 năm qua, toàn thể nhân dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, với chủ nghĩa anh hùng tuyệt vời đã chiến đấu chống lại những hình thức xâm lược đế quốc tàn bạo nhất… Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới cho nhân dân Việt Nam” [3].
Còn từ phía bên kia, trong cuốn hồi ký với tiêu đề “Nhìn lại quá khứ- Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Robert S.McNamara, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không chỉ thừa nhận thất bại của Mỹ, coi đó là “một thảm kịch”, mà còn thừa nhận đây là cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ gây ra do những sai lầm về chính trị của nhiều đời tổng thống! Trong những sai lầm đó có những sai lầm về: “Đánh giá sai những chủ đích địa chính trị của các đối thủ, đã phóng đại những mối nguy hại của họ đối với nước Mỹ”; rồi: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh tinh thần dân tộc của họ”; và: “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hóa và chính trị của nhân dân Việt Nam”.[4] 
Ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng 30-4-1975 đã được lịch sử kiểm chứng sáng tỏ, rõ ràng như vậy. Nhưng thời gian gần đây, vẫn có những kẻ hoặc là thiển cận về chính trị, hoặc vì “đầu óc nô lệ” đã không thể, không muốn thừa nhận thắng lợi vĩ đại đó của dân tộc ta. Thế nên, họ cố tình lập luận một cách phi lý rằng: Những cuộc xuống đường của nhân dân Mỹ và sự nhân nhượng của Chính phủ Mỹ đâu phải là “thắng lợi của Việt Nam”(!), hay như: Thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (sau khi Mỹ rút dần quân đội ở chiến trường) đâu phải là trách nhiệm của quân đội Hoa Kỳ(!).
Trên thực tế, những kẻ xuyên tạc cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta không biết một điều căn bản rằng, cách nhìn nhận một cuộc chiến tranh trước hết phải bắt đầu xem xét tính chất của cuộc chiến tranh đó, tức bên nào là chính nghĩa, bên nào là phi nghĩa. Trong cuộc chiến tranh này không chỉ là cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia mà còn là cuộc đấu tranh giữa hai phía: Chính nghĩa và phi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã làm rõ ý nghĩa, giá trị của chính nghĩa trong việc huy động sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại như thế nào. Bởi vậy, không phải là không có lý khi nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam đã thừa nhận rằng, lực lượng hiếu chiến, chống cộng Mỹ “đã thua Việt Nam ngay trên đất nước mình”. Còn ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng chính quyền Sài Gòn sau 30 năm chiến tranh kết thúc, năm 2004, lần đầu tiên trở về quê hương đã nhìn nhận về chính quyền cũ như sau: “Quân đội miền Nam không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh trở xuống. Trong số những vị cùng vai với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết!”. [5]
Tôn trọng tính chân thực của lịch sử ngày nay không chỉ vì bảo vệ các giá trị của dân tộc mà còn để bảo đảm sự công bằng đối với các thế hệ đi trước. Đồng thời còn giúp cho các thế hệ sau nắm bắt được những bài học quý báu của thế hệ cha anh. Tôn trọng lịch sử không chỉ là vấn đề chính trị mà còn là vấn đề đạo đức. Vì vậy chúng ta không cho phép bất cứ ai xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vì đó là sự xúc phạm đến danh dự, phẩm giá chính nghĩa của cả một dân tộc anh hùng, xúc phạm đến anh linh của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
------
[1]- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr. 471.
[2] - Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta. NXB ST, HN, 1977, Tr 31.
[3] - Thế giới ca ngợi…SĐD, Tr 72.
[4] - “Robert McNamara: 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt” ... Dân trí, 22-04- 2005.
[5] - “Nguyễn Cao Kỳ và những phát ngôn ấn tượng”. Theo www.baodatviet.vn, 24-07-2011.

BẮC HÀ - LỆ CHI

Thiếu thông tin hay cố tình xuyên tạc?

QĐND - Dư luận chẳng mấy bất ngờ khi "Tổ chức Phóng viên không biên giới" (RSF) xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia là “kẻ thù của internet" đồng thời ra sức bênh vực các blogger lợi dụng tự do internet ở Việt Nam để truyền bá những quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo thông tin được công bố trong "Sách trắng Internet Việt Nam" của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến hết quý 3-2012, Việt Nam có 31.196.878 người sử dụng internet (chiếm 35,49% dân số) và Việt Nam đang đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN. So với năm 2000, số lượng người dùng internet ở Việt Nam đã tăng hơn 15 lần. Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký tên miền quốc gia… Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đến hết năm 2012, tổng số thuê bao 3G ở Việt Nam đạt xấp xỉ 20 triệu thuê bao, với hạ tầng phủ rộng khắp nơi để mọi người dân có thể sử dụng dịch vụ này một cách dễ dàng. Theo số liệu của website: www.techinasia.com công bố ngày 21-3-2013: Lượng người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tăng từ 8,5 triệu vào tháng 10-2012, lên thành 12 triệu tháng 3-2013... Riêng với dịch vụ blog, tính đến tháng 4-2012, ở Việt Nam, Yahoo! 360Plus có khoảng 2,3 triệu thành viên. Các dịch vụ blog khác như: Yume 2,4 triệu người dùng; wordpress.com là 2,9 triệu thành viên; blogspot.com là 5,1 triệu thành viên... Du khách khi tới Việt Nam, không ai phủ nhận thực tế có thể dễ dàng truy cập internet, nhất là tại các thành phố, thị xã, huyện lỵ... Và cũng cần khẳng định thêm rằng, ở Việt Nam không có ai bị xử lý vì viết blog hay viết báo, mà chỉ bị xử lý vì đã vi phạm pháp luật và tất cả những hành vi vi phạm đó đều được đưa ra xử lý công khai, đúng người, đúng tội. Đây là công việc mà mọi quốc gia trên thế giới đều làm.
Thực tế cho thấy, internet nói chung, mạng xã hội nói riêng ở Việt Nam phát triển với tốc độ rất cao. Đó là kết quả từ sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam. Vậy mà RSF lại vu lên rằng Việt Nam là "kẻ thù của internet". Có ý kiến cho rằng, RSF đang thiếu thông tin, nhưng có lẽ không phải vậy. Họ biết nhưng cố tình xuyên tạc để lẩn tránh một sự thật rất rõ ràng về sự phát triển của internet ở Việt Nam.

KIM NGỌC

Quân đội đứng ngoài chính trị-Khẩu hiệu “giả nhân giả nghĩa”

QĐND - Cách ngày nay 143 năm, ngày 22 tháng 4 năm 1870, V.I.Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người bị áp bức trên thế giới, người "khổng lồ” của thế kỷ XX - đã được sinh ra. Hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi, đầy sáng tạo của V.I.Lê-nin đã để lại di sản vô cùng quý báu đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Phát triển sáng tạo và hiện thực hoá những tư tưởng cơ bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen trong điều kiện lịch sử mới; thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại - cuộc cách mạng vạch thời địa - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, là những đóng góp to lớn của V.I.Lê-nin đối với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ, tạo ra tầm vóc "khổng lồ” của Người.
Tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là một tư tưởng quan trọng trong học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn và vẫn nóng hổi tính thời sự. Cống hiến to lớn của V.I.Lê-nin trong vấn đề này là ở chỗ, Người không chỉ phát triển một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới, mà còn trực tiếp lãnh đạo và tổ chức xây dựng Hồng quân công nông vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Theo V.I.Lê-nin, sự nghiệp cách mạng “Cần có một quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực mà trong cuộc đấu tranh hiện đại thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”[1]. Sau Cách mạng Tháng Mười, trước sự đòi hỏi cấp thiết của tình hình, V.I.Lê-nin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân công nông: “Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn cho quần chúng lao động và trừ bỏ mọi khả năng phục hồi chính quyền của bọn bóc lột”[2]. Người coi quân đội cách mạng là “trụ cột của chính phủ cách mạng”, là công cụ để quần chúng nhân dân sử dụng giải quyết những cuộc xung đột vĩ đại trong lịch sử.
Trong thực tiễn, V.I.Lê-nin luôn quan tâm xây dựng Hồng quân vững mạnh, đặt biệt là về chính trị. Người vạch rõ bản chất phản động của luận điệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, coi đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I.Lê-nin khẳng định một cách dứt khoát không có quân đội trung lập về chính trị: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[3].
Để Hồng quân thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lê-nin yêu cầu, Hồng quân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phải “thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội”[4]. V.I.Lê-nin và Đảng Bônsêvich Nga đã thành lập các tổ chức đảng, xây dựng và thực hiện chế độ chính ủy, coi đó là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Hồng quân.
Trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, một quân đội mang đầy đủ bản chất, tính chất, đặc điểm của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Gần 7 thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh viết nên truyền thống tốt đẹp "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng", làm rạng rỡ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thật sự là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Mới đây, trong góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có người đưa ra kiến nghị: Quân đội phải đứng ngoài chính trị, “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; quân đội “không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, đảng phái nào”; họ yêu sách từ bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam v.v..
Đó là những luận điểm vô căn cứ, không đúng với thực tiễn lịch sử, phản khoa học và có dụng ý xấu về chính trị. Thực chất đó là khẩu hiệu "giả nhân giả nghĩa" của các thế lực phản động chống đối, điều mà V.I.Lê-nin đã từng vạch rõ từ đầu thế kỷ XX. Tính chất "giả nhân giả nghĩa" của những kẻ đưa ra quan điểm trên biểu hiện ở chỗ: Thứ nhất, nhằm để đánh lừa người khác, chứ bản thân chúng thừa hiểu quân đội không thể "đứng ngoài chính trị", quân đội phải mang bản chất chính trị và phải phục vụ cho ai; thứ hai, trên cơ sở đó, chúng nhằm "lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người đưa ra các quan điểm trên thông qua việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội ta, đi đến loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp, tiến tới làm biến chất, lái chính trị của quân đội ta theo chiều hướng chính trị khác, làm cho quân đội ngả theo các thế lực phản cách mạng, chống lại Đảng và chế độ.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội ta không thể đứng ngoài chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Đúng là nhiệm vụ của quân đội là để “bảo vệ người lao động”, là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhưng chỉ có Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể làm tròn phận sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa của nó; mới có thể làm cho sự trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ và với Tổ quốc, với nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời.    
Chính trị của quân đội ta, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, là thực hiện chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện tập trung ở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Không thể "giả nhân giả nghĩa" nói bừa rằng quân đội đứng ngoài chính trị, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị, đảng phái nào. Lời nhắc nhở của V.I.Lê-nin: Quân đội không thể đứng ngoài chính trị, “không thể và không nên trung lập" vẫn luôn nóng hổi tính thời sự, chúng ta phải luôn ghi lòng, tạc dạ.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 10, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 376.
 [2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến Bộ, M.1978, tr. 264.  
 [3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 136.

 [4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 250.