“Bảo vệ” hay kích động, dung túng?

QĐND - Núp dưới chiêu bài “bảo vệ các nhà báo tự do trên thế giới” thời gian qua, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã đưa ra những nhận xét mang tính quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Đáng chú ý là mới đây tổ chức này còn ngang nhiên trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 cho Nguyễn Văn Hải - đối tượng đang thụ án vì phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nguyễn Văn Hải phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo khoản 2 Ðiều 88 Bộ luật Hình sự và đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật tuyên phạt 12 năm tù... Sự việc đã rõ như ban ngày, vậy mà CPJ vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật khi cho rằng Việt Nam "vi phạm tự do báo chí", "bắt bớ xâm hại nhà báo"... Không chỉ bênh vực, tung hô mà CPJ còn diễn trò lố bịch "trao giải" cho Nguyễn Văn Hải... Việc làm của CPJ khiến dư luận không khỏi bất bình. Theo CPJ tự xưng thì họ là một tổ chức phi chính phủ giám sát các vụ vi phạm tự do báo chí khắp thế giới và bảo vệ các nhà báo bị đối xử phân biệt vì thực thi quyền tự do ngôn luận... Thế nhưng những năm gần đây, tổ chức này ngày càng xa rời tôn chỉ, mục đích. Không chỉ với Việt Nam mà CPJ đã bị nhiều nước trên thế giới lên án vì những nhận xét mang tính quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí tại các quốc gia, nhất là những quốc gia không theo “chuẩn” về tự do báo chí, tự do ngôn luận của phương Tây.
Vì sao CPJ lại làm như vậy? Câu trả lời không khó, bởi lẽ nguồn "nuôi sống" CPJ không đâu khác là từ một số tổ chức và quốc gia thiếu thiện chí với Việt Nam và những quốc gia có sự khác biệt về thể chế chính trị với phương Tây. Chính sự lệ thuộc về tài chính ấy đã biến CPJ trở thành công cụ phục vụ cho mục đích của một số tổ chức và các quốc gia đã "nuôi sống" họ. Những hành động của CPJ càng cho thấy rõ thực chất của cái gọi là “bảo vệ các nhà báo tự do” mà họ vẫn thường rêu rao chỉ là sự kích động, dung túng, che đậy cho những đối tượng phạm tội lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá các nhà nước, trong đó có Việt Nam.

AN QUỐC

Tiếp cận vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống, phá Đảng và Nhà nước ta

HGĐT- Trong các thủ đoạn, biện pháp thế lực đế quốc và phản động Quốc tế tăng cường chống, phá các nước XHCN, trong đó có nước ta là lợi dụng triệt để vấn đề tôn giáo như một công cụ hữu hiệu trong Chiến lược“diễn biến hòa bình” (DBHB) để chống, phá từ bên trong, từ nội bộ các nước độc lập... mà trước tiên là trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, làm cho các nước “tự diễn biến”...
Tất cả các tôn giáo đều là sự phản ánh một cách hư ảo những ước mơ vào đầu óc con người... Chính bản thân các tôn giáo cũng không nhận biết hoặc chưa nhận biết do niềm tin tôn giáo đã có quá trình tồn tại lâu dài trong lịch sử xã hội loài người, do những nhận thức lệch lạc cuả con người. Như vậy, xét về mặt lịch sử - xã hội, tôn giáo cũng là sản phẩm của loài người trong cuộc đấu tranh chống lại những yếu tố bất lợi của tự nhiên, xã hội. 
Bản chất của tôn giáo là mong ước một có xã hội không có áp bức, bất công, mọi người đều sống bình đẳng... Mong ước đó, cơ bản phù hợp với mục tiêu xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Chỉ có một sự khác biệt cơ bản là cách thức, phương thức để có một xã hội tốt đẹp (như nói trên) là hoàn toàn khác nhau. 
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo; không những chỉ thừa nhận mà còn bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo; được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, cho bà con giáo dân sống phúc âm trong lòng dân tộc; thực hiện mọi quyền và nghĩa vụ công dân của một nước độc lập; chống lại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống Đảng, chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, làm tổn hại đến nền độc lập dân tộc Việt Nam, xâm hại lợi ích Quốc gia và làm trái bản chất tốt đẹp của tôn giáo.
 Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động Quốc tế đã lợi dụng triệt để những ước vọng tốt đẹp của các tôn giáo để thực hiện mục đích thống trị thế giới, thông qua cái gọi là Chiến lược DBHB, với mục tiêu xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội; phá hoại phong trào độc lập dân tộc và hòa bình thế giới; duy trì sự tồn tại lâu dài của Chủ nghĩa tư bản, đích cuối cùng là thống trị thế giới. 
Âm mưu của chiến lược DBHB là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trước hết là xóa bỏ hệ tư tưởng, đó là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thông qua hành động mang tính chiến lược toàn cầu phản cách mạng; sử dụng các biện pháp phi quân sự là chính; dùng các biện pháp “hòa bình” để chuyển hóa từ bên trong của các nước mà chúng cho là “đối địch”; làm cho các nước “tự chuyển hóa” theo mục đích của chúng. Trong đó, lợi dụng tôn giáo như một công cụ đắc lực, cụ thể: 
Một là: Lợi dụng “niềm tin tuyệt đối” của bà con giáo dân vào cái gọi là có một “thế giới thiên đường” để xuyên tạc, tô đậm những khó khăn, yếu kém trong quá trình xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nhằm làm cho nhân dân mất lòng tin, gieo rắc sự hoài nghi, tạo mâu thuẫn xã hội, gây mất đoàn kết nội bộ; tạo mâu thuẫn giữa niềm tin của giáo dân vào một xã hội “thiên đường” với xã hội hiện tại đang còn nhiều khó khăn... làm cho một bộ phận dân cư trông chờ ở “thiên đường”; trông chờ“Vua”, “Chúa” đón về “Thiên đường” nên đã không sản xuất mà ngược lại, còn tìm cách bán tài sản, nhà cửa, giết mổ gia súc, gia cầm (kể cả con giống) để “ăn mừng” chờ “Vua”, “Chúa” đón... làm mất ổn định trật tự xã hội.
 Hai là: Một mặt, lợi dụng những khó khăn trước mắt về kinh tế của một bộ phận dân cư, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, xuyên tạc nguyên nhân là do Đảng, Nhà nước ta yếu kém, tham nhũng, cán bộ suy thoái, biến chất...; mặt khác, lợi dụng một bộ phận dân trí thấp, kém hiểu biết, thiếu tri thức khoa học tối thiểu để phát triển sản xuất...; lợi dụng các các tổ chức “Phi chính phủ” hỗ trợ, lôi kéo các chức sắc tôn giáo và một bộ phận nhân dân hoạt động tôn giáo trá hình bằng các luận điệu bịa đặt, mị dân, như: “Đi theo đạo mới được giúp đỡ, mới thoát nghèo đói”; “theo đạo không làm vẫn có ăn”; “theo đạo đá sẽ biến thành trâu, lợn...”; thậm chí có trường hợp vừa dụ dỗ, đe dọa đối với những người còn chần chừ, do dự...
 Ba là: Lợi dụng những sơ hở của các cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện, có những mặt yếu, kém do trình độ của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; do thiếu những điều kiện cần thiết để thực hiện, cho nên thực hiện kém hiệu quả... Chúng xuyên tạc các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; tô đậm khuyết điểm, nói xấu cán bộ; kêu gọi nhân dân không tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; lôi kéo, tụ tập đông người phản đối chính quyền, đòi thay đổi chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Bốn là: Xuyên tạc, “cắt xén” những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mac – Lê-nin, đòi xem xét lại chủ nghĩa Mác; xuyên tạc tư tưởng, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., thực chất là đòi xóa bỏ con đường lên Chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; đòi lấy tư tưởng, giáo lý tôn giáo thay cho Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... được thể hiện trong chủ trương cái gọi là “xã hội hóa tôn giáo”.
 Năm là: Một mặt dùng tiền mua chuộc, lôi kéo, khống chế các chức sắc tôn giáo; mặt khác, mua chuộc một số người đi theo đạo, kích động tụ tập đông người để khiếu kiện; gây áp lực với chính quyền để “tập dượt biểu tình”... chuẩn bị cho âm mưu “cách mạng mầu” theo kiểu đã thực hiện ở Liên Xô và các nước ĐôngÂu trước đây; hay như cái gọi là “cách mạng mầu cam” đối với các nước trong cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) và “Mùa xuân Ả rập” ở các nước bắc Phi thời gian gần đây. 
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng tự do tôn giáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người thực sự có đức tin tôn giáo hành đạo; bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo; thuần túy hoạt động tôn giáo; bảo đảm cho những người có đạo sống phúc âm trong lòng dân tộc và tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân của một nước độc lập có chủ quyền; bảo đảm các hoat động tôn giáo phải vươn tới “cái thiện”...; đương nhiên, phải chống lại việc lợi dụng tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, nền độc lập dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phá hoại quá trình xây dựng một Nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, có nhiều giải pháp bảo đảm hoạt động tôn giáo theo các giáo lý, giáo luật; ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, nhưng giải pháp chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư hiểu rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, hành động và tính chất nguy hiểm của việc các thế lực đế quốc và phản động Quốc tế lợi dụng tôn giáo làm công cụ chống phá hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội... Trong đó, giải pháp cực kỳ quan trọng là tuyên truyền, thuyết phục các chức sắc tôn giáo và những người hành đạo tự bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo mình; cảnh giác, chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn của chúng và chủ động đấu tranh, chống việc lợi dụng tôn giáo; hoạt động đúng giáo lý, giáo luật, hoạt động tôn giáo đơn thuần, xây dựng tôn giáo mình sống phúc âm trong lòng dân tộc, tuân thủ pháp luật và làm trọn bổn phận người công dân, sống tốt đời, đẹp đạo... Như vậy mới là người hành đạo chân chính.
Triệu Minh Tư 

Trò gây sức ép đã lỗi thời

QĐND - Mới đây, một bài bình luận trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, nói rằng: “Hoa Kỳ có vẻ tỏ ra chưa thực sự cương quyết với các hành xử được cho là đàn áp nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa ở Việt Nam”. Cùng với đó, tờ báo này đặt câu hỏi: “Liệu các quan chức cao cấp đại diện cho chính quyền Oa-sinh-tơn có nên nói thẳng với Việt Nam rằng chính quyền cộng sản nên chấm dứt các hành vi đàn áp, trong khi Việt Nam có nhu cầu tham gia vào các thỏa thuận kinh tế, thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là thỏa thuận Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đề cao nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế...”.
Cần phải khẳng định ngay rằng Việt Nam không bao giờ đàn áp nhân quyền và các nhà bất đồng chính như cách nói của tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn. Ở Việt Nam, chỉ có những công dân vi phạm pháp luật bị xử lý mà thôi. Việc Việt Nam có nhu cầu tham gia vào các thỏa thuận kinh tế, thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương, không liên quan gì đến những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật bị xử lý.
Thực chất bài viết này chính là nhằm cổ xúy và ủng hộ cho những người đang đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, cách đặt vấn đề trên còn cho thấy rõ tư tưởng lợi dụng các hoạt động quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao… để gây sức ép, áp đặt các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, đòi Nhà nước ta phải thả những người vi phạm pháp luật đang thụ án, đòi Việt Nam phải thay đổi đường lối, chính sách, luật pháp… nhằm làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước đối với xã hội. Cách gây sức ép như trên đã lỗi thời trong thế giới ngày nay và là điều không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế.

AN QUỐC

Cảnh giác trước lời kêu gọi “tạm dừng” sửa đổi Hiến pháp

QĐND - Hôm nay, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII được khai mạc. Một vấn đề hệ trọng của đất nước là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được thông qua tại kỳ họp này, đáp ứng đòi hỏi đổi mới đất nước theo nguyện vọng toàn dân. Vậy mà gần đây, xuất hiện những lời kêu gọi, những bản tuyên bố, kiến nghị của một vài nhóm người kiến nghị Quốc hội tạm dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
“Tát nước theo mưa”
Một ví dụ điển hình của trào lưu “tát nước theo mưa” là Tuyên bố xã hội dân sự ra đời ngày 23-9-2013, có nội dung cốt lõi liên quan đến sửa đổi Hiến pháp. Tại tuyên bố xã hội dân sự, họ đòi hỏi Đảng ta phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ chế độ "toàn trị" sang "dân chủ", mở đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp. Họ kiến nghị Quốc hội dừng thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm tinh thần từ những bản Dự thảo khác do chính các "nhà dân chủ, cấp tiến” biên soạn.
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị lớn, mọi công dân đều có quyền góp ý và mọi sự góp ý, kể cả góp ý có nội dung trái ngược với các bản dự thảo do Quốc hội công bố, trái ngược với ý kiến của đông đảo nhân dân vẫn được ghi nhận và đó là điều hoàn toàn bình thường trong sinh hoạt chính trị.
Tuy nhiên, chúng ta phê phán hiện tượng lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để “cài đặt” những mưu đồ chính trị đen tối, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Không nên kìm hãm sự phát triển
Từ thực tế kết quả chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội, Chính phủ và toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỹ lưỡng suốt mấy năm qua, đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Phát biểu tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước ngày khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần khẳng định: Hiến pháp là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến thể chế, bộ máy Nhà nước, liên quan đến cuộc sống của mỗi người dân. Trước đòi hỏi đổi mới, phát triển đất nước, tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, nếu chậm trễ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì chính việc này sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Xét ở khía cạnh thời gian, không phải cứ kéo dài thời gian góp ý mới có bản dự thảo tốt. Nhìn lại lịch sử lập pháp, ngay cả bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng thì quá trình soạn thảo và lấy ý kiến cũng diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Do điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Ban soạn thảo chỉ gồm 7 người, soạn thảo trong hai tháng và được lấy ý kiến toàn dân trong 2 tháng trước khi trình Quốc hội thông qua song bản Hiến pháp vẫn bảo đảm chất lượng. Nhìn về việc xây dựng Hiến pháp hiện nay, có lẽ chỉ thực sự cần thiết tạm dừng thông qua, kéo dài thời gian góp ý khi còn có nhiều ý kiến vướng mắc. Tuy nhiên, việc tạm dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là không cần thiết, bởi công tác chuẩn bị đã rất chu đáo, chín muồi.
Hoàn tất chuẩn bị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Trong quá trình chuẩn bị, Quốc hội, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tổ chức việc lấy ý kiến góp ý, vừa rộng rãi, phát huy được trí tuệ toàn dân, vừa thận trọng, nghiêm túc để bản Dự thảo phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của số đông nhân dân. Chỉ xét riêng ở khía cạnh hoạt động kỹ thuật lập pháp, chưa có đạo luật nào được bàn thảo kỹ lưỡng tới 3 kỳ họp, nhiều phiên họp của UBTVQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều hội thảo liên quan đến vậy. Nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục tiếp thu ý kiến của toàn dân, Quốc hội cũng đã kéo dài thời gian lấy ý kiến, không dừng lại ở thời điểm ngày 31-3-2013 như phương án ban đầu. Nhiều dự án luật, trong đó có Luật Đất đai cũng đã được UBTVQH điều chỉnh thông qua sau Hiến pháp.
Nhìn từ góc độ một chuyên gia, ông Phạm Đức Bảo, chuyên gia nghiên cứu giảng dạy Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận xét: Rõ ràng bản Hiến pháp sửa đổi tới nay đã khác xa Hiến pháp năm 1992 hiện hành, có thể gọi là Hiến pháp năm 2013 cho gọn, rõ hơn.
Tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trung ương cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nội dung Dự thảo phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ; quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước.


Tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tổ chức ở Hà Nội chiều 17-10 vừa qua, trả lời câu hỏi của nhiều nhà báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đến nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiếp thu, hoàn thiện, đi tới sự thống nhất cao, chỉ còn 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau là vấn đề chính quyền địa phương và Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, hai vấn đề này đều được UBTVQH thống nhất đưa ra hai phương án trong nội dung Dự thảo.
Mặt khác, cũng không thể viện dẫn các nội dung về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ sở hữu, đất đai là “tử huyệt” của xã hội, từ đó đòi hỏi phải thay thế bằng các bản dự thảo Hiến pháp có nội dung khác với bản dự thảo được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến của toàn dân. Tính hợp lý, khoa học của việc hiến định những vấn đề về thể chế, về bộ máy Nhà nước đã được Báo Quân đội nhân dân cũng như các nhà khoa học nhiều lần đề cập, phân tích, không thể “muốn thay thế cái này bằng cái kia” thì phiến diện quy chụp cho sự vật, hiện tượng đó là xấu xa, lỗi thời một cách vô căn cứ.
Thiểu số phục tùng đa số
Nguyên tắc lập pháp cũng như nguyên tắc tổ chức xã hội phải dựa trên quan điểm “thiểu số phục tùng đa số”. Trong góp ý sửa đổi Hiến pháp, việc đưa ra các bản dự thảo khác nhau, nêu ra các quan điểm khác nhau là điều bình thường và được tôn trọng. Ngay cả bản dự thảo của nhóm 72 nhân sĩ, trí thức cũng đã được Ủy ban soạn thảo tiếp nhận, ghi nhận sự đóng góp và các hạt nhân hợp lý. Nhưng như thế không có nghĩa áp đặt, bắt buộc cơ quan lập pháp phải đưa quan điểm, nguyện vọng của số ít, của một nhóm người thay cho ý chí, nguyện vọng của hàng chục triệu người. Chính Giáo sư Ngô Bảo Châu khi mở diễn đàn “Cùng viết Hiến pháp” trên blog cá nhân của mình cũng đã đưa ra quan điểm rất đúng về thái độ đối với các bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “…Có người đồng ý với bản Dự thảo Hiến pháp do 72 nhân sĩ, trí thức đăng, có người không. Cá nhân tôi không đồng ý với việc bắt buộc mọi người phải phát biểu ý kiến của mình về bản Dự thảo Hiến pháp của 72 nhân sĩ, rồi mới có quyền phát biểu về Hiến pháp”. Ở đây, đã có sự nhầm lẫn khi nhiều người viện dẫn quan điểm phương Tây, coi Hiến pháp là một "Khế ước xã hội do người dân lập nên” mà quên rằng, Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất của mỗi quốc gia, phải được tổ chức chặt chẽ chứ không thể đơn giản như một “khế ước”.
Xét cho cùng, trong xây dựng Hiến pháp, lựa chọn thuộc về nhân dân, về tâm trạng quần chúng trong từng giai đoạn lịch sử. Với bản Hiến pháp cần có hiện nay, nó không chỉ là bản tổng kết thành quả cách mạng mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng cho chặng đường tiếp theo của đất nước, thể hiện rõ tính cương lĩnh của “đạo luật số 1 quốc gia”. Mà với đất nước ta hiện nay, con đường được lựa chọn vẫn là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã lựa chọn, không có con đường nào khác.
Xây dựng Hiến pháp, xét cho cùng cũng là để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền văn hiến ngàn năm của nước ta, bảo vệ nền độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ và vạch rõ hơn con đường đưa đất nước phát triển bền vững, hùng cường, đi lên CNXH. Cho nên, hơn lúc nào hết rất cần các nhà lập pháp và toàn dân luôn giữ tư duy biện chứng, phát triển, tiếp thu những hạt nhân hợp lý và bảo vệ những giá trị cốt lõi.      
NGUYỄN VĂN MINH

Loạn "giải thưởng nhân quyền" !

Mấy ngày qua, một số cơ quan truyền thông và diễn đàn trên internet làm rùm beng về cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" trao "giải thưởng" cho ba người Việt Nam hiện đang chịu án tù vì có hành vi vi phạm pháp luật! Qua cách đưa tin và ca ngợi những người này, cho thấy ý đồ và toan tính chống phá Việt Nam của những tổ chức đã bày đặt ra "giải thưởng". 
Chưa bao giờ các loại "giải thưởng nhân quyền" mà một số tổ chức nước ngoài trao cho một số cá nhân là người Việt Nam lại nhiều như mấy năm gần đây. Tính sơ sơ đã có gần chục loại "giải thưởng" được trao cho các đối tượng vốn có "thâm niên" trong hoạt động chống đối Ðảng và Nhà nước Việt Nam, như: "giải thưởng Hellman/Hammet" của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), "giải thưởng Stephanus" của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; "giải thưởng quốc tế Gruber" của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế, rồi "giải nhân quyền Gwangju"... Bên cạnh đó, một số giải thưởng và danh hiệu như "Công dân mạng" của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), "Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận" của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX) có trụ sở tại Canada, giải "Phụ nữ can đảm nhất thế giới" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,... và gần đây, ngày 11-10, tại Westminter, California - Hoa Kỳ, cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" công bố trao giải thưởng "nhân quyền Việt Nam năm 2013" cho Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Lê Quốc Quân. Ðây là các giải thưởng mà nếu không có sự tâng bốc của "Việt Tân", "đảng Dân chủ Việt Nam",... cùng mấy cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA, RFI,... và một số blog của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thì hầu như không ai biết tới.
Ðiểm qua vài gương mặt được nhận các "giải thưởng nhân quyền" là đủ thấy tiêu chí của các giải thưởng này rất cụ thể là: càng chống đối chính quyền thì càng nhận được nhiều giải thưởng! Dường như đối với các tổ chức đứng ra trao giải, thì "nhân quyền" đồng nghĩa với chống phá đất nước Việt Nam. Căn cứ vào những lời tung hô dành cho Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy,... với "thành tích đấu tranh dân chủ, nhân quyền" tại Việt Nam của các đối tượng này, có thể hiểu mục đích của nơi trao giải là gì.  Thí dụ, giải thích lý do trao giải "Công dân mạng 2013" một người Việt Nam, Giám đốc phụ trách truyền thông của RSF - Lucie Morillon, cho rằng đó là cách "ghi nhận sự đóng góp của những nhà báo tự do tại  Việt  Nam  cổ  súy  cho  quyền  tự  do  ngôn luận, tự do thông tin và tự do internet bất chấp sự đàn áp, kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội"! Còn phát biểu tại buổi trao giải "Phụ nữ can đảm nhất thế giới 2013", đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại "ca ngợi" Tạ Phong Tần là "một trong những blogger đầu tiên tại Việt Nam bình luận về các tin tức, sự kiện chính trị bị nhà cầm quyền hạn chế; giúp thức tỉnh các blogger và nhà báo tại Việt Nam dám dũng cảm chuyển tải thông tin, chính kiến tới người dân Việt Nam". Tương tự như vậy, để "vinh danh" người được trao "giải thưởng", cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" đã không tiếc lời tung hô, nào là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng "tự nguyện dành toàn thời gian dấn thân vào con đường tranh đấu vì quyền lợi của giới lao động"! Nào là Lê Quốc Quân "một nhà tranh đấu dũng cảm cho nhân quyền và dân chủ tự do cho Việt Nam..., giữ vững lập trường, không bao giờ từ bỏ lý tưởng, và phấn đấu không ngừng cho công lý, nhân phẩm và tự do..."!
Tuy nhiên, nếu theo dõi tình hình Việt Nam, bất cứ người đọc nào cũng có thể nhận diện được bản chất thật sự của các đối tượng được người ta "vinh danh", vì đó là những người có hành vi vi phạm pháp luật, đã hoặc đang chịu án tù! Ðơn cử ba trường hợp vừa được cái gọi là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" trao "giải thưởng nhân quyền năm 2013" chẳng hạn. Ðây là những đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam với những tội danh khác nhau và đang chịu án tù. Năm 2009, công ty của Trần Huỳnh Duy Thức bị phát hiện trộm cước viễn thông, và đó cũng là dấu mốc đánh dấu sự trượt dốc trong cuộc đời con người này, khi sau Thức bị cáo buộc có hành vi liên lạc với một số đối tượng chống đối chính quyền khác như Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long,... soạn cương lĩnh, in ấn các tài liệu nhằm hoạt động lật đổ chính quyền. Năm 2010, Trần Huỳnh Duy Thức bị tuyên phạt 16 năm tù giam với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Tiếp đến, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cũng có "thành tích" chống đối tương đối "nổi bật". Hùng câu kết với Ðỗ Thị Minh Hạnh, Ðoàn Huy Chương rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, gây rối trật tự công cộng, có sự liên kết với cái gọi là đảng "Vì dân" của Nguyễn Công Bằng. Nhưng vì biết rõ ý đồ của những người này, nên công nhân đã không hưởng ứng, và bản thân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng còn bị xét xử trước tòa và nhận bản án 9 năm tù giam vì tội phá rối an ninh. Lê Quốc Quân - nhân vật đang được các thế lực chống đối ở nước ngoài ca ngợi, vừa bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm về tội trốn thuế với bản án 30 tháng tù. Hay như trường hợp Phạm Minh Hoàng, thành viên của tổ chức khủng bố "Việt Tân", một trong năm đối tượng được HRW "vinh danh" năm 2012. Trong thời gian du học tại Pháp, Phạm Minh Hoàng đã được kết nạp vào "Việt Tân". Năm 2000, Hoàng trở về Việt Nam và được Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng làm giảng viên môn khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, Hoàng vẫn thường xuyên liên lạc với "Việt Tân" và từ năm 2002 tới 2010, với bút danh Phan Kiến Quốc, Phạm Minh Hoàng viết 33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Các bài viết của Hoàng được "Việt Tân" nhanh chóng đăng tải, phát tán trên internet. Và không chỉ viết bài xuyên tạc sự thật, trong tháng 11-2009, sau khi dự lớp tập huấn của "Việt Tân" ở nước ngoài, Hoàng còn cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh, em trai là Phạm Duy Khánh, cùng một số người khác đứng ra tổ chức hai khóa học mang tên "kỹ năng phần mềm" cho 43 thanh niên, sinh viên, nữ tu tại TP Hồ Chí Minh với nội dung tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng cho "Việt Tân" để chống phá Nhà nước. 
Vậy ý đồ phía sau các giải thưởng nhân quyền nói trên là gì? Trước hết, phải khẳng định rằng, các tổ chức đứng ra trao cái gọi là "giải nhân quyền" chưa bao giờ có thiện chí với Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Thông qua "giải thưởng", các tổ chức này vừa "lên dây cót" tinh thần, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước; đồng thời tạo ra cớ để khuếch trương thanh thế, từ đó để nhận được sự hà hơi tiếp sức - đặc biệt là về tài chính, từ các thế lực chủ mưu. Thực chất Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân hay một số đối tượng khác như Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Văn Hải (blogger Ðiếu cày"), Phan Thanh Hải (blogger "Anh ba Sài Gòn"),... chỉ là "quân bài" của chiến lược "diễn biến hòa bình" mà các thế lực thù địch đang rắp tâm triển khai ở Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như "nhà báo tự do", "nhà hoạt động dân chủ", "tù nhân lương tâm",... nhưng họ không thể che đậy được một "kịch bản" đã và đang được thực hiện là vừa làm ảnh hưởng tới uy tín của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet để tiến hành hoạt động chống phá nhằm gây bất ổn chính trị ở trong nước. Xét đến cùng thì việc trao các loại "giải thưởng nhân quyền" cho các đối tượng đã đề cập ở trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản đã được rắp tâm xây dựng. Ðó thật sự là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tình trạng "loạn giải thưởng" này xét về thực chất là vô giá trị, chỉ là những trò hề phô diễn để hà hơi tiếp sức cho một số kẻ chống phá Việt Nam.
Cần phân biệt sự khác nhau về bản chất của các giải thưởng. Người Việt Nam tự hào và vinh dự về các giải thưởng danh giá được trao cho những công dân ưu tú như nghệ sĩ Ðặng Thái Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu, kỳ thủ Lê Quang Liêm, các vận động viên thể thao, các học sinh đoạt giải cao trong những kỳ thi học sinh giỏi tại Olympic quốc tế... Mỗi khi tên tuổi một người Việt Nam được xướng lên, mỗi khi người Việt Nam bước lên bục vinh quang tại các cuộc thi, các đấu trường quốc tế và khu vực là đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam, góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Từ tấm gương của họ, mỗi người Việt Nam lại thấy thêm yêu Tổ quốc mình, tâm niệm cố gắng hơn làm rạng danh Tổ quốc. Còn các loại "giải thưởng nhân quyền" của một số tổ chức chống đối hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam rùm beng trao cho một số người thì chỉ là trò hề nhảm nhí, bị lãng quên. 

LAM SƠN

Quyền dân sự chính trị không xa lạ với xã hội ta

QĐND - Những ngày gần đây, người ta thấy xuất hiện trên mạng “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” và kêu gọi tham gia “Diễn đàn xã hội dân sự”. Ngay lập tức, một số hãng thông tấn, báo chí và mạng xã hội nước ngoài, các blogger trong nước vốn không ưa chế độ cộng sản lập tức “bắt sóng”, “tăng âm”, viết bài bình luận ca ngợi đây là một hành động “hợp thời, hợp thế, hợp lòng dân”… Vậy xã hội dân sự là gì? Quyền dân sự chính trị (DSCT) là gì? Phải chăng quyền DSCT “vắng bóng” trong pháp luật và xã hội ta? Phải chăng các “tuyên ngôn” và “diễn đàn” trên có thể góp phần xây dựng xã hội chúng ta?
Trước hết, cần hiểu thế nào là xã hội dân sự (XHDS)?
Theo cách hiểu thông thường, XHDS (Civil Society) là các tổ chức tự nguyện của người dân nói chung. Tính tự nguyện và tự quản là tiêu chí chủ yếu của các tổ chức này. Ngày nay, theo quan niệm chung của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (nongovernmental organization - N.G.O.) được xem là bộ phận quan trọng chủ yếu trong XHDS. Ở nước ta, khái niệm XHDS hoàn toàn không có gì mới. Người ta có thể hiểu đó là các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo… và các tổ chức phi chính phủ như ở các nước. Số lượng các tổ chức này đăng ký ở Trung ương và các tỉnh, thành phố cho đến nay là rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn. Hiện nay, hoạt động của những tổ chức này tập trung vào các lĩnh vực như: Từ thiện, xóa đói giảm nghèo, văn hóa nghệ thuật, phát triển cộng đồng, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS… Có thể dẫn ra một số tổ chức như: Hội tin học, Hội văn nghệ dân gian, Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Hội phòng chống HIV/AIDS, Hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Hội doanh nghiệp trẻ…
Trong xã hội ta, bên cạnh các tổ chức XHDS nói trên còn có các đoàn thể chính trị-xã hội. Cho đến nay, chúng ta có 5 tổ chức chính trị-xã hội, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các tổ chức chính trị-xã hội này là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy những tổ chức này nằm trong hệ thống chính trị, nhưng không phải là cơ quan chính quyền, mà là đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của các giai tầng xã hội. Khác với những tổ chức XHDS nói trên, những tổ chức này được sự giúp đỡ của Nhà nước. Thiết nghĩ đây là một ưu việt của các tổ chức xã hội trong chế độ ta.
Vậy quyền dân sự chính trị (DSCT) là gì?
Theo quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948”, quyền dân sự, là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân… Quyền chính trị, là những quyền liên quan đến những giá trị mà mỗi người được hưởng, như: Quyền tự do cơ bản của cá nhân; Quyền bình đẳng về phẩm giá; Quyền tham gia vào quản lý đất nước; Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận; Quyền lập hội và hội họp hòa bình… Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền DSCT, năm 1966. Công ước này Việt Nam đã tham gia vào năm 1982.
Ở Việt Nam, quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng là thành quả của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện lãnh đạo. Ở Việt Nam, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 1992 cho đến văn bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” (đang lấy ý kiến toàn dân), các quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng của người dân đều được trân trọng ghi nhận. Trong văn bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, lần đầu tiên quyền con người (cùng với quyền công dân) đã được quy định trong một chương. Ở chương này, các quyền công dân và quyền con người về DSCT được ghi nhận đầy đủ, đồng thời tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Đương nhiên quyền công dân và quyền con người, bao gồm các quyền DSCT trong chương này luôn gắn với nghĩa vụ công dân. Rất tiếc điều này đã không được nói tới trong “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”.
Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là bản chất của chế độ xã hội, là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ lực lượng chính trị nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Không thể phủ nhận rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và xem việc bảo đảm các quyền con người nói chung, quyền DSCT nói riêng của người dân. Thực tế cho thấy, kể từ năm 1946 đến nay, ở Việt Nam, các cuộc bầu cử Quốc hội được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp (trừ thời kỳ chiến tranh). Quyền bầu cử, ứng cử của công dân được bảo đảm nghiêm túc. Chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và các chức danh quan trọng của Nhà nước được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin của nhân dân được Nhà nước bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và đạt được những thành quả to lớn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành quy định: Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí.
Các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng và phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin đến với nhân dân. Đến nay, ngoài báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, truyền hình nước ngoài, như Roi-tơ, BBC, VOA, AP, AFP, CNN…; các trang mạng, như Yahoo, Google, Facebook… Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có giá cước vào loại rẻ nhất thế giới. Đây là một điều kiện bảo đảm quyền tự do thông tin cho người dân không dễ gì có được đối với một nước nghèo.
Cũng như ở tất cả các nhà nước hiện đại trên thế giới, quyền xây dựng luật thuộc về Quốc hội. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia như thế nào, đủ hay còn thiếu, đã hay chưa tương thích với luật pháp quốc tế, nội dung quy định của các điều luật như thế nào, cơ sở chính trị, lịch sử của nó ra sao…, đều do Quốc hội quyết định.
Điều 69, Hiến pháp 1992 hiện hành có mệnh đề “Theo quy định của pháp luật”. Điều này có nghĩa:Thứ nhất, sau khi Hiến pháp quy định một điều nào đó thì phải có một đạo luật nhất định quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội nào đó thì quyền đó mới được bảo đảm và có hiệu lực. Thứ hai, một đạo luật nhất định có thể đưa ra những chế tài nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cá nhân và tổ chức. Và những quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn các Điều 19: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình…, quyền này bao gồm quyền tự do ngôn luận…”; Điều 21: “Quyền hội họp hòa bình”; Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội…”,… (tuy nhiên) những điều trên phải chịu những hạn chế "vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức của công chúng, hoặc vì các quyền và tự do của người khác”.
Không phủ nhận rằng, xã hội ta đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết: Đó là phân hóa giàu nghèo gia tăng, nợ xấu, thất nghiệp, hàng tồn kho,… tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra. Góp phần khắc phục những sai lầm, hạn chế, đưa xã hội ta phát triển lành mạnh là mong muốn chung của tất cả mọi thành viên của xã hội. “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” viết: “Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Tuy nhiên, tuyên bố trên đã hồ đồ, thiếu thiện chí đưa những khái quát, nhận định về chế độ xã hội Việt Nam ngày nay, như: “Thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng;…”. Đặc biệt, nhóm khởi xướng Tuyên bố cho rằng: “Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị”…
Nhận định như vậy không thể nói là công bằng, khách quan, nếu như không muốn nói là ác ý. Với những nhận định, đánh giá (được xem như định hướng cho “Diễn đàn xã hội dân sự”), đó chắc hẳn không thể bảo đảm rằng “Diễn đàn xã hội dân sự” sẽ đóng góp tích cực cho sự ổn định và phát triển của xã hội và đất nước, ngược lại sẽ gây bức xúc trong nhân dân, tạo ra tiền đề cho sự bất ổn về chính trị - điều mà các thế lực thù địch, chống lại chế độ xã hội XHCN, chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang trông đợi.
Thiết nghĩ, nếu như những ai thật sự mong muốn góp phần loại bỏ tình trạng quan liêu, tham nhũng, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền DSCT, quyền làm chủ của nhân dân chỉ có thể dựa trên việc bảo vệ những thành quả của cách mạng gần 70 năm qua của nhân dân ta, bảo vệ chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời, tích cực tham gia vào các cơ chế đã được thiết lập trong Nhà nước và xã hội ta.

VĨNH AN

Cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta

ANTĐ - Cảnh giác là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại trong quá trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã có nhiều ví dụ chứng minh, chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác mà nước mất, nhà tan.
Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó chú trọng tác động vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Sở dĩ đây được coi là một trong những hướng tấn công chủ yếu đối với cách mạng nước ta, vì nếu thực hiện thành công “diễn biến hòa bình” trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật sẽ làm thay đổi chế độ  chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng tư sản. Vì vậy, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung và chống “diễn biến hòa bình” trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói riêng là cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản của cách mạng Việt Nam.
Đáng tiếc, thời gian qua, trong nội bộ ta, vẫn có những người chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí mất cảnh giác nghiêm trọng trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch, phản động; có người còn không tỉnh táo, bị mắc mưu, phụ họa, cổ súy cho những luận điệu của địch, đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi tam quyền phân lập, xây dựng “xã hội dân sự” theo tiêu chí phương Tây; đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”; đòi “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”... Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, có những người hằn học, phê phán, phủ nhận những thành quả của đất nước và nhân dân ta trên lĩnh vực này; đòi áp dụng rập khuôn những quy định, mô hình pháp luật của các nước với thể chế chính trị tư sản vào Việt Nam... Rõ ràng, đó là những biểu hiện của sự giảm sút ý chí cách mạng, mất cảnh giác, không nhận rõ tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn cách mạng mới, không phân biệt rõ đâu là địch, đâu là ta, mơ hồ về tư tưởng chính trị.
Lịch sử đã chứng tỏ quy luật vận động và phát triển của nước ta là dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, quy luật này vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Chúng ta không cường điệu, đánh giá quá cao kẻ địch, nhưng thực tế đã dạy chúng ta rằng, trong đấu tranh, tuyệt nhiên không bao giờ được lơi lỏng mất cảnh giác. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao cảnh giác, nhận thức đúng và đầy đủ tính chất gay gắt và phức tạp của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi gây phương hại đến sự ổn định, vững mạnh và phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.

Khổng Minh Trí

Đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng với những phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt và coi đây là một trong những hướng tấn công chủ yếu nhằm thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
 Chúng tập trung tuyên truyền đả phá Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; thổi phồng, xuyên tạc những hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, trong thực hiện chính sách, pháp luật; phủ nhận những thành quả cách mạng, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đòi “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”... Điều nguy hiểm là ở chỗ, có những luận điệu chúng đưa ra dựa vào sự tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng; có những câu chữ chúng sử dụng giống chúng ta, nhưng với động cơ, mục đích phá hoại... Thực tế đã chứng minh, trong bất kỳ tình hình nào, âm mưu và mục tiêu của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam là không thay đổi, chỉ thay đổi về phương pháp, thủ đoạn chống phá.
Trong khi đó, nội bộ ta có những người chưa nhận thức đầy đủ về âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, có biểu hiện dao động niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, thậm chí một số người còn phụ họa, cổ súy cho những luận điệu, quan điểm sai trái; có những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hằn học, tức tối, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng...
Tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh tư tưởng là ở chỗ đây là cuộc đấu tranh giữa hai lý tưởng, giữa hai hệ tư tưởng, giữa hai chế độ xã hội: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Đấu tranh tư tưởng là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp và phản ánh rõ nét bản chất của cuộc đấu tranh giai cấp. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh tư tưởng với mục tiêu là: Kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực tư tưởng.
Để đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh, cần làm tốt công tác định hướng tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng với những hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất không hề thay đổi của chủ nghĩa đế quốc, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng, biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị; kịch liệt phê phán, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên dao động về chính trị, truyền bá những quan điểm sai trái. Nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đưa công tác này thực sự trở thành việc làm thường xuyên và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, vai trò của nhân dân rất quan trọng. Vì vậy, cần đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng, phát huy vai trò và động viên nhân dân tích cực tham gia cuộc đấu tranh, nhất là trong quản lý, giáo dục, thuyết phục, nhắc nhở những người có quan điểm sai trái, cơ hội ở địa phương.
Biện chứng của sự phát triển đã khẳng định: trong mối quan hệ giữa nhân tố chủ quan với tác động khách quan, yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, nhân tố chủ quan, yếu tố bên trong đóng vai trò quyết định. Sự vững mạnh của Đảng, Nhà nước, của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là yếu tố quyết định để chúng ta đánh bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động.

P.H.N.

Một sự vu cáo, bịa đặt

QĐND - Vụ việc một số giáo dân bị kích động có hành vi gây rối trật tự an ninh, chống đối chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang bị một số phương tiện thông tin có địa chỉ ở nước ngoài xuyên tạc, bóp méo. Đặc biệt, mới đây trên VOA tiếng Việt, sau khi đưa những thông tin sai lệch về vụ việc cho rằng, chính quyền Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
Cần phải khẳng định ngay rằng, cách thông tin của VOA là một sự vu cáo trắng trợn. Dù với bất cứ lý do gì thì hành vi gây rối trật tự an ninh, chống đối chính quyền của một số giáo dân quá khích ở Mỹ Yên là vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo không thể bị đánh lận với một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tôn giáo và công dân là hai phạm trù khác hoàn toàn nhau. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Khi vi phạm pháp luật thì dù công dân đó theo hay không theo tôn giáo nào đều chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Ở Việt Nam, không bao giờ có chuyện giáo dân bị đàn áp, mà chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, xử lý mà thôi.
Việc cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật thực chất là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo. Không chỉ với Việt Nam, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải trong khuôn khổ của hiến pháp, pháp luật. Chính thể của các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo thông qua hệ thống pháp luật. Chẳng hạn ở Pháp, tại Điều 26-Luật ban hành ngày 9-12-1905 quy định: "Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo". Tại Điều 35 của luật này cũng quy định: "Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm".
Hệ thống luật pháp ngay tại nước Mỹ cũng quy định rất rõ hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống chính quyền, đi kèm với đó là các chế tài xử phạt tương ứng. Đối với các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống chính quyền, các tòa án ở Mỹ xử rất nghiêm khắc. Chúng ta còn nhớ, năm 2012, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ đã bắt giữ, xử lý 7 thành viên của nhóm Hutaree (nhóm Chiến binh Thiên Chúa giáo) vì có hành vi lên kế hoạch giết một sĩ quan cảnh sát sau khi tấn công một đám tang, nhằm bắt đầu một cuộc nổi loạn, sử dụng vũ khí chống lại chính quyền Mỹ. Trước đó vào năm 2010, cũng có 9 thành viên khác của nhóm này bị bắt giữ vì đã luyện tập bắn súng và chế bom trong rừng. Ngoài ra, trên website của nhóm này có nhiều bài viết lên án các chính sách của chính quyền Mỹ...
Rõ ràng, ngay chính tại nước Mỹ-một quốc gia tự nhận luôn đảm bảo về tự do tôn giáo thì ở đó cũng có sự phân biệt rạch ròi giữa hoạt động tôn giáo với hành vi lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự an ninh, chống phá chính quyền. Như vậy, việc cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng tôn giáo gây rối trật tự an ninh, chống đối chính quyền ở giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là bình thường. VOA cho rằng, như thế là vi phạm tự do tôn giáo là hoàn toàn vu cáo, bịa đặt.

KIM NGỌC