Lối áp đặt lỗi thời

 29/11/2021 05:00

Những thành tựu nổi bật mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong hơn 90 năm qua đã chứng minh cho sự lãnh đạo và vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng đâu đó trên không gian mạng xã hội, thật giả lẫn lộn vẫn còn những quan điểm mang tính áp đặt khi cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết thời, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Bệnh quy chụp mãn tính

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bất mãn và cơ hội chính trị nhằm ngăn cản nỗ lực phát triển của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được xem như “căn bệnh quy chụp mãn tính”, với mục tiêu sâu xa là gây mất ổn định về chính trị, gây chia rẽ nội bộ, khiến nhân dân hoang mang, dao động về tương lai của đất nước.

Một trong những chiêu bài nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, cho rằng Đảng ta “chuyên quyền”, “độc đoán”, không đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân mà chỉ khiến dân tộc thụt lùi. Từ luận điệu này, nhiều đối tượng kêu gọi nhân dân “thức tỉnh”, “cất cao tiếng nói vì sự tồn vong của dân tộc” và đi ngược hướng với với con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Thậm chí, họ còn đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lối áp đặt lỗi thời
Việt Nam nay đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Bên cạnh đó, qua các bài viết chỉ dựa vào ý chí chủ quan được đăng hằng ngày trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc sự thật, bôi nhọ hình ảnh của các lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao để khiến nhân dân hoài nghi, bất mãn, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, những luận điệu kiểu này thường được phát tán với mức độ dày đặc mỗi khi trong nước xuất hiện các hiện tượng tiêu cực, nhất là tình trạng tham nhũng.

Những khuyết điểm, sai lầm của một số đảng viên, quan chức chủ chốt bị đem ra mổ xẻ và để rồi quy kết rằng với thực trạng ê chề, rệu rã từ trong nội bộ như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực lãnh đạo trong điều kiện mới của đất nước; và rằng, dân còn tin Đảng, theo Đảng là còn khổ...

Vai trò lãnh đạo không thể thiếu

Thực tế cho thấy, sau khi lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu mang tính lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên CNXH.

Qua hơn 35 năm đổi mới, từ chỗ phải đối diện với cảnh nghèo nàn, cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, Việt Nam nay đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình; quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội được thể hiện rõ nét khi năm 2020, quy mô nền kinh đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521USD; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước cũng liên tục giảm trong vòng 5 năm trở lại đây...

Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam mới công bố trong tháng 11 này, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, dù phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài vì đại dịch, song kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện và phục hồi. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Những gì diễn ra trong thời gian phải đối phó với đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm tới việc đưa đất nước phát triển nhanh về kinh tế, mà còn ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Quan trọng hơn, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có sự ổn định về chính trị, xã hội, độc lập, chủ quyền được giữ vững; uy tín và vị thế đất nước trên trường quốc tế cũng chưa bao giờ lớn mạnh như hiện nay. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang trong quá trình chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đảng cầm quyền ở các nước XHCN và tham gia vào các diễn đàn chính đảng đa phương trên thế giới không phân biệt khuynh hướng và tư tưởng chính trị.

Còn nhớ, trong dịp diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có hàng trăm thư mừng, điện mừng từ các chính đảng, các nguyên thủ, các tổ chức quốc tế gửi về Hà Nội. Đó không chỉ là minh chứng cho sự tin cậy, tình cảm hữu nghị mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam, mà còn chứng tỏ vị thế của Đảng ta ngày càng được nâng cao.

Những thành quả ấy cũng không phải là “miếng bánh vẽ” như một số đối tượng vẫn rêu rao, cũng không xuất phát từ những nhận định chủ quan, mà được khẳng định bằng những đánh giá thẳng thắn của cộng đồng quốc tế. Ông Vojtech Fillip, Phó chủ tịch thứ nhất Hạ viện Cộng hòa Séc, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc-Morava (KSČM) từng nói rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội cũng như nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được đánh giá cao không chỉ ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây mà cả đối với các nước phương Tây.

Tại một hội thảo được tổ chức vào đầu năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Philip Fernandez, thành viên của CVFS, đảng viên Đảng Cộng sản Canada, nhấn mạnh việc Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, vị thế không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, là nhờ vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông nói: "Uy tín và vị thế cao của Việt Nam trên trường quốc tế đã phản ánh sức mạnh chính trị và ý thức hệ của Đảng, cũng như khả năng tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tìm ra phương hướng trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, và cùng với sự tham gia của nhân dân để đưa ra chương trình nghị sự nhằm xây dựng một nước Việt Nam hiện đại”. Và, việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối bắt nguồn từ đâu nếu không phải từ niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Đảng Cộng sản Việt Nam?

Những thành quả mà nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận. 

Chiêu bài cố tình nhồi nhét, áp đặt dư luận bằng những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam  thực sự nó đã lỗi thời!

VŨ HÙNG

Khi “con rối” vỡ mộng “miền đất hứa”

 08:30 29/11/2021

Sau một thời gian sống trên đất Mỹ, Trần Thị Nga đã lên mạng xã hội phát đi thông điệp “Mỹ là thiên đường của người này và là địa ngục của người kia”. Sự thật cay đắng của Nga đã cho thấy sự ảo tưởng và thân phận của những “con tốt”, “con rối” dưới bàn tay của những kẻ mượn danh nhân quyền chống phá Việt Nam.

Trần Thị Nga sinh năm 1977, lớn lên tại tỉnh Hà Nam. Năm 2003, Nga đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và đã gặp gỡ, tiếp xúc với Nguyễn Văn Hùng, một kẻ từng sống lưu vong ở Úc, Đài Loan và là thành viên của tổ chức phản động Việt Tân. Khi còn ở trong nước, Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền. Sang Đài Loan, với danh nghĩa là Trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt ở Đài Loan, Hùng đã lôi kéo người lao động Việt Nam bỏ trốn hợp đồng, tham gia các hoạt động chống phá đất nước, trong đó có Trần Thị Nga.

Đi theo sự cổ suý của đối tượng phản động, từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2017, Trần Thị Nga đã lập các tài khoản Blog, Facebook “Thuy Nga, Tran Thi Nga” và tài khoản mạng xã hội Youtube “Trần Thúy Nga” để làm, tàng trữ và phát tán hàng chục video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, tung tin giả, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, đối tượng còn xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tẩy chay bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối tượng còn đưa ra những thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài (những đài, báo có các hoạt động chống phá Việt Nam như Chân trời mới, RFA, SBTN…).

Ngày 21/1/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Thị Nga về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88, BLHS năm 1999. Ngày 25/7/2017, TAND tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nga 9 năm tù giam theo khoản 1, Điều 88, BLHS và phạt quản chế 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. TAND cấp cao tuyên y án sơ thẩm.

Trong thời gian chấp hành án tù, Trần Thị Nga thường xuyên không tuân thủ quy định của trại giam, khi được gọi điện cho người thân thì vu khống bị cán bộ trại giam “đàn áp, tra tấn”… Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo, Trần Thị Nga đã được ra tù trước thời hạn và ngày 10/1/2020 bị trục xuất, sang định cư tại Mỹ cùng 3 người thân trong gia đình.

Như thường lệ, khi Trần Thị Nga bị bắt, xét xử và thi hành án, một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Các đối tượng tung hô Trần Thị Nga là “người đấu tranh cho những thân phận bị dồn vào đường cùng”; “người đã hết mình cho cuộc chiến bất bạo động, vì những quyền tự do căn bản, bất chấp những truy bức, hành hạ, ngược đãi”; “tù nhân lương tâm”; “một blogger hoạt động bảo vệ cho những công nhân nhập cư”; “nhà hoạt động nhân quyền”… Đồng thời, các đối tượng phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc, bóp méo vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Kèm theo đó, hàng loạt hoạt động vu cáo, xuyên tạc, tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và hà hơi, tiếp sức cho đối tượng Trần Thị Nga thông qua cái gọi là “Giải thưởng về nhân quyền”. Ngày 20/8/2018 và ngày 25/10/2018, Tổ chức Ân xá quốc tế (Al) ra “Thông cáo” và “Thư ngỏ khẩn cấp” kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động khẩn cấp cho Trần Thị Nga, xuyên tạc Việt Nam “vi phạm Công ước chống tra tấn” của Liên hiệp quốc và yêu cầu Việt Nam “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này.

Cũng trong năm 2018, Tổ chức Công giáo hành động chống tra tấn (ACAT) đã viết thư yêu cầu Tổng thống Pháp có các hoạt động can thiệp, gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho 3 đối tượng, trong đó có Trần Thị Nga. Ngày 7/3/2019, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra “Thông cáo báo chí” về tình trạng của những nữ tù nhân trên khắp thế giới, tung tin xuyên tạc đối tượng Trần Thị Nga đang bị giam giữ trong những điều kiện “vô nhân đạo” và kêu gọi Việt Nam “trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện” cho đối tượng này.

Tháng 5/2019, bên lề sự kiện “Đối thoại nhân quyền” giữa Việt Nam và Mỹ, Scott Busby - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp gỡ Trần Thị Nga trong trại giam. Ngày 1/2/2020, Tổ chức Chống tra tấn và án tử hình của Pháp Fondation (ACAT - France) đã cổ suý cho Nga khi trao cho đối tượng này cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Engel-du Terte năm 2019” với lý do “để khen thưởng và ủng hộ cuộc đấu tranh vì quyền con người ở một đất nước, nơi mà những người bảo vệ nhân quyền - tiếng nói độc lập cuối cùng - bị cầm tù”. Trước đó, tháng 12/2018, Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng đã trao cho đối tượng này cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”…

Những việc làm trên thực chất là những hoạt động của một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch với Việt Nam, tìm mọi cách để hà hơi, tiếp sức cho những đối tượng vi phạm pháp luật, là những thủ đoạn cụ thể trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam.

Kể từ 10/1/2020, Trần Thị Nga bị trục xuất, đến Mỹ để định cư cùng 2 con nhỏ và một người già, ở một nơi mà nhiều người vẫn gọi là “thiên đường tự do”. Tuy nhiên, sau gần hai năm sống trên đất Mỹ, Trần Thị Nga đã vỡ mộng về “miền đất hứa” và quá bức xúc khi phải lên mạng xã hội để than thở.

Nga viết rằng, Mỹ là thiên đường của người này nhưng là địa ngục của người kia khi: “Thuê nhà không được vì chủ nhà đòi phải có Social; có nhà rồi thì không được sử dụng điện, gas, nước, Internet. Vì các công ty đó chỉ bán hàng cho những người có Social. Không được mua bảo hiểm y tế vì không có Social. Bị bệnh thì tự mà làm bác sĩ cho mình chứ không được đi làm tiền đâu mà trả viện phí. Được sống nhưng không được phép kiếm sống vì không có Social. Đi làm giấy tờ gì cũng không được vì không có Social. Mà Social lại đòi phải có giấy tờ, sống thì phải ăn, ăn mà không được đi làm kiếm ăn thì lấy gì để sống. Sống mà không có ăn, phải đi xin trợ cấp thì không được trợ cấp vì trợ cấp chỉ dành cho người có Social.

Được đến Mỹ, đất nước tự do như bao người nói là có “phúc”, phải biết ơn người này, biết ơn kẻ kia. Kết quả là đến Mỹ 2 năm rồi cả gia đình già trẻ lớn bé sống cảnh không giấy tờ, sống chờ đợi trong vô vọng. Được quyền sống nhưng không được quyền kiếm sống. Không trợ cấp cũng chẳng có cái quyền gì ngoài quyền hít không khí để tồn tại”… 

Thực tiễn vỡ mộng đó đã khiến cho Trần Thị Nga thốt lên chua xót: “Vậy là tôi đã có thêm một bài học một kinh nghiệm có giá trị”!

Vậy mà, khi còn trong tù, Nga không hối lỗi cải tạo để sớm được trở về với xã hội, trở về với cộng đồng hưởng cuộc sống thanh bình, tự do, mà còn nuôi hy vọng “vớ được cọc rơm của kẻ sắp chết đuối”, tìm kiếm mộng ảo nơi “thiên đường đất Mỹ”, giờ đây mới đớn đau tỉnh ngộ thì chuyện đã muộn rồi. Lời than thở chua cay của Nga cũng như một số đối tượng khác có tư tưởng, hành vi phản bội lại quê hương, đất nước hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.

Có thể thấy rằng, các đối tượng chống phá Việt Nam được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch, nhất là với cái bánh vẽ về việc được định cư ở những nơi gọi là “thiên đường, miền đất hứa” chẳng qua cũng chỉ là những công cụ, những “con tốt” để kẻ địch điều khiển. Không sớm thì muộn, các đối tượng lạc bước sai đường nếu không tỉnh ngộ, hối cải thì sẽ có chung một kết quả giống nhau, dù có sang “xứ thiên đường” thì cũng trở nên lạc lõng và đáng nói hơn, bị chính những kẻ từng hứa hão đường mật “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” gạt bỏ.

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để hiện thực hóa âm mưu chống phá nhằm thay đổi thế chế chính trị ở Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn khác nhau theo từng thời điểm cụ thể. Trong đó, hoạt động câu móc, tuyển lựa, đào tạo các đối tượng chống đối ở trong nước và tung hô, cổ súy, hà hơi tiếp sức cho các đối tượng này luôn là chiêu bài quen thuộc. Những cá nhân ảo tưởng, ngộ nhận, mơ mộng hão huyền khi được dụ dỗ, trao cho ít tiền bạc, vật chất sẽ rơi vào “vòng xoáy” đó.

Thực tiễn cuộc sống của Trần Thị Nga trên đất Mỹ hiện nay là một minh chứng, bài học cảnh tỉnh cho những kẻ lầm đường, lạc lối, nếu lỡ tin và đi theo cái gọi là “vì dân chủ, nhân quyền” thì hãy dừng lại trước khi quá muộn.

Hồng Phú

Những tổ chức không đủ tư cách để cáo buộc Việt Nam “vi phạm nhân quyền”

 09:16 26/11/2021

Cứ mỗi dịp cuối năm, một số tổ chức lấy danh “nhân quyền” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lại phát đi thông cáo kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ “cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền”.

Hay gần đây, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để “trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Ngoài ra, một số tổ chức mang danh nhân quyền khác cũng thực hiện các hoạt động vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những nhà “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”...

Những “thư ngỏ”, “thông cáo” của các tổ chức này thực chất là việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; là công cụ nhằm can thiệp, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế, khu vực. Trong khi đó, chính những tổ chức quốc tế nhân danh bảo vệ nhân quyền nói trên lại vi phạm các quy định của quốc tế về nhân quyền.

Cụ thể, hoạt động của một số tổ chức về nhân quyền trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quốc tế không can thiệp các vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia khác theo Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Tuyên bố những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.   

Theo đó: “Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó - đều là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Dù lấy danh nghĩa bảo vệ nhân quyền nhưng hành vi của các tổ chức trên lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia. Chẳng hạn, theo Điều 1 của Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị thì: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”; “Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ uỷ trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”. Theo Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc ban hành kèm theo Nghị quyết 2625 năm 1970, nêu rõ: Tôn trọng chủ quyền quốc gia về lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại; sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau...

Bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế, những tổ chức mang danh nhân quyền nói trên vẫn lấy cớ can thiệp, cáo buộc bằng cách làm sai lệch bản chất các vụ việc diễn ra trên thực tế để quy chụp, bôi lem tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Với việc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế về nhân quyền, hoạt động có mục đích, động cơ xấu, chống phá, can thiệp vào nội bộ nước khác bằng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền, rõ ràng những tổ chức này không có tư cách để nói về nhân quyền, đánh giá và cáo buộc về nhân quyền.

Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường”; “phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước”. Bằng hành động cụ thể trong thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới. Ngày 12/11/2013, Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã bầu Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184 nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau.

Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của AICHR theo hình thức trực tuyến diễn ra cuối tháng 11/2020, các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020 đã dẫn dắt hoạt động của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID -19. Việt Nam không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước các tác động của đại dịch mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện quan trọng định hướng hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19, được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Đồng thời, tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương… Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để Việt Nam được tín nhiệm, giao phó các cương vị quan trọng trên trường quốc tế như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiều tổ chức quan trọng khác. Trong phiên làm việc ngày 25/1/2019, nhóm làm việc về rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15/9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp... Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có nội quy; một tổ chức, đoàn thể phải có quy chế, có điều lệ... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước”.

Cần khẳng định rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, quyền của mỗi công dân phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền, người nào vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Hoàn toàn không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng như khởi tố, bắt giữ, điều tra, truy tố, luận tội, xét xử trước tòa án. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra. “Báo cáo nhân quyền” mà các tổ chức lấy danh về nhân quyền đưa ra hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc. Do đó, những luận điệu của các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng.

B.Nguyên – T.Sơn