Đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam - vẫn “bổn cũ soạn lại”

06:56 26/03/2019
Thực tiễn chứng minh, Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người, của công dân; những quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được thừa nhận, bảo đảm. Quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm; sự tự do nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật..
Trong thời gian Việt Nam báo cáo kết quả thực thi Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị tại phiên họp lần thứ 3 Ủy ban công ước về các quyền dân sự và chính trị Liên Hợp quốc vào ngày 11 và 12-3-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những nhận xét, đánh giá “vô lý” về tình hình nhân quyền năm 2018 của Việt Nam, đi ngược lại xu thế phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Điều này được thể hiện trên những điểm cơ bản như sau:
1. Danh không chính, ngôn không thuận
Bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có cơ quan chức năng phụ trách về đối ngoại - Bộ Ngoại giao và được gọi khác nhau tương ứng với từng quốc gia nhất định. Tuy nhiên, điểm chung của Bộ Ngoại giao các nước đều là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước mình ở nước ngoài, hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại nước mình... Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy.
Song, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tự cho mình “được có quyền” nhận xét, đánh giá về các vấn đề đối với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung, vấn đề nhân quyền ở các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng?
Tiếng nói của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao để đưa thông điệp đến các quốc gia trong mối quan hệ song phương, đa phương và thế giới. Những phát ngôn đó đều thể hiện lập trường trong mối quan hệ mang tính chất ngoại giao, hướng tới hòa bình, phát triển, thịnh vượng của nhân loại. Trái ngược với xu thế chung đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tự cho mình cái quyền “được phán xét” tạo sự méo mó, gây phương hại cho các quốc gia “bị phán xét”. Điều này thật “vô lý” trong xu thế “toàn cầu” hiện nay.
2. Sự quy chụp, thiếu khách quan
Muốn nhận xét, đánh giá về một lĩnh vực nào đó của bất cứ quốc gia nào cần dựa trên cơ sở khoa học, phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Căn cứ thực tiễn, đánh giá trung thực, xuyên tạc, bóp méo; nhìn nhận toàn diện vấn đề được đánh giá trong mối liên hệ với những vấn đề khác, nhất là trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của nước đó; sự đánh giá phải trên cơ sở so sánh theo chiều dài lịch sử vấn đề của quốc gia đó và đi vào cụ thể những biểu hiện của vấn đề, thấy được ưu điểm, hạn chế, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực của sự phát triển đi lên. Song, Bộ Ngoại giao Mỹ lại không như vậy!
Những nhận xét, đánh giá về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam lại chủ yếu dựa vào những bản án tù của những đối tượng đã bị tuyên án vì hành vi “tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam; lật đổ chính quyền nhân dân…”.
Những đối tượng đó đã vi phạm pháp luật, đã và đang phải chấp hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Những đối tượng đó đều có được chế độ “tù nhân” như nhau theo từng bản án nhất định, được xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và sẽ được ân xá nếu có tiến bộ rõ rệt, có xu hướng phấn đấu hoàn lương trong thời gian chấp hành án.
Đây là sự ưu việt của chế độ ta. Vậy mà, Bộ Ngoại giao Mỹ lại cố tình đưa ra “nhận xét, đánh giá” thiếu khách quan, quy chụp Việt Nam tăng cường đàn áp, thực hiện những bản án nặng nề và phân biệt đối xử, tra tấn về thể xác, tinh thần đối với những “tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị”.
Điều này không có cơ sở khoa học, hoàn toàn là quy chụp, xuyên tạc nhân quyền ở Việt Nam. Thử hỏi, bất kỳ cá nhân nào có hành vi gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn của nước Mỹ sẽ bị trừng trị hay được tha bổng để sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Thực tiễn chứng minh, Việt Nam luôn đảm bảo các quyền cơ bản của con người, của công dân; những quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được thừa nhận, bảo đảm. Quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm; sự tự do nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật thì mới đảm bảo công bằng, an toàn cho xã hội; tự do không theo khuôn khổ quy định của pháp luật thì xã hội sẽ loạn, môi trường sống của con người không có sự an toàn.
Việt Nam xây dựng đất nước từ xuất phát điểm rất thấp do hậu quả nặng nề của chiến tranh gây ra. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang chứng minh cho thế giới thấy sự tiến bộ mọi mặt, trong đó có vấn đề nhân quyền. Ngày 25-1-2019, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.
Trong thời gian tham dự phiên họp Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế, cung cấp cho quốc tế bức tranh tổng thể các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ủy ban Công ước cũng đã đánh giá cao việc tham gia vào đối thoại của đoàn Việt Nam, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam trong việc thực thi công ước và tin tưởng Việt Nam tiếp tục bảo vệ và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người và quyền công dân.
3. Nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, sai lệnh
Kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng nước ta, bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình” để thay đổi màu sắc thể chế chính trị xã hội ở Việt Nam; thông qua ngoại giao, phát triển kinh tế, đầu tư, lợi nhuận để cài cắm mầm mống chủ nghĩa tư bản, lấy lợi ích để mua chuộc, phát triển “lợi ích nhóm” – biến tướng bằng tên gọi “chủ nghĩa tư bản thân hữu” để giằng co, kéo chệch mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, sử dụng các tổ chức mang tên gọi “dân chủ, nhân quyền” để câu móc, đào tạo các thành phần bất hảo, chống đối, tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Những đối tượng đó thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, bị trừng trị theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các tổ chức được mang danh “vì tự do, dân chủ, nhân quyền” đó lại chống phá nước ta bằng luận điệu “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, đi theo sau đó là nhận xét, đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ. Không những thế, sự can thiệp vô lý của những tổ chức đó bằng vận động gây áp lực với Việt Nam thông qua các mối quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao theo phương châm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, buộc Việt Nam thay đổi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa.
Giá trị lớn nhất về nhân quyền là sự tự do, môi trường sống trong hòa bình, ổn định, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực con người. Hãy tự trả lời cho những lần “xả súng kinh hoàng” tại nước Mỹ, những thảm khốc sau khói súng mà nước Mỹ mang đến cho các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, sẽ thấy được “nhân quyền của nước Mỹ ra sao”?
Bản chất của “nhận xét, đánh giá” về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ, thiếu tính khách quan, sai lệch thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam. Điều vô lý đó cũng được Mỹ áp đặt với những quốc gia khác và đương nhiên sẽ chẳng thể phủ nhận được sự tiến bộ toàn diện của nước ta, không thể xóa đi sự đảm bảo về những quyền cơ bản của con người, công dân ở Việt Nam.
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được đảm bảo trong Hiến pháp, pháp luật và trong thực tiễn đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn đi ngược lại sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, khi mà quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên sâu sắc, đa dạng hơn với việc thường xuyên mở rộng trao đổi chính trị, đối thoại về nhân quyền và an ninh khu vực; bằng chứng mới nhất là Việt Nam nước chủ nhà vừa tổ chức an toàn tuyệt đối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Hồng Phú

Không để những “mảnh chĩnh” thông tin tiếp tay cho “ngụy tuyên truyền”

25/03/2019 00:33

Lợi dụng internet, gần đây, các thế lực thù địch ra sức tìm cách hạ thấp vai trò của báo chí, truyền thông chính thống và cổ xúy cho những cái gọi là “nhà báo công dân”, “báo mạng xã hội”, “nhà xuất bản mạng”… Chúng “nâng cấp” một số blogger, facebooker thành những “nhà báo tự do”, “nhà báo toàn cầu”... Cha ông ta có câu: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh ném ngoài bờ tre!”. Thế mà một số người do thiếu hiểu biết và tư tưởng lệch lạc lại hay tìm đọc, thậm chí cổ vũ, tiếp tay cho thứ "mảnh chĩnh" thông tin ấy để chúng “ngụy tuyên truyền” chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân…

Truyền thông “ngụy dân chủ”
Trịnh Hữu Long, sinh năm 1986, quê Thanh Hóa, từng tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng lại sớm sa ngã. Cách đây 5 năm, Long dựng lên một trang mạng và tự xưng trang này là “tạp chí” với tinh thần chủ đạo là tập hợp những bài viết phân tích, bôi đen tình hình đất nước, xuyên tạc Đảng, Nhà nước dưới góc nhìn pháp luật. Trang mạng của Long nhanh chóng thu hút nhiều nhân vật bất mãn và được sự hậu thuẫn của tổ chức Việt Tân để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trang mạng này xưng là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận, không đặt quảng cáo, nhưng lại kêu gọi bạn đọc tài trợ từ “20 nghìn đồng trở lên”. Theo một tài liệu được công bố, năm 2016, trang này từng xin được hơn 23.000USD nhưng phần lớn đều từ các tài trợ ẩn danh. Năm 2018, trang mạng này đã tiếm danh đại diện cho hơn 50 triệu người sử dụng internet Việt Nam khởi xướng việc vận động ký tên vào thư gửi Chủ tịch Facebook, chất vấn và xuyên tạc, lu loa Facebook “hợp tác với Chính phủ và phản bội người dân Việt Nam”.
Gần đây, mạng xã hội (MXH) lan truyền video tố cáo Cảnh sát Giao thông tỉnh Đắc Lắc chặn, cản trở xe đưa người đi cấp cứu vì lỗi chạy quá tốc độ. Song tìm hiểu sự việc thì đó chỉ là một màn kịch nhằm đánh lừa dư luận. Trong clip có cảnh một chiếc xe vi phạm vừa bị cảnh sát thổi còi thì xuất hiện ngay một phụ nữ xuống xe khóc rống lên kể lể đưa con đi cấp cứu nhưng tay “không quên” cầm điện thoại livestream. Một người đàn ông lại từ xe bế cháu bé ra đặt… giữa đường. Lo cho tính mạng người dân, một cảnh sát bế cháu bé lên xe để đưa cháu đi bệnh viện thì người nhà ngăn cản, chửi bới là “công an đàn áp dân, vi hiến”. Đến khi cảnh sát cho chiếc xe được đưa cháu bé đi bệnh viện thì họ lại tuyên bố “trưa rồi, không đi nữa” và lấy ra những cuốn hiến pháp phát cho người dân ở đó, quên luôn việc cấp cứu cho cháu bé. Rất nhiều bạn đọc tỉnh táo đã nhận ra chân tướng sự việc và chỉ rõ đó là clip của tổ chức phản động "Con đường Việt Nam" vì trong clip có nhóm người mang trang phục của tổ chức này. Thế nhưng, vẫn có một số người dân chia sẻ, comment nói xấu cảnh sát, nhìn nhận sai lệch về sự việc.
Năm 2017, Cục An ninh mạng, Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Thái Nguyên bắt hai đối tượng là Bùi Hiếu Võ và Phan Kim Khánh để điều tra về tội tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Qua điều tra, từ tháng 5-2015, chúng đã lập tài khoản facebook và các trang mạng lấy tên là “Báo Tham Nhũng”, “Tuần Việt Nam”, “Dân chủ TV”, “Việt Báo TV” và “Việt Nam online” để đăng nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Chúng móc nối, tham gia quản trị một số trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân và một số tổ chức phản động khác.
Cùng thời gian này, tại Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã phá vụ án và bắt Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cùng một số đối tượng do có hành vi kích động, gây rối, biểu tình, đập phá tài sản. Qua điều tra phát hiện, mỗi tháng Hóa viết, quay 16 clip, phóng sự mang nội dung xuyên tạc để chia sẻ, gửi cho những cá nhân thuộc các tổ chức phản động và một số đài, trang mạng nước ngoài… để nhận mức lương 1.500 USD/tháng từ tổ chức Việt Tân. Đó là sự thật ẩn sau những nội dung y chia sẻ núp dưới danh nghĩa yêu nước, bảo vệ môi trường, vì cuộc sống của nhân dân…
Bị lợi dụng hay cố tình la làng?
Bên cạnh một số người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, cũng có hiện tượng vì động cơ cá nhân mà cổ xúy, tiếp tay cho những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước. Câu chuyện ở Thái Nguyên, địa phương từng phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an khởi tố, bắt giam đối tượng phản động nêu ở phần trên của bài viết là một ví dụ.
Do vướng mắc về lợi ích của gia đình, một nữ chủ doanh nghiệp đã liên tục tán phát nhiều đơn thư có nội dung không đúng sự thật. Bà này còn liên hệ và nhờ vả cả đối tượng phản động để đưa thông tin khiếu kiện lên một số trang tin phản động và liên tục “rải bom” đơn kêu cứu đến lãnh đạo các cấp và các cơ quan Trung ương, địa phương, bất chấp nhiều nội dung các cơ quan chức năng đã vào cuộc và kết luận, nêu rõ không có những sai phạm như đơn thư quy kết. Đối tượng "trợ giúp" doanh nghiệp, nguy hiểm thay lại là một trong những kẻ cầm đầu nhóm phản động “NoU Hà Nội” và thường xuyên tung các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước lên cái gọi là "kênh truyền hình CHTV" trên Youtube. Y từng bị công an triệu tập vì tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và có liên hệ với một số tổ chức phản động nước ngoài. Vậy mà chủ doanh nghiệp nêu trên đã nhiều lần gặp và trực tiếp cùng đối tượng này "lên sóng" trong những clip kéo dài cả giờ đồng hồ. Với những thông tin được cung cấp, đối tượng này ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự việc, nói xấu chính quyền và các cơ quan pháp luật. Các clip trên được chia sẻ trên MXH, tạo cớ để một số đối tượng lợi dụng xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước.
Vẫn liên quan đến cái gọi là "kênh truyền hình CHTV", một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây các đối tượng điều hành trang mạng này cũng kích động, lôi kéo một số người dân, móc nối, liên kết với một số đối tượng khiếu kiện dạng "đầu đơn" ở địa phương để hứa hẹn giúp đỡ đấu tranh bằng CHTV... để đòi quyền lợi cho “dân oan”. Đối tượng còn ngang nhiên gọi điện, gây sức ép với một số cơ quan chức năng trong tỉnh đòi được “làm việc” và tuyên bố "kênh truyền hình CHTV" của y ngang với VTV, thậm chí còn gây ảnh hưởng… quốc tế(?).
Cần những giải pháp kiên quyết, đồng bộ
Hiện tượng lợi dụng các kênh truyền thông “tiểu ngạch” để chống phá Đảng, Nhà nước thời gian gần đây diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Ngoài việc “nâng cấp” các facebook, blog thành các “tạp chí”, “nhà xuất bản” để mở rộng diện tán phát; các thế lực thù địch còn khai thác triệt để khả năng tương tác, lan truyền trên MXH; lập nhiều kênh Youtube phản động. Chúng cũng lợi dụng danh nghĩa luật sư, từ thiện, hỗ trợ pháp lý để lôi kéo, xúi giục một số người dân khiếu kiện kéo dài, thậm chí tụ tập, gây rối; đồng thời mở rộng các hình thức hội luận, đào tạo trực tuyến, hội họp trực tuyến... Những thông tin xấu độc trên MXH có tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, dao động, tiếp sức cho "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả với những thủ đoạn trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xử lý sai phạm. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên MXH hiệu quả hơn. Việc xây dựng và ban hành "Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam" cần sớm được triển khai. Hiện, Facebook đã xây dựng một kênh riêng để giải quyết các đề nghị gỡ bỏ thông tin vi phạm MXH của Việt Nam. Sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, việc sớm đưa luật vào cuộc sống rất cần thiết. Lãnh đạo Cục An ninh mạng (Bộ Công an) từng cho biết: Google và Facebook đều đánh giá Luật An ninh mạng của Việt Nam là “phù hợp” và sẽ nghiên cứu để sửa chính sách của mình phù hợp với Luật An ninh mạng của Việt Nam. Bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ chính phủ của Tập đoàn Google tại châu Á-Thái Bình Dương khi làm việc tại Việt Nam từng cho biết: “Google cam kết tuân thủ pháp luật các nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ”
Tính đến hết tháng 6-2018, Google đã gỡ bỏ 6.700/7.800 video clip ra khỏi Youtube, trong đó có gần 300 video clip có nội dung phản động, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, 6 kênh Youtube đã bị chặn hoàn toàn... Facebook cũng đã gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, 107/107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong ngăn chặn thông tin xấu độc. Kinh nghiệm từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Bộ đã phát hiện, cảnh báo cho các doanh nghiệp quảng cáo về tình trạng Google gắn quảng cáo của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở trong và ngoài nước trên các video clip phản động, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao trên kênh Youtube của Google. Chính điều này đã dẫn đến việc các đại lý quảng cáo lớn ở Việt Nam đồng loạt dừng quảng cáo trên toàn hệ thống của Google một thời gian. Từ cơ sở đó, Google đã đồng ý thiết lập cơ chế riêng để Bộ Thông tin và Truyền thông có thể yêu cầu Google gỡ bỏ số lượng lớn các video clip vi phạm trên Youtube.
Về phía các cơ quan pháp luật, cần xử lý mạnh tay, nghiêm minh hơn nữa các hành vi vi phạm; nhất là xử phạt một số cá nhân thông tin xuyên tạc, chống phá trên internet. Như trường hợp Dũng vova không phải là nhà báo, không quản lý kênh truyền hình, báo chí được pháp luật công nhận thì không thể lôi kéo, kích động người dân kiện tụng, tán phát thông tin, thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước. Những hiện tượng như vậy phải xử lý nghiêm minh cả người tán phát và người cung cấp thông tin, tiếp tay cho đối tượng.
Đối với mỗi người dùng internet và MXH cũng như người dân nói chung, phải biết "gạn đục khơi trong" khi tiếp cận thông tin trên internet và MXH; không vì thiếu hiểu biết hay vì sự bức xúc mà đơn giản tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
NHẤT MINH

Lật tẩy chiêu trò “lộng giả thành chân” của các đối tượng phản động, chống đối

07:36 23/03/2019
Ngày 18-3-2019, Toà án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo đó, các thành viên của “Liên minh dân tộc Việt Nam” gồm Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung và Từ Công Nghĩa bị toà bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Chiêu trò “lộng giả thành chân”
Gần đây, các trang website và trang facebook như BBC, RFA, Chân trời mới media, Việt Tân, Hội anh em dân chủ đang tích cực đăng các bài viết liên quan đến phiên toà phúc thẩm xét xử 5 thành viên của “Liên minh dân tộc Việt Nam”, gồm: Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung và Từ Công Nghĩa. Như một thói quen, khi các đối tượng phạm tội trong nhóm xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam bị đưa ra xét xử, các tổ chức trên lại nhao nhao gào khóc, vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Đối với sự việc xét xử các thành viên của tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam”, trên RFA đưa ra ý kiến bao biện của một luật sư: “…những bị cáo không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền, họ chỉ bàn nhau sẽ đứng ra đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước khi chính quyền của đảng Cộng sản sụp đổ, và vì thế không có khách thể bị xâm phạm, tội phạm không thể hoàn thành”.
Trong khi đó, trên trang facebook của “Hội anh em dân chủ” hùng hồn đưa ra tuyên bố: “…Bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có quyền thực hiện các quyền chính trị của mình  một cách ôn hoà để thay đổi chế độ chính trị…, xoá bỏ quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam để tiến hành bầu cử tự do lựa chọn một đảng khác lãnh đạo đất nước. Hội AEDC (anh em dân chủ) lên án một cách mạnh mẽ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã kết án 5 nhà hoạt động chính trị ôn hoà…
Hội AEDC coi đó là hành động man rợ của nhà cần quyền cộng sản chống lại nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ”. Ngay sau đó, bản tuyên bố này cũng được không ít trang tuyên truyền của các tổ chức phản động chia sẻ lại.
Vậy bản chất của vụ án trên như thế nào? Liệu trong thông tin được các tổ chức phản động đưa ra có bao nhiêu là sự thật?
Trước hết, về vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” của các bị cáo Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung và Từ Công Nghĩa, phiên toàn phúc thẩm đã bác toàn bộ kháng cáo.
Theo đó, tòa giữ nguyên mức án sơ thẩm 15 năm tù đối với Vịnh (sinh năm 1967, tại Hải Dương), Nguyễn Văn Đức Độ (sinh năm 1975, tại Thừa Thiên – Huế) lãnh 11 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn (sinh năm 1977, tại Ninh Bình) 13 năm tù, Phan Trung (sinh năm 1976, tại Lâm Đồng) 8 năm tù và Từ Công Nghĩa (sinh năm 1993, tại Ninh Thuận) 10 năm tù.
Về vụ án trên, Hội đồng xét xử đã làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng. Ban đầu, các đối tượng trao đổi, thảo luận thông tin trên mạng xã hội. Sau đó, tất cả đã thống nhất thành lập tổ chức với tên gọi “Liên minh dân tộc Việt Nam”.
Từ việc thành lập tổ chức, các đối tượng sẽ tiếp tục tập hợp lực lượng để lật đổ chính quyền, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Các đối tượng đã có sự phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng người. Tuy nhiên, ngay trong ngày thành lập hội, các đối tượng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt quả tang. Qua đây có thể thấy, hành vi của các đối tượng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự ổn định và phát triển vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Mặc dù hành vi phạm tội của các đối tượng trong tổ chức tự xưng “Liên minh dân tộc Việt Nam” đã rõ, tuy nhiên, các đối tượng bên ngoài vẫn rêu rao các thông tin bao biện, sai sự thật nhằm thực hiện mưu đồ “lộng giả thành chân”, làm sai lệch bản chất của vấn đề.
Thứ nhất, về thông tin được RFA đăng tải: “…những bị cáo không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền, họ chỉ bàn nhau sẽ đứng ra đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước khi chính quyền của đảng Cộng sản sụp đổ, và vì thế không có khách thể bị xâm phạm, tội phạm không thể hoàn thành”. Thực tế, đây chỉ là một cách bao biện. Một hội nhóm có sự phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng người. Một hội nhóm có sự tính toán, thảo luận về “đường đi nước bước”, nhưng lại “không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền” nghe thực sự quá hài hước. Rõ ràng, các bị cáo đã có hành vi thành lập tổ chức phản động, có sự phân chia cụ thể về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của mỗi người, đã tiến hành các hoạt động xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối hoạt của Đảng và Nhà nước v.v…
Với từng đó căn cứ đã đủ để chứng minh mục đích chống chính quyền nhân dân của các đối tượng phạm tội.
Thứ hai, về nội dung “Bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có quyền thực hiện các quyền chính trị của mình một cách ôn hoà để thay đổi chế độ chính trị…, xoá bỏ quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam để tiến hành bầu cử tự do lựa chọn một đảng khác lãnh đạo đất nước” trên bản tuyên bố của hội anh em dân chủ là quá hàm hồ. Về mặt pháp lý, Hiến pháp nước ta đã chỉ ra: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (khoản 1 Điều 4). Điều này đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Về mặt thực tiễn, ở nước ta chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo – Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, được lịch sử ghi nhận rõ ràng. Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại quân xâm lược, giải phóng đất nước khỏi sự xâm lăng của các nước đế quốc; lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân. Sự ra đời của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam có sự gắn bó khăng khít, là một chỉnh thể thống nhất. Chỉ cần một phần trong chỉnh thể này bị tách rời cũng khiến tình hình đất nước bị biến động. Chính vì vậy, mỗi công dân đều có quyền thực hiện các quyền chính trị của mình. Tuy nhiên, không một cá nhân nào có quyền đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đánh đổi lợi ích của chung của toàn dân tộc, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng để mang lại những lợi ích cho riêng bản thân mình.
Việc tuyên án các đối tượng trong tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam” là đúng người, đúng tội, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có chuyện Việt Nam xử lý người “bất đồng chính kiến”.
Nước mắt “thằng hề”
Sòng phẳng mà nói, giữa các tổ chức phản động, chống đối vừa có sự mâu thuẫn, vừa có sự hợp tác với nhau. 
Mâu thuẫn giữa các tổ chức thể hiện ở việc đối lập về lợi ích, về địa bàn hoạt động, về nguồn “viện trợ”, về đường hướng phát triển v.v... Vì vậy nên sự “cắn xé”, tranh giành quyền lợi giữa các tổ chức phản động không hiếm lần xảy ra. Thậm chí, ngay cả trong nội bộ một tổ chức cũng có sự “lệch pha” giữa các thành viên. Suy cho cùng, “phản động” hiện nay được không ít kẻ coi như một “nghề” kiếm cơm. Đằng sau “ngọn cờ” đấu tranh “vì dân chủ, nhân quyền” là những lợi ích kếch xù. Chính vì vậy, sự mâu thuẫn, đối lập giữa các nhóm là điều tất yếu.
Về hợp tác, có thể thấy những người chống đối suy cho cùng cũng chỉ nằm trong nhóm thiểu số của xã hội. Chúng vô cùng yếu ớt. Nếu không có một sự “hợp tác” nhất định với nhau thì sẽ rất khó để có thể tồn tại. Chính bởi vậy, khi chính quyền Việt Nam xử lý các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, các trang tuyên truyền của những tổ chức phản động sẽ ngay lập tức đăng đàn tố cáo nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế. Đây như một biện pháp “cứu cánh” của những “nhà dân chủ” tự phong.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nhất định, chúng ta phải thấy rằng, việc “khóc mướn” này cũng chỉ là một trò bịp bợm của những kẻ phản động. Mục đích để bảo vệ “đồng nghiệp” thì ít, mà để đáng bóng tên tuổi của bản thân thì nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các đối tượng phản động, chống đối đang tích cực hoạt động nhằm phô trương thanh thế, mọi người phải vô cùng cẩn thận để tránh lọt vào “bẫy” thông tin của kẻ thù.
Trần Anh Tú

Chiêu trò lợi dụng vấn đề BOT để xuyên tạc, kích động

18/03/2019 05:00

Một trong những phương thức đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta những năm qua là sự ra đời của mô hình đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một vài bất cập xảy ra, các đối tượng quá khích, cực đoan, cơ hội đã có nhiều âm mưu, hành động xuyên tạc, kích động gây rối.

Chống “BOT bẩn” hay “trò bẩn” chống phá chính quyền?
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố bị can Hà Văn Nam để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại, trên mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh video nhằm kêu gọi “ủng hộ những người dấn thân trong cuộc đấu tranh chống các “BOT bẩn”(!). Nhân cơ hội này, một số tờ báo điện tử nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam lại bình luận ác ý, xuyên tạc bản chất vấn đề. Không chỉ rêu rao rằng, ông Nam đã bị “vu oan” và còn phong cho đối tượng này là “người hùng diệt BOT bẩn”. Nhiều bài viết còn tung ra những thông tin mang tính kích động, như: “Vụ bắt bớ này có nhiều uẩn khúc”, “dù người hùng bị bắt nhưng vẫn “được nhiều người ủng hộ vì chống BOT bẩn”(!), thậm chí có đối tượng còn ra lời “hiệu triệu” cư dân mạng “cùng nhau góp gió thành bão, cùng nhau chia sẻ một status, một ảnh avatar, băng rôn, khẩu hiệu, bài viết, chữ ký… dù nhỏ lúc này nhưng cũng góp phần đòi tự do cho người hùng chống BOT bẩn”; đồng thời “yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, vì ông ấy là một tù nhân lương tâm”(!) 
“Tiền hô hậu ủng” cho một số đối tượng có tư tưởng bất mãn, cực đoan, trang mạng của một tổ chức khủng bố hải ngoại đã mở cái gọi là “cuộc thăm dò dư luận” cho rằng, trong số cả ngàn ý kiến về hành động phản đối BOT của những tài xế, có gần 90% ý kiến đã bênh vực những tài xế phản đối “BOT bẩn”(!). Từ đó, chúng quy chụp vụ bắt giữ “người hùng chống BOT bẩn” là hành động tấn công, đàn áp tài xế nhằm bảo vệ các nhóm lợi ích, “cố tình hình sự hóa một vụ việc dân sự”; “có những hành động thô bạo để ngăn cản quyền giám sát chính đáng của người dân”(!)… Gắn vấn đề BOT với vấn đề chính trị, có đối tượng lâng láo cho rằng, cần phải hủy bỏ các dự án BOT vì nó gắn liền với chế độ “độc đảng toàn trị”, "nó chỉ làm lợi cho quan chức, nhưng lại gây phương hại đến lợi ích của nhân dân"(!). Đây thực chất là một "chiêu trò bẩn” của các phần từ cơ hội, bất mãn trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, do đó chúng ta phải cảnh giác, kiên quyết phê phán, bác bỏ.
Chiêu trò lợi dụng vấn đề BOT để xuyên tạc, kích động
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Phải khẳng định rằng, cơ quan điều tra có đủ bằng chứng để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Hà Văn Nam, vì đối tượng này đã nhiều lần vi phạm tội danh “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là việc làm bình thường, cần thiết của cơ quan thực thi pháp luật nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, giáo dục mọi công dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thượng tôn pháp luật.
Một chủ trương đúng, góp phần “ba tăng”, “ba giảm”
Giao thông được ví như “mạch máu của nền kinh tế”. Vì thế đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định: “Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội… Phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp;... bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Quán triệt quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ năm 2011 đến nay đã huy động được 68 dự án BOT đường bộ, với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào khai thác 58 dự án. Các dự án có 88 trạm BOT thu phí. Phần lớn các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã phát huy hiệu quả, góp phần “ba tăng” (tăng vận chuyển, lưu thông hàng hóa; tăng kích cầu sản xuất trong nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế) và “ba giảm” (giảm áp lực nợ công; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm thiểu ô nhiễm môi trường).
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn độc lập, nhiều dự án BOT đường bộ sau khi đưa vào khai thác đã tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, nhất là giảm thời gian đi lại của hành khách so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ví như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây giảm khoảng 50% thời gian đi lại; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại; Quốc lộ 14 đoạn Pleiku-Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 35% thời gian đi lại; Quốc lộ 14 đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30% thời gian đi lại...
Vì thế, chủ trương đầu tư xây dựng các dự án BOT đường bộ là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta trong tình hình hiện nay. Không riêng ở Việt Nam, hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước ASEAN, nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada hay nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn duy trì mô hình đầu tư này.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về BOT, bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân
Qua giám sát, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng và dư luận báo chí, ngành GTVT đã thấy rõ một số bất cập, như: Một số trạm thu phí BOT đặt vị trí chưa phù hợp, giá thu phí thời gian đầu khá cao nên gây thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp vận tải. Trước tình hình đó, ngành đã phối hợp với các nhà đầu tư tính toán, điều chỉnh theo hướng giảm giá thu phí trên nhiều tuyến đường BOT; thực hiện công bằng đối với người dân địa phương và doanh nghiệp vận tải sử dụng đường BOT; lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng đối với tất cả các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
Đến nay, Bộ GTVT đã xử lý những bất cập về giá sử dụng đường bộ tại các trạm, gồm: Trạm Quốc lộ 6 Xuân Mai-Hòa Bình, trạm Quốc lộ 32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm Quốc lộ 3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, Quốc lộ 1 (Quảng Ngãi)… Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu phí của 11 trạm thu phí đường bộ BOT trên cả nước, qua đó góp phần bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thu phí. Những việc làm này cũng không ngoài mục đích phát huy hiệu quả hơn nữa các dự án BOT đường bộ, đồng thời bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp vận tải.
Thực tế cho thấy, đưa vào khai thác, vận hành các dự án đầu tư BOT đường bộ thời gian qua tuy còn một số bất cập, hạn chế nhất định, nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mà mô hình này đã góp phần khơi thông “huyết mạch” cho nền kinh tế quốc dân phát triển. Do đó, khi nhìn nhận, đánh giá về mô hình đầu tư này nói chung, các trạm thu phí BOT đường bộ nói riêng, cần phải khách quan, toàn diện, thấu đáo, tránh nhìn hiện tượng đơn lẻ rồi quy về bản chất, dễ gây nhiễu loạn thông tin và tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế và nguồn vốn ODA đang thu hẹp dần, việc huy động nguồn lực thông qua hình thức BOT là hướng đi đúng đắn và giải pháp hữu hiệu để phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ. Với phương châm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, chúng ta đang chủ động khắc phục một số bất cập của một số dự án BOT; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thực hiện các dự án BOT để khai thác hiệu quả hơn nữa mô hình đầu tư này, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì vậy, mọi người dân và các doanh nghiệp vận tải khi tham gia giao thông trên các dự án BOT đường bộ cần hiểu đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, có thái độ, hành vi đúng mực, tuân thủ luật pháp, tránh bị các phần tử quá khích, cơ hội, bất mãn cấu kết với các thế lực thù địch kích động, lôi kéo tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT gây cản trở giao thông, mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.
PHÚC NỘI

Cảnh giác trước những thủ đoạn chống phá của RSF và CPJ

10:05 13/03/2019
Những ngày đầu tháng 3 năm 2019, lợi dụng sự kiện ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tổ chức RSF và CPJ đã tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá, bôi nhọ các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền của Việt Nam.
Sự việc này thu hút một số phần tử vốn có tư tưởng thù địch với cách mạng Việt Nam, đưa ra bình luận trên các trang mạng phản động và mạng xã hội, nhất là trên mạng facebook hòng tạo cái nhìn sai lệch về tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
1. RSF và CPJ là gì ?
RSF - Tổ chức phóng viên không biên giới, là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, được thành lập năm 1985, có trụ sở tại Paris, Pháp; tên tiếng Anh là Reporters Without Borders; với mục đích hoạt động đưa ra là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ.
CPJ - Ủy ban Bảo vệ ký giả, tên gọi khác của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists), một tổ chức được một nhóm thông tin viên nước ngoài của Mỹ thành lập vào năm 1981 với tuyên bố là tổ chức phi lợi nhuận độc lập, mục đích ban đầu đề ra là thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ các quyền của nhà báo, trụ sở ở thành phố New York, Mỹ.
Mục đích mà RFS và CPJ đề ra có vẻ khá tiến bộ, tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của hai tổ chức này lại trái ngược hoàn toàn. Đối với Việt Nam, hai tổ chức này thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. 
Gọi những tù nhân nữ đang chấp hành án vì các tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, xúc phạm Quốc kỳ” là “Nhà báo”; quy chụp Việt Nam đối xử vô nhân đạo, tệ hại, khủng khiếp với những phạm nhân này để kích động dư luận dậy sóng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. 
Tiến hành các hoạt động vinh danh ảo như: Trao giải “Nhân quyền năm 2018”, “Người phụ nữ can đảm năm 2018” để cổ súy, khích lệ phong trào chống đối tại Việt Nam, nhất là ngụy dựng “tâm sự” của các phạm nhân thành “biểu tượng” để kích thích hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. 
Đặc biệt, hai tổ chức này triệt để sử dụng chiêu thức vinh danh các phạm nhân; huyễn hoặc mây xanh, phong hiệu “Nhà báo” và suy tôn Trần Thị Nga là nhà hoạt động bảo vệ cho quyền công dân, Huỳnh Thục Vy là thành viên tích cực, có nhiều cống hiến của tổ chức xã hội dân sự - Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam...
2. Ba đối tượng được RSF và CPJ vinh danh “Nhà báo” là ai ?
Trần Thị Nga, SN 1977, trú tại phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Từ tháng 9-2014 đến tháng 1-2017, Trần Thị Nga đã trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân và trang YouTube “trần thúy nga” để làm ra, tàng trữ và tán phát 13 video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; cung cấp những thông tin, tình hình sai lệch về hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho các đài, báo phản động ngoài nước và viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa 14 và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 25-7-2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Nam mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt 9 năm tù, phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù đối với Trần Thị Nga, vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo Điều 88 BLHS.
Huỳnh Thục Vy, SN 1985, trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Lúc 11h ngày 1-9-2017, tại tổ dân phố Tân Hà 2, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, Huỳnh Thục Vy đã dùng bình sơn mi ni xịt sơn màu trắng lên ngôi sao của 2 lá cờ Tổ quốc do UBND phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cắm trước số nhà 1222 và 1224, đường Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sau đó, chụp và đăng tải hình ảnh hai lá cờ Tổ quốc bị xịt sơn lên mạng xã hội Facebook và ghi nội dung “Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng”.
Ngày 31-10-2018, TAND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Thục Vy vì tội “xúc phạm Quốc kỳ”. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Huỳnh Thục Vy mức án 2 năm 9 tháng tù giam. Đồng thời, TAND thị xã Buôn Hồ cũng ra Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh đối với Huỳnh Thục Vy.
Trước đó, năm 2011, Huỳnh Thục Vy đã bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền 85 triệu đồng vì hành vi “Cung cấp, trao đổi, tuyên truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn, SN 1985, trú tại phường 7, thành phố Trà Vinh. Từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã từng được tổ chức khủng bố “Việt Tân” triệu tập, huấn luyện về đấu tranh “bất bạo động” tại nước ngoài và trở thành thành viên của tổ chức này. 
Sau các khóa huấn luyện, trở về Việt Nam, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền phát triển lực lượng, kích động quần chúng gây rối làm mất ổn định tình hình chính trị, xã hội trong nước; viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách của Đảng; lợi dụng chiêu bài đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo để thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam.
Ngày 9-1-2013, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án 8 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đặng Minh Mẫn vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Như vậy, cả ba đối tượng trên không phải là “nhà báo”, không phải là “phụ nữ can đảm” đại diện cho phụ nữ Việt Nam. Ba đối tượng này là công dân Việt Nam, nhưng đã bị câu móc, mua chuộc, đã có các hoạt động vi phạm pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam và đã bị tuyên án tù, đang chấp hành án. 
Trong thời gian chấp hành án, cả ba phạm nhân này đều được đối xử đúng theo quy định của pháp luật. Những luận điệu cho rằng 3 đối tượng này bị đối xử hà khắc trong quá trình chấp hành án là không đúng sự thật, cố tình vu cáo, xuyên tạc nhằm tạo “nguyên cớ” để gây sức ép đối với Việt Nam vì vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền.
3. Thực chất hoạt động của RFS và CPJ là gì ?
Trong lịch sử, RFS và CPJ đã từng hà hơi, tiếp sức, suy tôn các đối tượng là công dân Việt Nam có hành vi tuyên truyền, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gắn mác “nhà báo” như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, Võ Thanh Tùng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hữu Vinh, Lê Đình Lượng v.v...
Thực chất hoạt động của RFS và CPJ là câu móc, lôi kéo, mua chuộc các thành phần chống đối thuộc các nước có hệ tư tưởng đối lập với hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa và cổ vũ, tài trợ, hướng dẫn các đối tượng chống đối thực hiện hành vi chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa; sau đó lên án, can thiệp, gây sức ép đối với các nước xã hội chủ nghĩa trên vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Sau sự việc trao giải “Tự do báo chí” cho đối tượng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), chúng tiếp tục thực hiện các chiêu trò “tạo nguyên cớ” để gây sức ép, buộc Việt Nam trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho các đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Đình Lượng, Trần Thị Nga, và cổ súy, kích động bùng phát phong trào đấu tranh được cho là “vì tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí” ở Việt Nam, qua đó “phát triển” phong trào chống đối, gây rối, biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có hệ thống luật pháp của mình để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và những nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, không ai được phép can thiệp vào những công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền, nên không thế lực nào có thể can thiệp vào và cả RFS cùng CPJ cũng không là ngoại lệ. 
Việc RFS và CPJ cố tình xuyên tạc, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trong thời gian qua càng phản ánh sự chống phá không giới hạn của các thế lực thù địch đối với chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời chứng tỏ RFS và CPJ luôn bộc lộ cái nhìn hẹp hòi, thiếu thiện cảm và có tính kỳ thị với sự phát triển cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quyền con người… của đất nước Việt Nam đã được đông đảo bạn bè trên thế giới thừa nhận.
Hồng Phú

Lật tẩy mưu đồ chống phá dưới chiêu bài “tù nhân lương tâm”

09:45 11/03/2019
“Tù nhân lương tâm” - một cụm từ được không ít trang thông tin tuyên truyền của các cá nhân, tổ chức phản động sử dụng khi nói về những đối tượng bị Nhà nước Việt Nam tuyên án do có hành vi phạm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia.
Sau những cái tên như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Công Nhân... các đối tượng lại tiếp tục “khóc thuê”, “hát mướn” cho Huỳnh Trương Ca. Và hiển nhiên, sau những lần “khóc mướn” này, chiêu bài dân chủ, nhân quyền lại tiếp tục được các đối tượng sử dụng nhằm xuyên tạc tình hình ở Việt Nam.
Tù nhân là những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Nói như vậy để thấy, việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội, xâm phạm các quan hệ xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vậy nhưng “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”, các đối tượng thù địch, chống đối Việt Nam đã dựng lên cụm từ “tù nhân lương tâm” để bao biện cho những kẻ phạm pháp.
Tìm hiểu nguồn gốc cụm từ “tù nhân lương tâm”, có thể thấy nó ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước để đề cập đến những người bị giam giữ, bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. 
Nói một cách dễ hiểu, những người được gọi là “tù nhân lương tâm” là những người không hề có hành vi phạm tội nhưng vẫn bị kết án phạt tù. Lạ lùng thay, ở Việt Nam, tất cả những kẻ chống phá Nhà nước khi bị kết án đều được các thế lực thù địch, chống đối chụp mũ cái tên “tù nhân lương tâm”. 
Bất chấp việc những người này vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, bất chấp việc các đối tượng xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam, bất chấp những hậu quả nguy hiểm mà các đối tượng đã gây ra cho xã hội, một số kẻ không những không lên án mà còn trở bút ca ngợi, suy tôn những đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam như những anh hùng.
Viết về các đối tượng chống phá Việt Nam, có kẻ không “ngượng mồm” tuyên truyền:“Họ là những thanh niên căng tràn nhiệt huyết hành động vì quê hương, nhưng bị nhà cầm quyền tước đoạt tuổi thanh xuân”, “Họ là những cựu chiến binh suy tư về thời cuộc và mang trong mình khát vọng cống hiến cho đất nước”, “Họ là những nhà giáo có đạo đức và sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp để đi theo tiếng gọi của lương tri”, “Họ còn là những bloggers, luật sư, người bất đồng chính kiến, những người công nhân, tín đồ tôn giáo… Những con người nặng lòng với quê hương, đất nước”. 
Đúng là sự lố bịch! Từ bao giờ, hành động chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân lại được gọi là yêu nước, từ bao giờ, những kẻ lẻo mép, suốt ngày chửi bới chính quyền, Tổ quốc, miệt thị đất nước mình lại được cho là đang đấu tranh vì tự do, nhân quyền?
Gần đây nhất, các đối tượng phản động đang tích cực “khóc mướn” cho Huỳnh Trương Ca, một đối tượng bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. 
Lợi dụng mạng xã hội, Huỳnh Trương Ca đã tiến hành Livestream chia sẻ, tuyên truyền các thông tin bịa đặt, phỉ báng chính quyền. Đứng trước vành móng ngựa, Ca cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Vậy nhưng, các đối tượng chống đối vẫn ngang nhiên xếp Ca vào nhóm “tù nhân lương tâm”. 
Thậm chí, ngay cả khi Huỳnh Trương Ca đang bị thi hành hình phạt tù, nhiều kẻ vẫn tích cực sử dụng Ca như một quân cờ để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vẫn giọng điệu “mèo khóc chuột”: “Huỳnh Trương Ca từ lâu bị nhốt trong phòng tối, chung với bọn xã hội đen, ngáo đá ... ăn uống thì bữa đói bữa no, cuối tuần hầu như chỉ ăn cháo”. 
Xin thưa, nhà tù không phải là khu nghỉ dưỡng, cũng chẳng phải là khách sạn mà được chọn phòng, xếp chỗ, được ăn ngon, mặc đẹp, nằm êm. Và cũng xin thưa, xã hội đen, ngáo đá phạm pháp hay quan chức “dính chàm”, bất cứ ai đi chăng nữa thì trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng, đều bị xử lý theo đúng tính chất, mức độ phạm pháp. 
Lẽ nào, khi được phong là “tù nhân lương tâm”, anh thuộc “đẳng cấp trên” so với người khác để thích nói gì thì nói, làm gì thì làm? Thế mới thấy, những kẻ được gọi là “tù nhân lương tâm”, những người tự phong mình là anh hùng đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, nhân quyền lại là những kẻ mang nặng tư tưởng phân biệt tầng lớp, kì thị con người. Việc dựng lên cái gọi là “tù nhân lương tâm” suy cho cùng cũng nằm trong toan tính của các đối tượng phản động.
Có thể thấy, nhóm “tù nhân lương tâm” đều là những kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, những kẻ chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ lâu, trong chiến lược “diễn biến hoà bình” – chiến lược chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ bên trong bằng phương pháp “hoà bình”, các thế lực thù địch, phản động đã dùng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, vừa xuyên tạc tình hình trong nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc, vừa gia tăng tuyên truyền tư tưởng, văn hoá, lối sống phương Tây. 
Để thực hiện chiến lược này, đội ngũ các đối tượng chống đối, phản động, cơ hội chính trị được sử dụng triệt để. Hiển nhiên, khi các đối tượng có hành vi chống phá an ninh, hoà bình của Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ở chiều hướng ngược lại, các tổ chức phản động cũng tích cực “tẩy trắng” cho các đối tượng tay sai của mình bằng cụm từ “tù nhân lương tâm”.
Với danh nghĩa “tù nhân lương tâm”, các đối tượng mong ngóng sự “cưu mang”, “thương hại” từ bên ngoài. Thậm chí, không ít kẻ còn… muốn đi ngồi tù để được gọi là “tù nhân lương tâm”, tạo điểm nóng, khuếch trương được “thương hiệu”, thu hút “đầu tư” từ các tổ chức chống đối, phản động bên ngoài. Đồng thời, cũng qua chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối tạo cơ hội, tạo cái cớ cho những thế lực ngoại bang can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép với chính quyền Việt Nam.
Một lần nữa, thực tiễn khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Tất cả những người bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam đều là những người vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam. Mặt khác, pháp luật Việt Nam là sự thể hiện ý chí của nhân dân Việt Nam, là sự chắt lọc của pháp luật quốc tế. Vì vậy, không có chuyện pháp luật Việt Nam đi ngược lại với thế giới.
Pháp luật giữa các quốc gia trên thế giới không hoàn toàn đồng nhất. Thậm chí, trong một số trường hợp, pháp luật giữa các quốc gia còn có sự xung đột với nhau. Mặt khác, giữa các quốc gia trên thế giới hoàn toàn bình đẳng với nhau. Chính vì vậy, không ai có quyền lấy pháp luật của quốc gia mình áp đặt lên quốc gia khác. Để đánh giá chính xác ở quốc gia nào có “tù nhân lương tâm”, cần phải có sự nghiên cứu một cách chính xác pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của quốc gia đó, tránh tình trạng “chụp mũ” một cách hời hợt.
Trần Anh Tú (Công an TP Hà Nội)

Tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc

10/03/2019 22:02

Suốt nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn triệt để lợi dụng từ “tự do” trong cụm từ “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật” của hệ thống pháp luật Việt Nam để tổ chức các hoạt động chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị-xã hội.

Để thực hiện mưu đồ ấy, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn nhằm tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước; hậu thuẫn về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chống đối, đưa tôn giáo ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị “đối trọng” với Đảng. Chúng xác định lấy “tự do tôn giáo” làm “ngòi nổ” để chống phá Việt Nam. 
Những năm gần đây, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm tách quyền “tự do” ra khỏi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam thể hiện dưới các hình thức: Chống phá thông qua việc ra các đạo luật, nghị quyết từ ngoài nước; lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng sự mở rộng về dân chủ, nhân quyền của Nhà nước Việt Nam để tiến tới quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, hòng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam; tăng sức ép với Việt Nam qua thể chế hóa các vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhạy cảm, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, vu khống về tự do tôn giáo ở Việt Nam... Chúng xúi giục, kích động số phần tử phản động trong tôn giáo người Việt ở nước ngoài tổ chức các hoạt động chống phá về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam; tổ chức một số cuộc mít tinh, biểu tình do các hội, nhóm mang danh tôn giáo hải ngoại nhằm đưa ra những yêu sách đòi Việt Nam thực thi cái gọi là "các quyền tự do tôn giáo". Để đi sâu hơn, chúng hỗ trợ, kích động và chỉ đạo một số linh mục cực đoan trong nước đẩy mạnh hoạt động chống phá. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện chính thức của một số nước phương Tây thông qua đại sứ quán, lãnh sự quán đã có những hoạt động công khai, hoặc bí mật ủng hộ số đối tượng cực đoan nói trên. Họ trực tiếp, hoặc cử người đi điều tra, nắm những sai sót, sơ suất trong thực hiện chính sách tôn giáo của Việt Nam ở các địa phương, cơ sở để lợi dụng chống Đảng và Nhà nước, tố cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, cấm đoán tôn giáo, đàn áp giáo sĩ...
Tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc
Đông đảo tăng ni, phật tử của thành phố Hà Nội tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562. Ảnh minh họa: TTXVN.
Thực tế cho thấy, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của các thế lực thù địch, một số linh mục cực đoan đã viết và tán phát nhiều tài liệu đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng mà nhân dân Việt Nam đã giành được qua các cuộc kháng chiến của dân tộc. Họ đòi hỏi xã hội phải thừa nhận vai trò của tôn giáo như vai trò của chính quyền trong việc điều hành xã hội... Những hoạt động nói trên tuy chưa phải phổ biến, song nó cho thấy tính chất thâm hiểm và xảo quyệt trong việc chống phá cách mạng Việt Nam, kích động, chia rẽ bà con giáo dân với cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở, gây bất hòa giữa những người theo đạo và không theo đạo, làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân và lợi ích chung của dân tộc.
Ở các tỉnh miền núi, chúng lợi dụng việc đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế, nhận thức còn hạn hẹp để truyền đạo trái phép, hòng lôi kéo, tập hợp quần chúng. Thời gian qua nổi lên là hiện tượng lôi kéo đồng bào dân tộc đi theo đạo Tin lành Đề-ga; đạo Dương Văn Mình... Thông qua việc giảng đạo, các đối tượng lồng ghép những vấn đề chính trị để chống lại đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, họ kích động đồng bào dân tộc thiểu số không thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, không tham gia các tổ chức chính trị ở địa phương, không tham gia các hoạt động do cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai... nhằm lôi kéo đồng bào ra khỏi sự quản lý của chính quyền, vô hiệu hóa chính quyền cơ sở.
Những vấn đề dẫn ra ở trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo đang đặt ra thật sự cấp bách. Bởi sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo có tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị, làm suy giảm những thành tựu của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, việc đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới đất nước là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta. Điều đó đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo.
Để đập tan những âm mưu, thủ đoạn phản động, trước hết phải nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo mà cụ thể là chiêu bài lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của chúng. Cần phải hiểu rằng, cuộc đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo và âm mưu “diễn biến hòa bình” trong khu vực và trên thế giới ngày nay sẽ còn nhiều biến động phức tạp, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trong đó có Việt Nam vẫn tiếp tục là mục tiêu chống phá của chủ nghĩa đế quốc. Trong những năm tới, vấn đề tôn giáo, dân chủ và nhân quyền vẫn tiếp tục là mục tiêu tiến công, chống phá của các thế lực thù địch, cần phải đặc biệt quan tâm.
 Phải xác định rõ đấu tranh chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các thế lực thù địch chính là giữ vững được sự ổn định bên trong; linh hoạt, mềm dẻo giải quyết hài hòa các lợi ích giữa đồng bào theo đạo và đồng bào không theo đạo trên cơ sở lợi ích chung của cả cộng đồng dân tộc. Trong đó khẳng định việc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và phải lấy đó làm điểm tương đồng để đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc và tập hợp các lực lượng cho cuộc đấu tranh ấy. Cần phải thực hiện các biện pháp để đấu tranh chống âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng vẫn thực hiện tốt mục tiêu, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, ngày càng thu hút bạn bè quốc tế theo tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Để có cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh này, chúng ta cần xây dựng được "thế trận lòng dân" vững chắc. Trong đó phải chú trọng xây dựng được niềm tin với nhân dân, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; hướng các chức sắc, chức việc tôn giáo vào việc vừa phụng sự đạo giáo, vừa phục vụ sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Để làm được điều đó phải dựa chắc vào dân, tổ chức liên kết nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân, nhất là trong đồng bào có đạo, định hướng cho đồng bào luôn hành động theo mục tiêu sống tốt đời, đẹp đạo. Bên cạnh đó chúng ta phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội mà trực tiếp là chính sách dân tộc, tôn giáo; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trên tất cả vùng, miền của Tổ quốc. Làm tốt những vấn đề trên chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được một khối đoàn kết thống nhất giữa Đảng với nhân dân và trong các tầng lớp nhân dân với nhau mà không một thế lực nào có thể phá vỡ.
VŨ VĂN TỰ

Thủ đoạn trơ trẽn xuyên tạc, quấy phá Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều

10:17 04/03/2019
Tuần qua, trong khi cả thế giới hướng về Hà Nội, hướng về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều với những mong muốn, kỳ vọng tốt đẹp thì không ít kẻ vẫn cố tình đi “ngược dòng”, tìm mọi cách chống phá với các thủ đoạn trơ trẽn. 
Trước khi hội nghị diễn ra, trên mạng Internet xuất hiện những bài viết đặt câu hỏi ngây ngô như tại sao lại chọn Việt Nam, tại sao chọn Hà Nội để tổ chức hội nghị mà không phải một địa điểm nào khác, tại sao lại coi Việt Nam là “điểm hẹn hoà bình”, từ đó có lời lẽ bôi nhọ, miệt thị đất nước và con người Việt Nam, chỉ trích Mỹ “sai lầm” khi lựa chọn Việt Nam. 
Những bài viết này điểm lại những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia mấy năm qua mà những kẻ phạm tội đã bị bắt, xét xử và thụ án, song vẫn bằng chiêu bài vu cáo về nhân quyền, tôn giáo, tự do dân chủ để quy kết rằng, Việt Nam bắt bớ “người bất đồng chính kiến”, “cai trị, độc tài”, từ đó kêu gọi tẩy chay hội nghị…
Thực tế, việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị đặc biệt quan trọng này cho thấy Việt Nam ngày càng có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đồng thời có những đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới. 
Việc Mỹ, Triều Tiên lựa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị khẳng định sự tin tưởng rất cao và coi đây là điểm đến thích hợp trong tiến trình tìm tiếng nói chung, hoá giải các mâu thuẫn, xung đột giữa hai quốc gia này. 
Nhưng cũng như trước đây, khi có Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, đây là dịp để những kẻ tự xưng “nhà dân chủ” tìm cách quấy rối dưới các chiêu trò như gửi “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” người đứng đầu Nhà Trắng. 
Lần này cũng lại là một “kiến nghị thư” mà nhóm này tung ra gửi cho Tổng thống Donald Trump (nói là thư gửi Tổng thống Donal Trump cho dư luận chú ý, còn thực tế chỉ là kiểu tung bừa lên mạng). 
Và để “tăng trọng”, kiến nghị này được tung hô ký bởi 100 người tự xưng “nhân sĩ trí thức” (thực chất là mấy kẻ chống phá tự gán cho mình mác này, danh nọ), thậm chí còn chụp mũ thành “thư thể hiện ý chí và tâm nguyện của phần lớn người Việt Nam sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài”!
Khi hội nghị diễn ra, Hà Nội là tâm điểm của thế giới. Hơn 3.000 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế tham dự sự kiện trọng đại này đã thông tin nhanh chóng nội dung và diễn biến liên quan, cùng với đó là các hình ảnh sống động, chân thực nhất từ Hà Nội. 
Phóng viên báo chí quốc tế tham dự sự kiện cũng đã bày tỏ tình cảm, ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam, về cung cách tổ chức, đón tiếp của nước chủ nhà, họ thể hiện trên các bài báo, phóng sự truyền hình cũng như trên trang cá nhân. 
Thế nhưng, những kẻ chống phá dù không có mặt trực tiếp tại sự kiện, thậm chí ở tận đẩu đâu nhưng lại lên mặt, tỏ ra “am tường” vấn đề, tìm cách đả kích, chế giễu. 
Chẳng hạn, khi báo chí quốc tế viết “Hà Nội – điểm đến hoà giải xung đột quốc tế” thì một số kẻ lại chọc ngoáy rất thiếu văn hoá và vốn sống. 
Ngay việc tình cảm của người dân, các cháu học sinh ra đón chào Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong khi báo chí quốc tế có mặt tại sự kiện đã đưa tin, hình ảnh chân thực, ghi nhận tình cảm của người dân Việt Nam thì trang “Vietnamthoibao” lại soi xỉa kiểu thiểu năng như “sao lại bắt các cháu nghỉ học, chịu rét”, “sao lại phải cầm cờ”!?
Còn khi Tổng thống Trump đến sân bay Nội Bài, được ban tổ chức và mọi người vẫy chào, vỗ tay thì những “nhà dân chủ” mạng lại bình phán theo ý suy diễn vu vơ, tiêu cực… Có người còn luẩn quẩn với câu hỏi “tốn bao nhiêu tiền”, “tiền ở đâu, có phải thuế của dân” để chỉ trích việc đăng cai hội nghị. 
Một lẽ hiển nhiên: Khách tới nhà, chủ nhà phải đón tiếp, tổ chức sao cho lịch sự, để vừa bằng mặt, vừa bằng lòng, tạo dấu ấn, niềm tin cho quan khách. 
Việc tổ chức sự kiện lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mà mấy kẻ chọc ngoáy với những câu hỏi kiểu như vậy cho thấy sự ti tiện, cái bụng dạ của họ nông cạn đến vậy thì lo ăn cho tự thân còn chưa được, nói gì đến những viển vọng cao siêu “cải cách, dân trí, chấn hưng” như chúng tung hô trên các bài viết!
Cũng trong dịp này, đã xuất hiện hành vi lợi dụng sự kiện để rải truyền đơn chống phá. Vào ngày 28-2, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Công Em, sinh năm 1971, ngụ ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. 
Qua khám xét nơi ở và khai thác dữ liệu điện tử trên các tài khoản mạng xã hội (facebook…) của đối tượng Nguyễn Văn Công Em, cơ quan An ninh điều tra thu được nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước”. 
Đối tượng Nguyễn Văn Công Em khai nhận đã sử dụng 4 tài khoản facebook khác nhau để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp (live stream) những video có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, kêu gọi, kích động biểu tình trong thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, ngày 27 và 28-2. 
Hiện, cơ quan An ninh điều tra Công an Bến Tre đang điều tra, làm rõ hành vi, động cơ, những đối tượng có liên quan.
Thời gian qua, những câu hỏi dạng như “chúng ta thu được gì khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2” được nhiều người nêu ra. Song khi tổ chức hội nghị, cái đạt được lớn hơn nhiều những đong đếm kiểu “thu được gì”! 
Thứ nhất, chúng ta rất tự hào hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đều chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2, cho thấy vị thế, vai trò của Việt Nam rất quan trọng trong đóng góp vào hoà bình, ổn định của khu vực. Điều này càng được khẳng định khi chúng ta tổ chức sự kiện với vai trò của nước đăng cai hết sức chu đáo, bảo đảm những gì tốt nhất có thể. 
Không chỉ hai nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao mà những phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện đều cảm nhận được sự an toàn, an ninh, hoà bình, trật tự xã hội cũng như môi trường chính trị, kinh tế ổn định của chúng ta. 
Hình ảnh con người Việt Nam đến được mọi nơi trên thế giới. Thứ hai là sự tin cậy rất lớn của lãnh đạo các nước, trong đó có Mỹ và Triều Tiên đối với Việt Nam về sự hiếu khách, trọng thị, trách nhiệm, bảo đảm an toàn tuyệt đối. 
Đơn cử đối với lịch trình sự kiện, nếu sắp xếp không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều hài lòng. Mọi vấn đề hậu cần phục vụ hội nghị, các phóng viên tác nghiệp từ thông tin, ăn uống đến hạ tầng viễn thông, đường truyền Internet đều được bảo đảm rất tốt. 
Các phóng viên tác nghiệp trên đường phố thoải mái, tự do nhưng vẫn an toàn tuyệt đối. Không khí trang hoàng cờ hoa rực rỡ đúng với hình ảnh của Hà Nội, thủ đô của hoà bình, thành phố vì hoà bình.
Dù Hội nghị chưa đạt được như kỳ vọng song sự kiện này là dấu ấn quan trọng trong tiến trình hoà giải, tìm đến những điểm chung và cả Tổng thống Mỹ, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều ghi nhận, đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam. Sự thực hiển nhiên như vậy, thật là trơ trẽn cho những kẻ cố tình “chọc gậy bánh xe”, xuyên tạc, vu cáo.
NGUYỄN THÀNH

Nhận thức đúng về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự

04/03/2019 05:00

Cho đến nay, cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ năm 2019. Số lượng thanh niên nhập ngũ trong cả nước lên đến hàng vạn người. Cũng như nhiều năm trước, trong đợt tuyển quân năm nay đã có nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định nhưng vẫn làm đơn tình nguyện nhập ngũ.

Cá biệt có gia đình hai anh em cùng làm đơn xin được nhập ngũ trong một đợt. Trả lời phỏng vấn báo chí trong dịp lên đường nhập ngũ, nhiều thanh niên đã bày tỏ những suy nghĩ chân thành của mình: “Ngay từ khi còn nhỏ, em đã mong được mặc bộ quân phục màu xanh, làm anh Bộ đội Cụ Hồ”. Có người thì nói: “Em luôn mong muốn có dịp được sống trong quân ngũ để rèn luyện những phẩm chất cao quý của thanh niên… tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc ta”. Có người chia sẻ: “Bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc là trách nhiệm, vinh dự của thế hệ trẻ… Chúng em hiểu trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ, nhất là trong tình hình hiện nay”.
Thế nhưng trên internet, mạng xã hội đã có kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tán phát thông tin xấu độc. Chẳng hạn, có kẻ viết: “Chính sách nghĩa vụ quân sự thực chất là chạy đua vũ trang”; “ Thời bình sao phải tuyển nhiều lính như thời chiến?”; “Sao không tập trung vào phát triển kinh tế, chống tham nhũng?”... Những “phản biện” nói trên công bằng mà nói, có thể do thiếu hiểu biết về đường lối, chính sách quốc phòng, về Luật Nghĩa vụ quân sự của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng đã có kẻ xấu lợi dụng dịp này để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Mục đích của họ là phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là với quân đội.
Đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta có cơ sở lịch sử, chính trị, pháp lý minh bạch. Trước hết, đó là vì dân tộc ta phải thường xuyên chống lại các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy, không có một thế kỷ nào nhân dân ta không phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược.
Nhận thức đúng về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.
Ngay từ thời kỳ phong kiến, các triều đại trong lịch sử Việt Nam đã có chính sách “ngụ binh ư nông”(2). Chính sách này ra đời trong bối cảnh-một đất nước đất không rộng, người không đông, lại thường xuyên bị các thế lực nước ngoài xâm lược. Chính sách “ngụ binh ư nông” là sự kết hợp nhiệm vụ duy trì lực lượng quốc phòng với sản xuất, sẵn sàng chuyển hóa lực lượng quân sự từ sản xuất sang chiến đấu khi cần thiết và ngược lại, chuyển lực lượng chiến đấu về sản xuất trong thời bình.  
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... Ngày nay, những nguy cơ, thách thức cũ vẫn còn đó thì lại có thêm những nguy cơ, thách thức mới. Đó là bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và hạnh phúc của nhân dân. Gắn liền với nguy cơ, thách thức đó là phương thức chống phá của các thế lực thù địch-đó là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Về kỹ thuật, đó là việc các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội làm phương thức chống phá mới.
Ứng phó với tình hình đó, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta đã có những điểm mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền”… Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng ta là “tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh”; “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã công khai hóa chính sách quốc phòng của Nhà nước ta. Đó là: “Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ.
Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”.(3)
Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua là sự thể chế hóa Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” (Điều 15); “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 16).
Luật Nghĩa vụ quân sự quy định nghĩa vụ quân sự là “Nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân;… Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này” (Điều 4).
Luật Nghĩa vụ quân sự nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc-chế độ trong tình hình mới. Về mặt lý luận cũng như thực tế, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự không làm tăng quân số tuyệt đối, không nhằm chạy đua vũ trang… mà chỉ nhằm luân chuyển nhân lực từ dân sự sang quân sự và ngược lại (đó là những đợt ra quân theo định kỳ hằng năm).
Ý kiến “phản biện” rằng: “Thời bình sao phải tuyển nhiều lính như thời chiến?”; “Sao không tập trung vào phát triển kinh tế, chống tham nhũng?”, nếu không nói là một luận điệu chính trị xấu độc thì cũng thể hiện sự hiểu biết ấu trĩ về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nói chung, của Quân đội ta nói riêng trong thời bình.
Thực tế cho thấy, ngay trong thời chiến, Quân đội ta vẫn dành một lực lượng nhất định tham gia sản xuất (phục vụ quốc phòng và dân sinh)… Hiện nay, không ít đơn vị quân đội đang làm đồng thời cả hai nhiệm vụ-kinh tế và quốc phòng, như một số đơn vị quân đội làm kinh tế, tự đáp ứng một phần nhu cầu, giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Hoặc các bệnh viện quân đội vừa là một cơ sở y tế trong hệ thống y tế quốc gia, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ cứu chữa trong thời chiến. Trong thời bình, ở những bệnh viện này, không chỉ cán bộ, chiến sĩ quân đội được chữa trị mà còn có cả những bệnh nhân dân sự… nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt và có không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ-cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các thế lực thù địch thường lợi dụng những vấn đề kinh tế-xã hội khó khăn, như ô nhiễm môi trường, những sơ hở trong quản lý kinh tế-dịch vụ công… để kích động người dân chống lại chính quyền. Hành vi “bất tuân dân sự”-là kịch bản trong đó, những phần tử cầm đầu tập hợp lực lượng, tụ tập đông người, biểu tình gây rối… từng bước đi đến bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, chuyển hóa xã hội hiện hữu sang con đường tư bản chủ nghĩa, lệ thuộc vào ngoại bang. Vì vậy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng ngày càng quyết liệt. Trên mặt trận ấy, các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam lại là một trong những lực lượng tiên phong...
Mục tiêu của cách mạng Việt Nam ngày nay là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều kiện và tiền đề để thực hiện mục tiêu đó là giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định xã hội. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự là góp phần đưa dân tộc ta đi đến mục tiêu đó.
TS CAO ĐỨC THÁI (1)
(1) - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(2) - Là chính sách trong các triều đại: Nhà Đinh, Lê sơ, Lý, Trần.
(3) - Sách trắng quốc phòng (Việt Nam) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.