Ngăn chặn thông tin xấu độc ở đơn vị cơ sở

QĐND Online - Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng” do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức, bên cạnh tham luận và ý kiến của các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, còn có rất nhiều tham luận của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị cơ sở.

Báo QĐND Online trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ý kiến về giải pháp phòng, chống thông tin xấu độc của một số đại biểu nói trên.
Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”
Thượng tá Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1: 
Tăng cường giáo dục truyền thống
Để góp phần nâng cao hiệu quả việc phòng, chống các thông tin xấu độc từ bên ngoài xâm nhập vào đơn vị, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đối với đoàn viên thanh niên và sĩ quan trẻ, thì công tác giáo dục truyền thống càng trở nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Sư đoàn đặc biệt quan tâm.

Ở Sư đoàn 308, Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn và cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chính trị tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc và thực sự thấm nhuần lời căn dặn của Bác “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong giáo dục truyền thống, Sư đoàn đã thường xuyên đổi mới các hình thức, biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung với giáo dục riêng, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Cùng với đó, chúng tôi phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa trong đơn vị như: Thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống panô, áp phích, tranh ảnh…nhằm giáo dục trực quan cho bộ đội về truyền thống. Đồng thời, Sư đoàn còn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đi tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống.

Chúng tôi cũng đã tập trung giáo dục, xây dựng kỹ năng sống cho bộ đội, có các biện pháp hữu hiệu để phòng, chống các “Sản phẩm văn hóa độc hại” xâm nhập vào đơn vị; hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ cách tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa đích thực, có ý thức kỷ luật trong quá trình tiếp cận thông tin, chống phao tin, đồn nhảm, lưu truyền thông tin, luận điệu xuyên tạc chống phá của kẻ thù. Tập trung xây dựng nhân cách người quân nhân cách mạng theo các chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, từ đó tránh được nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị.

Do làm tốt công tác giáo dục truyền thống, những năm qua, Sư đoàn đã làm tốt việc khơi dậy lòng tự hào, tự tôn về truyền thống đơn vị, dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ, qua đó để tiếp tục củng cố trận địa tư tưởng; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của thông tin xấu độc vào đơn vị.
Trung úy QNCN Trần Thu Hương, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin Liên lạc:

                                                             Phát huy sức mạnh báo chí
Để chủ động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tung tin xấu độc của các thế lực thù địch, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, theo tôi, các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin giáo dục chính trị tư tưởng cho các đối tượng, thông tin lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời thông tin về Nghị quyết, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông tin về chính sách đối nội, đối ngoại, chủ quyền biển đảo, quan hệ Việt Nam với các nước. Thông tin chính xác, trung thực về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, các sự kiện quan trọng, vấn đề nhạy cảm một cách chủ động, nhanh chóng và chính xác. Thông tin về thành tựu của đất nước ta trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Thông tin nói cả những mặt tích cực và mặt hạn chế chưa làm được. Tận dụng không gian mạng để truyền bá quan điểm đúng đắn, thông tin trung thực, chính xác, phản bác thông tin xuyên tạc quan điểm sai trái.

Bên cạnh báo in, cần tăng cường vai trò của các báo điện tử để phổ biến rộng rãi các bài viết, tuyên truyền giáo dục, quảng bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tình hình mọi mặt công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet.

Chủ động phản bác thông tin xuyên tạc quan điểm sai trái, lập luận chặt chẽ sắc bén dựa vào thực tiễn, chứng cứ cụ thể, tăng sức thuyết phục các bài viết, tạo dư luận đúng đắn về các vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá và chủ động đưa các sản phẩm thông tin đa dạng, phong phú sinh động đến với các đối tượng trong nước và ngoài nước. Tuyên truyền quan điểm đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng ta, quảng bá hình ảnh Việt Nam và QĐND Việt Nam ra nước ngoài để thế giới và những người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về tình hình trong nước. Vô hiệu hóa thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch. 

Tôi kiến nghị thời gian tới, các cơ quan báo chí cần mở rộng chuyên mục đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” với dung lượng và tần xuất nhiều hơn; tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; phản bác những quan điểm sai trái, xấu độc trên mạng Internet cho lực lượng cộng tác viên của các cơ quan báo chí.

Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Kỷ, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Chính trị: 
                               Chủ động đấu tranh với các trang Facebook phản động


Hiện nay, nhiều trang Facebook phản động đang ra sức truyền bá những thông tin xấu độc. Tác hại của các thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội Facebook đến nay chưa thể định lượng hết được. Tuy nhiên, qua nghiên cứu điều tra xã hội học cho thấy, đại đa số người được hỏi đều khẳng định, những luồng thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận trong các tầng lớp nhân dân, làm suy giảm lòng tin vào cấp ủy đảng, chính quyền.

Đồng thời, qua khảo sát cũng cho thấy, có một thực tế rất đáng lo ngại là ý thức cảnh giác, tính tự giác đấu tranh, phê phán các thông tin, quan điểm sai trái của cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay rất hạn chế. Tình trạng bàng quan, thờ ơ, không có chính kiến đúng đắn trước các thông tin, quan điểm sai trái còn khá phổ biến, nhất là thông tin sai trái trên mạng internet và các trang mạng xã hội. Nhiều người vẫn cho rằng, việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc dường như chỉ là công việc của những cơ quan chuyên môn. Việc tham gia đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN chưa trở thành nhu cầu tự nhiên, tự thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Hai là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội Facebook.

Ba là, các ngành chức năng siết chặt công tác quản lý hoạt động các trang mạng xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong các đơn vị Quân đội.

Đối với các đơn vị Quân đội, cần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhân cách quân nhân theo các chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; chú trọng xây dựng nhân rộng điển hình tiên tiến; gắn việc thực hiện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Xây dựng đời sống văn hóa, các mối quan hệ ứng xử văn hóa lành mạnh trong đơn vị. Tổ chức tốt các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tinh thần, hoàn thiện các quy chế, duy trì tốt chế độ, nền nếp và thường xuyên đổi mới các hoạt động văn hóa tinh thần trong đơn vị. Quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sự thẩm thấu của các thông tin, văn hóa phẩm độc hại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa vào đơn vị.

NGUYỄN HỒNG-XUÂN PHÚC (lược thuật)

Đừng nhìn lịch sử và sự hy sinh qua lỗ đồng xu

QĐND - Tháng Bảy, cả nước nặng lòng tri ân những người đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế mà, đây đó trên internet vẫn xuất hiện những lời lẽ lạc lõng, những cách nhìn lộn ngược, nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu với các luận điệu không thể chấp nhận như: Cuộc kháng chiến chống Mỹ thực chất chỉ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, “nội chiến”, nếu khéo léo “tránh” chiến tranh thì đất nước đã hóa “Rồng”; phải xem lại hy sinh xương máu có xứng với hiện thực hôm nay…
Sự “cân đong đo đếm” đáng hổ thẹn
Trên một trang fanpage từ hải ngoại đã xuyên tạc lịch sử khi tung luận điệu cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ là cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” và những anh hùng, dũng sĩ, thương binh của chúng ta chỉ là những kẻ khát máu, “giết người mà được tặng huân chương”.
Chung dòng nước ngược ấy, họ tiếp tục tán dương các luận điệu cũ rích về cái gọi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cái gọi là “bên thắng cuộc”. Một nhà văn từng trải nghiệm chiến tranh nay lại “phản tỉnh”, cho sự hy sinh xương máu “của bên nào cũng như nhau”, không nên ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quá vì sẽ đau lòng các bà mẹ lính Việt Nam Cộng hòa. Họ còn trơ trẽn hô hào, kêu gọi lãnh đạo Đảng, Nhà nước hãy đến đặt hoa tưởng niệm tất cả những người chết vì chiến tranh thay vì chỉ viếng nghĩa trang liệt sĩ… Họ rêu rao: “Nếu vì một hậu chiến như thế này hôm nay, thì có đáng cho những hy sinh khủng khiếp như đã qua? Ta cũng phải từ hậu chiến mà nhìn lại chiến tranh”.
Đại tá Nguyễn Văn Huy, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 2 giao lưu cùng khán giả tại Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Sáng mãi tên Anh”. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Nhà văn Đông La, người từng có nhiều bài viết phản biện các quan điểm xét lại lịch sử đã gọi đó là “cái nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”. Còn Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người từng là lính quân lực Việt Nam Cộng hòa sau định cư tại Mỹ đã nhiều lần phản bác quan điểm “nội chiến”, “chiến tranh ủy nhiệm”. Theo ông, “đứng trên bình diện dân tộc thì cuộc chiến tranh Việt Nam có thể tóm gọn trong một câu: “Đó là cuộc tranh đấu giành độc lập và thống nhất cho nước nhà, theo truyền thống chống ngoại xâm trong suốt dòng lịch sử của Việt Nam, và đã thành công. Chấm hết!”. Ngay như ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.
Vậy thì, không có gì phải nghi ngờ về sự hy sinh xương máu để giành tự do, độc lập. Đó là dòng chảy tiếp nối của lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta, một lịch sử mà năm xưa, chính nhà văn nay lội ngược dòng đã từng viết: “Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình… Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu?”.
Biết ơn là lẽ sống
Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi nói về sự hy sinh của những liệt sĩ, thương binh. Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào”… “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Lê-nin từng để lại một luận điểm bất hủ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Tự bảo vệ thành quả cách mạng còn bao gồm bảo vệ, trân trọng cả sự hy sinh xương máu của những người cống hiến cho Tổ quốc. “Không thể chấp nhận thành “Rồng” nhưng làm nô lệ”-Đó cũng là điều Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định khi trò chuyện với các đồng đội cựu tù binh vào dịp 30-4 vừa qua. Chủ tịch nước nói: “Để đổi lấy độc lập, đổi lấy tự do thì hàng triệu người chúng ta đã phải nằm xuống trên mảnh đất này. Chúng ta phải nói điều đó để nhắc nhở chính bản thân chúng ta, nhắc nhở con cháu chúng ta không được quên một điều rằng, muốn giữ vững độc lập tự do phải đổi bằng xương máu. Nhắc như vậy cũng để cảnh cáo ai đó cũng là người Việt Nam nhưng nói rằng, việc gì mà phải kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không đánh đuổi đế quốc có khi đã trở thành rồng, thế tức là người đó muốn nói rằng, hãy cam tâm chịu nô lệ nhưng trở thành rồng lại hay hơn... Họ muốn “pha loãng” để rồi đổi trắng thay đen, chà đạp lên lịch sử dân tộc”.
Biết ơn những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc cũng là lẽ sống của mọi dân tộc trên thế giới. Còn nhớ trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít gần đây, Tổng thống Nga Pu-tin có phát biểu xúc động về sự hy sinh của tiền nhân: “Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự. Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta. Chúng ta nghiêng mình trước những người anh hùng hy sinh trong những trận chiến khốc liệt...”.
Cũng phải phân biệt rạch ròi giữa cái giá của sự hy sinh với hiện thực xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành, kiến tạo sự phát triển đất nước nhưng không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ vì những hạn chế, bất cập mà vội cho rằng, sự hy sinh là “vô nghĩa”. Ngược lại, cả nước đang dốc lòng, dốc sức thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa không ngừng chăm lo, cải thiện cuộc sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích lời anh Đặng Văn Quang, từng là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trên túi bom Quảng Trị chia sẻ trên mạng xã hội: “Ai đó đã từng viết: “Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tôi thiết nghĩ đây là một cách nhìn thiển cận, phiến diện. Nhân dân ta làm nên chiến thắng, nếu không có sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân thì có đâu ngày thống nhất đất nước hôm nay. Nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, trong hoàn cảnh hiện tại, trong chừng mực nào đó, tôi vẫn thấy những người làm nên kỳ tích anh hùng, đang có những thua thấm, thiệt thòi, mất mát hy sinh, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu, hậu quả của nó vẫn còn là gánh nặng. Đất nước đổi mới, chuyển mình, nhân dân chẳng những đã có cơm no áo ấm mà còn là cơm ngon áo đẹp. Những con đường, những cây cầu, những thành phố mới mọc lên… Thành quả đó được xây trên xương máu của bao người, trên sự mất mát đau thương không kể xiết của cả dân tộc. “Một tấc non sông, một dòng máu đỏ”. May mắn, hạnh phúc thay, chúng ta đang được sống trong hòa bình, những ai đã sống qua chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của nó. Hãy trân trọng giữ gìn môi trường hòa bình đã có hôm nay. Xin ai đó đừng lú lẫn, u mê tin lời xằng bậy để phỉ báng lịch sử, phủ nhận, phủi sạch sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân”.
NGUYỄN VĂN MINH

Sự thật bẽ bàng của cái gọi là đổi mới ‘triệt để’ tại Việt Nam

Thời gian gần đây, trong khi Đảng ta đang có nhiều hoạt động tiến tới Đại hội lần thứ XII, trên internet, các mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đảng, Nhà nước ta, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, công kích vào một số đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Họ nhắc lại luận điệu rằng, thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là “không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; rằng, một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến “độc tài, toàn trị”, rồi họ tiếp tục yêu sách chúng ta phải đổi mới chính trị triệt để, tức là phải thay đổi thể chế chính trị, phải chuyển “sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”. Bổ sung cho mệnh đề đó, họ cao giọng nhắc nhở Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải “xoay trục về với nhân dân, với dân tộc”.
Cần nhận nhức rõ rằng, không phải cho đến hôm nay vấn đề nêu trên mới được các thế lực thù địch đặt ra. Xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta là âm mưu cơ bản lâu dài mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện từ nhiều năm nay đối với Việt Nam.
Ngay từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới, họ đã lớn tiếng kêu gọi chúng ta phải đổi mới “triệt để”, tức là phải đổi mới theo hướng tư bản chủ nghĩa, có như thế thì mới khắc phục được tình trạng mà họ gọi là “đầu Ngô, mình Sở” giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa!
Khi sự nghiệp đổi mới đất nước thực hiện sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng, họ lại khuyên nhủ chúng ta phải đổi mới “triệt để hơn nữa”, phải nhanh chóng và triệt để chuyển sang thể chế chính trị tư sản, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Họ triệt để lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi pháp luật, lợi dụng cả việc Đảng ta đấu tranh chống tham nhũng và một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Họ còn đưa ra những thông tin vu cáo, hạ uy tín nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao hòng gây mất niềm tin trong nhân dân,
làm cho dân xa Đảng, mất đoàn kết nội bộ, kích động tâm lý xã hội. Có những cuốn sách, tờ báo, tờ rơi, “tâm thư”, “giác thư”, "thư ngỏ", “tuyên cáo”,... công khai nói rõ điều đó, với dụng ý hết sức xấu xa.
Rõ ràng, kịch bản hòng thay đổi thể chế chính trị nước ta được các thế lực thù địch thực hiện một cách rất bài bản, với những chiêu thức tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai, trắng trợn lại vừa ngụy trang che giấu kín đáo, thậm chí còn núp dưới cái vỏ bọc “vì dân, vì nước”, làm cho một số người nhẹ dạ cả tin dễ lầm tưởng, mất cảnh giác, không thấy được âm mưu thực sự của chúng. 
Ngón đòn gắn việc thay đổi thể chế chính trị với việc đòi hỏi Đảng phải “quay lại” về với nhân dân và dân tộc là rất khéo léo, tinh vi. Ngón đòn này thật sự nguy hiểm. Nó làm cho một số người trong chúng ta dễ lầm tưởng rằng, các thế lực thù địch hình như không đặt vấn đề xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng mà chỉ đơn giản là yêu cầu Đảng phải gắn bó hơn với nhân dân, với dân tộc.
Song, âm mưu thâm độc đó đã bị nhân dân ta lật tẩy. Mọi người Việt Nam đều biết, vai trò lịch sử của Đảng đối với vận mệnh và tương lai của dân tộc là tất yếu khách quan, do chính lịch sử dân tộc Việt Nam quy định và do chính bản chất cách mạng và tính tiền phong của Đảng mới có được.
Vai trò đó đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử Việt Nam suốt hơn tám thập kỷ qua không chỉ trên phương diện giữ nước, mà còn cả trên phương diện dựng nước, không ai có thể bác bỏ và phủ nhận.
Vấn đề căn bản “then chốt" của chế độ dân chủ nước ta hiện nay không phải là từ bỏ quyền duy nhất lãnh đạo của Đảng, mà là phải khẳng định, củng cố và tăng cường hơn nữa quyền duy nhất lãnh đạo ấy trong thực tiễn. Không thể vì những hạn chế, khuyết điểm nào đó mà nói bừa rằng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân không còn nữa; rằng Đảng đã thay đổi bản chất, không còn là của nhân dân, của dân tộc, để rồi kích động, hô hào nhân dân chống đối lại Đảng và chế độ!
Trong tình hình hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng ta cần nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng trong thực tiễn đổi mới đất nước và xây dựng Đảng được thể hiện tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI. Đó là “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”. (1)

(1) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo Nhân dân số ra ngày 13/1/2015, tr. 3.
Huy Hoàng

Trò lố những kẻ bấu ‘phao’ nhân quyền

Trước chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, những kẻ chống đối ở xứ cờ hoa đã lên kế hoạch gây cản trở bằng những hành động tiêu cực.
Cũng như thường lệ, trong “kế hoạch” chống phá này có nội dung đã được nhào nặn mang tính thường niên: lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, không bảo đảm tự do tôn giáo, tự do báo chí, lập hội…
Chúng muốn tác động, gây sức ép để chính quyền Hoa Kỳ tăng áp lực và các biện pháp trừng phạt dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền; các đối tượng hy vọng đây là rào cản ngăn trở quan hệ hai nước, ngăn trở thành công của chuyến thăm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, trước những kết quả tích cực của hội đàm, Tuyên bố chung và các văn kiện khác khẳng định thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, từng bước thu hẹp các khác biệt thì những kẻ chống phá rơi vào trạng thái hụt hẫng, thấy rõ ý đồ dựa vào “phao” nhân quyền, dân chủ đang bị lung lay mạnh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mấy ngày qua, trên nhiều trang mạng từ nước ngoài lại gia tăng các bài viết dưới mũ nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí, lập hội, cố tình lái kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư sang hướng khác và bóp méo sự thực.
Chúng ngụy biện những khác biệt về nhân quyền giữa hai nước là không thể thu hẹp, không thể đối thoại, tiếp tục đưa ra các viện dẫn sai sự thật về việc một số người bị bắt, giam giữ, chụp mũ cái gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, kèm những hình “minh họa” mà thực chất là được lắp ghép kiểu râu ông cắm cằm bà, lấy ảnh người bị tai nạn giao thông chỗ này ghép vào hình có cảnh sát tuần tra chỗ kia, rồi những vụ việc mà đối tượng bị xử lý vì phạm pháp lại được chú thích là bằng chứng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền…
Thực tế, nhìn lại chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, vấn đề dân chủ, nhân quyền được hai bên quan tâm và đã có những trao đổi thẳng thắn ở nhiều cấp độ. Tại cuộc nói chuyện ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước.
“Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước” – Tổng Bí thư chỉ rõ.
Theo Tổng Bí thư, người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và đang dần được luật hóa.
“Nhưng cũng cần phải thấy rằng quyền cá nhân phải đặt trong bối cảnh quyền lợi chung của cộng đồng, mỗi người có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền của người khác và của cộng đồng. Tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải quản lý đất nước bằng luật pháp, các vụ việc người bị bắt ở Việt Nam không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là họ vi phạm pháp luật” – Tổng Bí thư phân tích.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ cũng ghi rõ: Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.
Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.
Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản...
Hiện nay, trước những khác biệt trong vấn đề nhân quyền, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có đối thoại, nay đã nâng lên cấp Thứ trưởng, phối hợp cả phía quốc phòng và ngoại giao để hai bên hiểu nhau hơn. Trong các cuộc đối thoại, chúng ta cũng nói rõ cách nhìn nhận, lập trường của chúng ta về vấn đề nhân quyền. Hoa Kỳ muốn chúng ta thực hiện nhân quyền theo ý và kiểu của họ, nhưng Việt Nam khẳng định, mỗi nước, mỗi quốc gia có cách xử lý vấn đề nhân quyền theo truyền thống của mình, theo trình độ phát triển kinh tế, dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Việt Nam thực hiện cách thức dân chủ, nhân quyền theo đại đa số. Khác biệt này là khách quan và hai bên đang từng bước thu hẹp thông qua đối thoại. Trong thời gian tới, việc đối thoại tiếp tục được thực hiện và với những khác biệt cũng sẽ được thu hẹp từng bước, đồng thời không để những khác biệt làm cản trở quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Như vậy, vấn đề nhân quyền đã được hai nước quan tâm và trao đổi thẳng thắn, được ghi rõ trong Tuyên bố chung. Với kết quả đó, trên cơ sở đặt niềm tin Đối tác toàn diện thì dù còn những vấn đề cần giải quyết song thu hẹp khác biệt là điều dễ hiểu. Khi Việt – Mỹ đạt được những kết quả tích cực như vậy thì những kẻ chống đối lâu nay vẫn bấu víu vào chuyện dân chủ, nhân quyền lại cảm thấy hoang mang, lo lắng. Bị tuột “phao”, trò lố chống phá càng trở nên khôi hài…
Đăng Trường

Kiên trì thực hiện đường lối độc lập, tự chủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo

QĐND - Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, ở trong nước cũng như ngoài nước xuất hiện nhiều tư tưởng lo lắng, quan ngại. Trong khi đại đa số ý kiến ủng hộ phương thức đấu tranh hòa bình đúng đắn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, thì cũng có một số người lợi dụng tình hình ấy để bày tỏ “lòng trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước” rồi cho rằng: “Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”(!). Thực chất, đó là biểu hiện của mưu toan hướng lái Việt Nam chệch khỏi đường lối độc lập và tự chủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hòng “đục nước béo cò”, phục vụ cho những dã tâm nguy hiểm hơn của các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam.

Chủ quyền quốc gia dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đó là tình cảm tự nhiên, sâu thẳm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ bảo toàn lãnh thổ của Tổ quốc, cả hệ thống chính trị và toàn quân, toàn dân ta đang tích cực, chủ động và kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là đường lối đấu tranh hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt trong tình hình hiện nay. Đường lối này là sự kết tinh truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm giữ nước. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta đã cho thấy, khi nào Việt Nam kiên định đường lối độc lập và tự chủ thì cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc thắng lợi; trái lại, khi nào tinh thần độc lập và tự chủ không được phát huy đúng đắn, nhún nhường hay bị nước ngoài can thiệp, ép buộc thì nền độc lập của Tổ quốc bị đe dọa, đất nước bị xâm lược, thôn tính hay chia cắt lâu dài. Bài học đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX chỉ ra, nhân dân ta đã bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh với hai tư thế khác nhau. Nếu như trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân ta đã đánh thắng Pháp trên chiến trường, nhưng lại không thắng được hoàn toàn các mưu đồ thâm hiểm trên bàn đàm phán Giơ-ne-vơ (1954), bị các cường quốc áp đặt, chi phối, chia chác và hy sinh nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, buộc nhân dân ta phải mất thêm 21 năm nữa cho cuộc đấu tranh của mình. Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã kiên quyết giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình không chỉ trên chiến trường, trên bàn đàm phán mà cả trên mặt trận ngoại giao; tận dụng và huy động hết thảy sức mạnh của thời đại, sức mạnh của sự ủng hộ quốc tế, của nhân dân và chính phủ khắp các nước trên thế giới. Với tinh thần đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã kiên trì thực hiện thắng lợi một cách trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết giành cho được độc lập”, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.



 
Bảo vệ vững chắc cột mốc chủ quyền. Ảnh: qdnd.vn.



Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay đã chứng minh rằng, việc kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế… vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.

Các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua đều chỉ ra, một trong những nguyên nhân và “ngòi nổ” của nó là thiếu sự kiên định đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của chính phủ các nước đó. Mới đây, bài học về cuộc nội chiến ở Xy-ri, xung đột và tan vỡ đất nước của U-crai-na, I-rắc… chính là sự không nhất quán về đường lối độc lập và tự chủ trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Chính phủ và ngay cả một bộ phận nhân dân các nước đó đã luôn trông chờ hoặc nước này, hoặc thế lực kia đến “cứu giúp” dân tộc mình. Họ có biết đâu rằng, đằng sau những hành động và việc làm “vô tư”, “nhân đạo” đó là cả một “núi” những tham vọng về lợi ích chiến lược của các cường quốc; và hậu quả để lại cho nhân dân các nước đó là cảnh "nồi da nấu thịt”, chém giết lẫn nhau, tàn phá tan hoang chính quê hương, đất nước mình.

Những bài học lịch sử còn nóng hổi tính thời sự, được rút ra từ xương máu của nhân loại và nhân dân Việt Nam đã trở nên rõ ràng. Ấy vậy mà, vẫn có những giọng điệu, tư tưởng “ngóng trông”, “chờ đợi” và mạnh dạn “khuyên can chân thành” Chính phủ và nhân dân Việt Nam nên liên minh quân sự với nước này để kiềm chế hay chống đỡ đối với nước khác mới bảo vệ được nền độc lập của mình (!). Nhưng để có được liên minh quân sự đó, họ cũng nói rõ ngay cái giá mà Việt Nam phải trả đó là: “Cần thay đổi chính sách nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam”; “từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và quân đội”; “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội” (!) v.v..

Như vậy, động cơ và ý tứ “chân thành” của họ đã bộc lộ rõ “chân tướng”. Nếu ta làm theo họ, trước hết là đã từ bỏ những nguyên tắc căn bản nhất về quyền tự quyết dân tộc, tự quyết định đến vận mệnh của dân tộc mình-điều mà bất cứ một quốc gia, dân tộc, một người dân bình thường nào cũng không thể chấp nhận được. Tiếp đến, đó là chúng ta phải từ bỏ vũ khí sức mạnh chính trị, tinh thần đã hóa thành sức mạnh vật chất vĩ đại nhất của dân tộc ta trong suốt thế kỷ XX đến nay-vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Và nếu thực hiện theo ý họ, có nghĩa là chúng ta sẽ mắc mưu “đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau”. Thực chất, đó là hành động “cõng rắn cắn gà nhà” đã bị lịch sử dân tộc Việt Nam lên án. Hơn nữa, trong việc đấu tranh phản đối nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển của Việt Nam vừa qua, chúng ta đã hiểu rõ chính phủ, nhân dân nước nào đã thực tâm với nhân dân Việt Nam, hết lòng, hết sức ủng hộ Việt Nam; còn ai lợi dụng hoàn cảnh rối ren để “đục nước béo cò”, toan tính tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, làm phức tạp thêm tình hình đất nước, phá hoại sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta từ bên trong.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần hiểu đúng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp của quốc gia về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong đó, sức mạnh của lực lượng vũ trang là nòng cốt; phát huy sức mạnh nội lực là chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp quân sự với kinh tế, chính trị với ngoại giao. Sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trung thành, tận tụy, trong sạch của đội ngũ cán bộ, công chức và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Chỉ có kiên trì thực hiện đường lối và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta mới phát huy sức mạnh dân tộc, tranh thủ khai thác, phát huy sức mạnh thời đại cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

TS NGUYỄN VĂN QUANG