Không thể cổ xúy hành vi núp bóng tự do internet để miệt thị cá nhân, cộng đồng

Thứ Hai, 10/10/2022, 13:42

Sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây đã tăng thêm tiện ích để mọi người thể hiện quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là các phát ngôn lệch chuẩn, các thông tin giả, độc hại được lan truyền ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Điều đáng nói là một số hành vi sai trái trên mạng xã hội bị phát giác và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, song các thế lực thù địch cố ý vin vào để chống phá.

Luận điệu sai trái, xuyên tạc tự do ngôn luận trên mạng xã hội

Hồi tháng 3/2022, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói là dù việc khởi tố điều tra, tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng là thực hiện theo các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông, song một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách “bẻ lái, xoay chiều”. Một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông như RFA, RFI, VOA… đã đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, sai trái rồi quy chụp “Ở Việt Nam này luật pháp không tồn tại”, “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”… Số này đưa ra các bài viết tô vẽ, đánh bóng hình ảnh bị can Nguyễn Phương Hằng như một thần tượng, từ đó hướng lái dư luận rằng ở Việt Nam, hễ ai “cứ nổi tiếng trên mạng xã hội thì sẽ bị “diệt”!

Trước đó, sau khi phiên toà xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm kết thúc, trang BBC giật tít: “Vụ xử “Báo Sạch”: Việt Nam đừng nên coi truyền thông là kẻ thù”. Bài báo dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), ông Phil Robertson nói rằng “Việt Nam không nên coi truyền thông là kẻ thù của nhà nước, việc bỏ tù thêm nhiều nhà báo công dân sẽ không ngăn được người dân lên tiếng, hoặc yêu cầu cải cách ở Việt Nam”. Từ đó kêu gọi “Chính phủ nên công nhận các nhà báo công dân và truyền thông độc lập là đồng minh của công tác quản trị nhà nước tốt”!

Việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với những cá nhân vi phạm ít nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc xử phạt được thực hiện kịp thời để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Chẳng hạn, ngày 22/8/2022, Công an tỉnh Lâm Đồng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với H.N.M, chủ tài khoản TikTok H.M số tiền 10 triệu đồng do người này đăng clip miệt thị người miền Trung. Dư luận cho rằng, những lời lẽ H.N.M đưa ra là không có cơ sở nhưng đã gây hiệu ứng mạng nguy hiểm, nội dung trong video đã thể hiện sự phân biệt đối xử, kỳ thị vùng miền, tạo tâm lý đố kỵ, chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đi ngược với tinh thần xây dựng nếp sống văn hoá, đoàn kết toàn dân. Điều đáng nói là dù việc xử phạt đã được tiến hành công khai và đúng quy định pháp luật, người vi phạm cũng thừa nhận hành vi sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội nhưng một số kênh thông tin lại “bẻ lái”, cho rằng việc đăng clip như vậy “là cần thiết” và việc cơ quan chức năng xử phạt H.N.M là “bịt miệng người dân, trấn áp vô lý”!

Đặc biệt, đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá là một số cá nhân nổi tiếng có lượt người theo dõi, tương tác cao trên các nền tảng mạng xã hội. Khi những phát ngôn gây sốc, lệch chuẩn, những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận được cơ quan chức năng xử lý theo luật định, họ lại tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho những hành vi sai trái đó. Đồng thời, họ đưa ra luận điệu bóp méo, bôi đen bức tranh hiện thực về tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam, công kích cơ quan chức năng, phủ nhận hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng.

Mục đích của các thế lực thù địch là đánh tráo bản chất các sai phạm về tự do ngôn luận trên mạng xã hội, biến đối tượng vi phạm pháp luật từ có sai phạm thành không sai phạm. Họ thậm chí tán dương cho lối ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội. Thực chất của âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây phân tâm trong cộng đồng xã hội, tạo ra sự hoài nghi về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận; từ đó, phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trên không gian mạng; hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội không thể bất tuân pháp luật

Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng mạng xã hội để dàn dựng, xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, thất thiệt với ngôn ngữ, nội dung phản cảm, thô tục, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì phải chấn chỉnh, xử lý để răn đe người vi phạm và phòng ngừa chung.

Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có các biện pháp khuyến khích công dân ứng xử có văn minh trên mạng xã hội, bảo đảm cho tự do ngôn luận đi theo chiều hướng tích cực, có lợi, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Việc xây dựng các quy định luật pháp về tự do ngôn luận của mỗi quốc gia đều căn cứ truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, những điều kiện, bối cảnh lịch sử cụ thể… Như tại Singapore, luật pháp quy định phạt đến 100.000 đôla Singapore hoặc phạt tù tới 3 năm với hành vi nói xấu, phỉ báng, vu khống trong sinh hoạt hằng ngày và trên mạng xã hội; nếu bị phát hiện đưa tin giả lên mạng xã hội, khi nhà chức trách yêu cầu cải chính mà không chấp hành, có thể sẽ bị phạt đến 20.000 đôla Singapore hoặc 12 tháng tù. Luật pháp nước này nghiêm cấm các hành vi đi ngược lợi ích và ổn định cộng đồng, làm tổn hại an ninh và an toàn cộng đồng, làm tổn hại sức khỏe, kích động sự hận thù giữa các nhóm xã hội, suy giảm niềm tin vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, làm tổn hại quan hệ giữa Singapore với các quốc gia khác

Ngay như ở một số nước tư bản phát triển, quyền tự do ngôn luận không thể bất tuân pháp luật. Như ở Mỹ, Tối cao pháp viện nước này đã khẳng định, tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện vu khống, phỉ báng cá nhân; giới hạn về tự do ngôn luận thể hiện qua án lệ của tòa án, cho phép chính quyền có quyền ngăn chặn, trừng phạt phát ngôn có tính khiêu dâm, phỉ báng, tục tĩu, xúc phạm, gây hấn. Ở Pháp, pháp luật cũng quy định những giới hạn, có các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, đồng thời chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù. Bộ luật Dân sự của Pháp cấm xâm phạm đời tư cá nhân; Luật Hình sự nước này cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia; Luật Tự do báo chí điều chỉnh hành vi tổ chức, cá nhân trên mạng internet. Ở Anh ban hành “Quy tắc hành nghề cho các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến” hay ở Australia cũng ra “Bộ Quy tắc ứng xử trên truyền thông xã hội và bình luận trực tuyến”, điều này cho phép các quốc gia này kiểm soát vấn đề ngôn luận trên nền tảng mạng xã hội, truyền thông.

 Không chỉ mỗi quốc gia riêng biệt, Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google, TikTok; cam kết bảo đảm các công ty, tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng, đánh dấu và gỡ bỏ các phát ngôn thù địch cùng nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng của họ. Việc các nền tảng mạng xã hội chủ động tuân theo bộ quy tắc xuất phát từ việc EU sẽ trực tiếp giám sát hoạt động này. Báo cáo mới nhất của EU đánh giá kết quả thực thi của Bộ Quy tắc năm 2020 đã ghi nhận 71% nội dung xác nhận là phát ngôn thù địch bất hợp pháp đã bị gỡ bỏ, tăng so với con số 26% của năm 2016.

Tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản của con người, tuy nhiên quyền này không thể đặt ngoài khuôn khổ pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 chỉ rõ: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 xác định mọi người đều có quyền tự do quan niệm, tự do phát biểu quan điểm, tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức, ý kiến bằng phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. Đồng thời, Điều 29 Tuyên ngôn cũng bắt buộc mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng quyền của người khác, đáp ứng các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

Theo đó, luật pháp quốc tế khẳng định quyền tự do ngôn luận không phải là tự do vô hạn, bất tuân pháp luật; trong một số trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh, ở các quốc gia tự do ngôn luận bị giới hạn. Từ thực tế trên cho thấy, không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối trong bất cứ chế độ chính trị nào, các quốc gia đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung; những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận mà gây hại đến tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc đều bị xử lý.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội có những ứng xử phù hợp.

Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, góp phần thúc đẩy, bảo đảm tự do ngôn luận của các tổ chức, cá nhân, điều cần thiết là mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, nêu cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên mạng xã hội, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác các âm mưu, thủ đoạn sai trái về tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Chu Xuân Đại Thắng 

Bảo vệ không gian mạng - yêu cầu cấp thiết

Thứ hai, 10/10/2022 - 06:11

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các nước.

Ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng triệt để không gian mạng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân. Vì vậy, nâng cao nhận thức trách nhiệm về xây dựng và bảo vệ không gian mạng là hết sức quan trọng và cấp thiết...

Lợi ích và các thách thức

Không gian mạng đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, tổ chức và cá nhân. Cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, các công nghệ mạng 4G, 5G, các trang mạng xã hội, các thiết bị IoT, dịch vụ điện toán đám mây... không gian mạng đang làm cho con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động, tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã biến không gian mạng trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi địa lý, ngôn ngữ, không gian và thời gian.

Lợi ích của không gian mạng còn được biết đến là nền tảng số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, không gian mạng là nơi diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường số; các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng. Khi đó, không gian mạng thật sự trở thành không gian với nguồn tài nguyên số vô tận, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là con người.

Bảo vệ không gian mạng - yêu cầu cấp thiết
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Cùng với những lợi ích to lớn, không gian mạng đang tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an ninh con người và trật tự an toàn xã hội. Đó là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và hàng loạt nguy cơ khác. Nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí mật Nhà nước sẽ bị lộ lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động.

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng môi trường mạng xã hội để xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng; lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối; tán phát tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, không gian mạng còn bị lợi dụng gây nên những thiệt hại về tài sản, tinh thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Không ít vụ lừa đảo qua mạng, những người đăng tải lời nhận xét, bình luận, chia sẻ, thậm chí tự dựng lên những câu chuyện, clip sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân.

Không những thế, không gian mạng đang trở thành và là môi trường trong một hình thái tác chiến mới, đó là tác chiến không gian mạng. Nó đang tạo ra các nguy cơ về chiến tranh không khói súng, không chiến tuyến, không biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia với sự tham gia của mọi đối tượng trên môi trường mạng bao gồm: Các nhóm tin tặc được nhà nước tài trợ; các nhóm tin tặc chuyên nghiệp, phi chính phủ; các nhóm Script Kiddies (hacker nghiệp dư)...

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (trong tham luận tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng Việt Nam-Vietnam Security Summit 2022 diễn ra ngày 23-6-2022): Tội phạm mạng có xu hướng sử dụng các công nghệ mới, hiện đại, nhiều tính năng phức tạp khiến cho việc phát hiện và xử lý hậu quả của những cuộc tấn công trở nên phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn. Những cuộc tấn công mã độc kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo hoặc sử dụng công nghệ giả lập hành vi của người dùng, để tấn công vào các hạ tầng trọng yếu, các chuỗi cung ứng, nhà máy... đang đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xác định rõ trách nhiệm

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18-10-2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị...

Xây dựng và bảo vệ môi trường không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo ra một xã hội ảo trên internet lành mạnh, an toàn, bền vững, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Để nâng cao hiểu biết trách nhiệm về xây dựng và bảo vệ không gian mạng, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Bộ luật Hình sự (năm 2015) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.

Lên án các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Đấu tranh với các biểu hiện, hành động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi... Các cơ sở giáo dục sớm đưa nội dung giáo dục bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học.

Hoạt động tấn công mạng rất đa dạng và tinh vi, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch. Hiện nay, chúng đang có âm mưu tấn công đánh sập các website của Chính phủ, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các website nhằm lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân; tấn công bằng mã độc; tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại;... Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng blog cá nhân để lôi kéo, kích động những phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng...

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ không gian mạng. Nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ không gian mạng quốc gia. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng và các hành vi xâm phạm khác, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Mỗi cá nhân cần nghiên cứu và sử dụng tốt các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin như bảo vệ tài khoản cá nhân bằng xác thực mật khẩu 2 lớp; tạo thói quen quét virus trước khi mở file; thực hiện sao lưu dự phòng với các dữ liệu quan trọng;... Người dùng cần cảnh giác với những trang web lạ, những email chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi ngờ; cập nhật bản trình duyệt, hệ điều hành và các chương trình sử dụng; dùng những phần mềm diệt virus uy tín và được cập nhật thường xuyên, không tắt chương trình diệt virus trong mọi thời điểm.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên trách an ninh mạng cung cấp đầy đủ thông tin về xu hướng phát triển, những nguy cơ từ không gian mạng; các biện pháp phòng, chống tấn công trên không gian mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tăng cường cảnh báo khả năng mất an ninh mạng do đơn vị mình cung cấp và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xây dựng các phương án xử lý với sự cố an ninh mạng; phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng.

Trung tá PHAN TẤN TOÀN, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn 2, Bộ tư lệnh 86

Phai nhạt lý tưởng cách mạng - con đường dẫn đến “tự triệt tiêu mình”

Thứ năm, 06/10/2022 - 07:33

Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt của người cộng sản, là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Những người đảng viên cộng sản chúng ta rất tự hào được sống, chiến đấu, phấn đấu cho lý tưởng cao cả đó. Tuy nhiên, những năm gần đây, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, một bộ phận đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra.

 “Ngọn đuốc soi đường” cho những người cộng sản 

Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), ông Nguyễn Tiến Hà, 90 tuổi, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò xúc động kể lại: “Thường ngày từ sáng sớm, các đồng chí bị địch dẫn đi hành quyết. Trong giây phút ngắn ngủi còn lại của cuộc đời, chuẩn bị bước lên máy chém nhưng các chiến sĩ vẫn rất kiên cường, hô to: “Thực dân Pháp đưa chúng tôi ra pháp trường đây. Các đồng chí ở lại mạnh khỏe, chiến đấu bảo vệ quê hương. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập, thống nhất muôn năm!”. Lúc đó, trong nhà tù bừng bừng khí thế chiến đấu, hô vang những khẩu hiệu: “Phản đối thực dân Pháp”, “Phản đối án tử hình”...

Hẳn ai nghe lời kể của cựu tù chính trị Nguyễn Tiến Hà đều thấy khí phách ngời sáng, kiên trung của hàng vạn chiến sĩ cách mạng trong các ngục tù của thực dân, đế quốc. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, chấp nhận cái chết một cách thanh thản vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng, của dân tộc.

Phai nhạt lý tưởng cách mạng - con đường dẫn đến “tự triệt tiêu mình”
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Nói đến lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt của người cộng sản, là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thế hệ cán bộ, đảng viên đã không quản ngại hy sinh gian khổ, quyết chiến và quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khi đất nước nằm trong ách nô lệ của thực dân, đế quốc, ai đi theo Đảng, theo cách mạng cũng nhận thấy đó là con đường gian khổ, phải chấp nhận hy sinh, phải quên mình vì đất nước, vì dân tộc. Trong cuộc sống, không ai muốn tước bỏ mạng sống của mình. Chỉ có lý tưởng cách mạng, vì nước, vì dân, người chiến sĩ cộng sản mới chịu mọi cực hình tra tấn của kẻ thù cho đến hơi thở cuối cùng. Chỉ có lý tưởng chiến đấu cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc mới khiến biết bao chiến sĩ Thủ đô ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; chiến sĩ Tô Vĩnh Diện mới lấy thân mình chèn cứu pháo; chiến sĩ Bế Văn Đàn mới lấy thân mình làm giá súng; chiến sĩ Phan Đình Giót mới lấy thân mình lấp lỗ châu mai... và cả hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lặng lẽ làm nhiệm vụ trên những con tàu không số luôn sẵn sàng xả thân trước mọi hiểm nguy giữa trùng khơi biển cả. Giữa cái sống và cái chết trong tích tắc nhưng các anh vẫn không hề nao núng và không bao giờ tính toán đến lợi ích, hưởng thụ cho bản thân. Tất cả cho mục tiêu chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược! Tất cả dâng hiến cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Có thể nói rằng, Đảng ta vĩ đại, Đảng ta phát triển không ngừng lớn mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện như ngày nay là do có đội ngũ đảng viên kiên trung, gương mẫu. Lớp lớp thế hệ đảng viên luôn thấm nhuần lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, trong mọi lĩnh vực đều thể hiện rõ bản chất cách mạng, tinh thần tiên phong, xông pha, xả thân vì nghĩa lớn, đồng thời cũng thể hiện rõ vai trò “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Bác Hồ đã dạy. Đối với những đảng viên chân chính, trong chiến đấu thì dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân; trong xây dựng đất nước thì tận tâm, tận lực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phẩm chất, tinh thần cao đẹp đó của đội ngũ đảng viên đã và đang tỏa sáng trong xã hội, được nhân dân trân trọng, tin yêu, học tập và noi theo.

Xa rời lý tưởng cách mạng - con đường dẫn tới sự tha hóa, biến chất

Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ tiên phong của hàng triệu cán bộ, đảng viên đó cũng còn không ít cán bộ, đảng viên đã và đang phai nhạt lý tưởng cách mạng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra: Phai nhạt lý tưởng cách mạng là biểu hiện đầu tiên của tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị. Phai nhạt về lý tưởng cách mạng thường diễn ra hai khuynh hướng chủ yếu.

Thứ nhất, mơ hồ về nhận thức, lập trường ngả nghiêng, ngộ nhận về quan điểm giai cấp, hùa theo quan điểm chống đối của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, cho rằng đất nước cần phải đa nguyên, đa đảng. Thực tiễn cho thấy, có những cán bộ, đảng viên từng vào sống ra chết trong trận mạc, gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng sau này do không làm chủ được bản thân nên đã bị lôi kéo, kích động bởi các luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động, để rồi quay lại phản bội mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Cũng có cán bộ khi đất nước có chiến tranh vẫn được Đảng, Nhà nước lựa chọn ưu tiên đi đào tạo ở nhiều trường trong nước và nước ngoài để phục vụ Tổ quốc, nhân dân sau khi đất nước hòa bình, nhưng khi có học hàm, học vị cao lại đưa ra quan điểm, lập luận xa lạ với quan điểm chính trị cũng như mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Họ gieo rắc quan điểm cá nhân, tô hồng chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập. Họ hùa theo những phần tử cơ hội, chống đối, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hòng làm cho đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, do chủ nghĩa cá nhân chi phối, vì lợi ích vật chất tầm thường mà bất chấp lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng, làm thiệt hại tài sản lớn cho đất nước, vi phạm pháp luật, làm ô uế thanh danh người cán bộ, đảng viên của Đảng. Theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, 10 năm qua (2012-2022), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Đáng nói là có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử theo Bộ luật Hình sự.

Suy cho cùng, số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý về tội tham nhũng có căn nguyên từ việc họ bị thẩm thấu tư tưởng đặc quyền, đặc lợi của chủ nghĩa phong kiến, luôn muốn bản thân an nhàn mà lại được đãi ngộ, hưởng thụ cao. Khi có vị trí, có điều kiện quyền lực, bên cạnh bị vật chất, đồng tiền cám dỗ thì họ lu mờ về chính trị, sa ngã vào chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, từ đó xa rời lợi ích tập thể, lợi ích của nhân dân, của đất nước... Đó là con đường dẫn họ tới xa rời, phai nhạt lý tưởng cách mạng, đồng nghĩa với “tự triệt tiêu mình”.

Trọn đời giữ gìn điều thiêng liêng, cao quý nhất

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không có lý tưởng cách mạng làm hành trang, người cán bộ, đảng viên mất đi tính tiền phong, gương mẫu, không làm tròn vai trò dẫn dắt phong trào cách mạng và lãnh đạo nhân dân. Theo Người, Đảng cần phải có những đảng viên kiên trung với lý tưởng, đường lối của Đảng: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc”, nếu “kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”. Cán bộ, đảng viên muốn lãnh đạo vững thì trước hết phải có tư tưởng, lập trường vững chắc. Bác khẳng định: “Nếu chỉ có công tác thực tế mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên tốt”.

Trong buổi lễ kết nạp Đảng, trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đảng viên mới đều dõng dạc tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi được phân công, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân!”. Lời thề đó là thiêng liêng, là danh dự cao nhất, rất cần thiết đối với người đảng viên cộng sản.

Để lý tưởng cách mạng luôn là linh hồn sống, là ngọn đuốc soi đường cho cán bộ, đảng viên, giải pháp quan trọng hàng đầu là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện nâng cao nhận thức về Đảng cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hành động thực tiễn cho đảng viên trẻ, đảng viên mới kết nạp, chủ động đưa họ vào những nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện, thử thách, qua đó xây dựng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực thực tiễn.

Chú trọng xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy các cấp là việc làm rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi tổ chức đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác. Quy chế làm việc của mỗi cấp ủy là cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nguyên tắc, chế độ quy định, hoạt động của mỗi tổ chức đảng. Trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy (thường vụ) và từng cấp ủy viên, cũng như quy định các mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với các tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội. Những điều khoản quy định trong quy chế buộc tất cả thành viên trong cấp ủy phải chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong mọi lĩnh vực công tác. Nếu các cấp ủy đảng luôn siết chặt hoạt động lãnh đạo thông qua quy chế về các lĩnh vực nhạy cảm như kinh tế, tài chính, nhân sự... thì không một cá nhân nào có thể dễ dàng lộng hành, thao túng. Giữ vững nguyên tắc Đảng cũng là một cách góp phần bảo đảm cho cán bộ, đảng viên luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Trong tình hình hiện nay, cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận, mục tiêu, lý tưởng của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; cùng với đó là nghiêm túc thực hiện kỷ luật Đảng, nhất là thực hiện Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đó là con đường làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh từ cơ sở. Đó cũng là con đường cơ bản để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng, gìn giữ phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn lấy lý tưởng cách mạng là linh hồn sống, là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên một lòng một dạ trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng là điều kiện tiên quyết giúp họ có cơ hội học tập, công tác tốt, tích cực cống hiến và trưởng thành, xứng danh là người chiến sĩ tiên phong ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Đại tá VŨ VIẾT XÔnguyên Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 2

Phê phán những luận điệu phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ hai, 03/10/2022 - 06:17

Một trong những âm mưu của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam là đưa ra những quan điểm sai trái nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Vì thế, việc nhận diện kịp thời và phê phán có cơ sở khoa học, chỉ rõ mục đích chính trị phản động của các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là việc làm cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Không ngộ nhận, thờ ơ trước những quan điểm sai trái, phản động

Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, phản động cấu kết với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đưa ra đủ thứ quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Luận điệu chúng thường rêu rao là “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm lịch sử”, là ‘ảo tưởng”, là “thiên đường bánh vẽ”. Chúng cho rằng, nếu lấy mốc thời gian tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời thì đến nay, đã gần 200 năm mà CNXH không trở thành hiện thực, bị sụp đổ ngay ở nước Nga-quê hương của V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười. Một khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu không còn tồn tại thì ở Việt Nam cũng sẽ bị sụp đổ.

Phê phán những luận điệu phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Ðảng ta luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về tương lai của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn 

Một câu hỏi chúng tự đặt ra: “Việt Nam quá độ đi đâu?”, rồi lại tự lèo lái dư luận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; đi lên CNXH phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, chặng đường, có sự đấu tranh giữa “cái cũ và cái mới”, thế nên Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không bao giờ vượt qua được các chặng đường quá độ gian khổ đó và không thể đi đến cái đích của CNXH .

Sau khi Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, đó chỉ là một thứ “mị dân”. Theo lập luận của chúng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có vai trò lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, không đủ khả năng lãnh đạo trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), vì “những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới là do các nước tư bản đầu tư vào, chứ không phải do năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Dưới chiêu trò “bình mới rượu cũ”, các luận điệu nêu trên chủ yếu dựa vào một số lý thuyết chống cộng, chủ nghĩa duy vật máy móc, lý thuyết “hội tụ”, lý thuyết “xã hội hậu công nghiệp”, lý thuyết các nền văn minh... nhằm biện minh cho sự tồn tại của chế độ TBCN, phủ nhận tính khách quan của thời kỳ quá độ đi lên CNXH trong thời đại ngày nay. Không dừng lại ở đó, một số luận điệu còn tinh vi đánh tráo khái niệm, lấy hiện tượng để đánh đồng với bản chất, triệt để lợi dụng sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu (trước đây) để lớn tiếng tuyên truyền “CNXH chỉ là ảo tưởng”; trong khi lại cố tình khuếch trương, thổi phồng những thành quả của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại, mà không thấy rõ bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản và những bất công chưa thể giải quyết tận gốc trong lòng xã hội tư bản hiện nay.

Mục đích chính trị phản động của các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nhằm gây hoang mang, mất niềm tin, ru ngủ tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân; sâu xa hơn, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận khả năng thắng lợi của con đường quá độ bỏ qua chế độ TBCN đi lên CNXH ở Việt Nam, từng bước chuyển hóa Việt Nam theo quỹ đạo của CNTB.

Việt Nam đi theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử

Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã khẳng định một chân lý: Đi theo con đường cách mạng XHCN và đi lên CNXH là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, phù hợp với khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận giải khoa học về sự thay thế của những hình thái KT-XH từ thấp đến cao là quá trình lịch sử-tự nhiên, là do vận động của những quy luật KT-XH khách quan. Với quan điểm duy vật biện chứng khoa học, các nhà kinh điển Mác-xít đã chỉ ra hình thái KT-XH cộng sản chủ nghĩa tất yếu ra đời và thay thế hình thái KT-XH TBCN. Nó phải trải qua “một thời kỳ và hai giai đoạn”, đó là thời kỳ quá độ, giai đoạn đầu là CNXH, giai đoạn cao là cộng sản chủ nghĩa. Hình thái KT-XH cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển cao hơn và khác về chất so với hình thái KT-XH TBCN nên phải trải qua quá trình cải biến cách mạng lâu dài; không bao giờ tự phát hình thành mà thông qua vận động của các quy luật về KT-XH, con đường đấu tranh cách mạng để xóa bỏ áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản và xây dựng xã hội mới. Hệ thống lý luận cơ bản đó của Chủ nghĩa Mác-Lênin là cách mạng, khoa học, được vận dụng thành công ở nước Nga từ năm 1917. CNXH từ lý luận trở thành hiện thực, từ một nước phát triển thành hệ thống chính trị thế giới đối lập với hệ thống TBCN trong hơn 7 thập niên.

Về thực tiễn, CNXH hiện thực ra đời đã thể hiện tính ưu việt hơn CNTB. Công cuộc xây dựng CNXH ở nước Nga, sau đó là Liên Xô có thời gian chưa dài, nhưng đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới; sản lượng điện đạt 440 tỷ kWh (gấp hơn 300 lần so với năm 1913; bằng 4 nước lớn là Anh, Pháp, Đức, Italy cộng lại); dầu mỏ đạt 353 triệu tấn, than 624 triệu tấn, thép 121 triệu tấn (vượt sản lượng của Mỹ). Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, CNXH ra đời ở Liên Xô và nhiều nước XHCN tuy chưa hoàn thiện nhưng đã phát triển lớn mạnh về nhiều mặt, khác hẳn về chất so với CNTB.

Điều đó cho thấy, CNXH là một hiện thực, hoàn toàn không phải là “giấc mơ”, cũng chẳng phải là “ảo tưởng về một thiên đường” như các thế lực thù địch rêu rao! Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu (trước đây) chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chứ không phải do Chủ nghĩa Mác-Lênin hay lý tưởng về CNXH đã lỗi thời, lạc hậu.

Mặc dù CNTB đạt được những thành tựu to lớn nhưng chủ yếu đem lại lợi ích cho giai cấp tư sản mà không vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Những mâu thuẫn nội tại và đối kháng trong xã hội TBCN chỉ giải quyết bằng con đường tất yếu là cách mạng XHCN. Trong bối cảnh hiện nay, CNTB đã có những thích nghi, phát triển nhất định nhờ tận dụng được những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Các nước XHCN đang ở giai đoạn khó khăn tạm thời, song theo quy luật phát triển khách quan của lịch sử, CNTB sẽ bị xóa bỏ, chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là CNXH ưu việt hơn sẽ ra đời, tồn tại và phát triển.

Đối với cách mạng Việt Nam, những năm nửa đầu thế kỷ 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có 30 năm bôn ba ở nước ngoài, đến các nước tư bản phát triển, đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược và đô hộ của chủ nghĩa thực dân và phong kiến. Người khẳng định, muốn giành lại được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ XHCN. Từ năm 1930, “Chánh cương vắn tắt” của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua đã xác định rõ đường lối của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Năm 1991, Đảng đã ban hành “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”, trong đó chỉ ra 6 đặc trưng cơ bản của chế độ XHCN ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã phát triển sáng tạo thành 8 đặc trưng của CNXH ở Việt Nam, trong đó đặc trưng bao trùm là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hơn 90 năm được rèn giũa, tôi luyện, thử thách trong thực tiễn cách mạng sôi động, phong phú, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị, có trí tuệ, có khả năng lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc lớn trong thế kỷ 20, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu (trước đây) bị khủng hoảng, sụp đổ thì Đảng ta vẫn kiên định con đường đi lên CNXH, kiên trì đường lối đổi mới, giữ vững nguyên tắc “đổi mới nhưng không đổi màu”. Trải qua gần 40 năm tiến hành đổi mới, Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta đã đạt được thành tựu rất to lớn, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đánh giá khái quát: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay... Tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(1).

Trong những chặng đường tới, Đảng ta đã có dự báo khoa học về 4 nguy cơ, những thách thức không nhỏ từ bên ngoài và ở trong nước đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với phương châm vượt qua thách thức, tận dụng những cơ hội, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để thúc đẩy công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn, Đảng ta đặt ra mốc: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN”(2) là hoàn toàn có cơ sở khoa học đúng đắn và có tính khả thi.  

Với trí tuệ, khả năng và kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng, được sự ủng hộ của nhân dân thì việc kiên định lựa chọn con đường đi lên CNXH cũng không ngoài mục đích nhân văn cao đẹp là tiếp nối truyền thống, xứng đáng với các thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đồng thời đáp ứng lòng mong đợi và phù hợp với khát vọng, mong muốn của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

 Đại tá, PGS, TS LƯU NGỌC KHẢI (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị)


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.25-tr.26.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.35-tr.36.

Nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước

Thứ Hai, 03/10/2022, 09:10

Tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, luôn thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Do đó, cùng với vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động chống phá Đảng và chế độ ta.

Các thế lực thù địch âm mưu biến tôn giáo thành “ngòi nổ” gây mất ổn định chính trị - xã hội hoặc thông qua vỏ bọc tôn giáo để tuyên truyền luận điệu xuyên tạc kích động, phá hoại tư tưởng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiêu bài tôn giáo là một phần của chiến lược “diễn biến hoà bình” mà các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam thường sử dụng nhằm kích động xu hướng chia rẽ, ly khai, từ đó phát triển thành các cuộc tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, tạo sự bất ổn định về chính trị - xã hội, ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển toàn diện của xã hội. Đây cũng là cái cớ để họ công khai can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đáng chú ý, trong giai đoạn hiện nay, ngoài những hoạt động chống phá mang tính quy luật thì một trong những thủ đoạn mà số đối tượng chống đối cực đoan ở trong và ngoài nước thường tiến hành là tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số nhằm kích động tư tưởng ly khai, tự trị tại các địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng. 

Thực tế cho thấy, tại các khu vực trọng yếu của đất nước như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các thế lực chống phá cực đoan ở trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề dân tộc gắn với vấn đề tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, xúi giục người dân di cư tự do, biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định chính trị nhằm tạo cớ can thiệp, phá hoại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Nổi lên thời gian qua là các vụ việc trọng điểm xảy ra trên địa bàn Tây Bắc, trong đó tập trung ở các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu… Dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối trong nước ráo riết thực hiện mưu đồ lập ra tôn giáo riêng ở đồng bào dân tộc như lập ra “đạo Vàng Chứ” để qua đó lôi kéo, tập hợp lực lượng thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”. Ở một số địa phương, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, các phần tử xấu còn lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo như Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hội thánh Đức Chúa trời, Sề Chu Hà Ly Cha và một số hiện tượng tôn giáo liên quan đến tục lễ thờ cúng các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng để tiến hành các hoạt động gây rối an ninh, trật tự. Thực tế, Giê Sùa, Bà Cô Dợ đều là tà đạo lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát triển lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Thời gian qua, các đối tượng triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tại Việt Nam tham gia tà đạo nhằm kích động lập “Nhà nước Mông” với các luận điệu như: Đức Chúa trời Giê Hô Va đã chia đất cho người Mông nhưng người Mông không đoàn kết, nên đất đai đã bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác…

Những vấn đề nêu trên đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, tạo thành những điểm nóng tôn giáo.

Hay như ở vùng Tây Nguyên trước đây, các đối tượng chống đối, cực đoan trong dân tộc cũng từng đòi thành lập đạo Tin lành Đề ga của đồng bào dân tộc bản địa để mưu đồ lập ra cái gọi là Nhà nước Đề ga độc lập. Tương tự ở Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng cũng dựng nên cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm” với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh quốc gia, đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện những mặt hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội như vấn đề đầu tư, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… Triệt để lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối cực đoan trong tôn giáo tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ, thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành chức năng có liên quan. Từ đó tạo tâm lý tiêu cực, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với các cấp uỷ đảng, chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cao hơn nữa có thể kích động quần chúng tín đồ tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chế độ. Không những vậy, một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo còn lợi dụng tình hình thiên tai hay đại dịch COVID-19 để tuyên truyền xuyên tạc, tạo “chiến tranh tâm lý”, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi trong nhân dân, nhất là việc xuyên tạc chất lượng của vaccine phòng COVID-19; xuyên tạc chính sách phòng, chống COVID-19 của Nhà nước ta; bôi nhọ các lực lượng thực thi pháp luật, hỗ trợ nhân dân chống dịch bệnh; thổi phồng những mất mát, tổn thất do dịch bệnh gây ra, quy nguyên nhân dịch bệnh do “chính quyền thờ ơ, vô cảm”, “đường lối của Đảng sai lầm”!

Mới đây, sau khi một số trang báo điện tử đưa tin về việc Mỹ tiêu hủy gần 400 triệu liều vaccine COVID-19 do vấn đề chất lượng, các đối tượng lập tức “đánh bùn sang ao”, cố tình bẻ lái sang vấn đề tiêm vaccine ở Việt Nam với luận điệu hết sức hoang đường khi ám chỉ Nhà nước ta không coi trọng sức khỏe và tính mạng của người dân, o ép người dân tiêm vaccine. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh việc tiêm vaccine ở Việt Nam thời gian qua đã đem lại những tín hiệu tích cực, được nhân dân ủng hộ cao, qua đó đã tạo “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất để chúng ta và nhân loại đẩy lùi dịch bệnh.

Rõ ràng, qua phân tích những vấn đề nêu trên cho thấy, chiêu bài tôn giáo được các thế lực thù địch và số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, là vấn đề mang tính quy luật. Hiện nay, thủ đoạn lợi dụng chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy bởi vỏ bọc tôn giáo nên người dân khó phát hiện. Tính chất nguy hiểm ngày càng cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của đồng bào theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, có thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật.

Do đó, mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hãy luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của kẻ địch. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, đẩy lùi việc lợi dụng vấn đề chính trị để chống phá ra khỏi đời sống tôn giáo, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo trở nên thuần khiết, tốt đẹp như bản chất vốn có. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo đúng nghĩa và hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ giáo lý, giáo luật, tuân thủ luật pháp, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Vũ Tiến Lợi

Bài 4: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để phòng ngừa tham nhũng chính sách (Tiếp theo và hết)

Chủ nhật, 02/10/2022 - 06:28

Với mong muốn có tiếng nói đa chiều, khách quan và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong phân tích, lý giải về thực trạng tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đối với công tác xây dựng chính sách, pháp luật, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không xem nhẹ nguy cơ “lũng đoạn” chính sách

Phóng viên (PV): Từ góc độ của một nhà nghiên cứu luật, ông cho biết quy trình xây dựng pháp luật ở nước ta có đặc điểm gì so với các nước trên thế giới?

PGS, TS Vũ Công Giao: Xây dựng pháp luật là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản, quan trọng nhất của mọi nhà nước. Bởi, pháp luật là cơ sở cho tổ chức, vận hành và việc thực hiện chức năng quản lý xã hội của nhà nước.

Quy trình xây dựng pháp luật ở các quốc gia ít nhiều khác nhau, song nhìn chung bao gồm những bước cơ bản là: 1) Sáng kiến pháp luật (đề xuất ý tưởng hoặc dự thảo văn bản pháp luật với cơ quan lập pháp); 2) Xem xét, thẩm tra dự thảo văn bản pháp luật của cơ quan chuyên môn trước khi trình lên cơ quan lập pháp; 3) Cơ quan lập pháp thảo luận và bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua dự thảo văn bản pháp luật; 4) Công bố văn bản pháp luật đã được cơ quan lập pháp thông qua.

Giống như đa số quốc gia trên thế giới, quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam cũng dựa trên những bước cơ bản đó. Hiện tại, quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó trực tiếp, tập trung nhất là Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Luật này quy định cụ thể nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việt Nam là một trong số quốc gia có một luật riêng điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề này, trong đó bao gồm quy trình, thủ tục xây dựng nhiều dạng văn bản pháp luật chứ không chỉ riêng đạo luật.

Bài 4: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để phòng ngừa tham nhũng chính sách (Tiếp theo và hết)
 PGS, TS Vũ Công Giao.

PV: Theo ông, “nhóm lợi ích” có thể tác động như thế nào đến hoạt động xây dựng pháp luật? Trong hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta có biểu hiện cài cắm “lợi ích nhóm” không? Biểu hiện ở những khía cạnh nào? Đã đến mức “lũng đoạn” chính sách chưa?

PGS, TS Vũ Công Giao: Thực tế cho thấy, ở mọi quốc gia, các “nhóm lợi ích” thường nỗ lực gây ảnh hưởng đến việc xây dựng pháp luật theo hướng phù hợp với lợi ích của nhóm mình. Những nỗ lực đó có thể do các nhóm tự thực hiện hoặc thông qua việc thuê các cá nhân hay tổ chức vận động hành lang (lobbying) thực hiện bằng những cách thức khác nhau, bao gồm trực tiếp tác động đến các cơ quan, nhà hoạch định chính sách; tham gia các diễn đàn thảo luận công khai; thể hiện ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thực hiện các chiến dịch gây quỹ cho việc soạn thảo, gửi dự thảo, cung cấp thông tin hay chuyên gia về chính sách, văn bản pháp luật đang được dự thảo cho các cơ quan, quan chức có liên quan...

Sự tác động của các “nhóm lợi ích” đến hoạt động xây dựng pháp luật có cả tác động tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là việc này giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nhiều dữ liệu, thông tin để xây dựng pháp luật phù hợp thực tiễn. 

Mặt tiêu cực là nếu không được quản lý tốt, các nhóm lợi ích có thể gây tác động một cách không chính đáng, bất tương xứng hay bất hợp lý đến cơ quan, nhà hoạch định chính sách, khiến cho văn bản pháp luật ban hành ra không phản ánh đúng thực tiễn, chỉ phục vụ lợi ích của một, một số nhóm xã hội, làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà nước, cộng đồng và các nhóm xã hội khác.

Giống như nhiều quốc gia, hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta cũng có sự tác động của các “nhóm lợi ích”. Ý kiến phổ biến cho rằng trong hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta đã có biểu hiện cài cắm “lợi ích nhóm” (hiểu theo nghĩa chủ ý “lái” nội dung của văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi hay ưu đãi một cách bất hợp lý cho hoạt động của nhóm mình), đặc biệt là “lợi ích nhóm” của chính các cơ quan chủ trì soạn thảo.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, đã xuất hiện tình trạng một số “nhóm lợi ích” khác trong xã hội, đặc biệt là “nhóm lợi ích” về kinh tế, tác động đến các cơ quan và nhà hoạch định chính sách để vận động xây dựng văn bản pháp luật có lợi cho họ mà có thể gây tác động tiêu cực cho Nhà nước, xã hội và người dân.

“Lũng đoạn” chính sách có thể xem là mức độ cao nhất của tình trạng “nhóm lợi ích” tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng pháp luật. Để đánh giá đầy đủ, chính xác về cách thức và mức độ tác động tiêu cực của một số “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay, đặc biệt là để xác định xem tình hình đã đến mức “lũng đoạn” chính sách hay chưa, cần phải có thêm những nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu.

Chỉ có một điều có thể khẳng định là: Tình trạng “lũng đoạn” chính sách đã xảy ra ở nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển. Vì thế hoàn toàn có thể xảy ra ở nước ta nếu như chúng ta chủ quan và thiếu các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.

PV: Ông có thể chỉ ra căn nguyên dẫn đến tình trạng tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật là gì?

PGS, TS Vũ Công Giao: Ở Việt Nam, vấn đề phòng, chống tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” với hoạt động của Nhà nước, trong đó bao gồm hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Việt Nam đã có khung pháp luật khá toàn diện, cụ thể về việc ban hành văn bản QPPL, thể hiện qua Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, từ đó góp phần làm giảm khả năng các “nhóm lợi ích” tác động tiêu cực đến quá trình này. Dù vậy, trong thực tế hiện nay ở nước ta vẫn có hiện tượng “nhóm lợi ích” tác động tiêu cực đến hoạt động xây dựng pháp luật. Thực trạng đó do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan là do “nhóm lợi ích” và tác động của “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật là vấn đề tương đối mới ở Việt Nam. Trong thời kỳ bao cấp trước đây, vấn đề này hầu như không đặt ra; ở giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1986), tác động của “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật cũng rất mờ nhạt.

Chỉ trong khoảng hai thập kỷ gần đây, các “nhóm lợi ích” mới nổi lên ngày càng nhiều và tác động của các “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật mới ngày càng rõ và mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, nhận thức và cách thức quản lý tác động của “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật ở nước ta có sự bất cập so với thực tế và có sự hạn chế so với ở những quốc gia khác trên thế giới.

Nguyên nhân chủ quan là do khung pháp luật về xây dựng văn bản QPPL của nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Có thể thấy, mặc dù Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan, song chưa chú ý đúng mức đến việc kiểm soát hoạt động của cán bộ, công chức tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, trong đó bao gồm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, chưa quy định và điều chỉnh hoạt động vận động hành lang của các “nhóm lợi ích” trong quá trình xây dựng pháp luật.

Cùng với thực tế là việc tổ chức xây dựng, giám sát việc xây dựng pháp luật có lúc, có nơi còn thiếu kiên quyết, chặt chẽ, hiệu quả, những hạn chế của hệ thống pháp luật như nêu trên đã tạo kẽ hở cho một số "nhóm lợi ích" gây tác động không chính đáng, không hợp pháp đến quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời tạo cơ hội cho một số cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật lồng ghép lợi ích của cơ quan, tổ chức mình vào dự thảo văn bản pháp luật.

Nên nghiên cứu xây dựng luật về vận động hành lang bảo đảm công khai, lành mạnh

PV: Ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận số 19-KL/TW “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, trong đó nêu rõ: “Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành". Việc này có ý nghĩa như thế nào đối với việc phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, thưa ông?

PGS, TS Vũ Công Giao: Trước hết phải nói rằng, tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đều là biểu hiện của những hạn chế, yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm trong xây dựng pháp luật.

Thực tế cho thấy, “luật khung, luật ống” do nội dung thường thiếu cụ thể, dẫn đến nhu cầu phải ban hành các văn bản pháp quy để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành.

Điều đó có thể dẫn đến tình trạng như trong thời gian qua, một số bộ, ngành tự ý “đẻ” ra nhiều văn bản pháp quy chứa đựng những điều kiện, thủ tục hành chính bất hợp lý, giành thuận lợi về phía cơ quan ban hành, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp, người dân. Đây có thể xem là biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật.

Trong thời gian qua, việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh cũng tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, tạo cơ hội cho những hành vi tham nhũng, tiêu cực diễn ra trong thực tế.

PV: Qua nhiều năm nghiên cứu khoa học pháp lý, ông thấy các quốc gia có kinh nghiệm gì về việc phòng ngừa tác động tiêu cực của các “nhóm lợi ích” trong xây dựng pháp luật mà nước ta cần tham khảo?

PGS, TS Vũ Công Giao: Kinh nghiệm nổi bật của nhiều quốc gia trên thế giới là: Để quản lý hiệu quả tác động của các “nhóm lợi ích” đến việc xây dựng pháp luật, cần luật hóa hoạt động vận động hành lang. Luật này có tác dụng buộc các “nhóm lợi ích” và các cơ quan, nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải minh bạch hóa và có trách nhiệm giải trình về mối quan hệ của họ, từ đó các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và người dân có thể dễ dàng giám sát.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, cần củng cố khung pháp lý về một loạt vấn đề có liên quan khác, như kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động xây dựng pháp luật; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong xây dựng chính sách, pháp luật; chống độc quyền, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông trong quản trị quốc gia và phòng, chống tham nhũng.

PV: Ông có đề xuất giải pháp gì để góp phần ngăn ngừa tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay?

PGS, TS Vũ Công Giao: Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV” đã đưa những vấn đề rất cơ bản; trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật.

Đây có thể xem là giải pháp mấu chốt để ngăn ngừa hiệu quả hành vi cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan chủ trì xây dựng văn bản pháp luật, cũng như những hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cần hoàn thiện khung pháp luật về ban hành văn bản pháp luật để bảo đảm các cơ quan chủ trì và cán bộ, công chức tham gia công tác này không bị chi phối, tác động không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Muốn như vậy, cần công nhận và luật hóa vận động hành lang để bảo đảm tính công khai, minh bạch, thích đáng của hoạt động có tính tất yếu này.

PV: Theo ông, đã đến lúc chúng ta cần có luật về vận động hành lang để phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong xây dựng pháp luật chưa?

PGS, TS Vũ Công Giao: Theo tôi, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng luật về vận động hành lang, vì như đã nêu ở phần trên, luật này là cốt yếu để có thể bảo đảm tính hợp pháp, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, không chỉ của các chủ thể hoạt động vận động hành lang mà còn của các cơ quan chủ trì và cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Tất nhiên, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật này phù hợp với đặc điểm, điều kiện chính trị, pháp lý ở nước ta, qua đó góp phần kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng chính sách hiệu quả như mong muốn của Đảng và Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

“Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

(trích Văn kiện Đại hội XIII của Đảng)

THIỆN VĂN (thực hiện)