Thành tựu phát triển của Việt Nam - giá trị không thể phủ nhận

Thứ hai, 21/10/2024 - 06:11

Các thế lực thù địch luôn cố tình phủ nhận những giá trị phát triển của Việt Nam. Với tâm địa xấu, họ xuyên tạc rằng “dưới chế độ cộng sản, đất nước Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới”, “đời sống người dân khổ cực”... Thế nhưng tất cả những tuyên truyền thiếu khách quan, thiếu tử tế và sai trái đó đều bị thực tiễn tại Việt Nam vạch trần. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đuổi kịp và vượt qua nhiều nước đã phát triển trước, người dân được chăm lo toàn diện, có cuộc sống ngày càng khấm khá.

Kinh tế Việt Nam dần vươn lên nhóm trên

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh ở Anh (CEBR). Theo dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines (1.536 tỷ USD), Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thành tựu phát triển của Việt Nam - giá trị không thể phủ nhận
Thủ đô Hà Nội nhìn từ phía cầu Nhật Tân. Ảnh: TUẤN HUY  

Thậm chí, nếu xét về GDP (PPP) hay còn gọi là GDP theo sức mua thì theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam hiện xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 25 thế giới. Theo đó, năm 2023, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.563 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.438 tỷ USD. Philippines xếp thứ 4 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.280 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.221 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 759,52 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2026, quy mô GDP (PPP) Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 1.833 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan (đạt khoảng 1.807 tỷ USD) và chỉ xếp sau Indonesia (đạt khoảng 5.402 tỷ USD).

Xét trên quy mô thế giới, đến năm 2023, quy mô GDP (PPP) Việt Nam đã xếp trên Hà Lan và Thụy Sĩ. Cụ thể, GDP (PPP) Hà Lan đạt khoảng 1.290 tỷ USD, xếp thứ 27 trên thế giới và Thụy Sĩ đạt khoảng 787 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới vào năm 2023. Cùng với đó, khoảng cách với Australia (đạt khoảng 1.724 tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới) và Ba Lan (đạt khoảng 1.706 tỷ USD, xếp thứ 21 trên thế giới) không còn quá xa. Đến năm 2029, IMF dự báo quy mô GDP (PPP) Việt Nam (2.343 tỷ USD) vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới. 

Xét một cách toàn diện thì GDP (PPP) mang lại bức tranh kinh tế toàn diện hơn so với GDP. Bởi GDP (PPP) đo lường giá trị toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất của một quốc gia trong một năm dựa trên sức mua của tiền tệ địa phương. GDP (PPP) thường được sử dụng để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia và để xác định mức sống của người dân trong các quốc gia khác nhau. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về khả năng mua sắm của một quốc gia và giúp đánh giá sự phát triển kinh tế và tiêu dùng của nó.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc gia còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để tăng tốc phát triển kinh tế. Do đó, những mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Người dân được hưởng thành quả của phát triển

Tại một số nơi trên thế giới, kinh tế phát triển nhưng đời sống của đại bộ phận người dân còn khó nhọc, nước phát triển nhưng dân không giàu, không sung sướng. Tại Việt Nam, khi nền kinh tế đang thăng hạng nhanh thì cùng với đó, cuộc sống người dân đã được cải thiện nhanh. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4-2024, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022 đã tăng hơn 2,3 lần, từ 1,99 triệu đồng/người/tháng lên 4,67 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người Việt Nam có thể tự so sánh để cảm nhận mức sống của bản thân được nâng lên rất nhiều và toàn diện so với 5 năm, 10 năm trước. Tại các thành phố lớn, xuất hiện rất nhiều khu đô thị hạng sang. Do mức sống tăng, có tài sản tích lũy nên người Việt Nam có cơ hội đi công tác, du lịch, học tập ở các nước phát triển trên thế giới và thấy rằng, điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt tại Việt Nam không còn thua kém nhiều so với các nước trên.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện chính sách phát triển bao trùm, quan tâm đến các chính sách xã hội, chăm lo người nghèo, thúc đẩy sự phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chỉ còn 3,4%. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng trợ cấp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356 % dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Từ ngày 1-7-2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 38,9% so với mức trợ cấp trước đó.

Các phúc lợi xã hội trong giáo dục, y tế, nhà ở tại Việt Nam đều được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả hệ thống chính trị tại Việt Nam đang nỗ lực chung tay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà để đến hết năm 2025 sẽ xóa được toàn bộ 400.000 nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Nếu mục tiêu này được thực hiện thành công sẽ là một thành tựu rất ý nghĩa.

Cảm nhận về hạnh phúc

Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) năm nay, Việt Nam đón nhận thông tin tích cực khi trong Báo cáo hạnh phúc thế giới 2024, đất nước ta đứng thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6. Đây là bảng xếp hạng do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số hạnh phúc tại Việt Nam tăng đều qua các năm cho thấy kết quả đạt được rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong lúc tình hình an ninh của nhiều khu vực trên thế giới rất phức tạp với cảnh bom rơi đạn lạc thì người dân Việt Nam càng cảm nhận được sự vô giá của hòa bình, hạnh phúc mà mình đang được hưởng.

Dù mức sống chưa bằng nhiều quốc gia trên thế giới nhưng người Việt Nam dù có đi khắp năm châu, bốn bể vẫn thấy quê cha đất tổ là nơi hạnh phúc nhất, an toàn nhất đối với mình. Có những giá trị nằm ngoài vật chất tạo ra sức hút của mảnh đất hình chữ S. Đó là cuộc sống thanh bình, là giá trị về văn hóa, tinh thần. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người, gia đình tại Việt Nam vẫn được gìn giữ. Nhiều khách nước ngoài chỉ cần đến Việt Nam lần đầu cũng đã yêu mảnh đất, con người Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài. Đó là vì họ thấy cuộc sống ở Việt Nam rất dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách. Do đó, dựa vào phản hồi từ du khách, Flight Centre-một trong những công ty lữ hành lớn nhất thế giới-đã xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới dành cho khách du lịch.

Vì thế, có thể thấy rõ rằng, những giá trị của kinh tế phát triển, đời sống người dân hạnh phúc đều đã được thể hiện trên thực tế tại Việt Nam và được quốc tế công nhận. Do đó, dù các thế lực thù địch, những kẻ xấu có cố công xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên đó, mà chỉ khiến họ trở nên nực cười.

HỒ QUANG PHƯƠNG    

Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả

Thứ bảy, 19/10/2024 - 06:18

Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.

Chức vụ lãnh đạo phải gắn liền với uy tín

 Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người quản lý, lãnh đạo phải thực sự tiêu biểu về trình độ, năng lực, đạo đức, uy tín trước tập thể. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, không phải cứ có chức vụ là mặc nhiên đã có uy tín tương xứng. Đương nhiên, khi một cán bộ, đảng viên được bổ nhiệm chức vụ thì tổ chức và cấp trên đã xem xét, cân nhắc năng lực, uy tín của người đó. Song, trên thực tế đã có những trường hợp cán bộ được cất nhắc mà uy tín chưa hẳn đã tương xứng. Nghĩa là, uy tín đó chưa chắc đã được hình thành từ những phẩm chất, năng lực và sự dày công phấn đấu thực sự, nó trái ngược với uy tín chân thực, nhưng lại được ngộ nhận là uy tín. Do uy tín giả tạo khéo được che đậy, cho nên họ cũng được “tiền hô hậu ủng”, thậm chí được cấp dưới, tập thể và dư luận tung hô, tán thưởng. Thế nhưng, đến khi những câu chuyện sai phạm, tiêu cực bị phanh phui thì dư luận lại quay lưng chê bai, miệt thị. Khi đó, các thế lực thù địch sẽ thừa cơ chĩa mũi nhọn vào xuyên tạc và quy chụp thành bản chất của Đảng, của chế độ.

Về nguyên tắc, uy tín phải tương xứng với chức vụ để người cán bộ có thể làm tròn chức phận của mình. Bởi vì nếu uy tín không tương xứng với vị trí công tác thì không thể tác động, thuyết phục, cảm hóa người khác phục tùng một cách tự giác. Khi đó, tất yếu sẽ dẫn đến sự trì trệ trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Cho nên uy tín của cán bộ, đảng viên phải được hình thành từ chính những phẩm chất, năng lực của từng người. Uy tín đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, đặc biệt là từ thực tiễn công tác.

Mặc dù là uy tín giả tạo, song không phải ai cũng có đủ dũng khí để thẳng thắn chỉ mặt, gọi tên và đấu tranh ngăn chặn nó. Thực tế, có không ít người từng lầm tưởng rằng, khi được giao nắm giữ chức vụ là bản thân mình đã có uy tín tuyệt đối. Tiếp cận dưới góc độ tâm lý học, uy tín của người lãnh đạo là kết quả của sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, từ đó lan tỏa và thuyết phục người khác. Quá trình này bao giờ cũng tuân theo những quy luật chung, quy luật đặc thù về sự hình thành và phát triển nhân cách. Trong đó, hoạt động thực tiễn quản lý, lãnh đạo có vai trò quyết định. Đó là uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên và khác hoàn toàn về chất với uy tín giả.

Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Ảnh minh họa/ Nguồn: thanhtra.com.vn 

 

Củng cố, giữ gìn uy tín chân thực là ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả

 Cho dù uy tín giả được hình thành bằng con đường nào, biểu hiện của nó ra sao thì cũng đều trái với những giá trị xã hội đích thực. Vì vậy, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là cuộc chiến chống giặc nội xâm-chống kẻ địch bên trong rất nguy hại. Song, việc nhận diện và tẩy trừ nó là quá trình làm trong sạch nội bộ kiên trì, bền bỉ, thậm chí lâu dài, cùng với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quá trình đó trước hết phải được vận hành ở ngay trong từng cán bộ, đảng viên. Cũng trong bài phát biểu tại phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Uy tín giả được ngụy tạo bằng nhiều thủ thuật khác nhau. Cho nên phòng, chống, loại bỏ nó ra khỏi đời sống chính trị, xã hội phải bằng nhiều biện pháp, cách thức.

Trước hết, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, cần đề cao hàng đầu tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức”(1). Vì những hành vi đó cũng là nguyên nhân tạo ra các biến thể độc hại của uy tín giả. Cho nên, chống chủ nghĩa cá nhân, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng cũng là đẩy lùi uy tín giả. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng giáo dục, phát huy tinh thần “7 dám”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức. Đây cũng là khâu “then chốt của then chốt”, là lấy xây dựng, bảo vệ uy tín đích thực để phòng, chống uy tín giả. Vì vậy, chúng ta cần có quyết tâm cao trong việc "gạn đục khơi trong" bộ máy từ cơ sở. Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả cũng chính là nội dung, biện pháp phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Trước những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ. Quy định này chỉ rõ: Kiên quyết chống "độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân... đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác”. Cho nên độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân là những điều cần phải ngăn chặn. Từ đó củng cố, giữ gìn uy tín của người lãnh đạo, quản lý và uy tín của Đảng. Một trong những nội dung, biện pháp thiết thực để ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện triệt để nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Vì nguyên tắc này sẽ trực tiếp củng cố, giữ gìn uy tín của cán bộ, đảng viên; đồng thời là công cụ hữu hiệu để phát hiện, loại trừ những biểu hiện giả danh uy tín, đạo đức từ trong nội bộ và ở ngay trong từng cá nhân.

Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải tránh nể nang, khoan nhượng và thỏa hiệp với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, uy tín giả hiệu. Tự phê bình và phê bình phải được cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, đi vào thực chất, tránh hình thức. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng từ cơ sở. Đây là bước đi chủ động, góp phần ngăn chặn từ xa, xử lý từ sớm những biểu hiện tiêu cực, thúc đẩy sự hoàn thiện uy tín của cán bộ, đảng viên. Trong đó cần tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, các bước của công tác cán bộ. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(2). Từ đó chúng ta loại bỏ được các hiện tượng giả danh uy tín, đồng thời bố trí, sử dụng được cán bộ có đủ đức, tài và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tóm lại, uy tín giả có thể ví như một loại virus nguy hiểm ở những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân. Do đó, nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu và mạnh dạn sửa chữa khuyết điểm để loại bỏ uy tín giả, tự làm trong sạch mình luôn là nét đặc trưng về bản chất, truyền thống của Đảng. Song, nhận diện, đẩy lùi uy tín giả phải hết sức quyết liệt, tỉnh táo và tinh tường. Chống uy tín giả cũng là xây dựng, củng cố, bảo vệ uy tín đích thực của cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng. Từ đó góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thượng tá, ThS MAI XUÂN CHÍNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học

(hết)

----------------------

(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.184, 190. 

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả

Thứ sáu, 18/10/2024 - 06:11

Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.

Uy tín giả thường được ngụy tạo, củng cố thông qua nhiều thủ thuật. Vì thế mà sinh ra lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo, quản lý tùy tiện. Ngăn chặn uy tín giả là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Uy tín giả do đâu mà có?

Uy tín là sự biểu hiện của phẩm chất, năng lực cá nhân, được người khác và tập thể thừa nhận một cách tự nhiên. Tuy vậy, trong nội bộ cán bộ, đảng viên hiện nay, uy tín giả vẫn nảy sinh và tồn tại. Mặc dù đây không phải là phổ biến, nhưng cũng không còn là cá biệt. Thực tế đó nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là một trong những nguy cơ làm cho Đảng xa dân-xa cội nguồn sức mạnh. Trong đời sống xã hội, những thứ gì là giả tạo thì cũng thường rất dễ bị phơi bày. Song, uy tín giả lại khéo được che đậy và không dễ gì nhận diện. Vì thế mà chúng ta không dễ gì vạch lộ được chân tướng uy tín giả.

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín là sự biểu hiện của phẩm chất, năng lực cá nhân, được người khác và tập thể thừa nhận một cách tự nhiên. Tuy vậy, trong nội bộ cán bộ, đảng viên hiện nay, uy tín giả vẫn nảy sinh và tồn tại. Minh họa: Nguồn internet 

Uy tín giả được hình thành do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, chủ quan vẫn là nguyên nhân phổ biến. Về mặt khách quan, có thể kể đến những tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Bên cạnh những mặt tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, cơ chế thị trường cũng làm nảy sinh tâm lý, tư tưởng thực dụng, cá nhân vị kỷ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (1). Vì vậy, có thể khẳng định, mặt trái của cơ chế thị trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh uy tín giả. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sử dụng nhiều chiêu trò du nhập và cổ xúy cho lối sống thực dụng, phản đạo đức, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là cha đẻ của tín uy giả.

Về mặt chủ quan từ cấp ủy, tổ chức đảng: Do những hạn chế, bất cập, thậm chí sao nhãng, buông lơi công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã dẫn đến tình trạng này. Đây là nguyên nhân khách quan đối với từng cán bộ, đảng viên, nhưng nó lại là chủ quan của tổ chức, đã tạo sơ hở cho uy tín giả soán ngôi. Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp do tập thể đã suy thoái, lợi ích nhóm đã suy tôn, ngụy tạo uy tín giả cho cá nhân và đôn lên vị trí quyền lực, sau đó thì thao túng người nắm quyền để trục lợi. Về chủ quan ở mỗi cán bộ, đảng viên suy cho cùng, chủ nghĩa cá nhân chính là mầm mống làm nảy sinh uy tín giả. Cái gọi là uy tín đó được sản sinh không dựa trên cơ sở tài năng, đức độ cũng như những giá trị xã hội đích thực. Vì vậy, nhận diện uy tín giả là phơi bày mục đích, cách thức, con đường hình thành và những biểu hiện phức tạp của nó.

Điểm mặt uy tín giả

Trên thực tế, uy tín giả được biểu hiện rất phong phú với nhiều kiểu loại khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số kiểu điển hình như thói công thần, gia trưởng hoặc kiểu uy tín dựa trên việc tạo ra sự cách biệt trong quan hệ với mọi người và uy tín kiểu "bề trên" người khác... Về xu hướng uy tín giả, có thể kể đến hai xu hướng cơ bản, trái ngược nhau, nhưng lại cùng chung mục đích. Xu hướng thứ nhất, bề ngoài tỏ ra quan tâm, gần gũi quần chúng nhưng lại hạ thấp yêu cầu, nhiệm vụ đối với cấp dưới, thậm chí là lề lối làm việc tùy tiện để nhận được sự tin tưởng ủng hộ. Người cán bộ, đảng viên củng cố uy tín cho mình theo cách này thường có phong cách lãnh đạo dân túy. Một kiểu cán bộ "dĩ hòa vi quý", sợ trách nhiệm, thiếu dũng khí và không có tinh thần quyết đoán.

Xu hướng thứ hai là khuếch trương sức mạnh quyền lực để buộc tổ chức, cá nhân thuộc quyền phải phục tùng nhưng không vì mục đích, lợi ích chung của tổ chức, của tập thể, vì sự tiến bộ. Đây là kiểu uy tín tạo ra sự độc đoán, chuyên quyền, bỏ qua các nguyên tắc. PGS, TS Phạm Lan Oanh, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Người độc đoán, trịch thượng thường lấy áp đặt chủ quan thay vì phát huy dân chủ. Vì vậy, trong công tác, họ thường phân công, giao nhiệm vụ một cách tùy tiện, đẩy phần việc khó khăn cho những người yếu thế. Còn lợi ích và cơ hội thăng tiến thì ưu tiên cho cánh hẩu hoặc ban phát tùy tiện theo ý muốn cá nhân. Vì thế mà sinh ra sự bất bình đẳng trong nội bộ và kéo tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương đi xuống”. Nhận định trên cho thấy tính chất nguy hại của uy tín giả là rất nghiêm trọng.

Cũng bàn về xu hướng uy tín giả, Thượng tá, PGS, TS Bùi Minh Đức, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Tâm lý học Quân sự, Học viện Chính trị nhấn mạnh: “Người lãnh đạo có phong cách độc đoán, chuyên quyền, thường tự cho mình có quyền uy tối thượng trước tập thể do mình phụ trách. Họ ngụy biện, đánh tráo khái niệm “đứng đầu” thành “đứng trên” tổ chức và tập thể. Khi đó, trong thực thi công vụ thường bất chấp nguyên tắc, thao túng chính sách và pháp luật, công tư bất minh. Vì thế, hiện tượng chia rẽ nội bộ, kéo bè kéo cánh và lợi ích nhóm trong cơ quan, đơn vị, địa phương là những câu chuyện rất dễ xảy ra”. Ngoài ra, hiện tượng đánh bóng thành tích, che giấu khuyết điểm của bản thân; bình phẩm, chê bai điểm yếu của người khác để tạo dựng uy tín cho mình vẫn còn hiện hữu xung quanh chúng ta. Uy tín giả được hình thành bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, cho nên biểu hiện của nó cũng muôn hình vạn trạng. Trước hết là ở những kiểu người có lời nói không đi đôi với việc làm. Họ nói nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo trong khi bản thân mình không gương mẫu.

Hiện tượng một số cán bộ có đôi chút thành công trong quá khứ, nhưng sau đó thì thỏa mãn, dừng lại. Họ thường khoe khoang về những thành tích trước đó, song, lại bảo thủ trì trệ, lười học tập, không chịu đổi mới, sáng tạo cũng là biểu hiện của sự chuyển hóa sang thái cực của uy tín giả. Cho nên thói công thần, bảo thủ cũng là suy thoái và không còn phù hợp với yêu cầu về phẩm chất, uy tín của người cán bộ, đảng viên chân chính.

Bên cạnh đó, hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ phải chịu trách nhiệm cho nên không dám quyết đoán, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung thì không thể có uy tín đích thực. Người có uy tín giả thì mỗi khi những sai phạm bị bại lộ thường tìm cách lấp liếm, che đậy để giữ gìn cái gọi là uy tín đó. Không chỉ thế, khi cơ quan, tổ chức, lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách có khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi cho cá nhân, tập thể khác. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Có khi nhờ "phù phép” mà trước cấp trên và quần chúng, tội của họ biến thành công, làm ăn chẳng ra gì nhưng lại rùm beng là có thành tích lớn;... “uy tín” lên như diều!”(2). Cho nên, uy tín giả đã, đang và sẽ gây tác hại nghiêm trọng, cần phải được ngăn chặn.

Như vậy, uy tín giả nảy sinh và tồn tại, xâm nhập, lây lan vì những mục đích cá nhân không trong sáng. Nó thường khéo che đậy, khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Cho nên ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả cũng là một công cuộc đầy khó khăn và luôn song hành với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

(còn nữa)

Thượng tá MAI XUÂN CHÍNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2012): Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.22.

(2) Nguyễn Phú Trọng (2023): “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.492. 

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù

Thứ năm, 17/10/2024 - 06:16

Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.

Uy tín giả bao giờ cũng là “giặc nội xâm”. Nó còn là mảnh đất màu mỡ mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá đội ngũ cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì thế, xây dựng, bảo vệ uy tín đích thực, chống uy tín giả ở cán bộ, đảng viên cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách hiện nay.

Uy tín - phẩm chất không thể thiếu ở người lãnh đạo

Theo nghĩa tiếng Việt, uy tín là sự tín nhiệm, mến phục được mọi người thừa nhận. Nói cách khác, uy tín là sự phản ánh những phẩm chất cần có trong nhân cách của người này thông qua sự nhìn nhận, đánh giá của người khác và tập thể. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, uy tín có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù

Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình. Ảnh minh họa: vneconomy.vn 

Uy tín đích thực sẽ tạo được sự tin tưởng, phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của tập thể đối với người đứng đầu, người phụ trách. Từ đó, mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện triệt để, hiệu quả. Khi đó, tinh thần dân chủ được phát huy; năng lực, sở trường của từng cá nhân được thể hiện và mang lại những giá trị thiết thực cho tập thể. Không chỉ vậy, uy tín của cán bộ, đảng viên còn là cơ sở tạo nên uy tín của Đảng. Khi có đủ uy tín trước nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những con sóng lớn của thời đại và vươn khơi, cập bến vinh quang. Vì nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Trái lại, nếu cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, người quản lý không có uy tín, hoặc uy tín thấp, thậm chí uy tín giả thì không thể nêu gương mực thước và thuyết phục, lãnh đạo được quần chúng. Khi đó, mọi chỉ thị, mệnh lệnh khó có thể được quán triệt, thực hiện một cách tự giác, hiệu quả. Cho nên cán bộ, đảng viên không có uy tín hoặc uy tín giả sẽ làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. V.I.Lenin cho rằng: "Người lãnh đạo phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ"(1).

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công trong quản lý, lãnh đạo là uy tín đích thực theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là sự hội tụ đầy đủ của các phẩm chất cần thiết trong nhân cách người quản lý, lãnh đạo. Các phẩm chất ấy là: “Tâm, tầm và tài”; là đạo đức cách mạng. Trong bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản cách đây tròn 40 năm, với bút danh “Trọng Nghĩa”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (sau này là Tổng Bí thư) đã chỉ rõ: “Uy tín theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín”. Với ý nghĩa đó, uy tín của cán bộ, đảng viên phải là những phẩm chất nội tại, đích thực ở từng chủ thể. Khi có đủ uy tín, người lãnh đạo sẽ thúc đẩy được tinh thần và nhịp điệu học tập, lao động, chiến đấu tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể, xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo dư luận tích cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hệ lụy “giậu đổ bìm leo”

Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nếu người cán bộ, đảng viên xây dựng uy tín cho mình thay vì dựa trên ý chí, nghị lực với động cơ phấn đấu méo mó, lệch lạc thì tất yếu sẽ tạo ra uy tín giả. Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Vì vậy, uy tín của người lãnh đạo, người cán bộ, đảng viên nếu không được tạo ra bằng chính năng lực và đức độ thực sự thì tác hại sẽ rất khôn lường.

Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình để đấu tranh, ngăn chặn các thói hư, tật xấu nhằm xây dựng tổ chức và cán bộ. Khi đó, dân chủ trong tập thể chỉ còn là hình thức. Sự thống nhất trong cơ quan, đơn vị, địa phương thực chất chỉ là dĩ hòa vi quý. Cho nên uy tín của người lãnh đạo, người đứng đầu không đơn thuần chỉ là uy tín của bản thân họ mà còn là uy tín, là tương lai của cơ quan, đơn vị, địa phương. Uy tín giả không chỉ làm phương hại đến bầu không khí dân chủ, dư luận tích cực và tinh thần "tương thân tương ái" trong tập thể mà nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân-thứ “giặc nội xâm” nguy hại. Đồng thời, uy tín giả cũng chính là "mảnh đất dụng võ", là cái cớ để các thế lực thù địch tập trung công kích, chống phá.

Trước thềm đại hội đảng các cấp, cũng như mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch càng ráo riết, tinh vi hơn. Chúng sử dụng nhiều phương tiện để đánh vào nhiều phương diện, nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó, uy tín của cán bộ, đảng viên được xem là một trong những tử huyệt mà chúng nhắm tới.

Công cụ tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp dư luận để nói xấu Đảng hữu hiệu, phổ biến hiện nay của chúng là các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Nhất là việc tận dụng, phát huy tối đa công năng của các ứng dụng: Facebook, Instagram, TikTok, YouTube cũng như một số kênh, hãng truyền thông nước ngoài vốn dĩ đã không có thiện chí với Việt Nam. Tại các diễn đàn, họ không ngần ngại suy diễn vô căn cứ hòng hạ uy tín của Đảng. Từ một vài hiện tượng cán bộ, đảng viên sa ngã được họ nhào nặn và quy chụp thành bản chất của Đảng, của chế độ. Từ đó phủ nhận hệ thống lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dày công vun đắp.

Như vậy, uy tín là yếu tố rất quan trọng ở người cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức. Song, uy tín đó phải là chân thực, chính hiệu. Cho nên, xây dựng và giữ gìn uy tín chân thực; nhận diện, đẩy lùi uy tín giả trong cán bộ, đảng viên sẽ góp phần ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

(còn nữa)

Thượng tá, ThS MAI XUÂN CHÍNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học

(1) V.I.Lenin: Toàn tập (bản tiếng Nga, t.45, tr.363)-theo sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.6, tr.16 

Cần chấm dứt hành vi bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố

Thứ Năm, 17/10/2024, 06:33

Những ngày gần đây, trên các trang thông tin, mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối loan tin, ngày 9/10/2024, một số tổ chức nhân quyền quốc tế tổ chức cuộc họp báo tại câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap của Toà án Hình sự Bangkok.

Đây không phải là lần đầu các tổ chức trên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam cũng như “tẩy trắng” cho các đối tượng liên quan đến hoạt động khủng bố. Bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, họ vu cáo đây là những màn kịch được chính quyền dựng lên để thực hiện “đàn áp dân tộc, tôn giáo” và hành vi khủng bố chỉ là sự phản kháng.

Hoạt động “tẩy trắng” thông tin về vụ khủng bố

Đã hơn một năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ tấn công ngày 11/6/2023 xảy ra tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur khiến 9 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, phá hủy tài sản của Nhà nước và nhân dân. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đây là hành động khủng bố có tổ chức đã được các đối tượng lên kế hoạch từ trước và có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện hành vi manh động và man rợ.

Y Quynh Bdap là đối tượng từ lâu đã có nhiều hoạt động kích động, gây rối tại Việt Nam trước khi qua Thái Lan để tị nạn nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đây cũng là đối tượng thành lập tổ chức “Người Thượng vì công lý” và lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động khủng bố tại Tây Nguyên. Cụ thể, Y Quynh Bdap đã lên kế hoạch từ năm 2017, thông qua việc móc nối, lôi kéo, tuyển mộ lực lượng, chỉ đạo thực hiện vụ tấn công.

Trong quá trình điều tra, chính những đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công đã khai nhận vai trò của Y Quynh Bdap trong việc chỉ đạo và xúi giục họ thực hiện các hành vi tàn bạo. Hwuen Êban, một trong những kẻ cầm đầu vụ khủng bố và Y Krong Phok, đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố khai nhận từ năm 2017, 2018, Y Quynh Bdap đã giao nhiệm vụ cho họ phải đi tuyên truyền, lôi kéo để tuyển mộ người, chuẩn bị vũ khí cho việc tiến hành khủng bố.

Rõ ràng, với hàng loạt các hành vi như tấn công vào trụ sở chính quyền, đập phá, đốt cháy, gặp bất kỳ ai là bắn, thể hiện qua lời kể của các nhân chứng cũng như lời khai của các đối tượng đã cho thấy rất rõ bản chất tàn ác của những kẻ khủng bố. Sau vụ khủng bố tại Đắk Lắk, họ bôi nhọ chính quyền, cán bộ, kích động người dân bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, xuyên tạc rằng đây là những màn kịch được chính quyền dựng lên để thực hiện đàn áp dân tộc, tôn giáo.

Tuy nhiên, với bản chất chống phá, trên trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân, Chân trời mới media, các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí liên tục đưa thông tin xuyên tạc nhằm “tẩy trắng” cho đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap như: “Các nhóm nhân quyền kêu gọi chính quyền Thái Lan không thi hành việc dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam sau khi ông bị tòa Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu của Hà Nội”; “Các tổ chức quốc tế thất vọng vì Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam”…

Trang tin VOA tiếng Việt đưa thông tin về việc ngày 9/10/2024, trước khi Thái Lan được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025-2027, giới hoạt động nhân quyền kêu gọi chính quyền nước này không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội, còn nếu làm ngược lại sẽ đánh mất lòng tin tại diễn đàn thế giới.

Mới đây, đồng loạt các trang VOA Tiếng Việt, RFI, RFA đều đưa tin một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với đối tượng khủng bố Y Quynh của Toà án Hình sự Bangkok… Qua đó, có thể thấy sự ảo tưởng của các tổ chức trên khi can thiệp vào hoạt động tư pháp của các nước nhằm đưa ra yêu cầu, đòi hỏi sai trái, làm cho người đọc hiểu sai về bản chất vụ việc cũng như “tẩy trắng” hành vi khủng bố cho đối tượng trên.

Từ những hành động trên đã lật tẩy âm mưu cơ bản, lâu dài của các đối tượng chống đối trong và ngoài nước đối với vùng đất Tây Nguyên là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số; tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng tự trị, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”. Luận điệu mà các thế lực thù địch liên tục sử dụng để kích động người dân Tây Nguyên là: Tuyên truyền “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, “người Kinh lấy đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”…

Đây không chỉ là luận điệu cố tình phủ nhận chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước mà còn nhằm chia rẽ mối đoàn kết giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, tạo ra các vụ đòi đất, biểu tình, bạo loạn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời các tổ chức trên còn triệt để xuyên tạc để hình thành và khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình. Lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng “bài Kinh” ly khai, tự trị.

Trên phương diện quốc tế, các tổ chức quốc tế tự xưng nhân quyền, các tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng xấu triệt để lợi dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để tuyên truyền xuyên tạc. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi nước ngoài can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam. Đồng thời, tạo hiệu ứng Domino nhằm kích động, lừa gạt sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ việc hình thành các điểm nóng trong nước, tạo cơ sở cho các đối tượng kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ của Việt Nam và làm suy giảm uy tín của Việt Nam với các nước và cộng đồng quốc tế.

image001.jpg -0
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng gây ra vụ khủng bố ở Đắk Lắk.

Bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Tội phạm khủng bố trong vài thập niên gần đây đã trở thành vấn đề quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển của cả thế giới. Đây là nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, có khả năng lan truyền rộng rãi, được hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân: Từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, cực đoan về dân tộc, sắc tộc, đến đói nghèo, bệnh tật, bất bình đẳng, phân hóa, xung đột xã hội hay tranh giành quyền lực, tranh giành địa chính trị và các nguồn tài nguyên. Khủng bố còn có thể là hệ quả quá trình thực thi chính sách quản lý xã hội thiếu sáng suốt, gây chia rẽ các nhóm xã hội ở các quốc gia và cũng có thể bắt nguồn từ chiến tranh.

Tội phạm khủng bố là một thách thức an ninh đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đến nay, Liên Hợp quốc đã thông qua 16 điều ước đa phương về chống khủng bố (công ước, nghị định thư). Trong đó, có Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố ngày 9/12/1999; nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001 về chống khủng bố và tài trợ khủng bố và nhiều quy định khác. Trong đó quy định nêu rõ: Các quốc gia phải có nghĩa vụ phòng ngừa ngăn chặn hoạt động khủng bố và tài trợ cho hoạt động khủng bố; nghiêm cấm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong lãnh thổ của họ nỗ lực thực hiện tạo điều kiện về tài chính hoặc tham gia chỉ đạo, tiến hành các hành động khủng bố. Các quốc gia tham gia có nghĩa vụ: Bảo đảm rằng bất cứ người nào tham gia vào việc tài trợ, lập kế hoạch, chuẩn bị, gây ra các hành động khủng bố hoặc hỗ trợ các hành động khủng bố phải bị đưa ra xét xử…

Ngày 22/6/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện rà soát lần thứ 8 việc thực hiện chiến lược chống khủng bố. Nghị quyết tái khẳng định chiến lược cùng 4 trụ cột, tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả trụ cột. Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, việc thông qua văn kiện thể hiện thông điệp thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào.

Đối với vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, sát hại cán bộ và dân thường. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm. Đồng thời tái khẳng định lập trường của Việt Nam, phù hợp với các văn kiện của Liên hợp quốc có liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, do bất kỳ ai thực hiện, xảy ra ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.

Nhà nước Việt Nam ta luôn tôn trọng luật pháp quốc tế về phòng, chống khủng bố, tích cực hỗ trợ các nước trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các tổ chức tội phạm khủng bố quốc tế, bảo vệ các quyền tự do, lợi ích chính đáng của công dân nhưng cũng kiên quyết trừng trị những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để tiến hành các hoạt động khủng bố, xâm hại, đi ngược lại lợi ích của người dân, lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 24/7/2023, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nêu rõ: “Tôi xin khẳng định rằng, Mỹ không chấp nhận những gì đã xảy ra tại Đăk Lăk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình những người bị hại, đồng thời lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất với việc sử dụng bạo lực để đạt mục đích”.

Ngày 31/7/2024, báo Bangkok Post dẫn lời ông Chai Wacharonke, Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan khẳng định, Chính phủ Thái Lan sẽ không can thiệp vào tiến trình tố tụng liên quan đến đối tượng Y Quynh Bdap. Đây là câu trả lời rõ ràng trước những đòi hỏi phi lý của các tổ chức nhân danh nhân quyền, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các đối tượng chống đối bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh quốc gia, khu vực về việc trả tự do cho đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Khi cả thế giới đều lên án hành vi khủng bố thì không có lý do gì các tổ chức quốc tế mang danh nghĩa nhân quyền, các tổ chức, cá nhân khác lại có hành động ủng hộ cũng như can thiệp, bao che cho đối tượng khủng bố. Vì vậy, việc phối hợp trong dẫn độ đối tượng khủng bố đang lẩn trốn ở nước ngoài của Việt Nam được thực hiện theo các công ước quốc tế, nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố và Việt Nam và các quốc gia trên tham gia, ký kết.

Cho nên, các tổ chức quốc tế mang danh nghĩa nhân quyền cần chấm dứt ngay các hành động lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Việt Nam, hành động cản trở đó đã và đang trở thành hành vi đồng loã, bảo trợ cho các đối tượng khủng bố. Công lý phải được thực thi, kẻ phạm tội phải bị trừng trị thích đáng, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền bao che, “tẩy trắng” cho các đối tượng khủng bố.

Tuệ Thiên - Bình Nguyên