Tháng Hai 28, 2025
Nguyễn Phù Nghĩa
Trong bài: “Con đường hoang tưởng lừa bịp “xã hội chủ nghĩa” trên trang Việt Tân ngày 18/02/2025, Lão Thất đã viết: “XHCN luôn là cái miếng mồi mà Đảng Cộng sản Việt Nam dùng để lừa bịp toàn dân, tuy nhiên do “đi hoài không tới” hay “đi hết thế kỷ này cũng chưa biết tới chưa” (lời Nguyễn Phú Trọng) cho nên ban “chuyên láo” đảng luôn tìm cách câu giờ để lừa bịp toàn dân, mà mỗi lần lừa là chúng đưa ra những cột mốc thời gian bất khả thi như vài chục năm, hay như phát ngôn của những tên “tuyên láo” là đến 2045 thì nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ có “chủ nghĩa xã hội”.
Đó là ý kiến cá nhân với sự thiếu chuẩn mực của Lão Thất. Điều đó thể hiện trên các nội dung chính yếu sau:
Ý kiến của Lão Thất mang nặng tính chủ quan và chỉ dựa trên những kết luận mang tính châm biếm thay vì lập luận dựa trên dữ liệu hoặc bằng chứng thực tế. Việc tiến tới một xã hội XHCN là một quá trình lâu dài và phức tạp, được quyết định bởi nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị và xã hội. Việc đưa ra kết luận phủ định hoàn toàn về mục tiêu này mà không có phân tích cụ thể là phiến diện.
Việc xây dựng một XHCN không thể thực hiện ngay lập tức mà là quá trình lâu dài. Lịch sử đã cho thấy nhiều quốc gia theo đuổi CNXH phải trải qua các giai đoạn chuyển đổi kinh tế và chính trị. Việc đặt ra các mốc thời gian không có nghĩa là “lừa bịp” mà là nhằm xác định tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Đó là điểm khác nhau giữa con ong xây tổ với một kiến trúc sư.
Lão Thất đã xuyên tạc phát ngôn và ý nghĩa của câu chữ. Câu phát ngôn được cho là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “đi hết thế kỷ này cũng chưa biết tới chưa” đã bị tách khỏi bối cảnh, dẫn đến hiểu sai mục đích và ý nghĩa thực sự. Thực tế, câu nói này phản ánh sự thừa nhận thách thức trong con đường xây dựng CNXH, chứ không phải là sự từ bỏ hay phủ nhận lý tưởng XHCN.
Lão Thất sử dụng các cụm từ như “chuyên láo” và “tuyên láo” là đã thiếu tinh thần thảo luận khách quan, dân chủ, minh bạch và nhằm xúc phạm thay vì tranh luận một cách hợp lý.Vì thế, chẳng những không có sức thuyết phục mà còn cho thấy tầm văn hóa của Lão Thất.
Dựa trên thực tế những thành tựu về kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua đã và đang chứng minh rằng mục tiêu xây dựng một xã hội phát triển theo định hướng XHCN không phải là viển vông hay “hoang tưởng”, như ý kiến của Lão Thất.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã giảm mạnh từ khoảng 58% vào đầu thập niên 1990 xuống dưới 02% vào năm 2024. Đây là một thành tựu đáng kể, thể hiện nỗ lực phát triển xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi Đổi Mới (1986) đến nay.
Trong vòng hai thập kỷ qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6-7% mỗi năm, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng ổn định này cho thấy sự phát triển bền vững theo định hướng XHCN.
Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, như CPTPP và EVFTA, góp phần vào việc tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này cũng cho thấy một nền kinh tế có độ mở cao nhưng vẫn bảo đảm định hướng phát triển XHCN, kết hợp giữa thị trường và nhà nước.
Không chỉ có thế mà còn theo ghi nhận của các tổ chức quốc tế như Báo cáo Phát triển Con người của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam đã liên tục tăng, và được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người trung bình cao. Theo đó, năm 2023/2024, HDI của Việt Nam đã tăng gần 50% trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2022, từ 0,493 lên 0,726. Với giá trị HDI này, Việt Nam xếp thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao. Sự cải thiện đáng kể này phản ánh những tiến bộ của Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và thu nhập. Việc chú trọng đầu tư vào phát triển con người đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì vậy, Chỉ số Hạnh phúc Thế giới (là một thước đo quan trọng phản ánh mức độ hài lòng và chất lượng cuộc sống của người dân tại các quốc gia) của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể là, năm 2016, Việt Nam xếp hạng 96/157 quốc gia với chỉ số hạnh phúc đạt 5,061 điểm, đến năm 2022 tăng lên xếp hạng 77 trên thế giới; năm 2023 tăng 12 bậc, xếp hạng 65 trên thế giới, và năm 2024 tiếp tục cải thiện, đứng thứ 54 trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm trước. Sự thăng hạng liên tục này phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Tóm lại, những thành tựu phát triển kinh tế, giảm nghèo và hội nhập quốc tế của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho tính đúng đắn trong định hướng xây dựng XHCN. Mọi sự đánh giá cần dựa trên thực tế và dữ liệu khách quan, thay vì xuyên tạc hay châm biếm phiến diện. Do đó, quan điểm của Lão Thất không chỉ thiếu cơ sở mà còn đi ngược lại tinh thần thảo luận dân chủ và công bằng.