Tăng cường sức đề kháng để phòng, chống văn hóa xấu độc, ngoại lai

Không rùm beng ồn ĩ, không hô hào, kích động ào ạt, mà cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra từ từ, ngấm ngầm, dai dẳng, nhưng vô cùng tai hại. Nếu không sớm nhận diện, tỉnh táo và có biện pháp phòng ngừa từ xa, văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ đứng trước thử thách “sinh tử” bởi “cuộc chiến mềm” đầy mưu mô, tính toán của các thế lực thù địch.

Sở dĩ người ta ví sự “xâm lăng văn hóa” như một “cuộc chiến mềm” bởi xuất phát từ vị trí, vai trò và chức năng của văn hóa. Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh nội sinh và sức sống của mỗi dân tộc, đồng thời được ví như “tấm thẻ căn cước”, “chứng minh thư” để nhận diện giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh tiếp thu, hấp thụ những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại, nước ta đang phải đối mặt với một thách thức, nguy cơ không nhỏ. Những năm gần đây, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha bị đảo lộn, nhiều hành vi phản văn hóa mới xuất hiện với tần suất lớn, mật độ dày và nhất là môi trường văn hóa xã hội đang bị “ô nhiễm nặng nề” đã và đang trở thành nỗi bất an đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc và tương lai đất nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cuộc “xâm lăng văn hóa” nhằm vào nước ta đang tấn công từ nhiều phía, từ nhiều con đường, thông qua nhiều hình thức, âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc.
Ảnh minh họa. 
Tại sao trong thời gian qua, dư luận hết sức băn khoăn bởi một bộ phận giới trẻ sa đà vào lối sống “gấp”, sống “thử”, sống co ro vào cái tôi nhỏ nhoi của mình? Tại sao nhiều thanh, thiếu niên nghiện trò chơi điện tử, nghiện xem phim sex, phim bạo lực đến mức báo động đỏ? Tại sao các vụ ly hôn trong gia đình trẻ, các vụ vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên và thanh niên liên tục gia tăng? Tại sao rất nhiều người trẻ đã bị lôi kéo, mê hoặc đến mức “phát cuồng” một số ca sĩ, diễn viên, ngôi sao bóng đá từ nước ngoài mà họ coi là thần tượng? Tại sao một số bộ phim vừa ra đời đã bị công luận tiến bộ cảnh báo là nhảm nhí, thảm họa, làm “vẩn đục” môi trường điện ảnh Việt Nam? Tại sao xuất hiện một số bài báo theo kiểu “lượm lặt đó đây”, “sưu tầm bốn phương”, “thông tin đa chiều”, “thế giới nhìn từ nhiều góc cạnh”… với nguồn thông tin không được kiểm chứng, thậm chí là những thông tin vô bổ, có xuất xứ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam? Tại sao một số nhà xuất bản đã dịch và in ấn những cuốn sách nước ngoài có nội dung xa lạ với nếp nghĩ, truyền thống của dân tộc ta?
Tất cả những biểu hiện nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó, căn nguyên vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo về tâm thế, bản lĩnh trước khi bước vào sân chơi toàn cầu, chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết nên đã bị choáng ngợp trước các những cuộc “xâm lăng mềm” về văn hóa. Trong khi đó, các thế lực thù địch, bá quyền đã tìm mọi cách, lợi dụng mọi sơ hở về chính sách, luật pháp của Việt Nam và lợi dụng tối đa những mặt trái của internet để cung cấp, truyền bá các tư tưởng lai căng, các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại vào nước ta. Với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, thông qua sản phẩm văn hóa, thông tin xấu độc xuất hiện ngày càng nhiều, các thế lực thù địch muốn tiêm nhiễm vào tâm hồn, suy nghĩ công chúng, nhất là giới trẻ, qua đó làm dao động niềm tin, chao đảo nhận thức, từng bước thay đổi tư tưởng, lối sống, tâm lý, hành vi của họ. Đó cũng là mưu đồ mà các thế lực thù địch muốn “chuyển đổi hệ giá trị” ở Việt Nam, làm cho giới trẻ bị cuốn vào lối sống vị kỷ, thực dụng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ngày càng xa rời lý tưởng, lẽ sống, niềm tin mà các thế hệ ông cha đã phải đổ bao xương máu, mồ hôi, công sức mới vun đắp, tạo dựng nên.
Cách đây gần 7 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, trong đó đã cảnh báo nghiêm khắc: “Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.
Văn kiện Đại hội XII cũng đã chỉ ra: “Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục… Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”.
Thông qua những cụm từ như: “Khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin”, “tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”..., cũng đủ thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà Đảng ta đã chỉ ra. Những cảnh báo đó đến nay vẫn chưa hề mất tính thời sự, hơn thế, có vấn đề còn trở nên đáng báo động hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: Mất đất có thể chưa mất nước, nhưng mất văn hóa là mất tất cả. Điều mấu chốt này tưởng như ai cũng hiểu, cũng thấu, nhưng trên thực tế, không ít tổ chức, cá nhân, trong đó đáng nói nhất là một bộ phận thanh, thiếu niên đã bị cuốn theo những “cơn lốc mềm” từ các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài mà không hề hay biết. Sự vô tình, thiếu hiểu biết đó cùng với những “tác động mềm” hết sức tinh vi của các thế lực thù địch đã làm cho bản sắc văn hóa truyền thống bị nhạt phai, có thể dẫn tới nguy cơ mất gốc và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta dễ bị lung lay, mọt ruỗng.
Trước thực tế không thể coi nhẹ, xem thường đó, vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta phải thường xuyên, tích cực bồi tụ, vun đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sức đề kháng văn hóa chính là tăng cường khả năng phòng ngừa, bảo vệ, chống lại các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Lịch sử đã minh chứng rằng, sức đề kháng văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu sức đề kháng văn hóa non nớt, nhu nhược, yếu kém sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các “vi rút văn hóa” độc hại có cơ hội nảy sinh, lây lan, làm xói mòn tâm hồn, cốt cách văn hóa dân tộc. Ngược lại, nếu sức đề kháng văn hóa mạnh mẽ, cường tráng sẽ góp phần làm cho văn hóa Việt Nam không những giữ gìn được gốc gác, cội nguồn, bản sắc của mình, mà còn có thể đẩy lùi, tiêu trừ, loại bỏ được các tạp chất gây hại cho môi trường văn hóa dân tộc. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, việc huy động các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay góp sức bồi đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa cho dân tộc chính là bảo đảm cho tư thế, bản lĩnh, sức sống và sức mạnh văn hóa Việt Nam luôn trường tồn, bền vững trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu bảo đảm cho những giá trị, tinh hoa của dân tộc không bị pha trộn, mất gốc hay đồng hóa trước các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.  
PHÚC NỘI

Cảnh giác với thủ đoạn “xào xáo thông tin”

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội và internet xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, nhất là những thông tin liên quan đến cán bộ, chiến sĩ quân đội như: Hình ảnh chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới; cán bộ, sĩ quan uống rượu, bia; bộ đội xô xát với nhân dân…

Hầu hết các vụ việc trên là do một số kẻ cơ hội tạo dựng, hoặc tô vẽ, nhào nặn, gán ghép, trong đó đáng chú ý là thủ đoạn chiếm dụng tài khoản cá nhân, “làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới” nhằm xuyên tạc sự thật, bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Thủ đoạn chiếm dụng tài khoản cá nhân (Gmail, Facebook, Twitter…) được thực hiện khá tinh vi, thông qua việc dẫn dụ cán bộ, chiến sĩ sử dụng mạng xã hội và internet vào xem các tin, bài viết, hình ảnh, tin nhắn “giật gân”, “câu khách”… qua đó sử dụng các thao tác kỹ thuật để lấy cắp thông tin của người dùng, nhất là những thông tin có liên quan đến hoạt động quân sự, quốc phòng, quan hệ gia đình, xã hội, sinh hoạt cá nhân, rồi đem gán ghép, trộn lẫn thông tin thật - giả, tán phát trên các trang mạng xã hội và internet… Thủ đoạn “làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới” được chúng tiến hành khá “bài bản”; thông tin được lựa chọn, tạo dựng thường là những hình ảnh, clip cũ có liên quan đến một số quân nhân đã xuất ngũ, hoặc là các sự việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu, sau đó chúng lựa chọn thời điểm để tán phát thông tin tạo sự chú ý. Thời điểm mà các đối tượng lựa chọn thường là trước mùa tuyển quân, giao nhận quân, hoặc trước các sự kiện chính trị của đất nước, quân đội,…
Để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn và hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của trên về công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và quân đội. Thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm các quy định của quân đội trong việc tạo lập và sử dụng các thông tin, hình ảnh với tư cách quân nhân trong các giao dịch trên các trang mạng xã hội và internet, trong quản lý, sử dụng, lưu trữ an toàn các thiết bị điện tử thông minh của cá nhân. Tăng cường quản lý kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong đơn vị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tiến hành các biện pháp xử lý thông tin sai lệch tán phát trên các trang mạng xã hội và internet. Nắm, quản lý, dự báo, thông tin định hướng tư tưởng kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc, nhất là những thông tin ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống, uy tín của quân đội; nhân phẩm và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Phát huy vai trò các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí, các học viện, nhà trường; đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học trong quân đội, tăng cường đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Một mặt phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những tấm gương bình dị mà cao quý, hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.
Mỗi người sử dụng internet và mạng xã hội cần có cái nhìn khách quan, để không bị nhầm lẫn giữa hiện tượng cá biệt với bản chất sự việc và không nên tán phát, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip... có nội dung xấu độc khi bản thân mình chưa tìm hiểu kỹ xem sự việc đó, thông tin đó đúng-sai thế nào, để tránh mắc mưu những kẻ chuyên cắt xén, bịa đặt thông tin.
THIỆN VĂN

Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn

Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 là một cơn "động đất chính trị" lớn của thế kỷ 20. Nó có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với thế giới xã hội chủ nghĩa và độc lập dân tộc mà còn cả đối với thế giới tư bản chủ nghĩa.

Các ông trùm chiến lược, chiến lược gia và chính khách cỡ bự của chủ nghĩa tư bản đều vỗ tay ăn mừng rằng đây là hồi chuông báo tử, rằng xã hội chủ nghĩa sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ 20. Ta nhận định hoàn toàn ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới là một tổn thất lớn, nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu, tin rằng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ giữ vững trận địa, các đảng cộng sản và công nhân sẽ khôi phục hoạt động trong điều kiện mới và xu thế xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục đi lên dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ảnh minh họa/TTXVN 
Câu trả lời bước đầu đã có vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chủ nghĩa xã hội không hề diệt vong. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Từ vùng Trung-Nam Mỹ đã phát sinh phong trào xã hội chủ nghĩa kiểu Mỹ La-tinh, khởi đầu từ Vê-nê-du-ê-la rồi lan ra một số nước khác, nay tuy đang gặp nhiều khó khăn và có bước thụt lùi. Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người. Ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008 đến nay, vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế”, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau.
Điểm qua như thế để thấy rõ rằng, gần 30 năm qua, xung quanh vấn đề trên theo hay không theo chủ nghĩa xã hội, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội ở nước ta cũng không thuần nhất mà khá phức tạp.
Để góp phần phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gần đây, ban tổ chức một hội thảo có đề nghị tôi viết tham luận nội dung “phê phán quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Tôi nghĩ, quan điểm sai trái này không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu, từ sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng từ đó đến nay, những kẻ chống đối không còn nói nhẹ nhàng như thế, họ thẳng thừng nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa…”. Và đến thời điểm chúng ta đang tiến hành “phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, có người mang danh đảng viên còn ngạo mạn nói rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ Hội nghị thành lập Đảng (1930) mà là từ Hội nghị Tua (1921). Ý tứ phía sau là gì, chắc mọi người chúng ta đều biết.
Quan điểm cho rằng “chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” là sai lầm. Sai lầm ít nhất là ở mấy điểm sau đây:
Về sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu
1. Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
2. Chế độ Xô-viết ngay từ lúc mới ra đời ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười (1917) và sau này trên toàn Liên bang Xô-viết, đã tỏ rõ được tính ưu việt so với các chế độ chính trị-xã hội trước đó. Chính quyền Xô-viết thực sự là chính quyền của công, nông, binh và của nhân dân lao động nói chung. Nhờ tính ưu việt đó, nó đã đánh thắng cuộc chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười, lập lại hòa bình và xây dựng chế độ mới, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành công, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức-Nhật, dẫn tới sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đạt được những thành công lớn, khiến cho Đảng và Nhà nước Xô-viết ngộ nhận là chủ nghĩa xã hội đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sự thật thì cũng thời gian đó, nhiều nhược điểm và khuyết tật trong nội bộ Nhà nước Xô-viết cũng đã bắt đầu hé lộ, nhất là khi so sánh với những bước phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa thời đó. Nếu vì sự sụp đổ sau này mà phủ nhận sạch trơn những gì chế độ Xô-viết đã giành được là một sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
3. Sau khi phát hiện sự chậm trễ của mình, Liên Xô đề ra chính sách cải tổ; các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đề ra cải cách. Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi hơn. Sai lầm của Liên Xô và các nước Đông Âu lúc đó là đã sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội, khiến cho ở Đông Âu, chính quyền bị các thế lực thù địch cướp lấy, còn Liên Xô thì chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, cuối cùng, chính quyền cũng lọt vào tay nhóm chống đối trong Bộ Chính trị, những kẻ chống chính quyền Xô-viết từ rất sớm. Không thấy nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là ở đây mà coi sự sụp đổ là tất yếu của chính quyền Xô-viết cũng là sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
4. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên (tuy chưa hết), còn có một nguyên nhân trực tiếp khác nữa là âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Trong khi lãnh đạo Liên Xô chủ trương thi đua hòa bình thì chúng một mặt đẩy mạnh chạy đua vũ trang, mặt khác đề ra chiến lược “diễn biến hòa bình” để xóa bỏ chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh và súng đạn. Liên Xô và nhiều nước khác đã sa vào cái bẫy này mà không tự giác phát hiện.
Về sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
5. Đúng là ngay từ ngày mới thành lập, Đảng ta đã đề ra chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Như cách nói ngày nay, đó là làm cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đề ra xuất phát từ thực tế tình hình nước ta lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, cũng xuất phát từ xu thế phát triển có tính quy luật của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười là tiến lên chủ nghĩa xã hội. 87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?
6. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam học tập kinh nghiệm của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đi trước nhưng hoàn toàn không có sự sao chép. Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là mô hình Xô-viết của Liên Xô bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ một bên là từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Bác Hồ từng nói, Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chủ nghĩa xã hội đối với Bác như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhầm lẫn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mô hình Xô-viết là một sự sai lầm lớn.
7. Vào những năm Liên Xô và Đông Âu tiến hành cải tổ và cải cách, Việt Nam cũng đề ra đường lối đổi mới. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện từ những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng đổi mới toàn diện, trở thành đường lối chính thức của Đảng ta vào cuối năm 1986, theo nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đổi mới của chúng ta không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu. Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “đổi mới là nửa vời, không nhất quán”. Sự thật là đổi mới của chúng ta qua 30 năm đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.
8. Tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy: Nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011 chỉ rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Cương lĩnh nêu lên 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…
Thử hỏi con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội xán lạn như vậy tại sao ta phải từ bỏ chỉ vì mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?
Trong khi nêu lên 8 sai lầm như trên, tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?
HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương

Huy động sức mạnh của cả cộng đồng

Trong ngày 11-1, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nhận được nhiều cuộc điện thoại, thư điện tử của các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước gửi về bày tỏ thái độ trước những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý của các phần tử cơ hội lợi dụng mạng xã hội, internet để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Các tầng lớp nhân dân cũng đề xuất, kiến nghị, hiến kế để cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp có những giải pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết, triệt để những trường hợp vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.


* Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương:
Sức dân là sức mạnh để bảo vệ Đảng, Nhà nước
Tôi cho rằng, không phải bây giờ mà từ lâu, các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội, Internet và coi đây là phương tiện quan trọng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Việc các đối tượng phản động lợi dụng Internet để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội là việc làm trái pháp luật, đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc, thể hiện rõ quan điểm sai trái và thù địch. Đằng sau việc hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mục đích sâu xa hơn của chúng là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, từ đó thực hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
 
Vào thời điểm hiện nay, không chỉ nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đối tượng phản động lại đang tiến hành xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta. Có người mang danh đảng viên còn ngạo mạn cho rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ Hội nghị thành lập Đảng (1930) mà từ Hội nghị Tua (1921)... Ý tứ phía sau của những kẻ cơ hội, phản động là gì, chắc mọi người chúng ta đều biết.
Từ bản chất âm mưu chống phá của các lực lượng thù địch, nhất là việc dựng chuyện, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trên Intenet, trước tiên chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những đối tượng kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối nội bộ, lợi dụng và sử dụng mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây chính là một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra.
Theo tôi, ngoài các cơ quan chức năng, cần phải phát huy tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Vì nhân dân là "tai mắt" quan trọng, là người giám sát, đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước ngay từ cơ sở. Nếu chúng ta huy động được sức mạnh từ nhân dân, thì những kẻ chống đối, phản động sẽ không còn cơ hội để thực hiện mưu đồ của chúng. Chúng ta cũng cần xây dựng các lực lượng “tinh nhuệ”, đấu tranh trực diện với lực lượng phản động, chống phá để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, báo chí quân đội nói riêng thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng. Cuộc đấu tranh ấy mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc kiểm điểm, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, rút kinh nghiệm kịp thời những hạn chế khuyết điểm, để tạo niềm tin, góp phần củng cố mối đoàn kết gắn bó giữa nhân dân với Đảng, giữa Đảng với nhân dân. Có dân giúp sức, có dân tham gia sẽ có sức mạnh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
TRỊNH DŨNG (ghi)
* Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, đời tư cá nhân một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Qua theo dõi tôi thấy, những thông tin xuyên tạc này xuất hiện vào dịp nhân dân ta, dân tộc ta kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại không có gì lạ. Bởi, đối tượng đưa ra những luận điệu sai trái đó là những kẻ chống đối chế độ, chúng muốn chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
 
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay, những đối tượng phản động dễ dàng đưa những thông tin đổi trắng thay đen, khiến không ít người dân hoang mang, khó có thể phân biệt được đúng sai, thật giả. Để chống lại những luận điệu sai trái, thông tin xuyên tạc, theo tôi những vấn đề gì có thể công khai cho nhân dân biết, thì qua phương tiện thông tin đại chúng, qua báo chí chúng ta nên công khai thông tin. Mỗi khi có những thông tin sai lệch, xuyên tạc thì các báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng phải có những bài viết tăng cường tính đấu tranh chống những luận điệu sai trái, xuyên tạc này. Cùng với đó, chúng ta cần xử lý kiên quyết những kẻ đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật bằng những bản án nghiêm.
Bên cạnh đó, điều đặc biệt quan trọng là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp cơ sở phải có những buổi sinh hoạt thường xuyên, trong đó cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên, cựu chiến binh phải làm nòng cốt trong cuộc chiến này. Ngoài ra, công tác tuyên truyền ở địa bàn khu dân cư cũng phải được quan tâm, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở từng khu dân cư phải nắm bắt được tình hình ở địa bàn, tuyên truyền để người dân hiểu về những âm mưu thâm độc của kẻ thù... Có như vậy, chúng ta mới đập tan mọi hành vi xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó củng cố niềm tin cho nhân dân.
ĐỨC THỊNH (ghi)
* Đại tá NGUYỄN VĂN TÍN, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị:
Kịp thời định hướng, giữ vững niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ
Phải khẳng định ngay rằng, thông tin mà những kẻ phản động, chống đối bịa đặt để bôi nhọ, hạ thấp, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đời tư của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội thời gian qua là việc làm không thể chấp nhận được. Đó là thủ đoạn bất nhân, trắng trợn, không chỉ vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, mà còn chà đạp lên luân thường đạo lý của một dân tộc giàu truyền thống nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
 
Trước tình hình trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Tuyên huấn đã chủ động nắm chắc tình hình, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng sự thật đến cán bộ, chiến sĩ; sớm định hướng tư tưởng, dư luận, giúp bộ đội hiểu đúng sự thật, tạo đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Đây là phương cách mà cơ quan chức năng và cấp ủy, chỉ huy các cấp nhanh chóng “vô hiệu hóa” mọi luận điệu, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, cơ quan chức năng các cấp cũng đã sớm nhận diện, chủ động phối hợp đẩy mạnh đấu tranh; tham mưu triển khai các biện pháp, phát huy vai trò xung kích của các bộ phận chuyên trách trong việc bóc trần mưu đồ, hạ bệ thủ đoạn của những kẻ vô nhân tính, xúc phạm tình cảm, danh dự chung của quân đội... Bằng những cách làm đó của cấp ủy, chỉ huy các cấp bảo đảm cho đời sống tư tưởng, tâm lý của bộ đội ngày càng ổn định; niềm tin vào uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội được giữ vững.
Ở đây cũng cần nói thêm rằng, sự bịa đặt trắng trợn của các thế lực thù địch không thể tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm bộ đội. Bởi lẽ, cán bộ, chiến sĩ vốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tình cảm đặc biệt dành cho các đồng chí lãnh đạo trong quân đội. Có chăng, ở đây sự tác động càng làm cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị hết sức bức xúc trước thủ đoạn trắng trợn, dã tâm xấu xa của những kẻ rắp tâm chống phá quân đội, chống phá cách mạng. Do đó, toàn quân đang chung một ý chí đấu tranh, chung một quyết tâm loại bỏ; chủ động làm thất bại hoàn toàn những thủ đoạn, mưu đồ xấu xa của các thế lực thù địch...
NGUYỄN TẤN TUÂN (ghi)
Đại tá, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa, Phó giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân:
Không nghe, không tiếp nhận là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất
Có thể nói những thông tin bịa đặt, bội nhọ, vu khống, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an trên mạng xã hội của các thế lực thù địch trong thời gian vừa qua không gì khác ngoài mục đích cuối cùng là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng với LLVT và nhân dân. Đây là hoạt động vô cùng nguy hiểm cả trên phương diện tư tưởng, đạo đức và pháp lý. Cần khẳng định rằng, các thế lực thù địch càng xuyên tạc, càng bịa đặt, vu khống, bội nhọ bao nhiêu thì càng phơi bày, tự lật tẩy bộ mặt cùng dã tâm đen tối và hành vi xảo quyệt, thâm độc và vô văn hóa của chúng. Hành vi này chắc chắn sẽ không thể lừa bịp được những người hiểu biết, có trách nhiệm và có tình yêu với Tổ quốc. Đây chính là một trong những phương thức mà kẻ thù tự bôi đen, tự hủy diệt chính mình. 

leftcenterrightdel
 
Bởi vậy, để đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cần nâng cao nhận thức cho nhân dân và cán bộ, đảng viên; tuyên truyền để nhân dân thấy rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn; cung cấp cho nhân dân những thông tin thực chất của vấn đề để chứng minh sự thật không giống như những gì mà chúng xuyên tạc. Khi đã hiểu đúng được bản chất thì dù có vu khống, xuyên tạc như thế nào thì cũng không thể thâm nhập được vào đời sống, thực tiễn, hay chuyển được ý chí, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với sự nghiệp chung của dân tộc và cũng không có khả năng bôi đen các đồng chí lãnh đạo của chúng ta nữa.

Trong cuộc đấu tranh này, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hai lực lượng chủ công, mũi nhọn. Cùng với Quân đội nhân dân thì lực lượng Công an nhân dân sẽ kiên quyết truy tìm những kẻ cố tình đưa ra những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc và sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của LLVT, mà còn là tình cảm, trách nhiệm, lương tâm của mỗi người. Đối với với cuộc đấu tranh này, tổ chức tốt công tác nắm tình hình là vấn đề then chốt, sau đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức đấu tranh để vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của chúng. Với quyết tâm như thế và triển khai đồng bộ các biện pháp, tôi tin rằng với sự ủng hộ, đồng lòng rất cao của nhân dân, đồng bào, đồng chí, nhất định trong cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ “vạch mặt, chỉ tên”, nghiêm trị thích đáng các thế lực đen tối ấy. Khi người dân không nghe, không tiếp nhận, không đồng tình với luận điệu xuyên tạc thì đó là sự trừng trị nghiêm khắc nhất với những kẻ có dã tâm đen tối.
KIM DUNG (ghi)
* Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội):
Mạng xã hội tuy ảo nhưng vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật
Trên mạng xã hội, cá nhân được quyền phát biểu quan điểm của mình. Tuy nhiên, những ý kiến, quan điểm đó không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và đời tư của người khác. Vì như vậy sẽ vi phạm pháp luật. Dù mạng xã hội ảo nhưng pháp luật đều điều chỉnh các hành vi, hoạt động của tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực này. Theo quy định của pháp luật, hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác là trái pháp luật nên người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
 
Theo đó, việc đưa và tán phát thông tin xuyên tạc, vu khống bôi xấu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân, tổ chức là hành vi bị pháp luật cấm (quy định tại Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ). Việc xử lý hành vi vi phạm nói trên được áp dụng theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ. Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, vi phạm có tính nguy hiểm cho xã hội thì tùy từng trường hợp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh sau: Tội vu khống (Điều 122 Bộ luật Hình sự), Tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật Hình sự), nếu xác định được chính xác người tung tin đồn sai sự thật với lỗi cố ý và tin đồn đó có tính chất vu khống thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm...  Nếu không xác định được chính xác người tạo ra tin đồn sai sự thật mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm; bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng...
VĂN MINH (ghi)
* Binh nhất Nguyễn Trác Hưng, Đại đội 14, Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh):
Chiến sĩ trẻ luôn cảnh giác, không bị tác động
Thời gian gần đây, chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thông báo trên một số trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Chúng tôi vô cùng bất bình trước thông tin bịa đặt của những phần tử cơ hội, mất nhân tính, chà đạp lên truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. 
 
Qua học tập ở đơn vị, chúng tôi được biết, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội đều là những người có nhiều đóng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân. Chúng tôi hiểu một trong những mục đích của các phần tử cơ hội là nhằm làm suy giảm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Bởi vậy, chúng tôi luôn cảnh giác và không bị lay chuyển trước những thông tin bịa đặt này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan pháp luật của Nhà nước sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, đưa những kẻ “ném đá giấu tay” ra ánh sáng, xử phạt nghiêm minh để làm gương.
Là những quân nhân, chúng tôi hết sức tự hào về truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam; tự hào về lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ cha anh đã không ngại gian khổ, hy sinh, dũng cảm, gan dạ chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để chúng tôi có được cuộc sống tươi vui, hạnh phúc ngày hôm nay. Đó là những tấm gương sáng ngời tinh thần cách mạng, vì nước, vì dân để chúng tôi mãi mãi học tập, noi theo. Chúng tôi tự hào về dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam; tự hào về lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
TRẦN HƯNG QUỐC (ghi)
* Sinh viên Hoàng Thị Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Thông tin xấu, độc không có "đất sống" trong thanh niên
Tôi năm nay 21 tuổi, cảm thấy rất phẫn nộ khi thời gian qua trên mạng xã hội một số phần tử cơ hội phát tán clip xúc phạm danh dự một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín cán bộ lãnh đạo, mà còn có tác động đến tư tưởng của lớp trẻ.
 
Dù sinh ra và lớn lên trong thời bình, nhưng tôi cũng như nhiều bạn trẻ luôn biết ơn những người đi trước. Biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh..., cán bộ lão thành cách mạng đã hy sinh thân mình, cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với nhân dân và chế độ XHCN. Thanh niên ở mọi miền Tổ quốc luôn xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; luôn hiếu học, cần cù, sáng tạo; đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Thanh niên Việt Nam đã có nhiều chiến công xuất sắc đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc.
Có được kết quả đó bởi thanh niên Việt Nam được Đảng, Bác Hồ và các cấp ủy, chính quyền quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện; tạo cơ hội để thanh niên xung kích, sáng tạo tham gia phong trào cách mạng của quần chúng, của tuổi trẻ... Từ đó, tôi tin chắc rằng, những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu, độc bôi nhọ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội của các phần tử cơ hội trên mạng xã hội sẽ không có "đất sống" trong mỗi con người Việt Nam nói chung, trong thanh niên Việt Nam nói riêng. Tôi mong rằng, các bạn đoàn viên thanh niên không nghe, không tin những luận điệu xuyên tạc, những thông tin xấu, độc; đồng thời cần nêu cao tinh thần cảnh giác, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tự tin phấn đấu góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân đối với tuổi trẻ Việt Nam.
THU HẰNG (ghi)

Cần có biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết hơn

LTS: Chỉ trong hai ngày (9 và 10-1), sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài viết "Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý", tòa soạn nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, thư điện tử gửi về bày tỏ quan điểm và sự bức xúc trước những hành vi phi nhân tính của một số phần tử cơ hội dựng chuyện, nói xấu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội trên mạng xã hội thời gian qua.

 Xử lý kịp thời những kẻ xuyên tạc, bịa đặt

 Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý

Trên số ra hôm nay, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích đăng ý kiến của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện thái độ của mình xung quanh vấn đề nêu trên.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương:
Phải thực thi “pháp trị” nghiêm minh
Những ngày gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin bịa đặt, bôi nhọ, hạ thấp uy tín một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, trong đó có những thông tin bịa đặt hết sức trắng trợn, trơ trẽn xúc phạm danh dự, uy tín của cán bộ. Đây thực sự không chỉ là một luận điệu, hành vi bỉ ổi, vô đạo đức của những kẻ tung tin bịa đặt để xúc phạm danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo và gia đình, mà còn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân, của các thế lực thù địch. Những thông tin này nếu còn tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho đất nước, cho dân tộc. Theo tôi, để đập tan những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của những kẻ cơ hội, những kẻ tiểu nhân, cách tốt nhất là cần công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống để mọi người dân được biết. Thực tế, người dân chân chính lo lắng, quan tâm đến sức khỏe của đồng chí Phùng Quang Thanh, bởi ông là một vị Đại tướng uy tín, một tấm gương chiến đấu dũng cảm, một cán bộ tận tụy, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, một Anh hùng LLVT nhân dân... Đó là điều đương nhiên. Khi thông tin trong nhân dân không được giải đáp, khi chúng ta không cấm được dư luận, còn thế lực thù địch thì không ngừng tuyên truyền bằng nhiều cách thì công khai thông tin, định hướng xã hội trên báo chí là thượng sách. Đất nước chúng ta hiện có hàng trăm tờ báo, chúng ta phải giành thế chủ động hơn nữa, báo chí tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để những nội dung bịa đặt, xuyên tạc của những kẻ cơ hội bị lật tẩy, không thể xúc phạm tới cá nhân, gia đình các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội; không thể ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, quân đội; gây nên sự hiểu lầm trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.
 
Tôi rất yêu thích những bài viết trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của Báo Quân đội nhân dân bởi sự sắc sảo, thuyết phục trong từng câu chữ. Tôi cũng rất đồng tình với nội dung bài viết “Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo đức và pháp lý” được đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-1. Trong ba “trị” là “đức trị, dân trị, pháp trị” thì chỉ có “pháp trị” thật nghiêm minh đối với những kẻ vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, những phần tử cơ hội chỉ vì mục đích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, mới là thích đáng...
KIM DUNG (ghi)
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4:
Mỗi người dân cần có trách nhiệm đấu tranh
Thời gian vừa qua, một số phần tử chống đối Đảng, Nhà nước lợi dụng các trang mạng xã hội loan truyền không ít thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đời tư một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Dụng ý của những phần tử cơ hội là nhằm tạo dư luận xấu để hạ uy tín cán bộ; gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội ta.
 
Với thủ đoạn hết sức xảo quyệt và đê hèn, các thế lực thù địch lập ra hàng trăm trang web, sử dụng nhiều tài khoản facebook để thu thập, bịa đặt, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật-giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, thu hút sự hiếu kỳ của người xem, người đọc, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, chúng lợi dụng những khó khăn của đất nước, những vụ việc tiêu cực, những vấn đề bức xúc của nhân dân; lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... để bịa đặt thông tin, tổ chức lực lượng tham gia bình luận, lập lờ trắng-đen, gây hoài nghi nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội đưa thông tin xuyên tạc. Việc làm đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân về cách xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý những kẻ cố tình lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, bôi xấu, xúc phạm danh dự tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần chủ động cung cấp kịp thời cho người dân những kiến thức cần thiết, những thông tin định hướng để mỗi người tự sàng lọc, loại bỏ những thông tin lệch lạc, xấu độc gây nhiễu loạn, tác động không tốt đến xã hội. Đảng ta là đảng cầm quyền. Thực tiễn lịch sử cách mạng đã minh chứng: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm, thể hiện nghĩa vụ của mình góp phần bảo vệ và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt, trong điều kiện thông tin bùng nổ như hiện nay, từng người cần tỉnh táo để phân biệt đúng-sai, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng.
ĐỨC THỊNH (ghi)
Ông Lê Quang Bất, Phó bí thư Đảng ủy xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắc Lắc):
Chủ động thông tin để kịp thời định hướng dư luận 
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít hình ảnh, video clip liên quan đến đời tư một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Thực tiễn qua kiểm chứng, chúng tôi nhận thấy đây đều là các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vi phạm pháp luật nghiêm trọng; thể hiện rõ mưu đồ xấu xa của những kẻ bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của mình. Các thông tin bịa đặt xuất hiện trên một số trang mạng xã hội làm cho nhiều người nhầm tưởng, gây sự hoài nghi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
 
Nhận thức được tính nguy hại của những thông tin xấu độc, nên ở địa phương chúng tôi, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên liên hệ với cơ quan chức năng để thẩm định tính chính xác của thông tin. Sau khi có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời thông báo cho nhân dân trên địa bàn biết được tính xác thực của thông tin. Đối với những thông tin bịa đặt, chính quyền các cấp định hướng cụ thể để người dân không chia sẻ, tán phát, gây dư luận không tốt. Cùng với sử dụng hệ thống truyền thanh, chính quyền địa phương còn chỉ đạo đoàn thanh niên sử dụng facebook để định hướng thông tin. Thực sự, việc sử dụng facebook đã phát huy tác dụng rất hiệu quả, bảo đảm thông tin nhanh, định hướng kịp thời, nhất là đối với lớp trẻ. Ngoài ra, đối với lớp trẻ, những người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, các tổ chức đoàn còn chủ động cung cấp những địa chỉ các trang mạng phản động, có âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước để mỗi người biết và không truy cập, không chia sẻ thông tin, không tham gia bình luận…
Từ kinh nghiệm của địa phương, để nhân dân không bị kẻ xấu lợi dụng, các cơ quan chức năng, trước hết là cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần kịp thời có những giải pháp vạch trần bản chất xấu xa, thâm độc của những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do internet để chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, bất bình trong xã hội. Về phía mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ khi tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo và biết sàng lọc thông tin để không mắc mưu các thế lực thù địch, phản động gây phương hại đến xã hội và đất nước…
VĂN CHUNG (ghi)
Đại tá, PGS, TS ĐỖ DUY MÔN, Học viện Chính trị:
Không thể chấp nhận sự chà đạp luân thường đạo lý
Tôi cho rằng, việc bịa chuyện nói xấu các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội là một hành động chà đạp trắng trợn lên luân thường đạo lý của dân tộc Việt Nam. Xưa nay, cha ông ta vẫn thường răn dạy con cháu rằng, không được vạ mồm nói chuyện “người kia chết, người này mất” khi họ vẫn còn sống, thậm chí không mang chuyện sống-chết ra làm trò đùa. Ấy vậy mà, chỉ vì sự hiềm khích, thực hiện mưu đồ dã tâm, những kẻ phản động lại trắng trợn bịa chuyện. Đó là thủ đoạn không thể chấp nhận được; xúc phạm đến cá nhân, gia đình; xúc phạm đến tình cảm của người dân Việt Nam và chà đạp lên đạo lý của một dân tộc văn hiến, nhân đạo.
 
Như chúng ta đã biết, khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thế hệ người Việt Nam tình nguyện xung phong lên đường đi đánh giặc. Rất nhiều gia đình người Việt Nam thể hiện rõ truyền thống "Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành". Họ đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt, cống hiến tuổi trẻ, xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; nhiều thôn, xóm, làng, xã... được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì có những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
Xin lược lại vài điều như vậy để thấy rằng, không ai có quyền xúc phạm đến danh dự của những người đã hiến dâng xương máu của mình vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chúng tôi ủng hộ nội dung và cách tiếp cận của bài viết “Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý”, đồng thời thiết tha đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm sáng rõ mọi việc và nghiêm trị thích đáng bằng pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta đã có hệ thống pháp lý và hành lang kỹ thuật tương đối đồng bộ, đủ mạnh để xử lý các đối tượng xấu tung tin bịa đặt. Hơn thế, đã có nhiều đối tượng bịa đặt, vu khống, nói xấu Đảng, chế độ và cá nhân các đồng chí cán bộ lãnh đạo bị xử lý nghiêm minh trong thời gian qua… Vì vậy, chúng tôi chờ đợi sự công minh, nghiêm minh của pháp luật, trừng trị thích đáng đối với những kẻ "táng tận lương tâm"...
SÔNG TRÀ (ghi)
Ông Đỗ Thế Trà, thôn 7, xã Đội Cấn, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang):
Không để quan điểm sai trái, xấu độc tác động vào các tầng lớp nhân dân
Mới đây, trong buổi sinh hoạt thôn, tôi đã có ý kiến đề nghị cấp trên và các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết đối với những đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội tán phát thông tin, xuyên tạc, vi phạm đời tư các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Tôi thấy rằng, các thông tin bịa đặt không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo, mà còn ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương. Ý kiến của tôi được cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn 7 hết sức đồng tình. Vì vậy, khi đọc bài viết "Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý", đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-1, bà con thôn 7 đề nghị tôi viết ý kiến thể hiện rõ thái độ của mình trước những hiện tượng vô nhân tính trên.
 
Qua theo dõi, tôi nhận thấy thời gian gần đây hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta của các thế lực thù địch diễn ra ngày càng xảo quyệt, bất chấp và hết sức trắng trợn, nhất là họ lợi dụng tính hiếu kỳ, thông qua mạng xã hội để bôi nhọ, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Từ thực trạng đó, tôi đề nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý; đồng thời xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở cơ sở. Khi phát hiện có những thông tin bịa đặt, vu khống, hạ thấp uy tín của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, từng cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính quyền các cấp phải có giải pháp phù hợp để kịp thời bác bỏ và định hướng dư luận. Đối với nhân dân, nhất là những người trẻ tuổi cần tỉnh táo khi tiếp cận thông tin, không nghe, không đọc, không tin, không bàn luận, không chia sẻ các loại thông tin xấu độc, bịa đặt...
MINH ĐĂNG (ghi)
Ông Phạm Xuân Thường, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIII:
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan chức năng
Để đập tan những hành vi bôi nhọ, xuyên tạc của một số cá nhân trên mạng xã hội thì báo chí chính thống cần phải vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường lượng bài viết để cung cấp đến bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các cá nhân vi phạm với hình thức đủ mạnh để răn đe, cảnh tỉnh, đồng thời trừng trị thích đáng những đối tượng cố tình tán phát thông tin sai sự thật. Xử lý kiên quyết, kịp thời những trường hợp vi phạm là giải pháp quan trọng đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.
 
Thời gian qua, việc điều tra, bắt giữ, xử lý những đối tượng tung tin bịa đặt, nói xấu lãnh đạo các cấp đã được các cơ quan chức năng triển khai, bước đầu có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh khá hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng để ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng nêu trên, cần xác định rõ trách nhiệm hơn nữa đối với từng cơ quan theo thẩm quyền, chức năng được pháp luật quy định. Sẽ là không hiệu quả và cũng chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt được tình trạng lợi dụng internet, lợi dụng mạng xã hội để các phần tử cơ hội tán phát thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, nếu các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp không có biện pháp đủ mạnh; không làm hết trách nhiệm và thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Chính quyền là của dân, do dân và vì dân; Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt thực hiện và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đất nước đang trên đà phát triển toàn diện, với những thành tựu đạt được mang ý nghĩa lịch sử. Vì vậy, mọi người dân yêu nước chân chính sẽ không thể và không bao giờ chấp nhận những kẻ cơ hội, bán rẻ lương tâm, phẩm giá của mình, gây tổn hại đến dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước. Cùng với việc lên án, phỉ báng những kẻ hám lợi, vô lương tâm thì cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan chức năng...
CƯỜNG NGUYỄN (ghi)
Ông Phạm Văn Bảy, Hội trưởng Ban trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, TP Cần Thơ:
Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch sẽ thất bại
Ngày 9-1, tôi đọc bài viết “Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý” trên Báo Quân đội nhân dân. Tôi cũng như bà con ở địa phương hết sức đồng tình với quan điểm được nêu trong bài viết. Với vai trò là Hội trưởng Ban trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, TP Cần Thơ tôi khẳng định: Những thông tin mà một số phần tử cơ hội lợi dụng mạng xã hội để tán phát nói xấu, dựng chuyện đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội thời gian gần đây hoàn toàn là những luận điệu phản động nhằm âm mưa chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy: Thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch xác định tôn giáo là một lĩnh vực trọng điểm nhạy cảm và tìm mọi cách xuyên tạc. Chúng lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá, kích động, lôi kéo nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và việc dựng chuyện, xuyên tạc, xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như thời gian qua là phương thức hết sức xảo quyệt mà các phần tử cơ hội đang tiến hành trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, với những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chúng tôi tin chắc rằng âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch sẽ bị thất bại. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần có những biện pháp đủ mạnh xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp cố tình lợi dụng tôn giáo; lợi dụng tự do thông tin, tự do ngôn luận để xuyên tạc đường lối, chống phá Đảng, Nhà nước, gây sự hoài nghi trong xã hội.
THÚY AN (ghi)