Minh chứng phản bác các nhận định sai lệch trong “báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2024” của USCIRF

Thứ Bảy, 15/06/2024, 06:51

Việt Nam luôn nỗ lực và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này không chỉ được thể hiện trong các quy định của Hiến pháp, pháp luật mà còn được minh chứng sống động trong thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trên nhiều khía cạnh. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Không ngừng hoàn thiện quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp, pháp luật

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Ngay từ buổi đầu thành lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương và đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết" và điều này đã trở thành nguyên tắc trong chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ lịch sử.

Minh chứng phản bác các nhận định sai lệch trong “báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2024” của USCIRF -0
Lực lượng chức năng thường xuyên thăm hỏi, vận động chức sắc tôn giáo tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Ảnh: Báo CAND

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước đến nay, quan điểm, chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, thể chế hóa trong các văn bản như: các văn kiện Đại hội Đảng từ Đại hội VII đến Đại hội XIII; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo... Tư duy, nhận thức về tôn giáo không ngừng được hoàn thiện khi Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước.

Để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được phát triển, hoàn thiện. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp sau này đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trọng những quyền cơ bản của con người.

Trong đó, tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể: "1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và căn cứ vào đời sống thực tiễn về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Xuất bản, Luật Đất đai sửa đổi (trong đó có nội dung đất đai liên quan đến tôn giáo). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Minh chứng thực tiễn về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ (trong đó có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo), chiếm khoảng 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; trên 144.00 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Việt Nam cũng là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số di tích đã được UNESCO ghi đanh là di sản thế giới.

Trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 2 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam); quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Như vậy, tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; có gần 4.000 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin Lành, từ năm 2021-2023 ở các tỉnh phía Bắc đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người dân tộc thiểu số.

Các chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đều được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin. Trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản 2,4 triệu bản kinh sách, tài liệu liên quan bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và các tiếng dân tộc thiểu số. Nhà nước cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 70%, nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, tôn tạo khang trang, quy mô để tín đồ các tôn giáo an tâm sinh hoạt tinh thần. Điển hình như thành phố Hồ Chí Minh đẫ giao 7.500 m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk đã giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha đất cho giáo xứ La Vang...

Đối với các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của các tôn giáo như: Lễ hội Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo, Tin Lành và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn diễn ra như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Cholth ChămthMây của đồng bào Khmer... đều được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức, thăm hỏi, tặng quà, động viên và thu hút đông đảo sự tham gia của tín đồ, quần chúng nhân dân.

Năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ tạo điều kiện cho hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; tạo điều kiện cho 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Việt Nam cũng đã hỗ trợ cấp phép cho các tổ chức tôn giáo tổ chức đăng cai các sự kiện tôn giáo lớn như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu của Giáo hội Công giáo Việt Nam; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lễ hội "Xuân yêu thương" của các hội thánh Tin Lành Việt Nam...

Trên diễn đàn quốc tế, trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiếp 14 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, từ ngày 10-22/10/2023, đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đứng đầu đã thăm Hoa Kỳ để trao đổi về chính sách tôn giáo và thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đoàn đã làm việc đã làm việc với các đại biểu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ..., thống nhất cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ và qua kênh đối thoại với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ).

Về chính sách đối ngoại tôn giáo của Việt Nam từ năm 2023 đến nay, nổi bật là quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican. Tháng 7/2023, hai bên đã thống nhất Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú ở Việt Nam. Ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Ngày 31/1/2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này. Từ ngày 9-14/4/2024, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và rất ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế, đối ngoại của Việt Nam, tin tưởng vào mối quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican sẽ đạt được những thành tựu phát triển mới.

Tại Phiên họp cấp cao khóa 55 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố Việt Nam tái ứng cử vao Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2026 -2028. Với những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021) đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của bạn bè quốc tế trong việc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028.

Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được nhiều nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây cũng là đánh giá, nhận xét của các nước tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã nêu rõ quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội hay tinh thần hoặc các quyền liên quan và quyền tự do của người khác.

Vậy nên, việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để tuyên truyền, phát triển các tà đạo, tổ chức hoạt động trái pháp luật như "Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ", "Tân Thiên Địa", tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ", "Tin lành Đấng Christ"... cần phải đấu tranh, ngăn chặn. Điều này cũng phù hợp thực tế chung của các nước nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phan Dương

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Thứ năm, 20/06/2024 - 05:28

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng-văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Hệ quả “vạ miệng” vì lạm quyền tự do ngôn luận

Những năm gần đây, một bộ phận người dân, trong đó có một số công chức, viên chức, nhà văn, nhà báo, luật sư... đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận để phát ngôn vô lối trên mạng xã hội, kể cả phát ngôn gây thù ghét, thông tin sai sự thật, đưa ra ý kiến tùy tiện với dụng ý xấu, kể cả chống phá Đảng, Nhà nước.

Tháng 8-2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết về việc Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" trên mạng xã hội. Theo cơ quan chức năng, bài viết của nhà báo này có những nội dung sai sự thật, hình ảnh đăng tải nhạy cảm, không kiểm chứng làm người đọc hiểu sai vấn đề, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của TP Đà Nẵng đối với sự phát triển du lịch.

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý. Ảnh minh họa: lamdong.gov.vn

Mới đây, một luật sư nguyên là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội bị khởi tố, bắt giam trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo Bộ Công an, bị can này đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải những bài viết trên Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Không riêng ở Việt Nam, sự phát ngôn tùy tiện, thông tin sai sự thật cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác và các trường hợp này cơ bản đã bị xử lý nghiêm khắc.

Tháng 7-2023, Hamdan Al Rind-một người có ảnh hưởng trên mạng, chủ kênh chia sẻ video nổi tiếng “Chuyên gia ô tô” trên mạng xã hội TikTok với hơn 2,5 triệu người theo dõi-đã bị bắt ở Dubai vì một video hài. Trong clip này, anh ta ném những chồng hóa đơn cho những nhân viên đang ngơ ngác và đề nghị mua chiếc xe đắt nhất-một chiếc Ferrari SF90 trị giá 600.000USD. Clip được cho là sản xuất nhằm chế giễu lối sống xa hoa tại thành phố nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời và những điểm du lịch hàng đầu thế giới này.

Nhà chức trách sau đó buộc tội Hamdan Al Rind đã “lạm dụng internet” bằng cách đăng thông tin “khuấy động dư luận và gây tổn hại đến lợi ích công cộng”. Hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, clip này “quảng bá một hình ảnh tinh thần sai trái và xúc phạm về công dân Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và chế giễu họ”. Vụ bắt giữ Hamdan Al Rind dựa trên những quy định tại một đạo luật về tội phạm mạng được Các tiểu vương quốc Arab thống nhất thông qua vào năm 2021.

Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận để không phát ngôn tùy tiện

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến”.

Tương đồng với quy định quốc tế, tại Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là “quyền bất khả xâm phạm” mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản của con người đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng - văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Tự do ngôn luận không chỉ đơn thuần là việc phát biểu ý kiến mà còn là việc truyền đạt thông tin, kiến thức và quan điểm một cách khách quan, công tâm, trung thực. Tính trung thực và đạo đức trong sử dụng tự do ngôn luận là điều không thể phủ nhận, cần được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, luật sư và những người có ảnh hưởng nhất định với cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có một số cá nhân, nhất là một số người nắm “quyền lực thông tin, quyền lực của con chữ” đã sử dụng tự do ngôn luận một cách tùy tiện, thậm chí lợi dụng để phá hoại an ninh tư tưởng và văn hóa. Thời gian qua, một số trí thức, nhà văn, luật sư... đã lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn, viết bài với nhiều kỹ năng cài cắm thông tin mập mờ, trộn lẫn đúng-sai nhằm mục đích xấu, thậm chí chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thông tin và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Không phạm vào “lằn ranh đỏ” giữa tự do ngôn luận và kỷ luật phát ngôn

Có thể thấy, việc hạn chế phát ngôn bừa bãi, thông tin tùy tiện trên mạng xã hội là nhằm bảo vệ cộng đồng chứ không chỉ là việc xử lý, trừng phạt những cá nhân có phát ngôn sai trái, xuyên tạc. Những thông tin sai sự thật có thể dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội. Phát ngôn gây thù ghét, phát ngôn kích động có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực nhắm vào những nhóm đối tượng cụ thể, hành vi kỳ thị dân tộc, giới tính, xuất thân...

Để hiểu đúng và thực hiện tự do ngôn luận theo hiến pháp, pháp luật, trước hết cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong việc sử dụng quyền tự do ngôn luận. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ về an toàn an ninh trên môi trường số, trong đó nhấn mạnh đến giới hạn cần thiết của quyền tự do ngôn luận. Đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội để thông tin sai sự thật, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát, phản biện những ý kiến, thông tin được truyền đạt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Việc này không chỉ giúp làm rõ sự thật mà còn tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh và đa chiều, đồng thời giúp ngăn chặn việc lợi dụng tự do ngôn luận để gây rối, phá hoại an ninh tư tưởng-văn hóa.

Quan tâm xây dựng mạng lưới những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia phòng, chống thông tin sai trái, phát ngôn gây thù ghét, những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bôi nhọ chế độ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Những KOLs sẽ chủ động phát hiện, chủ động đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc; đồng thời lan tỏa những thông tin đúng đắn, tích cực đến cộng đồng.

Hiểu đúng tự do ngôn luận và phòng ngừa tự do phát ngôn tùy tiện gây tác hại đến an ninh tư tưởng-văn hóa là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Qua việc tăng cường trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân trong sử dụng tự do ngôn luận, cũng như áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát hợp lý, chúng ta có thể tạo ra một môi trường truyền thông lành mạnh, an toàn, đồng thời bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức xã hội.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, việc hiểu đúng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, cũng như tuân thủ nghiêm túc kỷ luật phát ngôn ở mọi lúc, mọi nơi là việc làm thiết thực góp phần giữ vững môi trường thông tin xã hội lành mạnh; đồng thời cũng là một cách góp phần phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị.

Thạc sĩ TRẦN ANH TÚ, Phó tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Thực tiễn sinh động bác bỏ luận điệu sai trái về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam

Thứ Hai, 17/06/2024, 07:37

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật về việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị nói chung và quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng ở Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc, vu khống

Việc các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam vốn là điệp khúc cũ mòn. Song những mưu mô, thủ đoạn và cách thức tổ chức hoạt động luôn thay đổi, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển đa dạng của không gian mạng.

bc.jpg -0
Hoạt động báo chí tại Việt Nam được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Chưa bao giờ người ta thấy có nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ chức tự xưng với danh nghĩa phóng viên, báo chí nhân danh dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận như những năm gần đây, nào là "Nhóm báo sạch", "Câu lạc bộ nhà báo tự do", "Mạng lưới blogger Việt Nam", "Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo", "Hội nhà báo độc lập"… Đi liền với việc thành lập các hội nhóm, tổ chức trên là số đối tượng chống đối được các thế lực thù địch khoác cho danh  xưng "nhà báo tự do", "nhà báo độc lập", "nhà báo công dân", “nhà báo chống tham nhũng”…

Dù mang danh báo chí nhưng các hội nhóm hoạt động không tuân theo các quy tắc nào về báo chí mà chỉ viết bài, đăng tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phỉ báng chế độ, kích động chống phá. 

Về thời điểm, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị đối ngoại, đối nội quan trọng của Đảng, Nhà nước ta thì hoạt động chống phá, kích động, chống đối của các thế lực thù địch, nhất là những tổ chức, đối tượng nhân danh báo chí càng quyết liệt. Đặc biệt, họ đã triệt để lợi dụng hoạt động phản biện xã hội dưới danh nghĩa “góp ý, thư ngỏ, thư kiến nghị”… để phê phán đường lối của Đảng, Nhà nước và bôi nhọ lãnh đạo cấp cao với những thông tin không đúng sự thật, thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin bị thổi phồng, qua đó hướng lái dư luận theo chiều tiêu cực.

Ở những mức độ khác nhau, các tổ chức và đối tượng trên đã tuyên truyền, bóp méo nhằm kích động, tạo phản ứng không đồng thuận trong nhân dân đối với cấp uỷ đảng, chính quyền. Mục đích của các hoạt động trên nhằm bôi xấu, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, hình ảnh đất nước Việt Nam với bè bạn quốc tế. Các đối tượng cũng lấy cớ đả kích các cơ quan báo chí chính thống tại Việt Nam, cho rằng báo chí Nhà nước bị “bịt miệng”, từ đó kích động thành lập báo chí tư nhân, báo chí của các “hội nhóm độc lập”.

Những hoạt động chống phá có sự tiếp tay chặt chẽ của các thế lực thù địch, phản động bên ngoài với những đối tượng chống đối, thành phần cơ hội, bất mãn ở trong nước. Họ cổ xuý, tung hô những đối tượng đội lốt “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập” như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình… Ngay khi cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì các thế lực thù địch bên ngoài đã gia tăng các bài viết làm sai lệch thông tin, bản chất vụ án. Khi các đối tượng bị tuyên án, đang trong thời gian chấp hành án phạt tù thì các tổ chức chống phá vẫn tiếp tục lợi dụng với chiêu bài vinh danh, trao giải thưởng như tổ chức tự xưng “Văn bút Hoa Kỳ - PEN America” trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho Phạm Đoan Trang ngày 11/4/2024. Mục đích của các hoạt động trên không đơn thuần là sự “vinh danh” mà lấy cớ kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, dù được gắn mác, danh xưng giải thưởng gì chăng nữa thì những đối tượng trên thực tế đều có hành vi phạm pháp và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ ai làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, đất nước. Là công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Những kẻ vì mưu lợi cá nhân, câu kết các thế lực thù địch, xâm phạm lợi ích của đất nước, nhân dân, đội lốt dưới vỏ bọc “hoạt động báo chí” là thủ đoạn cần phải lật tẩy, đấu tranh. Một số đối tượng còn để cho các tổ chức ở nước ngoài khoác lên những danh xưng mỹ miều “nhà báo độc lập”, “nhà báo công dân”, “nhà báo chống tham nhũng”… nhằm phục vụ âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước. Những danh xưng đó không thể che đậy bản chất. Đó không phải là những nhà báo đúng nghĩa, lại càng không thể là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động vì tự do ngôn luận”.

Xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam

Cách đây 99 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên đã được định danh là “báo chí cách mạng”, với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Hiếm có nền báo chí nào trên thế giới mà sự ra đời, phát triển gắn chặt với tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc như Việt Nam. Hiếm có một nền báo chí nào mà sự ra đời, phát triển được vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới trực tiếp sáng lập, chăm chút, chỉ đường như thế. Đó thực sự là niềm tự hào của nền báo chí cách mạng nước ta.

Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là hiện thực sinh động để báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Những thành tựu ấy trước hết được thể hiện ở việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng... Những văn bản luật đó đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền XHCN, vừa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật Nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật thông tin. Vì vậy, quyền con người, quyền công dân của mọi cá nhân được Nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật và thể hiện rõ trong thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp Thẻ Nhà báo.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trải qua 99 năm xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh của cách mạng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam. Đội ngũ những người làm báo càng nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Tuệ Thiên - Bình Nguyên

“Định vị” tự do báo chí ở Việt Nam qua lăng kính đa chiều, khách quan

Thứ hai, 17/06/2024 - 06:06

Hệ thống báo chí, truyền thông của Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là thành quả từ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do báo chí.

Thực tiễn sinh động liên quan tới vấn đề này chính là cơ sở để bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, thiển cận và thiếu thiện chí về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Môi trường sôi động cho giới báo chí

Ở Việt Nam, báo chí được coi là kênh kết nối để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, từ đó phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc... Việc Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin được thể hiện bằng những quy định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 nhấn mạnh mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thì Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò.

“Định vị” tự do báo chí ở Việt Nam qua lăng kính đa chiều, khách quan
Báo chí được tạo điều kiện tác nghiệp tại Việt Nam. Ảnh minh họa: cand.com.vn 

Những thành quả trong bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu rõ trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 15-4-2024 và trong bài phát biểu khai mạc Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 7-5-2024. Theo đó, sau 26 năm kết nối internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38% so với năm 2019. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng đã lên tới khoảng 41.000 người.

Chẳng thế mà chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk gần đây đã có bài viết với nhan đề “Việt Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” đăng trên một tờ báo của Nga, trong đó đánh giá cao sự đa dạng về loại hình và nội dung của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam với nhiều cơ quan phát thanh, truyền hình và cho rằng đây là minh chứng cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin của Việt Nam.

Ngoài ra, sự hiện diện của nhiều hãng thông tấn, truyền thông quốc tế lớn của thế giới khiến hoạt động báo chí tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và quan trọng hơn là giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin nhiều chiều liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Với người dân, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram... hiện trở thành phương tiện hữu ích để họ chia sẻ, tiếp nhận thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi vấn đề. Nhờ mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số nên người dân Việt Nam giờ đây có thể kết nối với các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương tới địa phương thông qua mạng xã hội để giải quyết các thủ tục hành chính, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; thậm chí là thông báo các vấn đề, sự việc mà họ cho là tiêu cực trong cuộc sống.

Cũng cần nói thêm rằng, các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò, chức năng phản biện xã hội của mình. Bằng chứng là thể loại phóng sự điều tra trong khuôn khổ Giải Báo chí quốc gia hằng năm và Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trên cả nước.

Những con số mơ hồ và đánh giá mang tính áp đặt

Bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền tự do báo chí đã được các nước ghi nhận, đánh giá cao, một số cá nhân, tổ chức vẫn cố tình đưa ra những đánh giá mang tính áp đặt, định kiến và thiếu khách quan về vấn đề này.

Nhìn vào những thành quả trong bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam, dư luận cả trong và ngoài nước có lẽ vô cùng bất ngờ và thất vọng về cái gọi là báo cáo “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024” mà tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) tung ra hồi đầu tháng 5 vừa qua. Trong đó, RSF xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí và cho rằng, nguyên nhân khiến Việt Nam nằm trong “nhóm các quốc gia có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới” là do “cầm tù nhà báo có hệ thống”.

Tự do báo chí được coi như một trong những nền tảng để các cá nhân, tổ chức nói lên ý kiến, chia sẻ quan điểm và ý tưởng, cũng như tham gia các cuộc thảo luận, tranh luận và thực hiện chức năng phản biện nhằm giúp xã hội phát triển. Nhưng báo chí và hoạt động báo chí phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia để không trở thành “báo chí vô chính phủ”. Trên thực tế, ở Việt Nam không có nhà báo chân chính nào bị giam giữ chỉ vì thực hiện đúng vai trò của mình trong việc "nói thay tiếng nói của nhân dân", đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên phía trước. Cái mà RSF gọi là “cầm tù nhà báo có hệ thống” thực chất là việc xử phạt những người được gán mác “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ” do vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc một số nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật, đánh mất đạo đức của người làm báo, lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của đất nước và người dân. Xử lý những người vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm tổn hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc hẳn không phải chỉ riêng Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải làm việc đó.

Những cá nhân, tổ chức thường xuyên phê phán tự do báo chí ở Việt Nam và tung hô tự do báo chí của phương Tây có lẽ nên tham khảo những ví dụ được nêu trong báo cáo mà Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 4 năm nay. Chẳng hạn, trong báo cáo này, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, đại đa số người Mỹ coi quyền tự do báo chí là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của xã hội, nhưng cũng có nhiều người bày tỏ lo ngại về những hạn chế tiềm ẩn đối với quyền tự do báo chí ở Mỹ. Cụ thể, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người nói rằng giới truyền thông không được tự do hoặc hoàn toàn không được tự do đưa tin ở Mỹ. Ngoài ra, 41% người Mỹ “cực kỳ hoặc rất lo ngại” về những hạn chế tiềm tàng đối với quyền tự do báo chí ở nước này và 29% bày tỏ thái độ “có phần lo ngại”. Vậy thì ở Mỹ, có hay không có tự do báo chí và ai mới có thể là người đưa ra câu trả lời chính xác?

Thế mới thấy, việc đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt Nam và ở bất kỳ quốc gia nào khác đều cần phải dựa trên thực tế có kiểm chứng và cái nhìn đa chiều, chứ không thể chỉ dựa trên thông tin do một số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị cung cấp để rồi đưa ra những con số mơ hồ, đầy tính áp đặt giống như cách RSF đang làm.

ANH VŨ