Phê bình cũng phải mang tính xây dựng

Thứ tư, 13/07/2022 - 06:17

Gần đây, ông Tuyến bỗng trở nên nổi tiếng trên... trang Facebook của thôn Phiến Trung vì có vài truyện ngắn, dăm câu thơ ông đưa lên nhóm được tán thưởng.

Thế nhưng dần dà, ông sa đà, mượn văn chương để châm chọc người này, nói xấu người kia. Ông viết cả vè đả kích cán bộ xã với thái độ hằn học chỉ vì thấy "ngứa mắt". 

Lần này, ông mời bạn văn trong thôn đến nhà thưởng rượu, ngâm thơ đúng dịp Lan-con gái ông-đưa cháu ngoại về quê thăm ông bà. Trong câu chuyện "trà dư tửu hậu", ông lớn tiếng định hướng nhóm nhà văn xóm:

- Ở xã, chúng nó "vẽ" ra việc chỉnh trang đài tưởng niệm liệt sĩ rồi kêu gọi quyên góp làm lễ tưởng niệm để xài "tiền chùa” đấy. Các bác có đề tài thời sự rồi nhé. Bác An viết vè đi, chú Minh làm mẩu truyện ngắn. Còn tôi sẽ chọc chúng nó bằng một tác phẩm để đời cho bọn nhãi ranh phải sợ đến già.

Phê bình cũng phải mang tính xây dựng
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Nghe bố nói, Lan buồn lắm. Buổi tối, chị quyết định trò chuyện với bố:

- Bố ạ, bố đã có tuổi rồi, vui đời sống văn hóa-tinh thần chúng con rất mừng. Nhưng gần đây, con nghe nói bố và một số bác hay mượn thơ văn để công kích chính quyền. Con buồn lắm!

- Con thì biết gì. Giờ ở địa phương, cán bộ xã ăn trên ngồi trốc, không thương dân. Những người được coi là có học như bố phải nói chứ.

- Chiều nay, con đã nghe bố và các bác nói chuyện. Cán bộ xã họ đang làm đúng chức trách, nhiệm vụ. Sắp đến kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, họ chỉnh trang tượng đài, tổ chức lễ tưởng niệm là việc làm ý nghĩa. Con gái của bố cũng ủng hộ chương trình đó qua hội đồng hương quê mình. Vậy mà bố và một số người lại cố tình hiểu sai, coi đó là việc xấu, rồi đem chuyện đó ra công kích là không nên. Nếu thực sự có điều gì đó không hài lòng, bố đến gặp, góp ý thẳng thắn với các anh ấy. Dù gì, cán bộ xã cũng là bạn bè của con và đáng tuổi con, cháu của bố.

- Thôi, con gái ạ. Bố biết con giờ là cô giáo dạy văn, trưởng thành rồi quay về dạy cả ông giáo già này.

Chị Lan thấy bố đã nghe mình liền nói tiếp:

- Dù gì, bố con mình đều là nhà giáo, còn là đảng viên nữa. Con nhớ hồi bé, bố vẫn dạy con, gia đình mình phải lấy việc nêu gương, ủng hộ và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, những quy định, việc làm tốt của địa phương chứ. Nếu bố thực sự thích làm thơ, làm văn, bố hãy ca ngợi cái hay, cái đẹp của quê hương mình. Văn chương cũng phải mang tính xây dựng phải không bố? Được như vậy, chúng con sẽ càng thêm tự hào về bố trước bà con, chòm xóm.

Nghe con gái phân tích thấu tình đạt lý, nhận thấy mình đã sai, ông Tuyến liền rút một tập thơ viết tay đưa cho con, cười xí xóa:

- Được rồi, bố sẽ nghe con. Đây là tập thơ bố viết ca ngợi quê hương, trường lớp từ khi còn công tác. Mai kia lên Hà Nội thì in cho bố ít cuốn bố tặng bạn bè nhé. Bố nghe con, từ giờ bố chỉ viết cái hay, cái đẹp thôi. Phê bình cũng phải mang tính xây dựng! Được chưa cô giáo?

ĐĂNG KHƯƠNG

Lá bài “nhân quyền” trong thời đại số

Thứ Hai, 11/07/2022, 08:46

Thời đại công nghệ số 4.0 sẽ ít nhiều làm thay đổi tư duy, nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người với thế giới chung quanh. Con người tiếp cận với tri thức nhanh chóng hơn, mở ra khả năng tương tác; phương thức tác động của chính quyền với người dân đa dạng hơn, nhất là thông qua mạng xã hội.

Từ những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sẽ xuất hiện nhiều hơn một số xu thế mang tính phổ quát, bên cạnh những giá trị chung, truyền thống trong quan hệ xã hội ở các quốc gia nói chung với nhiều mức độ, đặc điểm khác nhau, như xu thế dân chủ hóa đi đôi với cá thể hóa; xu thế lớn trong đổi mới quản lý, quản trị quốc gia và trách nhiệm giải trình (chuyển đổi hệ thống hành chính mạnh mẽ sang chính phủ điện tử; phân cấp, phân quyền, minh bạch hóa thông tin; tăng cường nguồn lực tinh hoa cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả); tăng cường vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, khủng bố, biểu tình, bạo loạn đối với Việt Nam có thể được thực hiện tinh vi hơn.


12082021vthuy102.jpg -0

Những kiểu xuyên tạc, vu cáo trong thời đại số

Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia. Nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà toàn thế giới hướng tới.

Thế nhưng đây cũng là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch và một số tổ chức phi chính phủ được sự giúp đỡ của phương Tây luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những động cơ xấu để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, nhất là các quốc gia có thể chế chính trị XHCN nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương tiện, cách thức khác nhau hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại số nhằm tận dụng đa dạng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước. Tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, hạ bệ thần tượng, gây nghi kỵ, chia rẽ nội bộ, triệt để khai thác các sự kiện chính trị, những vấn đề nhạy cảm để mở các chiến dịch tuyên truyền chống Việt Nam.

Đồng thời các hội, nhóm, tổ chức phi chính phủ nước ngoài không có thiện chí với Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành một số nghị quyết, báo cáo… vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam; gắn viện trợ nhân đạo với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí ngôn luận…. Hậu thuẫn tổ chức phi chính phủ thông qua việc triển khai các dự án với những mỹ từ như “thúc đẩy”, “cải thiện nhân quyền”, khích lệ các đối tượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối trong nước gia tăng hoạt động. Nhiều tổ chức như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AL), Freedom House (FH)… trong báo cáo hàng năm, một mặt thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Thông qua các nền tảng số, các thế lực thù địch sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước, sau đó tô vẽ thêm bớt, đưa ra những nội dung “thật giả lẫn lộn” và thông tin sai lệch để đưa lên mạng xã hội. Chúng lập ra những trang/tài khoản núp dưới danh xưng của các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo cấp cao nhằm lôi kéo tâm lý hiếu kỳ của công chúng, đánh vào khoảng trống thông tin (mà báo chí chính thống trong nước chưa đăng tải hoặc cần thời gian kiểm duyệt thông tin); ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm…  Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn ít nhiều đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân. Những cái “bẫy thông tin”mà các đối tượng thù địch, phản động, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thông tin chính thống và thông tin giả mạo, dẫn đến có nhận thức không đúng, không tốt về Việt Nam.

Sử dụng công nghệ số để ngăn chặn luận điệu xuyên tạc, vu cáo

Định hướng thứ tư trong phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII là “...xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội dung, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định:“...Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”.Theo đó, tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra thế giới cần đưa ra các thông điệp vừa làm nổi bật được những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, trong đó có tính khác biệt với các quốc gia khác, vừa đảm bài sự hài hòa với xu thế chung của nhân loại, đồng thời phải tác động đến tình cảm,đáp ứng được nhu cầu và thuyết phục đối tượng tiếp nhận.

Do đó, hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới không thể tách rời với việc đấu tranh phản bác, chống các luận điểm xuyên tạc, bôi nho hình ảnh Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những lĩnh vực quan trọng của công tác tư tưởng nói chung và công tác đối ngoại nói riêng.

“Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị” là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII. Việc tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ không chỉ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và sự ổn định của đất nước mà còn nhằm bảo vệ hình ảnh Việt Nam trước những thông tin không đúng sự thật.

Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, danh tiếng và hình ảnh tích cực của một quốc gia ngày càng được coi trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi hình ảnh quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước. Do vậy, việc tạo dựng, quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia ngày càng được các nước chú trọng như một chiến lược sức mạnh mềm trong môi trường quốc tế nhiều biến đổi.

Thông qua nền tảng số, bè bạn quốc tế đã biết đến Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, nay trở thành một Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; có vai trò, vị thế ngày càng nổi bật trong khu vực và trên thế giới; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, WTO…

Như vậy, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ tuyên truyền một mặt góp phần thúc đẩy quảng bá về một Việt Nam thân thiện, mến khách, một đất nước được coi là “điểm hẹn của hòa bình”, điểm đến an toàn cho bè bạn quốc tế, mặt khác góp phần phản bác lại các thông tin tuyên truyền sai trái, thù địch đối với Việt Nam cũng như nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với thế giới.

Hạnh Nguyễn - Hoàng Ly

Đừng tin lời đồn...

Thứ tư, 06/07/2022 - 06:06

Anh Hưng khá bất ngờ khi vợ là thầy thuốc bệnh viện huyện chia sẻ ý định xin nghỉ việc.

- Sao em lại suy nghĩ nông nổi như vậy? Bạn bè em có thực sự hiểu chuyện không?

Chị Ngọc trả lời chồng:

- Thời gian này, chúng em áp lực với bao nhiêu thông tin tiêu cực về ngành y. Các đồng nghiệp của em bảo rằng, bây giờ chẳng ai quan tâm đến cán bộ, nhân viên ngành y nữa, chỉ thấy bị bắt bớ, kỷ luật. Trên mạng xã hội, người ta còn bảo, chính nội bộ ngành y đang bới móc, thanh trừng lẫn nhau.

Đừng tin lời đồn...
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Anh Hưng khuyên vợ:

- Trong chuyện này, anh thấy em nhận thức không đúng. Chuyện kỷ luật, cho thôi việc, thậm chí là truy tố một số cán bộ y tế là do họ đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật mà các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ, chứ không phải do thanh trừng hay đấu tố gì. Nếu mình trong sạch, tận tụy với công việc thì cứ yên tâm công tác.

Chị Ngọc vẫn ấm ức:

- Người ta đồn ầm lên là các bệnh viện đang thuốc thiếu, thiếu vật tư. Tới đây, tiền lương trả cho nhân viên ngành y cũng không có. Thế nên, chúng em phải tìm cách lo cho mình trước...

Thấy vợ có vẻ đã bị tác động bởi những thông tin không đúng sự thật, anh Hưng giải thích:

- Em đừng tin vào những lời đồn! Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ là cục bộ ở một số cơ sở khám, chữa bệnh. Ngành y có vai trò vô cùng quan trọng nên trong những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo quyết liệt với các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu chế độ, chính sách quan tâm, chăm lo cho cán bộ, nhân viên y tế, xây dựng ngành y ngày càng tốt hơn.

Em cần suy nghĩ thật kỹ, vì có những kẻ xấu đang lợi dụng khó khăn của ngành y để kêu gọi các thầy thuốc nghỉ việc nhằm mục đích phá hoại đất nước, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngành y. Lúc này, chính các thầy thuốc càng phải vững tin, chia sẻ khó khăn với ngành mình để vượt qua khó khăn, thử thách chứ. Nếu như nhiều thầy thuốc nghỉ việc thì ai sẽ khám, chữa bệnh cho nhân dân? Không bao giờ Đảng, Nhà nước và nhân dân thiếu quan tâm đến ngành y em ạ! 

CẨM THANH


Phòng chống, đấu tranh thói ba phải và thái độ “im lặng đáng sợ”

Thứ năm, 07/07/2022 - 05:00

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Thực tế thấy rằng những thiếu sót, khuyết điểm này đã được gọi đúng tên, cái nọ liên quan đến cái kia, thậm chí là nơi trú ẩn, là chỗ để ngụy biện cho những điều sai trái. Vì vậy, phải đồng thời phân tích, chỉ rõ biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục nó thế nào cho hiệu quả, để hướng tới xây dựng một bầu không khí trong lành, tin cậy, chân thành, vô tư trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Xưa nay có nhiều cách nói về những người dĩ hòa vi quý. Nào là ông ba phải, gió chiều nào che chiều ấy. Nào là ông mũ ni che tai, khôn ăn người. Nặng nề hơn thì cho rằng đó là kẻ “ngậm miệng ăn tiền”. Thời hiện đại, còn có những cụm từ mới xuất hiện: “tai lành tai điếc”, “đi giữa hai hàng”...

Năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Bác gọi những kẻ khôn ăn người như thế là “bọn thứ ba”. Đó là những kẻ cơ hội, là khôn mà không ngoan, làm gì cũng nghĩ đến cái lợi riêng mình mà quên đi lợi ích chung, quyền lợi của người khác. Thời nay, "bọn thứ ba" là người ta ám chỉ những người "dĩ hòa vi quý".

Phòng chống, đấu tranh thói ba phải và thái độ “im lặng đáng sợ”
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Thật ra thành ngữ “dĩ hòa vi quý” khởi thủy của nó là thiện ý tốt. Nôm na rằng, lấy hòa thuận làm vui. Chịu khó nhẫn nhịn một chút, hòa là quý, nhẫn là cao. Đừng vội nổi xung lên, phỉ báng, nhiếc móc nhau, bé xé ra to, mà nên “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”. Đúng như cái nghĩa ngọn nguồn này thì quá hay. Thế nhưng, theo thời gian, theo những diễn biến phức tạp trong đời sống hiện đại mà dần dần cái nghĩa của thành ngữ này bị hiểu chệch, hiểu sai, lắm khi chỉ còn được hiểu theo nghĩa đó là tính cách khôn lỏi, chả bao giờ nêu chính kiến, “tránh voi chả xấu mặt nào”, tránh mất lòng người khác, nhất là mất lòng cấp trên.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Thực tế thấy rằng những thiếu sót, khuyết điểm này đã được gọi đúng tên, cái nọ liên quan đến cái kia, thậm chí là nơi trú ẩn, là chỗ để ngụy biện cho những điều sai trái. Vì vậy, phải đồng thời phân tích, chỉ rõ biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục nó thế nào cho hiệu quả, để hướng tới xây dựng một bầu không khí trong lành, tin cậy, chân thành, vô tư trong mỗi cơ quan, đơn vị.

"Ngậm miệng" tức là ngược lại với những anh hay phán xét, phách lối, a dua, nói năng văng mạng. Đương nhiên, cả hai thái cực này đều cần phê phán. "Ngậm miệng" mà là “một sự nhịn chín sự lành”, giữ kín chuyện nội bộ, khỏi tổn thương người khác thì hẳn là điều tốt. Cái nguy hại ở chỗ “ngậm miệng ăn tiền”, tức là đã có chủ ý xấu rồi. Ở một cơ quan nọ, mấy người bảo nhau, cái ông X lúc nào mồm cũng như rùa ăn sung, chả có chính kiến gì. Khi anh ta có ý kiến thì toàn dựa ý cấp trên, dựa ý tập thể, mong “làm rõ thêm” và “hy vọng rằng”. Còn khi cần nói rõ, vấn đề này sai chỗ nào, đúng chỗ nào, thái độ của anh, sẽ xử lý ra sao, thì anh ta sẽ “ném cát bụi tre” bằng những câu chữ mập mờ, nước đôi, đại loại như: "Cần tính toán thêm, nên hỏi lại cơ sở, vấn đề này nhạy cảm, có thể lùi đến phiên họp sau được không?". Hoặc có anh nói ráo hoảnh: “Tôi biểu quyết theo đa số”. Thế nhưng lúc giải lao thì vẫn là anh, rỉ tai người này, vỗ vai người khác: “Ông nói đi, ông nói khách quan hơn tôi. Tội cậu này đáng chém”. Hoặc: “Oan cho nó quá! Đồng chí gần nó lâu sao không nói. Sau này nó oán chúng ta”. Cái kiểu bày tỏ, vận động hành lang này đã cũ lắm, nhưng nó sống dai dẳng và biến ảo rất tinh vi. Nhất là từ khi nó được sự "phù phép" của chiếc điện thoại thông minh vốn chả có tội vạ gì.

Vì sao căn bệnh này tồn tại dai dẳng thế? Vì sao mà không ít cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao cũng mắc thói tai lành tai điếc. Thậm chí có vị chủ trì cuộc họp sắp diễn ra cũng “khó” nói sự thật, bèn nghĩ ra cách gọi điện cho cấp dưới: "Mai chú đề xuất nhé. Anh nêu 3 phương án, chú theo phương án này. Việc này là anh vì chú!". Nó khiến cho người trong cuộc trằn trọc, mất ngủ không đáng có. Nó là mảnh đất cho cái “cây” suy diễn nảy mầm, suy bụng ta ra bụng người, chủ quan và phiến diện.

Vì sao dai dẳng thế, còn là do thái độ cầu an. Nói ra lúc này thế nào đây, khen cũng chết, chê cũng chết. Đại hội đến nơi rồi, bầu bán sát gần rồi, mất phiếu có khi chỉ vì “lộ thiên cơ”, thế là đành trốn vào một cái tham luận vô thưởng vô phạt “mạnh bước trên đường phát triển”. Im lặng còn vì một thỏa thuận ngầm nào đó, lợi ích của tôi, của anh, của “nhóm tôi”, “nhóm anh”. Và người ta đã chọn im lặng.

Vì sao dai dẳng thế? Vì cái chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, cái tôi lớn quá. Có khi là vì quá đam mê quyền lực, quá ham muốn về vật chất nên đánh mất mình. Quyền lực và danh vọng thường làm hư hỏng con người. Vụ Việt Á gần đây nhất, cái vô lương hoành hành trên nỗi đau khổ của đồng loại là một minh chứng rõ nhất. Có người rao giảng về đạo đức nhưng đã “im lặng” cho thuộc cấp, cho những đơn vị liên quan nhân danh khoa học vi phạm pháp luật.

Rất mừng là, bên cạnh những chuyện kể trên, có rất nhiều gương sáng quanh ta. Trong các cơ quan, đơn vị có rất nhiều những tấm gương sáng-tấm gương trung thực, dám nói thẳng, nói thật. Thấy đúng thì bảo vệ để khuyến khích người tốt, việc tốt, lên án những kẻ cơ hội, đố kỵ, thúc đẩy công việc hoàn thành. Thấy sai thì lên tiếng mạnh mẽ để làm rõ đúng sai, vạch trần tham nhũng, tiêu cực. Có những cán bộ quân đội, cựu chiến binh suốt mấy chục năm không chịu im lặng, kiên quyết đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác, mặc dù có thể nguy hiểm tới bản thân, gia đình. Như trường hợp cựu chiến binh Trần Văn Bính (sinh năm 1946), 20 năm kiên trì đấu tranh chống tham nhũng và cuối cùng đã thành công. Ông đã thẳng thắn nêu vấn đề tiêu cực ra trước Đại hội Đảng bộ phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bị đe dọa, bị đánh trọng thương ông vẫn không lùi bước. Các cán bộ tiêu cực cũng không mua được sự “im lặng” của ông, dù họ trả “giá” rất cao. Thấy sai mà mình im lặng thì càng sai, ông Bính trả lời đơn giản như vậy.

Một câu hỏi đã có nhiều dịp được trả lời, rằng làm sao đây để chống được căn bệnh “điếc có chủ ý”? Xin thưa, chúng ta vẫn phải tiếp tục trả lời, vì thực tiễn luôn vận động, vì sự diễn biến phức tạp của tình trạng này. Thẳng thắn và trung thực, nói như vậy mà làm thì khó thay! Nhưng nhất định phải làm. Trước hết là phải xây dựng được khối đoàn kết, thật sự dân chủ trong sinh hoạt đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Người đứng đầu đơn vị phải thật sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân, phải có con mắt tinh đời để nhận ra ai chân, ai giả, ai tạm thời im lặng vì cái chung, ai “ngậm miệng ăn tiền”? Khi anh không nói ra, không hẳn mọi người không biết, vì còn có một nhân chứng nữa, đó chính là lương tâm anh. Và điều không bao giờ cũ: Nghiêm túc tự phê bình và phê bình để nội bộ thật sự đoàn kết, hiểu nhau, tin nhau, hướng đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn, vì sự phát triển, vững mạnh của cơ quan, đơn vị; đồng thời cũng vì sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên.

HẢI ĐƯỜNG

Không thể nhân danh “hoạt động vì môi trường” để vi phạm pháp luật

Thứ Hai, 04/07/2022, 08:09

Ngày 17/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 24 tháng tù giam đối với bà Ngụy Thị Khanh – cựu Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID về tội trốn thuế theo Điều 200, Bộ luật Hình sự.

Ngay sau đó, một số cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối đã tung ra nhiều bài viết với thông tin không chính xác, bẻ lái theo hướng tiêu cực, tạo cớ can thiệp vào công việc của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, đả kích chính quyền.

Những luận điệu ngụy biện, trái bản chất

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị được dịp hùa vào “ăn theo”. Tổ chức Việt Tân xuyên tạc, suy diễn khi cho rằng “chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường”, rồi kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh”. Đài Á Châu tự do (RFA) đăng bài viết “Giám đốc xã hội dân sự Green ID bị bắt với cáo buộc trốn thuế”, tung ra những thông tin lập lờ nhằm đánh lận bản chất vụ án. Thay vì đưa thông tin đúng về vụ việc, RFA lại dẫn dắt người đọc đến các vấn đề “xã hội dân sự”.

Họ liên hệ sự vụ trên với việc ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC) và ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD) phải chấp hành án phạt tù với tội danh trốn thuế để quy kết, vu cáo chính quyền “đàn áp nhà hoạt động môi trường”.

Bất chấp thực tế Ngụy Thị Khanh có hành vi trốn thuế, những kẻ lấy vỏ bọc các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” cố tình phớt lờ sự thật để xuyên tạc, suy diễn vấn đề, vẽ ra các “thuyết âm mưu”, hướng lái dư luận về bản chất vụ việc, dựng chuyện chính quyền “bắt bớ người vô tội” để “ngăn chặn các tổ chức dân sự”.

Từ câu chuyện của Green ID, MEC và LPSD, chúng ta dễ nhận thấy các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” đang cố tình lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" để bao biện cho hành vi sai phạm, tạo cớ đả phá chính quyền nhân dân.

Thực tế, trong nhiều năm qua, các đối tượng xấu, phần tử cơ hội đã ráo riết thực hiện chiêu trò "xã hội dân sự" để chống phá đất nước. Lợi dụng quyền tự do lập hội được quy định trong Hiến pháp, các đối tượng thực hiện tuyên truyền đánh lận bản chất vấn đề nhằm hình thành các tổ chức tự phát, không theo quy định của pháp luật. Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, rêu rao “hoạt động phi lợi nhuận”, “thúc đẩy sự phát triển của xã hội”… để đánh bóng tên tuổi, tìm mọi phương thức tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong và móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Sau khi có đủ khả năng về nhân lực và vật lực, số tổ chức, cá nhân này sẽ “thay màu”, lộ rõ bộ mặt thật không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự mà tìm cách “thò tay” can thiệp, lấn sâu tập trung đả phá vấn đề chính trị.

Với thủ đoạn “nội công ngoại kích”, mục đích của số đối tượng trên nhằm gây phân tâm dư luận, tìm mọi cách gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cơ quan công quyền, tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; cố tình đánh lận, dựng chuyện hòng làm giảm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không thể nhân danh “hoạt động vì môi trường” để vi phạm pháp luật -0
Ảnh minh họa.

Hoạt động vì môi trường không thể bất tuân pháp luật

Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Trên thế giới, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện hiếm gặp. Ví dụ như trường hợp năm 2017, một công tố viên tại Tây Ban Nha đã cáo buộc Cristiano Ronaldo 4 tội trốn thuế về tiền bản quyền hình ảnh trong khoảng thời gian gắn bó với Real Madrid từ năm 2011 tới 2014 với tổng số tiền lên tới 14,7 triệu euro. Cầu thủ bóng đá Lionel Messi cũng bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009.

Huấn luyện viên bóng đá Jose Mourinho của Manchester United vào đầu tháng 9/2018 cũng dính cáo buộc vì hành vi trốn thuế 3,3 triệu euro. Nữ diễn viên người Hàn Quốc Song Hye Kyo, diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc Lưu Hiểu Khánh, Phạm Băng Băng cũng dính dáng đến tội danh trốn thuế… Điều đó cho thấy rằng, bất kể ở quốc gia nào, nếu trốn thuế, phạm pháp thì phải chịu các biện pháp xử lý tương ứng. Không có chuyện cá nhân nổi tiếng là được miễn tội trốn thuế khi vi phạm pháp luật ở nước sở tại.

Đối với tội trốn thuế, đây là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt tiền có thể lên tới 4,5 tỷ đồng. Việc khởi tố, xét xử với bản án 24 tháng tù đối với bà Ngụy Thị Khanh về tội danh trốn thuế là việc làm hoàn toàn bình thường của cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quá trình điều tra, xét xử được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.

Trước khi bị khởi tố, tuyên án tù, bà Ngụy Thị Khanh là Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID - Trung tâm chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tích cực tham gia tư vấn, góp ý về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và cung cấp nước sạch. Bà Ngụy Thị Khanh cũng được biết đến là “nhà hoạt động môi trường” khá nổi tiếng trên mạng xã hội với những phát ngôn táo bạo, trái chiều. Lẽ ra, với sự nổi tiếng của bản thân, bà Ngụy Thị Khanh càng phải có việc làm đúng quy định pháp luật để nêu gương. Thế nhưng bà Khanh lại có hành vi trốn thuế và việc bị kết án về tội danh này là căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và quá trình xét xử tại tòa.

Các thế lực thù địch, thiếu thiện chí cố liên hệ sự việc của bà Ngụy Thị Khanh với những trường hợp ông Đặng Đình Bách, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), đã bị kết án 5 năm tù về tội “trốn thuế” vào tháng 1/2022; ông Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, lần lượt bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù với cùng tội danh trên để vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự”.

Thực tế, cũng như bà Ngụy Thị Khanh, trường hợp các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Do vậy, không thể biện minh, cổ súy cho hành vi sai trái ấy bằng những luận điệu lố bịch, lời lẽ vô lý, xảo trá, càng không thể đưa ra bất kỳ yêu cầu nào để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như cái cách mà các thế lực thù địch, phản động, số tổ chức, cá nhân chống đối đang làm.

Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Điều này đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương và chính sách của Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

 Đảng, Nhà nước tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi Chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Những tổ chức hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển xanh ở Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp tích cực đều được ghi nhận. Đồng thời, chúng ta cũng xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi trường để gây mất trật tự xã hội, vi phạm luật pháp. 

Liên quan đến vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”.

Đại Thắng

Trăm sự phi lý phía sau “bộ cánh tự do tôn giáo”

Thứ hai, 04/07/2022 - 05:00

Một trong những nguyên nhân khiến các thế lực thù địch và đối tượng xấu thường xuyên bịa đặt, vu cáo về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là nhằm bẻ lái luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam theo các tiêu chuẩn phương Tây.

Những đòi hỏi vô lý, quá trớn

Những năm qua, do cách nhìn thiên lệch, thiếu thiện chí nên một số cá nhân, tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa “người bảo vệ” tự do tôn giáo và nhân quyền thế giới vẫn tung ra những thông tin thiếu khách quan, những nhận định sai trái về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. 

Điển hình là gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) công bố báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó nêu tình hình và kết quả thực hiện tôn giáo của 27 nước và một số thực thể, tổ chức trên thế giới mà USCIRF đánh giá là có những vi phạm “nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” để đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt” hoặc “danh sách cần theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo, từ đó nhằm áp đặt chế tài với các quốc gia này trong hỗ trợ tài chính và hợp tác trên một số lĩnh vực.

Trong nội dung báo cáo về Việt Nam, USCIRF đưa ra nhận xét với giọng điệu đầy kẻ cả rằng điều kiện tự do tôn giáo của Việt Nam trong năm 2021 không có gì khác biệt so với năm 2020. Và, thông qua việc đả kích tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, USCIRF thậm chí còn đòi sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Trăm sự phi lý phía sau “bộ cánh tự do tôn giáo”
Tính đến hết năm 2021 đã có 16 tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, trong đó có Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo... Ảnh minh họa: TTXVN 

Phải khẳng định rằng, không chỉ riêng báo cáo năm 2021 mà các báo cáo thường niên của USCIRF đưa ra trong những năm gần đây đều được đánh giá là chưa chính xác, thiếu thiện chí, thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, ngay cả trong chính giới Mỹ và các tổ chức nhân quyền ở Mỹ cũng xuất hiện những ý kiến cho rằng, cách tiếp cận của USCIRF nặng về chỉ trích, không giúp cải thiện tự do tôn giáo trên toàn cầu đúng với mục đích mà Quốc hội và Chính phủ Mỹ đặt ra.

Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có cả tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại nhập và từng được ví như một “bảo tàng” về tín ngưỡng, tôn giáo của thế giới. Theo thống kê cập nhật từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ, chức sắc của các tôn giáo. Tính đến hết năm 2021 đã có 16 tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận, trong đó có Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo...

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử với các tôn giáo. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đạo luật về tôn giáo, cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định rất rõ các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Đồng thời, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước cũng bảo hộ các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo và tài sản hợp pháp của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm phạm đời sống xã hội cũng như thân thể, tính mạng, sức khỏe của nhân dân... Và việc xử lý đối với các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo cũng dựa trên những quy định này.

Quyền tự do tôn giáo là vấn đề có tính lịch sử, nghĩa là phụ thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể ở từng quốc gia, gắn với từng thể chế chính trị-xã hội và điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội cụ thể nhất định. Nói cách khác, không thể tồn tại một khái niệm về quyền tự do tôn giáo chung chung, trừu tượng mà không gắn với một bối cảnh và thực thể nhất định.

Vì lẽ đó, không thể đem giá trị, quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia này để áp dụng hay đo lường, đánh giá mức độ quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác. Đặc biệt, trên phương diện quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, thể chế chính trị bình đẳng, độc lập thì càng không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc quốc gia đó phải tuân theo.

Đây cũng là những điều mà USCIRF hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào đang muốn đưa ra những đòi hỏi quá trớn đối với việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cần phải học thuộc!

Cần xem lại cách nhìn, quan niệm về tự do tôn giáo

Những năm gần đây, sự sôi động trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện ở việc liên tục gia tăng số lượng các cơ sở thờ tự trong tôn giáo và tín đồ. Bất chấp điều đó, các thế lực thù địch vẫn vu cáo Việt Nam ngăn cản tự do tôn giáo, không công nhận các tổ chức tôn giáo.

Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, nếu như năm 1985, số lượng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam vào khoảng 14 triệu, thì đến năm 2021 đã tăng lên hơn 26,5 triệu. Thành tựu trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam còn được thể hiện qua sự gia tăng số lượng các trường đào tạo chức sắc.

Tính đến tháng 4-2022, các tôn giáo ở Việt Nam có 66 cơ sở đào tạo chức sắc với 10.000 học viên đang theo học, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 47 cơ sở đào tạo, trong đó có 4 học viện Phật giáo. Các cơ sở thờ tự cũng được quan tâm sửa chữa, xây mới. Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tăng thêm 5.800 cơ sở so với năm 2008.

Hiện ở Việt Nam cũng có nhiều hệ thống tổ chức giáo hội có tầm hoạt động quốc tế, đặc biệt là Công giáo, Phật giáo và một số tổ chức tôn giáo có nguồn gốc nước ngoài du nhập vào Việt Nam, thể hiện thông qua việc mở rộng quan hệ với các tổ chức tôn giáo các nước và tiến hành các hoạt động thiện nguyện ở nước ngoài. Chẳng hạn như giữa tháng 6 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng tài trợ, giúp đỡ nhân dân Sri Lanka vượt qua khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại đất nước này.

Không chỉ phát triển mạnh mẽ về số lượng, các tổ chức tôn giáo, tín đồ, chức sắc ở Việt Nam đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng tích cực đối với đời sống, sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện và đồng hành với các hoạt động của đất nước, mà những gì diễn ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19 phức tạp là một ví dụ điển hình.

Những con số và ví dụ nói trên một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Thực tế cũng cho thấy, các tín đồ tôn giáo ở Việt Nam ngày càng đông và họ được tự do hành lễ dù ở nhà riêng hay nơi thờ tự. Mỗi người Việt Nam cũng thường có tín ngưỡng riêng, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên, ngày rằm mùng một thắp hương... nhưng vẫn có thể theo tôn giáo. Ngoài ra, nhiều lễ hội tôn giáo diễn ra hằng năm không còn là chuyện riêng của từng tôn giáo mà đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội, qua đó làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân. 

Qua đó để thấy rằng, việc một số cá nhân, tổ chức nước ngoài thường xuyên bóp méo hoặc có cái nhìn sai lệch về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam có thể do mưu đồ rắp tâm chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền, hoặc cũng có thể do sự khác biệt trong cách nhìn và quan niệm của họ về vấn đề này. 

Can thiệp sâu vào tình hình tự do nhân quyền cũng như tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các quốc gia khác và cố bắt các quốc gia ấy phải mặc “bộ cánh tự do tôn giáo” mang màu sắc phương Tây là điều không thể chấp nhận được. Bộ cánh ấy qua mô tả thì rất mỹ miều và hợp thời, nhưng liệu đã có ai thừa nhận sự chuẩn mực của nó?

VŨ HÙNG