Cần hiểu đúng về “Xã hội dân sự”



QĐND - Thời gian gần đây, một số blogger hô hào kêu gọi vận động, chuyển hóa tiến tới thành lập một xã hội mới có tên là “xã hội dân sự”.
Thế nào là một “xã hội dân sự”?
Chúng ta đều thấy, để hiểu một vấn đề, trước hết phải thống nhất với nhau về tên gọi, tức là minh định một cách rõ ràng nhất nội hàm và ngoại diện của khái niệm được bàn tới. Trong khoa học cũng như trong cuộc sống, người ta có quyền và rất cần thiết phải đưa ra những khái niệm mới mẻ làm công cụ để gọi tên, cắt nghĩa sự vật hiện tượng mới. Nhưng yêu cầu bắt buộc và tối thiểu là khái niệm đó phải được giải thích một cách chặt chẽ, cụ thể, dễ hiểu và được thừa nhận là có ích, hiệu quả. Trên thực tế, trên thế giới cũng như trong nước, khái niệm “xã hội dân sự” chưa được hiểu một cách thống nhất, do vậy cũng chưa thể có trong các từ điển mang tính chính thống. Không cần tìm tòi ở các sách báo, chỉ cần vào internet tra cứu cũng đã thấy hàng trăm cách định nghĩa. Chẳng hạn:
“Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một Nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của Nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) (1).
Xã hội dân sự là "Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung” (Liên minh vì sự tham gia của công dân - CIVICUS 2005) (2).
“Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức Nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì ranh giới giữa Nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư” (Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London) (3).
“Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình” (Chế độ dân chủ, Nhà nước và xã hội của N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina) (4)…
Nếu hiểu theo khái niệm (1) thì “xã hội dân sự” là sự liên minh tự nguyện của các tổ chức xã hội “tự vận hành” bên cạnh Nhà nước; thì trên thế giới này chưa thấy có một “xã hội dân sự” nào như thế. Bởi bất kỳ tổ chức xã hội nào trong thể chế chính trị nào cũng đều dưới hoặc bị sự chi phối công khai hoặc ngấm ngầm của Nhà nước.
Nếu hiểu theo khái niệm (2), (3) thì “xã hội dân sự” quá đơn giản. Bởi chế độ chính trị nào (tiến bộ hay phản động) cũng đều có tuyên ngôn vì quyền lợi chung của đất nước mình, nhân dân mình.
Riêng hiểu theo khái niệm (4) thì lộ rõ ra cái mục đích chính trị của các tổ chức xã hội.
Vì có quá nhiều cách định nghĩa nên người ta đành tìm theo các hướng tiếp cận khái niệm và họ đã tìm ra ba hướng:
- Xã hội dân sự tồn tại một cách độc lập và có phần đối trọng với Nhà nước, các công dân tự tổ chức thành nhóm và giải quyết các vấn đề phát sinh thông qua đối thoại theo nguyên tắc phi bạo lực. Các tổ chức này kiểm soát, điều tiết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
- Xã hội dân sự là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với Nhà nước, thị trường và gia đình các tổ chức xã hội nhằm đem lại sự đồng thuận tốt lành cho mọi người.
- Xã hội dân sự đề cao vai trò liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia đối thoại, thảo luận.
Ai cũng thấy rõ tính chất còn mù mờ của khái niệm và chưa hình dung nổi nếu có một “xã hội dân sự” thì nó có quyền lực gì, chi phối xã hội ra sao… Riêng người viết bài này thì nhận thức vấn đề là: Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…
Điều đáng lưu ý là ở chính các nước phương Tây và Mỹ, một mặt khuyến khích “xã hội dân sự” trên hình thức để mị dân chính quốc và thi hành chính sách “diễn biến hòa bình” ở các nước cần thay đổi thể chế chính trị; một mặt lại giám sát, cấm đoán một cách chặt chẽ các tổ chức xã hội nếu thấy có mối nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ, Điều 16 Công ước châu Âu quy định các nước tham gia cần có những hạn chế đối với hoạt động chính trị của người nước ngoài trong các trường hợp liên quan đến quyền tự do lập hội. Dưới góc độ kinh tế thì mối nguy hại của “xã hội dân sự” được chính Ngân hàng Phát triển châu Á nhận xét: “Các tổ chức xã hội công dân cũng có thể bao gồm những hiệp hội có động cơ bạo lực, tham lam, lợi ích cục bộ, thù địch sắc tộc và đàn áp xã hội, cũng như các tổ chức kinh doanh vận động hành lang như ngành công nghiệp thuốc lá, là không thể đại diện cho lợi ích đông đảo của công chúng”(Ngân hàng Phát triển châu Á: Phục vụ và duy trì, cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. NXB. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.2003. tr.613). Dẫn chứng này cho thấy ngay tính chất vô chính phủ, tự phát, cơ hội của các tổ chức trong “xã hội dân sự” nếu không có một cơ chế quản lý chính trị chặt chẽ.
Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài viết: Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước. Đó không phải là cái gì khác, mà đích xác đó là hành động “diễn biến hòa bình” quen thuộc mà thâm độc.
Không ai ngây thơ tin rằng, đó là một việc làm tích cực, tốt đẹp, vì quyền lợi của dân, bởi cái tên gọi nghe có vẻ hay nhưng về thực chất là sự cố tình đánh tráo khái niệm để lừa mị những người nhẹ dạ, mơ hồ, dao động. Dĩ nhiên chúng ta cần phân biệt rõ những kẻ có chủ ý xấu và những người vì một số lý do nào đó như thích nổi tiếng, thích được chú ý mà a dua, thấy người ta nói mình cũng hùa theo chứ chẳng hiểu tận gốc rễ vấn đề.
Chúng ta phải làm gì để người dân hiểu đúng về “xã hội dân sự” và phát huy những mặt tích cực của nó?
- Cần có các hội thảo riêng về cái gọi là “xã hội dân sự” làm rõ lịch sử khái niệm, cái được, cái mất, cái tốt, cái xấu của nó.
- Vạch trần bản chất sự cơ hội, lợi dụng hoặc mù quáng ảo tưởng về cái gọi là “xã hội dân sự”.
- Tuyên truyền tính chất vì quyền lợi của nhân dân ở các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó khẳng định tính chất vì con người của chế độ Nhà nước ta.
- Tăng cường và nâng cao hơn nữa vị trí, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội mà Nhà nước ta đang bảo trợ.
THANH NGUYÊN

Truyền thông về nhân quyền: Cần có những đổi mới



QĐND - Công tác truyền thông về quyền con người ở Việt Nam thời gian qua rất được coi trọng, nhưng hiệu quả còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: “Cần đổi mới cách làm truyền thông về nhân quyền ở Việt Nam, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Phóng viên (PV): Thưa ông, vấn đề nhân quyền hiện nay được coi là một trong các giá trị mang tính phổ quát được cộng đồng quốc tế coi trọng. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và thành tựu trong lĩnh vực này, nhưng dường như công tác truyền thông còn chưa hiệu quả, để đông đảo người dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ?
Ông Lê Văn Nghiêm: Đúng là trong những năm gần đây, quyền con người là lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và coi trọng. Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng rất coi trọng vấn đề quyền con người.
Quyền con người đã được quy định trong các văn bản quan trọng của luật quốc tế, gồm Tuyên ngôn về Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966). Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước quan trọng này vào năm 1982. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phê chuẩn 3 công ước quan trọng khác, tổng cộng đã phê chuẩn 5 trong số 14 công ước quốc tế về quyền con người. Theo kế hoạch, năm nay Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước thứ 6, đó là Công ước về chống tra tấn, năm 2014 sẽ phê chuẩn công ước thứ 7 về quyền người khuyết tật.
Việt Nam cũng có cam kết quốc tế về quyền con người khi tham gia các điều ước quốc tế như Hiệp định Hợp tác thương mại Việt Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP (đang trong quá trình đàm phán)…
Sau khi phê chuẩn các công ước quốc tế về nhân quyền, cũng như các nước khác, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết như: Xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện cam kết, trong đó nhiệm vụ quan trọng là phải rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các công ước quốc tế đã phê chuẩn.
Rõ ràng, chúng ta đã và đang tham gia vào một “sân chơi” lớn, đã tham gia thì chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân thủ điều luật. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người là một quá trình lâu dài, cần nhiều nỗ lực to lớn và bền bỉ của chính quyền các cấp trong mỗi quốc gia. Nước nào cũng có những hạn chế, thiếu sót trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Vì vậy, mục tiêu đặt ra đối với các nước là nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền, chứ chưa có nước nào được coi là hoàn thành mọi cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao nhất (184/192) trong số 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả này có thể hiểu là cộng đồng quốc tế ghi nhận Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực và đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Và thực tế là Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã ghi nhận những thành tựu nổi bật của Việt Nam, nhất là tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác…
Kết quả nói trên cũng có thể được hiểu là cộng đồng quốc tế tin tưởng và mong đợi Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, đóng góp nhiều hơn vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc.
Kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua còn có thể được hiểu là nhiều thông tin trên nhiều hãng truyền thông nước ngoài về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua là chưa khách quan, chưa công bằng và chưa chuẩn xác. Mặt khác, nó cũng cho thấy công tác truyền thông của chúng ta về vấn đề quyền con người còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
PV: Vậy chúng ta cần có những biện pháp cụ thể gì để đổi mới công tác truyền thông về vấn đề nhân quyền, thưa ông?
Ông Lê Văn Nghiêm: Công tác truyền thông của chúng ta về lĩnh vực quyền con người thời gian qua rất được chú trọng, nhưng chưa toàn diện và bài bản và chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Trước hết, cần coi công tác truyền thông về quyền con người là việc làm thường xuyên, liên tục, chứ không phải làm theo chiến dịch.
Thứ hai, vấn đề quyền con người có mặt trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, do đó nhà báo nào cũng cần có ý thức về vấn đề này và tham gia viết về chủ đề này, chứ không phải mỗi tòa soạn phân công một hai người chuyên viết về chủ đề này.
Thứ ba, thể loại cần phong phú, đa dạng chứ không nên chỉ tập trung vào một vài thể loại như bình luận và bút chiến.
Thứ tư, cần chủ động, tích cực thực hiện công tác truyền thông một cách bài bản, tránh tình trạng lúng túng, bị động phản ứng khi có các báo cáo, nhận định chỉ trích Việt Nam.
Thứ năm, nội dung cần được mở rộng, có thể tập trung vào những chủ đề quan trọng như: Phổ biến, giới thiệu, giải thích các văn bản luật quốc tế và các văn bản luật Việt Nam về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của công chúng; giới thiệu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người; thông tin, phản ánh các cam kết quốc tế và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, các khuyến nghị của các nước mà Việt Nam đã chấp nhận; phản ánh, giới thiệu những nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, nghĩa vụ quốc tế và các khuyến nghị về quyền con người; giới thiệu hoạt động của báo chí Việt Nam giám sát việc thực thi và bảo đảm quyền con người, phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, những trường hợp oan sai, để các cơ quan chức năng giải quyết; giới thiệu về kết quả thực hiện các quyền con người ở Việt Nam (việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; quyền của người dân tộc thiểu số, quyền của trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi, phụ nữ); đấu tranh phản bác các thông tin thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các thông tin, nhận định thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
Ông Lê Văn Nghiêm: Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả của công tác này, chúng ta cần có lập luận chặt chẽ, lý lẽ thuyết phục, dựa trên luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và thực tế ở Việt Nam.
Bài viết cần hướng tới đối tượng cụ thể. Đối với những người do chưa hiểu tình hình ở Việt Nam mà có nhận định không đúng, thì chúng ta giải thích rõ ràng đầy đủ, "nói có sách mách có chứng".
Đối với những người do khác biệt về quan điểm chính trị mà có nhận định không đúng, thì tranh luận lại một cách có lý có tình, trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, chân thành, để họ hiểu thực tế là nhân quyền vừa là giá trị phổ quát nhưng cũng mang tính đặc thù về hoàn cảnh lịch sử, về trình độ phát triển và điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Đối với những người thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc tình hình để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, thì chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu và thủ đoạn xấu xa đó.
Việc làm tốt công tác truyền thông về lĩnh vực quyền con người, thì người làm truyền thông cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về vấn đề quyền con người và được tập huấn nghiệp vụ truyền thông về quyền con người.
PV: Xin cảm ơn ông!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng tại Việt Nam là rõ ràng



QĐND - Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên lần này là sự ghi nhận những giá trị quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được thực thi có hiệu quả.
Tại Việt Nam, chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng: Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tại Việt Nam là rõ ràng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Không phải bây giờ, khi Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì việc thực thi quyền con người của Việt Nam mới được thế giới công nhận. Trước đây rất lâu rồi, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, tham gia rất nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, vấn đề thực thi nhân quyền tại Việt Nam đều được bè bạn quốc tế công nhận, đánh giá cao. Việc một vài nước dùng vấn đề tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để gây áp lực với những nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam chẳng qua chỉ là chiêu bài của những quốc gia, những chính trị gia thiểu số ấy mà thôi.
Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Ảnh: CT


Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một dịp tốt để thế giới hiểu hơn về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Chính những nước đã ủng hộ, bỏ phiếu bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam nói lên tiếng nói rằng, Việt Nam là nước tôn trọng nhân quyền, là nước có tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo thực sự, hoàn toàn không giống như những luận điệu xuyên tạc của một số chính trị gia chống lại Việt Nam.
Gần đây, có một số kẻ xưng là người của tôn giáo này, tôn giáo kia, nhưng có hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý nên nói rằng Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Nếu họ là tu sĩ chân chính, không vi phạm pháp luật thì chẳng bị xử lý. Bất kỳ ai vi phạm luật pháp của quốc gia nào đều bị xử lý theo luật pháp quốc gia đó. 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cao châm ngôn: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Tôi nghĩ, châm ngôn ấy là rất rõ ràng. Mọi Phật tử vẫn đang hướng về, trung thành với Giáo hội và thực hiện đúng châm ngôn mà Giáo hội đã đề ra.
THÙY LÂM (lược ghi)