Không thể xuyên tạc, chia rẽ về bức tranh muôn màu và sinh động ở Việt Nam

Thứ bảy, 29/04/2023 - 06:26

Các trải nghiệm về quê hương của những người con sống xa Tổ quốc và cả người đã trở về cho thấy một bức tranh muôn màu, sinh động ở Việt Nam mà theo cảm nhận của họ là “ngỡ ngàng và đầy thú vị”.

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, các thế lực thù địch, chống phá lại tìm cách bôi nhọ hình ảnh Việt Nam bằng những thông tin xuyên tạc, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, các trải nghiệm về quê hương của những người con sống xa Tổ quốc và cả người đã trở về cho thấy một bức tranh muôn màu, sinh động ở Việt Nam mà theo cảm nhận của họ là “ngỡ ngàng và đầy thú vị”.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với những người Việt Nam như vậy: Nhà báo Minh Giang-người sáng lập kênh Trực diện TV trên YouTube, hiện sinh sống tại quận Cam (California, Mỹ) và nhà báo Etcetera Trường Nguyễn - người sáng lập kênh Vietnam Today trên YouTube, đã từ Mỹ trở về sống hẳn tại Việt Nam.

Kỳ 1: Không gì bằng trở về và tận mắt chứng kiến

Phóng viên (PV): Ông cho biết lần về Việt Nam gần đây nhất là khi nào?

Nhà báo Minh Giang: Tôi về Việt Nam lần gần đây nhất là vào năm 2022, khi Việt Nam vừa mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Thật sự bất ngờ khi tôi không phải xếp hàng quá lâu để làm các thủ tục xét nghiệm ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất như lo lắng ban đầu.

Tôi còn được những người bạn từ Mỹ đã về nước trước đó mời tham gia chuyến đi tới Điện Biên, Lai Châu... để trải nghiệm Việt Nam rõ hơn thay vì chỉ ở thành phố. Họ muốn cho tôi thấy những thay đổi trong nước vì tôi cũng ít có dịp trở về. Nhưng tiếc là lần đó gia hạn vé máy bay chỉ được một tuần nên tôi chưa kịp thực hiện chuyến đi. Tôi đã tự nhủ nhất định sẽ sớm trở lại và dự kiến sẽ về vào tháng 6 này.

Nhiều tuyến đường Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ mừng ngày lễ lớn của non sông đất nước. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Nhiều tuyến đường Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ mừng ngày lễ lớn của non sông đất nước. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Ở thời điểm dịch hoành hành trong nước, từ Mỹ, tôi đã thực hiện nhiều video clip trên Trực diện TV về tình hình chống dịch ở Việt Nam, trong đó đề cập những ghi nhận của thế giới về thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch cùng sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp tích cực mà chính quyền đưa ra... Thời điểm đó tôi cũng nghe được một số ý kiến có tính chất tiêu cực, thiếu thiện chí về nỗ lực chống dịch và hỗ trợ người dân của Chính phủ Việt Nam “để không ai bị bỏ lại phía sau”...

PV: Những thông tin kiểu như vậy về Việt Nam được cộng đồng người Việt ở Mỹ đón nhận như thế nào?

Nhà báo Minh Giang: Ở thời đại 4.0 hiện nay, có thể khẳng định việc thiếu thông tin hay “mù” thông tin không còn nghiêm trọng như trước đây. Mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau để biết về tình hình trong nước. Nhưng thực tế là những phần tử cực đoan chống phá trong nước, một số phần tử núp bóng các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí vẫn cố tình xuyên tạc sự thật, bịa đặt thông tin về Việt Nam, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để bôi nhọ chính quyền trong nước, làm ảnh hưởng tới một bộ phận bà con còn mang tư tưởng định kiến, chưa một lần trở về Việt Nam. 

PV: Giữa nhiều luồng thông tin hết sức đa dạng như hiện nay, những người hành nghề báo chí tự do như ông đã lựa chọn cách thức hoạt động như thế nào để đạt hiệu quả?

Nhà báo Minh Giang: Thực sự tôi không dám nhận mình là nhà báo. Đó chỉ là cách gọi của nhiều người vì những gì tôi đang làm trên kênh Trực diện TV. Đây chỉ là những luận bàn, chia sẻ về các vấn đề từ góc độ cá nhân của tôi sau khi được tiếp cận các nguồn thông tin tin cậy hoặc những trải nghiệm thực tế. Đáng mừng là có những video clip tôi thực hiện đã thu hút vài chục nghìn lượt xem.

Qua đó có thể thấy việc thông tin về tình hình trong nước cho cộng đồng bà con ở nước ngoài nói chung, không chỉ riêng ở Mỹ, là rất cần thiết. Tôi chủ yếu đề cập tới những vấn đề trong nước hoặc những vấn đề liên quan tới Việt Nam được dư luận bà con người Việt ở nước ngoài quan tâm. Sống ở quận Cam nên tôi rất hiểu bà con người Việt ở đây cần những thông tin như thế nào. Tôi may mắn có những người bạn đã nhiều lần trở lại Việt Nam hoặc về ở hẳn trong nước chia sẻ nhiều thông tin thực tế nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm không gì bằng trực tiếp trở về và tận mắt chứng kiến. 

PV: Những thông tin như vậy đã giúp gì cho ông trong công việc hiện nay với tư cách người sáng lập kênh Trực diện TV?

Nhà báo Minh Giang: Mới đây, tôi có làm video về việc Mỹ công bố Báo cáo nhân quyền năm 2022, trong đó có đề cập tới Việt Nam. Sống nhiều năm ở Mỹ, tôi có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, báo cáo này vẫn thường sử dụng những thông tin từ các nguồn không chính xác. Những thông tin trong đó thường được lấy của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân quyền do người Mỹ gốc Việt thành lập tại Mỹ, nên mang tính thù hằn, thiên lệch ngay từ ban đầu.

Bất cứ vấn đề gì được chia sẻ trên Trực diện TV, tôi cũng thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tôi được biết, ngay sau khi báo cáo trên được công bố, một loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Có thể thấy, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đã ở mức độ sâu với làn sóng đầu tư ngày càng lớn từ Mỹ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam như vậy, chắc chắn họ đã phải nghiên cứu rất kỹ. Họ nhìn vào hệ sinh thái của Việt Nam, về pháp luật, hành lang pháp lý, vấn đề bảo vệ an toàn đồng vốn, khả năng sinh lợi vì chính trị Việt Nam có sự ổn định, nền kinh tế phát triển theo định hướng thị trường và tuân thủ theo luật trên “sân chơi” thương mại thế giới.

Các tập đoàn Mỹ mong muốn làm ăn với Việt Nam là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tự nâng cấp trở thành một đất nước tự do kinh tế hơn, chỉ số minh bạch tăng cao, từ đó thu hút các nhà đầu tư chính từ nội lực thực chất chứ không phải bằng sự đánh bóng hay trang trí gì. 

PV: Vậy theo ông, những thông tin bất lợi về Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Việt Nam-Mỹ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như hiện nay?

Nhà báo Minh Giang: Qua việc các nhà đầu tư Mỹ tìm tới Việt Nam và quan hệ đôi bên vẫn phát triển tốt đẹp như hiện nay, có thể thấy những thông tin tiêu cực về Việt Nam đã không gây cản trở nhiều. Những chiêu bài chống Việt Nam theo kiểu lật đổ chính quyền không cản được quan hệ Việt Nam-Mỹ đang trên đà phát triển.

Do đó, các nhóm dân cử hay vuốt ve lòng thù hận của những nhóm người còn giữ thái độ cực đoan, quá khích về Việt Nam để kiếm phiếu quay sang hô hào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Những vụ án bình thường ở Việt Nam cũng bị họ khuếch đại và nhìn ở góc độ rất tiêu cực để phán xét, nâng cao quan điểm một cách cố tình nhằm gây chú ý và được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào báo cáo. Các chiêu trò này chỉ mang tính thời điểm, được sử dụng trong thời gian cần lá phiếu bầu.

Các chiêu trò không có gì mới này cũng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ tài chính để gây quỹ của các nhóm chống đối để tiếp tục thực hiện các âm mưu chống phá Việt Nam. Vì những lợi ích như vậy nên các chiêu bài dân chủ, nhân quyền vẫn sẽ tiếp tục bị lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, bôi xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. 

Trong nhiều chục năm qua, Việt Nam và Mỹ đã thực hiện đối thoại về nhân quyền. Việt Nam luôn cho thấy có sự tiến bộ và được thể hiện qua cách ứng xử đáp lại một cách tích cực của Mỹ bằng mối quan hệ hợp tác gắn kết hơn.

Thực tế, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng ở Liên hợp quốc (LHQ), tham gia nhiều hơn vào các định chế kinh tế, tài chính của thế giới, đặc biệt là đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả lĩnh vực. Việc tham gia những cơ quan như vậy cũng cho thấy Việt Nam đã tự hoàn thiện, đổi mới để tuân thủ cam kết khi tham gia các định chế của LHQ, nên không thể thiếu dân chủ hay chà đạp nhân quyền như trong trí tưởng tượng của một số người. 

PV: Cá nhân ông có cảm nhận như thế nào về những vấn đề như vậy?

Nhà báo Minh Giang: Tôi vẫn luôn cho rằng, thay vì kêu gọi Việt Nam cần phải cải thiện về nhân quyền, các nhóm chống đối nên ủng hộ và chúc mừng Việt Nam vì với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nghĩa là Việt Nam đã có trách nhiệm và tích cực trong vấn đề này. Họ rõ ràng không muốn Việt Nam tiến bộ, không muốn Việt Nam có vị thế tốt trên trường quốc tế nên cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu phát triển của Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động các phần tử bất mãn trong và ngoài nước nhằm thực hiện âm mưu gây bất ổn chính trị, phá hoại sự bình yên của đất nước.  

Cuộc sống tươi vui ở Việt Nam, đời sống người dân được nâng cao, người dân hài lòng và ủng hộ chính quyền là câu trả lời tốt nhất về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chính người Việt Nam quyết định và hiểu rõ người Việt Nam có dân chủ, nhân quyền hay không chứ không phải một quốc gia nào khác.

Những chỉ trích, lý lẽ mà các tổ chức chống cộng ở hải ngoại đưa ra nhằm vào chính quyền Việt Nam không dựa trên những thông tin rõ ràng. Bản thân họ không nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam. Họ cũng không hiểu về chủ trương xây dựng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về pháp luật, họ hoàn toàn "mù màu" khi nhìn nhận các vụ án liên quan tới Điều 331 Bộ luật Hình sự hay các vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh chính trị nên mới hô hào cho rằng có oan sai. Những người bị đưa ra truy tố, xét xử là những người vi phạm pháp luật của Việt Nam. Họ không hiểu được ở Việt Nam có những quy định riêng, những quy định đó đã được xây dựng và trở thành hệ thống pháp luật, quan trọng hơn là được người dân Việt Nam đồng ý. 

Nói về những hạn chế trong vấn đề nhân quyền thì ngay cả Mỹ cũng đang phải đấu tranh hằng ngày và nỗ lực xử lý những vấn đề mà mình gặp phải. Việt Nam cũng vậy. Quá trình phát triển cũng chính là quá trình tự hoàn thiện. Vấn đề cải cách luật pháp, tư pháp ở Việt Nam luôn được ưu tiên. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

MỸ HẠNH (thực hiện)

Phía sau những thú chơi ngông

Thứ năm, 27/04/2023 - 05:38

Mặc trang phục kiểu ngụy quân, tung lên mạng các hình ảnh, clip phản cảm; sản xuất, kinh doanh, sưu tầm trang phục, đồ dùng của lính Mỹ, ngụy trước năm 1975... Những hành vi phản cảm ấy đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng.

Việc khoác lên mình sắc áo của kẻ xâm lược và chế độ tay sai bán nước đã bị lịch sử đào thải, không đơn giản chỉ là một thú chơi ngông, nông cạn về nhận thức. Mà đằng sau nó là âm mưu, thủ đoạn của những thế lực xấu, thù địch, làm phương hại lợi ích quốc gia, dân tộc, cần phải nhận diện, đấu tranh, loại bỏ...

Hành vi phản cảm và tư duy lệch lạc

Vào công cụ tìm kiếm Google, gõ các từ khóa: “Quần áo lính ngụy”, “trang phục lính ngụy”, “trang phục lính Việt Nam cộng hòa”, “quần áo lính Mỹ”... có đến hàng trăm nghìn kết quả. Cùng với đó là vô số các trang mạng, tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội đăng thông tin, hình ảnh quảng bá, kinh doanh các loại mặt hàng này. Các hoạt động này diễn ra công khai trên không gian mạng. Từ môi trường này, các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhan nhản những cái gọi là nhóm, hội nhóm “Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa”, “Yêu đồ lính Mỹ”... Cùng với sản xuất, mua sắm, sử dụng các loại trang phục mới, các thành viên của những hội, nhóm này còn kêu gọi, vận động sưu tầm trang phục và các loại vật dụng của lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và đồ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Họ coi đó như là một thú chơi “đẳng cấp”. Đồ càng độc, lạ, càng đắt tiền. Điều đáng nói, từ những hội, nhóm tự phát này, họ kêu gọi tụ tập nhiều người, mang mặc trang phục của ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975, tổ chức diễu hành, đi đến các điểm du lịch, nơi công cộng, diễn lại cảnh hành quân của ngụy quân ngày xưa rồi quay clip, ghép hình ảnh, tung lên mạng. Trong rất nhiều những hình ảnh, clip ấy, nhiều người thể hiện thái độ ngông nghênh, lời nói lỗ mãng, cử chỉ dị hợm, hát hò và phát các bản nhạc, bài hát của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975, rất phản cảm, phản văn hóa, thể hiện sự nông cạn trong nhận thức của nhóm người này.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Tại một số sự kiện văn hóa diễn ra ở một số nơi, hình ảnh phản cảm này cũng xuất hiện. Chẳng hạn trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An trung tuần tháng 3 vừa qua, có khá nhiều người mặc trang phục rằn ri (giống với quân phục của lính ngụy), đem theo 5 chiếc xe Jeep và nhiều mô tô phân khối lớn để “hộ tống” các thí sinh. Dù sau đó, cơ quan chức năng đã có mặt yêu cầu nhóm người này giải tán, nhưng những hình ảnh phản cảm của trò lố này được nhiều người ghi lại, lan truyền trên không gian mạng đã gây bức xúc dư luận xã hội. Tương tự, tại một số hoạt động có đông người tham gia như đám cưới, lễ hội, họp mặt... không ít người đã lợi dụng sự kiện để mang mặc trang phục lính ngụy, hát nhạc của chế độ tay sai bán nước.

Những hoạt động phản cảm nêu trên diễn ra từ lâu. Thời gian gần đây, với tiện ích công nghệ và sự tương tác mạnh mẽ trên các nền tảng không gian mạng, những trò lố này được một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội khuếch trương, rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia, trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt là trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; những hoạt động phản cảm nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa công cộng và đời sống văn hóa tinh thần của toàn xã hội. Điều đáng lưu ý là trong nhiều trò lố ấy, họ còn lôi kéo, tổ chức cho các em, các cháu tuổi thiếu niên, nhi đồng tham gia. Các dịch vụ kinh doanh đồ lính ngụy cũng ra rả thông tin quảng cáo các loại trang phục dành cho trẻ em...

Diễn biến của những chiêu trò phản cảm này cho thấy, đây không còn đơn thuần là kiểu chơi ngông, chơi trội, dị biệt, thể hiện tư duy, sở thích lệch lạc, lệch chuẩn... của một số người. Đằng sau những trò lố phản cảm ấy là những toan tính thâm độc của những đối tượng có tư tưởng cực đoan, thù địch, muốn lợi dụng chiêu trò để thực hiện mục đích chính trị, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đời sống nhân dân. Thời gian qua, một số thành phần cực đoan chính trị đã lợi dụng chủ trương hòa hợp dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa để lên tiếng đòi Đảng, Nhà nước công nhận lính ngụy tử trận là “liệt sĩ”. Trong nhiều diễn đàn trên không gian mạng, họ kêu gọi cộng đồng làm sống lại các “giá trị” của chính quyền tay sai bán nước ở Sài Gòn trước năm 1975. Họ rêu rao rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhưng “tinh thần Việt Nam Cộng hòa” vẫn sống mãi. Cách để lan truyền tinh thần ấy là thông qua trang phục, âm nhạc, các hoạt động nghệ thuật... Rõ ràng, những hành vi phản cảm không đơn thuần chỉ là trò lố, mà nó đã và đang biến tướng, trở thành hình thức, phương tiện để các đối tượng bất mãn, cực đoan, có tư tưởng thù địch với Nhà nước, với chế độ lợi dụng để thực hiện các hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chủ động đấu tranh, ngăn chặn

Trước sự biến tướng của những trò lố nêu trên, chính quyền, cơ quan chức năng một số địa phương đã có biện pháp chấn chỉnh. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khuyến cáo người dân trên địa bàn cần nhận thức rõ những hành vi phản cảm nêu trên là hành động cổ xúy, kích động hận thù, khơi dậy nỗi đau chiến tranh, thể hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Người dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn những hành vi sử dụng trang phục lính Mỹ, ngụy, tổ chức các hoạt động phản cảm, gây bức xúc, phẫn nộ dư luận. Tại Đà Nẵng, Công an quận Thanh Khê phối hợp với các lực lượng chức năng cũng vừa xử lý hành chính một trường hợp kinh doanh trái phép hàng không rõ nguồn gốc. Đối tượng này là một trong những thành phần nổi tiếng của các hội, nhóm “Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa”. Số hàng không rõ nguồn gốc đối tượng này nhập về là trang phục và các loại vật dụng có mẫu mã, kiểu dáng giống đồ lính ngụy Sài Gòn trước năm 1975. Từ vụ việc này, Công an TP Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, chủ động phát hiện, phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phản cảm, tàng trữ, kinh doanh trái phép hàng hóa không rõ nguồn gốc...

Trước đó, tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), từ thông tin của nhân dân, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã kịp thời ngăn chặn, xử lý một trường hợp sử dụng trang phục, vật dụng của ngụy quân để kinh doanh. Theo đó, đối tượng này mở quán cà phê, cho nhân viên mặc trang phục ngụy quân, lắp đặt các mô hình lô cốt, ụ súng, trưng bày hình ảnh chiến trường, vật dụng của quân đội ngụy Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi được chính quyền, cơ quan chức năng địa phương vận động, đối tượng đã nhận thức rõ hành vi sai trái của mình, tự nguyện tháo dỡ, gỡ bỏ các hình ảnh, mô hình phản cảm và cam kết không tái phạm...

Thực tế cho thấy, một số người do tâm lý tò mò, thích bắt chước, thích thể hiện... đã bị các đối tượng xấu lôi kéo vào những chiêu trò phản cảm. Khi được giáo dục, giải thích, nhận thức rõ vấn đề, họ tự giác sửa sai, khắc phục. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vì mục đích kiếm tiền, họ tham gia vào các hội, nhóm để kinh doanh online, buôn bán trang phục, vật dụng có màu sắc, mẫu mã giống quân phục của lính Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Việc tận dụng không gian mạng kinh doanh các loại mặt hàng này gây tác hại khôn lường, bởi nó là một trong những tác nhân “kích cầu” các hành vi sử dụng các loại trang phục, vật dụng này trong đời sống xã hội. Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi kinh doanh trái phép hàng không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh thực hiện ở tất cả địa phương nhằm góp phần đấu tranh, ngăn chặn những hành vi phản cảm, độc hại trong đời sống xã hội.

Những ngày này, cả nước ta diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 48 năm đất nước thống nhất, hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Trong bầu không khí tự hào, đoàn kết, hòa hợp dân tộc của ngày hội non sông, các đối tượng bất mãn, cực đoan chính trị và thế lực thù địch cũng ra sức đẩy mạnh các hoạt động kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Chúng ta không thể chấp nhận và kiên quyết không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, lợi dụng thực hiện các hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Không để những chiêu trò lố bịch làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn. Khi phát hiện các hành vi tụ tập đông người, mang mặc trang phục kiểu lính Mỹ, ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975 diễu hành, gây rối, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để phối hợp ngăn chặn, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cần chống thái độ bàng quan, thờ ơ, thụ động trước những hành vi sai trái...

PHAN NGUYỄN

Có thực “bất thường” ở những kỳ họp Quốc hội bất thường? - Bài 5: Kết tinh đổi mới, cống hiến, hành động và kiến tạo (tiếp theo và hết)

Thứ sáu, 28/04/2023 - 13:58

Sau 4 kỳ họp Quốc hội bất thường, một số kẻ đóng vai “khóc mướn” cho nhân dân, cử tri Việt Nam, lu loa rằng: “Quốc hội khóa XV sẽ khép lại với dấu ấn của 4 lần “bất thường” gây hoang mang, bức xúc trong dư luận”. Chẳng biết các “diễn viên hài” ấy có hổ thẹn khi nhìn vào những thành quả mang dấu ấn đột phá từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, với những thành công toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện.

Mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường

Bằng những xảo ngôn lộ rõ mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch đặt điều vu khống: “Người dân Việt Nam thấy gì ở Quốc hội khóa XV? Câu trả lời là 4 kỳ họp bất thường để phân chia quyền lực, thông qua những đạo luật mị dân nhằm tạo bình phong che đậy bản chất cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng hữu danh vô thực”. Chúng cáo buộc rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV ngoài việc đánh trống khua chiêng bằng 4 kỳ họp bất thường thì những hoạt động còn lại chỉ là vô thưởng vô phạt, rằng “rồi cũng vỗ tay bế mạc một cách khiên cưỡng, nhạt nhẽo, vô vị”. Quả đúng là những kẻ mộng du này quá giỏi trong việc tưởng tượng và bôi đen, bịa đặt một cách vô liêm sỉ!

Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề. Ảnh: quochoi.vn 

Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề. Ảnh: quochoi.vn 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn 

Thực tiễn không thể phủ nhận, chưa đầy 2 năm kể từ ngày Quốc hội khóa XV bắt đầu bước vào những ngày làm việc đầu tiên, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh đó, bằng những quyết sách đúng đắn chưa từng có trong tiền lệ được đưa ra một cách kịp thời, sát với thực tiễn cuộc sống, Quốc hội đã chứng minh cho cử tri, nhân dân thấy một hình ảnh về sự đổi mới, cống hiến, hành động và kiến tạo. Các hoạt động nghị trường từ xây dựng luật tới những phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần của một nhiệm kỳ Quốc hội nhiều đổi mới. Trong đó, rất nhiều câu chuyện nóng hổi từ đời sống được các đại biểu Quốc hội đưa vào nghị trường, tranh luận để cùng đưa ra hoặc chỉnh sửa những quy định luật không còn phù hợp với thực tế. Gần một nửa nhiệm kỳ trôi qua với rất nhiều quyết sách cần kíp, từng hơi thở của cuộc sống đã gần như hiện diện trong nhịp đập của nghị trường, từ những cuộc tranh luận "nảy lửa" tại các phiên chất vấn tới việc bàn thảo thông qua các dự án luật…

Một trong những điểm mới nổi bật của hoạt động Quốc hội khóa XV chính là công tác dân nguyện. Cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét báo cáo về công tác dân nguyện đều đặn tại các phiên họp hằng tháng chứ không chỉ tại các kỳ họp Quốc hội. Từ đó, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân, cả sự phấn khởi và lo lắng đều được phản ánh, xem xét toàn diện. Hơi thở cuộc sống vào nghị trường qua hàng loạt vấn đề được nêu trực diện, trong đó có cả những hạn chế, tồn tại kéo dài như tham nhũng vặt, giải ngân chậm cho đến những bức xúc hiện hữu như thị trường xăng dầu, giá cả hàng hóa, cán bộ ngành y tế, giáo dục thôi việc, nghỉ việc...

Đại biểu Quốc hội khóa XV chất vấn tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn 

Đại biểu Quốc hội khóa XV chất vấn tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn 

 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, ngoài 4 kỳ họp thường kỳ, Quốc hội khóa XV tổ chức thành công 4 kỳ họp bất thường. Những quyết sách được ban hành tại các kỳ họp đều chưa từng có tiền lệ, như: Thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, với nhiều vấn đề cấp bách được xử lý theo quy trình đặc biệt, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống; thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lên tới 350.000 tỷ đồng (nằm ngoài khung kế hoạch 5 năm 2021-2025). Áp dụng phương thức “một luật sửa nhiều luật”, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một thành tựu quan trọng như bằng chứng đanh thép đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đó là Quốc hội khóa XV đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ.

Ngay từ năm thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Lần đầu tiên từ khi đổi mới đến nay, Bộ Chính trị ban hành một văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm định hướng, giao nhiệm vụ lập pháp trong cả một nhiệm kỳ Quốc hội, làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Đây cũng là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của các cơ quan, để công tác xây dựng pháp luật luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, qua đó hiện thực hóa một trong 3 đột phá chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 5-11-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, không tính những việc bất thường. Tính đến tháng 4-2023, đã thực hiện xong hơn 100 nhiệm vụ, trong đó có hàng chục nhiệm vụ luật pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Để đạt kết quả quan trọng đó, Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt về lập pháp, chưa từng có tiền lệ để kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.

Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với tỷ lệ 95,58%. Ảnh: quochoi.vn
Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với tỷ lệ 95,58%. Ảnh: quochoi.vn
Hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Trong ảnh: Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: daibieunhandan.vn
Hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Trong ảnh: Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: daibieunhandan.vn

Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt; hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ qua, hơi thở của cuộc sống được thổi vào nghị trường, để từ đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã cơ bản chuyển mình theo hướng đổi mới đúng với tinh thần của Chủ tịch Quốc hội cam kết trong phát biểu tại lễ nhậm chức của mình. Những quyết sách kịp thời, thẩm thấu vào cuộc sống mỗi ngày của từng người dân chính là minh chứng rõ nhất cho việc xây dựng một Quốc hội gần dân, do dân và vì dân.

Bám sát chương trình công tác toàn nhiệm kỳ, nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh, cấp thiết tháo gỡ các nút thắt, khó khăn cho quốc kế dân sinh, song Quốc hội vẫn tỏ rõ sự thận trọng, kín kẽ, khách quan, công tâm, không chạy theo tiến độ, không máy móc, câu nệ. Hoạt động Quốc hội ngày càng trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn về một Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, dân chủ, luôn gần dân, trọng dân, hành động và kiến tạo vì dân, vì nước.

Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Giá trị quan trọng nhất chính là việc Quốc hội đã vì lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân để đưa ra những quyết sách giúp các thành viên trong hệ thống chính trị phát huy được sức mạnh, khả năng của mình. Quốc hội đã chủ động ban hành những quyết sách mang tính "cởi trói".

Từ “tham gia” đến “dẫn dắt” trên trường quốc tế

“Thế giới nhìn Quốc hội Việt Nam bằng con mắt “bất thường” sau những kỳ họp bất thường! Phải chăng con đường ngoại giao của Quốc hội này cũng bó hẹp từ đây?!” - Bằng cách đưa ra nhận định võ đoán cùng câu hỏi lập lờ như vậy, những kẻ chống phá Quốc hội Việt Nam quy kết rằng: “Các thương vụ ngoại giao cưỡi ngựa xem hoa vừa qua của Quốc hội và cả tương lai gần, kết quả vẫn sẽ chỉ là những cái bắt tay đầy tính đối ngoại”. Chĩa mũi nhọn vào xuyên tạc công tác đối ngoại của Quốc hội nước ta, bởi các thế lực thù địch cũng nhận thức rằng, đó là một trong những hoạt động được Quốc hội đặc biệt coi trọng và đạt được không ít thành tựu nổi bật trong thời gian qua.

Có lẽ cũng chẳng cần đi đấu tranh hay giải thích cho những luận điệu vu khống nêu trên, bởi thành tựu trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã để lại dấu ấn và lan tỏa với bạn bè quốc tế thông điệp về Quốc hội Việt Nam chủ động, đổi mới và trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Uruguay Beatriz Argimon tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: DOÃN TẤN 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Uruguay Beatriz Argimon tại Lễ ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: DOÃN TẤN 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43). Ảnh: quochoi.vn 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43). Ảnh: quochoi.vn 

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả, với các phương thức và cách làm mới, ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần xây dựng môi trường hòa bình ở khu vực, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo thế chân kiềng vững chắc góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy phương châm, định hướng đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác động tích cực, thiết thực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, diễn biến khó lường của tình hình thế giới, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng minh chứng là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới.

Đại hội đồng AIPA 42 diễn ra vào tháng 8-2021, do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức theo hình thức trực tuyến đánh dấu hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước diễn đàn liên nghị viện khu vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của các nghị viện thành viên trong khu vực. Các sáng kiến về chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng, kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine đã được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Trong thông cáo chung, đoàn Việt Nam đóng góp tới 5 ý kiến, đây là sự khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam, khẳng định sáng kiến và ý kiến của trưởng đoàn Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được cộng đồng AIPA đánh giá rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh: quochoi.vn 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh: quochoi.vn 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-144. Ảnh: quochoi.vn 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-144. Ảnh: quochoi.vn 

Từ diễn đàn liên nghị viện khu vực vươn ra thế giới, tháng 9-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Không chỉ là một sự kiện định kỳ, hội nghị lần này còn là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống, là cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với sự tham dự của hơn 110 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Chủ tịch Quốc hội đã có 2 bài phát biểu quan trọng nêu rõ quan điểm của Việt Nam với các vấn đề toàn cầu. Nghị viện các nước đã thống nhất chung tay phòng, chống đại dịch, chia sẻ vaccine, lập chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Dấu ấn Việt Nam tiếp tục được khẳng định thông qua nhiều hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên “dẫn dắt, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam. Bên cạnh việc tham gia chủ động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò dẫn dắt trên các diễn đàn đa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội cũng được triển khai chủ động, tích cực.

Đối với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nội dung trao đổi trong tiếp xúc cấp cao, làm việc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và nghị viện các nước, cũng như gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thì nội dung về hợp tác kinh tế luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại các diễn đàn đa phương, Quốc hội Việt Nam chủ động đưa ra những chủ đề nhằm đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển của đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là những vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng…; làm sao vừa thực hiện được các cam kết quốc tế nhưng đồng thời cũng yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm đối với những vấn đề đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn 

Năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức. Ảnh: quochoi.vn 

Năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức. Ảnh: quochoi.vn 

Với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ, thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những chuyển biến mới, thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhằm đóng góp hơn nữa vào công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước ta, công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã bám sát nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, phát triển và bổ sung nội hàm đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đưa công tác đối ngoại Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn.

Thay lời kết

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam suốt hơn 77 năm qua nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng là minh chứng hiện hữu sinh động, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Mọi hoạt động của Quốc hội, trong đó có thành công của 4 kỳ họp bất thường chưa có trong tiền lệ, đều hướng tới mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vàng thật chẳng sợ thử lửa! Với niềm tin không gì lay chuyển được của nhân dân, cử tri cả nước, Quốc hội Việt Nam luôn có điểm tựa vững chắc để không ngừng hoàn thiện, cống hiến vì nước, vì dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần lưu ý: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị

 

NGUYỄN TẤN TUÂN - ĐÀO HỒNG THẠNH