Văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị

20/09/2021 05:00

Văn học, nghệ thuật chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rõ ràng: Văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, không thể tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Đó là quy luật. Ấy vậy mà, một số người, nhóm người vẫn cố tình đi ngược lại quy luật khách quan đó.

Thời gian qua, một số người biến chất hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà được sự hà hơi, tiếp sức, kích động của các thế lực bên ngoài đã lớn tiếng kêu gọi và đòi văn học, nghệ thuật không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị hiện hành (cho dù chính chế độ này đã mang lại cho họ những giá trị đích thực và họ đã, đang được hưởng). Vì thế, họ ra sức truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đề cao, cổ súy một số tác phẩm của những văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích. Thậm chí, họ còn cho rằng, những tác phẩm này đã tạo nên "luồng gió mới" trong lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật nước ta và đã "tiên phong" thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện đúng tinh thần "văn nghệ mở".

Bên cạnh đó, một số kẻ đã cố tình bôi nhọ, đả kích các nhân vật, các nhà phê bình văn học có quan điểm chính thống; xuyên tạc cho rằng họ là những "bồi bút” cho Đảng, "con rối" trên diễn đàn văn chương... Điển hình trong đó có nhóm tự xưng “Ban vận động Văn đoàn Việt Nam độc lập”, phiến diện cho rằng: Văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học, nghệ thuật minh họa nghị quyết, tô hồng thực tế theo chỉ đạo của Đảng. Thật đáng buồn hơn, khi có nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong nền văn chương cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đã “mắc bệnh nặng” nên “mờ mắt”, phủ nhận chính những đứa con tinh thần của mình khi "loạn ngôn" cho rằng: Các tác phẩm văn học viết trong chiến tranh là những kiểu viết minh họa đầy chất “đặt hàng” của Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của nhà văn. Do đó, những tác phẩm đó không có giá trị và phải có nhận thức mới để thoát khỏi sự can dự của Đảng (!)

Chắc chắn các “nhà văn nghệ mở” đều đã biết, sự tồn tại của chính trị trong một xã hội thường được thể hiện trên hai phương diện là học thuyết chính trị và nhà nước. Trong đó, học thuyết chính trị giữ vai trò chủ đạo trong ý thức xã hội để giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội và xây dựng nên một nhà nước nhằm tổ chức, quản lý, điều chỉnh và định hướng xã hội phát triển theo lý luận, quan điểm của học thuyết chính trị đó.

Như vậy, trong một xã hội, nói đến chính trị là nói đến vai trò chủ đạo cả trong ý thức xã hội lẫn hệ thống thiết chế mang tính chất nhà nước để bảo đảm cho sự hiện thực hóa tư tưởng chính trị. Khi đã hiển nhiên giữ vai trò chủ đạo trong một xã hội, thì chính trị không chỉ ảnh hưởng và tác động tới các hình thái ý thức xã hội khác cùng trong một kiến trúc thượng tầng, mà còn giữ vai trò lãnh đạo và chi phối mọi hoạt động trong lĩnh vực vật chất, tinh thần của xã hội. Bằng cách tiếp cận thực sự khách quan, toàn diện, khoa học, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra, văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nhưng là hình thái ý thức xã hội đặc thù; biểu hiện tập trung, đầy đủ, sâu sắc nhất quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực và luôn nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải thấm nhuần tư tưởng cách mạng, có tính giai cấp, tính đảng, tính định hướng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”[1]. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, văn học, nghệ thuật vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội.

Văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị
Một cảnh trong vở kịch hát "Hoa lửa Truông Bồn". Kịch bản: PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ; Đạo diễn: NSND. Lê Hùng. Ảnh: tuyengiao.vn 

Thực hiện sứ mệnh mà dân tộc, nhân dân giao cho, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo văn học, nghệ thuật nhằm phát huy cao nhất tính “chân, thiện, mỹ” của nó, vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của văn học, nghệ thuật; bảo đảm cho “hình thái ý thức xã hội đặc thù” này phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân, của dân tộc.

Vì vậy, ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa-chiến lược đầu tiên về văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) của Ðảng đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quan điểm đúng đắn đó, được khẳng định lại trong nhiều nghị quyết của Ðảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là sự bảo đảm cho phát triển bền vững: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”[2].

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể như cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa... Đảng chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25-7-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, đường lối văn học, nghệ thuật của Ðảng là một bộ phận trong đường lối phát triển con người, phát triển đất nước, được xây dựng trên những căn cứ khoa học xác đáng, hướng tới những mục tiêu cao đẹp mà văn học, nghệ thuật cũng nhằm hướng tới. Do đó, văn học, nghệ thuật Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chuyển hóa lập trường cho nhiều trí thức tiểu tư sản sang người trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước.

Đơn cử như, bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (năm 1938) là một mốc son đánh dấu sự chuyển biến, đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn Đảng: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã khẳng định: Chính Cách mạng Tháng Tám đã cứu sống đời ông, giải phóng cho gia đình ông và giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của ông... Trong giai đoạn cách mạng từ 1930 đến 1945, văn học, nghệ thuật đã có vai trò quan trọng trong vận động cách mạng, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các tên tuổi, như: Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Xuân Hồng, Phạm Tuyên, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân... đã vừa cầm súng, vừa cầm bút; vừa chiến đấu, vừa sáng tác, góp phần làm nên hình ảnh cao đẹp, đáng tự hào-“Người nghệ sĩ-chiến sĩ”. Họ đã có những tác phẩm đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật; tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng, thực sự mang tầm văn hóa lớn trong đấu tranh cách mạng, hướng bạn đọc đi đến những cái cao thượng anh hùng... Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được những thành tựu đáng trân trọng; đại đa số các văn nghệ sĩ phát huy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ-chiến sĩ, sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, xứng đáng đại diện cho “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng”[3].

Thực tế là vậy! Thử hỏi các “nhà văn nghệ mở”, các ngòi bút “tiên phong” rằng, đó có phải là bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt tư tưởng, quan điểm trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; hay trấn áp những văn nghệ sĩ, đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo không? Và, nếu các tác phẩm được viết theo kiểu “minh họa”, hay viết theo “đặt hàng mà không phải do cảm xúc” thì liệu có đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật như vậy không? Phải chăng, từ ý thức chính trị kết hợp với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam ý chí, tình yêu vô bờ bến với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Từ ý thức đó, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và vững bước cùng dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những kỳ tích mà lịch sử sẽ còn lưu giữ mãi.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cấm phát hành và quyết định thu hồi một số tác phẩm, ấn phẩm văn học đã phát hành là do vi phạm Luật Xuất bản; thậm chí có tác phẩm có những quan điểm, nhận định, đánh giá thiếu căn cứ khoa học, mơ hồ về chính trị, hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử, thông tin tư liệu sai lệch, tuyên truyền chủ nghĩa xét lại một cách cực đoan, kích động thù hằn dân tộc, tạo tâm lý oán trách...

Việc làm đó là hoàn toàn chính xác, đúng đắn để tạo điều kiện cho nền văn học, nghệ thuật chân chính phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng chế độ XHCN mà nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, chứ không như một số người rêu rao: Trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức! Có chăng, đó chỉ là việc làm ngăn chặn những tác phẩm bôi đen, trút bức xúc và hằn học cá nhân, lấy cái tôi để làm thước đo phẩm chất cộng đồng...; những tác phẩm đó bao giờ cũng mang tới sự “phản giá trị” đối với tác phẩm và chính chủ nhân của nó. Đó là sự thật không thể chối cãi được. Cho nên, khi người ta đòi hỏi tách văn học, nghệ thuật khỏi chính trị, thì nếu đó không nhằm tiếp tay, thực hiện ý đồ đen tối cho các thế lực phản động, thì cũng là biểu hiện của sự ấu trĩ, mất phương hướng trong nhận thức mà thôi.

Đại tá, TS PHẠM QUANG THANH, Phó chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị

[1]- Hồ Chí Minh-Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.504.

[2]- ĐCSVN-Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 47, Nxb CTQG, H.2006, tr.464.

[3]- ĐCSVN-Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H.1998, tr.56.

Tổ chức Ân xá quốc tế lại giở bài “thông cáo về nhân quyền”

08:47 20/09/2021

Vẫn chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tổ chức Ân xá quốc tế (AI - Amnesty International) đã lợi dụng công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, thậm chí cho rằng việc đưa lực lượng Công an, Quân đội vào thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 là “đang cản trở nhiều người bị tổn thương khi họ không tiếp cận được nguồn lương thực để sinh tồn trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay”.

Vẫn những luận điệu xuyên tạc

Chiều 13/9/2021, trong cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn được bền vững hơn, Thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến hết tháng 9. Đây cũng là chủ trương đã được lãnh đạo thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với thực tiễn dịch COVID-19 trên địa bàn bởi so với mục tiêu mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra đến 15/9 kiểm soát được dịch bệnh và so với một số tiêu chí của Bộ Y tế thì Thành phố chưa đạt được.

Ngay sau đó, tổ chức Ân xá quốc tế đã đưa ra cái gọi là “Thông cáo kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền khi dùng quân đội tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh”, nói rằng tổ chức Ân xá quốc tế lo ngại vi phạm nhân quyền ở Việt Nam khi giãn cách kéo dài.

Trong nội dung của thông cáo này, tổ chức Ân xá quốc tế quy kết: “Cơ quan chức năng Việt Nam phải có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về nhân đạo và quyền con người khi mà những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ngày càng gây hại cho những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội”. Thông cáo dẫn lời của bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Nghiên cứu trong khu vực, cho rằng “biện pháp giãn cách được quân đội giúp thực thi đang cản trở nhiều người bị tổn thương, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, không tiếp cận được nguồn lương thực để sinh tồn trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay”.

Nực cười hơn khi bà Emerlynne Gil suy diễn: “AI nhận được báo cáo từ những nguồn đáng tin cậy rằng vô số người gần như không nhận được nguồn lương thực hỗ trợ. Nếu Việt Nam tiếp tục biện pháp giãn cách được quân đội hỗ trợ thực thi, lực lượng này cần phải cung ứng những nguồn duy trì cuộc sống đến cho những thành phần đang bị thương tổn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho họ”… 

Không chỉ xuyên tạc, vu cáo việc lực lượng vũ trang tham gia chống dịch COVID-19 là “vi phạm nhân quyền”, là “cản trở nhiều người bị tổn thương”, tổ chức Ân xá quốc tế còn quy kết rằng, lực lượng Công an đã tiến hành phạt và bắt giữ những người lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng cũng như xử lý hình sự là “không thỏa đáng” và lên án đó là “những biện pháp mạnh tay với lý do ngăn chặn dịch bệnh có thể làm phương hại đến hiệu quả công tác chống dịch COVID-19”!

Dù núp bóng hay che đậy dưới các hình thức hay vỏ bọc nào đi chăng nữa thì bản chất của một tổ chức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để đưa ra những nội dung sai sự thật, từ đó can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam của tổ chức Ân xá quốc tế vẫn không thay đổi.

Từ khi được luật sư người Anh là P.Benenson thành lập năm 1961 đến nay, dưới vỏ bọc là một tổ chức phi chính phủ (NGO), AI đã núp bóng dưới một tổ chức mang danh nghĩa quốc tế để xác định mục tiêu hoạt động nhằm “giải phóng” các “tù nhân lương tâm”; bảo đảm các phiên tòa diễn ra công khai và công bằng; giúp đỡ những người tìm chỗ nương náu chính trị; hợp tác với các tổ chức cùng mục đích nhằm chấm dứt vi phạm nhân quyền…

Từ đó, hằng năm AI thường xuyên đưa ra các báo cáo thường niên về cái gọi là tình trạng về “tù nhân lương tâm”, đưa ra những nội dung xuyên tạc, vu cáo một cách trắng trợn về tình hình các tù nhân trong các trại giam ở Việt Nam. Nhiều trường hợp, tổ chức này còn lớn tiếng đòi “Chấm dứt việc bắt bớ và lập tức trả tự do cho các tù nhân lương tâm”; “chấm dứt việc tra tấn và đối xử tàn bạo tại các đồn Công an, trại giam”...

Hiện thực phản bác các luận điệu vu cáo của AI

Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có lực lượng Quân đội và lực lượng Công an. Việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với những minh chứng về kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã một lần nữa cho thấy việc tăng cường các lực lượng, trong đó có Công an, Quân đội là vấn đề rất cần thiết, cấp bách, giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch, giúp tăng cường thêm nhiều nguồn lực cho địa phương. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, số ca tử vong lớn, phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội thì sự chi viện của các lực lượng Công an, Quân đội trở thành điểm tựa vững chắc của nhân dân. 

Các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội được tăng cường trong công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã vừa cung ứng nhu yếu phẩm, vừa thông tin, cập nhật chính sách, thông tin mới, hướng dẫn người dân phòng, chống COVID-19. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Quân đội, Công an đã được tăng cường để chăm sóc y tế, giúp tầm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh, điều trị F0. Họ đã tham gia các tổ, chốt, trạm kiểm soát cố định và cơ động để tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định và bảo đảm an ninh, trật tự trong thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, sự phối hợp của các lực lượng khác, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an đã cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân ở những khu phong tỏa, cách ly với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn và không để người dân phải thiếu ăn, thiếu mặc. Đồng thời, tổ công tác đặc biệt thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là những người trực tiếp lo chuyện hậu sự, nghĩa tình cho những người không may qua đời vì COVID-19 (do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên khi có người qua đời vì COVID-19, những người thân không thể có mặt ngay để lo hậu sự). Đội công tác thay mặt gia đình thực hiện từ khâu khâm liệm đến lúc bàn giao tro cốt cho người nhà. Những gia đình chưa thể nhận tro cốt thì Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh lưu giữ, lo hương khói chu đáo, thể hiện trọn vẹn đạo lý của người Việt Nam...

Bên cạnh cuộc chiến chống “giặc dịch COVID-19” vẫn đang đầy cam go, thử thách thì cuộc chiến chống tin giả, bảo đảm “vùng xanh không gian mạng” cũng gian nan khi các thế lực thù địch, phản động, các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam hay cả với một số người vì sự thiếu hiểu biết đã đăng tải các thông tin độc hại, sai sự thật về dịch COVID-19 làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta. Việc thiết lập các “vùng xanh” trên không gian mạng, trong đó có xử phạt hành chính hay bắt, xử lý hình sự đối với những người đăng tải các thông tin tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về dịch COVID-19, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền chống phá Nhà nước… là nhiệm vụ lực lượng Công an thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và được quần chúng nhân dân ủng hộ.

Việc AI cho rằng cơ quan Công an phạt và bắt giữ những người lên tiếng trên mạng xã hội vì “chỉ trích các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng” hay lên án xử lý hình sự “không thỏa đáng” các đối tượng làm lây lan dịch bệnh… là những luận điệu xảo trá. Thực tế, xử lý hành chính hay hình sự với những cá nhân nói trên không phải vì “chỉ trích trên mạng xã hội” như tổ chức này vu cáo mà là việc cơ quan chức năng xử lý hành vi cố ý đưa tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội, hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, cùng với đó là nhiều vụ chống người thi hành công vụ.

Những công việc các cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an đang nỗ lực thực hiện, tất cả đều vì mục tiêu đồng hành cùng nhân dân chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh, cùng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn. Chỉ có những ai không có lương tâm, không có nhận thức mới coi việc làm cao cả, thiêng liêng đó thành “cản trở nhân dân” như luận điệu của AI. 

Phan Dương

Việt Tân núp bóng từ thiện – “chuông khánh còn chẳng ăn ai”

13/09/2021 11:51

Cùng với việc liên tục phán tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, vừa qua, tổ chức khủng bố Việt Tân lại bày ra cái gọi là chương trình giúp đỡ khẩn cấp trong đại dịch với tên gọi: “Chút quà yêu thương”.

Với chiêu bài “dân giúp dân”, Việt Tân nhắn nhủ người cần giúp đỡ nhắn vào hộp thư để được hướng dẫn chi tiết làm thế nào để nhận được quà. Đây thực chất là chiêu trò lừa dụ người dân tham gia vào các hoạt động của tổ chức khủng bố này, núp bóng việc bảo vệ, đứng về phía người dân khó khăn để tạo diễn đàn công kích, bôi xấu, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, phủ nhận nỗ lực và thành quả chống dịch của đất nước.

Thực tế trong gần 2 năm chống dịch Covid – 19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, nhất là quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân bằng những gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Phải khẳng định rằng, việc ban hành các gói hỗ trợ nói trên trong điều kiện ngân sách còn không ít khó khăn thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, là việc làm ý nghĩa, thiết thực để "không ai bị bỏ lại phía sau". Thực tế đó không chỉ người dân Việt Nam thừa nhận mà các chuyên gia, tổ chức uy tín về lĩnh vực y tế, báo chí nước ngoài cũng đánh giá cao.

Việt Tân núp bóng từ thiện – “chuông khánh còn chẳng ăn ai”
Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao tặng túi hàng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: qdnd.vn 

Trong lúc khó khăn, chúng ta còn được chứng kiến những hình ảnh vô cùng xúc động thắm đượm nghĩa tình đồng bào, tương thân tương ái giúp đỡ nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Họ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, không quản nắng mưa, tận tụy cùng cán bộ cơ sở, hội viên Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức đi mua, vận chuyển lương thực, thực phẩm tới từng nhà dân. Các nhân viên y tế, học viên quân y phối hợp cán bộ y tế cơ sở mang thuốc, thiết bị chăm sóc vào từng ngõ xóm để hướng dẫn những gia đình có người nhiễm bệnh cách điều trị tại nhà.   

Trở lại chương trình hỗ trợ khẩn cấp mà Việt Tân đang kêu gọi. Liệu Việt Tân có thực sự nhằm giúp đỡ người dân hay không? Trái ngược với những lời kêu gọi mĩ miều, mạng xã hội chỉ lèo tèo lượng like, tham gia hưởng ứng. Không ít người đã thẳng thắn bình luận, chỉ rõ động cơ xấu xa và khuyên mọi người hãy tránh xa chiêu trò của Việt Tân.

Cùng với đó, nếu Việt Tân thực sự muốn làm việc thiện thì không nên “tạo sóng”, bày trò để câu like, câu bình luận của những người nhẹ dạ cả tin, được dẫn dắt bởi những conment “chim mồi” kích động nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Chưa thấy hiệu quả của chương trình này ở đâu, nhưng Việt Tân đã tạo ra một “diễn đàn” cho những bình luận a dua, bất mãn trên không gian mạng, chẳng những không giúp ích gì cho công tác phòng, chống dịch mà còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khi đưa ra bình luận sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu tới công tác phòng, chống dịch. Ngày 4-10-2016, khi đưa Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố, thông báo của Bộ Công an nêu rõ: “Việt Tân” là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt Tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt Tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt Tân”… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ thực tế những hoạt động chống phá của Việt Tân có thể dễ dàng nhận thấy chiêu trò từ thiện này chỉ là một thủ đoạn để dẫn dụ người dân tham gia, qua đó sẽ thu thập thông tin công dân, rồi mua chuộc, kích động, biến những người đó trở thành công cụ thực hiện các âm mưu phá hoại của chúng.

Chương trình “Chút quà yêu thương” mà Việt Tân đưa ra có nhiều điểm mập mờ về thông tin và cả những đối tượng tương tác, vào hùa và cộng hưởng bên dưới. Được biết, rất nhiều chủ nhân của những bình luận cổ súy cho Việt Tân đó hiện đang tị nạn tại nước ngoài, thậm chí có một số tương tác được thực hiện bởi các tài khoản ảo. Nếu thực sự xuất phát từ động cơ trong sáng, vậy Việt Tân phải bày ra chiêu trò này để làm gì?

Thực chất âm mưu của Việt Tân thông qua việc hướng dẫn người dân nhắn vào hộp thư (inbox) chỉ là để thu thập thông tin cá nhân, từ đó liên lạc, móc nối, dụ dỗ, mua chuộc… Trước đây, nhiều đối tượng đã từng bị Việt Tân móc nối, mua chuộc đã vướng vào vòng lao lý, phải lãnh những mức án phạt nghiêm khắc vì thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chống phá Nhà nước. Đặc điểm chung dễ nhận thấy của những đối tượng này là chỉ vì tham miếng “bánh vẽ” mà Việt Tân từng hứa hẹn.

Cha ông ta có câu: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh ném ngoài bờ tre”. Kẻ xấu chuyên rắp tâm phá hoại đất nước thì dù chúng có ra vẻ ngọt ngào làm việc thiện song người dân sẽ luôn tỉnh táo, vạch rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chúng!

CHÍNH NGHĨA  

Cảnh giác mưu đồ kích động biểu tình, chống phá giãn cách xã hội

 06:59 13/09/2021

Trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, bên cạnh đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine thì nhiều quốc gia cũng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm bệnh.

Ở nước ta, việc các địa phương thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số người dân. Mặc dù quá trình giãn cách xã hội sẽ gây khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, sản xuất, lưu thông, tuy nhiên đây là biện pháp cần thiết, cấp bách. Người dân luôn luôn sẵn sàng đồng hành với Chính phủ với tinh thần chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh để đưa cuộc sống ổn định trở lại.

Đại dịch cũng đã và đang tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người không có công việc ổn định trong xã hội. Chính vì lẽ đó, Chính phủ rất quan tâm, triển khai các gói hỗ trợ và chỉ đạo sát sao để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện, tình hình thực tế của một số địa bàn cơ sở tại các địa phương thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên việc tiếp cận, hỗ trợ chưa kịp thời và một số người dân có phản ứng về vấn đề này.

Cảnh giác mưu đồ kích động biểu tình, chống phá giãn cách xã hội -0
Lực lượng Công an tại chốt kiểm trên đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) kiểm tra giấy tờ của người lưu thông. Ảnh: TTXVN

Điển hình vào ngày 27/8, một số người dân khu trọ đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh có phản ứng vì chưa nhận được tiền hỗ trợ của địa phương và clip vụ việc này được đăng tải trên mạng xã hội.

Lợi dụng tình hình trên, các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối chính trị đã chia sẻ video, hình ảnh, bài viết có lời lẽ kích động, thổi phồng sự thật, cho rằng chính quyền không quan tâm đến cuộc sống của người dân, có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền, kéo lên trụ sở “cướp kho thóc”. Đài Châu Á tự do (RFA) ngày 30/8 đăng tải đoạn video không trích dẫn rõ nguồn gốc và quy kết rằng: “TPHCM: Kéo hàng trăm người biểu tình, hơn 100 hộ dân được hỗ trợ ngay sau đó”.

Tại thời điểm này, một số kênh truyền thông của các tổ chức phản động cũng đã có các bài đăng tương tự để kích động tâm lý người dân, cho rằng người dân không thể ngồi nhà chờ hỗ trợ, xuống đường là giải pháp để có cái ăn, cái mặc.

Tổ chức khủng bố Việt Tân ngày 29/8 rêu rao: “Dân đã bắt đầu biết xuống đường đấu tranh bất bạo động. Đói ít thì còn ôn hòa thế, vài tuần nữa, đói nhiều không biết tình hình sẽ ra sao! "Con giun xéo lắm cũng quằn", dân không phải là giun nên không thể cách ly kiểu giam lỏng người dân cả tháng trời mà không cung cấp cho họ đủ sức cầm cự là coi như tiêu…”.

Các bài viết thổi phồng tình hình thực tế diễn ra tại địa phương, những video được cắt xén, lồng ghép khiến người xem không hiểu rõ đầu đuôi, bản chất sự việc được các đối tượng tung ra để gây tâm lý căng thẳng, lo lắng trong nhân dân, từ đó kích động phản đối, cao hơn nữa là biểu tình, bạo loạn.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, trên các kênh truyền thông của nhiều cá nhân, tổ chức phản động cũng xuất hiện thông tin tuyên truyền, kích động tại các khu vực cách ly về tư tưởng hận thù, chia rẽ để người dân tiến hành các hoạt động chống đối; các đối tượng tung tin “ở lại nhiễm bệnh sẽ chết”, từ đó “vẽ đường” xúi giục người dân phá rào ra về, không thực hiện các biện pháp cách ly theo yêu cầu.

Có thể thấy rằng, sự việc xảy ra ở đường Bưng Ông Thoàn vào ngày 27/8 vừa qua là một cái cớ để các tổ chức phản động, chống đối bên ngoài, các đối tượng cơ hội chính trị trong nước kích động người dân tham gia các hoạt động biểu tình trong thời điểm đang giãn cách xã hội.

Cùng với đó, các đối tượng tung lên các video có nội dung không đầy đủ, không phản ánh đúng bản chất như việc một số người trong khu cách ly chen lấn lấy thức ăn hay cảnh công nhân to tiếng, tranh cãi với nhân viên bảo vệ ở một khu công nghiệp tại Bình Dương. Đây là hành vi nguy hiểm nếu như người dân không đề cao cảnh giác với những video thất thiệt trên mạng.

Bà Nguyễn Thị Hương Hiệp, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) chia sẻ với báo chí: “Với phương châm không để người dân thiếu đói, ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm như rau củ quả thì phường cũng cố gắng hỗ trợ thêm bà con lạp xưởng, cá hộp… để bà con cải thiện bữa ăn. Phường cũng đã nhanh chóng chuyển tới 111 hộ dân trong khu trọ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng để bà con trang trải các nhu cầu cuộc sống trong thời điểm dịch. Người dân tại đây sau khi được chính quyền địa phương giải thích, chia sẻ, động viên đã rất phấn khởi, vui mừng, với tinh thần đoàn kết chung tay cùng địa phương để sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Ở nhiều địa phương, người dân cũng thể hiện quan điểm luôn san sẻ sự khó khăn, vất vả cùng tuyến đầu chống dịch, cùng Chính phủ. Nhiều người dân cũng có nghĩa cử cao đẹp, tình nguyện nhường cơm, sẻ áo với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, bớt phần gánh nặng cho địa phương, điều đó cũng thể hiện tấm lòng cao cả, tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

Trái ngược với những gì mà Chính phủ, nhân dân đang thực hiện để làm tốt công tác chống dịch, các đối tượng phản động, thù địch coi đây là cơ hội, thời cơ vàng để kích động, làm rối ren tình hình xã hội. Các đối tượng cho rằng, một khi tâm lý của người dân đang lo lắng, hoang mang, sự thiếu thốn trong thời điểm giãn cách sẽ là cơ hội để tác động vào nhận thức tư tưởng để họ xuống đường biểu tình.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương cũng từng xảy ra hành vi kích động biểu tình của các phần tử chống đối chính trị dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của các tổ chức phản động bên ngoài nhân các vụ việc nóng như vấn đề Biển Đông; dự án thay thế cây xanh của Hà Nội; vụ Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung…

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề trọng tâm, cấp bách hiện nay với sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu dồn lực chăm lo cho nhân dân, tận dụng “thời gian vàng” để đẩy lùi dịch bệnh nhanh nhất, sớm đưa cuộc sống trở lại ổn định.

Tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận “Bảo đảm cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội...”.

Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền kêu gọi, vận động, thuyết phục, giải thích để người dân hiểu rõ, việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người.

“Điều đáng mừng là việc tăng cường giãn cách nghiêm ngặt được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Nếu không quyết tâm làm thì càng kéo dài, người dân càng khổ, càng bức bách, càng mất mát. Trong thời gian tăng cường giãn cách, phải đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại thành phố” – Thủ tướng nêu rõ.

Thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng tiếp tục có những diễn biến phức tạp với những biến chủng mới rất khó lường. Các quốc gia trên thế giới đang tham gia vào cuộc “rượt đuổi” để tìm ra được các phương pháp, mô hình khống chế dịch hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh đó, các phần tử chống phá chế độ sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình để tuyên truyền, kích động chống phá, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, mỗi người dân chúng ta cần cảnh giác trước các luận điệu kích động biểu tình, kêu gọi xuống đường thông qua các bài viết, video, hình ảnh thất thiệt trên internet. Chủ động ứng biến, tiếp cận có chọn lọc trước nguồn thông tin trên internet, biết cách chọn lựa, sàng lọc để tránh sự tác động tiêu cực từ các nguồn thông tin này.

Cẩn trọng trước những thông tin được phát đi từ các trang tin của các cá nhân, tổ chức chống đối chính trị, các trung tâm truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng, nên lan tỏa, chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống, có ý nghĩa động viên tinh thần trong công tác phòng, chống dịch. Ngược lại, không chia sẻ những thông tin thất thiệt, không rõ nguồn gốc, thông tin sai trái, độc hại. Đặc biệt, cảnh giác với những thông tin kích động biểu tình, chống phá.

Về phía cơ quan chức năng, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các thông tin chính xác, kịp thời, tạo ra được sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của người dân. Với các thông tin, hình ảnh thất thiệt, độc hại trên internet, cần xác minh, kiểm tra để phản hồi kịp thời, tránh để kéo dài khoảng trống thông tin, gây lo lắng trong nhân dân.

Kịp thời nắm các thông tin trái chiều trên không gian mạng, các thông tin kích động biểu tình, chống đối được phát đi từ các trung tâm truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam, các cá nhân, tổ chức chống đối chính trị để khuyến cáo tới người dân phòng ngừa, đấu tranh. Đồng thời bám sát địa bàn cơ sở, từng hộ dân, nắm kỹ các nguồn thông tin, đặc biệt là phản ánh của người dân, lao động nghèo để có các biện pháp tham mưu, đề xuất kịp thời cho chính quyền chăm lo, hỗ trợ kịp thời.

Khắc Khánh – Nguyễn Huân

Không thể phủ mờ sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống COVID-19

07:48 09/09/2021

Loài người đã, đang phải đối diện với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh mối đe dọa an ninh truyền thống thì những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, bão lũ, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, dịch bệnh… ngày càng trở nên khốc liệt. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của mọi quốc gia và mọi người dân trên thế giới, trong đó, không thể thiếu vai trò rất quan trọng của lực lượng vũ trang.

Việt Nam cũng vậy, trong những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân luôn là điểm tựa, sức mạnh và lực lượng nòng cốt trong xử lý những vấn đề mà an ninh phi truyền thống đặt ra. Để xử lý vấn đề ô nhiễm do tràn dầu, xử lý chất độc hóa học, bom mìn, vật nổ, chất độc dioxin… gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước, chúng ta luôn nhận thấy những hình ảnh không quản hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công binh, hóa học.

Khi nào và ở đâu xảy ra thảm họa do cháy rừng, bão lụt, tổn hại tính mạng, tài sản của nhân dân, lực lượng Quân đội, Công an cũng luôn đi đầu, là lực lượng nòng cốt, chủ công trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn không quản ngày đêm; bước chân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, gian khó nhất. Chúng ta không thể quên những cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, không quản khó khăn vất vả, kể cả hy sinh tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020, vụ sập hầm tại Thủy điện Đạ Dâng năm 2014.

Không thể phủ mờ sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống COVID-19 -0
Cán bộ, học viên CSND tăng cường hướng về miền Nam, chung tay phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ riêng trong năm 2020, tại miền Trung nước ta đã phải đối mặt nhiều cơn bão, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất cướp đi sinh mạng của bao con người, phá hủy tài sản của bao gia đình. Trong hiểm nguy đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn là điểm tựa, sát cánh cùng toàn dân chiến đấu vượt qua hiểm nguy, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng ta cũng không thể quên được những hình ảnh cảm động của những y, bác sĩ ở Trường Sa cùng các đồng nghiệp trong đất liền tổ chức mổ cấp cứu trực tuyến cho những bệnh nhân đau ruột thừa ở Trường Sa, rồi những chuyến bay khẩn cấp không quản đêm ngày đưa người bị nạn từ ngoài khơi xa về với đất liền…

Hiện nay, đại dịch COVID -19 đang lan rộng toàn cầu, mỗi ngày chúng lại cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. Các hoạt động sản xuất, lưu thông bị đình đốn, ngưng trệ, hàng triệu người thất nghiệp, mất việc làm. Nhiều quốc gia phát triển, thuộc nhóm đầu của thế giới cũng gặp hàng loạt khó khăn, áp lực trong việc đối phó, giải quyết.

Tính đến ngày 8/9, thế giới đã có trên 222 triệu người nhiễm, trên 4,6 triệu người tử vong, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, đứng đầu với hơn 41 triệu người nhiễm và gần 670.000 người tử vong. Việt Nam cũng đã có trên 550.000 ca nhiễm và trên 14.000 người tử vong. Để đối phó với đại dịch, Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của lực lượng vũ trang trên tuyến đầu.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương tại hội nghị thứ nhất Quân ủy Trung ương khóa XII “Trong nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa, phòng chống các thách thức an ninh phi truyền thống, Quân đội không quan niệm giúp dân, mà cần xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đặc biệt trong thời bình”, lực lượng Quân đội đã sát cánh cùng lực lượng Công an chủ động dự báo từ sớm, từ xa làm tốt công tác tham mưu, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Không phải đến khi xuất hiện dịch bệnh ở phía Nam, lực lượng vũ trang mới được đưa vào cuộc mà ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới xuất hiện, lực lượng vũ trang đã sớm có những dự báo chính xác và chủ động tham gia một cách tích cực. Các lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia khử khuẩn trên diện rộng ở những khu vực ô nhiễm; tổ chức đưa, đón người dân, xây dựng và điều hành các khu cách ly tập trung, tăng cường quản lý biên giới, đường biên trên bộ, trên biển và các cửa khẩu đường hàng không.

2.jpg -0
Học viên Học viện CSND lên đường chi viện các tỉnh phía Nam chống dịch.

Lực lượng Quân y của bộ đội Biên phòng phối hợp thăm khám, điều trị cho nhân dân để phòng, chống dịch. Lực lượng Công an các cấp thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, trong đó, không ít đối tượng phạm tội dương tính với SARS-CoV-2, có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Trong cuộc chiến đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị lây nhiễm với COVID-19, trong đó có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương.

Lợi dụng không gian mạng, không ít đối tượng tung tin xuyên tạc nhằm gây hoang mang, bất an, rối loạn trong xã hội. Đây cũng là một loại virus độc hại, nguy hiểm ăn theo dịch bệnh mà cán bộ, chiến sĩ Công an đã, đang nỗ lực phát hiện, điều tra, xử lý. Với đội ngũ y, bác sĩ quân y, ngay từ khi phát hiện dịch trên thế giới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở bắt tay vào nghiên cứu cho ra đời các bộ kit xét nghiệm; tham gia nghiên cứu chế tạo vaccine của người Việt Nam để chủ động bảo vệ tính mạng của nhân dân. Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã sáng chế áo chống sốc nhiệt đạt hiệu quả trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Khi tình huống nguy cấp xảy ra tại các địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, theo điều hành của Chính phủ và với tinh thần “phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có các y, bác sĩ Quân đội, Công an đã không quản hiểm nguy, gác lại cuộc sống riêng, tạm biệt người thân để lao vào vùng dịch, đem lại niềm tin vững chắc cho nhân dân. Những hình ảnh không thể cảm động hơn khi những chiến sĩ Quân đội, Công an không quản nắng mưa đem đến cho từng gia đình, từng người dân những chiếc khẩu trang, những hộp lương khô, thịt hộp do quân nhu sản xuất cùng lương thực, thực phẩm trong những ngày cách ly, tận tâm chăm sóc cho người bệnh tại các cách ly. Có gì thiêng liêng hơn khi lực lượng vũ trang lại tập trung lo hương khói cho những người không may tử vong do dịch bệnh, sau đó chu đáo đem tro cốt về bàn giao lại cho thân nhân từng gia đình.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong đợt dịch lần thứ 4, đã có hơn 220.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân tự vệ được tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; nhiều cán bộ, chiến sĩ hơn 3 tháng qua không có thời gian nghỉ. Riêng lực lượng Công an từ đợt dịch thứ 4 đến nay đã huy động vào Nam hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ. Mới đây, Bộ Công an cũng vừa điều hơn 5.000 cán bộ và 2.000 học viên, 600 cán bộ y tế của các bệnh viện ngành vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.

Các lực lượng vũ trang đã duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh. Đã triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị nhường doanh trại đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt người. Đã điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên và 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…

Phát biểu nhân Ngày Truyền thống lực lượng CAND vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những vất vả, hy sinh của lực lượng CAND trong nỗ lực giúp nhân dân phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đó là những minh chứng hùng hồn nhất thể hiện bản chất tốt đẹp, cao quý của người Công an cách mạng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, thực sự xứng đáng là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đảng, Nhà nước trân trọng, chia sẻ, thấu hiểu, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có các chiến sĩ CAND. Tôi thấu hiểu hơn và chia sẻ sâu sắc với cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng, đặc biệt là những đồng chí đang trên tuyến đầu chống dịch, chống tội phạm. Các đồng chí xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận, tạo điều kiện công tác bởi lao động nặng nhọc, độc hại, những cống hiến lặng thầm cho sự nghiệp phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước”.

Chúng ta nhìn nhận một cách xuyên suốt, toàn diện như vậy để thấy rõ bản chất, sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ở đâu, lúc nào dân cần, dân khó thì đều có lực lượng vũ trang sát cánh, chung sức đồng lòng. Đó là sự thật khách quan phản bác các luận điệu sai trái trên mạng internet hiện nay, các thế lực xấu cố tình xuyên tạc bản chất lực lượng vũ trang “không phải vì dân”, “bỏ mặc dân trong đại dịch COVID-19”, từ đó tái diễn điệp khúc đòi phi chính trị hoá, tách lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thiên tai, dịch bệnh, họ ác ý tung ra những tình huống, câu chuyện bịa đặt nhằm chế nhạo hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cố tình bôi lem, phủ mờ bản chất “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng vũ trang… 

Hồng Phú (ảnh: Chiến Thắng)

Đừng làm con nhộng trong tổ kén

09/09/2021 05:00

Đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh chồng chất khó khăn và thách thức, một bộ phận cá biệt cán bộ, đảng viên bộc lộ tư tưởng sợ dịch bệnh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, thu mình cầu an...

Biểu hiện cực đoan này không chỉ cản trở hiệu quả tổ chức chống dịch ở cơ sở, mà còn tác động xấu đến môi trường “tự soi, tự sửa” trong tổ chức đảng, là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái chính trị tư tưởng trong tổ chức đảng...

Cán bộ “cá cảnh” và tư duy “con nhộng”

Anh là một cán bộ có năng lực, trải qua nhiều cương vị công tác nên có sự am hiểu thực tiễn cơ sở. Vì là chỗ quen biết nên khi anh được cấp trên điều động về địa phương nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã liên hệ đặt vấn đề phối hợp công tác, kết nối huy động nguồn lực chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Chẳng ngờ anh lại từ chối hợp tác vì sợ... trách nhiệm. “Ông thông cảm, hoàn cảnh của tôi bây giờ thì cấp trên chỉ đâu đánh đấy thôi. Làm quá đi, không phải đầu cũng phải tai. Bây giờ cứ an toàn là trên hết ông ạ”, anh nói. Rồi anh lấy dẫn chứng một số cán bộ ở địa phương khác bị xử lý kỷ luật do làm việc sai nguyên tắc để biện minh cho lời từ chối của mình.

Cách tư duy, hành động như vậy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, dù không phổ biến, nhưng sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy trong hệ thống chính trị các cấp chính là tác nhân gây cản trở công việc chung. Quá trình theo dõi, bám sát nhiệm vụ tổ chức chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương phía Nam thời gian qua, chúng tôi thấy một số trường hợp do cán bộ chần chừ, bàng quan nên việc tận dụng thời cơ, huy động nguồn lực xã hội chống dịch bị bỏ qua rất đáng tiếc. Một số nhà báo, hội đồng hương tham gia kết nối đưa lương thực, hàng nông sản từ các địa phương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các vùng tâm dịch ở địa bàn phía Nam cũng phàn nàn tình trạng tương tự. Khi liên hệ với người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để hỗ trợ cho dân, dù các thủ tục hành chính và quy định phòng, chống dịch đều bảo đảm đầy đủ, nhưng một số nơi cán bộ do sợ trách nhiệm nên không muốn “gánh thêm việc”.

Đừng làm con nhộng trong tổ kén
 Nhân viên y tế kiểm tra danh sách người xét nghiệm. Ảnh minh họa: TTXVN

Phương pháp làm việc kiểu cầu an cho bản thân, bàng quan với việc chung như trên đã làm giảm nhịp độ, gây ách tắc cục bộ guồng máy vận hành chống dịch ở địa phương. Khi những biểu hiện cực đoan, bất cập ấy diễn ra ở người đứng đầu, nó sẽ kéo lùi cả hệ thống, tạo tâm lý lười biếng, ỷ lại, làm việc cầm chừng, làm kiểu đối phó... trong bộ máy công vụ.

Khi bàn đến những biểu hiện yếu kém nói trên, có người đã lấy câu chuyện về con nhộng và tổ kén trong dân gian để ví von, so sánh. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng với những cán bộ này, cấp trên chỉ thị nội dung gì thì làm nội dung đó, không thì thôi. Họ hoàn toàn không có sự năng động, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Cứ thu mình như con nhộng trong tổ kén cho an toàn...

Để thu mình như con nhộng thì phải tự mình tạo ra một tổ kén hợp lý. Tổ kén ấy chính là kiểu làm việc hình thức, chiếu lệ, giả dối. Cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở cơ sở rất dễ nhận diện những tổ kén kiểu này trong nội bộ, thông qua thực tế công tác. Đó là những người vẫn đến cơ quan, công sở làm việc theo kế hoạch, nhưng chủ yếu là đến để cho có mặt, làm việc kiểu “đút chân gầm bàn”, ngại khó, ngại khổ. Thỉnh thoảng đi cơ sở thì lựa chọn những nơi an toàn, đến cho có lệ để lấy chất liệu làm báo cáo. Làm việc kiểu lớt phớt “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng lại chịu khó chụp ảnh, viết bài đăng lên mạng xã hội “chém gió” để chứng tỏ bản thân...

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị phải căng sức, gồng mình chống dịch với phương châm lấy xã, phường làm "pháo đài", người dân là chiến sĩ, kiểu tư duy và cách làm việc cầu an, “làm màu” ấy rất tai hại. Nhất là khi những biểu hiện ấy lại diễn ra ở người đứng đầu tổ chức chính trị ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả công việc không những thấp kém, mà còn tạo môi trường hình thành lối tư duy thiếu trung thực, ngụy tạo thành tích, là cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi... phát triển. Đó cũng là mầm mống của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị trong nội bộ...

Gian nan thử thách là môi trường rèn luyện cán bộ

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam đang bước vào giai đoạn mới khi tiến độ bao phủ vaccine cho người dân đạt tỷ lệ, hiệu suất ngày càng cao. Chiến lược chống dịch đang được điều chỉnh theo hướng gỡ phong tỏa từng phần, mở rộng “vùng xanh”, từng bước thí điểm mở cửa trở lại các dịch vụ, hoạt động thiết yếu, duy trì trạng thái bình thường mới có điều kiện ở những địa bàn đáp ứng yêu cầu. Để đạt hiệu quả thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm lấy xã phường làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ. Chiến lược chống dịch, từng bước đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trong tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ ở cơ sở. Họ chính là những người chỉ huy, giữ vai trò nòng cốt trong mỗi “pháo đài”. Để tập hợp được lòng dân theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, không cho phép người chỉ huy lơ là, bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Càng không thể chấp nhận kiểu tư duy, hành vi “làm màu”, giả dối. Tổ kén cho dù có sặc sỡ sắc màu đến mấy, cũng không thể nào che đậy con nhộng bên trong, nhất là khi con nhộng ấy thực chất là con bướm tự mình khép cánh, rụt đầu để chui vào.

Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, kết nối đến 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 9.043 xã, phường, thị trấn diễn ra ngày 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc nấy..., phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chính là mệnh lệnh chống dịch, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở cơ sở phải có trách nhiệm, bổn phận thi hành. Những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm bị xử lý kỷ luật vừa qua là bài học chung của mọi cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, ngành, địa phương. Xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm là để xốc lại bộ máy, để hệ thống chính trị mạnh lên chứ không phải và không thể là cái cớ để số ít cán bộ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách nhiệm, sống thu mình như con nhộng trong tổ kén.

Trong tình hình khó khăn, thách thức hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được coi nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Ngược lại, từng cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp phải coi thử thách, khó khăn chính là điều kiện để rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. 

Để xảy ra các tổ kén trong nội bộ tổ chức đảng, một phần là do tinh thần “tự soi, tự sửa”, ý thức đấu tranh phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt chưa nghiêm, làm chưa đến nơi đến chốn. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về “cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên”... phải được thực hiện toàn diện trong môi trường phòng, chống dịch, bởi trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên được thể hiện thông qua hiệu quả công việc, chứ không phải là “tự soi, tự sửa” chung chung. Cấp trên muốn kiểm tra, đôn đốc cấp dưới hiệu quả thì phải sâu sát, đến tận nơi, lắng nghe ý kiến đa chiều chứ không chỉ dựa vào báo cáo của một người. Cấp dưới báo cáo cấp trên phải là kết quả của tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chứ không thể lấy việc “làm màu” để tô vẽ, đánh bóng hình ảnh cá nhân. Trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn chống dịch đều phải thể hiện rõ tinh thần ấy. Lơ là, giáo điều, duy ý chí trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ ắt dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ những việc rất cụ thể như thế thì mới ngấm, mới thấm.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục nhiệm vụ chống dịch cam go, phức tạp, cần luôn nhắc nhớ những lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Phát biểu tại Lễ khai mạc lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ngày 7-9-1957, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được”.

Chống dịch Covid-19 thành công cũng là một hình thức cải tạo xã hội. Vậy thì cán bộ, đảng viên phải tự cải tạo mình trước, phải giúp đồng chí của mình phá những tổ kén được bao bọc bởi những lớp màng tiêu cực, cầu an, sợ trách nhiệm... ngay trong cấp ủy, tổ chức đảng của mình.

THANH KIM TÙNG

Dựng chuyện “tê liệt”, “thiết quân luật”, gieo rắc tâm lý bất an

07:26 06/09/2021

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Công an, Quân đội đã khẩn trương triển khai tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng chống phá với nhiều luận điệu sai trái để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa hoạt động trên.

Những luận điệu xảo trá

Trên các trang mạng xã hội của Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Nhật ký yêu nước, Chân trời mới Media, Đài Tự do Á Châu… đã phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video phản ánh sai sự thật, đánh tráo bản chất sự việc. Điển hình, trên facebook V.T xuyên tạc “Nhà nước CSVN dùng bạo lực răn đe dân chống dịch”; “dùng Quân đội, Công an chống dịch, nhà cầm quyền CSVN đang mưu tính gì”; bịa đặt, vu khống việc lực lượng Công an, Quân đội được điều động chống dịch để giúp dân là “dẹp loạn, dẹp dân” hay với luận điệu xảo trá như “Quân đội hỗ trợ Công an trấn áp, xử lý dân”; đánh đồng việc tăng cường lực lượng vũ trang cho TP Hồ Chí Minh là “thiết quân luật”.

Mục đích của các đối tượng là nhằm đánh lạc hướng dư luận hiểu sai mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường lực lượng chống dịch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, làm giảm sút lòng tin của người dân vào lực lượng vũ trang nhân dân đang giúp dân chống dịch. Sâu xa hơn là phá hoại đoàn kết nội bộ trong lực lượng vũ trang nhân dân; cổ súy, kích động người dân không thực hiện các quy định, biện pháp chống dịch do chính quyền đề ra; tạo ngòi nổ gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Rõ ràng, thủ đoạn mà số đối tượng phản động đang thực hiện là thâm độc, nguy hiểm.

Thực tế, lực lượng vũ trang nhân dân tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lương tâm và trách nhiệm.

Trước hết, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mang trong mình tính nhân dân sâu sắc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Do đó, khi “giặc” COVID -19 hoành hành trong nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng thì hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản ngại gian truân, sẵn sàng xung kích, sát cánh cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Thứ hai, về mặt chủ trương, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh dịch đang lây lan nhanh như Bình Dương, Đồng Nai… là việc làm cấp thiết. Sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương này tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, số ca tử vong gia tăng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bộ phận người dân yêu thế, người lao động nghèo dễ bị tổn thương. Để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời đến tay người dân, thực hiện tốt các quy định chống dịch và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất thiết yêu cầu đặt ra phải có lực lượng Công an, Quân đội bổ sung, tăng cường.

Thứ ba, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch với 5 giải pháp. Do số ca nhiễm tăng cao, các lực lượng chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương phải chịu cường độ làm việc rất lớn, hệ thống y tế nhiều nơi quá tải, nhiều y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ bị lây nhiễm và đã có những mất mát, hy sinh. Do vậy, để đảm bảo đủ sức mạnh chiến đấu với dịch bệnh, cần phải huy động, bổ sung sức người, sức của chi viện, trong đó Công an, Quân đội là những lực lượng đi đầu.

Thứ tư, cụm từ “thiết quân luật” không hề có trong chủ trương, biện pháp cũng như thực tiễn chống dịch COVID -19 ở TP Hồ Chí Minh. Căn cứ quy định tại Luật Quốc phòng năm 2018, khái niệm “thiết quân luật” được hiểu như sau: “Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ”. Lợi dụng việc lực lượng vũ trang tăng cường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và việc ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các thế lực xấu đã tung tin “Sài Gòn có biến”, xuyên tạc chính quyền ở đây “tê liệt”, “vỡ trận”, phải thay người và áp dụng “thiết quân luật”.

Trên thực tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở TP Hồ Chí Minh vẫn luôn được giữ vững và lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường chống dịch COVID -19 chỉ với tính chất tham gia, phối hợp theo sự điều hành của chính quyền chứ không phải là lực lượng thay mặt chính quyền điều hành mọi hoạt động. Do đó, việc tăng cường Công an, Quân đội cho thành phố chống dịch không thể đánh đồng với việc thiết lập trạng thái “thiết quân luật” rồi gieo rắc sự hoang mang, lo lắng trong dân chúng như luận điệu các đối tượng phản động, cơ hội chính trị rêu rao. Còn việc điều động, luân chuyển nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ là công việc bình thường của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường phối hợp với lực lượng tại chỗ nhằm thực hiện tốt việc chốt chặn, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đã có nhiều hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vận chuyển túi an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng nhà, đi chợ thay người dân với mục tiêu tuyệt đối không bỏ sót một ai thiếu ăn, thiếu mặc; lực lượng y tế của Công an, Quân đội với tổ lưu động, tiến hành thăm khám, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho các ca bệnh F0 đã được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đó không chỉ thể hiện sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương mà đó chính là lương tâm, trách nhiệm của lực lượng vũ trang vì nhân dân phục vụ.

Mưu đồ chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc

Cùng việc xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, các đối tượng còn đăng tải, phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video sai sự thật, cố tình đưa ra sự so sánh nhằm gây chia rẽ vùng miền; cố tình tách biệt, tạo ra hàng rào ngăn cách giữa hệ thống chính trị với nhân dân, làm suy giảm sự đồng lòng, chung tay, góp sức giữa chính quyền với nhân dân. Họ vu cáo rằng: “Không thấy Đảng giúp dân”, “người nghèo không được hỗ trợ”; “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”! Trong việc phân bổ nguồn vaccine của Chính phủ, họ đặt điều “Sài Gòn một lần nữa cho thấy bị ĐCSVN kỳ thị một cách lạ lùng”; đưa ra luận điệu xảo trá “con nuôi - con ghẻ”, lu loa rằng “cho dù đóng góp nhiều nhưng Sài Gòn vẫn là con ghẻ của Đảng”.

Nhiều trang mạng xấu độc xuyên tạc Chính phủ lơ là không quan tâm đến TP Hồ Chí Minh, rồi suy diễn không tin tưởng Công an, Quân đội tại TP Hồ Chí Minh nên Chính phủ phải huy động “quân Bắc Kỳ”! Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh do dịch diễn biến rất phức tạp nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, thuốc men, tăng cường số lượng vaccine để tiêm cho người dân tại địa phương được nhiều nhất, sớm nhất. 

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra nhưng khi dịch diễn biến căng thẳng, phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, đã có hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện của chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung xung kích, lăn bánh vào Nam, chở các nhu yếu phẩm thiết yếu gửi đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn “chiến sĩ áo trắng” gác lại công việc thường ngày, xa gia đình, người thân xung phong vào các vùng dịch nặng để chung lưng đấu cật, cứu, chữa cho người dân. Trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã, đang đồng hành cùng người dân không quản ngại khó khăn, nguy hiểm với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Như vậy, chiêu thức các đối tượng sử dụng vẫn theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, cố tình gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, tạo lập sự phân biệt vùng miền; gây nên sự hoài nghi, thiếu niềm tin của người dân về các chủ trương, chính sách trong phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; hủy hoại mọi kết quả cũng như nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã và đang làm được trong thời gian qua.

Chu Thắng - Hải Hà

Trân quý giá trị của độc lập, tự do

02/09/2021 05:00

“Là người đã từng sống trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chứng kiến vô vàn nỗi đau thương, tủi nhục của người dân mất nước, tôi không thể chấp nhận quan điểm của một số người không coi trọng giá trị của độc lập tự do” - Bố tôi, một lão nông gần 90 năm tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng đã gọi điện nhắc tôi như vậy trong dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Sở dĩ bố tôi tức tốc gọi điện cho tôi bởi ông nghe được lời của mấy thanh niên “từ thành phố về quê tránh dịch Covid-19” nói rằng “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu từ lâu, không phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 như bây giờ”...

Từ hồi tôi còn bé xíu cho đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng bảy, bố tôi lại chuẩn bị một mâm cỗ cúng giỗ ông nội, bà nội và bác của tôi với nghi thức rất đơn giản, chỉ có 3 bát cháo to với 3 quả trứng gà luộc. Bố tôi bảo do cả ông, bà và bác bị chết đói vào năm 1945 nên chỉ cúng như vậy mọi người mới thụ hưởng được. Khi ông, bà và bác tôi qua đời, bố tôi không được chứng kiến vì đang đi ở cho một địa chủ làng bên cạnh. Vào một đêm tháng bảy mưa tầm tã, nóng ruột nhớ đến thầy (bố), bu (mẹ) và anh ở làng, bố tôi lấy trộm mấy củ khoai mang về thì thấy cả 3 người đã lạnh ngắt, không biết chết từ khi nào. Ở quê tôi (xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã có nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương như thế. Sau khi bó manh chiếu đưa bố, mẹ và anh đi chôn, bố tôi trở lại nhà địa chủ lại bị thêm một trận roi thậm tệ vì trộm khoai, vì trốn việc, đến nay vẫn còn dị tật ở chân. Cũng vì lẽ đó mà khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, bố tôi cùng với dân nghèo trong làng đã hăng hái tham gia và cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của người dân tự do trong một đất nước độc lập... Giá trị của độc lập tự do theo cách hiểu của người nông dân như bố tôi đơn giản là không còn bị đói, không còn bị đánh đập...

Tôi sinh ra sau Cách mạng Tháng Tám, không được tận mắt chứng kiến nỗi nhục mất nước. Thế nhưng, mỗi khi nghe người già kể lại, xem bộ phim “Sao tháng Tám”, đọc các tác phẩm văn học của các nhà văn: Kim Lân, Tô Hoài... tôi lại rùng mình khi nhớ đến trận đói lịch sử năm Ất Dậu 1945. Trong “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân viết: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người...”.

Trân quý giá trị của độc lập, tự do
 Ảnh minh họa: dangcongsan.vn 

Đặc biệt khi đọc cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-những chứng tích lịch sử” của GS Nguyễn Văn Tạo và GS Furuta Moto (công bố năm 1995), nước mắt tôi tuôn chảy khi thấy tác giả miêu tả hình ảnh những trẻ em nhay vú mẹ đã chết, người đi lĩnh chẩn bế đứa con trên tay nhưng con đã chết... Hàng nghìn hộ chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ, hàng chục xóm làng chết cả xóm, cả làng...

Cách đây 5 năm, khi đào móng để xây dựng một khu đô thị lớn ở phố Minh Khai (Hà Nội), chủ đầu tư phát hoảng khi phát hiện ra hàng nghìn bộ hài cốt của người chết đói. Khu đô thị mới này ở gần Nghĩa trang Hợp Thiện là nơi an nghỉ của các nạn nhân trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Nghĩa trang có tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: “Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”. Tại đây còn có bể chứa xương người lớn nhất Việt Nam.

Nếu như nạn đói diễn ra chỉ một vài tháng trong năm thì nỗi nhục mất nước, mất tự do lại triền miên suốt năm, suốt tháng. Tính từ năm 1858 (năm thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược tại Đà Nẵng) đến ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là quãng thời gian nước ta bị đô hộ dài nhất kể từ năm 938, khi Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, khôi phục nền độc lập. Nước Việt đã không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen...

Cách mạng Tháng Tám thành công đã trả lại tên cho nước Việt Nam, trả lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Bảo Đại-vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng đã phải thốt lên rằng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Bằng nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, san sẻ lương thực, thực phẩm... chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói được đẩy lùi. Chiến thắng giặc đói là một trong những thành tựu lớn đầu tiên của Nhà nước cách mạng, đã thể hiện tính ưu việt của chế độ mới.

Cùng với “diệt giặc đói” là phong trào “diệt giặc dốt”. Từ chỗ 95% dân số không biết viết, không biết đọc, chỉ trong vài tháng, nhiều người đã xóa được mù chữ, tự mình đọc được lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I-Quốc hội đầu tiên của đất nước Việt Nam vào ngày 6-1-1946.

Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám đã mang lại sự hồi sinh cho đất nước Việt Nam, mở ra thời kỳ rực rỡ huy hoàng nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Kể từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã lập nên biết bao kỳ tích có tính lịch sử, từ một vong quốc nô bước lên vũ đài của những dân tộc có quyền tự quyết, là tấm gương soi sáng, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đô hộ vùng lên giành quyền độc lập, tự do và ngày nay đang nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19.

Có lẽ linh hồn của những người chết đói năm 1945 cũng được an ủi khi được chứng kiến những chiến công vang dội của Việt Nam chống giặc ngoại xâm, chống đói nghèo và lạc hậu từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám. Cách đây gần 80 năm, chắc chắn những người lạc quan nhất vẫn không thể tin rằng Việt Nam là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonnio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh và ngày nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình”.

Nếu không có Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam không thể có cơ đồ, vị thế, uy tín và tiềm lực như hiện nay. Ấy vậy mà vẫn còn có những người dám phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận thành quả của độc lập, tự do mà cả dân tộc Việt Nam chúng ta phải đổ không biết bao máu xương mới có được.

Những thanh niên “về quê tránh dịch Covid-19” kêu than “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu từ lâu, không phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 như bây giờ” như câu chuyện của bố tôi kể thật đáng trách. Thế nhưng đáng trách hơn lại là những người giáo dục, đào tạo những thanh niên này. Phải chăng đó là do hậu quả của một giai đoạn khá dài ngành giáo dục chưa thực sự coi trọng môn lịch sử, chưa chú trọng đúng mức đến việc tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó cũng là một dạng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Cách đây gần 5 năm, ngày 30-10-2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục. Trong Nghị quyết số 04-NQ/TW, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng-chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 3 biểu hiện suy thoái đầu tiên là: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm nay chúng ta đón Tết Độc lập của dân tộc trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng chống "giặc Covid-19". Thực tế, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi một số quan điểm kinh tế cũng như hành vi tiêu dùng của nhân loại, và trong gian khó càng làm tăng thêm ý nghĩa giá trị của độc lập, tự do. Nếu như trước đây, quan điểm tuyệt đối hóa lợi thế về chi phí, giá cả đã dẫn đến xu thế không cần bảo đảm cơ cấu kinh tế tự chủ về những sản phẩm thiết yếu như: Dược phẩm, khẩu trang, máy thở... có thể dựa vào nhập khẩu với giá rẻ hơn từ nước ngoài; thì nay, các nước đã chuyển sang xây dựng một cơ cấu kinh tế độc lập tự chủ về những sản phẩm sống còn này. Duy trì độc lập trong thế giới phát triển rất năng động và đa dạng hiện nay đòi hỏi các dân tộc phải đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước. Sự tự do của cá nhân cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật và các quy định trong cộng đồng để bảo đảm phòng, chống dịch.

Giá trị đích thực của độc lập, tự do mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đem lại là thiêng liêng và cao quý. Thời gian càng lùi xa thì tầm vóc và giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ngày càng tỏa sáng. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó. Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do đối với nhân dân ta, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải.

ĐỖ PHÚ THỌ