Dân Trần đừng bày trò lấy 10 chiếc xe “vắng khách” để xuyên tạc, kích động

Ngày: Tháng Bảy 21, 2025 

Lê Viết Khánh

Một sự kiện tưởng như nhỏ đã bất ngờ trở thành cái cớ đám “truyền thông bẩn” như Chân Trời Mới hay Việt Tân “mượn danh” phản biện xã hội lao vào bóc tách, xuyên tạc, thổi phồng và quy chụp. Đó là chuyện 10 tuyến xe đưa đón cán bộ sau sáp nhập giữa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không có hành khách (các công chức đi làm) trong vài ngày đầu. Một kẻ tên Dân Trần gào thét bằng bài viết trên mạng xã hội nghe qua thì rất đao to búa lớn: “10 xe đưa rước cán bộ bị ế: sao không khảo sát trước mà để lãng phí tiền của dân”.

 Những chiếc xe công ấy bị tên Dân Trần gọi bằng các từ ngữ giễu cợt như “chở gió”, “chạy rỗng”, “lãng phí tiền dân”, và rồi từ đó bị dùng làm “bằng chứng” để chĩa mũi dùi vào cả một cuộc cải cách hành chính vĩ mô đang được thực hiện một cách nghiêm túc và thận trọng. Không chỉ dừng lại ở việc đả kích hiện tượng, kẻ có tên Dân Trần này còn đi xa hơn khi cho rằng đây là “chứng cứ sống động” cho một bộ máy vận hành “kém hiệu quả”, cho rằng cán bộ được điều động là “kẻ giàu có, tham nhũng, sống xa rời thực tế”, và từ đó quy kết cả một hệ thống là “độc đoán, lãng phí, vô trách nhiệm”. Đó là một cách suy diễn thiếu đi sự minh bạch và sòng phẳng, cố tình bỏ qua bối cảnh thực tế và hoàn toàn không vì mục tiêu xây dựng đất nước, đồng thời lộ rõ bản chất, tâm địa đen tối của một kẻ chống phá cực đoan.

Sự thật cần được trả lại đúng vị trí của nó. Trước hết, cần khẳng định rõ rằng việc sáp nhập giữa TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận không chỉ là một biện pháp hành chính đơn thuần mà là một phần trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hành chính hiện đại của nước ta. Đây là bước đi lớn trong tiến trình tổ chức lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, hiệu quả, tập trung nguồn lực, giảm chồng chéo và tăng tính kết nối vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang yêu cầu ngày càng cao về hiệu quả quản trị, bộ máy hành chính không thể mãi duy trì kiểu vận hành phân tán, manh mún, thiếu phối hợp như trước đây. Để đạt được điều đó, Nhà nước cần những biện pháp dũng cảm, táo bạo, vượt qua những khuôn mẫu cũ kỹ. Và sáp nhập các địa phương lớn về kinh tế như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Bà Rịa – Vũng Tàu điều từng được coi là “quá khó để thực hiện” nay đã trở thành hiện thực. Không thể đòi hỏi một cuộc cải cách chưa từng có tiền lệ, với hàng trăm đầu việc phải xử lý đồng thời, hàng nghìn cán bộ phải sắp xếp lại vị trí công tác, hàng chục nghìn đầu mối thủ tục, quy trình cần tích hợp, lại có thể vận hành trơn tru, hoàn hảo ngay từ ngày đầu tiên. Nếu đặt lên bàn cân giữa khối lượng công việc đồ sộ như vậy với hiện tượng “10 chiếc xe chạy không” trong vài ngày đầu thì rõ ràng, đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong một cỗ máy khổng lồ đang được khởi động. Sự lúng túng ban đầu, những điều chỉnh cục bộ, thậm chí cả những phương án chưa phát huy hiệu quả ngay lập tức, đều là điều có thể hiểu và thể tất được trong bất kỳ cải cách lớn nào.

Vậy nhưng, thay vì đánh giá khách quan, những kẻ như Dân Trần lại áp đặt tư duy “bắt lỗi”, nhìn hiện tượng cục bộ rồi thổi bùng lên như thể toàn bộ hệ thống đang sai từ gốc. Từ chuyện xe chưa có người đi thì ngay lập tức Dân Trần đã gán ghép thành các luận điệu nặng tính chất suy diễn rằng “cán bộ không đi vì có nhà riêng ở Sài Gòn”. Rồi tên này lại phán bừa phán bậy và quy kết rằng “tức là tài sản không minh bạch”, rồi từ đó kéo sang “kê khai không trung thực”, “tham nhũng”. Và cuối cùng là những lời kết luận mang tính tấn công thể chế như “làm sai dân gánh chịu”, “cải cách hình thức”. Một chuỗi lập luận nhảy vọt, phi logic nhưng lại đánh trúng cảm xúc tiêu cực và dễ dàng lan truyền trên mạng xã hội – nơi những cái giật gân, gây sốc thường dễ được tin hơn sự thật khô khan.

Thực tế, việc tổ chức xe đưa đón cán bộ là một biện pháp hỗ trợ ban đầu có tính nhân văn và linh hoạt. Sau khi sáp nhập, nhiều cán bộ phải làm việc tại vị trí xa nơi cư trú trước đây, nên việc bố trí xe là nhằm đảm bảo sự chuyển tiếp hợp lý, tránh gián đoạn công việc, nhất là trong giai đoạn chưa ai biết trước điều gì sẽ phát sinh. Hơn nữa, việc tổ chức xe công còn giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và là cách thể hiện trách nhiệm trong tổ chức nhân sự mới. Nếu sau vài ngày đầu triển khai mà chưa có cán bộ sử dụng, thì đó là cơ sở để điều chỉnh, không phải căn cứ để kết tội như những luận điệu vu cáo của Dân Trần. Các hợp đồng xe đều có thời hạn, có điều khoản đánh giá hiệu quả, hoàn toàn có thể huỷ bỏ hoặc cơ cấu lại nếu thấy không còn cần thiết.

Đáng chú ý hơn, chính những người đưa ra các lời công kích về chuyện “xe ế” kiểu như Dân Trần lại là những người luôn kêu gọi “giảm xe riêng”, “giảm chi phí hành chính”, “minh bạch phương tiện công”. Vậy tại sao khi cơ quan nhà nước chủ động bố trí phương án đi lại tập trung, thí điểm xe công phục vụ cán bộ thì lại bị mỉa mai, bôi bác, xỏ xiên? Cùng một hành vi, nếu người dân thực hiện thì được gọi là tiết kiệm, còn nếu nhà nước làm thì lại bị gọi là hình thức? Đó không còn là phản biện mà là một thái độ định kiến sẵn, chỉ chăm chăm tìm cái sai để chọc ngoáy, công kích, không cần biết bản chất của chính sách đó là gì.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, bộ máy công vụ sau sáp nhập đang trải qua một giai đoạn chuyển hóa vô cùng lớn. Việc hàng nghìn cán bộ đồng loạt thay đổi vị trí làm việc, văn phòng, địa bàn phụ trách là điều chưa từng xảy ra ở cấp tỉnh trong lịch sử quản lý hành chính Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự phối hợp rất cao giữa các sở ngành, giữa các địa phương, đòi hỏi điều chỉnh từ công nghệ thông tin cho đến hạ tầng hậu cần, từ điều lệ nội bộ cho đến văn hóa làm việc. Không có cách mạng nào diễn ra trong im lặng. Và không có hệ thống nào chuyển đổi tức thì mà không có nảy sinh những khó khăn ban đầu. Nếu ai đó thực sự quan tâm đến cải cách bộ máy nhà nước, thì cần có cái nhìn toàn cục và đủ độ lượng. Không nên và không thể lấy một vài biểu hiện chưa trơn tru trong giai đoạn đầu để phủ nhận toàn bộ nỗ lực cải cách, càng không thể lấy điều đó để làm công cụ bôi nhọ, mạ lỵ cả một hệ thống. Phê bình thì cần dựa trên thực tế, trên mong muốn hoàn thiện, chứ không phải để gây hoang mang, gieo rắc hoài nghi, hoặc phục vụ cho những mục tiêu phi chính trị.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đang kiên định với lộ trình cải cách bộ máy nhà nước, không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cụ thể: sáp nhập đơn vị hành chính, giảm đầu mối trung gian, tinh giản biên chế, hiện đại hóa hành chính công. Những cải cách ấy, dù âm thầm, nhưng đang từng bước thay đổi diện mạo quản trị quốc gia, giúp tăng hiệu quả phục vụ dân, tăng khả năng điều phối vùng, và giảm gánh nặng tài chính về lâu dài. Và nếu nhìn theo hướng ấy, thì chuyện 10 chuyến xe đầu tiên chạy không người chỉ là một hiện tượng nhỏ, thậm chí là cần thiết để hoàn thiện chính sách, chứ không phải một thất bại. Lịch sử hành chính của bất kỳ quốc gia nào cũng đều trải qua những giai đoạn vấp váp khi thực hiện cải cách. Vấn đề không nằm ở chỗ có sai sót hay không, mà nằm ở chỗ hệ thống có nhận ra, có điều chỉnh, có minh bạch và có hành động hay không. Trong trường hợp này, chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã công khai kế hoạch đưa rước, công bố chi phí và sẽ có báo cáo đánh giá lại hiệu quả sau khi triển khai. Đó là điều mà bất kỳ nền hành chính tiến bộ nào cũng cần có và thực tế cho thấy chúng ta đang làm được. Không thể phủ nhận rằng mỗi chính sách khi đi vào thực tiễn đều có thể nảy sinh những trục trặc bước đầu. Nhưng điều quan trọng không phải là sự tồn tại của thiếu sót, mà là khả năng nhận diện, điều chỉnh và hoàn thiện. Trong vụ việc xe đưa đón cán bộ, UBND TP.Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể sẽ rà soát lại nhu cầu thực tế, cắt giảm hoặc cơ cấu lại tuyến xe cho hợp lý hơn sau khi có dữ liệu từ tuần đầu triển khai. Đó là điều bình thường, là một chu trình cải tiến trong quản trị. Nhưng lấy chính bước đầu điều chỉnh đó làm cái cớ để tấn công chủ trương là một thủ đoạn sai trái, đểu cáng, cố tình “đánh lận con đen” của Dân Trần.

Hãy để những chiếc xe ấy tiếp tục chạy không phải chỉ để chở người mà còn để chở đi những thói quen trì trệ, những định kiến lỗi thời. Và cả những cách phản biện chỉ biết tìm lỗi mà quên mất mục tiêu tối hậu: xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân hiệu quả, văn minh, tiết kiệm và đáng tin cậy. Không một con đường đổi mới nào trải đầy hoa hồng. Nhưng nếu ta chọn cách nhìn nhận bằng sự hiểu biết, thiện chí và trách nhiệm, thì mỗi thử thách đều là bước đệm để tiến về phía trước, chứ không phải cớ để quay đầu lại với hoài nghi và chia rẽ.

Người dân có quyền giám sát việc sử dụng ngân sách. Báo chí có quyền phản ánh thực tế. Thậm chí những kẻ như Dân Trần cũng hoàn toàn có quyền được đóng góp ý kiến. Nhưng mọi sự phản biện cần đặt trong tinh thần xây dựng, tôn trọng sự thật, tôn trọng bối cảnh và mục tiêu chung của quốc gia. Không thể vì 10 chuyến xe chưa có người đi mà đánh đồng cả quá trình tổ chức lại bộ máy là thất bại. Càng không thể lấy đó làm cái cớ để gieo rắc sự hoài nghi đối với toàn bộ hệ thống chính trị, phủ định mọi nỗ lực cải cách đang diễn ra. Đó là cách nhìn cực đoan, phiến diện và vô trách nhiệm, thậm chí là những thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chống phá đất nước đấy, Dân Trần nhé!

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc

Ngày: Tháng Bảy 21, 2025

Trần Nguyễn Diệu Linh

Ngày 19/07/2025, trên Baotiengdan.com, Lê Minh Nguyên đã đăng tải bài viết có tiêu đề: “Liệu Đảng CSVN có thể đi từ Đổi Mới sang Đổi Dạng?”. Trong đó, Lê Minh Nguyên đưa ra một số nhận định sai lệch, quy chụp, mang tính công kích cá nhân và bóp méo thực tế chính trị – xã hội tại Việt Nam. Các quan điểm của Lê Minh Nguyên không chỉ thiếu cơ sở mà còn chứa đựng sự xuyên tạc có chủ đích, hòng bôi nhọ uy tín lãnh đạo Đảng, gây nghi ngờ trong lòng nhân dân. Bài viết này nhằm phản biện rõ ràng, khách quan những luận điểm sai trái đó.

Trong bài viết, Lê Minh Nguyên viện dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiêu chuẩn cán bộ – “phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng… đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” – nhưng lại cố tình bóp méo, xuyên tạc bằng cách so sánh với câu ngạn ngữ dân gian “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Ông Nguyên cho rằng hệ thống chính trị Việt Nam đang bị “gia tộc hóa”, tức là ưu tiên con cháu cán bộ hoặc người trong “phe nhóm” thay vì năng lực thực sự. Đây là một luận điệu quy chụp thiếu căn cứ và mang tính chủ ý bôi nhọ. Trên thực tế, công tác cán bộ hiện nay ở Việt Nam đang ngày càng được cải tiến theo hướng công khai, minh bạch, dựa vào phẩm chất, năng lực, kết quả công tác và sự tín nhiệm của quần chúng. Những người được đề bạt vào các vị trí quan trọng đều phải trải qua quy trình chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập. Việc có con cháu cán bộ trong bộ máy không phải là điều bất thường – vấn đề là họ có đáp ứng được các tiêu chuẩn, có qua được các vòng đánh giá năng lực hay không. Chính Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh “kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào cấp ủy”. Việc Lê Minh Nguyên dẫn một câu phát biểu đúng đắn rồi phủ nhận hoàn toàn bằng một câu ngạn ngữ là kiểu ngụy biện “cảm tính hóa chính trị” – không dựa trên bằng chứng, mà chỉ khơi gợi sự ngờ vực trong lòng người dân.

Tiếp theo, Lê Minh Nguyên đưa ra ví dụ về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, bị kỷ luật vào năm 2021 và cho rằng việc bà này tiếp tục bị xem xét kỷ luật sau đó là hành vi “oan khiên”, vi phạm nguyên tắc double jeopardy – tức một người không bị trừng phạt hai lần cho cùng một tội danh. Ở đây, Lê Minh Nguyên đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa pháp luật hình sự và quy trình kỷ luật nội bộ trong tổ chức Đảng và Nhà nước. Trong luật hình sự của một số nước, nguyên tắc “double jeopardy” chỉ áp dụng khi một người đã bị xét xử và tuyên trắng án cho một hành vi cụ thể trong phạm vi hình sự. Trong khi đó, kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, hoặc kỷ luật Đảng và truy cứu trách nhiệm hình sự, là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Việc một cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, nhưng sau này phát hiện thêm sai phạm khác hoặc mức độ sai phạm nghiêm trọng hơn, thì việc xem xét thêm hình thức kỷ luật, kể cả truy tố, là hoàn toàn hợp lý, đúng quy định và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, nếu hành vi sai phạm kéo dài hoặc có hệ quả nghiêm trọng mà trước đó chưa bị phát hiện đầy đủ, thì việc xem xét lại hoàn toàn không phải là “oan khiên”, mà là một phần của trách nhiệm làm rõ sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bài viết của Lê Minh Nguyên không đơn thuần là phản biện chính sách, mà còn lồng ghép những nhận định mang tính xuyên tạc bản chất chế độ, công kích mang tính chủ quan, không dựa trên bằng chứng thuyết phục, mang đậm màu sắc chính trị chống đối. Những luận điểm như “gia tộc hóa chính quyền”, hay “oan khiên trong xử lý cán bộ” là những kết luận cảm tính, được đưa ra nhằm gây mất niềm tin vào công cuộc xây dựng Đảng và Nhà nước hiện nay. Người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu kiểu này. Việt Nam đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ để xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN, nơi mọi người – kể cả cán bộ cấp cao – đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của Đảng. Sự trong sạch của bộ máy không thể đến từ những khẩu hiệu, mà từ hành động cụ thể, quyết liệt, như những gì đang được thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư hiện nay. 

Thủ đoạn “tung hỏa mù” trước và sau đối thoại về nhân quyền

Thứ Hai, 21/07/2025, 07:31

Từ ngày 7 đến 8/7/2025, tại Geneva (Thụy Sĩ), đoàn Việt Nam đã tham gia phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Tại phiên đối thoại, nhiều nước đã ghi nhận, đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức quốc tế cố tình đưa ra những quan điểm, đánh giá sai trái, phiến diện nhằm phủ nhận thành tựu trong bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Mặc dù những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận, song với âm mưu chống phá công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị vẫn không ngừng xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở nước ta. Cùng với đó là sự tiếp tay của một số cá nhân, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông có định kiến với Việt Nam.

Thủ đoạn “tung hỏa mù” trước  và sau đối thoại về nhân quyền -0
Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Thời gian qua, trước khi các cuộc đối thoại về nhân quyền diễn ra, trên các trang mạng xã hội như Việt Tân, Chân trời mới Media, RFI, RFA… đã triệt để lợi dụng những bức xúc của người dân trong một số vụ việc cụ thể để lôi kéo, kích động khiếu kiện, biểu tình đòi bảo vệ quyền lợi, đòi tự do, dân chủ; đẩy từ vụ việc cá nhân trở thành vấn đề phức tạp, tụ tập đông người. Thông qua chiêu bài “phản biện xã hội”, chúng lợi dụng các diễn đàn để xuyên tạc giá trị của quyền con người, tuyệt đối hóa tính phổ biến của quyền con người, phủ nhận quyền con người gắn với chủ quyền quốc gia hòng áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn liên quan đến quyền con người của các quốc gia khác vào Việt Nam. 

Những chiêu trò có thể kể đến là việc các đối tượng liên tục đăng tải nội dung liên quan những người mà chúng gắn mác “tù nhân lương tâm” như Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, vu cáo “đang bị chính quyền đàn áp, ngược đãi trong tù”. Một mặt, chúng tô vẽ các “tù nhân lương tâm” là những “công dân yêu nước”, “cấp tiến”, tìm cách đánh bóng, tôn vinh, trao các loại giải thưởng nhân quyền… Đồng thời, các tổ chức trên đăng tải các tin bài vu cáo Việt Nam “né tránh các vấn đề về nhân quyền trong khi đối thoại”, “Việt Nam che giấu các hoạt động đàn áp nhân quyền”, kêu gọi thả các “tù nhân lương tâm”…

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra các hoạt động đối thoại về nhân quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong cùng số đối tượng chống đối ở trong nước tiếp tục lợi dụng vấn đề về tôn giáo, dân tộc đưa ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử” với đồng bào dân tộc thiểu số, vu cáo “chính sách ngược đãi các dân tộc thiểu số” đang diễn ra ở Việt Nam. Chúng rêu rao Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, lợi dụng các vấn đề chính trị-xã hội phức tạp trong nước để kích động ly khai, biểu tình ngay trong cộng đồng các tôn giáo; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận dân chúng để thành lập các tà đạo, các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép; tìm cách lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, gieo rắc định kiến, ác cảm đối với chính quyền. Kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, hình thành lực lượng chống đối là người dân tộc thiểu số, các địa bàn có đông giáo dân để thúc đẩy xu hướng ly khai, tự trị dân tộc, gây ra các vụ xung đột, bạo loạn, khủng bố để “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo cớ cho các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, phá hoại nền độc lập, thống nhất và sự phát triển theo định hướng XHCN của Việt Nam.

Trước thềm Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong triệt để khai thác, thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của Việt Nam, bôi đen hiện thực, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân, quy chụp nguyên nhân tồn tại là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Từ đó, chúng kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu nói rằng trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia “triệt hạ lẫn nhau”; xuyên tạc lịch sử; bôi nhọ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Những luận điệu trên đánh vào tâm lý người sử dụng mạng xã hội, nhất là những người dễ tin, dễ bị kích động, từ đó gieo rắc sự hoang mang, nghi ngờ, bức xúc trong dân chúng, tác động hòng làm đội ngũ cán bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các lực lượng thù địch còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như lồng ghép những nội dung sai lệch vào các bài viết, bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các video được cắt ghép, dùng kỹ xảo máy tính.

Mục đích của chúng nhằm gây nhiễu loạn, tạo ra sự ngờ vực để từ đó hướng lái, làm lệch lạc nhận thức, lòng tin của quốc tế đối với Việt Nam về nhân quyền. Quyền con người luôn có xu hướng bị chính trị hóa, bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, hòng chi phối hoặc làm suy yếu quốc gia khác. Nhiều năm qua, vấn đề quyền con người được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí để xuyên tạc, gây sức ép làm suy yếu vai trò, vị trí nước ta, tạo cớ phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam.

Những minh chứng khẳng định thành tựu và vai trò của Việt Nam trong bảo đảm nhân quyền

Nhân quyền, hay quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và được pháp luật bảo vệ. Quyền con người như một lẽ tự nhiên tất yếu sinh ra mà con người vốn được hưởng thụ, trong đó có những quyền phổ quát như quyền sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bình đẳng... Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm lịch sử và văn hóa, quyền con người được cụ thể hóa để phù hợp với mỗi quốc gia, dân tộc.

Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", trách nhiệm của Chính phủ là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ… Từ Hiến pháp 2013, hàng loạt luật chuyên ngành đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, trước khi phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) diễn ra, Việt Nam đã thông qua hoặc sửa đổi 45 luật cùng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, nhiều quy định khác trong luật đã được xây dựng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”; “lấy nhân dân làm trung tâm”. Vì vậy, đối thoại để giải quyết tốt những vấn đề về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Có thể khẳng định, Việt Nam không hề né tránh mà trái lại luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại thẳng thắn, cởi mở cầu thị trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau và mang tính xây dựng về quyền con người. Trong đó, tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.

Thực tiễn những năm qua, công tác đối thoại về quyền con người ở Việt Nam đã được thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần truyền tải thành tựu to lớn trong bảo đảm nhân quyền ra bè bạn quốc tế. Qua đó, để quốc tế thấy được từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, bị bao vây cấm vận, nghèo đói giờ đây Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 trong 200 quốc gia; xây dựng được các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với tất cả các nước trên thế giới và khu vực. Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Cho đến nay, Việt Nam là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong các nhiệm kỳ 2008 – 2009 và 2020 – 2021; là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 và 2023 – 2025. Đã tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, từ đó cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, với cách nhìn cực đoan, phiến diện, trước và sau khi phiên đối thoại lần thứ tư diễn ra và được sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế, một số tổ chức, cá nhân đã lập tức đưa ra những nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”, không có cá nhân vì tự do bày tỏ chính kiến bị bắt giữ mà thực chất đó chỉ là những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. Việc những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng bị bắt giữ và xét xử công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật là hết sức bình thường.

Cần nhận thức rằng, vấn đề nhân quyền mang tính phổ quát của toàn cầu song mỗi quốc gia, dân tộc, tuỳ theo đặc điểm văn hóa, lịch sử sẽ có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân chủ và quyền con người áp đặt cho dân tộc khác, nước khác. Bởi vậy việc áp đặt tiêu chí từ bên ngoài vào các quốc gia hay việc tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đều không đúng với quy định của Liên hợp quốc, do đó cần phải kiên quyết lên án và ngăn chặn.

Xây dựng và thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, quyền con người có ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan trong và ngoài nước về tình hình quyền con người ở Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên 

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - vì sao bổ nhiệm... vẫn sai? - Bài 5: Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ (Tiếp theo và hết)

Thứ hai, 21/07/2025 - 05:53

Công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”, quyết định sự thành bại của cách mạng. Thực tế chứng minh, nơi nào lựa chọn cán bộ đúng nguyên tắc, công tâm, dân chủ thì tổ chức mạnh, dân tin, sự nghiệp phát triển. Ngược lại, khi công tác cán bộ bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tư lợi, thân quen, lệ thuộc vào đồng tiền... thì hậu quả để lại là hệ lụy kéo dài, làm suy yếu cả hệ thống.

“Chống từ gốc”, từ chính người được trao quyền

Hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”, “cánh hẩu, thân quen” vẫn là căn bệnh trầm kha. Ngày 19-7-2025, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Kiên quyết không để "lọt" những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề cấp thiết, nhất là khi toàn Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Năm 2024, hơn 700 tổ chức đảng và 24.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật; trong đó 68 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Không ít người từng được đánh giá là “cán bộ trẻ triển vọng”, mới được bổ nhiệm, biểu dương... nhưng sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí khởi tố. Điểm chung là không giữ được mình trước cám dỗ vật chất, quyền lực.

Dư luận nhiều lần lên tiếng về những vụ “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm thần tốc sai quy định, nhưng tổ chức đảng nơi đó lại im lặng cho đến khi báo chí và nhân dân phản ánh. Điều đó đặt ra câu hỏi: Có hay không sự tiếp tay, dung túng hoặc thỏa hiệp vì thân quen, lợi ích trong tiến hành công tác cán bộ? Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận: “Tham nhũng quyền lực” là nguy hiểm nhất. Bởi nó làm biến dạng các nguyên tắc Đảng, triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh và đánh mất lòng tin của nhân dân.

Một quy trình chặt chẽ sẽ trở nên vô nghĩa nếu người thực hiện không có tâm trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”-đó là tinh thần “dĩ công vi thượng” cần được khơi dậy mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, nhất là những người làm công tác tổ chức-cán bộ và cấp ủy các cấp.

Thực tế hiện nay, khi tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, việc lựa chọn nhân sự càng đòi hỏi nghiêm túc, chặt chẽ hơn. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từng nhấn mạnh: Không phải thiếu quy trình, mà là thiếu người thực hiện đúng quy trình bằng tinh thần vì Đảng, vì dân. Khi tư lợi xen vào, mọi quy định đều có thể bị vô hiệu hóa.

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - vì sao bổ nhiệm... vẫn sai? - Bài 5: Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ (Tiếp theo và hết)
Ảnh minh họa / lyluanchinhtri.vn 

Vì vậy, cần nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, lòng trung thành với Đảng và trách nhiệm trước nhân dân của người làm công tác cán bộ. Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chính là một công cụ quan trọng để thực hiện điều đó.

Chặn tiêu cực không chỉ bằng khẩu hiệu

Hiện chưa có nhiều trường hợp người giới thiệu cán bộ sai bị xử lý kỷ luật, trong khi đó lại là mắt xích then chốt dẫn đến hậu quả. Phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những tổ chức, cá nhân giới thiệu, đề bạt cán bộ để xảy ra sai phạm. Cùng với đó, cần chấm dứt tình trạng “chuyển đơn vị để tránh bão”-điều động cán bộ có dấu hiệu vi phạm về làm cấp phó hoặc giữ chức cao hơn ở nơi khác. Thực tế, những cách làm ấy càng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Một số bộ, ngành, địa phương đã thí điểm thi tuyển cạnh tranh vào các vị trí lãnh đạo. Đây là mô hình tốt cần được mở rộng. Nhưng muốn khách quan, cần đánh giá cả năng lực thực tế, đạo đức và lấy ý kiến từ cơ sở.

Đối với những cán bộ biết mình vi phạm nhưng vẫn nhận đề bạt, bổ nhiệm thì khi bị phát hiện, cần xử lý nặng hơn. Cán bộ liêm chính thì không sợ bị nhân dân giám sát, bàn luận.

Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ không thể chỉ bằng lời nói, bằng nghị quyết. Đó là quá trình đấu tranh nghiêm khắc, bền bỉ, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa “quy trình” và “con người”. Vì vậy, chỉ khi người làm công tác cán bộ thực sự đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, chỉ khi người được bổ nhiệm có tâm, có tầm, có tài, thì mới có thể chọn đúng người, trao đúng việc, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Thay cho lời kết

Bổ nhiệm cán bộ chưa đúng không hẳn do quy trình sai, mà có khi vì chúng ta chưa nhìn thấu con người trong tổng thể cả đức và tài, cả động cơ và hành vi. Khi đánh giá còn cảm tính, giám sát chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa rõ ràng, thì những sai lệch trong xem xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ vẫn có thể xảy ra, dù quy trình tưởng như đầy đủ. Điều cốt lõi là làm sao để mỗi khâu trong công tác cán bộ thực sự hướng tới việc chọn đúng người-người có tâm, có tầm, có trách nhiệm với Đảng, với dân. Muốn vậy, cần một cơ chế vừa chặt chẽ, vừa nhân văn; vừa minh bạch, vừa linh hoạt; một đội ngũ làm công tác cán bộ có bản lĩnh, có tầm nhìn và thật sự công tâm. Khi công tác cán bộ vận hành bằng cả lý trí sáng suốt và tình cảm đúng đắn, chúng ta sẽ hạn chế được việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chưa đúng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.

NHÓM PHÓNG VIÊN 

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - Vì sao bổ nhiệm... vẫn sai?-Bài 4: Đánh giá cán bộ, còn những biểu hiện chưa thực chất

Chủ nhật, 20/07/2025 - 06:04

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu then chốt, mang tính quyết định đến các bước tiếp theo, đặc biệt là bố trí, sử dụng cán bộ. Nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, nhưng sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý, cho thấy khâu đánh giá cán bộ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm.

Khi “tự kiểm” thành “tự khen”

Đảng ta đã quy định rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên hằng năm phải tự kiểm điểm; khi làm quy trình bổ nhiệm cũng phải có phần tự nhận xét. Tiêu chí đánh giá đã khá đầy đủ, từ lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức đến kết quả công tác và kê khai tài sản. Nhưng trên thực tế, tâm lý “tốt khoe, xấu che” trong đánh giá cán bộ vẫn khá phổ biến. Không ít bản tự kiểm điểm của cán bộ chỉ tập trung ca ngợi ưu điểm, thành tích: Nào là “bản lĩnh chính trị vững vàng”, nào là “phẩm chất đạo đức tốt”, “lối sống lành mạnh”... Trong khi khuyết điểm thì nêu qua loa, chung chung như: "Đôi lúc còn nóng nảy", "còn nể nang", "tinh thần tự phê bình và phê bình đôi lúc chưa tốt"... Các bản tự kiểm điểm kiểu này có thể năm sau sao chép năm trước, người nọ giống người kia, chỉ khác một số thành tích cụ thể đạt được. Đáng tiếc, hầu hết cán bộ vi phạm khuyết điểm đều mắc vào chính những mặt được ca tụng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, mà trước đó đã không có một dòng nhận xét nào đề cập đến rủi ro tiềm ẩn.

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - Vì sao bổ nhiệm... vẫn sai?-Bài 4: Đánh giá cán bộ, còn những biểu hiện chưa thực chất
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn 

Việc đánh giá từ tập thể cấp ủy, tổ chức đảng cũng không khá hơn. Thói quen nể nang, né tránh va chạm, ngại đấu tranh góp phần tô hồng các bản nhận xét, làm lu mờ những biểu hiện lệch chuẩn. Việc kê khai tài sản cá nhân của cán bộ, đảng viên vẫn thiếu cơ chế xác minh chặt chẽ. Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc mới “giật mình” với khối tài sản khổng lồ như trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ sở hữu hàng trăm sổ tiết kiệm, nhiều xe sang, những chiếc đồng hồ trị giá cả tỷ đồng...

Một thực tế khác là việc mở rộng kênh đánh giá ngoài nội bộ: Từ chính quyền, nhân dân nơi cư trú, cơ quan kiểm tra, giám sát... chưa được coi trọng đúng mức. Hệ thống kiểm tra, giám sát vẫn “mỏng”, chưa sâu sát, thiếu hiệu quả cảnh báo và ngăn chặn. Nhiều trường hợp, cán bộ có biểu hiện “nhúng chàm” nhưng vẫn lọt qua được các vòng đánh giá, thậm chí thăng tiến thần tốc.

Không thể không nhắc tới ảnh hưởng của tình trạng bè phái, “cánh hẩu”, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và đánh giá, nhận xét cán bộ. Nhiều trường hợp, cán bộ được “đỡ đầu”, “nâng đỡ” trong suốt quá trình đánh giá và bổ nhiệm, từ đó nảy sinh hệ lụy: Bố trí sai người, sai vị trí, dẫn tới tổn hại cho tổ chức và xã hội.

Điều nguy hiểm là những hạn chế trong đánh giá cán bộ như một loại virus ngầm, dần bào mòn sức chiến đấu của tổ chức đảng và từng đảng viên. Nếu không nhận diện và loại bỏ tận gốc thì khâu bổ nhiệm dù có đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn đến đâu cũng không thể bảo đảm đúng người.

Mở rộng kênh đánh giá - tăng sức đề kháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để chọn được cán bộ tốt, trước hết phải đánh giá đúng và đánh giá phải thực chất, khách quan, toàn diện.

Trước hết, cần khơi dậy tinh thần tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với sự thịnh suy của tổ chức khi đánh giá sai người. Không thể để cảm tính, nể nang, dĩ hòa vi quý lấn át nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng.

Thứ hai, phải phá “chiếc kén nội bộ” trong đánh giá cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần mở rộng kênh thông tin đánh giá: Từ cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi cư trú; các cơ quan kiểm tra, công an, thanh tra, kiểm toán, Mặt trận Tổ quốc... Việc tham vấn ý kiến từ các cơ quan này không chỉ với bản thân cán bộ mà cả người thân trong gia đình cũng cần được thực hiện nghiêm túc để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc biểu hiện bất thường. Điều này hiện nay khi xem xét, đánh giá cán bộ không phải là không làm, nhưng thực tế dường như mới làm để bảo đảm hoàn chỉnh thủ tục.

Trong điều kiện chuyển đổi số, việc xác minh tài sản cá nhân cần tận dụng công nghệ, kết nối dữ liệu với hệ thống ngân hàng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với bất động sản... Việc cán bộ kê khai không trung thực phải được coi là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm.

Đánh giá cán bộ là "khâu mở đầu" nhưng cũng là "cái gốc" trong công tác cán bộ. Cái khó chính là nằm ở việc kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng, giữa quy trình và thực chất, giữa trách nhiệm và dũng khí chính trị, giữa cái thật trong cái biểu hiện, giữa cái lâu dài trong cái trước mắt... Đánh giá cán bộ là đánh giá con người, liên quan đến con người. Đó là điều không hề đơn giản. Bởi vậy, khi nào việc đánh giá trở nên khách quan, chính xác, công tâm và đúng người thì công tác cán bộ mới tạo được niềm tin và hiệu quả. Chỉ khi và khi nào đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất, toàn diện, công khai thì mới loại bỏ được tình trạng “đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn... bổ nhiệm sai người”. Đánh giá đúng cán bộ, tức là chọn đúng người để giao việc. Đó chính là tiền đề để tổ chức mạnh, quốc gia phát triển.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN 

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - Vì sao bổ nhiệm... vẫn sai? - Bài 3: Thiếu thận trọng, bỏ qua dấu hiệu vi phạm

Thứ bảy, 19/07/2025 - 05:44

“Có vào, có ra, có lên, có xuống” là điều bình thường trong công tác cán bộ. Nhưng “vừa vào lại phải đưa ra”, “lên chưa ấm ghế đã bị kỷ luật”, hoặc được bổ nhiệm bất chấp những điều tiếng trước đó, để rồi lại “ra” vì chính những điều ấy... thì rất không bình thường. Và đáng lo ngại nhất là nếu tình trạng này cứ lặp lại, uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân sẽ bị bào mòn.

Khi cảnh báo không được quan tâm

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng chia sẻ câu chuyện cách đây hơn một thập kỷ: Một cán bộ ngân hàng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, dù dư luận đã nhiều lần phản ánh các vi phạm trong công tác. Sau khi tiếp nhận, thẩm tra thông tin kỹ lưỡng, người này không được lựa chọn. Không lâu sau, cán bộ này bị khởi tố với những sai phạm đúng như đã cảnh báo.

Trường hợp ấy cho thấy rất rõ hiệu quả của việc cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời lắng nghe, xử lý thông tin một cách công tâm, đúng quy định để có được quyết định sáng suốt và chính xác. Thế nhưng thực tế lại có không ít cán bộ “lọt lưới” dù các dấu hiệu vi phạm đã lộ diện từ trước. Đó là hệ quả của sự chủ quan, dễ dãi, thậm chí vô cảm trong thẩm định, đánh giá và giới thiệu cán bộ.

Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - Vì sao bổ nhiệm... vẫn sai? - Bài 3: Thiếu thận trọng, bỏ qua dấu hiệu vi phạm
 Ảnh minh họa: vov.vn

Ngày 24-5-2024, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Doãn Tiến Dũng lúc đó đang là Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò và 5 cán bộ thuộc Thị ủy, UBND thị xã Cửa Lò liên quan đến những hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất, bố trí đất tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An).

Công an tỉnh Nghệ An xác định thời gian xuất hiện các sai phạm trên là từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2022. Đáng lưu ý là đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi có quãng thời gian từ tháng 11-2020 đến tháng 8-2021 là Bí thư Thị ủy Cửa Lò, nằm trong khoảng thời gian mà Công an tỉnh Nghệ An xác định tại thị xã Cửa Lò xảy ra các sai phạm của nhiều cán bộ. Như vậy, việc đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 15-2-2024, chỉ 3 tháng trước khi Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò và một loạt cán bộ tại thị xã Cửa Lò bị bắt là một việc quá nhạy cảm.

Những câu hỏi cần trả lời là: Tại sao những cảnh báo, thông tin vi phạm lại bị làm ngơ? Có phải do thiếu kênh tiếp nhận, hay vì tâm lý “lên rồi sai thì xử sau”? Hay là có tác động nào để đưa cán bộ có dấu hiệu vi phạm đi nhằm "tránh bão"? Ai chịu trách nhiệm khi để người không xứng đáng bước vào hàng ngũ lãnh đạo? 

Có ý kiến cho rằng, cũng có thể trong một số vụ việc cụ thể, việc điều động cán bộ sang vị trí mới là một biện pháp tổ chức, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra những dấu hiệu vi phạm, sai phạm của cá nhân, tập thể nơi cán bộ đó đang giữ vị trí chủ trì. Tuy nhiên, ngay cả với khả năng này thì cũng cần hết sức cân nhắc, thận trọng, xem xét thấu đáo việc tác động tới tâm lý, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi khi những bó hoa mới được trao, những tràng pháo tay trong lễ trao quyết định bổ nhiệm, những lời nhận xét có cánh, những hứa hẹn nhận nhiệm vụ vừa dứt chưa lâu mà cán bộ đã nhận thông báo kỷ luật thì sẽ không tránh khỏi sự hoài nghi của dư luận về chất lượng cán bộ và công tác cán bộ. 

“Đúng quy trình” không đồng nghĩa với “đúng người”

Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng, không đơn thuần là việc chọn người, mà là nhiệm vụ bảo vệ nền tảng chính trị, bảo vệ lòng tin của nhân dân. Mỗi quyết định bổ nhiệm không chỉ mang tính hành chính, mà là quyết định chính trị, gửi gắm kỳ vọng và niềm tin.

Vậy nên, khi không ít cán bộ từng có vi phạm, thậm chí bị kiểm điểm vẫn tiếp tục được đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thì với dư luận xã hội, đó không thể là “sơ suất”, mà phản ánh rõ lỗ hổng trong đánh giá và kiểm soát quyền lực.

Trước hết, đánh giá cán bộ vẫn nặng về hồ sơ, bằng cấp, phiếu tín nhiệm hình thức. Việc lấy ý kiến thường chỉ bó hẹp trong nội bộ, thiếu lắng nghe từ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra Đảng, công an, báo chí, Mặt trận Tổ quốc, nhất là từ dư luận xã hội. Những kết luận thanh tra, những thông tin “hành lang” lẽ ra cần được kiểm chứng nghiêm túc lại có phần bị coi nhẹ, thậm chí phớt lờ. Cùng với đó, việc thẩm định và giới thiệu cán bộ thường tập trung vào một số cá nhân, thiếu cơ chế giám sát chéo. Không ít trường hợp người đứng đầu hoặc nhóm có quyền đã cố tình “nâng đỡ không trong sáng”, biến quy trình thành công cụ phục vụ lợi ích nhóm.

Ngày 27-5-2025, làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: Không bố trí cán bộ giữ chức vụ cao hơn nếu không bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là cán bộ đã bị kỷ luật hoặc có vi phạm trong nhiệm kỳ. Chỉ đạo ấy cần sớm được thể chế hóa và triển khai đồng bộ để khắc phục triệt để những "vết xe đổ" trong công tác cán bộ thời gian qua.

Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo nêu trên của Tổng Bí thư Tô Lâm, trước hết cần nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn làm thước đo. Xem xét, đánh giá cán bộ cần được soi chiếu đa chiều: Từ kết luận thanh tra, phản ánh báo chí, mạng xã hội đến ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Mọi biểu hiện sai phạm, lệch chuẩn của cán bộ, dù nhỏ, cũng phải được xem xét xử lý nghiêm túc.

Hai là, thể chế hóa việc phản ánh từ nhân dân và đảng viên thành một phần trong quy trình đánh giá cán bộ. Cần xây dựng cơ chế bảo mật, bảo vệ người cung cấp thông tin, đặc biệt là trong tố giác tiêu cực, sai phạm của cán bộ. Đồng thời, cũng phải có quy định bảo vệ cán bộ, xử lý những người cố tình cung cấp thông tin sai để bôi nhọ cán bộ.

Ba là, siết chặt trách nhiệm người đứng đầu theo đúng quy định. Nếu cán bộ do mình giới thiệu bị kỷ luật vì vi phạm đã có từ trước, người đề xuất, người thẩm định và người ký quyết định đều phải chịu trách nhiệm. Không thể mãi tồn tại tình trạng “rút kinh nghiệm là xong” hay “đổ lỗi cho tập thể”.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ. Cấp ủy cấp trên phải chủ động rà soát việc giới thiệu, bổ nhiệm ở cấp dưới. Nơi nào để lọt cán bộ vi phạm vào hàng ngũ, nơi đó cần bị kiểm điểm, chấn chỉnh. Không thể chỉ xử lý cá nhân sai phạm mà bỏ qua vai trò của tổ chức.

Bổ nhiệm cán bộ không đơn thuần là “đúng quy trình”, mà phải là “đúng người, đúng lúc, đúng trách nhiệm”. Nếu cứ để những cảnh báo bị phớt lờ, những sai phạm bị bỏ qua, thì cái giá phải trả không chỉ là sự xuống cấp của bộ máy, mà còn là niềm tin của nhân dân vào Đảng. Khi kịp thời phát hiện lỗi kỹ thuật của một chiếc máy bay, không cho nó cất cánh thì sẽ cứu được sinh mạng của nhiều hành khách. Khi kịp thời phát hiện vi phạm, sai phạm của cán bộ, ngăn họ “cất cánh” thì thậm chí giá trị được “cứu” còn lớn hơn nhiều.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên