Nước Mỹ từ trước tới nay luôn tự coi mình là thành trì của nhân quyền, dân chủ và tự cho mình quyền đánh giá, phán xét tình hình hình dân chủ, nhân quyền tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, bản báo cáo mới đây của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về các biện pháp thẩm vấn tù nhân hà khắc của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã “tố cáo” nước Mỹ đã đi ngược lại với những giá trị nhân quyền, đi ngược lại những quy định luật pháp của chính nước Mỹ và quốc tế về bảo vệ nhân quyền.
Các nhà hoạt động tập trung trước Nhà Trắng vào năm 2013 yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi mà các tù nhân của Mỹ được cho là đã bị áp dụng các hình thức tra tấn. (Ảnh: Reuters)
|
Ngày 9/12, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã công bố báo cáo tóm tắt về chương trình thẩm vấn tù nhân của CIA, với kết luận tổ chức này đã lừa dối Nhà Trắng và công chúng về các kỹ thuật thẩm vấn tù nhân sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và hành động tàn nhẫn hơn so với những gì cơ quan này thừa nhận trước đó.
Theo bản báo cáo, CIA đã dùng nhiều biện pháp thẩm vấn hà khắc đối với các nghi can khủng bố nhằm thu thập thông tin tình báo. Trong đó, có các biện pháp như trấn nước (hay còn là “giả chết đuối”- waterboarding), sử dụng âm thanh lớn, dội nước đá, lạm dụng tình dục, cưỡng chế đưa thức ăn qua đường hậu môn, giam giữ các tù nhân hoàn toàn trong bóng tối, tại các phòng giam riêng biệt với những điều kiện sinh hoạt hà khắc,… Bản báo cáo đã đề cập đến trường hợp một nghi can bị trói đứng bằng xích vào tường trong vòng 17 ngày và một số tù nhân bị bắt thức gần 180 giờ trong tư thế đứng hay những tư thế khó khăn khác. Đồng thời, đề cập đến cái chết của Gul Rahman, nghi can người Afghanistan, nghi bị chết do suy giảm thân nhiệt trong năm 2002 sau khi bị đánh đập, lột trần từ thắt eo và bị trói trên nền bê-tông ở nhiệt độ gần bằng không.
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, một làn sóng chỉ trích đã bùng phát ngay trong lòng nước Mỹ và trên thế giới về việc Mỹ đã vi phạm nhân quyền, thực hiện các hành động tra tấn các tù nhân nhằm thu thập thông tin tình báo, đồng thời kêu gọi giải trình và truy tố các quan chức có liên quan.
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa, cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của CIA đã ra sức biện hộ cho các biện pháp thẩm vấn hà khắc, thay vì gọi đó là những hành động tra tấn bằng cụm từ “những kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”. Đồng thời, chỉ trích việc công bố bản báo cáo vào thời điểm này là “thiếu thận trọng”, “thiếu tinh thần trách nhiệm” và có thể đặt nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Hai ngày sau khi bản báo cáo được công bố, ngày 11/12, Giám đốc CIA, John Brennan đã khẳng định trong cuộc họp báo tại trụ sở CIA, bang Virginia (Mỹ), rằng “chương trình giam giữ và thẩm vấn đã giúp thu thập được những thông tin tình báo hữu ích giúp nước Mỹ ngăn chặn các âm mưu tấn công, bắt giữ những kẻ khủng bố vào bảo vệ sự sống cho người dân”. Tuy nhiên, ông Brennan cho biết, CIA chưa khẳng định việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao có giúp thu thập được những thông tin hữu ích hay không. Giám đốc CIA cũng thừa nhận, “trong một số trường hợp, các nhân viên CIA đã sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn không được cho phép, những biện pháp này đáng ghê tởm và không thể chấp nhận được” nhưng vẫn không gọi những biện pháp thẩm vấn của CIA là hành động tra tấn.
Trái ngược lại với những lời biện hộ kể trên, ngay trong khi giới thiệu bản báo cáo này, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein đã khẳng định, “dù diễn giải dưới bất cứ hình thức nào thì những tù nhân của CIA đã bị tra tấn” và “các hành động của CIA, một thập kỷ trước, là một vết đen trong những giá trị và lịch sử của nước Mỹ”. Bà Feinstein cũng đã bác bỏ những quan ngại cho rằng việc công bố kết luận của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ có thể gây nguy hiểm cho những người Mỹ ở nước ngoài, nói rằng đây là “thời điểm tốt nhất” để nói về những thông tin như thế này.
Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng thừa nhận về việc CIA tra tấn các tù nhân. Trong một cuộc họp báo vào ngày 1/8/2014, khi đề cập đến CIA và những kỹ thuật thẩm vấn của cơ quan này, ông Obama đã thừa nhận “chúng ta đã tra tấn một số người. Chúng ta đã thực hiện một số việc trái ngược lại với những giá trị của chúng ta”. Và, với một số phương pháp trong các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao của CIA, ông Obama “tin và nghĩ rằng bất cứ ai suy nghĩ một cách công bằng đều tin rằng đó là những hành vi tra tấn”.
Đối chiếu với những quy định pháp lý, Đạo luật chống tra tấn trong Bộ luật liên bang của Mỹ định nghĩa, tra tấn là một “hành vi cố ý gây đau đớn và khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người trong khoảng thời gian người đó bị bắt giam hay quản lý”. Mỹ cũng là một trong 156 quốc gia phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Đây là một hiệp ước nhân quyền quốc tế cấm tra tấn và định nghĩa về hành vi tra tấn tương tự như định nghĩa trong Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ.
Mặt khác, mới đây vào tháng 7/2014, Tòa án Nhân quyền tối cao châu Âu đã chính thức khẳng định những kỹ thuật thẩm vấn của CIA là hành vi tra tấn trong phán quyết ủng hộ một người mang quốc tịch Palestine, Abu Zubaydah (43 tuổi) và một người quốc tịch Ả-rập Xê-út, Abd al-Rahim al-Nashiri (49 tuổi) bị giam giữ tại một địa điểm bí mật của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan trong hai năm 2002-2003 trước khi bị chuyển tới vịnh Guantanamo, nơi họ vẫn bị giam giữ. Phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu chỉ rõ, Chính phủ Ba Lan “đã cho phép giới chức Mỹ tra tấn và ngược đãi trên lãnh thổ nước này”. Các luật sư của những người này cho biết trước tòa rằng, hai người đã bị tra tấn nhiều lần bằng hình thức trấn nước.
Rõ ràng, những khẳng định của các quan chức hàng đầu nước Mỹ cùng phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu và những quy định trong Bộ luật liên bang Mỹ và Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc về hành vi tra tấn đã củng cố thêm khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein rằng, “dù diễn giải dưới bất cứ hình thức nào thì những tù nhân của CIA đã bị tra tấn”. Tuy vậy, bất chấp quy định tra tấn là một hành vi phạm tội theo Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ, Chính phủ Mỹ gần như không phát đi dấu hiệu nào cho thấy sẽ xử lý vụ việc đúng như quy định của pháp luật.
Theo Đạo luật chống tra tấn thuộc Bộ luật liên bang Mỹ, bất cứ ai thực hiện hay cố tìm cách thực hiện hành vi tra tấn “bên ngoài nước Mỹ” (các vụ việc liên quan đến tra tấn xảy ra tại Mỹ sẽ được quy định theo luật pháp của các bang) sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm và “nếu dẫn đến làm chết người đối với bất cứ ai khi thực hiện những hành vi bị cấm trong điều khoản này, sẽ bị tử hình hoặc phạt tù trong một số năm nhất định hoặc tù trung thân”. Trong khi đó, điều 4 thuộc Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng quy định “mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều là những hành vi phạm tội theo luật hình sự của nước mình”. Đồng thời, “mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng”. Tuy nhiên, cho đến nay, gần một tuần sau khi bản báo cáo của Thượng viện Mỹ được công bố, Mỹ vẫn chưa phát động bất cứ hoạt động truy tố nào đối với các mật vụ của CIA hay những người có liên quan trong chương trình thẩm vấn của CIA, bất chấp những lời kêu gọi từ ngay trong lòng nước Mỹ và trên thế giới yêu cầu Mỹ phải truy tố những người có liên quan.
Mặt khác, khoản 1, Điều 2 trong Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng quy định, “mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào theo thẩm quyền pháp lý của mình”. Trong khi đó, chương trình thẩm vấn của CIA mặc dù đã bị Tổng thống Obama ký sắc lệnh cấm sử dụng vào năm 2009, tuy nhiên, cho đến nay, nó vẫn chỉ dừng lại ở mức là chỉ thị của Tổng thống mà chưa được Quốc hội Mỹ ban hành thành một lệnh cấm chính thức để ngăn chặn chương trình thẩm vấn này có thể tiếp tục được sử dụng dưới các thời Tổng thống tiếp theo.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 9/12, sau khi Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo về chương trình thẩm vấn của CIA, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận, “những biện pháp thẩm vấn hà khắc này không những đi ngược lại những giá trị của chúng ta trên phương diện quốc gia mà chúng còn không hỗ trợ cho những nỗ lực chống khủng bố ở nước ngoài hay những lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ”. Tuy nhiên, cách hành xử của Chính phủ Mỹ đối với bản báo này lại cho thấy thêm một điều, nước Mỹ không chỉ đi ngược lại những giá trị của chính mình mà còn đi ngược lại dư luận, đi ngược lại những quy định luật pháp của chính nước Mỹ và quốc tế.
Rõ ràng, câu thành ngữ "Nói một đằng, làm một nẻo" dường như trở nên chính xác đối với trường hợp này của nước Mỹ. Thay vì liên tục đi rao giảng nhân quyền trên thế giới như trong những năm qua, nước Mỹ cần nhìn lại chính mình để có cách hành xử đúng mực hơn trước khi vượt qua giới hạn cho phép. Cách hành xử đúng mực đó là phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với những kẻ đã gây ra những hành vi tra tấn tội lỗi và ghê tởm đó đối với con người, đồng thời có hành động chấm dứt vĩnh viễn những hành động vô nhân đạo và phản nhân quyền đó.
Bông Mai/Nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét