QĐND - Gần đây, dư luận rộ lên chuyện bố con ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) được Nhà nước Cam-pu-chia tặng “huân chương Đại tướng quân” vì những đóng góp vào việc sửa chữa xe bọc thép. Nếu chỉ đánh giá tài năng của một người không phải là kỹ sư, không chuyên về nghiên cứu, chế tạo máy móc, phương tiện quân sự thì ai cũng có thể thừa nhận: Việc làm của một nông dân như vậy là rất đáng trân trọng.
Thế nhưng, một số người lại ca ngợi kiểu thái quá, rồi lại đem bố con ông Hải so sánh với các nhà khoa học Việt Nam và bình luận theo hướng lệch lạc, làm méo mó hình ảnh các nhà khoa học, nhà quản lý. Thêm nữa, họ quy chụp chính quyền và các cơ quan chức năng cản trở, không cấp phép bay cho bố con ông Hải sau khi ông Hải “chế tạo máy bay trực thăng”...
Trước hết, cần phải nói rằng, việc bố con ông Hải sửa chữa được xe bọc thép là đáng quý. Tuy nhiên, việc này các kỹ sư, công nhân quốc phòng của Quân đội ta đã làm từ hàng chục năm nay. Hiện nay, các nhà máy quốc phòng của chúng ta không những sửa chữa, bảo dưỡng duy trì hệ số kỹ thuật SSCĐ cho hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép mà còn tổ chức nghiên cứu, cải tiến, sản xuất nhiều chi tiết của xe tăng, xe bọc thép nói riêng và các loại khí tài, trang bị kỹ thuật quân sự nói chung. Chỉ riêng đội ngũ công nhân trong các nhà máy, xưởng sửa chữa quốc phòng, mỗi năm đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác sửa chữa, bảo quản phương tiện, khí tài chiến đấu. Nói thế để thấy việc sửa chữa xe bọc thép của bố con ông Hải nếu đem so sánh với việc làm của các công nhân trong nhà máy quốc phòng thì đấy là một việc làm bình thường.
Còn việc các cơ quan chức năng không cấp phép cho “máy bay trực thăng” của ông Hải được bay theo ý nguyện của bố con ông là một việc làm cần thiết. Một chiếc máy bay trực thăng, hoặc một phương tiện bay, muốn được bay thì phải có quy trình chế tạo và phải được kiểm soát chặt chẽ, có tiêu chuẩn rõ ràng. Việc này không chỉ là quy định của nước ta mà là quy định của tất cả các nước trên thế giới. Các nước càng tiên tiến thì việc quản lý phương tiện bay càng chặt chẽ. “Máy bay trực thăng” của bố con ông Hải được các nhà chuyên môn đánh giá là: Không đủ tiêu chuẩn bay và tiêu chuẩn an toàn cần có của một máy bay trực thăng. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho người dân và cho chính bố con ông Hải nên cơ quan chức năng đã từ chối cấp phép bay là rất chính xác.
Nhìn nhận vấn đề gì cũng cần phải nhìn cả hai mặt. Khi bàn về vấn đề đó bằng cách viết ra câu chữ hẳn hoi thì lại càng phải thận trọng. Mọi sự bàn luận kiểu thiên lệch, xiên xẹo vừa qua của một số người, khiến ai đọc xong cũng có thể nhận ra, tác giả viết nên những dòng đó đang thiếu một chữ: Tâm.
HẢI QUÝ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét