Bài 3: Kiến tạo hạnh phúc và phát triển

1. Có những người cố lừa phỉnh dư luận qua việc ngợi ca chế độ dân chủ và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn. Nhưng họ làm sao có thể che giấu được sự thật về cuộc sống bị kìm kẹp, tù túng, đau khổ của người dân miền Nam trong những “khu trù mật”, “ấp chiến lược” do Mỹ và chính quyền Sài Gòn tạo ra. Thật là ấu trĩ khi nghĩ lịch sử không ghi lại những hình phạt tàn ác như thời trung cổ là chặt đầu bằng máy chém, những sự đàn áp dã man Phật giáo mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành trên khắp miền Nam. Chẳng lẽ họ cố tình quên tiếng kêu khóc của những phụ nữ hiền lành, trẻ em vô tội bị quân Mỹ thảm sát ở miền Nam, trong đó điển hình là vụ thảm sát tại thôn Mỹ Lai (thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)?... Như thế, xã hội miền Nam Việt Nam trước giải phóng khó có thể nói là dân chủ, hạnh phúc. 
Còn tiềm lực kinh tế miền Nam lúc bấy giờ ra sao? Trong cuốn "Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005), giáo sư Trần Văn Thọ cho biết, tính chung giai đoạn 1955-1975, kinh tế tại miền Nam chỉ phát triển trung bình 3,9%/năm (bình quân đầu người tăng 0,8%/năm), trong khi cũng giai đoạn ấy, kinh tế tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa phát triển bình quân 6%/năm (GDP đầu người tăng khoảng 3%/năm). (1)
Ảnh minh họa. Nguồn: http://ndh.vn
Trước giải phóng, các ngành sản xuất của miền Nam rất yếu kém. Công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng từ 8% đến 10% GDP, thậm chí có những năm giảm chỉ còn 6%. Nông - lâm - ngư nghiệp luôn chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP. Còn tỷ trọng của khu vực dịch vụ đã tăng nhanh chóng từ 45% lên 60%. Công nghiệp miền Nam đến hơn 90% là công nghiệp nhẹ được hình thành và phát triển gắn với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, chỉ khoảng 1% cơ sở có quy mô từ 10 công nhân trở lên, còn 99% là dưới 10 công nhân. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài về trang thiết bị thay thế và nguyên liệu, có giai đoạn, 100% nguyên liệu phải nhập khẩu (2). Vì thế, có giai đoạn, chính quyền đã bỏ chính sách nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất mà hướng thẳng tới việc nhập hàng tiêu dùng.
Ngân sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn ở trong tình trạng thâm hụt mà nguyên nhân chính là các khoản chi cho quân sự luôn lớn hơn cho chi dân sự. Mức thâm hụt ngân sách thường ở mức 30% đến 40%, trong đó cao nhất là năm 1965 với 41%. Lạm phát giai đoạn 1965-1970 thường hơn 30%, cao nhất là năm 1966 lên tới 61%. Trong cơ cấu chi ngân sách, chi tiêu quân sự luôn chiếm tỷ trọng lớn, cao nhất là 66% (vào năm 1968 và năm 1969). Chi tiêu dân sự có tới 80% là chi trả lương cho đội ngũ công chức trong chính phủ. Vì thế, phần đầu tư cho phát triển ở mức rất thấp. (3)
Trả lời phỏng vấn đài BBC những ngày gần đây, chuyên gia kinh tế là một Việt kiều Mỹ - ông Bùi Kiến Thành đánh giá, kinh tế dưới chế độ Sài Gòn là "nền kinh tế phát triển ảo", "không vững chắc", "không dựa vào cơ sở kinh tế mà chỉ dựa vào chiến tranh là chính". Không những thế, ông Bùi Kiến Thành nhận định đây là nền kinh tế "chưa trong sáng", "bị nhũng nhiễu bởi nhóm lợi ích" - những cụm từ chỉ tình trạng tham nhũng tràn lan của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. (4)
Như thế có thể thấy, thứ kinh tế của chính quyền Sài Gòn mà một số kẻ cố tình thổi phồng chỉ là thứ kinh tế lệ thuộc hoàn toàn vào hàng trợ cấp của Mỹ, thứ kinh tế phục vụ chiến tranh. Nó chỉ tạo ra sự phồn hoa giả tạo ở Sài Gòn, một lối sống tiêu dùng nhờ hàng nhập khẩu từ Mỹ. Sài Gòn được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi thời bấy giờ các nước trong khu vực đều còn nghèo.
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam thời bấy giờ, Trung tướng Trần Nam Phi, nguyên Chính ủy Tổng cục II, cho biết: Chỉ cần ra khỏi Sài Gòn vài chục cây số, đến những vùng nông thôn rộng lớn của miền Nam, trong đó có Tây Ninh quê của ông, người dân sống chìm trong nghèo đói, tăm tối. 
2. Còn đến nay, sau 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tình hình đất nước như thế nào? Khác với tất cả những luận điệu xuyên tạc và bôi nhọ của các thế lực thù địch, Việt Nam đang ngày càng phát triển, hòa mình với sự tiến bộ chung của thế giới. Theo những góc nhìn rất khách quan, quốc tế đang đánh giá Việt Nam có đầy sinh khí quốc gia và tiềm năng phát triển sáng lạn. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã phát triển to đẹp gấp nhiều lần Sài Gòn trước giải phóng.
Với môi trường chính trị ổn định, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn, một điểm đầu tư hấp dẫn và hiệu quả của các doanh nghiệp nước ngoài. Khách quốc tế đến Việt Nam có thể cảm nhận rất rõ điều này. Vì thế, các sự kiện quốc tế lớn như: IPU, APEC, ASEM… được tổ chức ở Việt Nam đều diễn ra thành công và an toàn tuyệt đối. Khác với nhiều quốc gia khác, luôn trong tình trạng bị đe dọa khủng bố, nguyên thủ các nước đến Việt Nam có thể thong thả đi dạo trên phố, chạy thể dục buổi sáng, ra đường vào buổi tối, đi mua sắm ở phố cổ Hà Nội mà không gặp bất cứ mối nguy an ninh nào. Trang Business Insider của Mỹ xếp Việt Nam trong tốp 6 điểm du lịch an toàn nhất thế giới... Vì thế có thể thấy, hòa bình và ổn định chính là lợi thế của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Về kinh tế, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, kiệt quệ sau hàng chục năm chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên rất nhanh ở châu Á. Mặc dù suốt một thời gian dài bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986-2013 là 6,25%/năm, trong đó thời kỳ 1991-2005 lên tới 7,17%/năm. (5) 
Mấy năm qua, do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, tốc độ phát triển của đất nước đã chậm hơn trước, nhưng so với phần lớn các quốc gia trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng 6,03% quý 1 năm 2015 vừa qua của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Những nghiên cứu của HSBC (tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới) và Markit Economics (tổ chức đánh giá kinh tế hàng đầu thế giới) cho thấy, chỉ số PMI các ngành sản xuất của Việt Nam liên tục tăng và đạt hơn 50 điểm kể từ tháng 8-2013 đến nay. Đây là mức điểm cao nhất trong số tất cả quốc gia châu Á mà HSBC và Markit Economics theo dõi, chứng tỏ tình hình sản xuất của Việt Nam đang rất sôi động. Hãng tin Bloomberg nhận định, kinh tế Việt Nam đang nổi lên tại châu Á như một điểm đầu tư lý tưởng với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Bloomberg tin rằng Việt Nam sẽ vươn lên trở thành “con hổ” tiếp theo tại châu Á bởi đang được các tập đoàn lớn như: Samsung, Intel, LG… rót nguồn vốn khổng lồ để xây chuỗi các nhà máy.
Về đời sống xã hội, cùng với những bước tiến về kinh tế, đời sống của người dân Việt Nam ngày một khấm khá. Tạp chí The Economist dự báo, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba khu vực châu Á-Thái Bình Dương về số người giàu mới nổi trong giai đoạn 2014-2020. Theo tạp chí này, vào năm 2020, số lượng người giàu mới nổi của Việt Nam sẽ tăng gần 35% so với hiện nay. Và rằng trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam luôn là mảnh đất thuận lợi cho nhóm người giàu mới nổi tăng trưởng, trên nền tảng thu nhập và chi tiêu dùng của người dân gia tăng ổn định, chính sách ổn định giá của Chính phủ…
Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được xếp vào nhóm quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc của người dân. Đó là kết quả những cuộc khảo sát khách quan của các tổ chức uy tín thuộc Anh, Mỹ. Theo New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam đang là nước xếp thứ hai trên thế giới về chỉ số hạnh phúc (HPI). Chỉ số này nhằm đánh giá những quốc gia mà ở đó, “niềm vui sống của người dân là cao nhất”, nơi mà người dân cảm thấy hài lòng về tuổi thọ, sự thịnh vượng và các vấn đề về môi trường. 
3. Tiềm năng của đất nước còn dồi dào. Đất nước rất cần những người Việt Nam trên toàn thế giới đóng góp nhiều hơn nữa tạo ra sức mạnh tổng hợp của quốc gia, vì sự phát triển của đất nước. Đang có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước đầu tư, làm ăn, sinh sống, đóng góp chất xám cho sự phát triển của đất nước. Ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Thủ tướng, rồi Phó tổng thống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, một thời “chống Cộng” khét tiếng, ấy vậy mà trước khi mất đã nhiều lần về Việt Nam thăm quê hương. Trong một lần về nước, ông Nguyễn Cao Kỳ nói: "Khi đất nước đã thống nhất, đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á”. Đó là cách nghĩ tích cực và trách nhiệm đáng được hoan nghênh. Đến bây giờ, đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ đều có nhận thức ấy. Nhiều người đã trở về Việt Nam an cư, lập nghiệp, đầu tư để xây dựng quê hương, đất nước. 
Thế nhưng, đáng tiếc là vẫn còn những kẻ ích kỷ, vẫn chưa nguôi lòng thù hận, những kẻ cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, cố tình chia rẽ dân tộc hòng tư lợi; vẫn còn những người có thể có mất mát trong chiến tranh nên thiếu tỉnh táo, giữ cái nhìn định kiến, thiếu khách quan; còn một số bạn trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử mà dễ bị lôi kéo. Họ chưa nhận thấy hoặc cố tình phớt lờ một thực tế rõ ràng rằng đất nước ta đang trên đường phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dường như họ muốn ngăn cản đất nước Việt Nam tập hợp được nguồn sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để phát triển.
Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng chính nghĩa của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình trước quân xâm lược. Nó khẳng định một chân lý trường tồn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Đây cũng trở thành tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, hòa thành máu thịt của mọi người con Việt Nam yêu nước. Thực tế ấy, chân lý ấy là những giá trị vĩnh hằng đã được lịch sử ghi nhận, bất kỳ một thế lực nào cũng không thể chà đạp và xuyên tạc. Tương lai đang rộng mở đối với đất nước ta, dân tộc ta. Những người mang dòng máu Việt Nam đều là đồng bào, là anh em một nhà. Vì vậy người Việt Nam cần phải đoàn kết, cùng góp sức để xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.
HỒ QUANG PHƯƠNG
 (1) Trần Văn Thọ: Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.34.
(2) Xây dựng và phát triển công nghiệp, thương mại sau Ngày Giải phóng miền Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
(3) Đặng Phong: Kinh tế miền Nam thời kỳ 1955 - 1975, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.369,370,371,381.
(4) Học gì từ chính sách kinh tế của Việt Nam Cộng hòa, BBC tiếng Việt, ngày 25-4-2015.
(5) Minh Ngọc: 30 năm đổi mới - Động lực cho phát triển nhanh, bền vững, Báo điện tử Chính phủ, ngày 19-8-2014. 

3 nhận xét:

  1. Hãy đồng hành cùng dân tộc và đất nước để xây dựng nên một nước Việt Nam giàu mạnh. Các bạn đừng mong những biến động chính trị có thể khiến đất nước phát triển đi lên. Hãy thẳng thắn nhìn sang các nước đang bị bất ổn chính trị hoành hành. Gần nhất là Thái Lan, xa hơn là các nước khu vực bắc Phi, Trung Đông, Ukraina,... Có đất nước nào phát triển được như trước nữa đâu. Chỉ có chiến tranh, biểu tình chính trị,... Đất nước không thể phát triển được.

    Trả lờiXóa
  2. Thế nhưng, đáng tiếc là vẫn còn những kẻ ích kỷ, vẫn chưa nguôi lòng thù hận, những kẻ cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, cố tình chia rẽ dân tộc hòng tư lợi; vẫn còn những người có thể có mất mát trong chiến tranh nên thiếu tỉnh táo, giữ cái nhìn định kiến, thiếu khách quan; còn một số bạn trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử mà dễ bị lôi kéo. Họ chưa nhận thấy hoặc cố tình phớt lờ một thực tế rõ ràng rằng đất nước ta đang trên đường phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dường như họ muốn ngăn cản đất nước Việt Nam tập hợp được nguồn sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để phát triển.

    Trả lờiXóa
  3. "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Đây cũng trở thành tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, hòa thành máu thịt của mọi người con Việt Nam yêu nước. Thực tế ấy, chân lý ấy là những giá trị vĩnh hằng đã được lịch sử ghi nhận, bất kỳ một thế lực nào cũng không thể chà đạp và xuyên tạc.

    Trả lờiXóa