QĐND - Mới đây, tại phiên đối thoại do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức, Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa, bà Pha-ri-đa Sa-hít (Farida Shaheed) đã ghi nhận những kết quả nổi bật của nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những lý giải dưới đây minh chứng lời nhận định trên là có cơ sở.
Người dân có điều kiện hưởng thụ các giá trị văn hóa
Cùng với việc quan tâm chú trọng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Đặc biệt, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998), đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những bước tiến bộ vượt bậc.
Nếu như thời kỳ bao cấp, do kinh tế khó khăn, người dân chủ yếu phải lo kế sinh nhai, ít có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thì những năm gần đây, nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá, nên nhân dân ta ngày càng có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong chính sách phát triển, đi đôi với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, các địa phương luôn dành một khoản ngân sách để xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, sân vận động, nhà luyện tập thể thao, khu vui chơi giải trí… nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đến nay, cả nước có hơn 5000 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao; gần 55.000 thôn, bản có nhà văn hóa-thể thao; hơn 36.200 sân vận động và sân bóng đá do cấp xã quản lý; 38.400 câu lạc bộ thể dục thể thao ở cơ sở; 6.900 khu vui chơi trẻ em; 17.316 thư viện công cộng, phòng đọc sách và tủ sách (trong đó có 3.332 thư viện xã, phường, thị trấn; 13.107 phòng đọc thôn, bản và 61 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng); 98% số xã đã có điểm bưu điện-văn hóa. Đến cuối năm 2014, diện tích phủ sóng phát thanh đạt hơn 95% lãnh thổ và diện tích phủ sóng truyền hình đạt hơn 98% diện tích lãnh thổ; gần 92% số xã trong cả nước có Báo Nhân Dân đến trong ngày.
Hội Lim - một trong những lễ hội được bảo tồn hiệu quả và ngày càng phát huy được giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh minh họa/Hoàng Hà. |
Không chỉ người dân ở khu vực đô thị, đồng bằng có điều kiện hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển văn hóa. Theo ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở địa bàn miền núi, biên giới, Nhà nước ta đã có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số có số lượng ít người. Tính đến năm 2013, có 54 lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo tồn; 23 bản, buôn, làng truyền thống tiêu biểu được bảo tồn, với số tiền hỗ trợ khoảng 1,8 tỷ đồng/bản. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp miễn phí 25 loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2012 đến nay, đã có 69 huyện nghèo, hàng trăm xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản đặc biệt khó khăn và các chùa Khơ-me được cấp hàng vạn tờ báo, tạp chí có nội dung thiết thực liên quan đến các dân tộc thiểu số. Chính sách nhân văn này được đồng bào đón nhận nồng nhiệt, vì đã góp phần nâng cao nhận thức và đời sống văn hóa tinh thần cho bà con.
Cơ sở pháp lý rõ ràng, chính sách nhất quán
Bảo đảm quyền văn hóa ở Việt Nam được thể hiện quan trọng nhất là ở khía cạnh chính trị và pháp lý. Trong thời kỳ mở cửa hội nhập, Đảng ta luôn quan tâm đến bảo đảm quyền văn hóa của người dân, đó là đổi mới đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa. Một trong những dấu mốc thể hiện rõ điều đó là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Những quan điểm, chủ trương mới từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tiếp tục được Đảng ta phát triển trong nhiều văn kiện sau này. Cùng với đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân có đời sống văn hóa ngày càng tốt hơn, lần đầu tiên, Hiến pháp 2013 của nước ta đã hiến định về quyền văn hóa là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, đó là: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41). Thông qua hiến định điều này, Nhà nước ta khẳng định: Con người không chỉ có nhu cầu cơm ăn nước uống và các nhu cầu thiết thân khác, mà còn có quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa do dân tộc và nhân loại sáng tạo ra trong lịch sử. Mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… đều có thể và có quyền tham gia tất cả các hoạt động văn hóa theo khả năng, sở thích, nhu cầu, sở trường của mình. Các cơ sở văn hóa, các thiết chế văn hóa mà Nhà nước, xã hội và cộng đồng xây dựng như: Khu vui chơi giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm internet công cộng… là tài sản chung nên mọi người đều có quyền sử dụng để đáp ứng, phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của mình.
Không chỉ hiến định trong Hiến pháp, trước đó, tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2015. Một trong những mục tiêu cao nhất mà chương trình đặt ra là: “Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Xóa các điểm trắng về văn hóa, xây dựng những điểm sáng về văn hóa trên các mặt, trên các lĩnh vực của đời sống tinh thần”. Tổng kinh phí thực hiện chương trình này là 7.399 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và địa phương là 5.347 tỷ đồng.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn và phải dành nguồn lực, kinh phí ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội thì việc mỗi năm, Nhà nước và các địa phương chi 1.136 tỷ đồng cho phát triển văn hóa, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Đáng nói hơn, trong tổng số 6 dự án lớn liên quan đến phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 2 dự án dành riêng cho khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là dự án “Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” và dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”. Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên cho người dân”, ngành văn hóa và chính quyền các cấp trong cả nước đang phấn đấu đến hết năm 2015 tiếp tục xây dựng, hoàn thành 500 nhà văn hóa, sân tập thể thao cấp xã và 3000 nhà văn hóa, sân tập thể thao cấp thôn đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xây dựng và đưa vào sử dụng 30 trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện tại các vùng, miền, các địa phương, vùng sâu, vùng xa...
Có thể khẳng định rằng, từ chủ trương nhất quán, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ta, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa… không ngừng được cải thiện. Điều đó thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, giữa bảo đảm đời sống vật chất và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú của nhân dân. Đó cũng là thể hiện “cam kết chính trị” của Đảng, Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm “quyền văn hóa” cho người dân ngày càng tiến bộ hơn.
PHÚC NỘI
PHÚC NỘI
Có thể khẳng định rằng, từ chủ trương nhất quán, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ta, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa… không ngừng được cải thiện. Điều đó thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, giữa bảo đảm đời sống vật chất và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú của nhân dân. Đó cũng là thể hiện “cam kết chính trị” của Đảng, Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm “quyền văn hóa” cho người dân ngày càng tiến bộ hơn.
Trả lờiXóaBáo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa, bà Pha-ri-đa Sa-hít (Farida Shaheed) đã ghi nhận những kết quả nổi bật của nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là việc mở rộng tiếp cận của người dân với giáo dục và văn hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trả lờiXóaĐây là tín hiệu tốt, đáng mừng, chứng tỏ những nỗ lực đã được quốc tế ghi nhận của Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa
Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc mang lại cho nhân dân những thành quả từ những chính sách phát triển văn hóa đã và đang ngày một nhiều hơn. Hi vọng rằng trong tương lai, những kết quả đó sẽ ngày một to lớn hơn
Trả lờiXóa