Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi

QĐND - Từ ngày 7 đến 10-4-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được báo chí trong nước và thế giới đánh giá cao. Đặc biệt, các báo lớn và có uy tín của Trung Quốc, Nga, Đức... đều đưa đậm nét kết quả hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc; đồng thời khẳng định: Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hết sức tốt đẹp, thể hiện rõ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc. Kết quả chuyến thăm là tiền đề, là nền tảng quan trọng cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc; đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và thế giới...
 Ảnh minh họa/ Ảnh TTXVN
Tuy vậy, cũng trong thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ở thăm Trung Quốc, trên một số trang mạng nước ngoài liên tục xuất hiện các bài viết của một số cá nhân đề cập đến những vấn đề xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Quả thật, nếu đọc kỹ thì nội dung những bài viết trên chẳng có điều gì quá mới và hơn nữa đều là những suy đoán mang tính cá nhân với cách nhìn thiển cận, mang nặng tư tưởng hằn thù của một số người mà bấy lâu vẫn tự cho mình là “những người yêu nước”.
Trong nhiều bài viết được đề cập trên các trang mạng, họ đều “cố gắng” suy diễn, viện dẫn một vài hiện tượng xã hội đơn lẻ, một vài chi tiết được mô tả trong một số tác phẩm văn học hòng để người đọc nhận thấy những nhận định của mình đều có “tính lịch sử”, “tính thực tiễn” và được “nghiên cứu kỹ lưỡng”. Đặc biệt, thông qua một vài dẫn chứng nhỏ lẻ, đơn điệu ấy, họ khẳng định rằng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là “vội vã”, là “bất ngờ” không chỉ với thế giới mà ngay đối với người dân Việt Nam. Nguy hiểm hơn, những dẫn chứng được các bài viết này nêu ra không phải mục đích nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc, mà lại tập trung hạ thấp vị thế của Việt Nam đối với thế giới và khu vực; kích động, chia rẽ sự đoàn kết hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Chỉ xin đề cập một cách khái quát như trên cũng đủ để mỗi người dân yêu nước chân chính thấy rõ tâm địa của những người vẫn thường mệnh danh “những người yêu nước” khi cao giọng phát biểu, hoặc thể hiện chính kiến của mình trong từng bài viết. Thực chất, với cách phân tích, lập luận trong những bài viết đó, mục tiêu xuyên suốt mà họ cần hướng tới chính là hạ thấp vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động, chia rẽ sự tin cậy và hiểu biết trong các quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là giữa Việt Nam-Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này không chỉ khẳng định rõ hơn quan điểm đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Trong các buổi hội đàm, hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều diễn ra trong không khí hữu nghị với độ tin cậy cao và đạt được những kết quả rất quan trọng. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã dân chủ, thẳng thắn thảo luận và đi đến thống nhất nhiều vấn đề mà từ trước tới nay dư luận thường cho là “nhạy cảm”, là những điểm “khó gỡ” trong quan hệ hai nước, nhất là vấn đề Biển Đông. Kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại và quan hệ quốc tế.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nêu rõ: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Kế thừa và kiên định quan điểm về công tác đối ngoại nêu trên, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng hiện đang được gửi xin ý kiến đóng góp rộng rãi của đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân cũng nêu rõ: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng khẳng định: Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ, hợp tác đi vào chiều sâu. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước. Tiếp tục hoàn thành vấn đề phân định biên giới trên bộ, thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực. Chú trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng vững mạnh. Mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân…
Từ những vấn đề có tính nguyên tắc và nhất quán nêu trên đủ để khẳng định chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này không nhằm mục đích nào khác là tăng cường sự hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời là cơ hội tốt để lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thảo luận và thống nhất phương thức giải quyết những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất chung bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc của mỗi nước, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hết sức rõ ràng, đúng với quan điểm, chủ trương về công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ trong nước mà ở phạm vi quốc tế, vậy mà vẫn chưa đủ giúp những người tự xưng là “yêu nước” hiểu rõ để có được nhận thức đúng đắn. Với những phát ngôn mang nặng tính suy diễn, thể hiện quan điểm nhận thức lệch lạc, một số bài viết được đăng tải trên mạng những ngày qua không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc, mà còn làm phương hại đến các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, một số bài viết còn trắng trợn đặt ra câu hỏi: Việt Nam liệu có độc lập, tự do?
Trong suốt nhiều tháng qua, cả dân tộc Việt Nam đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động thi đua, thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chẳng lẽ vẫn chưa đủ bằng chứng để trả lời cho câu hỏi nêu trên? Những đánh giá hết sức khách quan, chân tình của bạn bè thế giới và lực lượng tiến bộ xã hội về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong suốt 40 năm qua, nhất là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chưa đủ để khẳng định giá trị độc lập, tự do của dân tộc? Xin nêu một nhận định đã mang tính phổ biến của bạn bè thế giới mỗi khi nhắc đến Việt Nam trong những năm gần đây: Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nếu một quốc gia chưa độc lập, vì sao lại có thể trở thành điểm đến an toàn của bạn bè trên thế giới? Đặc biệt, trả lời phỏng vấn báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nga D.Medvedev khẳng định: “Tôi chăm chú dõi theo những thành quả của các bạn và phải nói rằng những thành quả đó rất ấn tượng. Thật sự ấn tượng! Có thể thấy rõ công nghiệp, nông nghiệp phát triển như thế nào, đời sống thường nhật thay đổi, người dân sống ra sao…”.
Còn rất nhiều dẫn chứng cụ thể, sinh động từ thực tiễn đời sống của nhân dân; từ sự đánh giá của bạn bè quốc tế về vị thế của Việt Nam, về tính đúng đắn trong thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, bình đẳng, cùng có lợi mà chúng tôi không thể liệt kê hết trong bài viết này, nhưng chỉ một vài gợi mở nêu trên cũng đủ căn cứ bác bỏ những nhận địch chủ quan, cá nhân mang nặng tính hận thù của những người tự xưng là “yêu nước”, cũng như những nhận thức, quan điểm lệch lạc, không phù hợp với xu thế chung của thời đại. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, mở rộng quan hệ đối ngoại không chỉ mang tính tất yếu khách quan của thời đại, mà còn là nhu cầu chính đáng của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới.
VÂN KHÁNH

3 nhận xét:

  1. Theo tôi, những chuyến thăm ngoại giao cấp cao với Trung Quốc hiện nay hoàn toàn tương tự với các chuyến thăm ngoại giao cấp cao với Mỹ. Tôi thấy đây là chính sách ngoại giao rất hay và khôn khéo của nước ta, vừa tranh thủ hợp tác cùng có lợi với cả Mỹ và Trung Quốc, vừa khiến Mỹ và Trung Quốc phải dè chừng không thể mạnh tay chèn ép nước ta theo hướng có lợi cho họ.
    Việt Nam là một nước nhỏ, lại ở cạnh Trung Quốc nên chính sách ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn ổn định chính trị, từ đó tạo sự yên tâm cho nhân dân cả nước phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Đây chính là nghệ thuật ngoại giao của chúng ta

    Trả lờiXóa
  2. Tôi ủng hộ đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình hiện nay. Tranh thủ hợp tác nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với những âm mưu cướp lãnh thổ của Trung Quốc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế là con đường ngoại giao đúng đắn mà chúng ta cần tiếp tục thực hiện

    Trả lờiXóa
  3. Kế thừa và kiên định quan điểm về công tác đối ngoại nêu trên, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng hiện đang được gửi xin ý kiến đóng góp rộng rãi của đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân cũng nêu rõ: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
    Đây là đường lối ngoại giao đúng đắn mà ta cần tiếp tục thực thi trong bối cảnh hiện nay

    Trả lờiXóa