Góp ý hay chống phá?

QĐND - Một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đang được toàn Đảng, toàn dân ta hưởng ứng sôi nổi với ý thức trách nhiệm cao. Lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là công việc rất hệ trọng. Bởi vậy, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 27-2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chỉ rõ: Việc lấy ý kiến người dân phải “vừa sâu, vừa rộng...”. Đi kèm với đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự “đề kháng”, năng lực phản bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy là vì hiện nay đang có một số phần tử cơ hội chính trị, được các thế lực thù địch phản động tiếp sức đang lợi dụng công việc quan trọng này để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những quan điểm sai trái, những luận điệu phản động được họ soạn thảo thành những tài liệu xấu mạo danh, nặc danh, thậm chí họ còn soạn ra hẳn một dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khác với Bản dự thảo Hiến pháp duy nhất do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội công bố tổ chức lấy ý kiến nhân dân… phát tán trên internet nhằm kích động, lôi kéo người dân; lợi dụng việc đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước. Nội dung mà họ tập trung là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (đòi bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp); “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, họ cho rằng: “lực lượng vũ trang phải trung lập”; lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam hay với bất kỳ tổ chức nào…
Đó là những luận điểm hết sức sai trái và không thể chấp nhận. Thực tế đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng với việc quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân nghiên cứu; thể hiện rõ quan điểm, thái độ, ý kiến đồng tình hay không đồng tình của mình đối với từng điều khoản trong dự thảo, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin, định hướng để người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của công việc hệ trọng này, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, đấu tranh kịp thời với mọi tư tưởng, quan điểm sai trái, không vì mục đích xây dựng đại cục mà theo đuổi động cơ, mục đích cá nhân để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong việc tổng hợp và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân, các cơ quan chức năng cần có sự nhìn nhận, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để thực hiện các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

KIM THANH

1 nhận xét:

  1. Một đợt sinh hoạt chính trị lớn đó là lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều mà mọi người dân đều mong muốn thực hiện vì đây là quyền lợi chính đáng và thể hiện trách nhiệm đóng góp, xây dựng đất nước của chính mình, là sự dân chủ một cách rõ ràng nhất. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời cơ mà nhiều thế lực phản động cũng đang mong chờ, để chúng có thể dễ dàng đưa những ý tưởng phá hoại đất nước một cách có chủ đích ra cho mọi người một cách công khai mà không cần phải lén lút.
    Dưới nhiều chiêu bài và hình thức, chúng ra vẻ những góp ý này là vô tư và là vì sự phát triển của đất nước, nhưng thực sự thì mục đích xâu xa của chúng là tiêm nhiễm những suy nghĩ sai lệch vào một số bộ phận có tư tưởng chính trị yếu kém, làm lung lay niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Chúng ta cần hết sức cảnh giác với những luận điệu này

    Trả lờiXóa