Họ nhắc lại luận điệu rằng, thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là “không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; rằng, một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến “độc tài, toàn trị”, rồi họ tiếp tục yêu sách chúng ta phải đổi mới chính trị triệt để, tức là phải thay đổi thể chế chính trị, phải chuyển “sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”. Bổ sung cho mệnh đề đó, họ cao giọng nhắc nhở Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải “xoay trục về với nhân dân, với dân tộc”.
Cần nhận nhức rõ rằng, không phải cho đến hôm nay vấn đề nêu trên mới được các thế lực thù địch đặt ra. Xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta là âm mưu cơ bản lâu dài mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện từ nhiều năm nay đối với Việt Nam.
Ngay từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới, họ đã lớn tiếng kêu gọi chúng ta phải đổi mới “triệt để”, tức là phải đổi mới theo hướng tư bản chủ nghĩa, có như thế thì mới khắc phục được tình trạng mà họ gọi là “đầu Ngô, mình Sở” giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa!
Khi sự nghiệp đổi mới đất nước thực hiện sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng, họ lại khuyên nhủ chúng ta phải đổi mới “triệt để hơn nữa”, phải nhanh chóng và triệt để chuyển sang thể chế chính trị tư sản, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Họ triệt để lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi pháp luật, lợi dụng cả việc Đảng ta đấu tranh chống tham nhũng và một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Họ còn đưa ra những thông tin vu cáo, hạ uy tín nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao hòng gây mất niềm tin trong nhân dân,
làm cho dân xa Đảng, mất đoàn kết nội bộ, kích động tâm lý xã hội. Có những cuốn sách, tờ báo, tờ rơi, “tâm thư”, “giác thư”, "thư ngỏ", “tuyên cáo”,... công khai nói rõ điều đó, với dụng ý hết sức xấu xa.
Rõ ràng, kịch bản hòng thay đổi thể chế chính trị nước ta được các thế lực thù địch thực hiện một cách rất bài bản, với những chiêu thức tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai, trắng trợn lại vừa ngụy trang che giấu kín đáo, thậm chí còn núp dưới cái vỏ bọc “vì dân, vì nước”, làm cho một số người nhẹ dạ cả tin dễ lầm tưởng, mất cảnh giác, không thấy được âm mưu thực sự của chúng. 
Ngón đòn gắn việc thay đổi thể chế chính trị với việc đòi hỏi Đảng phải “quay lại” về với nhân dân và dân tộc là rất khéo léo, tinh vi. Ngón đòn này thật sự nguy hiểm. Nó làm cho một số người trong chúng ta dễ lầm tưởng rằng, các thế lực thù địch hình như không đặt vấn đề xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng mà chỉ đơn giản là yêu cầu Đảng phải gắn bó hơn với nhân dân, với dân tộc.
Song, âm mưu thâm độc đó đã bị nhân dân ta lật tẩy. Mọi người Việt Nam đều biết, vai trò lịch sử của Đảng đối với vận mệnh và tương lai của dân tộc là tất yếu khách quan, do chính lịch sử dân tộc Việt Nam quy định và do chính bản chất cách mạng và tính tiền phong của Đảng mới có được.
Vai trò đó đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử Việt Nam suốt hơn tám thập kỷ qua không chỉ trên phương diện giữ nước, mà còn cả trên phương diện dựng nước, không ai có thể bác bỏ và phủ nhận.
Vấn đề căn bản “then chốt" của chế độ dân chủ nước ta hiện nay không phải là từ bỏ quyền duy nhất lãnh đạo của Đảng, mà là phải khẳng định, củng cố và tăng cường hơn nữa quyền duy nhất lãnh đạo ấy trong thực tiễn. Không thể vì những hạn chế, khuyết điểm nào đó mà nói bừa rằng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân không còn nữa; rằng Đảng đã thay đổi bản chất, không còn là của nhân dân, của dân tộc, để rồi kích động, hô hào nhân dân chống đối lại Đảng và chế độ!
Trong tình hình hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng ta cần nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng trong thực tiễn đổi mới đất nước và xây dựng Đảng được thể hiện tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI. Đó là “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”. (1)

(1) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo Nhân dân số ra ngày 13/1/2015, tr. 3.
Huy Hoàng