Ai vô ơn, bạc nghĩa?

QĐND - Không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Tết Độc lập đang lan tỏa đến mọi vùng, miền của Tổ quốc. Tại các căn cứ địa cách mạng, các vùng đất chiến khu xưa, niềm vui lại được nhân thêm bởi các hoạt động về nguồn, tình nghĩa… thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ấy vậy mà trên một số trang mạng xã hội lại có những thông tin lệch lạc cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã vô ơn bạc nghĩa...
Từ Thủ đô của Khu Giải phóng…
Chúng tôi có mặt tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) vào đúng ngày 70 năm trước tại đây đã diễn ra sự kiện lịch sử: Quốc dân Đại hội Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước. Với “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, lịch sử đã chọn Tân Trào làm Thủ đô của khu giải phóng. Từ đây, lệnh Tổng khởi nghĩa đã được phát đi toàn quốc để đấu tranh giành lại chính quyền.
Cụ Nông Thị Mơ, 91 tuổi, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào là một trong những người đã tham gia phục vụ cơm, nước cho cán bộ trong những ngày diễn ra Đại hội tại Tân Trào nay mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng cụ Mơ vẫn nhớ như in không khí của những ngày lịch sử năm ấy. Cụ rất vui khi thấy quê hương mình đổi thay nhanh chóng trong những năm gần đây. Cụ kể với chúng tôi rằng, trước đây quê hương của cụ nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc. Vậy mà giờ đây, cả xã chẳng còn hộ nào thiếu ăn, nhà nào cũng có ti vi. “Cán bộ chúng nó hay đến thăm mẹ lắm”, cụ phấn khởi nói với chúng tôi như vậy. 
Đồng chí Trần Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Tân Trào là 1 trong 3 xã đại diện cho 3 miền trong cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng sự giúp đỡ của cấp trên và nội lực của nhân dân, xã đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014, trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được nhận danh hiệu “Nông thôn mới”. 
Trong chuyến công tác tại khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Trần Văn Vần, dân tộc Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Gia đình anh Vần vừa xây dựng xong ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái, với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng, trong đó Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. Anh Vần phấn khởi cho biết, trong thôn của anh cũng có nhiều hộ gia đình dân tộc Tày khác được hỗ trợ để bảo tồn nhà sàn, giúp các hộ dân vừa để ở vừa kết hợp phát triển du lịch. “Chúng tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”, anh Vần liên tục nói như vậy với chúng tôi. 
Chúng tôi cũng đến thăm gia đình anh Phùng Văn Minh, thôn Mỏ Ché, xã Tân Trào. Anh Minh cho biết, cách đây hơn 2 năm, gia đình anh được Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình anh yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ảnh minh họa.
Đến sự đổi thay của các vùng quê cách mạng
Không chỉ có Tân Trào mà tất cả những vùng quê cách mạng khác trong cả nước đều có sự đổi thay nhanh chóng trong mấy năm gần đây. 
Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, một quyết sách lớn và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương này được hình thành ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ngày càng được hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển. Chủ trương đó không những đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà còn phù hợp với xu hướng chung của thời đại, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra. Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến các vùng quê cách mạng, vùng đất chiến khu xưa. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng này liên tục được giảm theo hằng năm và giảm nhanh hơn so với mức bình quân của cả nước. 
Chỉ tính riêng tại tỉnh Tuyên Quang, để giúp đồng bào ở 19 xã vùng căn cứ cách mạng (ATK) ở 3 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa cải thiện đời sống, tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện Dự án điều chỉnh, bổ sung định hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng, với tổng vốn đầu tư gần 506 tỷ đồng. Dự án tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, đưa điện lưới đến tất cả các thôn, bản thuộc các xã vùng căn cứ cách mạng; đầu tư phát triển du lịch vùng căn cứ cách mạng; đầu tư xây dựng Trường THPT Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Trường THPT ATK Tân Trào, huyện Sơn Dương đạt chuẩn Quốc gia; xây dựng hoàn thiện bệnh viện đa khoa khu vực Tân Trào, huyện Sơn Dương; bệnh viện đa khoa khu vực ATK (xã Trung Yên, huyện Yên Sơn), trạm y tế các xã khu vực ATK; đầu tư xây dựng các trạm truyền thanh, trạm phát lại truyền hình cho các xã chưa phủ sóng phát thanh, truyền hình; xây dựng và thực hiện Đề án giảm nghèo cho từng vùng… 
Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào ở các vùng căn cứ địa cách mạng hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng. Hiện có khoảng 94 chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được thể chế qua 3 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ và 90 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ “cho không” chuyển sang cho vay…
Uống nước phải nhớ tới nguồn
Đó là đạo lý của dân tộc Việt Nam và cũng là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Để có nước nhà độc lập, nhân dân ta được tự do như hôm nay, chúng ta không bao giờ quên công lao của các thế hệ cha ông thuở trước, cũng không thể quên được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và các vùng đất đã nuôi dưỡng, che chở các cơ sở cách mạng, các cán bộ cách mạng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, do những hạn chế về vị trí địa lý, vùng căn cứ cách mạng thường ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nên tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, nhiều nơi đời sống nhân dân vẫn còn nghèo khó so với mặt bằng chung của vùng đồng bằng, đô thị. Một số chính sách đối với đồng bào vùng căn cứ cách mạng còn thiếu đồng bộ. Hiệu quả và tác động của chính sách còn chưa đạt yêu cầu. Việc phân công quản lý, chỉ đạo, điều hành một số chính sách còn chồng chéo...
Nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế đối với chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng nói riêng và chính sách giảm nghèo nói chung, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đồng bộ hóa tổ chức quản lý, gắn Chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; thể chế hóa quy trình lập và triển khai kế hoạch đầu tư cấp xã có sự tham gia của người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính chung để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho việc lồng ghép nguồn lực được thuận lợi và nghiên cứu, đề xuất tăng định mức xây dựng chính sách nói chung và chính sách giảm nghèo nói riêng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng chính sách. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm đồng bộ hóa, tập trung nguồn lực, theo hướng: Phân nhóm, gồm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế; thực hiện chính sách dựa vào cộng đồng, gắn sản xuất với thị trường nhằm tăng cường giám sát nội bộ, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo bền vững; giao nhiệm vụ cho bộ, ngành đúng đắn, bảo đảm không trùng lặp về nội dung và địa bàn.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2015, các thành viên Chính phủ đã nhất trí với báo cáo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Chương trình 135 (chương trình xóa đói giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng) giai đoạn 2016-2020. Chương trình này ngoài hai hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất như hiện nay, sẽ bổ sung thêm hợp phần hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và giao cho Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo. Chủ trương tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 sẽ là một tin vui lớn với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại vùng nghèo nhất cả nước.
Thực tế việc quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những vùng căn cứ cách mạng đã quá rõ ràng, thể hiện qua những chính sách, những việc làm, những công trình cụ thể. Vậy mà vẫn có người do không hiểu thực tế hoặc cố tình không hiểu đã đưa các thông tin sai lệch về chủ trương này của chúng ta, chính họ mới là người “vô ơn bạc nghĩa” với Tổ quốc, với non sông gấm vóc và các thế hệ người Việt đi trước.
ĐỖ PHÚ THỌ

2 nhận xét:

  1. Không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Tết Độc lập đang lan tỏa đến mọi vùng, miền của Tổ quốc. Tại các căn cứ địa cách mạng, các vùng đất chiến khu xưa, niềm vui lại được nhân thêm bởi các hoạt động về nguồn, tình nghĩa… thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ấy vậy mà trên một số trang mạng xã hội lại có những thông tin lệch lạc cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã vô ơn bạc nghĩa...
    Thật là những kẻ không biết xấu hổ khi tung ra những luận điệu như vậy. Chủ trương đền ơn đáp nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn là truyền thống quý báu đã được Đảng và Nhà nước ta gìn giữ và phát huy bao năm qua. Nhân dân ta luôn hiểu rõ điều đó

    Trả lờiXóa
  2. Sự hi sinh to lớn và vĩ đại của bao thế hệ cha ông ta đã được toàn thể nhân dân qua bao thế hệ đời đời ghi nhớ. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là nhất quán: đó là sự tri ân và đền đáp công lao của biết bao thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng,... thông qua rất nhiều chủ trương, chính sách hợp tình, hợp lý, khiến nhân dân ta đều rất đồng tình

    Trả lờiXóa