Bảo vệ thành quả cách mạng 30-4 là cuộc đấu tranh chính nghĩa, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Trong môi trường hội nhập quốc tế, cần đặc biệt coi trọng củng cố sức mạnh truyền thống từ mỗi gia đình, dòng họ, nơi khởi phát, hội tụ và tiếp biến những khuynh hướng văn hóa, tư tưởng thời đại, với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi dòng họ là một trận địa…
I - Nghịch lý “chim khách và quạ”
Dân gian có câu chuyện ngụ ngôn rất hay về hai loài chim tượng trưng cho hai cảnh giới khác nhau. Chim khách đến đậu trước sân nhà nọ hót véo von, chủ nhà vui mừng chào đón, đem thóc gạo ra đãi. Quạ thấy thế cũng bắt chước, bay đến đậu ở nhà bên cạnh, vươn cổ kêu “quạ… quạ…”, lập tức bị chủ cầm gạch, đá ném cho suýt mất mạng.
Gặp chim khách, quạ hỏi:
- Tôi làm giống như anh, sao lại chịu kết cục thế này?
Chim khách từ tốn đáp:
- Tiếng hót của tôi đem điềm lành, niềm vui đến cho con người. Còn anh thì sặc mùi chết chóc, ám khí, xui xẻo. Anh không bị người ta giết chết đã là may mắn!
Câu chuyện đơn giản mà ngụ ý sâu xa. Ngẫm để thấy, trong thế giới hiện đại, mọi hành động của tổ chức, cá nhân, rộng hơn là cả quốc gia, dân tộc đều được thực tiễn lịch sử nhận diện khách quan, công bằng. 45 năm qua, vào dịp tháng Tư lịch sử, nhất là những năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, mẹ Tổ quốc lại mở rộng vòng tay đón mừng những đứa con khắp nơi trở về sum họp “Ngày hội non sông”. Đường lối hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân chung tay kiến thiết, xây dựng đất nước đã được Đảng ta thực hiện ngay sau ngày Nam Bắc liền một dải. Từ đó đến nay, Đảng và nhân dân ta luôn luôn coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Càng ngày, những chủ trương, chính sách của Đảng và các hình thức hợp tác, kết nối của các cấp, các ngành, các địa phương càng tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để kiều bào gắn kết với quê hương. Hàng triệu kiều bào yêu nước luôn sát cánh bên Đảng và đồng bào, chiến sĩ trong nước, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện có hơn 4,5 triệu kiều bào sinh sống và làm việc tại 110 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng cao hằng năm. Năm 2016, kiều hối đạt gần 11,9 tỷ USD, đến năm 2019 đã lên đến 16,7 tỷ USD. Liên tục 3 năm qua, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Bảo vệ thành quả vĩ đại 30-4 từ trận địa gia đình, dòng họ
Nhân dân Sài Gòn tập trung tại cổng Dinh Độc Lập đón bộ đội vào giải phóng thành phố. Ảnh tư liệu/theo hanoimoi.com.vn.
Dẫn một vài số liệu như vậy để thấy, đại đoàn kết là xu thế tất yếu, thúc đẩy phát triển đất nước trong môi trường hội nhập. Đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu trở thành một “phép thử” của thời đại. Càng hoạn nạn, khó khăn, thực tiễn càng chứng minh, Đảng và nhân dân Việt Nam là một khối đoàn kết không thể tách rời. Tính ưu việt của một chế độ xã hội không phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế, sức mạnh quân sự, tốc độ phát triển của văn minh công nghiệp…, mà phụ thuộc vào chủ trương, vị thế, uy tín của Đảng cầm quyền. Trở thành quốc gia được chọn là hình mẫu của thế giới về hiệu quả phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng minh cho thế giới thấy rõ tính ưu việt, bản chất nhân văn của chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mọi đường lối, chủ trương, sách lược, giải pháp lãnh đạo đều hướng đến chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, kiều bào. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác.
Hướng về kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2020), dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song qua truyền thông và mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đã hướng về quê hương bằng những chương trình hành động thiết thực. Bạn bè quốc tế cũng dành sự ngưỡng mộ, tình cảm tốt đẹp nhất cho Đảng, Chính phủ, quân và dân Việt Nam. Đó là những thanh âm, sắc màu thể hiện cảnh giới của giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, góp phần nâng cao niềm tin, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Đáng tiếc là trong bản hùng ca đại đoàn kết, đâu đó vẫn có những tiếng gào lạc phách, lạc nhịp. Một số tổ chức dạng hội, nhóm người Việt Nam ở nước ngoài lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại”. Họ tận dụng truyền thông hải ngoại và mạng xã hội, thực hiện các hoạt động kích động hận thù với những cái gọi là “Ngày quốc hận”, “Tháng tư đen”, “Hội luận về 30-4”, “Chuyển lửa đấu tranh về quốc nội” v.v.. Nội dung của những hoạt động này vẫn chỉ xoay quanh các luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc về Chiến thắng 30-4 của cách mạng Việt Nam. Bằng các hình thức trao đổi, phỏng vấn, hội đàm, hội luận… họ lợi dụng danh nghĩa “nhà nghiên cứu”, “giáo sư”, “tiến sĩ”, “học giả”… ở hải ngoại, kết nối với một số phần tử cơ hội, bất mãn trong nước để tiếp tục rêu rao phủ nhận, xuyên tạc sự thật lịch sử, cho rằng chiến thắng 30-4-1975 thực chất là cuộc “nội chiến”, là “huynh đệ tương tàn”, rằng đất nước hiện thời đang “lâm nguy” ...
Dư luận kiều bào yêu nước rất bất bình trước việc một bộ phận người Việt Nam tại bắc California (Hoa Kỳ) tổ chức cái gọi là “Ủy ban hành động chống cộng sản” công khai thực hiện các hoạt động xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam. Họ nêu khẩu hiệu “Quyền và lực của chúng ta: Lá phiếu, kiến nghị, biểu dương, biểu tình”, kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện phương châm “Đơn giản, khả tín, khắp nơi, đồng bộ”, thực hiện “4 không” (không hòa hợp, hòa giải với Cộng sản Việt Nam; không du lịch Việt Nam; không gửi tiền, quà về Việt Nam; không mua thực phẩm, hàng hóa từ Việt Nam). Dù họ cố tình lên gân kiểu "đao to búa lớn", nhưng cái gọi là “Ủy ban hành động chống cộng sản” thực chất chỉ lèo tèo vài nhóm người. Ngay cả thành phần chủ chốt của tổ chức này, khi đăng đàn tuyên truyền xuyên tạc cũng phải thừa nhận rằng, các hội, đoàn ở đây không tìm được “mẫu số chung” trong hoạt động chống cộng sản. Không tìm được “mẫu số chung” là bởi, đại đa số cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có nhận thức đúng đắn về tính tất yếu của hòa hợp dân tộc theo đường lối của Đảng và nhân dân ta. Câu chuyện của ông Tạ Hoa Kiên, 73 tuổi, Việt kiều quốc tịch Mỹ mắc Covid-19 được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh quan tâm, điều trị miễn phí khỏi bệnh là một ví dụ thời sự. Trở về Mỹ, ông Tạ Hoa Kiên đã trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại ngay tại sân bay. Những phát biểu cảm kích, chân thành của ông về những ngày được các thầy thuốc ở đất mẹ Việt Nam chăm sóc, điều trị, giúp ông “trở về từ cõi chết”, đã giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thấy rõ hơn một góc nhìn cận cảnh về sự quan tâm của Đảng và tình nghĩa của đồng bào dành cho những người con xa xứ.
Những dẫn chứng như vậy có rất nhiều trên truyền thông và mạng xã hội thời phòng, chống dịch Covid-19. Nó như những loài hoa thơm bung nụ khoe sắc lấn át cỏ dại trong vườn hoa xuân. Nhằm đập lại những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ đất nước, kích động hận thù của những phần tử, tổ chức phản động ở hải ngoại, rất nhiều tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài đã thành lập những kênh truyền thông, tận dụng các mạng xã hội thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông phản ánh trung thực, sinh động tình hình trong nước. Thông qua các chuyện mắt thấy tai nghe của những người trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, họ đã mang đến cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài những bức tranh toàn cảnh về đất nước, con người Việt Nam sau 45 năm thống nhất. Đó là hiện thực hiển nhiên, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Với chúng ta, thế hệ có sứ mệnh phải bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vĩ đại 30-4 của cha ông, chúng ta trân quý những tiếng nói, việc làm mang tính xây dựng. Đó như là tiếng hót của chim khách mang điềm lành, niềm vui đến cho gia chủ. Chúng ta quyết không bao giờ dung nạp mưu đồ bẩn thỉu của loài quạ đen tanh hôi…
PHAN TÙNG SƠN
(còn nữa)