24/12/2021 09:56
Thực chất thủ đoạn “bới lông tìm vết”, thêu dệt, đơm đặt, ngụy tạo thông tin để tạo cớ như đã trình bày ở bài viết trước là rất nguy hiểm. Từ đây, một số đối tượng trong xã hội đã lớn tiếng góp ý, phê phán việc sử dụng quân đội vào hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là không cần thiết và lãng phí, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Vậy nên việc tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả trong phòng, chống thiên tai ở các đơn vị quân đội là rất cần thiết.
Không thể phủ nhận vai trò của quân đội trong phòng, chống thiên tai
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều tổ chức ra quân đội với các chức năng khác nhau, nhưng cơ bản, bao trùm vẫn là bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu quân đội các nước nhận thấy, việc tổ chức cho quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là khá phổ biến.
Ví dụ như Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan có chức năng, trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự công cộng và tham gia các chương trình phát triển xã hội bằng cách hỗ trợ chính phủ dân sự; hỗ trợ nạn nhân của các thảm họa quốc gia và kiểm soát ma túy. Hay như Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF) ngoài bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chiến lược còn có trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng, ứng cứu, trợ giúp trong các thảm họa thiên nhiên.
Do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị thiên tai tàn phá nặng nề. Theo thống kê của Cục Tìm kiếm cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), giai đoạn 2004 - 2014, cả nước có tới 35.073 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố, khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, thiên tai đã khiến 356 người chết, mất tích và 876 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 35.181 tỷ đồng.
Quân đội và lực lượng vũ trang đã “lĩnh ấn tiên phong”, trở thành lực lượng đi đầu trong lĩnh vực này. Giai đoạn 2004-2014, quân đội đã huy động 754.370 lượt bộ đội, 1.161.246 lượt dân quân tự vệ; 80.428 lượt phương tiện các loại tham gia phòng, chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả 35.073 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; kêu gọi, hướng dẫn 3.399.606 lượt tàu thuyền tránh, trú bão; sơ tán, di dời 17.332.344 lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu được 33.655 người, 4.088 phương tiện, trong đó có 343 vụ/5.380 người và 494 phương tiện có yếu tố nước ngoài.
Chỉ tính hơn hai tháng cuối năm 2020, quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và 1.672.373 nghìn lao động, 186.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, công trình đang thi công; tổ chức sơ tán 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Bộ đội Quân khu 2 tích cực giúp dân di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt tháng 7-2018. Nguồn: Baophapluat.vn |
Trong lịch sử, sau khi thành lập nước (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các biện pháp cấp thiết củng cố hệ thống đê điều, phòng, chống lũ, lụt. Người xác định: “Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân”(1). Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù chiến tranh khốc liệt, nhưng trước cơn đại hồng thủy lịch sử năm 1971 ở miền Bắc, các cơ quan, đơn vị quân đội đã cử lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả.
Với tầm nhìn chiến lược, trước những thách thức từ an ninh phi truyền thống, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai. Tiếp đó, các văn bản dưới luật về lĩnh vực này được bổ sung, hoàn thiện, trong đó vai trò của quân đội trong lĩnh vực này được khẳng định.
Tại Mục 2 và 3 trong Điều 6 của Luật Phòng, chống thiên tai quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai là dân quân, tự vệ ở địa phương và quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Mục 4, Điều 42 cũng quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: Ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong phòng, chống thiên tai... lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, phân lũ, làm chậm lũ, tìm kiếm cứu nạn...
Vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1041/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Theo quyết định này, Bộ Quốc phòng lập các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đánh giá chung về sự xung kích của quân đội trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tối 19-12-2021, trong chương trình "Nghĩa tình quân dân" - chương trình giao lưu nghệ thuật, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phòng, chống dịch Covid-19 do Quân ủy Trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu: Trong thời bình, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã được dân tin yêu, giúp đỡ huấn luyện, tham gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Những người lính ấy đã sống trong lòng nhân dân, giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn...
Ngày 22-3-2020, khi đến thăm, kiểm tra, làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Quân đội luôn là trụ cột của quốc gia, đất nước, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò nòng cốt, “đứng mũi chịu sào” của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Trong lần thăm Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 vào ngày 19-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, mọi thành công của quân đội đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cũng vậy.
Từ những căn cứ trên có thể khẳng định, việc quân đội làm nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với đặc thù điều kiện Việt Nam và đã góp phần quan trọng để giảm bớt hậu quả thiên tai ngày càng khốc liệt ở Việt Nam.
Các giải pháp nâng cao chất lượng phòng, chống thiên tai ở đơn vị quân đội
Để quân đội thực sự là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai thì vấn đề quan trọng là phải thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp mới để nâng cao chất lượng. Đó cũng là một trong những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tư tưởng đòi “phi chính trị hóa” quân đội.
Tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ngày 31-10-2020. Ảnh: TXVN |
Hiện nay Đảng ta đã xây dựng được quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm nền móng xây dựng quân đội hiện đại, “tinh, gọn, mạnh” trong tương lai như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đây là nền tảng rất thuận lợi cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Để không còn những căn cứ để các đối tượng bới móc, quy chụp, vấn đề quan trọng là cần có các biện pháp để nâng cao chất lượng trong công tác này.
Trước hết, yếu tố quan trọng hàng đầu là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng yếu tố chính trị tinh thần thật vững, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò trách nhiệm của quân đội; kiên quyết chống tư tưởng coi nhẹ, chủ quan trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Đây là nội dung xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trong tình hình hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm to lớn, vinh quang, là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của quân đội ta. Trong giáo dục, tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, sự cố và tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Thực tế cho thấy, trước kia thiên tai, bão lũ thường tập trung vào dịp cuối năm, nhưng hiện nay, bão lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để đạt được mục đích, yêu cầu trong phòng, chống bão lũ, thiên tai cần xác định phương châm “4 tại chỗ”, trong đó yêu cầu trước mắt đặt ra là cần làm tốt công tác phòng, chống ở đơn vị, cơ quan trước; đồng thời tích cực và tận tâm, tận lực giúp đỡ chính quyền, nhân dân phòng, chống có hiệu quả như tinh thần Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quán triệt: “Quân đội làm hết sức mình vì nhân dân, vì Tổ quốc và sự trường tồn của đất nước này”.
Tiếp đó là cần tập trung xây dựng tinh thần kỷ luật nghiêm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đặc biệt là tránh tình trạng lợi dụng việc giúp dân di dời, chằng chống nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để vòi vĩnh hoặc bớt xén, lấy của nhân dân làm của riêng. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động hoàn thiện các phương án phòng, chống, trong đó cần xác định rất rõ vùng bị ảnh hưởng, dân số trong vùng và mức độ thiệt hại để qua đó bố trí lực lượng, phương tiện nhanh chóng cơ động đến ứng cứu kịp thời.
Cần hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy trong phòng, chống thiên tai bão lũ theo phương châm nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Thực tế cho thấy, thiên tai thường đến rất nhanh và bất ngờ nên việc giữ vững mạch thông tin chỉ huy thông suốt trong mọi điều kiện hoàn cảnh là rất quan trọng.
Bởi khi nắm chắc thông tin thì người chỉ huy đơn vị sẽ có phương án tổ chức lực lượng cứu dân, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Bởi trong điều kiện thiên tai xảy ra, các yếu tố bảo đảm như điện dễ bị mất và không có sóng cho điện thoại di động dễ khiến cho hệ thống thông tin chỉ huy bị gián đoạn hoặc đứt gãy.
Đầu tư, mua sắm các trang bị, phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phù hợp với thực tế. Qua thực tiễn cơ sở nhận thấy, hiện nay nhiều đơn vị vẫn tận dụng khí tài, phương tiện cũ vào trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.
Ví dụ, nhiều lữ đoàn ở cấp quân khu được trang bị loại xe chở quân thế hệ cũ, tốn nhiên liệu và cơ động chậm trên các tuyến đường đã được đầu tư làm mới. Nhiều đơn vị đóng quân ở khu vực rừng núi, thường xuyên làm nhiệm vụ chữa cháy rừng nhưng không được trang bị các loại phương tiện, máy thổi hơi loại nhỏ, hoặc các loại bảo hộ chữa cháy... mà phải dùng các dụng cụ thô sơ, khiến cho hiệu quả chữa cháy không cao.
Trong quá trình khảo sát, ban chỉ huy quân sự các huyện ở khu vực thường xuyên có lũ lụt nhận thấy các đơn vị này đã được trang bị xuồng công suất lớn nhưng điều đáng buồn là lại không được trang bị phương tiện ô tô để kéo nó. Thế nên việc cơ động hạ xuồng thực hiện nhiệm vụ là rất khó khăn.
Cùng với đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, bổ sung các phương án, tích cực tổ chức luyện tập theo phương án đã xây dựng, đồng thời tổ chức huấn luyện bồi dưỡng các kỹ năng sử dụng phương tiện tác nghiệp trong vùng bão lũ, trong đó đặc biệt chú ý đến các phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội làm nhiệm vụ.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là quá trình làm việc phân tán, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, rất nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên, càng được tập huấn, bồi dưỡng sâu về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp thoát hiểm, nhất là được luyện tập nâng cao thể lực thường xuyên thì sẽ giúp cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cao hơn rất nhiều...
Quá trình huấn luyện cần tổ chức huấn luyện kỹ từ kiến thức phổ thông, cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong bão, lụt, thảm họa đến huấn luyện công tác bảo hộ, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ... Đối với các lực lượng chuyên trách cần nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện đại, nhất là khi xảy ra tình huống trên biển, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập đổ công trình, chống cháy nổ, cháy rừng tại các địa hình phức tạp...
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần quan tâm và đầu tư là bảo đảm thông tin báo chí tuyên truyền trong thiên tai. Khi thiên tai xảy ra thì dư luận xã hội rất quan tâm đến các thông tin chính xác từ hiện trường. Việc đưa tin nhanh, sâu, đúng, chính xác có tác dụng rất lớn, không chỉ cổ vũ, động viên nhân dân vùng thiên tai mà qua đó còn có tác dụng ngăn ngừa những nguồn tin không chính thống, thiếu chính xác của các thế lực thù địch và đối tượng bất đồng chính kiến trong xã hội chúng ta, ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra.
Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự thương yêu, đùm bọc, hết lòng giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, xứng đáng là “quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”.
Do vậy, việc quân đội giữ vững ngọn cờ tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, “chiến đấu” với loại giặc mới là thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là không để xảy ra các sự cố, các hạn chế yếu kém để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá là yêu cầu hết sức cần thiết và phải được tiến hành thông qua "mệnh lệnh trái tim"!
ĐỨC TÂM
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.457