Thứ tư, 31/08/2022 - 06:33
Đến một huyện tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, lúc đầu tôi có nghe những lời phong thanh rằng, vùng quê này đang đứng trước “thời cơ vàng”.
Tôi thật mừng cho địa phương, để rồi đưa ra những dự đoán vồ vập của mình:
“Địa phương có tiềm năng gì, mới được đánh thức à?"-không; “Nguồn nhân lực của quê ta được nâng cao về chất à?”-không; “Có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án tại địa phương?”-cũng không. Nhiều dự đoán nữa của tôi về “thời cơ vàng” của địa phương đều sai bét. Tôi đang thực sự “hoang mang” về trình độ phán đoán của mình, thì một cán bộ huyện hé lộ, xem chừng cả phấn chấn và khoe khoang: “Quê tôi hiện có nhiều người là cán bộ cấp tỉnh, cấp Trung ương và các bộ, ngành”. Dường như đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây đều viên mãn với điều đó. Nếu họ viên mãn về quê mình có nhiều cán bộ các cấp mà để khích lệ, nhân lên niềm tự hào của người dân, nhất là thế hệ trẻ thì tốt biết mấy. Đằng này mảy may không một cán bộ nào đề cập đến “thời cơ vàng” trong giáo dục truyền thống và niềm tự hào?
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Họ cũng tỏ vẻ ý tứ: “Đầu nhiệm kỳ chưa dám ý kiến với các bác ấy, nhưng 3 năm tới phải xúc tiến ngay, không thì mất thời cơ. Chúng tôi sẽ đề nghị bác cán bộ tỉnh giúp việc này...; bác ở Trung ương giúp công trình kia...”. Từ hé lộ đến cụ thể khiến mạch vui của tôi chuyển hẳn sang mạch buồn mênh mang!
Sao nhiều cán bộ huyện này lại coi đây là “thời cơ vàng” của quê mình nhỉ?
Không biết khi lãnh đạo huyện “xúc tiến” thì "các bác" trên tỉnh, trên Trung ương có nhận lời và hứa gì không? Chúng ta đang phát triển đất nước, xã hội theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh, nên tôi tin là không có bác nào “gật đầu” trước những đề nghị trên. Đó chỉ là thứ “bánh vẽ”, “bánh đặt”... từ quê nhà.
“Thời cơ vàng” rất quý, rất cần với mỗi địa phương, lĩnh vực và cả đất nước. Thời cơ này có thể là chủ quan, khách quan, nhưng quan trọng nhất là các cấp lãnh đạo ở từng địa phương, bộ, ngành cần nhanh nhạy nắm bắt và có những giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện để phát huy, phát lợi cao nhất thời cơ đó-đó mới đúng nghĩa là “thời cơ vàng”. Còn “thời cơ vàng” như với một số cán bộ ở huyện trên chỉ nặng về chủ nghĩa cơ hội, cục bộ địa phương, đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cũng là một biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến".
Mỗi địa phương có quyền tự hào về truyền thống, về những người con quê hương đang giữ trọng trách ở các cấp, các ngành. Nhưng đừng để những cán bộ cấp cao ấy khó xử và nhất là đừng để tạo thành cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng quy chụp, xuyên tạc về bản chất tốt đẹp của xã hội ta.
QUANG HÒA
Tư duy của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu vẫn còn tồn tại đâu đó trong xã hội Việt Nam của chúng ta. Vẫn còn nhiều người muốn ỷ lại vào người khác, không có sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, vẫn còn câu nói "Một người làm quan, cả họ được nhờ". Tư duy ấy thậm chí như trong bài viết vẫn còn tồn tại ở những cán bộ, địa phương cấp dưới khi không tự chủ động tìm cách phát triển địa phương bằng nội lực của địa phương mà lại bằng tư tưởng nhờ vả những cán bộ tỉnh, trung ương là người gốc địa phương mình. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất của cơ chế xin - cho vốn đã và đang tồn tại trong cơ chế của chúng ta. Nó xuất hiện ko chỉ ở cấp địa phương nhỏ mà còn ở các cấp độ lớn hơn từ huyện, đến tỉnh, đến trung ương,... theo kiểu nhờ vả xin cơ chế nhờ sự quen biết. Mà sự quen biết ở đây thì lại quá đa dạng. Gần thì là kiểu họ hàng, anh em, xa hơn là đồng hương,... nhưng nguy hiểm nhất lại là quen biết theo kiểu lợi ích nhóm.
Trả lờiXóaSự nhờ vả này phát triển khiến cho sự công bằng, dân chủ bị phai nhạt, dần dần niềm tin của nhân dân, địa phương, doanh nghiệp vào các chủ trương, đường lối, chính sách cũng phai nhạt dần. Đây chính là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ của chúng ta.
“Quê tôi hiện có nhiều người là cán bộ cấp tỉnh, cấp Trung ương và các bộ, ngành”. Đây có thể nói là niềm vui và cũng là niềm tự hào của không chỉ cán bộ mà cả nhân dân của địa phương. Điều này góp phần to đẹp thêm vào truyền thống tốt đẹp của địa phương. Nếu những cán bộ lãnh đạo của địa phương biết dựa vào điều này để tuyên truyền, cỗ vũ, giúp đỡ các thế hệ tiếp theo tiếp tục cố gắng, phấn đấu để phát huy hơn nữa truyền thống này thì đây mới đúng là điều quý giá nhất mà một địa phương có được - đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chẳng phải có câu "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" sao? Câu thành ngữ ấy nhấn mạnh chỉ cần có con người lao động cần cù, chăm chỉ, lại thông minh, sáng tạo thì mọi khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Chính con người mới có khả năng cải tạo nghịch cảnh để nó trở nên tốt đẹp hơn. Đó mới chính là "thời cơ vàng" mà địa phương kia cần phải nắm bắt phát huy truyền thống về con người tài năng chứ không phải là "thời cơ vàng" để nhờ vả, xin xỏ... Nếu chỉ để tranh thủ thì thời cơ ấy chỉ thoáng qua mà thôi, nó không hề có tác dụng về lâu về dài đối với địa phương.
Trả lờiXóaViệt Nam là đất nước có hàng nghìn năm lịch sử và mỗi một vùng đất, mỗi một địa phương lại có những nét đặc biệt riêng về lịch sử hình thành và phát triển. Nhiều địa phương đã nổi tiếng khắp cả nước vì những nét riêng có ấy. Có địa phương nổi tiếng vì có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có địa phương lại nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon nổi tiếng, có địa phương lại có nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng, có địa phương lại nổi tiếng vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Chính sự độc đáo, riêng có của mỗi vùng đất chính là nguồn tài nguyên vô tận giúp cho chính mảnh đất đó có điều kiện phát triển mạnh mẽ và thu hút được nhiều người đến thăm quan, du lịch, đầu tư. Nhưng, những vùng đất nổi tiếng nhất lại là những vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài, nhiều cán bộ giỏi cống hiến cho quê hương, đất nước. Chính truyền thống tốt đẹp về con người mới là nguồn tài nguyên vô cùng, vô tận để địa phương phát triển đi lên và là động lực để các thế hệ sau noi gương và tiếp nối. Đó mới chính là điều mà các cán bộ lãnh đạo của địa phương cần phải lưu ý giữ gìn và phát huy, chứ không phải là chăm chăm chờ đợi một người dân địa phương mình có chức có quyền ở cấp tình, cấp trung ương để rồi chờ đợi, xin xỏ những cơ chế, quy hoạch cho vùng đất của mình như trong bài viết đã nêu ra. Cơ chế xin cho giờ đây đã lạc hậu và không còn phù hợp với mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nữa.
Trả lờiXóa