Những ý kiến trên mang hàm ý hoài nghi về tính hiện thực của lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân loại đang hướng tới và có dụng ý phủ nhận con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, đang xây dựng và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Xu hướng xã hội hóa, dân chủ hóa là tất yếu

Theo quan niệm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, CNXH trước hết và tiêu biểu là sự vận động của đời sống hiện thực theo xu hướng xã hội hóa. Nó đối lập với xu hướng tư nhân hóa của xã hội hiện tồn.

Vậy, biểu hiện của “xu hướng xã hội hóa trên thực tế” là như thế nào?  

Đó là xu hướng ngày càng tăng lên các mối liên kết xã hội trong sản xuất như hợp tác, liên kết, phối hợp, phân công trong sản xuất hoặc dịch vụ. Thực tiễn sản xuất ngày càng mang tính chất xã hội hóa thì cách tổ chức quản lý xã hội cũng buộc ngày càng phải dân chủ hóa. Theo C.Mác, đây là những xu hướng hiện thực cơ bản cho sự ra đời của CNXH. Lý tưởng về xây dựng một xã hội trên các nguyên tắc: Công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do... cũng được xây dựng và hiện thực hóa từ những xu hướng này.      

Thế nhưng, phải đến thế kỷ 19 thì những nhân tố cho việc định hình xu hướng xã hội hóa trên thực tiễn mới rõ ràng. Đại công nghiệp hay quá trình công nghiệp hóa hoặc các cuộc cách mạng công nghiệp là biểu hiện thực tế tiêu biểu nhất cho xu hướng này.

Cùng với sự trưởng thành của phong trào công nhân, sự hình thành các đảng cộng sản, cuộc đấu tranh cho lý tưởng công bằng, bình đẳng, dân chủ, tự do... đã có thêm sự dẫn đường của lý luận CNXH khoa học. Cái tất yếu và cái tự giác hòa quyện với nhau cùng nâng tầm nhận thức và hiệu quả hành động cho nhân loại.            

Cơ sở khoa học-thực tiễn để bác bỏ luận điệu “chủ nghĩa xã hội là ảo vọng”
Ảnh minh họa  / tuyengiao.vn 

Tính hiện thực của CNXH thể hiện ở nhiều cấp độ

Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra các cấp độ hiện thực hóa của CNXH như sau:  

Cấp độ thứ nhất, tính hiện thực của CNXH được thể hiện qua những nhân tố, tiền đề mang tính chất xã hội hóa ngay trong thực tế phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điển hình là sự phổ biến phương thức sản xuất công nghiệp, sự tăng lên các mối liên kết của nhân loại trong sản xuất, dịch vụ và sự định hình hệ thống pháp luật-công pháp quốc tế để cùng nhau giải quyết một cách công bằng, bình đẳng những vấn đề của phát triển hiện đại.      

Cấp độ thứ hai, tính hiện thực của CNXH thể hiện ở những phong trào, trào lưu XHCN hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ... Thực chất là những xu hướng vận động, những cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội với các mục tiêu hòa bình, độc lập, cùng phát triển trong dân chủ, công bằng và bền vững.      

Cấp độ thứ ba là thông qua các cuộc cách mạng xã hội, xác lập chế độ dân chủ XHCN, thông qua đó xác lập quyền làm chủ của nhân dân, chế độ kinh tế XHCN trên cơ sở công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động... Đặc trưng chính trị của chế độ XHCN là giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thông qua vai trò cầm quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua nhà nước XHCN.

Cấp độ thứ tư là sự xác lập trên thực tế hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa-chủ nghĩa cộng sản. Một xã hội mới phát triển ở trình độ rất cao cả về sản xuất dịch vụ và tổ chức quản lý, được xây dựng trên nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, con người được phát triển tự do, xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, môi trường thiên nhiên được bảo vệ bền vững; hòa bình và hữu nghị trở thành quan hệ phổ biến và tất định trong quan hệ quốc tế. Loài người trên trái đất này bước vào một giai đoạn phát triển với trình độ mới: Xã hội cộng sản văn minh.

Phản ánh các cấp độ phát triển của CNXH hiện thực là lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiện thực hóa lý luận này tiêu biểu nhất là quá trình xây dựng CNXH hiện thực trên thế giới mà khởi đầu là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và các xu hướng đi lên CNXH hơn 100 năm qua. Trải qua khá nhiều thăng trầm, tính hiện thực của CNXH vẫn được thể hiện trên nhiều phương diện và cấp độ.                 

CNXH hiện diện ở nhiều quốc gia là minh chứng khách quan

Ở cấp độ là những nhân tố, tiền đề mang tính chất xã hội hóa, cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp đang nối tiếp nhu cầu thúc đẩy xu hướng này, khiến cho sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng ngày càng gắn bó. Cùng với đó là các biểu hiện mới của xã hội hóa hiện đại, như: Toàn cầu hóa, phân công và hợp tác lao động quốc tế, sự hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu là một dây chuyền sản xuất, kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó có nhiều nước tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng. Các liên kết hợp tác, đồng thuận giữa nhiều nước trong quản trị để giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Tất cả xác định rằng, xu thế xã hội hóa hiện nay đang rất mạnh mẽ.

Ở cấp độ là những xu hướng, trào lưu XHCN hướng tới công bằng, bình đẳng, dân chủ... mà biểu hiện cụ thể là tìm tới một mô hình tổ chức xã hội khác với chủ nghĩa tư bản. Đó là sự phủ định kiểu tổ chức xã hội “lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”-như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.

 Hiện nay, mô hình phát triển này đang là thực tiễn ở nhiều nước Bắc Âu và một số quốc gia phát triển khác. Ở những nước này, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuy vẫn còn là chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng khá nhiều giá trị XHCN, nhân tố XHCN đã và đang được tích lũy. Giá trị xã hội, lợi ích xã hội, mục tiêu xã hội, ý nghĩa xã hội của các hoạt động rất được xem trọng và được coi như những nhân tố hữu cơ của các quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những thành quả ấy trước hết là kết quả cuộc đấu tranh của nhân dân nhưng mặt khác, cũng cần thấy rằng, chính quy luật của cuộc sống-ở đây là xu thế xã hội hóa, đã thúc đẩy những tiến bộ xã hội ấy.

Ở cấp độ là chế độ XHCN, sau cuộc khủng hoảng của một mô hình xây dựng CNXH ở Đông Âu và Liên Xô (1989-1991), nhiều nước vẫn giữ vững chế độ XHCN, tiến hành cải cách đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. CNXH hiện thực đang là thực tế ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba... Ở những quốc gia này, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã và đang gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Chế độ dân chủ XHCN, vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản, nhà nước XHCN, quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân đều là những thực tế không thể phủ nhận. Đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH trong cải cách đổi mới ở các nước XHCN hiện nay không chỉ xác nhận xu thế đi lên CNXH ở cấp độ quốc gia mà còn cống hiến những con đường, biện pháp mới mẻ để xây dựng CNXH. Những cống hiến đó đã được các đảng cộng sản và đảng công nhân, các lực lượng tiến bộ trên thế giới thừa nhận như những giải pháp đúng đắn, phù hợp với bối cảnh, xu thế thời đại ngày nay.

Những “mảnh ghép” tốt đẹp đang định hình xã hội tương lai

Điều khá thú vị là, một số “mảnh ghép” của xã hội tương lai-chủ nghĩa cộng sản, cũng đang dần xuất hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống hiện nay. Chế độ tự quản của các cộng đồng dân cư, cái mà C.Mác cho rằng sẽ thay thế cho nhà nước trong xã hội cộng sản, hiện nay cũng đã xuất hiện ở nhiều nước trong một số lĩnh vực quản trị xã hội. Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh thế thế giới và cũng là tác giả của khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” nhận định rằng: Hiện nay chúng ta đã có chủ nghĩa cộng sản về thông tin! Hàm ý của ông phản ánh một thực tế là hiện nay, nếu bạn có phương tiện nối mạng, nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu, chỉ cần tra một từ khóa vào công cụ tìm kiếm, sẽ có ngay hàng triệu thông tin và gần như hoàn toàn miễn phí! Ngay ở Việt Nam, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, rất nhiều hành động thiện nguyện tự giác cũng phản ánh lối tư duy và hành động của con người trong xã hội tương lai: “Bánh mì miễn phí”, “nước uống miễn phí”, “dịch vụ sửa xe miễn phí”...

Chúng ta có thể coi những ví dụ trên là những “mảnh ghép” của hiện thực đang định hình cho xã hội tương lai-xã hội cộng sản chủ nghĩa.           

Như vậy, với một cách nhìn khoa học, chúng ta có thể khẳng định CNXH vẫn đang là một thực tế với nhiều cấp độ trên thế giới hiện nay. Thực tế đó đang biểu hiện rất sinh động, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhân loại. Thế giới đang đi lên CNXH với nhiều con đường, cách thức khác nhau. Như lời C.Mác và Ph.Ăng-ghen: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(1).    

PGS, TS NGUYỄN AN NINH

(Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.51