Cần tỉnh táo nhìn nhận trước thông tin sai trái, kích động chống phá sau vụ cháy ở Hà Nội

Thứ Tư, 29/05/2024, 07:24

Những ngày qua, vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43, phố Trung Kính, Hà Nội gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Tuy nhiên, sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin không chính xác gây hoang mang và nhiễu loạn thông tin, sai lệch bản chất vụ việc. Đặc biệt, các đối tượng xấu lợi dụng vụ việc để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Vào 0h46 đêm 24/5/2024, tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43, phố Trung Kính. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường để dập lửa và cứu nạn cứu hộ. Đến 1h26 cùng ngày, đám cháy được dập tắt. Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện 14 người tử vong, 6 người bị thương.

Bên cạnh các hoạt động tích cực, khẩn trương của cơ quan chức năng trong việc cứu nạn, cứu hộ, điều tra, khắc phục hậu quả và cứu chữa các nạn nhân thì trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều thông tin, bài viết, cả video xuyên tạc sự thật, hướng lái dư luận, lợi dụng vụ việc để tiến hành câu like, câu view gây hoang mang dư luận. Các đối tượng tung ra luận điệu sai lệch như: “chính quyền bỏ mặc người dân nên mới để xảy ra vụ hoả hoạn thương tâm”; “lực lượng chức năng ở đâu khi người dân phải tự cứu mình”; “đau đớn từ những cái chết được báo trước”… Các đối tượng còn vu cáo chính quyền bỏ mặc, không quan tâm, không đầu tư các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn dẫn đến hậu quả đau lòng.

Có đối tượng còn gài các sự kiện khác không liên quan vào vụ cháy để gây hiểu nhầm như: “Hà Nội còn đang mê mải với dự án mua cờ tặng cho hàng triệu hộ gia đình, để mặc dân chết cháy”; “quan lo “ăn dự án”, mặc dân chết trong lửa”… Có bài viết so sánh vụ việc này với sai phạm của một số tổ chức, cá nhân trong các vụ án tham nhũng đang được điều tra, xét xử hiện nay rồi quy kết “lỗi do chế độ, cán bộ tham lam, dân mãi kiếp lầm than”! Từ đó suy diễn, vu cáo nhằm mục đích kích động chống phá, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đến thời điểm hiện nay, bất chấp những nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng và người dân chung tay trong xử lý, khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn thì những thông tin sai trái trên mạng xã hội tiếp tục chỉ trích, xuyên tạc vụ việc và gây nhiễu loạn thông tin. Nhiều đối tượng lợi dụng sự việc để “té nước theo mưa”, lấy cớ xuyên tạc Đảng, Nhà nước, chính quyền “lo vơ vét, bỏ mặc dân”, quy nguyên nhân để xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng là do “bản chất chế độ”, “dân mãi chịu cảnh chết cháy”, kích động người dân, nhất là số trẻ “đứng lên đòi quyền lợi”…

hientruongvuchay.jpg -0
Hiện trường vụ cháy tại ngõ 119 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Thực tế cho thấy, trái ngược hoàn toàn với những thông tin xuyên tạc, nhiễu loạn trên không gian mạng. Liên quan đến vụ hỏa hoạn, các đồng chí lãnh đạo và ban, ngành chức năng đã rốt ráo vào cuộc. Sáng 24/5/2024, ngay sau khi vụ hoả hoạn xảy ra, các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng điều hành Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành và Hà Nội đã đến hiện trường vụ cháy để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Ngay trước phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình các nạn nhân vụ cháy. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống. Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin, đầu giờ sáng 24/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn đầu đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, đội ngũ bác sĩ và lực lượng cứu hộ cứu nạn tại cơ sở.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 52/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Ngay sau vụ việc xảy ra, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy. Thành phố Hà Nội đã cắt cử các cán bộ chuyên trách phối hợp với gia đình các nạn nhân lo hậu sự, tang lễ cho 14 nạn nhân tại Hà Nội hoặc tại quê nhà, đảm bảo chu đáo.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, các y, bác sĩ tích cực cứu chữa, điều trị các bệnh nhân của vụ cháy. Bệnh nhân nặng nhất đang nằm điều trị tại viện là mẹ của chủ nhà trọ, năm nay 84 tuổi. 2 bệnh nhân còn lại được chỉ định điều trị bằng oxy cao áp để dự phòng biến chứng về tâm thần... Hiện nay, sức khỏe các bệnh nhân đã dần ổn định.

UBND quận Cầu Giấy cho biết, lãnh đạo quận Cầu Giấy và các đoàn thể chính trị - xã hội của quận và phường Trung Hòa đã đến thăm hỏi động viên, chia sẻ, hỗ trợ người bị nạn. Bước đầu quận trích ngân sách hỗ trợ các gia đình có người bị nạn với mức hỗ trợ 55 triệu đồng/người tử vong, 33 triệu đồng/người bị thương. Trong ngày 25/5/2024, UBND quận Cầu Giấy tổ chức khen thưởng đột xuất 4 công dân dũng cảm tham gia đập tường cứu các nạn nhân bị mắc kẹt trong đám cháy tại phố Trung Kính.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen hành động dũng cảm của anh Phạm Quốc Luật (quê Hà Tĩnh), anh Nguyễn Kim Long (Hà Nội), anh Hoàng Anh Tuấn và Đồng Văn Tuấn (cùng ở Nam Định) đã tích cực tham gia cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy. Thủ tướng đánh giá, 4 người đàn ông đã dũng cảm, không ngại nguy hiểm khi leo lên tầng cao, dùng búa tạ đập tường cứu nạn nhân trong vụ cháy. “Đây là tấm gương sáng điển hình về tinh thần quả cảm, nghĩa hiệp, yêu thương của người Việt Nam. Hành động của các thanh niên này còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp, truyền thống nhân ái như câu ca dao“Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người” - Thư khen nêu rõ.

Đến thời điểm hiện tại, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Hà Nội cùng sự đồng hành của người dân, công tác cứu chữa nạn nhân bị thương, lo tang gia cho người bị mất trong vụ cháy, khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn đã được triển khai hết sức khẩn trương, thể hiện sự chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, tình cảm sâu sắc. Ngoài ra, còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ các nạn nhân vụ hỏa hoạn, góp phần sớm ổn định cuộc sống cho người bị nạn và thân nhân.

Hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề về người và của là vấn đề đã được cảnh báo và đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. Dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng thực tế, ý thức người dân cùng những nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến vẫn xảy ra những vụ việc khó lường. Qua mỗi vụ việc, đòi hỏi cơ quan chức năng và người dân càng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, đề cao nguyên tắc phòng hơn chữa, hạn chế thấp nhất những nguyên nhân gây cháy và thiệt hại do cháy. Trước mỗi thông tin, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, nhiễu loạn về vụ hỏa hoạn lan truyền trên không gian mạng, người dân cần tỉnh táo, xem những tin tức, hình ảnh đó khởi nguồn thế nào, ai phát ra, liệu có đủ khả năng tin cậy?

Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực, cần phải suy xét thận trọng, tránh việc ấn like hay chia sẻ, bình luận tạo hiệu ứng lan truyền tin giả, độc hại. Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Đặc biệt, không chia sẻ nguồn tin phát ra từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa tin có nội dung tiêu cực, sai trái gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.

Liêm Chính  - Bình Nguyên

3 nhận xét:

  1. Sau sự cố hỏa hoạn tại nhà trọ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43, phố Trung Kính, Hà Nội, đã xảy ra nhiều vấn đề đáng báo động và cần sự chú ý của cộng đồng. Đầu tiên, sự việc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, với 14 người tử vong và 6 người bị thương. Đây là một thảm họa đáng buồn và đòi hỏi sự can thiệp nhanh chóng và hiệu quả từ các cơ quan chức năng.

    Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là sự lan truyền của thông tin không chính xác và xuyên tạc trên mạng xã hội sau vụ việc. Những thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang và nghi ngờ mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn cho cả xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng sự việc để kích động, chống phá, vu cáo các cơ quan chức năng một cách không có căn cứ, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sự ổn định chính trị và xã hội.

    Điều cần nhấn mạnh là các cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương đã có những động thái khẩn trương và tích cực ngay sau vụ cháy để khắc phục hậu quả và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng. Phản ứng nhanh chóng và quyết liệt này phản ánh cam kết và trách nhiệm của họ đối với cộng đồng.

    Việc xử lý thông tin sai lệch và ngăn chặn các hoạt động xuyên tạc là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội có sức lan truyền mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến ý thức cộng đồng. Người dân cần phải tỉnh táo, suy nghĩ thận trọng trước khi chia sẻ hoặc lan truyền thông tin, đặc biệt là những tin tức không rõ nguồn gốc và chưa được xác thực.

    Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục củng cố các biện pháp phòng ngừa và xử lý tình huống hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo vệ và bình ổn thông tin. Chỉ có sự đồng lòng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên mới có thể đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững cho xã hội.

    Trả lờiXóa
  2. Sau vụ hỏa hoạn đáng tiếc tại nhà trọ phố Trung Kính, Hà Nội, việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội thực sự là một vấn đề cấp bách cần được chú ý. Những tin đồn, thông tin không chính xác không chỉ gây hoang mang trong cộng đồng mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và an ninh chính trị - xã hội.

    Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở thành một nền tảng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, việc phân biệt thông tin đúng - sai, xác thực trở nên vô cùng quan trọng. Các đối tượng xấu lợi dụng sự việc thảm họa như vụ cháy nhà trọ để tung tin đồn, vu cáo, kích động dư luận không chỉ là mối đe dọa đối với sự ổn định mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cơ quan chức năng.

    Do đó, việc chính quyền cùng các cơ quan chức năng, đặc biệt là các lực lượng chức năng và cơ quan truyền thông, cần phải nâng cao khả năng xử lý, kiểm soát thông tin trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, cũng cần sự chung tay của người dân trong việc lan truyền thông tin đúng, hạn chế những hoạt động xuyên tạc, phá hoại mà không có căn cứ.

    Chỉ khi mọi người cùng nhau tự giác và có trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, chúng ta mới có thể xây dựng một cộng đồng mạng lành mạnh, an toàn và tin cậy hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Sự việc vụ cháy tại nhà trọ phố Trung Kính, Hà Nội không chỉ là một bi kịch về mất mát vật chất và con người mà còn là một bài học đau đớn về cách xử lý thông tin sau sự việc. Trên mạng xã hội, thông tin sai lệch và những lời vu cáo đã lan truyền nhanh chóng, gây nên sự bất ổn trong cộng đồng và làm giảm đi lòng tin vào các cơ quan chức năng.

    Việc này là một minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết của việc nâng cao trình độ thông tin và trách nhiệm cá nhân trong việc sử dụng mạng xã hội. Chúng ta cần học hỏi cách đối phó với thông tin không chính xác một cách khôn ngoan hơn, thay vì lan truyền mà không xem xét lại nguồn gốc và tính xác thực của thông tin.

    Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có sự chuẩn bị và kế hoạch cụ thể để đối phó với tình huống này, từ việc giải thích, làm rõ cho dư luận đến việc xử lý nghiêm những người phát tán thông tin sai lệch. Chỉ khi mọi người đồng lòng hành động và giữ vững trách nhiệm của mình trên không gian mạng, chúng ta mới có thể xây dựng được một cộng đồng truyền thông xã hội lành mạnh và tin cậy hơn.

    Trả lờiXóa