Cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc sau khi ông Thích Minh Tuệ dừng đi bộ khất thực

Thứ Hai, 10/06/2024, 08:30

Các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các phần tử chống đối trong nước đã lấy hình ảnh để lồng ghép, tạo dựng, đưa thông tin sai sự thật về cá nhân ông Thích Minh Tuệ, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Từ chỗ là một người bộ hành thầm lặng kể từ năm 2017, ông Thích Minh Tuệ qua hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, mặc tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải, đi khất thực dọc theo các tuyến đường từ Nam ra Bắc và ngược lại đã nhận được sự quan tâm của các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng”.

Lợi dụng vấn đề này, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các phần tử chống đối trong nước đã lấy hình ảnh trên để lồng ghép, tạo dựng, đưa thông tin sai sự thật về cá nhân ông Thích Minh Tuệ, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tự tu, thực hành hạnh nguyện khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.

image001.jpg -0
Các thế lực thù địch, phản động đưa nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc xung quanh sự việc ông Thích Minh Tuệ đi bộ khất thực.

Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và sau đó đi chiều ngược trở lại. Việc “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh) là quyền tự do của mỗi cá nhân, không có đúng, sai, hơn, kém mà đơn giản là một cá nhân trong xã hội thực hiện quyền cơ bản của mình theo Hiến pháp. Hình ảnh một người bộ hành với pháp danh Minh Tuệ tự xưng mình là “con” với tất cả mọi người, từ bỏ mọi điều kiện vật chất để tu tập theo lời Phật dạy đã tạo được thiện cảm, xúc cảm trong một bộ phận nhân dân.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là khi hình ảnh của sư Minh Tuệ xôn xao trên mạng, cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch, phản động nhằm mục đích xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam với vô số video clip được cắt ghép, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng phật tử và hạ uy tín Phật giáo. Qua đó gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa người tu trong các tổ chức tôn giáo với người tu khổ hạnh, cho rằng khổ hạnh mới là chính pháp nhằm tạo ra mâu thuẫn bên trong tôn giáo.

Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng hình ảnh Thích Minh Tuệ để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số tăng sĩ, cố tình tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó chia rẽ, gây mất niềm tin của người dân với tổ chức Phật giáo. Đây là một sự so sánh nguy hiểm khi họ cố tình lấy một số hiện tượng sai lệch để đánh đồng, bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nước ta.

Ngày 3/6/2024, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ đã gây ảnh hưởng đến giao thông, trật tự, trong đó một số người gặp vấn đề về sức khỏe, có người bị tử vong. Cụ thể, ngày 30/5, một người đàn ông trong đoàn đi theo là Lương Thanh Sơn, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp đó, ngày 2/6, có 2 phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa 2 phụ nữ đến bệnh viện điều trị.

Trước những sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Thích Minh Tuệ về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Thích Minh Tuệ được đi bộ và hành trình theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Thế nhưng, ngay khi Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực, các tổ chức như Việt Tân, Đài Á Châu Tự do, Chân trời mời media, Thời báo.de… liên tiếp công kích xuyên tạc rằng, việc ông Thích Minh Tuệ dừng khất thực do bị “trấn áp”, xuyên tạc chính quyền đang “vùi dập một người chân tu chân chính”, “áp đặt người dân không được sống đúng với tín ngưỡng, tự do tôn giáo”. Từ đó, các tổ chức này kêu gọi người dân lên tiếng phản đối chính quyền, cổ súy người dân tiếp tục xuống đường “khai phóng” đi theo Thích Minh Tuệ để đi tìm “thế giới của riêng mình”!

Với việc cổ xúy trào lưu “xuống đường đi theo thầy”, thậm chí bắt chước cách ăn mặc màu áo chắp vá, ôm lõi nồi cơm điện, đi chân đất từ Nam chí Bắc và ngược lại, kêu gọi mọi người bỏ công việc, nhà cửa ruộng vườn đi theo như thế thì cảnh tượng xã hội sẽ thế nào? Việc kêu gọi bộ hành khất thực như thế lâu dần sẽ định hình quan niệm tu là phải vô gia cư, lang thang ra đường ăn xin, ăn mặc rách rưới, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, hệ quả lâu dài biến xã hội thành rối ren, kinh tế đình trệ, đời sống hỗn loạn.

Để gia tăng các mâu thuẫn, hạ uy tín Phật giáo, họ đã bịa đặt, miệt thị đường hướng phục vụ “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội. Đài RFA tung video khai thác bình luận của một cựu nhạc sĩ có tiếng đã chạy ra hải ngoại với những lời lẽ phỉ báng, miệt thị Giáo hội Phật giáo và Nhà nước ta. Dựa vào thông tin trên mạng xã hội về việc cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành gây lộn xộn tại một nghĩa trang khi ông Thích Minh Tuệ đi qua thì trang fanpage Việt Tân đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, vu cáo việc “đàn áp”, kích động nhiều người vào bình luận chống phá.

Bên cạnh đó, không ít facebooker, youtuber, tiktoker, hay influencer (người có ảnh hưởng) trên không gian mạng đã bất chấp sự thật, kiếm tiền bằng cách tung nhiều bài, nhiều video clip phỉ báng, miệt thị chư tăng ở các “chùa to Phật lớn”, kèm theo luận điệu rằng tu hành kiểu không chùa, không cúng dường, từ bỏ vật chất như ông Minh Tuệ mới là “thanh tịnh”, là “chân tu”. Họ đưa những thông tin sai sự thật về việc chính quyền cản trở không cho người dân được tự do thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời thổi phồng thành “thần tượng” nhằm đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người, vì tò mò mà bỏ công sức, tiền bạc, thời gian đi theo ông Thích Minh Tuệ như hình với bóng. Điều này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng phải căng mình để bảo đảm an ninh trật tự, nhất là vấn đề trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 1A, nhiều đoạn ùn tắc và làm phiền toái, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, buôn bán của rất nhiều người dân.

Từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo và không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trong quá trình ông Thích Minh Tuệ đi khất thực, chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện để ông đi bộ, hành trình theo ý nguyện sống, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe. Vì vậy, việc tung tin chính quyền địa phương, lực lượng Công an cấm cản hay “trấn áp” ông Minh Tuệ, “vây ráp người dân”… là  những thủ đoạn xuyên tạc nhằm tạo làn sóng dư luận phẫn nộ, chống đối Đảng, Nhà nước. 

Đến nay, cơ quan Công an đã hỗ trợ ông Thích Minh Tuệ làm căn cước công dân để đảm bảo quyền công dân của mình. Đó là cách để chính quyền bảo vệ ông với tư cách là một công dân Việt Nam. Nay ông Minh Tuệ ngừng đi bộ khất thực nhưng ông vẫn là một công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật, đơn giản chỉ là sự thay đổi phương thức, cách thức, hình thức tu tập. Đây cũng là cách để ông Thích Minh Tuệ có được không gian bình yên, an lành, tập trung cho việc tu tập của mình.

Qua phân tích những vấn đề nêu trên cho thấy, chiêu bài tín ngưỡng, tôn giáo luôn được các thế lực thù địch và số đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, là vấn đề mang tính quy luật.

Hiện nay, thủ đoạn lợi dụng chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy bởi vỏ bọc tôn giáo nên nhiều người khó phân biệt. Tính chất nguy hiểm ngày càng cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của nhiều người theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia vào các hoạt động chống đối, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Do đó, mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hãy luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của các đối tượng xấu. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá đất nước, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đúng nghĩa, đúng luật. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo và hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ giáo lý, giáo luật, tuân thủ luật pháp, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Bình Nguyên – Thanh Ngà

4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết phản ánh một vấn đề nghiêm trọng xã hội hiện nay, khi các tổ chức phản động và các phần tử chống đối trong và ngoài nước đã lợi dụng hoàn cảnh của ông Thích Minh Tuệ để xuyên tạc, tạo dựng thông tin sai lệch, gieo rắc mâu thuẫn và chia rẽ trong cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam.

    Ông Thích Minh Tuệ, với hình ảnh của một khất sĩ thực hành hạnh nguyện khất thực, đã thu hút sự chú ý của nhiều người dùng mạng và truyền thông xã hội, trở thành một "hiện tượng mạng". Tuy nhiên, điều này cũng là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, phổ biến thông tin sai lệch và xuyên tạc về việc ông Tú, hay còn gọi là Lê Anh Tú, làm người tu khổ hạnh để chỉ trích, phỉ báng, và gây mâu thuẫn giữa các tín đồ Phật giáo.

    Thông tin được cử tạc rằng chính quyền cấm trở ông Thích Minh Tuệ đi bộ, hoặc cố tình ngăn cản tự do tín ngưỡng là không có căn cứ. Thực tế, chính quyền đã luôn tạo điều kiện để ông Tuệ tu tập theo ý nguyện, đồng thời đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Việc tung tin sai lệch này nhằm mục đích phá hoại hình ảnh của Đảng và Nhà nước, tạo ra sự bất ổn trong cộng đồng, và gây mất lòng tin của người dân đối với chính quyền và các tổ chức tôn giáo.

    Điều cần lưu ý là việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo như vậy không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội mà còn đe dọa đến sự ổn định chính trị, xã hội của quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, cần sự chung tay của tất cả các cơ quan chức năng, tín đồ tôn giáo, và cộng đồng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng vì mục đích chống phá. Chỉ khi mọi người cùng nhau nâng cao nhận thức và phản ứng đúng mực, chúng ta mới có thể bảo vệ được giá trị tôn giáo, tín ngưỡng một cách đúng đắn và bình đẳng.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết đưa ra một cái nhìn sâu sắc về việc các tổ chức phản động và các phần tử chống đối đã lợi dụng hình ảnh của ông Thích Minh Tuệ để phổ biến thông tin sai lệch và xuyên tạc về tôn giáo tại Việt Nam là vô cùng đáng quan ngại. Việc này không chỉ gây ra mất lòng tin trong cộng đồng tín đồ Phật giáo mà còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết và hòa bình xã hội.

    Ông Thích Minh Tuệ, với sự nghiệp tu hành bất đắc dĩ thành hiện tượng mạng, đã bị lợi dụng và biến tấu thành công cụ để chỉ trích chính quyền và Đảng. Các tổ chức này không ngần ngại tung ra thông tin sai lệch, chia rẽ cộng đồng tín đồ Phật giáo bằng cách so sánh và miệt thị những nỗ lực của người tu hành với các hoạt động khác.

    Ngoài ra, việc xuyên tạc và phổ biến thông tin không chính xác về việc cấm trở hoặc ngăn cản ông Thích Minh Tuệ đi bộ là hoàn toàn thiếu căn cứ. Chính phủ luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo theo luật pháp.

    Vấn đề này làm nổi bật sự cần thiết của việc tăng cường cảnh giác và sự phản ứng hợp lý của cộng đồng xã hội trước những nỗ lực chống phá và xuyên tạc từ các tổ chức phản động. Chỉ bằng cách cùng nhau nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin chính xác, chúng ta mới có thể ngăn chặn được những âm mưu phá hoại, duy trì ổn định và hài hòa trong xã hội.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết đề cập đến việc các tổ chức phản động lợi dụng hình ảnh của ông Thích Minh Tuệ để phổ biến thông tin sai sự thật và xuyên tạc về tôn giáo tại Việt Nam làm tôi thực sự lo ngại về sự thực thi và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

    Ông Thích Minh Tuệ, với những hành động tu hành khất thực, đã trở thành một hiện tượng truyền thông, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc hình ảnh của ông bị lợi dụng để phổ biến thông tin sai lệch, gây chia rẽ và phản đối chính quyền, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình xã hội, là điều đáng báo động.

    Chính quyền nên có biện pháp và cơ chế để ngăn chặn các tổ chức phản động lợi dụng các hoạt động tôn giáo nhằm mục đích chính trị, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Tôi tin rằng việc cảnh giác và phản ứng đúng đắn từ phía cộng đồng xã hội sẽ giúp ngăn chặn những âm mưu phá hoại này, từ đó giữ vững sự bình yên và hài hòa trong xã hội Việt Nam.

    Trả lờiXóa