Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc

Ngày: Tháng Bảy 21, 2025

Trần Nguyễn Diệu Linh

Ngày 19/07/2025, trên Baotiengdan.com, Lê Minh Nguyên đã đăng tải bài viết có tiêu đề: “Liệu Đảng CSVN có thể đi từ Đổi Mới sang Đổi Dạng?”. Trong đó, Lê Minh Nguyên đưa ra một số nhận định sai lệch, quy chụp, mang tính công kích cá nhân và bóp méo thực tế chính trị – xã hội tại Việt Nam. Các quan điểm của Lê Minh Nguyên không chỉ thiếu cơ sở mà còn chứa đựng sự xuyên tạc có chủ đích, hòng bôi nhọ uy tín lãnh đạo Đảng, gây nghi ngờ trong lòng nhân dân. Bài viết này nhằm phản biện rõ ràng, khách quan những luận điểm sai trái đó.

Trong bài viết, Lê Minh Nguyên viện dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiêu chuẩn cán bộ – “phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng… đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” – nhưng lại cố tình bóp méo, xuyên tạc bằng cách so sánh với câu ngạn ngữ dân gian “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Ông Nguyên cho rằng hệ thống chính trị Việt Nam đang bị “gia tộc hóa”, tức là ưu tiên con cháu cán bộ hoặc người trong “phe nhóm” thay vì năng lực thực sự. Đây là một luận điệu quy chụp thiếu căn cứ và mang tính chủ ý bôi nhọ. Trên thực tế, công tác cán bộ hiện nay ở Việt Nam đang ngày càng được cải tiến theo hướng công khai, minh bạch, dựa vào phẩm chất, năng lực, kết quả công tác và sự tín nhiệm của quần chúng. Những người được đề bạt vào các vị trí quan trọng đều phải trải qua quy trình chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập. Việc có con cháu cán bộ trong bộ máy không phải là điều bất thường – vấn đề là họ có đáp ứng được các tiêu chuẩn, có qua được các vòng đánh giá năng lực hay không. Chính Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh “kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào cấp ủy”. Việc Lê Minh Nguyên dẫn một câu phát biểu đúng đắn rồi phủ nhận hoàn toàn bằng một câu ngạn ngữ là kiểu ngụy biện “cảm tính hóa chính trị” – không dựa trên bằng chứng, mà chỉ khơi gợi sự ngờ vực trong lòng người dân.

Tiếp theo, Lê Minh Nguyên đưa ra ví dụ về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, bị kỷ luật vào năm 2021 và cho rằng việc bà này tiếp tục bị xem xét kỷ luật sau đó là hành vi “oan khiên”, vi phạm nguyên tắc double jeopardy – tức một người không bị trừng phạt hai lần cho cùng một tội danh. Ở đây, Lê Minh Nguyên đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa pháp luật hình sự và quy trình kỷ luật nội bộ trong tổ chức Đảng và Nhà nước. Trong luật hình sự của một số nước, nguyên tắc “double jeopardy” chỉ áp dụng khi một người đã bị xét xử và tuyên trắng án cho một hành vi cụ thể trong phạm vi hình sự. Trong khi đó, kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, hoặc kỷ luật Đảng và truy cứu trách nhiệm hình sự, là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Việc một cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, nhưng sau này phát hiện thêm sai phạm khác hoặc mức độ sai phạm nghiêm trọng hơn, thì việc xem xét thêm hình thức kỷ luật, kể cả truy tố, là hoàn toàn hợp lý, đúng quy định và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, nếu hành vi sai phạm kéo dài hoặc có hệ quả nghiêm trọng mà trước đó chưa bị phát hiện đầy đủ, thì việc xem xét lại hoàn toàn không phải là “oan khiên”, mà là một phần của trách nhiệm làm rõ sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bài viết của Lê Minh Nguyên không đơn thuần là phản biện chính sách, mà còn lồng ghép những nhận định mang tính xuyên tạc bản chất chế độ, công kích mang tính chủ quan, không dựa trên bằng chứng thuyết phục, mang đậm màu sắc chính trị chống đối. Những luận điểm như “gia tộc hóa chính quyền”, hay “oan khiên trong xử lý cán bộ” là những kết luận cảm tính, được đưa ra nhằm gây mất niềm tin vào công cuộc xây dựng Đảng và Nhà nước hiện nay. Người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu kiểu này. Việt Nam đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ để xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN, nơi mọi người – kể cả cán bộ cấp cao – đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của Đảng. Sự trong sạch của bộ máy không thể đến từ những khẩu hiệu, mà từ hành động cụ thể, quyết liệt, như những gì đang được thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư hiện nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét