Dân Trần đừng bày trò lấy 10 chiếc xe “vắng khách” để xuyên tạc, kích động

Ngày: Tháng Bảy 21, 2025 

Lê Viết Khánh

Một sự kiện tưởng như nhỏ đã bất ngờ trở thành cái cớ đám “truyền thông bẩn” như Chân Trời Mới hay Việt Tân “mượn danh” phản biện xã hội lao vào bóc tách, xuyên tạc, thổi phồng và quy chụp. Đó là chuyện 10 tuyến xe đưa đón cán bộ sau sáp nhập giữa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không có hành khách (các công chức đi làm) trong vài ngày đầu. Một kẻ tên Dân Trần gào thét bằng bài viết trên mạng xã hội nghe qua thì rất đao to búa lớn: “10 xe đưa rước cán bộ bị ế: sao không khảo sát trước mà để lãng phí tiền của dân”.

 Những chiếc xe công ấy bị tên Dân Trần gọi bằng các từ ngữ giễu cợt như “chở gió”, “chạy rỗng”, “lãng phí tiền dân”, và rồi từ đó bị dùng làm “bằng chứng” để chĩa mũi dùi vào cả một cuộc cải cách hành chính vĩ mô đang được thực hiện một cách nghiêm túc và thận trọng. Không chỉ dừng lại ở việc đả kích hiện tượng, kẻ có tên Dân Trần này còn đi xa hơn khi cho rằng đây là “chứng cứ sống động” cho một bộ máy vận hành “kém hiệu quả”, cho rằng cán bộ được điều động là “kẻ giàu có, tham nhũng, sống xa rời thực tế”, và từ đó quy kết cả một hệ thống là “độc đoán, lãng phí, vô trách nhiệm”. Đó là một cách suy diễn thiếu đi sự minh bạch và sòng phẳng, cố tình bỏ qua bối cảnh thực tế và hoàn toàn không vì mục tiêu xây dựng đất nước, đồng thời lộ rõ bản chất, tâm địa đen tối của một kẻ chống phá cực đoan.

Sự thật cần được trả lại đúng vị trí của nó. Trước hết, cần khẳng định rõ rằng việc sáp nhập giữa TP.Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận không chỉ là một biện pháp hành chính đơn thuần mà là một phần trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hành chính hiện đại của nước ta. Đây là bước đi lớn trong tiến trình tổ chức lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, hiệu quả, tập trung nguồn lực, giảm chồng chéo và tăng tính kết nối vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang yêu cầu ngày càng cao về hiệu quả quản trị, bộ máy hành chính không thể mãi duy trì kiểu vận hành phân tán, manh mún, thiếu phối hợp như trước đây. Để đạt được điều đó, Nhà nước cần những biện pháp dũng cảm, táo bạo, vượt qua những khuôn mẫu cũ kỹ. Và sáp nhập các địa phương lớn về kinh tế như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Bà Rịa – Vũng Tàu điều từng được coi là “quá khó để thực hiện” nay đã trở thành hiện thực. Không thể đòi hỏi một cuộc cải cách chưa từng có tiền lệ, với hàng trăm đầu việc phải xử lý đồng thời, hàng nghìn cán bộ phải sắp xếp lại vị trí công tác, hàng chục nghìn đầu mối thủ tục, quy trình cần tích hợp, lại có thể vận hành trơn tru, hoàn hảo ngay từ ngày đầu tiên. Nếu đặt lên bàn cân giữa khối lượng công việc đồ sộ như vậy với hiện tượng “10 chiếc xe chạy không” trong vài ngày đầu thì rõ ràng, đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong một cỗ máy khổng lồ đang được khởi động. Sự lúng túng ban đầu, những điều chỉnh cục bộ, thậm chí cả những phương án chưa phát huy hiệu quả ngay lập tức, đều là điều có thể hiểu và thể tất được trong bất kỳ cải cách lớn nào.

Vậy nhưng, thay vì đánh giá khách quan, những kẻ như Dân Trần lại áp đặt tư duy “bắt lỗi”, nhìn hiện tượng cục bộ rồi thổi bùng lên như thể toàn bộ hệ thống đang sai từ gốc. Từ chuyện xe chưa có người đi thì ngay lập tức Dân Trần đã gán ghép thành các luận điệu nặng tính chất suy diễn rằng “cán bộ không đi vì có nhà riêng ở Sài Gòn”. Rồi tên này lại phán bừa phán bậy và quy kết rằng “tức là tài sản không minh bạch”, rồi từ đó kéo sang “kê khai không trung thực”, “tham nhũng”. Và cuối cùng là những lời kết luận mang tính tấn công thể chế như “làm sai dân gánh chịu”, “cải cách hình thức”. Một chuỗi lập luận nhảy vọt, phi logic nhưng lại đánh trúng cảm xúc tiêu cực và dễ dàng lan truyền trên mạng xã hội – nơi những cái giật gân, gây sốc thường dễ được tin hơn sự thật khô khan.

Thực tế, việc tổ chức xe đưa đón cán bộ là một biện pháp hỗ trợ ban đầu có tính nhân văn và linh hoạt. Sau khi sáp nhập, nhiều cán bộ phải làm việc tại vị trí xa nơi cư trú trước đây, nên việc bố trí xe là nhằm đảm bảo sự chuyển tiếp hợp lý, tránh gián đoạn công việc, nhất là trong giai đoạn chưa ai biết trước điều gì sẽ phát sinh. Hơn nữa, việc tổ chức xe công còn giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và là cách thể hiện trách nhiệm trong tổ chức nhân sự mới. Nếu sau vài ngày đầu triển khai mà chưa có cán bộ sử dụng, thì đó là cơ sở để điều chỉnh, không phải căn cứ để kết tội như những luận điệu vu cáo của Dân Trần. Các hợp đồng xe đều có thời hạn, có điều khoản đánh giá hiệu quả, hoàn toàn có thể huỷ bỏ hoặc cơ cấu lại nếu thấy không còn cần thiết.

Đáng chú ý hơn, chính những người đưa ra các lời công kích về chuyện “xe ế” kiểu như Dân Trần lại là những người luôn kêu gọi “giảm xe riêng”, “giảm chi phí hành chính”, “minh bạch phương tiện công”. Vậy tại sao khi cơ quan nhà nước chủ động bố trí phương án đi lại tập trung, thí điểm xe công phục vụ cán bộ thì lại bị mỉa mai, bôi bác, xỏ xiên? Cùng một hành vi, nếu người dân thực hiện thì được gọi là tiết kiệm, còn nếu nhà nước làm thì lại bị gọi là hình thức? Đó không còn là phản biện mà là một thái độ định kiến sẵn, chỉ chăm chăm tìm cái sai để chọc ngoáy, công kích, không cần biết bản chất của chính sách đó là gì.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, bộ máy công vụ sau sáp nhập đang trải qua một giai đoạn chuyển hóa vô cùng lớn. Việc hàng nghìn cán bộ đồng loạt thay đổi vị trí làm việc, văn phòng, địa bàn phụ trách là điều chưa từng xảy ra ở cấp tỉnh trong lịch sử quản lý hành chính Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự phối hợp rất cao giữa các sở ngành, giữa các địa phương, đòi hỏi điều chỉnh từ công nghệ thông tin cho đến hạ tầng hậu cần, từ điều lệ nội bộ cho đến văn hóa làm việc. Không có cách mạng nào diễn ra trong im lặng. Và không có hệ thống nào chuyển đổi tức thì mà không có nảy sinh những khó khăn ban đầu. Nếu ai đó thực sự quan tâm đến cải cách bộ máy nhà nước, thì cần có cái nhìn toàn cục và đủ độ lượng. Không nên và không thể lấy một vài biểu hiện chưa trơn tru trong giai đoạn đầu để phủ nhận toàn bộ nỗ lực cải cách, càng không thể lấy điều đó để làm công cụ bôi nhọ, mạ lỵ cả một hệ thống. Phê bình thì cần dựa trên thực tế, trên mong muốn hoàn thiện, chứ không phải để gây hoang mang, gieo rắc hoài nghi, hoặc phục vụ cho những mục tiêu phi chính trị.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đang kiên định với lộ trình cải cách bộ máy nhà nước, không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cụ thể: sáp nhập đơn vị hành chính, giảm đầu mối trung gian, tinh giản biên chế, hiện đại hóa hành chính công. Những cải cách ấy, dù âm thầm, nhưng đang từng bước thay đổi diện mạo quản trị quốc gia, giúp tăng hiệu quả phục vụ dân, tăng khả năng điều phối vùng, và giảm gánh nặng tài chính về lâu dài. Và nếu nhìn theo hướng ấy, thì chuyện 10 chuyến xe đầu tiên chạy không người chỉ là một hiện tượng nhỏ, thậm chí là cần thiết để hoàn thiện chính sách, chứ không phải một thất bại. Lịch sử hành chính của bất kỳ quốc gia nào cũng đều trải qua những giai đoạn vấp váp khi thực hiện cải cách. Vấn đề không nằm ở chỗ có sai sót hay không, mà nằm ở chỗ hệ thống có nhận ra, có điều chỉnh, có minh bạch và có hành động hay không. Trong trường hợp này, chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã công khai kế hoạch đưa rước, công bố chi phí và sẽ có báo cáo đánh giá lại hiệu quả sau khi triển khai. Đó là điều mà bất kỳ nền hành chính tiến bộ nào cũng cần có và thực tế cho thấy chúng ta đang làm được. Không thể phủ nhận rằng mỗi chính sách khi đi vào thực tiễn đều có thể nảy sinh những trục trặc bước đầu. Nhưng điều quan trọng không phải là sự tồn tại của thiếu sót, mà là khả năng nhận diện, điều chỉnh và hoàn thiện. Trong vụ việc xe đưa đón cán bộ, UBND TP.Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể sẽ rà soát lại nhu cầu thực tế, cắt giảm hoặc cơ cấu lại tuyến xe cho hợp lý hơn sau khi có dữ liệu từ tuần đầu triển khai. Đó là điều bình thường, là một chu trình cải tiến trong quản trị. Nhưng lấy chính bước đầu điều chỉnh đó làm cái cớ để tấn công chủ trương là một thủ đoạn sai trái, đểu cáng, cố tình “đánh lận con đen” của Dân Trần.

Hãy để những chiếc xe ấy tiếp tục chạy không phải chỉ để chở người mà còn để chở đi những thói quen trì trệ, những định kiến lỗi thời. Và cả những cách phản biện chỉ biết tìm lỗi mà quên mất mục tiêu tối hậu: xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân hiệu quả, văn minh, tiết kiệm và đáng tin cậy. Không một con đường đổi mới nào trải đầy hoa hồng. Nhưng nếu ta chọn cách nhìn nhận bằng sự hiểu biết, thiện chí và trách nhiệm, thì mỗi thử thách đều là bước đệm để tiến về phía trước, chứ không phải cớ để quay đầu lại với hoài nghi và chia rẽ.

Người dân có quyền giám sát việc sử dụng ngân sách. Báo chí có quyền phản ánh thực tế. Thậm chí những kẻ như Dân Trần cũng hoàn toàn có quyền được đóng góp ý kiến. Nhưng mọi sự phản biện cần đặt trong tinh thần xây dựng, tôn trọng sự thật, tôn trọng bối cảnh và mục tiêu chung của quốc gia. Không thể vì 10 chuyến xe chưa có người đi mà đánh đồng cả quá trình tổ chức lại bộ máy là thất bại. Càng không thể lấy đó làm cái cớ để gieo rắc sự hoài nghi đối với toàn bộ hệ thống chính trị, phủ định mọi nỗ lực cải cách đang diễn ra. Đó là cách nhìn cực đoan, phiến diện và vô trách nhiệm, thậm chí là những thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chống phá đất nước đấy, Dân Trần nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét