Tháng Mười Hai 30, 2024
Xung quanh bài viết “Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của Tô Lâm sẽ thành công hay thất bại?”
Thanh Tâm
Tin tức về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị trên các phương tiện thông tin truyền thông, các trang mạng xã hội là thông tin chủ đạo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong nước, cũng như ngoài nước thời gian gần đây. Trên VOA, 29/12/2024, có bài “Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy’ của Tô Lâm sẽ thành công hay thất bại?” của Trần Đông A đã tao sự chú ý của dư luận xã hội.
Đồng tình phần nào với mở đầu của bài viết, “Thành công hay thất bại của cuộc cách mạng này sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa quyết tâm chính trị, chiến lược thực hiện và khả năng xử lý rủi ro. Nếu đảm bảo minh bạch và có phương pháp chuẩn, cuộc tinh giản sẽ là dấu mốc quan trọng. Ngược lại, đây có thể trở thành bài học đau đớn cho cải cách”. Tuy nhiên, “Chưa bao giờ các chỉ dấu thiếu nhất quán lại xuất hiện công khai vào thời điểm cuối năm…”!? Tác giả lý giải “Theo phương án sáp nhập, dự kiến Chính phủ chỉ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan… Con số dôi dư đưa ra là sẽ giảm 35 – 40% đầu mối, các tổ chức còn lại giảm tối thiểu 15%. Tổng biên chế hiện nay vào khoảng trên 2 triệu người. Nếu giảm theo tỷ lệ trên thì con số 100.000 ông Phó Thủ tướng thường trực (PTTg) Nguyễn Hòa Bình đưa ra chả thấm tháp vào đâu. Phải chăng vì thế, phát biểu của PTTg bị kéo xuống?”!?
Theo tác giả “Truyền thông quốc tế cũng đã nhanh chóng vào cuộc và cũng để lộ ra những đánh giá trái chiều về “cuộc cách mạng” của ông Tô Lâm”. Ông Leif Schneider, Giám đốc công ty Luật quốc tế Luther, bình luận với Reuters rằng “Trong một thời gian, các nhà đầu tư có thể gặp phải sự chậm trễ hoặc bất ổn khi các cấu trúc mới được thiết lập và dư âm của việc sáp nhập các cơ quan quản lý thượng tầng này lắng xuống”. Và một nhà ngoại giao phương Tây, tại Hà Nội nhận xét, “Hãy chuẩn bị đón nhận tình trạng tê liệt như một điều bình thường trong một thời gian,” đồng thời bình luận “cuộc tinh gọn này cũng có thể là cách để TBT Tô Lâm củng cố quyền lực”!? Tuy nhiên, tác giả “lờ đi” dự báo quan trọng của chính ông Leif Schneider, đã chia sẻ với Reuters, rằng “Nhưng triển vọng về dài hạn có thể tươi sáng hơn, Việt Nam có thể trở thành điểm đến thân thiện với nhà đầu tư hơn nếu cải cách hiệu quả”.
Tác giả nhân xét, “Song hành với ‘cuộc cách mạng tinh giản biên chế’, TBT Tô Lâm gần đây đã tăng cường cho kiểm tra, bắt giữ các quan chức ở tất cả các cấp, bao gồm cả các thành viên cấp cao của Bộ Chính trị và các bộ trong chính phủ…” và “Tác động lớn nhất của chiến dịch chống tham nhũng là các quan chức chính phủ không muốn làm việc nữa, họ không muốn ủng hộ, tạo điều kiện cho xã hội dân sự”!? Nhưng chính tác giả cũng phải thừa nhận, rằng “chiến dịch đã đưa Việt Nam từ vị trí 113 lên vị trí 83 về ‘Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng’”.
Hơn thế nữa, tác giả đã tự suy diễn, dự báo với chủ ý bôi nhọ, xuyên tạc, rằng “các nhóm lợi ích hoặc những cá nhân bị loại bỏ bởi việc sắp xếp lại bộ máy có thể là lực cản lớn đối với cải cách. Sự phản kháng này không chỉ xuất phát từ tâm lý e ngại mất quyền lợi, mà còn từ việc thiếu niềm tin vào khả năng thực hiện một tiến trình quá sâu rộng nhưng dục tốc… Việc hợp nhất hoặc xóa bỏ các cơ quan có thể dẫn đến tình trạng chồng chéo, mất kết nối trong giai đoạn đầu. Việc tinh gọn bộ máy, do đó, dễ đi kèm theo nguy cơ “tê liệt cục bộ”… dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng và cộng đồng quốc tế.”!?
Trước tiên, phải khẳng định rằng, cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Mục tiêu của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Quá trình này sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan chức năng đã lường trước tình hình, cảnh báo và chỉ ra những khó khăn, thách thức của cuộc cách mạng này, về: (1) Thách thức về mặt tổ chức là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị hiện nay đang diễn ra khá phổ biến. Việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc… đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng trùng lặp, lãng phí. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm cao, vượt qua lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… (2) Từ sức ép của bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ một bộ phận cán bộ, cũng như khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến tâm lý, quyền lợi của cán bộ, công chức. Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, việc tinh gọn nhân sự có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội. (3) Thách thức về mặt văn hóa và tư duy. Tâm lý e ngại thay đổi, tư duy “an phận”, sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan vốn có tính ổn định cao. Cần thay đổi tư duy cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, cản trở quá trình tinh gọn bộ máy. (4) Thách thức về chính sách. Các quy định cụ thể vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, cần tập trung thay đổi tư duy, văn hóa làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thực sự “trung thành, trách nhiệm, liêm chính, mẫu mực, tận tụy, phục vụ nhân dân”, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát vọng cống hiến và sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của thời đại mới.
Việc xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả và minh bạch… cần phải đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn, đánh giá cao và kỳ vọng vào sự đột phá mạnh mẽ của nhân dân và dư luận quốc tế. Do đó, trên tất cả, cần sự thống nhất nhận thức, hành động, quyết tâm chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị sẽ là yếu tố then chốt để vượt qua những rào cản, hiện thực hóa mục tiêu này. Tác giả nên nhớ rằng, việc đánh giá sự thành công của cuộc cách mạng tinh giản bộ máy là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp nhiều phương pháp và quan sát môt số chỉ dấu, chỉ tiêu. Cụ thể, như: (1) chỉ dấu về hiệu quả Hoạt động gồm: Năng suất lao động; Chi phí hoạt động; Chất lượng dịch vụ công; Thời gian giải quyết thủ tục hành chính. (2) Chỉ dấu về Tổ chức Bộ máy, gồm: Cơ cấu tổ chức; Số lượng cán bộ, công chức; Phân công công việc; Sử dụng công nghệ. (3) Chỉ dấu về Ý thức của Cán bộ, Công chức, gồm: Tinh thần trách nhiệm; Năng lực làm việc; Sáng tạo. (4) Chỉ dấu về Sự Hài lòng của Nhân dân, gồm: Khảo sát ý kiến; Phản ánh; Sự tin tưởng của nhân dân đối với bộ máy nhà nước. (5) Một số Chỉ dấu Cảnh báo, gồm: Giảm hiệu quả; Tăng chi phí; Thay đổi nhân sự; Phản ứng tiêu cực… Cho dù cố tình nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đâu, nhưng chính Trần Đông A cũng phải thấy rõ và thừa nhận về sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Tổng bí thư Tô Lâm trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị hiện nay. Rằng “Theo chính TBT Tô Lâm, nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay, điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện, nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. “Đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức”, TBT nói và nhận định, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản… nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí có cả những lực cản quyết liệt. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u” – TBT đề nghị các cấp, các ngành phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị”, TBT chốt hạ”. Hy vọng với bản lĩnh, phẩm chất của nhà khoa học, Trần Đông A sẽ có cái nhìn chính nghĩa, khách quan, khoa học, phản ánh trung thực hơn nữa về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị hiện nay, góp phần bác bỏ, đẩy lùi các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch./.