QĐND - Trong thời đại thông tin bùng nổ, việc
quản lý, kiểm soát thông tin nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc, cũng như
bảo đảm quyền, lợi ích thông tin hợp pháp, chính đáng của công dân là xu hướng
tất yếu của xã hội văn minh và là trách nhiệm chính trị của mỗi quốc gia. Việt
Nam cũng nằm trong dòng chảy chính của thế giới, luôn quan tâm bảo đảm quyền
lợi thông tin chính đáng của công dân.
Công
dân có quyền chia sẻ thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư
số 09/2014/TT-BTTTT quy định về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin
trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Việc ban hành thông tư này là cần
thiết nhằm giúp cho các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện tốt Nghị định
số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet
và thông tin trên mạng.
Thông tư có nhiều điểm mới, thể hiện rõ quan điểm,
chính sách nhất quán của Nhà nước ta trước sau như một là bảo đảm quyền tự do
ngôn luận, tự do thông tin của công dân trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, vì lợi
ích của quốc gia dân tộc và sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì
những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng và phẩm giá tốt đẹp của con người. Bên
cạnh những trang thông tin cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước,
thông tư đã quy định 5 trang thông tin điện tử không phải cấp phép, đó là:
Trang thông tin điện tử nội bộ, Trang thông tin điện tử cá nhân, Trang thông
tin điện tử ứng dụng chuyên ngành (theo Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP), Trang
thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (theo Điều 10 Nghị
định số 43/2011/NĐ-CP), Trang thông tin diễn đàn nội bộ.
Thông tư khẳng định: Mọi cá nhân có quyền chia sẻ
những thông tin, nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của
Nhà nước, tổ chức và công dân và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội
dung các thông tin được đăng tải, chia sẻ. Mặt khác, việc chia sẻ thông tin đó
là của riêng cá nhân, chứ không được tự ý cung cấp những thông tin tổng hợp như
trang thông tin tổng hợp của các tổ chức có tư cách pháp nhân. Quy định này
nhằm phòng ngừa những trường hợp lợi dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử
cá nhân để đưa ra những thông tin độc hại, làm ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mĩ
lành mạnh của số đông công chúng và tác động xấu đến dư luận xã hội.
Tự
do chia sẻ thông tin, tuân thủ luật pháp
Khi nói đến thông tin cá nhân, nên hiểu ở hai góc
độ: Thông tin riêng tư của cá nhân chỉ có giá trị, ý nghĩa với cá nhân sử dụng
thông tin đó; Thông tin của cá nhân nhưng có quan hệ, ảnh hưởng mật thiết đến
cá nhân khác, cộng đồng và xã hội. Việc tôn trọng quyền chia sẻ thông tin cá
nhân thực chất là tôn trọng những thông tin về tâm tư, tình cảm, sở thích, niềm
tin, tín ngưỡng, hoài bão, ước mơ, khát vọng và quyền, lợi ích chính đáng của
cá nhân phù hợp với đạo đức xã hội, pháp luật Nhà nước và những quy định chung
của cộng đồng.
Tuy nhiên, dù chia sẻ, bày tỏ, thể hiện quyền thông
tin cá nhân như thế nào cũng không được vi phạm vào những điều cấm đã được quy
định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đó là: Chống lại Đảng,
Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại
khối đại đoàn kết dân tộc; Tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, gây hận thù, mâu
thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy,
tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân
tộc; Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại;
Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá
nhân; Truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật
xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Việc đưa ra quy định trên là hết sức cần thiết, phù
hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu, mong muốn và lợi ích chung của đại
đa số nhân dân. Bởi vì thời gian qua, không ít kẻ lợi dụng “quyền thông tin cá
nhân” để thực hiện những ý đồ xấu. Chẳng hạn như, lợi dụng tình hình phức tạp ở
Biển Đông, một số kẻ đã lên mạng xã hội, sử dụng facebook kêu gọi người dân
xuống đường biểu tình trái pháp luật, mà thực chất là muốn chống phá chế độ,
làm suy yếu đất nước. Hay như có kẻ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận
người dân ở những địa phương phức tạp về giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai,
để lên mạng “hô hào, hiệu triệu” bà con tụ tập khiếu kiện đông người, gây áp
lực với chính quyền, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Lại có những
“nhà dân chủ” lên mạng “kêu gào” người khác nhập vào “Hội độc lập X”, “Đoàn độc
lập Y”, “Tổ chức dân chủ Z”... mà thực chất đó là những tổ chức vi phạm pháp
luật, không có giá trị trong thực tiễn. Ngang nhiên, trắng trợn hơn, có kẻ đã
tự ý lập ra những trang website mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
ban, bộ, ngành Trung ương, mà thực chất là giả mạo chức vụ cá nhân để phát tán
những thông tin thật-giả, đúng- sai, phải-trái... rất mù mờ, lẫn lộn nhằm gây
rối thông tin và làm nhiễu dư luận xã hội...
Ngăn
ngừa thông tin độc hại trên mạng là xu hướng chung của thế giới
Trong xã hội thông tin bùng nổ, việc quản lý, kiểm
soát thông tin nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc, cũng như bảo đảm
quyền, lợi ích thông tin hợp pháp, chính đáng của công dân là xu hướng tất yếu
của một xã hội văn minh và là trách nhiệm chính trị của mỗi quốc gia. Đối với
các nước phát triển, việc này càng được xem trọng.
Trung Quốc đã ban hành quy định nhằm ngăn ngừa tình
trạng lan truyền tin đồn, thông tin sai sự thật trên mạng và đưa ra chế tài xử
lý thích đáng đối với những nội dung thông tin kích động xung đột sắc tộc, tôn
giáo, phá hoại hình ảnh quốc gia hoặc “gây tác động quốc tế không tốt”. Cục
Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thành lập “Trung tâm hỗ trợ truyền thông nội
địa” có nhiệm vụ phát triển các công nghệ có khả năng kiểm soát thông tin trên
internet và các liên lạc bằng điện thoại di động nhằm tăng cường, quản lý an
ninh nội địa hiệu quả hơn. Chính phủ Anh cũng đã công bố dự thảo kế hoạch giám
sát thông tin, thư điện tử trên internet và mạng điện thoại nhằm ngăn ngừa các
thông tin chống đối chính quyền. Chính phủ Ấn Độ đã có lệnh cấm và xử phạt rất
nghiêm khắc đối với các trang web có nội dung thông tin, hình ảnh khiêu dâm,
đồi trụy. Chính phủ Hàn Quốc cũng từng đóng cửa rất nhiều website có nội dung
liên quan đến phản đối việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và những vấn đề nhạy cảm
liên quan đến quốc phòng-an ninh quốc gia…
Thừa nhận những tiện ích mà internet mang lại cho
con người và thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhưng phần lớn các quốc gia trên thế giới
ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những hệ lụy, hậu họa khôn lường từ việc đưa
thông tin sai, thông tin “bẩn” trên “không gian ảo”. Chính vì vậy, cùng với
việc khuyến cáo người dân thể hiện quyền tự do thông tin trong khuôn khổ pháp
luật, các nước đã tăng cường những biện pháp thích hợp nhằm cảnh báo, quản lý,
siết chặt các nội dung thông tin có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, bôi
nhọ văn hóa truyền thống dân tộc và ngăn ngừa những thông tin trên mạng liên
quan đến tội phạm, khủng bố, khiêu dâm và làm suy đồi đạo đức xã hội, nhân phẩm
của con người.
Đối với Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị định
72/2013/NĐ-CP và mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số
09/2014/TT-BTTTT quy định về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin
trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, cũng không ngoài mục đích hướng
tới bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cho công dân ngày càng tốt
hơn, đồng thời tạo hành lang pháp lý cần thiết để góp phần ngăn ngừa, giảm tối
đa những thông tin độc hại, đồi trụy từ internet, xây dựng môi trường thông tin
lành mạnh cho xã hội.
THIỆN
VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét