Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng chống "Diễn biến hòa bình"

Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn Tây Nguyên cơ bản ổn định trên khu vực biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền kích động vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là bọn phản động FULRO trên địa bàn lôi kéo, lừa bịp một bộ phận người dân tộc thiểu số vượt biên để thực hiện âm mưu thành lập cái gọi là nhà nước "Đề ga độc lập" trên đất Cam-pu-chia làm lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam lâu dài.
Cán bộ Đồn BP Sa Loong tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc tại thôn Giăng Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Lê Đồng
Bằng nhiều thủ đoạn, các lực lượng phản động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước ta dành cho khu vực Tây Nguyên. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hòng gây sự hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào.

Chúng còn lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập gây rối, biểu tình hoặc khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân tộc với người Kinh để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những "ngòi nổ" để kích động tư tưởng ly khai.
Trong khi đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thông tin, chưa hiểu đúng tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó, có chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo. Một bộ phận chức sắc tôn giáo và giáo dân chưa nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bản chất phản động của FULRO và tổ chức Đề ga, nên bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động gây rối an ninh trật tự làm tổn hại đến lợi ích dân tộc và cách mạng.
ình hình trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang phải thực hiện tốt hơn nữa công tác quốc phòng, an ninh, đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối và thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch; đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển nhanh và bền vững ở Tây Nguyên. Trong đó, "Phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, buôn, bon trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" được xác định là một biện pháp then chốt.
Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn biên giới Tây Nguyên, các già làng, trưởng thôn buôn, bon được ví  như "những cây xà nu giữa đại ngàn". Qua thống kê sơ bộ, địa bàn Tây Nguyên có trên 3 vạn già làng, trưởng thôn, bon và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 254 già làng, trưởng thôn, bon trực tiếp ở các xã biên giới tiếp giáp với Cam-pu-chia và Lào.
Nhiều người là trưởng dòng họ, trưởng tộc và đảm nhiệm các vị trí trong Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Do vậy, tiếng nói và sự mẫu mực của già làng, trưởng thôn, buôn có tác dụng rất lớn đối với nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong phong trào  quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Theo Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP, các đơn vị trong  BĐBP đã quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát huy vai trò người có uy tín cũng chính là củng cố trung tâm đoàn kết tại các cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Tại địa bàn Tây Nguyên, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đồn BP ký kết chương trình phối hợp với các ngành ở địa phương, xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền, công an, MTTQ các cấp xuống từng địa bàn, đến từng khu dân cư gặp gỡ những người có uy tín, để vận động, bồi dưỡng, xây dựng được hàng nghìn người thực sự có uy tín tại địa bàn biên giới.
Thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị, quốc phòng, pháp luật, các buổi gặp mặt động viên thường xuyên, các đồn BP đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho già làng, trưởng thôn, buôn, bon và người có uy tín trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ này đã thực sự trở thành cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, nhất là trong công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giúp đồng bào nhận rõ bản chất phản động của FULRO và "Tin lành Đề ga" để nâng cao cảnh giác, không bị lợi dụng, không nghe theo kẻ xấu.
Nhiều thôn, buôn đã kịp thời phát hiện, cô lập những phần tử chống phá và thông tin kịp thời với cơ quan chức năng địa phương để có biện pháp xử lý thích đáng. Nhờ đội ngũ người có uy tín, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các tà đạo "Hà Mòn", "Pháp Luân công" và cảnh tỉnh hiện tượng mê tín dị đoan đang tìm cách lén lút xâm nhập vào các khu dân cư, gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Qua phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai kịp thời và đạt được những kết quả tích cực. Tình trạng vi phạm quy chế biên giới, hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép, buôn lậu trong những năm gần đây cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, tội phạm xã hội nghiêm trọng ít xảy ra, xóa bỏ hoàn toàn những "điểm nóng" xung đột dân tộc, tôn giáo trên địa bàn biên giới.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, có 74 già làng, người uy tín trên địa bàn biên giới Tây Nguyên được các bộ, ngành Trung ương biểu dương, tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đi đầu trong vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải kể tới các già làng Y Kông H Wyng (buôn DGiang Pôk, xã Krong Na), Y Nhi Rya (thôn Buôn Đôn, xã Krong Na), Hà Văn Vương (thôn 12, xã YaRVê) ở tỉnh Đăk Lắk; Y Dăm (bon Bu Đắk, xã Thuận An), Điểu N Drăng (bon Bu Sop, xã Quảng Trực) ở tỉnh Đắk Nông; A Tôi (thôn Đắk Ung, xã Đắk Nhoong), Mạc Giế Mơn (thôn Đắk Ba, xã Đắk Dục) ở tỉnh Kon Tum; Siu Đach (thôn trưởng Mok Đen 1, xã Ia Dom), Rơ Chăm Trom (làng Bua, xã Ia Pnok) ở tỉnh Gia Lai...
Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên, âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc chống phá nhiều mặt của bọn phản động là không thay đổi. Song âm mưu của chúng sẽ thất bại, nếu chúng ta duy trì và củng cố sự bền vững của khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Long Ngũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét